Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

Theo cách này, những nhà Trung Quán chúng tôi thừa nhận một cách ước lệ rằng có nhiều trình bày về luân hồi và Niết-bàn trong hệ thống của chúng tôi; chúng tôi cũng bác bỏ sự tồn tại ước lệ của những lập kiến được những nhà Bản Chất Luận đưa ra như những quả quyết đặc trưng. Bởi điều này cực kỳ khó, nên tri thức chính xác về sự trình bày Nhị Đế hiếm khi tồn tại.

Việc hiểu lầm có thể phát sinh như sau: Khi chúng ta bác bỏ sự tồn tại thường tục của những lập kiến được các nhà Bản Chất Luận khẳng định, thì chúng ta phải tiến hành bác bỏ bằng cách dùng sự phân tích lý luận. Hơn nữa, khi đưa ra quan điểm của chính họ về các vấn đề như sự tồn tại của sinh và diệt một cách thường tục, những cá nhân quán chiếu sẽ quyết định là khẳng định điều gì dựa theo điều có thể được chứng minh, và sự minh chứng được dựa vào một chuỗi lập luận. Khi lưu tâm đến điều này, một số cảm thấy rằng dưới sự phân tích lập luận, thì những thường tục được đưa ra về sự sinh khởi, v.v… và những lập kiến phóng tưởng của các nhà Bản Chất Luận có cùng trạng thái là hoặc mâu thuẫn hoặc không mâu thuẫn bởi lý luận. Vì vậy, nếu họ từ chối sự tồn tại thường tục của các lập kiến như một đấng Sáng Thế hay một nền tảng nguyên thủy,[1] thì họ cũng phải từ chối sự hiện hữu ước lệ của các sắc tướng và tương tự; nếu họ cho rằng các sắc tướng tồn tại một cách ước lệ, thì họ cũng phải chấp nhận sự tồn tại của một đấng Sáng Thế. Họ nhận thấy hai điều ấy tương đương nhau. Họ nói rằng thật không thích đáng để hệ thống của chính họ nhận diện hay khẳng định bất kỳ hiện tượng nào, “Điều này là như thế và như thế; điều này không phải như thế và như thế". Họ cho là trong việc này họ đã tìm ra thực tại của Trung Quán. Hơn nữa, theo cách hiểu như thế, họ cho rằng việc bình ổn tâm thức của các ngươi mà rút cuộc không nắm bắt bất kỳ điều gì là sự nuôi dưỡng quan điểm Trung Quán thực sự. [627] Có rất nhiều người khẳng định điều này.

Hiển nhiên là lời nói như thế không làm thiện tri thức hoan hỷ. Vì đã bị thất bại trong việc nhận diện được đối tượng vốn bị lý luận phủ nhận như giải thích bên trên, nên những ai nói điều này sử dụng các luận điểm bác bỏ sự hiện hữu tự tính để phá bỏ mọi sự trình bày về các thường tục. Do đó, lý luận của họ là một lập thuyết hết sức không chuẩn xác; lập thuyết ấy xem chánh kiến và tà kiến là như nhau ở mức độ chúng sai sót hay không sai sót. Hệ quả là, sự huân tập kéo dài một quan điểm như thế không đưa các ngươi đến gần hơn với chánh kiến dù chỉ là một chút. Thật vậy, nó khiến các ngươi rời xa chánh kiến, bởi một tà kiến như thế hoàn toàn mâu thuẫn với lộ trình của duyên khởi, lộ trình mà trong đó tất cả những giáo pháp về duyên khởi về luân hồi và Niết-bàn là biện hộ được trong hệ thống của chúng ta. Vì vậy, Nhập Trung Luận của Nguyệt Xứng nói rằng:[2]

Bản ngã như nó được phóng tưởng bởi những triết gia phi Phật giáo

Những người bị giấc ngủ của vô minh quấy nhiễu,

Và các pháp đươc quy gán là ảo ảnh sa mạc,

Những ảo thuật của các thầy phù thủy và v.v…, không tồn tại ngay cả ở thế gian.

Nguyệt Xứng dạy rằng điều gì bị phóng tưởng trong những quả quyết đặc trưng của những triết gia phi Phật giáo – hoặc, theo trích dẫn trước đây,[3] trong những quả quyết đặc trưng của các nhà Bản Chất Luận Phật giáo – đều không tồn tại ngay cả một cách thường tục trong hệ thống Trung Quán của chúng tôi. Ta sẽ giải thích về điểm này.

