Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

Chương VII: Chư Môn Phân Biệt

Trong sáu chương ở trên, chúng tôi đã khảo sát qua về mọi phương diện từ bản chất đến các yếu tố thành lập vạn hữu. Và cái kết quả của phối hợp các yếu tố đó chính là cái vũ trụ cụ thể này mà, trong thiên sau đây, sẽ là đề chúng tôi bàn đến. Nhưng trước khi đề cập vấn đề đó, vẫn còn có điểm liên quan đến yếu tố luận cần phải được thảo luận qua. Đó tức là phương pháp luận cứu của A-tỳ-đạt-ma được mệnh danh là “Phân biệt” hoặc là “Chư-môn-phân-biệt”.

Trong phương pháp luận cứu của A-tỳ-đạt-ma tuy có nhiều đặc trưng, nhưng cái đặc trưng nổi bậc nhất chính là ở cái gọi là “Chư môn phân biêt” này, và nếu xa lìa chư môn phân biệt thì có thể nói A-tỳ-đạt-ma sẽ mất ý nghĩa độc lập. Theo ý nghĩa ấy, Phật Âm đã nói về đặc chất của A-tỳ-đạt-ma như thế này:

“Trong Kinh, ngũ uẩn chỉ được thuyết minh một cách đại khái chứ không đi sâu vào chi tiết, còn A-tỳ-đạt-ma thì vì phân biệt kinh, phân biêt luận, phân biệt vấn đáp, nên ngũ uẩn đã được thuyết minh một cách đầy đủ”.

Cũng theo ý nghĩa ấy, Long Thụ trong Trí Độ luận, đã nói: “A-tỳ-đạt-ma là gì? – Là đối vấn mà đáp, hoàn toàn là hình thức liên quan đến “Chư-môn-phân-biệt”.

Trí-độ-luận quyển 2 nói: Như nói về ngũ giới thì: Cái nào có sắc? Cái nào vô sắc? Cái nào có thể thấy? Cái nào không thể thấy? cái nào hữu lậu? Cái nào vô lậu? Cái nào hữu vi? Cái nào vô vi? Cái nào hữu báo? Cái nào vô báo? Cái nào thiện? Cái nào bất thiện? Cái nào hữu chứng? Cái nào vô chứng? Như thế gọi là A-tỳ-đàm.

“Lại nữa, thất sử là: dục-nhiễm-sử, sân-huệ-sử, hữu-ái-sử, kiêu-mạn-sử, vô-minh-sử, kiến sử, nghi sử. Vậy trong thất sử đó, cái nào là dục giới hệ? Cái nào là sắc giới hệ? Cái nào là vô sắc giới hệ? Cái nào kiến đế đoạn? Cái nào tư duy đoạn? Cái nào kiến khổ đoạn? cái nào kiến tập đoạn? Cái nào kiến tận đoạn? Cái nào là biến sử? Cái nào là bất biến sử?”.

“Thập trí là: pháp trí, tỉ trí, thế trí, tha-tâm-trí, khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, tận trí, vô sinh trí. Vậy trong mười tri này, cái nào là hữu lậu? Cái nào vô lậu? Cái nào hữu vi? Cái nào vô vi? Cái nào hữu lậu duyên? Cái nào vô lậu duyên? Cái nào hữu vi duyên? Cái nào vô vi duyên? Cái nào dục giới duyên? Cái nào sắc giới duyên? Cái nào vô sắc giới duyên? Cái nào duyên không hệ lụi? Cái nào làm trở ngại trong việc tu đạo? Cái nào giải thoát trong việc tu đạo? Khi chứng tứ quả thì cái nào được? Cái nào mất? Tóm lại, phân biệt tất cả pháp như thế cũng gọi là A-tỳ-đàm” (Trí Độ luận quyển 2, Đại chính, 25, trang 70, thượng).

Nhưng có bao nhiêu loại tiêu chuẩn. về vấn đề này, trong các luận thư không có nhất định. Theo chỗ tôi biết, thi trong tỳ-bà-băng-già thuộc Nam phương luận bộ, có 47 loại tiêu chuẩn. Trong Xá-lợi-phất-A-tỳ-đàm luận thì có 40 loại (tham chiếu “A-tỳ-đạt-ma luận nghiên cứu”). Trong Câu xá luận thì phân biệt 18 giới lại lập ra 24 hay 25 bộ môn (quyển 3) thật không có nhất định. Ta có thể nói những tiêu chuẩn đó hoàn toàn dựa trên sự tiện lợi, và ngày nay ta có lập ra tiêu chuẩn mới để phân biệt cũng không trái với ý tứ của A-tỳ-đạt-ma. Do đó, có thể nói không có một tiêu chuẩn nhất định đặc biệt nào. Tuy nhiên, trong đó lại có một chủ ý nhất định, đây là một sự thật không thể bỏ qua. Tức là, trong đó trên đại thể, bao hàm cái tinh thần phán định tất cả theo lập trường tu dưỡng. 

