QUÁN SÁT BA TRẠNG THÁI: SINH KHỞI, TỒN SINH VÀ HOẠI DIỆT (Tam Tướng-三相: Sinh-生, Trụ-住, Diệt-滅)
1
若生是有為
則應有三相
若生是無為
何名有為相
7.1
Nếu Sinh Khởi là cái gì có tương tác (Hữu Vi-有為) thì nó hẳn phải có ba trạng thái (Sinh Khởi, Tồn Sinh và Hoại Diệt).
Nếu Sinh Khởi là cái gì không tương tác (Vô Vi-無為), thì sao lại gọi nó là một cái có tương tác (Hữu Vi-有為.
2
三相若聚散
不能有所相
云何於一處
一時有三相
7.2
Nếu ba trạng thái này họp nhau lại, hoặc lìa hẳn nhau,
Thì mỗi trạng thái tự nó không thể có tính cách vốn có của nó nữa.
Vậy thì, làm sao trong cùng một lúc, một nơi:
Lại có cả ba tính cách (Sinh Khởi, Tồn Sinh và Hoại Diệt) ấy?
3
若謂生住滅
更有有為相
是即為無窮
無即非有為
7.3
Nếu cho rằng: Sinh Khởi, Tồn Sinh và Hoại Diệt,
Là những trạng thái có tính tương tác (Hữu Vi Tướng-有為相),
Thì hẳn chúng sẽ tương tác nhau thành một chuỗi mắc xích vô tận.
Nếu không, thì chúng không thuộc quá trình tương tác.
4
生生之所生
生於彼本生
本生之所生
還生於生生
7.4 (Nếu chúng tương tác nhau vô tận, thì:)
Chỗ khởi sinh sinh khởi của cái khởi sinh này,
Lại được sỉnh khởi từ chỗ bắt đầu khởi sinh cái sinh khởi kia,
Chỗ bắt đầu khởi sinh cái sinh khởi kia,
Lại khởi sinh ra sinh khởi khởi sinh vô tận.*
______*Sinh sinh chi sở sinh, Sinh ư bỉ bổn sinh, Bổn sinh chi sở sinh, hoàn sinh ư sinh sinh". Trong bài kệ 20 âm tiết này, Cưu Ma La Thập đã dùng tới 10 chữ "Sinh-生"! Trên thế giới làm gì có áng văn chương nào như thế nhỉ? Cưu Ma La Thập là người thích nghịch đủa chăng? Lẽ đâu lại đem kinh kệ ra mà đùa như thế? Văn chương như vầy, thì dù cho người không đọc được chữ Hán, hay dù có uyên bác chữ Hán đến tận xương, cũng đều bối rối như nhau. Nhưng mà người không đọc được chữ Hán thì có lẽ có lợi thế hơn: vì cứ đọc mà không cần hiểu 20 âm tiết trên, với chữ "Sinh" lập đi lập lại đều đều như thế, đọc mãi vài chục lần (thậm chí vài trăm lần, hay hơn nữa), một lúc nào đó, người đọc cảm "thấy" tâm thức của mình cũng giống hệt như thế: nó cứ "sinh" hoài "sinh" mãi không thôi...Lúc ấy thì mới biết được Cưu Ma La Thập không đùa, mà ông cũng không chỉ dịch ý của Nagarjuna, ông còn chuyển cả những âm "a"- "à" đều đều trầm trâm trong tiếng Phạn ra tiếng Hán, ông không chỉ "viết" chữ với ngữ nghĩa, mà còn dùng âm tiết để "vẽ" ra một quá trình tâm thức sinh diệt vô tận...
Không, trên thế giới còn có một thứ văn chương cũng không kém phần "nghịch ngợm" (có lẽ còn gấp đôi Cưu Ma La Thập!), cũng bằng chữ Hán, bài kệ 20 chữ , của thiền sư Vô Môn: "Vô Vô Vô Vô Vô, Vô Vô Vô Vô Vô, Vô Vô Vô Vô Vô, Vô Vô Vô Vô Vô". Ông Vô Môn này thì không thích "vẽ", mà thích "thở": thở ra cũng "Vô", thở vào cũng "Vô"... Cứ thở như thế hết ngày này qua tháng nọ (không biết bao nhiêu vạn lần)...cho đến khi nào toàn thân cũng là "Vô", toàn tâm cũng là "Vô"...
