Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

Abhisamayalankara do Maitreya viết, là một luận súc tích về Bát nhã ba la mật. Trong tiêu đề, nó được gọi là một “upadesha shastra”, trong một ít lời cho cái nhìn thấy sâu sắc cốt lõi vào toàn thể chủ đề. Trong luận này Maitreya bắt đầu bằng diễn tả tác phẩm này như là chạm đến dây thần kinh chính của Bát nhã ba la mật và có thể chuyên chở hết trong những lời rất chính xác này.

Tác giả của luận văn, nói một cách thích đáng, là vị bảo hộ vĩ đại của chúng sanh, Maitreya, Di Lặc. Chúng ta đã nhận luận văn này qua thánh Asanga (Vô Trước), vị đại sư Phật giáo qua sự chứng ngộ tâm linh của mình đã có thể đến tịnh độ Tushita (Đâu Suất) và nhận những giáo lý từ Maitreya. Trong năm tác phẩm chính của Maitreya, Abhisamayalankara là tác phẩm đầu tiên. Chúng ta biết điều này bởi vì nó bắt đầu với một kính lễ mà bốn tác phẩm kia không có.

Đảnh lễ

Phần đưa vào bản văn bắt đầu bằng đảnh lễ mẹ của chư Phật. Mẹ của chư Phật là trí huệ Bát nhã, bởi vì trí huệ cao nhất này sẽ làm sanh khởi Phật quả. Không có trí huệ này người ta không thể thành Phật. Thế nên trí huệ này giống như người mẹ sanh ra chư Phật. Trí huệ cũng sanh khởi những trạng thái cao cấp ngoài Phật quả như được đề cập trong phần đảnh lễ này. Đảnh lễ tán dương trí huệ làm sanh khởi Thanh Văn, trong trạng thái bình an của các vị, và trí huệ làm sanh khởi các đại Bồ tát.

Tổng quát, có ba phần về ba loại trí huệ. Trí huệ thứ nhất là hiểu biết căn bản những hiện tượng, trí huệ thứ hai là hiểu biết con đường, và thứ ba là hiểu biết của toàn giác. Ba loại trí huệ Bát nhã này sanh khởi mọi phẩm tính giác ngộ của chư Phật. Những Thanh Văn và Độc Giác Phật trau dồi Bát nhã để hiểu khổ đau vô hạn trong sanh tử và những phẩm tính của bình an làm bình lặng khổ đau. Quan tâm chính của các vị là trau dồi trí huệ thứ nhất. Những phẩm tính của Bồ tát tuôn ra chủ yếu từ trí huệ con đường.

Quan tâm chính của Bồ tát là giúp đỡ những chúng sanh khác phát triển và trưởng thành. Khả năng hiện thực để giúp đỡ những chúng sanh khác trưởng thành đến từ sự học hỏi sâu rộng con đường. Trí huệ thứ ba của toàn giác là hiểu biết trọn vẹn mọi hiện tượng. Khả năng của chư Phật để hướng dẫn và dẫn dắt chúng sanh đến từ sự toàn giác này. Tinh túy của ba loại trí là trí huệ Bát nhã, và bởi vì nó làm sanh khởi tất cả mọi phẩm tính của tất cả các bậc thánh, sự đảnh lễ này tán dương trí huệ, mẹ của chư Phật, chư Bồ tát, chư Thanh Văn và chư Độc Giác Phật.

Sự cần thiết tạo luận

Phần đầu là đảnh lễ, tán dương mẹ của ba loại trí huệ. Phần tiếp theo nói về sự cần thiết tạo ra luận mới này. Trong Phật giáo, nếu người nào muốn tạo ra một luận mới, người ấy cần có thẩm quyền để làm điều ấy. Nói chung, có ba loại tác giả. Loại tác giả tốt nhất là một luận có sự chứng ngộ pháp tánh (dharmata) hay tinh túy vũ trụ. Loại tác giả tốt thứ hai là người đã có một chứng ngộ trực tiếp những bổn tôn, như Quán Thế Âm, Văn Thù hay Kim Cương Thủ. Chứng ngộ nghĩa là những tác giả đã gặp gỡ, mặt đối mặt trong thiền định với một bổn tôn, khiến có sự tạo luận. Nó không hoàn toàn tốt như chứng ngộ pháp tánh, nhưng là cái tốt thứ hai. Thẩm quyền tối thiểu để tạo một luận là ít nhất vị ấy đã học hết Ngũ minh. Nếu một người rất thông thái và hiểu những ám chỉ của thuật ngữ và những phân nhánh của các ngành học khác nhau, người ta cũng có thể tạo ra những luận có ý nghĩa, nhưng nếu không có học rất rộng người ta không thực sự có thẩm quyền tạo luận.

