Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

Trong Những Giáo Huấn Ý Nghĩa về Ba Đức Hạnh Buông Xả trong Trạng Thái Tự Nhiên của Tâm, Longchen Rabjam trình bày một trăm bốn mươi mốt bài giảng về tu hành chia thành ba chương. Chương thứ nhất về những giáo lý chung bên ngoài của Kinh, chương hai về những giáo lý mật bên trong của Tantra, và chương ba về những giáo lý sâu nhất của Đại Toàn Thiện. Phần sau đây là một rút ngắn của chương ba, gồm hai mươi bảy bài giảng về tu hành.

NHẬN BIẾT (NỀN TẢNG) QUA (THẤU HIỂU) CÁI THẤY

Những Đối Tượng Bên ngoài Được Nắm Bắt là  
Tánh Không Vô Tự Tánh

(i) Những hình tướng là những phản chiếu không thực như tám thí dụ về huyễn.Mỗi phương diện của năm đối tượng, như sắc, gồm trong những hiện tượng của thế giới và chúng sanh, chỉ là những hình tướng không có hiện hữu thật sự. Mọi hình tướng xuất hiện với cả hai những tri giác thanh tịnh của chư Phật và những tri giác bất tịnh của chúng sanh mê lầm đều là những cái thấy biết của trí huệ và tâm. Khi những hình tướng xuất hiện với cả hai loại tri giác, chúng xuất hiện mà vô tự tánh, như sự phản chiếu trong một tấm gương và những tia cầu vồng trong bầu trời. Với tri giác thanh tịnh của trí huệ, những hình tướng siêu vượt khỏi những cực đoan có và không vì không có những nhiễm ô của người nắm bắt và cái được nắm bắt. Vì không có tạo ra, diệt mất và biến đổi, tất cả thoát khỏi những tính cách của những hiện tượng hợp tạo hữu vi và những xuất hiện không hợp tạo vô vi, và hoàn toàn thoát khỏi mọi ý niệm hóa. Còn với tri giác của tâm mê lầm, (những hình tướng) chỉ xuất hiện như đối tượng cho sự nắm bắt của bản ngã, sự nắm bắt này rơi vào (những ý niệm) cực đoan có và không, lìa khỏi (bản tánh) không hợp tạo, và làm mạnh thêm những thói quen ngoại sanh và theo duyên. Thế nên, ở đây, người ta sẽ hiểu rằng những đối tượng, những hình tướng xuất hiện huyễn ảo của tâm, là không thực. Những hình tướng khác biệt bên ngoài, như trắng và đỏ, chỉ là những cái thấy biết của thói quen khô cứng, như một giấc mộng do một người say rượu trong giấc ngủ vô minh tạo ra. Không có chút hiện hữu nào (trong chúng) như là đối tượng trong thật nghĩa. Lại nữa, những hình tướng ấy không phải là tâm từ điểm ban đầu sanh khởi, bởi vì những tính cách chất thể của chúng như màu sắc, kích cỡ và những phân biệt, phủ nhận tính chất của tâm. Đồng thời chúng không khác tâm, bởi vì ngoài hiện thể của chúng vốn chỉ là những tri giác hư vọng (của tâm) thì không có vật thể nào khác được xác lập như vậy cả. Những hình tướng xuất hiện với tâm chỉ là những loại kinh nghiệm của thói quen khô cứng tiếp tục từ vô thủy. Nó giống như nằm mộng đêm qua về một màn trình diễn ảo thuật đã thấy buổi hôm kia. Bởi thế, người ta phải nghĩ rằng bất cứ cái gì xuất hiện đều là những hình tướng của không hiện hữu, và không có nền tảng, chỗ ở, hiện hữu tự nhiên và (thực thể) có thể phân biệt. Chúng chỉ là một hình tướng xuất hiện trong suốt của bản tánh trống không như một giấc mộng, một trò huyễn thuật, một ảo ảnh, một tiếng vang, một cái nhìn thấy bóng dáng mập mờ, một mặt trăng trong nước, một phép lạ hóa hiện và như một thành phố của những kẻ ăn mùi hương (một thế giới hồn ma). Bất cứ cái gì xuất hiện, ta và người, thù và bạn, đồng quê hay thành thị, nơi chốn hay nhà cửa, thức ăn, thức uống hay tài sản và bất cứ điều gì người ta làm, ăn hay ngủ, đi hay ngồi, người ta phải tu hành thấy chúng là không thật. Người ta cần hiến mình cho sự tu hành này trong mọi phương diện : những thực hành sơ bộ, chánh yếu và kết thúc.