"Kệ-偈" ở đây cốt để "tụng" nhiều hơn là "đọc", ý nghĩa của nó cốt để "gợi" nhiều hơn là "tả" theo cách miêu tả hay thuật trình (report). Với tính cách "gợi" này, nó chỉ "điểm" (như điểm một tiếng chuông, hay tiếng gõ) vào tâm thức người ta một ý hướng (có thể lập đi lập lại nhiều lần, càng nhiều càng hay), cho đến khi nào tâm thức tự nó mở ra... Nhiều khi nó không muốn cho người ta lý giải một cách dễ dàng với một "ý nghĩa" (sense-cũng là "cảm giác") nhất định nào đó, nó không muốn tạo ra một cái cớ để lý tính tựa vào như là một tri thức. Ngược lại, nó muốn khuyấy lên cả toàn bộ tâm thức con người, cả những phần tiềm tàng sâu kín nhất mà con người ta không thể tự "biết"-Thức-識 được.
_______
5
若謂是生生
能生於本生
生生從本生
何能生本生
7.5
Nếu cho rằng: cái vòng khởi sinh sinh khởi vô tận ấy
Được khởi sinh ra từ một cái Sinh Khởi Đầu Tiên,
Từ cái sinh khởi đầu tiên ấy mà sinh khởi khởi sinh vô tận,
Vậy thì cái gì có khả năng sinh ra cái Sinh Khởi Đầu Tiên ấy?
______*"Vậy thì cái gì có khả năng sinh ra cái Sinh Khởi Đầu Tiên ấy?-Hà năng sinh bổn sinh-何能生本生", như đã chú thích ở phẩm thứ 2 về Chuyển Động, ở đây chúng ta lại gặp được chỗ giao thoa giữa hai dòng tư tưởng của Nagarjuna và Aristote. Ở Tứ Đại Nguyên Nhân luận của Aristote, ông tìm cách truy nguyên đến tận nguồn gốc khởi sinh của vũ trụ, cái mà ông gọi là Nguyên Nhân Đầu Tiên, cũng tức là cái Động Bất Động, là cái gì vốn không hề chuyển (hóa biến dịch) và không hề động, nhưng nó lại là nguyên nhân cho tất cả những chuyển và động vô tận. Aristote dừng lại ở điểm này, vì cho rằng tri năng của con người chỉ có thể đến đó thôi. Sau Hy lạp cổ đại, một thời gian dài tử La Mã cổ đại, cả thời Trung Cổ cho đến cận đại và cả hiện đại, người ta thường diễn giải Aristote lệch sang một chiều hương khác: Nguyên Nhân Đầu Tiên đó chính là Thượng Đế, kẻ sáng tạo vạn hữu trong bảy ngày, và luôn luôn tìm cách minh chứng điều đó. Mãi đến tận gần đây, S. Hawking mới chứng minh cụ thể cho người ta thấy điều ngược lại, rằng: Vũ Trụ vốn không hề có giới hạn trong không gian, cũng không hề có hạn định nào trong thời gian, và "Thượng Đế" chẳng hề có việc gì để làm ở đây cả... Từ điểm này có chỗ khác nhau giữa Nagarjuna và Aristote, Đông và Tây, Pháp giới và Thế Gian giới, Tri Thức như là mục đích và Giác Ngộ như là cứu cánh tối hậu... Ở Nagarjuna, ông không dừng lại ở điểm của "Cái Sinh Khởi Đầu Tiên" có vẻ thần bí đó, luận lý của ông đuổi nó chạy tiếp: "Vậy thì cái gì có khả năng sinh ra cái Sinh Khởi Đầu Tiên ấy?" rồi lại truy đuổi tiếp nữa... Nếu Aristote truy đuổi nguyên-nhân-của-tồn-tại chạy theo đường thẳng, cho đến "ngõ cụt" và dừng lại; thì Nagarjuna truy đuổi bủa vây từ cả bốn phía, không chừa khe hở nào luận lý thoát ra được, ông tóm trọn ổ không để sót một cái gì cho tư tưởng có điểm tựa để bám vào ... Ông triệt phá tất cả mọi lý do, cho đến khi nào chẳng còn gì nữa, còn chăng, có lẽ chỉ có khoảng không mênh mông vô cùng tận và tịch liêu cũng vô cùng tận, mà đó chẳng phải là hình ành về "Thượng Đế" như con người đã vẽ ra một cách sáng lạn đến chói mắt, mà giản khiết chỉ là cái sự thật vô hạn trong mỗi một con người._______
6
若謂是本生
能生於生生
本生從彼生
何能生生生
7.6
Nếu cho rằng: Chính cái Sinh Khởi Đầu Tiên ấy,
Có khả năng khởi sinh ra sinh khởi vô tận,
Cái Khởi Sinh Đầu Tiên ấy lại sinh ra từ một cái gì kia khác nữa,
Vậy thì cái-gì-nữa nữa lại có khả năng sinh khởi-khởi sinh hoài hoài như thế?