Làm sao một người có thể xác định điều gì đó tồn tại một cách thường tục? Chúng tôi cho rằng điều gì đó tồn tại một cách thường tục nếu: (1) điều đó được nhận biết từ một thức thường tục; (2) không tồn tại một nhận thức hiệu quả thường tục nào mâu thuẫn với sự tồn tại của nó như khi nó được nhận biết; và (3) lý luận phân tích thực tại một cách chính xác – nghĩa là, phân tích liệu rằng điều gì đó có tồn tại một cách tự tính hay không – không mâu thuẫn với tính chất tồn tại của nó. Chúng tôi cho rằng điều gì không thỏa mãn được những tiêu chuẩn ấy đều không tồn tại.

Về một ý nghĩa nào đó, thức ước lệ vận hành theo cách thức không truy vấn. Nó chỉ vận hành trong bối cảnh là một pháp sẵn có trình hiện trước nó như thế nào, mà không phân tích rằng, “Có phải đây là cách mà đối tượng thật sự tồn tại, hay nó chỉ trình hiện theo phương cách này đối với tâm thức của tôi?” [628] Nó được gọi là thức không phân tích, nhưng điều đó không phải là nó hoàn toàn không truy vấn[4]. Nó vận hành trong bối cảnh các pháp trình hiện như thế nào, các pháp đó được một thức thế gian hay ước lệ nhận biết ra sao. Nó không vận hành thông qua sự phân tích rằng các pháp thật sự tồn tại như thế nào. Vì vậy, nó được gọi là tri thức thế tục. Loại thức này xảy ra trong tất cả mọi người, cho dù họ có liên can vào các hệ thống triết lý hay không. Do đó, bất kể nó xảy ra trong dòng tâm thức của ai, thì điều này được gọi là “tri kiến thế tục” hay “thức phi phân tích”.

Đừng giả định rằng nó chỉ tồn tại trong những dòng tâm thức của những con người thế tục không liên can vào các hệ thống triết lý. Những ai liên can đến các hệ thống như thế có thể thường xuyên mang những tâm thức phân tích rằng, “Tri thức ước lệ có chính xác không?” hay “Đối tượng này có tồn tại theo phương cách này trong thực tại hay không?” Tuy nhiên, làm thế nào mà tất cả những thức của họ có thể phân tích được các pháp thật sự tồn tại ra sao? Vì vậy, nếu ngươi muốn hiểu được tri thức thế tục là gì, thì các ngươi không thể chỉ tham vấn những vị trưởng lão thế tục vốn không hề nắm giữ các giáo thuyết triết lý. Tuy nhiên, sẽ thật đầy đủ khi xem xét làm thế nào các tâm thức không phân tích vận hành trong những dòng tâm thức cả của hai phía trong một cuộc tranh luận. Điều mà những thức này nhận biết là cơ sở thụ cảm hoặc trải nghiệm cho sự kiến lập của ngôn ngữ ước lệ.

Người bình thường không hiểu được nghiệp và nghiệp quả, những cấp độ tu tập và những lộ trình, hay những vấn đề như thế, nhưng họ nghe và trải nghiệm về chúng, bằng cách ấy lấy chúng làm những đối tượng. Vì như vậy, chúng trình hiện ngay cả với những thức thông thường vốn không phân tích các pháp thật sự tồn tại như thế nào. Do đó, chúng tôi tránh ngụy biện rằng những điều này sẽ không phải là những điều mà thế gian nhận biết.

Những nhận thức hiệu quả thường tục khác không mâu thuẫn với điều gì tồn tại một cách thường tục. Ví dụ, một thức không phân tích các pháp thật sự tồn tại như thế nào có thể nghĩ rằng một sợi dây thừng là một con rắn hoặc một ảo giác sa mạc là nước. Tuy nhiên, nhận thức hiệu quả thường tục thì có sự mâu thuẫn với các đối tượng được những thức như thế nắm bắt[5], cho nên các đối tượng đó không tồn tại ngay cả một cách ước lệ.