Chúng ta cần nghiên cứu những bản luận này của những tác giả có một số hay tất cả những phẩm tính ấy. Nếu cả ba đều có thì tốt nhất. Nếu không có những phẩm tính ấy, chúng ta có thể bối rối và bị lạc khi thực hành. Thế nên chúng ta cần tìm ra những luận được tạo một cách thích đáng. Hiện quán trang nghiêm luận thì rất bổ ích bởi vì người tạo luận, Maitreya, không chỉ là một người rất giỏi ngũ minh, hay người có sự gặp gỡ trực tiếp với một bổn tôn, mà ngài thuộc về những người đã có chứng ngộ trực tiếp và chân thật pháp tánh.

Sự chứng ngộ pháp tánh hiện diện nơi những hành giả đã đạt địa thứ nhất của Bồ tát. Maitreya không chỉ đạt địa thứ nhất hay thứ hai, thứ ba, mà đạt đến địa thứ mười và cuối cùng của Bồ tát. Ngài có kinh nghiệm thanh tịnh nhất, phong phú nhất về pháp tánh. Trong tất cả Bồ tát phục vụ Đức Phật khi còn tại thế, Đức Phật đã yêu cầu ngài làm nhiếp chính trong thời hiện tại; thế nên Maitreya là đại diện của Đức Phật và được xưng là “Maitreya Người bảo vệ”.

Khi chúng ta biết rằng chính Maitreya sáng tác luận này, chúng ta có thể tin tưởng lớn lao vào nó. Nếu chúng ta đem những giáo lý này vào thực hành, kết quả sẽ rất sung mãn cho chúng ta. Luận này không do Maitreya tự tạo, mà hoàn toàn dựa trên những giáo lý Bát nhã ba la mật của Đức Phật. Nếu chúng ta không có chìa khóa của tinh túy của những giáo lý Bát nhã ba la mật sâu xa này thì sẽ rất khó để chúng ta nắm được nghĩa của chúng. Thế nên Maitreya đã viết văn bản này để cho chúng ta chìa khóa đi vào nghĩa Bát nhã ba la mật.

Ngày nay chúng ta không thể trực tiếp gặp Đức Phật hay nghe lời giảng dạy của ngài. Nhưng Maitreya viết luận này đã nhận những lời dạy trực tiếp từ Đức Phật và được trao truyền đầy đủ ý nghĩa. Vì thế Maitreya có thể giải thích những lời dạy ấy một cách sáng tỏ và trực tiếp. Lý do chính để ngài viết luận đặc biệt này là trình bày rõ ràng nghĩa, nội dung toàn bộ, điểm chính của Bát nhã ba la mật. Ngài viết luận này để cho những giáo lý Bát nhã ba la mật được dễ hiểu và tiếp theo, với sự thấu hiểu này, nó có thể giúp người ta đạt đến Phật quả.

Khi chúng ta nghiên cứu Bát nhã ba la mật bộ lớn trong 100.000 câu kệ, chúng ta thấy rằng có tám phần chính. Trong bộ 25.000 câu kệ cũng có tám phần chánh, và cũng có tám phần chánh trong bộ 8.000 câu kệ. Trong luận này cũng có tám phần chính.

Nagarjuna cũng viết về Bát nhã ba la mật, nhưng trong sự trình bày trực tiếp ngài dùng lý luận để khám phá, chẳng hạn điều Đức Phật nói “sắc tức là Không” bằng cách giải thích phương diện bên trong, bên ngoài, và kếp hợp của tánh Không.