7
若生生生時
能生於本生
生生尚未有
何能生本生
7.7
Nếu: Chính tử trong cái vòng xoay sinh khởi khởi sinh vô tận ấy,
Cái Sinh Khởi Đầu Tiên được khởi sinh ra,
Thì vòng xoay sinh khởi khởi sinh vô tận ấy còn chưa được khởi sinh ra,
Lấy gì mà khởi sinh ra cái Sinh Khởi Đầu Tiên ấy?
8
若本生生時
能生於生生
本生尚未有
何能生生生
7.8
Nếu: Vòng xoáy sinh khởi vô tận ấy được khởi sinh ra
Ngay chính lúc Sinh Khởi Đầu Tiên khởi sinh,
Cái Sinh Khởi Đầu Tiên ấy còn chưa kịp sinh ra xong,
Thì lấy cái gì để khởi sinh ra vòng sinh khởi khởi sinh vô tận ấy?
9
如燈能自照
亦能照於彼
生法亦如是
自生亦生彼
7.9
(Nếu có người phản luận lại, cho rằng:)
Như ngọn đèn có khả năng tự chiếu chính nó
Cũng như có khả năng chiếu sáng những cái khác,
Đối tượng sinh khởi cũng giống như thế
Tự nó khởi sinh chính nó cũng như sinh khởi ra những cái khác.
10
燈中自無闇
住處亦無闇
破闇乃名照
無闇則無照
7.10
(Thì không thỏa đáng, vì:)
Ngọn đèn tự nó không hàm chứa bóng tối (cái khác nó),
Chỗ nào có đèn thì cũng không có bóng tối,
Chính vì phá tan bóng tối nên mới gọi là "chiếu sáng",
Nếu không có bóng tối thì nó không "chiếu sáng" một cái gì cả. (chỉ thuần nhất ánh sáng của nó thôi)
11
云何燈生時
而能破於闇
此燈初生時
不能及於闇
7.11
(Nếu phản luận lại, thì:)
Như thế nào mà lúc ánh sáng ngọn vừa mới khởi sinh ra,
Đã có khả năng phá tan đi bóng tối?
Vì lúc ánh sáng ngọn đèn vừa mới sinh ra,
Nó không thể đến ngay được bóng tối (vốn có một khoảng cách với nó)?
12
燈若未及闇
而能破闇者
燈在於此間
則破一切闇
7.12
(Phản chứng:)
Nếu như ánh đèn lúc chưa đến chỗ bóng tối (vốn có một khoảng cách với nó),
Mà có khả năng phá tan đi bóng tối,
Là chính vì ánh sáng ngọn đèn có thể từ một chỗ,
Cùng một lúc phá tan đi tất cả bóng tối ở mọi chỗ khác.
13
若燈能自照
亦能照於彼
闇亦應自闇
亦能闇於彼
7.13
Nếu ngọn đèn có khả năng tự soi sáng chính nó,
Cũng như sáng soi những cái khác,
Thì bóng tối cũng có khả năng tương tự:
Tự bao trùm chính nó, cũng như bao trùm những cái khác.
14
此生若未生
云何能自生
若生已自生
生已何用生
7.14
Một sinh khởi nếu chưa khởi sinh ra,
Thì làm sao có khả năng tự khởi sinh ra chính nó?
Và nếu cái sinh khởi đã tự khởi sinh chính nó rồi,
Thì còn cần chi đến sinh khởi nữa?