(ii) Những đối tượng, nếu phân tích, là trống không. Nếu những hình tướng được khảo sát từ thô đến tế xuống đến những nguyên tử, chúng là không có phần tử và không hiện hữu. Thế nên sắc là Không. (Cũng thế,) bằng cách khảo sát màu sắc và nhận biết âm thanh, nó sẽ được tìm thấy là trống không. Bằng cách khảo sát hình sắc và bản chất của mùi hương, nó sẽ được tìm thấy là trống không. Bằng cách khảo sát những phương diện của vị, chúng sẽ được tìm thấy là trống không. Đặc biệt, bằng cách khảo sát những nguồn gốc (những đối tượng giác quan) sự trống không của xúc chạm sẽ được đạt đến. Dù chúng khác nhau trong sự xuất hiện, chúng là như nhau trong bản tánh của chúng là tánh Không, thế nên tánh Không của nhiều đối tượng khác nhau không phải là những phạm trù tách biệt. Bản tánh của chúng, như hư không thanh tịnh, siêu vượt khỏi tách biệt hay đồng nhất. Thế nên, bản tánh của những xuất hiện đối tượng là trống không trong tinh túy của nó.

Người Nắm Bắt Không Có Nền Tảng và Không Gốc Rễ

(i) Những thức là tự-sáng tỏ mà không nền tảng. (Có tám thức). Năm thức giác quan khởi sanh như là năm đối tượng như sắc…., ý thức tri nhận ấn tượng tổng thể (của những đối tượng xuất hiện) và chỉ định chúng như là những đối tượng, ý thức nhiễm ô là cảm thức phủ nhận, chấp nhận, ghét bỏ và thù địch…., ý thức khởi sanh sau sáu thức (năm thức giác quan và thức nền tảng của tất cả hiện hữu – a lại da thức), ….và thức của nền tảng phổ quát là tự-sáng tỏ (Rang-gSal) và vô niệm không dính dáng đến những đối tượng : đấy là tám thức. Ngay vào lúc phát động của bất cứ cái nào trong bản thân tám thức ấy, dầu bất cứ thức nào cũng là trong sáng, sống động và tự-sáng tỏ mà không có những nền tảng. Dù chúng có vẻ trong sáng, không có thực thể chất thể nào. Chúng xuất hiện mà không có sự hiện hữu, như hư không quang đãng và một ngọn gió mát nhẹ không có bụi bặm. Sự sáng tỏ của chúng thì hiện diện tự nhiên như bầu trời không mây. Những chuyển động của chúng giống như gió, không có những chất thể phân biệt. Từ lúc tối sơ xuất hiện, những thức như là những người nắm bắt là tự-sáng tỏ và không phân biệt. Hãy quan sát chúng khi chúng khởi sanh và khi chúng trụ. Hãy buông xả tự nhiên và quan sát cách thức xuất hiện của người nắm bắt. Nhờ đó người ta sẽ thấu hiểu những người nắm bắt (những thức) thực chất chỉ là một hình tướng xuất hiện của sự sáng tỏ mà không có tự tánh, trống không không thiên chấp, và là sự tự-sáng tỏ không nền tảng.

(ii) Chủ thể, nếu phân tích, là trống không, không có gốc rễ. Bằng cách phân tích (hoặc là) tâm tự-sáng, không có căn cứ trong những hình tướng bên ngoài, trong thân thể hay nơi những chuyển động ở chặng giữa, hoặc nếu thực thể của tâm tự trụ được nhận biết theo hình dáng, màu sắc, sanh, trụ, diệt của nó, người ta sẽ chứng ngộ rằng bản tánh của tâm là không hiện hữu, không có căn cứ, và thoát khỏi những cực đoan có hay không. Trong sự tu hành này, lòng sùng tín đối với Lama là điều quan trọng nhất.