Một thức lập luận phân tích một cách chính xác rằng điều gì đó có tồn tại một cách tự tính hay không thì không mâu thuẫn với điều gì tồn tại một cách ước lệ. [629] Điều được thừa nhận một cách ước lệ thì phải được xác lập bởi nhận thức hiệu quả ước lệ. Thêm vào đó, những thức lập luận vốn phân tích chính xác liệu rằng nó có thật sự tồn tại một cách tự tính hay không thì phải không mâu thuẫn với nó theo bất kỳ phương cách nào. Bất cứ điều gì mà lập luận như thế xác lập là đang tồn tại thì phải tồn tại một cách bản chất, vì vậy thật mâu thuẫn khi điều đó là một đối tượng ước lệ. Do vậy, sẽ là sai lầm khi lẫn lộn (1) việc không bị mâu thuẫn bởi một thức lập luận và (2) việc được xác lập bởi một thức lập luận. Sự lẫn lộn như thế là cơ sở gây ra quan điểm sai lạc rằng hai đề xuất sau giữ vị trí như nhau, hoặc cùng đúng hoặc cùng sai:

1. Hỷ lạc và đau đớn sinh khởi một cách ước lệ từ đức hạnh và không đức hạnh.

2. Hỷ lạc và đau đớn sinh khởi từ một đấng sáng thế và một nền tảng nguyên thủy.

Sự định danh này là không đúng đắn. Hai đề xuất trên tương đương nhau trong phạm vi về việc một dòng lập luận vốn phân tích một cách chính xác rằng liệu có phải các pháp tồn tại một cách tự tính sẽ không xác lập được cả hai, nhưng hai đề xuất này không giống nhau về mọi khía cạnh – một đề xuất có mâu thuẫn bởi lý luận {đề xuất 2} và đề xuất kia thì không {đề xuất 1}.

Một đối tượng và chủ thể không có thành phần, một bản ngã, một nền tảng nguyên thủy, một đấng sáng tạo – các pháp như vậy là các lập kiến phóng tưởng được trình bày trong các khẳng định đặc trưng của những nhà Bản Chất Luận Phật giáo và phi Phật giáo. Khi thừa nhận như thế, họ làm như vậy sau khi lý luận phân tích liệu rằng các pháp như vậy có tồn tại một cách nền tảng hay không; họ nghĩ rằng loại phân tích lập luận này sẽ khám phá được các pháp này. Do đó, bởi họ khẳng định các pháp này có thể đứng vững trước phân tích lập luận, nên họ phải chấp nhận rằng những người khác bên ngoài các trường phái của họ có thể thực hiện sự phân tích lập luận như vậy để khám phá liệu rằng các pháp này có tồn tại một cách tự tính hay không. Khi được phân tích theo cách này, các pháp như thế không thể đứng vững trước áp lực của sự truy cứu bởi lập luận hoàn hảo. Do vậy, khi lý luận không tìm thấy chúng, thì chúng sẽ bị bác bỏ – vì nếu chúng tồn tại, thì những lập luận ấy sẽ phải tìm ra chúng.

Chúng tôi thừa nhận các sắc, thanh, và v.v… {tồn tại đơn thuần} chỉ ở mức chúng được biết từ các thức ước lệ vốn không bị khiếm khuyết bởi những nguyên nhân sai sót bên trong và bên ngoài. [630] Chúng tôi không khẳng định chúng như là thành phần của một hệ thống mà trong đó một sự phân tích liệu rằng chúng chỉ là những thường tục hay thay vào đó có sự tồn tại khách quan không, sẽ tìm thấy rằng chúng đang tồn tại một cách bản chất hay tự tính. Vì thế, sự phân tích lập luận xem liệu rằng chúng có tồn tại một cách tự tính hay không là không liên quan vì chúng tôi chẳng hề khẳng định rằng những đối tượng này có thể đứng vững trước phân tích lập luận. Ví dụ, nếu ai đó khẳng định rằng, “Đây là một con cừu”, thì thật không thích đáng khi phân tích lời quả quyết đó bằng câu hỏi, “Có phải nó là một con ngựa hay một con voi?” Điều này cũng tương tự như vậy.