15
生非生已生
亦非未生生
生時亦不生
去來中已答
7.15
Sinh Khởi chẳng khởi sinh cái đã sinh ra,
Cũng không khởi sinh cái chưa sinh ra.
Đang lúc sinh khởi cũng không sinh ra cái gì,
Điều này đã được luận giải trong phẩm Chuyển+Động (Phẩm 2).
16
若謂生時生
是事已不成
云何眾緣合
爾時而得生
7.16
Nếu cho rằng: Sinh Khởi sinh hình thành vô điều kiện,
Việc này thì vốn không thể có được.
Vì: Làm sao phải hội đủ các điều kiện (Duyên-緣),
Thì lúc ấy mới có thể khởi sinh?
17
若法眾緣生
即是寂滅性
是故生生時
是二俱寂滅
7.17
Nếu: Mọi tồn tại đều do những điều kiện (Duyên-緣) khởi sinh ra,
Cũng tức là: Chúng rỗng không_không Tự tính (Tịch diệt tính-寂滅性),
Vậy thì: Lúc một cái khởi sinh ra một cái khác
Thì cả hai cái sinh khởi này cũng đều rỗng không.
18
若有未生法
說言有生者
此法先已有
更復何用生
7.18
Nếu có một cái gì đó chưa được khởi sinh,
Mà có thể nói chắc rằng: Nó phải được sinh ra,
Vậy thì: Nó vốn đã có từ trước khi sinh ra rồi,
Cần chi lại phải khởi sinh ra nó nữa?
19
若言生時生
是能有所生
何得更有生
而能生是生
7.19
Nếu nói rằng: Sinh khởi vốn tự nó khởi sinh (vô điều kiện),
Nghĩa là: Sinh khởi tự nó có khả năng khởi sinh.
Vậy thì làm sao sinh khởi có được cái-được-sinh-ra,
Để mà có thể khởi sinh cái-được-sinh-ra ấy.
20
若謂更有生
生生則無窮
離生生有生
法皆能自生
7.20
Nếu nói rằng: Sinh khởi vốn tự nó đã có cái-được-sinh-ra,
Thì Sinh khởi sẽ tự khởi sinh vô cùng tận.
Nếu lìa khỏi Sinh khởi, mà vẫn cứ sinh ra cái-được-sinh,
Thì mọi tồn tại cũng đều có khả năng tự sinh như thế.
21
有法不應生
無亦不應生
有無亦不生
此義先已說
7.21
Cái gì đã có thì chẳng cần sinh khởi làm chi,
Cái gì đã không có thì cũng chẳng cần chi đến sinh khởi,
Dù có, dù không có, đều không khởi sinh;
Nghĩa này đã được luận giải ở trên.__kệ 14, 15, 18
22
若諸法滅時
是時不應生
法若不滅者
終無有是事
7. 22
Nếu: Tất cả mọi tồn tại đều có lúc phải hoại diệt đi,
Thì lý do gì để phải khởi sinh nó ra?
Nếu mọi tồn tại đều bất diệt,
Nói cho cùng, không thể có việc ấy.
23
不住法不住
住法亦不住
住時亦不住
無生云何住
7.23
Những gì không tồn tại thì không tồn tại,
Những gì tồn tại cũng không có lý do gì để tồn tại,
Những gì đang tồn tại cũng không căn cứ để tiếp tục tồn tại,
Bởi lẽ: Có sinh khởi đâu để mà tồn tại?*
______*"Những gì không tồn tại thì không tồn tại, Những gì tồn tại cũng không có lý do gì để tồn tại", Hán văn: "Bất trụ pháp bất trụ, trụ pháp diệt bất trụ-不住法不住,住法亦不住", chữ "Trụ-住" với nghĩa: "thường hằng", "đang tồn tại", được chuyển sang Việt ngữ với nghĩa: "Tồn tại" nói chung để liên tục ý với những kệ trên. Phẩm này đang luận về Ba trạng thái của Tồn tại: Sinh, Tồn sinh (Trụ-住) và Diệt, nên chữ "Trụ-住" này cần được hạn định trong ý nghĩa: "Tồn sinh", "Tồn tại" (hơn là "Thường hằng" như ở những phẩm khác có ý nghĩa tương quan vời Thường "Trụ" luận).