KÉO DÀI TRẠNG THÁI (CHỨNG NGỘ CÁI THẤY) 
BẰNG THAM THIỀN

Phác Họa sự Tham Thiền cho Người thuộc Ba Cấp Độ Trí Năng

(i) Cấp độ tham thiền cho người trí năng kém.

(a) TÌM KIẾM SỰ AN ĐỊNH

(1) THUẦN HÓA NHỮNG TƯ TƯỞNG

Trước hết người ta cần thực hành Guru Yoga. Rồi ngồi trong tư thế Vairocana (Tỳ Lô Giá Na) có bảy điểm. Đặc biệt, bày tay phủ lên đầu gối và cổ cần giữ thẳng. Hãy quán tưởng ba kinh mạch, và khi thở ra từ những phần dưới chót của kinh mạch Roma và Kyangma hãy thở ra không khí sáng rỡ như như một chuỗi khói cuộn (nhiều màu và bản chất khác nhau) : Trắng và trong sáng, xanh và lan tỏa, đỏ và sâu, vàng và trong sáng, lục và ấm áp, xanh và đơn điệu. Khi thở vào, đếm đến năm trong tâm bạn. Như thế, bằng cách tham thiền một xâu chuỗi (108 chu kỳ thở), những tư tưởng thô sẽ bình lặng.

(2) TẬP TRUNG CỦA TÂM

Hãy giữ một đối tượng như một hình ảnh, một cuốn kinh, một hòn sỏi hay một miếng gỗ trước mặt bạn. Giữ sự trông chừng đối tượng mà không chuyển động và tập trung vào nó mà không xao lãng. Khi tập trung, bất kỳ khó chịu, mùi hương, tư tưởng nào khởi lên, hãy cắt lìa chúng và để chúng ra đi. Xem đối tượng tập trung với một tâm trống trơn. Nếu tâm nhất tâm, bấy giờ hãy thiền định nhất tâm bằng cách nhắm mắt, và tập trung trên hình sắc những của đối tượng (in trong tâm). Nếu tâm trở nên phóng dật, hãy mở mắt ra và tập trung thẳng vào chính đối tượng. Bằng cách thực hành theo cách này, hãy khai triển sự an định của tâm, sự tập trung vào những hình tướng của năm đối tượng của năm giác quan và những hiện tượng, đối tượng của tâm.

(3) TẬP TRUNG VÀO ÂM THANH VÀ NHỮNG CÁI KHÁC

Cũng thế người ta tu hành trên âm thanh…. Hãy tham thiền bằng cách tập trung tai nhất tâm vào âm thanh của người, gió, những con chó…. Lại nữa, tham thiền bằng cách xoay vào trong, thôi nghe tiếng động thực sự và nghe tiếng được in vào trong tâm. Bằng cách lập lại hai sự tu hành (về âm thanh) này lần lượt, người ta sẽ hoàn thiện sự tập trung vào âm thanh. Trong cùng cách đó, hãy thực hành trên hương, vị và xúc dùng cùng những kỹ thuật. Bằng cách làm những thực hành này, về sau, khi người ta tham thiền (về bất cứ loại thiền định nào,) năm đối tượng giác quan sẽ không có những phóng dật mà là những hỗ trợ. Thế nên nó rất quan trọng.

(4) TU HÀNH TRÊN PHÁP

Hãy tự quán tưởng mình là một hóa thần bổn tôn và tham thiền trong trạng thái ấy mà không dao động. Khi người ta có thể duy trì sự tập trung nhất tâm, hãy tham thiền rằng những hóa thần ấy ban phước cho chúng sanh khi phát ra và thu hồi những tia sáng, hoặc bốn tâm vô lượng với chúng sanh, tập chú vào những thiền định ấy với tâm sáng tỏ và nhất niệm mà không dao động. Lập lại hai sự tu hành này (chỉ tập trung và ban phước cho chúng sanh) lần lượt kế tiếp nhau, người ta sẽ khai triển an định khi duy trì sự tập trung vào tính bình đẳng (của hai trường hợp) phóng chiếu và an trụ của tâm.

