QUÁN TỒN TẠI VÀ KHÔNG TỒN TẠI (Hữu Vô-有無)
1
眾緣中有性
是事則不然
性從眾緣出
即名為作法
15.1
Nếu cho những cái gì có điểu kiện tạo tác (Duyên-眾) cũng có tự tính (Tính-性),
Thì điều này không thỏa đáng.
Vì nếu tự tính xuất phát từ những điều kiện tạo tác,
Thì phải gọi đó là cái-được-tạo-tác bởi điều kiện.
2
性若是作者
云何有此義
性名為無作
不待異法成
15.2
Nếu tự tính là cái gì được-tạo-tác,
Thì làm sao có được định nghĩa này:
Tự tính vốn được gọi tên như là cái không do tạo tác,
Nó không chờ đến cái gì khác nó mà thành.
3
法若無自性
云何有他性
自性於他性
亦名為他性
15.3
Nếu mọi tồn tại đều không có tự tính,
Thì làm sao có được tha tính?
Nếu tự tính có nhân tố tác tạo từ tha tính*,
Thì cũng phải gọi nó là tha tính.
______*Tha tính-他性": những tính chất được tạo tác từ tương quan tương tác ("Duyên-緣") với những cái khác. Cấu tạo chữ Hán của từ này cho phép có thể hiểu cả hai nghĩa nội hàm:
1. Tính chất không tự nó vốn có, mà được tạo tác ra từ những tương quan tương tác ("Duyên-緣"), hay do tập hợp những điều kiện nhận thức (Ngũ Ấm-) mà hình thành.
2. Thuộc tính ngẫu nhiên (accident): những tính chất không nằm trong bản thể vốn có của nó, có tính cách ngẫu nhiên.
Bài kệ này của Nagarjuna có ý nghĩa tương đồng lạ lùng với đoản thi sau của Empedocles (490?-430 trước CN):
"Chẳng có gì tự nó mang bản tính tự nhiên
Có chăng, chỉ là pha trộn và phân ly từ pha trộn
Và bản tính tự nhiên có chăng,
Chỉ là tên gọi con người ta gán chúng".
_"Nothing that is has a nature,
"But only mixing and parting of the mixed,
"And nature is but a name given them by men.
______
4
離自性他性
何得更有法
若有自他性
諸法則得成
15.4
Nếu tách rời tự tính và tha tính,
Thì làm sao có cái gì tồn tại được?
Nếu giả định có tự tính và tha tính,
Thì khái niệm về "Tồn tại" mới được thành lập*.
______*"Nếu giả định có tự tính và tha tính, Thì khái niệm về tồn tại mới được thành lập", Hán văn: "若有自他性,諸法則得成-Nhược hữu tự tha tính, chư pháp tắc đắc thành". Chữ "Nhược-若" ở đây bao hàm cả ý nghĩa "Nếu"( thuộc điều Kiện cách, conditional) và "Giả định"- giả thuyết (hypthesis). Ý nghĩa khả hữu của hai câu này hoàn toàn cho phép chúng ta hiểu nó theo quan điểm đương đại về khoa học: Tất cả tri thức khoa học về sự vật trong nền văn minh của chúng ta cũng đều được thành lập trên cơ sở của một Thực Tại Luận Có Tính Cách Giả Thuyết ( Hypothetischer Realismus). Quan điểm này xuất phát từ những thành tựu của khoa học Lượng tử, từ đó nó buộc người ta phải thẩm định lại toàn bộ quan điểm của Triết học Cận đại của phương Tây về "Sự vật tính" (Thingness), rằng: Những tri thức mà con người ta biết về chúng, không phải là tri thức về cái gì tồn tại khách quan (objects), mà cuối cùng, đó chỉ là những Giả Định (hay Giả Thiết, Giả Thuyết) do nhận thức con người đề ra. Lạ lùng thay, quan niệm đương đại này lại đã được Aristote thẩm định ngay từ điểm đầu của nền văn minh Châu Âu hơn hai ngàn năm trước, ông đinh nghĩa chữ "Nguyên-元-Archē":
"Archē là Chỗ Khởi Đầu của sự vật mà người ta xuất phát từ đó trước tiên. Ví như một con đường hay một sợi dây, nếu nhìn từ phía bên này thì bên này là chỗ khởi đầu, nếu nhìn từ phía bên kia, thì bên kia là chỗ khởi đầu".( Aristote, Siêu Hình Học-Metaphysica, cuốn 5)
('BEGINNING' means (1) that part of a thing from which one would start first, e.g a line or a road has a beginning in either of the contrary directions. Bản dịch tiếng Anh của W. D. Ross)______
5
有若不成者
無云何可成
因有有法故
有壞名為無
15.5
Nếu khái niệm về Tồn tại không được thành lập,
Thì làm sao có thể thành lập được khái niệm Không-Tồn tại?
Nhân vì đã có khái niệm về "Tồn tại",
Tồn tại bị hoại diệt, thì mới gọi là "Không-Tồn tại".