Có những pháp vốn đã “quen thuộc với thế gian” từ vô thủy, và tuy nhiên lại không tồn tại ngay cả một cách ước lệ bởi vì lý luận mâu thuẫn với chúng. Ví dụ như, một người có thể viện dẫn bản chất mà vô minh gán đặt thêm lên các pháp, cái “tôi” và “của tôi” tồn tại một cách nền tảng được hình thành bởi cái nhìn thật chất hóa về các hoại uẩn, hay đối tượng của sự định danh rằng quả núi của hôm qua là quả núi của hôm nay. Do đó, không phải là các nhà Trung Quán chấp nhận một cách ước lệ về tất cả các pháp vốn quen thuộc với thế gian.

Một số người tranh luận rằng về mặt tồn tại ước lệ, thì các sắc, thanh, và v.v.… không tương đồng với những lập kiến của các triết gia phi Phật giáo bởi vì điều trước {tức sắc, thanh, hương,…} quen thuộc với tất cả thế gian trong khi điều sau {các lập kiến định danh từ các nhà Bản Chất Luận} chỉ quen thuộc với những người ủng hộ các triết lý. Những người giữ lập thuyết này đã thất bại trong việc tạo ra các phân biệt cẩn thận. Nếu không, họ sẽ nhận thấy nhiều hàm ý thừa thãi trong tranh luận của họ như là: Về mặt ước lệ, các sắc và tương tự không thể như những ảo giác; mà đúng hơn là, ở cấp độ ước lệ chúng sẽ phải tồn tại một cách bản chất. Hơn nữa, tác phẩm Lục Thập Tụng Như Lý Luận Thích của Nguyệt Xứng luận giải cho Lục Thập Tụng Như Lý Luận [của Long Thọ] nói rằng:[6]

Người không chính xác là những người nắm bắt các pháp này trong luân hồi chỉ như là niềm hỷ lạc và v.v…, bởi vì các pháp này không có bản chất này ngay cả một cách ước lệ. Người đúng đắn là những người nắm bắt các pháp như là sự đau khổ và v.v.… bởi vì các pháp này mang bản chất như thế một cách ước lệ.

Ngài giải thích rằng mặc dù sự thường hằng và v.v.… của các pháp trong luân hồi là “kiến thức chung” trong thế gian, nhưng những khái niệm như thế là không chính xác ngay cả một cách ước lệ. [631] Hơn nữa, mặc dù sự vô thường của chúng và v.v… không quen thuộc với toàn thế gian, nhưng những quan niệm như thế là đúng đắn.

Vì vậy, một thức định danh nắm bắt các hợp uẩn như là vô thường và v.v… thì sai sót về đối tượng trình hiện của nó, nhưng chúng tôi gọi nó là đúng đắn, hoặc không sai lạc, bởi vì những gì nó phân biệt không bị mâu thuẫn bởi nhận thức hiệu quả. Các thức giác quan sai lạc về các đối tượng trình hiện của chúng, và chúng tôi không gọi chúng là không sai lạc vì chúng chẳng có yếu tố nào khác vốn không sai lạc cả[7]. Tất cả thức giác quan đều giống nhau ở chỗ sai lạc về điều gì trình hiện trước chúng. Tuy nhiên, các thức giác quan chẳng hạn như các thức, mà một ảnh phản chiếu trình hiện trước chúng, thì là các thức ước lệ không đúng; mặt khác, các thức giác quan không khuyết tật là các thức ước lệ đúng. Điều này căn cứ vào việc liệu rằng có một đối tượng tương thích với vật trình hiện qua trần cảnh thế gian của thức giác quan ấy hay không.

Do các đối tượng, được suy diễn bởi các thức định danh vốn nắm bắt các hợp uẩn như là thường hằng và v.v…, không tồn tại một cách ước lệ, nên lý luận có thể bác bỏ chúng. Tuy nhiên, các đối tượng tham chiếu của những sự định danh của các hợp uẩn như là vô thường, v.v… thì tồn tại một cách ước lệ; vì vậy, lý luận không thể bác bỏ chúng. Không có sự thường hằng tối hậu hay nền tảng và v.v…; tương tự như vậy, không có sự vô thường tối hậu hay nền tảng và v.v... Do đó những định danh về tám điều ấy như là đang hiện hữu trong thực tại thì hoàn toàn giống nhau về mức độ chính xác của chúng.[8] Tư duy về điều này, đức Phật đã nói [trong Bát-nhã Ba-la-mật-đa Kinh] rằng các ngươi đang thiền lên các biểu tướng của sự tồn tại thực sự dù cho các ngươi thiền lên các sắc là thường hằng hay vô thường, là hỷ lạc hay đau đớn, là có ngã hay vô ngã.