(b) KHAI TRIỂN QUÁN CHIẾU

(1) THAM THIỀN TRONG TRẠNG THÁI BÌNH ĐẲNG NHƯ HƯ KHÔNG DỨT BẶT NHỮNG ĐỐI TƯỢNG BÊN NGOÀI ĐỂ NẮM BẮT

Nhiều đối tượng khác nhau xuất hiện biểu lộ như mộng và huyễn thuật, nhưng nếu được phân tích xuống tới những nguyên tử không có phần tử, chúng (được thấy) là trống không, vì chúng không hiện hữu. Thế nên, hãy tham thiền tự nhiên trong trạng thái tự-sáng tỏ và trống không, không có đối tượng cũng như các giác quan nắm bắt để hiểu biết. Đây là một điểm quan trọng cho sự chứng ngộ vô ngã của những đối tượng và những tri giác.

(2) NGƯỜI NẮM BẮT BÊN TRONG LÀ KHÔNG CÓ GỐC RỄ VÀ 
TRỐNG KHÔNG

Khi người ta tìm kiếm bản chất của tâm, cái tâm hiểu biết những chủ thể và những đối tượng, người ta sẽ không tìm thấy nó có bất kỳ hiện hữu nào, quá khứ hay hiện tại, vật chất hay chẳng phải vật chất, đến, trụ và đi, hay màu sắc và hình dáng v.v…. Đến đây, hãy an trụ tự nhiên trong trạng thái của tâm không gốc rễ, vô trụ mà không có sự nắm bắt. Điều này sẽ đưa đến chứng ngộ tánh Không của sự nắm bắt cho là “tôi” và “bản thân tôi”.

(3) THAM THIỀN VỀ SỰ HỢP NHẤT (CỦA AN ĐịNH VÀ QUÁN CHIẾU)

Đây là sự tu hành hợp nhất an định và quán chiếu, trong khi sự tu hành ở trước chúng được thực hành riêng rẽ…. Bất cứ cái gì xuất hiện (trong tâm), hãy tham thiền trong trạng thái bình thản tự nhiên, bằng phẳng một cách an lạc, trong sáng không dấu vết, tự do bao la, và rỗng rang không giới hạn mà không có một biên giới nào của phân tích dựng lên. Vào lúc đó sự chứng ngộ như hư không hiện khởi, nó không có trong, ngoài hay ở giữa. Nó là sự thành tựu tự nhiên của an định vì nó an trụ, của quán chiếu vì nó trong sáng và của hợp nhất một vị vì nó không thể chia tách.

(ii) Cách thiền định cho người trí năng bình thường.

(a) THIỀN ĐỊNH VỀ TÁNH KHÔNG NHƯ HƯ KHÔNG

Thân ở trong tư thế Vairocana bảy điểm không cử động, như núi Tu Di. Những giác quan ở yên một cách trong sáng trong sự tự-sáng tỏ không ngừng, như phản chiếu của mặt trăng trong một cái ao. Bất cứ hình tướng gì khởi lên (trong tâm), chớ tập trung vào phương diện xuất hiện mà ở yên với phương diện tánh Không của nó, đó là sự sáng tỏ toàn triệt, vô trụ và tràn đầy mà không có (những phân biệt và giới hạn) ngoài, trong hay giữa. Qua sự thiền định này người ta chứng ngộ tất cả mọi hiện tượng là tánh Không không kẽ hở không gián đoạn như hư không.

(b) THIỀN ĐỊNH VỀ SỰ SÁNG TỎ NHƯ TẤM GƯƠNG

Tư thế của thân và sự tập chú của những khả năng giác quan thì tương tự với thiền định ở trước. Ở đây người ta không tập trung vào phương diện tánh Không mà tham thiền trạng thái tự-sáng tỏ không có nắm bắt của những thấy biết, một cách trong sáng, sống động và mãnh liệt. Bấy giờ sự chứng ngộ về không định nghĩa (những tri giác hay những hình tướng không được định nghĩa) (Khral-Ma Khrol) hiện khởi, trong đó mọi hiện tượng xuất hiện mà không có sự nắm hiểu.

(c) THIỀN ĐỊNH VỀ NHỮNG SANH KHỞI NHƯ SÓNG

Tư thế của thân và sự tập chú của những khả năng giác quan giống như ở trên. Ở đây, người ta đặc biệt tập chú vào sự sanh khởi của những tư tưởng phóng ra và thu vào, qua trạng thái của tánh giác vốn có sẵn (Rig-pa). Từ đó, hiện khởi sự chứng ngộ về giải thoát những tư tưởng là không có căn cứ và không thể nắm bắt như những cơn sóng tan biến trong nước.