Trong những trình bày trực tiếp tánh Không của Nagarjuna, chúng ta học những sự vật khác nhau trống không như thế nào, sắc không có hiện hữu như thế nào, không có tai để nghe như thế nào, và không có sự sanh khởi của thức thuộc tai như thế nào. Về căn bản đó là một trình bày tánh Không của tất cả mọi sự. Nhưng một cách ngầm ẩn, nó cũng chỉ bày tánh Không có thể được chứng ngộ như thế nào, trí huệ chứng ngộ tánh Không được khai mở như thế nào và trí huệ siêu việt này là gì. Nghĩa ẩn dấu này của các kinh Bát nhã ba la mật là điều Maitreya tập trung vào khi ngài giải thích những con đường và những địa Bồ tát trong tám phần chính.

Tám chủ đề chính của Trang nghiêm của Chứng ngộ Sáng tỏ có thể chia thành ba phần chính. Phần thứ nhất chứa ba chủ đề đầu tiên liên hệ đến nền tảng của thực tại (TT. gnas lugs). Phần thứ hai gồm bốn chủ đề liên hệ đến thực hành gọi là “bốn áp dụng” (Bốn gia hạnh vị). Phần thứ ba chỉ có một chủ đề diễn tả quả của thực hành, chứng ngộ Pháp thân.

Bảy Chủ đề

Chủ đề thứ nhất nói về hình thức cao nhất của hiểu biết hay jnana, là sự hiểu biết mọi hiện tượng của chư Phật. Chư Phật có hai loại jnana (trí) chính: jnana của bản tánh các hiện tượng và jnana của sự khác biệt của các hiện tượng. Với hai loại jnana này, chư Phật có hình thức prajna trọn vẹn và sâu xa nhất. Đây là hình thức cao nhất của trí huệ và hiểu biết tất cả các hiện tượng (nhất thiết trí trí).

Chủ đề thứ hai là sự hiểu biết con đường. Chủ đề này nói về những phương tiện để làm sao có được những hiểu biết này của chư Phật với trí huệ Bát nhã phát sanh và càng lúc càng tăng trưởng khi người ta tiến trên con đường Bồ tát và trí huệ làm cho điều này có thể.

Chủ đề thứ ba về trí huệ Bát nhã căn bản và chính từ trí huệ căn bản này mà trí huệ của các Bồ tát trên con đường và trí huệ của chư Phật cuối cùng khởi phát. Chủ đề này liên hệ đến sự nghiên cứu trí huệ của người thường, Thanh Văn và Độc Giác Phật, sự học này là nguyên nhân cho các loại trí huệ khác khởi phát. Ba chủ đề đầu tiên này liên hệ với nền tảng của Bát nhã của ba loại hiểu biết.

Chủ đề thứ tư là làm sao thực sự áp dụng ba loại hiểu biết này trên con đường theo từng bước. Chủ đề thứ được gọi là “Những áp dụng của chứng ngộ để làm sao hoàn thiện hiểu biết các hiện tượng”. Đây là một bàn luận về làm sao bắt đầu sự thực hành và về những lợi lạc của thiền định.

Chủ đề thứ năm diễn tả cái xảy ra như là một kết quả của những giai đoạn thực hành trước. Chủ đề này gọi là “sự áp dụng khi đến đỉnh”.

Chủ đề thứ sáu được gọi là “sự áp dụng của tiếp tục dần dần”. Nó chỉ ra cho chúng ta sự tiến bộ thêm từng bước của con đường này.

Chủ đề thứ bảy chỉ ra như thế nào, nhờ áp dụng tiệm tiến, vào lúc chót có một áp dụng tức thời của sự thực hành của chúng ta và trong một khoảnh khắc ấy, có sự kết thúc trọn vẹn của trí huệ Bát nhã vào đại định như kim cương. Bấy giờ tất cả trí huệ trở nên hiện diện trong một thời. Nó được gọi là “sự áp dụng của giác ngộ đầy đủ”.

Bảy chủ đề đầu tiên bàn luận ba hiểu biết và bốn áp dụng và chủ đề thứ tám bàn luận về chính Pháp thân.

Khi chúng ta đi qua những chủ đề này, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi chủ đề còn có thể chia nhỏ ra nữa và điều này khiến có tất cả bảy mươi chủ đề nhỏ.

Những Câu hỏi

Câu hỏi: Kinh Kim Cương có phải là một phần của Bát nhã ba la mật?