Nghi vấn: Vô minh gán đặt thêm bản chất nội tại lên các pháp. Đối với Ngài, dùng lý luận để đánh bại tầm nhìn của nó, nhưng không phải để bác bỏ các đối tượng ước lệ – đây là một mâu thuẫn, vì Nhập Trung Luận của Nguyệt Xứng nói rằng:[9]

Bậc Thánh giả đã nói do vô minh che mờ bản chất các hiện tượng,

Nên nó là một “kẻ che đậy” (kun rdzob, samvrti).

Các thêu dệt mà nó cảm nhận là đúng đắn

Được gọi là “những sự thật cho kẻ che đậy” (kun rdzob bden pa, samvrti-satya).

Vì vậy Nguyệt Xứng nói rằng các sắc, thanh, và v.v... được thừa nhận là những Tục Đế (kun rdzob bden pa, samvrti-satya) thông qua áp lực của vô minh.

Đáp: Không có sai sót nào ở đây cả. [632] Khi chúng tôi thừa nhận các pháp như các sắc và thanh là những Tục Đế {chân lý ước lệ}, thì "chân lý" nghĩa là chúng đúng đắn thông qua áp lực của một ý nghĩ cụ thể. Bởi vì ý nghĩ ấy phải được xem xét là một định danh của sự tồn tại thực sự, nên các sắc, thanh, và v.v... là những sự thật đối với vô minh vốn gán đặt thêm sự hiện hữu tự tính lên chúng. Do đó, Nguyệt Xứng nhắc đến hai loại: A-la-hán, những người đã loại trừ vô minh do phiền não, và các vị bát địa Bồ-tát và cao hơn khi ngài nói rằng, “Họ thấy được những sự trình hiện này như những thêu dệt và không đúng thật bởi vì họ không có một định danh cường điệu về sự tồn tại thực sự”.[10] Bởi lý do này, Nguyệt Xứng nói rằng với những ai không có định danh về sự hiện hữu thực sự, thì các sắc tướng và v.v... chỉ là “những thường tục đơn thuần”. 

Vì vậy, chân lý về các sắc, thanh, và tương tự được thừa nhận trong tầm nhìn của vô minh, nhưng vô minh không thừa nhận các pháp như các sắc và thanh. Ví dụ, từ tầm nhìn của một thức sai lạc nắm bắt một dây thừng như một con rắn, dây thừng là một con rắn, nhưng thức sai lạc này không thừa nhận dây thừng. Vì những tâm thức thừa nhận các pháp như sắc và thanh là sáu thức không bị khiếm khuyết liên kết với mắt, tai, v.v…, nên các đối tượng mà chúng xác lập thì tồn tại một cách ước lệ, và vì thế lý luận không bác bỏ được chúng. Tuy nhiên, chúng không tồn tại ngay cả một cách ước lệ khi vô minh nắm bắt chúng. Điều này do bởi vô minh gán đặt thêm một bản chất nền tảng hay tự tính lên các pháp, và bản chất tự tính này không tồn tại ngay cả một cách ước lệ. Do đó, lý luận bác bỏ một cách ước lệ điều mà vô minh nắm bắt; nếu nó không bác bỏ được, thì các ngươi đã không thể chứng minh được rằng, ở mức độ ước lệ, các pháp tựa như những ảo ảnh.

Vô minh gán đặt thêm một tự tính lên các pháp; từ điều này, sự chấp thủ, sân hận, và v.v... sinh khởi, gán đặt thêm nữa những tính năng như sự lôi cuốn hay không lôi cuốn lên bản chất bên trong ấy. Do đó, lý luận cũng có thể được dùng để loại trừ phương cách mà sự chấp thủ và tương tự nắm bắt các đối tượng. Tác phẩm Tứ Bách Luận Thích của Nguyệt Xứng nói rằng:[11]

Chấp thủ và v.v... chỉ gán đặt thêm những đặc tính như sự thu hút hay không thu hút lên tự tính của các pháp mà vô minh đã gán đặt. [633] Do đó chúng không hoạt hóa nếu tách rời vô minh; chúng phụ thuộc vào vô minh. Điều này do bởi vô minh là phiền não chính yếu.