(iii) Cách thiền định cho người trí năng cao.

Ở đây, (trạng thái thiền định và chứng ngộ) là một dòng tương tục không ngừng như sự chảy của một dòng sông. Trong sự chứng ngộ tánh giác là Pháp thân, những phóng chiếu và thu hồi (của tâm thức) khởi lên và tan biến như trò chơi của bản tánh tối hậu. Từ đó, mọi sự khởi sanh như là sự tu hành làm sáng tỏ cho chứng ngộ, mà không có những lấy hay bỏ và những lệch lạc hay che ám. Trên một đảo bằng vàng, đá thường và đất là không thể có dù cố sức tìm kiếm. Cũng thế, bởi vì bất cứ cái gì sanh khởi trong tâm thức là sanh khởi như trí huệ tự nhiên sanh khởi, những tư tưởng nơi chủ thể không gì khác hơn là sự chứng ngộ của Phổ Hiền (Samantabhadra) vốn giải thoát từ vô thủy. Bất cứ cái gì sanh khởi như đối tượng là sanh khởi như sắc tướng của tánh Không. Thế nên, (đối với thiền giả) những tư tưởng về đối tượng không gì khác hơn là pháp giới thênh thang của Phổ Hiền Nữ (Samantabhadri) vốn tự giải thoát từ vô thủy. (Với thiền giả đó) tất cả mọi phương diện hiện tượng, chúng thường được nắm bắt riêng rẽ như tâm và đối vật, đã dừng dứt trong cảnh giới Đại Toàn Thiện bất nhị. Trong đó mọi hiện tượng vốn khởi sanh trong pháp giới của trí huệ mà không có (những phân biệt) ngoài và trong, vốn trở thành bình đẳng nhất như không có đỉnh cao hay đáy thấp, vốn sanh khởi như trí huệ bổn nguyên tự-khởi mà không có phương hướng và điểm trụ, vốn sanh khởi như trò chơi của bản tánh tối hậu không thiên trệ, vốn tự hoàn thiện chính chúng trong trạng thái tự nhiên trụ mà không có ta và người, và vốn đạt đến cảnh giới bổn nguyên không thời gian không nơi chốn. Đó là lúc mà trí năng của thiền giả đã cạn kiệt, nó hân hoan hạnh phúc trong trạng thái tịch diệt, cạn sạch những hình tướng trong bản tánh tối hậu. Ở đây, do đã được đưa vào sự chứng ngộ không gián đoạn và sự tỉnh giác đã trở thành trần truồng, người ta hộ trì tâm thanh tịnh tự nhiên không thiền định, trôi nổi phiêu bồng một cách trần truồng và hoàn toàn không ngăn ngại, và với sự tin cậy sâu thẳm vào Nó.

Giải Thích Những Phương Tiện Thiện Xảo trong Chi Tiết

(i) An định.
(a) ĐẮC AN ĐỊNH
(1) THAM THIỀN VỀ NHỮNG ĐỐI TƯỢNG THẤY ĐƯỢC

Tham thiền về những đối tượng thấy được ở bên ngoài như một hình vẽ thì giống như đã nói ở trước. Đối với tham thiền về những đối tượng xuất hiện bên trong, khi những giác quan bị phóng dật và không an trụ trong tập trung, hãy quán tưởng trong tim một hoa sen trắng hay một chày kim cương chữ thập…., và hãy quán tưởng phần đỉnh chót của nó kéo dài xuống dưới và đụng đến “nền đất bằng vàng uy nghi” và được ổn định. Khi tâm đã có thể tham thiền, hãy rút phần đỉnh chót vào tim và an trụ nhất tâm. Bằng sự thực hành này, (sự chứng ngộ) “vô niệm” sẽ hiện khởi.

(2) TẬP TRUNG VÀO NHỮNG ĐỐI TƯỢNG KHÔNG XUẤT HIỆN

Nó là sự tham thiền trong trạng thái không có những tư tưởng trong tâm. Nó là một tu hành tham thiền trong trạng thái của tánh Không, (trong đó), đã làm tan biến mọi hiện tượng bên trong và bên ngoài, hay bằng cách quán tưởng khuôn mặt hay những tay…. của những thần bổn tôn, người ta làm tan biến mọi tư tưởng khác vào trong quán tưởng, và rồi người ta tham thiền về quán tưởng đó cũng trong trạng thái không hình tướng. Qua những thực hành này, an định của không ý niệm hóa sẽ hiện khởi.