Sau đây chúng tôi xin đưa ra một vài thí dụ.

Trước hết, là Tam-tinh-môn. Đây là ba loại tiêu chuẩn chiếu theo thiện, ác và vô ký mà phân biệt mọi vấn đề. Nghĩa là: “những yếu tố nào thuộc về thiện, những yếu tố nào thuộc về ác, và những yếu tố nào thuộc về vô ký (không thiện, không ác – trung lập)”, v.v… đây cũng là phương pháp muốn theo tiêu chuẩn đạo đức để thuyết minh cái tính chất của những yếu tố được đưa ra. Đương nhiên phương pháp này hàm ngụ cái ý lấy việc tưởng thưởng thiện, ức chế ác làm mục đích.

Thứ hai là Giới-hệ-môn. Đây là sự phân biệt muốn thuyết minh trong 18 giới, 22 căn, cho đến 5 uẩn có bao nhiêu thuộc về dục giới, bào nhiêu thuộc về sắc giới, và bao nhiêu thuộc về vô sắc giới? Bất luận là 22 căn hay 18 giới, tất cả đều là yếu tố quan lấy nhân gian làm tiêu chuẩn, cho nên, từ nhân gian trở lên sắc giới và sắc giới thì lại có sự bất đồng. Tóm lại, ngôi vị càng cao thì yếu tố dần dần trở nên bất túc: đó là thế-giới-quan của A-tỳ-đạt-ma. Bởi vì khi đi lên thì tất phải cởi bỏ những ràng buộc của nhục thể mà đề cao sinh hoạt tinh thần. Mục đích của Giới-hệ-môn là thuyết minh cái thứ tự đó và, như vậy, không ngoài việc muốn ức chế dần dần những sinh hoạt của thân tâm mà đề cao con đường đi lên.

Lại còn một thí dụ nữa: đó là cách thuyết minh về Tam-đoạn-môn. Theo Phật giáo, sự mê lầm của ta đại thể được thành hai loại: một là mê về trí thức, hai là mê về tình ý; cho nên phương pháp trừ mê cũng có hai loại: thứ nhất gọi là “kiến đạo đoạn”, thứ hai gọi là “tu đạo đoạn”. Mà chiếu theo tiêu chuẩn này để nhận định các pháp thì trong đó có pháp do thấy đạo mà đoạn, cũng có pháp do tu đạo mà đoạn, cho đến có cả pháp vô vi là pháp không cần phải đoạn (phi sở đoạn). Chính Tam-đoạn-môn thuyết minh về điểm này và nó là một môn phân biệt được coi như trọng yếu nhất của A-tỳ-đạt-ma.

Ngoài ra, còn có nào là hữu-lậu-vô-lậu-môn, hữu-vi-vô-vi-môn, cho đến xả, lạc, xả ba đại-thụ-môn, v.v… nhưng bất luận là loại nào, cái điểm quy kết của nó vẫn hữu dụng đối việc tu dưỡng và có mục đích phân biệt, đó là một sự thật hiển nhiên. Mà những loại phân biệt phiền tỏa đó, khi nhìn bằng nhãn quang phân biệt, ta thấy có một ý vị đặc biệt, đó là điều ta không thể bỏ qua. Không những thế, trong Chư-môn-phân-biệt, dù cho mục đích tối hậu có là sự tu dưỡng đi nữa, nhưng trực tiếp cũng có bộ môn thay vì đứng về phương diện tu dưỡng lại đứng về phương diện tri thức mà thuyết minh tính chất của nó. cẳng hạn như môn có-thể-thấy-không-thể-thấy, chướng-ngại-vô-chướng-ngại-môn, nhiên-khả-nhiên-môn, tích-tụ-phi-tích-môn, v.v… chính là điểm này. Cho nên Chư-môn-phân-biệt, không những chỉ về mặt tu dưỡng, mà về mặt tìm hiểu tính chất của các pháp và sự tổ chức của thế giới, ta cũng cần lý giải một cách thích đáng khi lợi dụng nó vào một đích đó. Cái lý do tại sao các A-tỳ-đạt-ma luận thư, mỗi luận cứu các vấn đề phiền tạp đều đặt ra môn phân biệt chính là điểm đó. Điều khiến cho người đoc cảm thấy mỏi mệt và nản chí nhất khi đọc các A-tỳ-đạt-ma luận thư chính là Chư-môn-phân-biệt này. Ở đây, chúng tôi đặc biệt dành một môn này là muốn cố gắng trình bày một cách cặn kẽ về những môn phân biệt ấy, nhưng vì chúng phiền tạp quá, không thể đi sâu vào chi tiết được, nên chỉ trình bày được một cách khái quát như trên mà thôi.

Xem mục lục