Đây là những phiền não bẩm sinh {câu sinh} đã vận hành từ vô thủy. Tuy nhiên, vì lý luận có thể nhổ tận gốc phương cách mà chúng nắm bắt các pháp, nên những đối tượng tham chiếu của chúng không tồn tại ngay cả một cách ước lệ. Do đó, các đối tượng của các tâm thức bẩm sinh có hai loại: các đối tượng mà lý luận có thể bác bỏ và các đối tượng mà lý luận không thể bác bỏ. Các đối tượng của những nhận thức hiệu quả ước lệ bẩm sinh, mà các nhận thức này thừa nhận các pháp như sắc và thanh, thì tồn tại một cách ước lệ; bởi thế, lý luận không bác bỏ được chúng.

Theo đó, vì chúng tôi bác bỏ sự tồn tại nền tảng hoặc tự tính ngay cả một cách ước lệ trong hệ thống của các đại sư Phật Hộ và Nguyệt Xứng, nên dường như rất khó để thừa nhận các đối tượng ước lệ. Nếu các ngươi không hiểu biết làm thế nào để thừa nhận những đối tượng này một cách đúng đắn, mà không có mâu thuẫn, thì các ngươi sẽ không hoàn toàn chắc chắn về những tu tập trong phương tiện thực hiện.[12] Dường như điều này khiến hầu hết cá nhân rơi vào một quan điểm tiêu cực quá mức. Do đó, người thông tuệ nên nắm vững thủ tục của hệ thống này cho việc thừa nhận các thường tục. Ở điểm này, ta e rằng có lẽ ta đã nói về điều này nhiều hơn mức cần thiết; nên ta sẽ không nói chi tiết thêm nữa.


[1]BA362 Theo các nhà Số Luận hữu thần, vị chúa tể tối cao khai mở và trông nom sự tạo thành thế giới từ “bản chất nền tảng” (rang bzhin, prakrti), gọi cách khác là “nguyên thủy cốt yếu” (spyi gtso bo, pradh&na).

[2]BA363 MAV 6.26, La Valine Poussin 1970b: 105.9-12; P5262:101.5.7-8.

[3]BA364 Từ ngài Thanh Biện. Xem ghi chú 352 ở LRCM: 621-622

[4]Ở đây ngài Tsongkhapa chỉ tập trung nói về trạng thái khi các pháp được nhận biết bởi cách thông thường. Nhưng một cách thấu đáo, trong các nhận thức phàm tục thông thường vẫn có một mức độ định danh (đặt tên, phân biệt, so sánh,…) nào đó đến các sự vật được nhận thức. Do đó Ngài mới đưa ra lưu ý này. Để tránh ngộ nhận rằng các thức thường tục này hoàn toàn là không định danh hay không nhị nguyên.

[5]Tức là việc nhận lầm sợi dây thành con rắn và ảo giác sa mạc thành vũng nước thật.

[6]BA365 YSv ở YS: 7b; P5265:173.4.2-3.

[7]Ở đây câu này có nghĩa là các giác quan nhận thấy các vật trình hiện ra trước các thức đó dường như là thường hằng, bền vững hay có tự tính. Trong khi thực tế điều này là sai.

[8]BA366 “Tám" nói về bốn sai lầm – xem luân hồi là thường hằng, hỷ lạc, thanh tịnh và hữu ngã {thường, lạc, ngã, tịnh} – và bốn định danh đúng của những điều này là vô thường, khổ, bất tịnh và vô ngã. Xem LRCM: 98 (Great Treatise 2000:145); Hopkins 1983:292-96.

[9]BA367 MAV: 6.28, La Vallee Poussin 1970b: 107.1-3; D3796: Ha 205b2.

[10]BA368 Đoạn văn này chủ yếu là diễn dịch từ MAVbh ở MAV: 6.28, La Valine Poussin 1970b: 108.2-6. Cụm từ trong ngoặc kép là một trích dẫn trực tiếp.

[11]BA369 Cśṭ ở Cś: 4.10; P5266: 220.1.6-7.

[12]BA370 “Phương tiện thực hiện” (spyod phyogs) nói đến phương pháp – là lòng từ bi và các phương tiện thiện xảo – khác biệt với “Tánh Không/ phương tiện quán” (stong phyogs, Ha phyogs).

Xem mục lục