24
若諸法滅時
是則不應住
法若不滅者
終無有是事
7.24
Nếu tất cả mọi tồn tại đều có lúc phải hoại diệt đi,
Thì hẳn không có lý do nào để nó tồn tại,
Nếu mọi tồn tại đều bất diệt,
Nói cho cùng, không thể có việc ấy.__lập lại ý của kệ 22
25
所有一切法
皆是老死相
終不見有法
離老死有住
7.25
Tất cả mọi "tồn tại" mà con người ta nhận thức được,
Đều mang tính chất Già và Chết. (Lão-老, Tử-死)
Rốt cùng, không thể thấy được một cái gì
"Tồn tại" mà có thể lìa khỏi Già và Chết.
26
住不自相住
亦不異相住
如生不自生
亦不異相生
7.26
Tồn tại không tự chính bản thân nó mà tồn tại,
Cũng không dựa vào cái khác nó mà tồn tại.
Cũng như sinh khởi không tự nó khởi sinh ra,
Cũng như không sinh khởi từ cái khác nó.
27
法已滅不滅
未滅亦不滅
滅時亦不滅
無生何有滅
7.27
Cái gì một khi đã hoại diệt, thì không diệt được nữa.
Khi nó chưa hoại diệt, thì cũng không diệt nó được.
Khi nó đang hoại diệt, thì cũng không thể diệt nó được.
Vốn chưa hề Sinh Khởi, thỉ làm sao Hoại Diệt?
28
法若有住者
是則不應滅
法若不住者
是亦不應滅
7.28
Một cái gì nếu có chỗ trụ vững,
Tất nhiên chỗ đó không tương ứng với hoại diệt.
Một cái gì nếu không có chỗ trụ vững,
Thì cũng chẳng có chỗ nào tương ứng để diệt hoại.
29
是法於是時
不於是時滅
是法於異時
不於異時滅
7.29
Một cái gì đang lúc nó tồn tại,
Thì đó chẳng phải là lúc có thể hoại diệt nó.
Một cái gì đang lúc nó không tồn tại,
Thì cũng chẳng phải là lúc có thể hoại diệt nó được.
30
如一切諸法
生相不可得
以無生相故
即亦無滅相
7.30
Tất cả mọi tồn tại trong vũ trụ đều như thế,
Không thể có được tính chất Sinh Khởi,
Bởi không hề có tính chất Sinh Khởi,
Thì tất nhiên cũng không hề có tính chất Hoại Diệt.
31
若法是有者
是即無有滅
不應於一法
而有有無相
7.31
Nếu tồn tại là cái gì vốn có,
Thì tất nhiên tự nó cũng không có tính cách hoại diệt,
Bởi: Trong một tồn tại duy nhất,
Không thể nào có cả hai tính cách: vừa tồn tại, vừa không tồn tại được.
32
若法是無者
是即無有滅
譬如第二頭
無故不可斷
7.32
Nếu tồn tại là cái gì vốn không có,
Tất nhiên: Không có gì để hoại diệt cả.
Ví dụ như cái đầu thứ hai,
Vốn không hề có, nên không thể chặt nó được.
33
法不自相滅
他相亦不滅
如自相不生
他相亦不生
7.33
Tồn tại, tự chính nó không có tính cách hoại diệt,
Cũng không thể hoại diệt những tính chất không phải của nó,
Cũng như tự nó vốn không hề sinh khởi,
Những tính cách không phải của nó cũng chẳng hề khởi sinh.
34
生住滅不成
故無有有為
有為法無故
何得有無為
7.34
Không thể thành lập được tính cách Sinh Khởi, Tồn Sinh và Hoại Diệt,
Vì vậy, cũng không thể có tương quan tương tác (Hữu Vi Pháp-有為法).
Những tương quan tương tác vốn đã không có,
Thì làm sao có được cái gì tương tác (Hữu Vi-有為)?
35
如幻亦如夢
如乾闥婆城
所說生住滅
其相亦如是
7.35
Nói về Sinh Khởi, Hoại Diệt, Sinh Tồn
Thâm sâu trong căn để của chúng
Như mộng, như ảo, như bọt, như bóng
Cũng như lầu các giữa không trung.