______
*Bản dịch của Cưu Ma La Thập dùng chữ "Vô-無" (Không-tồn tại), một số bản dịch tiếng Nhật dịch là "Phi-Tồn tại-非存在", điều này không đúng: ở đây "Vô-無" chỉ có ý nghĩa được hạn định là "Không-Vô-無": Không-Tồn tại, đối lập với nghĩa "Có-Hữu-有*: Tồn tại.______
6
若人見有無
見自性他性
如是則不見
佛法真實義
15.6
Nếu người ta mang sẵn định kiến về Tồn tại và Không-Tồn tại,
Thì cũng có định kiến về Tự tính và Tha tính,
Như thế thì không thể nào nhìn ra được
Áo nghĩa chân như thật tính của Phật pháp.
7
佛能滅有無
如化迦旃延
經中之所說
離有亦離無
15.7
Phật có thể tiêu diệt mọi định kiến về Tồn tại và Không-Tồn tại,
Như trong kinh đã có nói
Về việc Phật giáo hóa Ca Chiên Diên:
Hãy lìa bỏ định kiến cực đoan về "Có" cũng như "Không-Có".
_______*"Về việc Phật giáo hóa Ca Chiên Diên: Hãy lìa bỏ định kiến cực đoan về cái Tồn tại cũng như cái Không-Tồn tại". Có thể tìm thấy đoạn văn này trong kinh Tương Ứng Bộ:
""Tất cả là có", này Kaccàyana, là một cực đoan. "Tất cả là không có" là cực đoan thứ hai.
Xa lìa hai cực đoan ấy, này Kaccàyana, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo". (Kinh Tương Ứng Bộ, XV. Kaccàyanagotta: (Ca-chiên-diên Thị) (Tập 12.19 Đại 2,85c) HT Thích Minh Châu dịch"
8
若法實有性
後則不應異
性若有異相
是事終不然
15. 8
Nếu mọi tồn tại đều thực sự có tự tính,
Thì sau đó nó không hề đổi khác.
Nếu tự tính có quá trình đổi khác,
Thì việc này không hề thỏa đáng.
9
若法實有性
云何而可異
若法實無性
云何而可異
15.9
Nếu mọi tồn tại đều thực sự có tự tính,
Thì làm sao nó có thể biến đổi khác đi được?
Nếu mọi tồn tại đều thực sự không có tự tính,
Thì làm sao có thể biến đổi nó khác đi được?
10
定有則著常
定無則著斷
是故有智者
不應著有無
15.10
Khẳng định là "Có" thì vướng mắc vào Thường Trụ Luận,
Khẳng đinh là "Không" vướng mắc vào Đoạn Diệt Luận,
Vì thế nên người có tuệ trí
Thì không nên vướng mắc vào định kiến "Có" hay "Không".
______*"Thường Trụ luận":Quân niệm cho rằng: Mọi tồn tại đều có tự tính, không thể thay đổi. Điều này dẫn đến hệ luận tất yếu của nó là: Cái gì đã là, thì không thể thay đổi được khác đi được, cả thiện cả ác đều vĩnh viến, mọi nỗ lực của con người đều vô nghĩa, cuộc tồn sinh chỉ là cái gì thụ động buộc phải chấp nhận những cái vô nghĩa. Đây cũng là một loại Định mệnh luận: Tất cả đều đã được an bài trong số phận, không thể đổi khác được, việc con người ta có thể làm được chỉ là buông xuôi theo nó thôi.
"Đoạn Diệt Luận": Quan niệm cho rằng: Mọi tồn tại đều không có tự tính, mọi thứ đều không phải là chính nó, tôi không phải là tôi. Điều này dẫn đến hệ luận tất yếu của nó là: Không có gì đáng để tồn sinh cả, khi ý nghĩa chung cuộc của mọi thứ đều không có và chính bản thân của cuộc tồn sinh cũng là vô nghĩa, một loại Hư vô chủ nghĩa dẫn đến Khoái lạc chủ nghĩa. Thực tế Ân độ đương thời đã phát sinh ra Phái Duy Khoái-Lokàyakita) với chủ trương:
"Con người ta, là cái gì chỉ có thể đi đến tận cùng và kết thúc ở những giác quan và những phạm vi chi phối của chúng. Nàng hỡi, những gì mà các vị hiền thánh nói cũng chỉ như theo vết chân con sói thôi (thực ra không ai có thể biết con sói đó sự thực ở đâu cả), vậy thì, yêu kiều nàng hỡi, hãy ăn hãy uống cho say đi. Ngoài thân xác tuyệt vời của nàng ra, nàng hỡi, không có gì trác việt hơn được nữa. Nàng đáng sợ của ta, những gì đã trôi qua thì không thể nào thay đổi được nữa, ngay cả thân xác này, cũng chỉ là một tập hợp nhất thời (của các yếu tố vật chất (Tứ Đại) thôi" (Haribhadra, Saddarsanasamuccaya_"Lục Phái Triết Học Cương Yếu六派哲学綱要")
Xem chi tiết ở chú giải của Nguyệt Xứng, Minh Cú Luận (Phần 5, Thường Trụ luận và Đoạn Diệt luận), và Bát Nhã Đăng Luân, phần 7, của Thanh Biện______
11
若法有定性
非無則是常
先有而今無
是則為斷滅
15.11 (Bởi vì)
Nếu khẳng định mọi tồn tại đều có tự tính nhất định,
Thì là một cái cực đoan của Thường Trụ Luận: Mọi tồn tại đều vĩnh viễn như thế.
Nếu khẳng định mọi tồn tại đều trước có, sau không,
Thì lại là một cực đoan khác của Đoạn Diệt Luận: Mọi tồn tại rốt cuộc chẳng có gì cả.