(b)TIẾN BỘ

Đi bộ một lát khi tập chú (tâm thức) vào sự tham thiền ở trước (sự an định không có ý niệm hóa). Bằng cách tham thiền trong an định, hòa trộn nó với nói chuyện và suy nghĩ chút chút, kinh nghiệm (của tham thiền) sẽ tiến bộ. Nếu sự tham thiền trở nên không trong sáng, hãy nâng cao nó bằng cách để cho tâm dao động. Rồi sự tham thiền sẽ trở thành rất trong sáng.

(ii) Quán Chiếu.
(a) ĐẮC QUÁN CHIẾU
(1) TU HÀNH VỚI NHỮNG HÌNH TƯỚNG XUẤT HIỆN

Nghĩ rằng bất cứ cái gì xuất hiện là không thực, tham thiền rằng những hình tướng của những đối tượng hiện tượng là sự xuất hiện huyễn thuật và là những giấc mộng. Có một khác biệt lớn giữa “Nó là xuất hiện huyễn thuật” và “Nó giống như xuất hiện huyễn thuật”. Trong những tu hành ở trước có dạy rằng những hiện tượng là giống như một xuất hiện huyễn thuật, và ở đây dạy rằng chúng quả thực là xuất hiện huyễn thuật.

(2) TU HÀNH TÁNH KHÔNG

Ngay khoảnh khắc xuất hiện của hiện tượng, dầu người ta quán sát cái gì, hãy thấy chúng là bản tánh trống không, không có dấu vết gì và hãy trụ trong bản tánh như hư không mà không suy nghĩ cái gì cả. Những tu hành ở trước về tánh Không được đạt đến bằng phân tích, và ở đây là tu hành về tánh Không (do) tiếp cận trực tiếp với sự tự-sáng tỏ. Thế nên có một khác biệt lớn.

(b) TIẾN BỘ CỦA QUÁN CHIẾU

Bất cứ hoạt động nào của người ta, hãy thiền định bằng cách hợp nhất chúng với tánh Không do tập trung vào việc làm tan biến những hình tướng vào tánh Không. Sau đó, không một phút giây phóng dật đến những đối tượng như sắc…., hãy tu hành tự nhiên trong tánh sáng tỏ, tánh Không và vắng dứt sự nắm bắt.

(iii) Hợp nhất (An định và Quán chiếu).
(a) HỢP NHẤT THỰC SỰ

Hãy ngồi trong tư thế thích hợp. Bất cứ cái gì xuất hiện hay sanh khởi, ngay lúc đó, không có phân biệt, hãy quan sát triệt để tánh giác nội tại, miếng đất cội nguồn của sự sanh khởi. Hãy tham thiền tại đó mà không phân tích chỗ nào khác. Đây là điểm sâu xa nhất. Bấy giờ, bởi vì luôn luôn an trụ trong trạng thái bình đẳng của phóng chiếu và an trụ (của những tư tưởng), những chuyển động của tâm sẽ không làm hại sự an trụ (trong trạng thái tánh giác nội tại). Đây là sự đạt đến tinh túy của tánh giác nội tại, sự hợp nhất của tánh Không, sự sáng tỏ và sự sanh khởi. Nó là sự chứng ngọâ trạng thái nguyên thủy của ba thân.

(b) TIẾN BỘ (CỦA HỢP NHẤT)

Khi bầu trời sạch mây, hãy xoay lưng về mặt trời và nhìn đăm đăm vào chiều sâu của bầu trời trong “những tư thế quan sát” (lTa-sTangs). Vì bầu trời bên ngoài trong sáng, bầu trời-giác quan bên trong cũng trong sáng. Bấy giờ tức thời hiển lộ bản tánh tối hậu (Ch’os Nyid) của bầu trời trong sáng của tinh túy quang minh bí mật, siêu vượt những cực đoan hay trung tâm. Đây là giáo huấn tối thâm sâu do Kamasri ở Nepal ban cho. Nếu (những kinh nghiệm) không sáng sủa rõ ràng, hãy tu hành sự thiện xảo của an định và quán chiếu ; nếu chúng hôn trầm, hãy nâng cao chúng, và nếu chúng trạo cử, hãy làm chúng lặng xuống. Áp dụng phương pháp này cho tất cả mọi hoạt động ban ngày là một điểm rất quan trọng để hoàn thiện sự khéo léo thiện xảo.