Rinpoche: Kinh Kim Cương thuộc trong Bát nhã ba la mật. Thường chúng ta nói đến Bát nhã ba la mật 100.000, 25.000 hay 8.000 câu kệ. Nhưng cũng thực có mười bảy tác phẩm chính về Bát nhã ba la mật được gọi là “sáu người mẹ và mười một người con” và một trong mười một người con là Kinh Kim Cương

Câu hỏi: Những Thanh Văn và Độc Giác Phật là những người độc nhất có loại Bát nhã đầu tiên này?

Rinpoche: Không chỉ những Thanh Văn và Độc Giác Phật có Bát nhã bản căn này (căn bản trí). Mọi Bát nhã, không phải là trí huệ sâu nhất, thấu hiểu pháp tánh đều được gọi là Bát nhã căn bản. Mọi sự, ngoài trí huệ sâu nhất, được gọi là Bát nhã căn bản, thế nên nó bao gồm nhiều hơn trí huệ mà những Thanh Văn và Duyên Giác tu tập.

Câu hỏi: Một Thanh Văn là gì?

Rinpoche: Thanh Văn là một từ tổng quát để chỉ những người theo những giáo lý Tiểu thừa. Đức Phật dạy Đại thừa cho những người có khả năng lớn hơn và Tiểu thừa cho những người có khả năng nhỏ hơn. Tổng quát, những người đi vào những giáo lý Tiểu thừa chúng ta gọi là những Thanh Văn.

Câu hỏi: Tại sao Maitreya là nhiếp chính ở Đâu Suất?

Rinpoche: Trước khi Đức Phật đến thế giới chúng ta để dạy pháp và thực hiện giai đoạn cuối cùng của giác ngộ của ngài, ngài ở trong một cõi rất thanh tịnh gọi là Đâu Suất. Vào thời đó, ngài có tên là Dampatogdkar (ngọn cờ thiêng liêng màu trắng) và có một hiện hữu thánh thiện và dạy những thánh ở đó. Khi thấy thời dạy pháp ở thế gian này đã đến, ngài từ bỏ cõi ấy và nói trước vào lúc ấy rằng Đức Phật xuất hiện sau ngài là Maitreya. Thế nên trước khi rời Đâu Suất ngài chỉ định Maitreya là người đại diện của ngài ở Đâu Suất để tiếp tục dạy. Đây là lý do tại sao Maitreya là nhiếp chính hay đại diện của Đức Phật.

Câu hỏi: Đâu là sự khác biệt giữa prajna và jnana?

Rinpoche: Hai từ này đặt nền trên cùng âm gốc jna trong tiếng Sanskrit. Đôi khi nghĩa của chúng chồng chéo nhau. Âm jna trong jnana và prajna có nghĩa là “trí huệ”. Âm pra trong prajna nghĩa là “tốt nhất” . Có nhiều loại hiểu biết khác nhau, nhưng prajna (Bát nhã) là hiểu biết cao nhất. Trong các loại hiểu biết khác nhau này, hiểu biết cho phép chúng ta chứng ngộ tinh túy vũ trụ (pháp tánh), trau dồi từ và bi, giúp đỡ những người khác là hiểu biết cao nhất được gọi là prajna. Prajna trong tiếng Tây Tang là sherab, âm she tương đương với jna và âm rab là “tốt nhất”. Prajna gồm nhiều thứ, nhưng chủ yếu nó có nghĩa là loại trí huệ sanh khởi qua suy nghĩ về trí huệ, có được do suy ngẫm rất sâu xa qua khái niệm.

Khi các dịch giả Tây Tạng dịch jnashe, họ thêm âm ye để nhấn mạnh trí huệ sanh khởi từ thiền định, vượt khỏi khái niệm, và khi người ta tu thiền định, có một thấu hiểu rất sâu xa, không khái niệm, gần gủi với trí huệ của chư Phật. Bởi vì trí huệ của chư Phật và những đại Bồ tát đã hiện hữu mãi mãi, những dịch giả thêm vào âm ye này nghĩa là “mãi mãi”, để chỉ trí huệ này đã luôn luôn có đó. Quả thật trong luận này, đôi khi nói là prajna, nó thực ra nhấn mạnh jnana. Thế nên những từ này đôi khi được dùng thay nhau cho thấy chúng không tách biệt nhau một cách chặt chẽ.

Xem mục lục