(iv) Hoàn thiện (phương tiện thiện xảo của tu hành).

Khi thiền định như vậy, mọi kinh nghiệm, sự an trụ của tâm trong thiền định, những tư tưởng tốt, những tư tưởng xấu, những tri giác thanh tịnh và bất tịnh, đều là một vị tánh Không không chỗ trụ bao la, sự cạn sạch vĩ đại của những hiện tượng, siêu vượt trí thức, tánh bình đẳng vĩ đại không thiên trệ và là sự rỗng rang vĩ đại giải thoát khỏi mọi căn cứ trụ trước. Thế nên chớ bám nắm cái gì, chớ suy nghĩ về cái gì, chớ hỏi ai điều gì, chớ nương tựa vào cái gì, và hãy cắt đứt sợ hãi và sự bám níu những hy vọng và nghi ngờ, mà hãy đi vào trong trạng thái siêu việt vĩ đại khỏi trí thức và sự tan biến của những hiện tượng (vào trong bản tánh tối hậu), hãy đi đến cảnh giới vĩ đại của không có hành động và không bao giờ trở lại. Đây là sự khai triển xác tín tự tin vào cái hiện tiền.

KẾT QUẢ, SỰ THOÁT KHỎI MỌI MONG CẦU VÀ NGHI NGỜ

Tự Tánh của Cảnh Giới Tối Hậu của Bản Tánh Tối Hậu

Đây là chân lý tuyệt đối, cảnh giới tối hậu, trong đó không có cái gọi là sanh tử hay niết bàn. Nó không rơi vào những cực đoan của bất kỳ phương diện nào, mà là căn cứ cho sự khởi lên của mọi sự. Nó cũng được gọi là mục tiêu rốt ráo của chứng ngộ, nguồn của sự cạn sạch, mục đích của chứng đắc, và cõi giới tối hậu của trạng thái bổn nguyên. Nó không gì khác hơn là trí huệ bổn nguyên tự hữu. Nó là cái tự giác, thoát khỏi những ý niệm hóa và không rơi vào những nhị biên của mọi phương diện, chiều kích, mà vị Lama đã giới thiệu người ta vào. Cái ấy sẽ không được tìm thấy trong những nguồn (bên ngoài) nào khác…. Bởi vì cảnh giới tối hậu của Phật đã bị chúng ta che ám bởi những nhiễm ô ngoại sanh, mặc dù nó được định nghĩa như là “tánh thanh tịnh tự nhiên”, người ta cần hiểu rằng trong tinh túy không có cái gì là xấu hay tốt trong đó. Đây là sự chứng đắc xác tín vào sự hợp nhất hiện tiền của tánh giác và tánh Không như là cảnh giới tối hậu vốn tự viên thành.

Bản Tánh của những Thân, những Hình Tướng Xuất Hiện của 
Cõi Giới Tối Hậu

Trong cõi giới tối hậu này hiện tiền sự thành tựu của sự hợp nhất của thân và trí huệ bổn nguyên. Phương diện hiện tiền của bản tánh của cảnh giới tối hậu này, tự do khỏi sanh diệt và biến đổi và lìa ngoài lời nói, ý niệm và diễn tả, là Pháp thân. Phương diện sanh khởi tự nhiên những tướng chánh và những tướng phụ, siêu vượt khỏi thường kiến và đoạn kiến, thường trụ trong cảnh giới sáng ngời, là Báo thân. Phương diện phóng chiếu lòng bi không thiên vị, như cảnh giới của sự sanh khởi không ngừng, là Hóa thân. Phương diện của sự tự nhiên sở hữu những công đức thanh tịnh một cách nguyên thủy như là mười lực và vốn vô úy của Phật, nhiều như cát sông Hằng, trong cảnh giới tối hậu, là Tam Bồ đề (Sambodhi) thân. Phương diện hiện tiền viên thành của bản tánh tối hậu của cõi giới tối hậu không biến đổi trong ba thời là “Thân Kim cương vĩnh cửu”. Dù những nhiễm ô ngoại sanh có được tịnh hóa hay không, từ vô thủy của đời sống người ta như một chúng sanh bình thường, tinh túy của cái giác là tánh Không, bản tánh của nó là sự sáng tỏ, cách thế khởi hiện của nó là không ngừng, mọi sự (mọi công đức, đức hạnh) là hiện tiền và không biến đổi khỏi bản tánh của cái giác. Những cái ấy là những phương diện của năm thân, chúng hiện có mặt (trong chúng ta) ngay giờ đây. Thế nên người ta phải tin rằng năm thân là tự nhiên hiện diện (trong bản thân mình) mà không cần tìm kiếm chúng từ bất cứ nguồn nào khác. Đó là thấu hiểu rằng sự hợp nhất của tánh giác nội tại và tánh Không là năm thân.

Sự Phô Diễn của những Trí huệ Bổn Nguyên từ những Thân (Phật)

Trí huệ bổn nguyên của Pháp thân là sự siêu vượt khỏi ngôn ngữ, ý niệm và diễn tả. Trí huệ bổn nguyên của Báo thân có năm tính chất. Trí huệ bổn nguyên của Hóa thân là sự hiểu biết chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối. Những nhiễm ô dù có được tịnh hóa hay không, những trí huệ bổn nguyên này tự nhiên hiện tiền hoàn toàn trong cõi giới tối hậu. Thế nên chúng có mặt trong sự tỉnh giác ngay vào lúc này. Tánh Không-Giác và trí huệ phân biệt vốn có sẵn, năm độc và sự tự-giải thoát không có dấu vết, là những tinh túy và phẩm tính hay những hiện tượng và bản tánh của những hiện tượng, và chúng hiện hữu trọn vẹn trong tánh giác như là những phương diện của nó. Đặc biệt khi một tư tưởng tham muốn chớp nhoáng trong người nào, dù nó là một nhiễm ô phiền não bình thường, nhưng bằng cách nhận ra nó và tham thiền về nó, nó sẽ sanh khởi như phúc lạc không có nắm bắt. Đó là Trí Huệ Bổn Nguyên Phân Biệt (Diệu Quan Sát Trí). Thù ghét khởi sanh đối với một đối tượng là giận dữ bình thường. Bằng cách nhận ra nó, nó khởi sanh như sự sáng tỏ, thoát khỏi những ý niệm. Đó là Trí Huệ Bổn Nguyên Như Tấm Gương (Đại Viên Cảnh Trí). Sự khởi lên của cái không biết là vô minh. Bằng cách nhận biết nó, nó khởi sanh như sự sáng tỏ tự nhiên không có những ý niệm. Nó là cảnh giới tối hậu của trí huệ bổn nguyên. Khoa trương, tự phụ mình tốt hơn những người khác là sự kiêu hãnh bình thường. Bằng cách nhận biết nó, người ta chứng ngộ bất nhị và bình đẳng. Đó là Trí Huệ Bổn Nguyên của Bình Đẳng (Bình Đẳng Tánh Trí). Sự khởi sanh của tư tưởng tranh đua là sự ghen ghét bình thường. Bằng cách nhận ra nó, nó được rửa sạch vì thoát khỏi thiên chấp. Đó là Trí Huệ Bổn Nguyên của Thành Tựu (Thành Sở Tác Trí). Trong tánh giác, mặc dù hậu quả của sự không nhận biết (chính tánh giác vốn sẵn đủ) khởi sanh như là năm độc, một khi nó được nhận biết, các độc khởi sanh như năng lực hay trò chơi của năm trí huệ bổn nguyên. Thế nên vào khoảnh khắc tối sơ này, nghĩa không chia tách của những thân (Phật) và những trí huệ bổn nguyên là tự nhiên hiện diện (trong chính mình). Hãy khai triển xác tín. Chớ có nghi ngờ hay hy vọng hão huyền. Hãy quyết định và phát sanh can đảm. Đây là sự đưa vào (Đại Toàn Thiện).

Xem mục lục