Chương 14: Thiền Định và Trí Huệ
(v) Cách thức rèn luyện thiền định Ba-la-mật-đa
(a’) Sự ổn định từ thiền {an định thiền} là gì?
(b’) Cách bắt đầu tu tập thiền định
(c’) Phân loại thiền định
(d’) Cách thức tu tập
(e’) Tổng kết
(vi) Cách thức rèn luyện trí huệ Ba-la-mật-đa
(a’) Trí huệ là gì?
(b’) Làm thế nào để khởi phát trí huệ
(c’) Phân loại trí huệ
(1’) Trí huệ hiểu biết chân đế {tối hậu}
(2’) Trí huệ hiểu biết tục đế {tương đối}
(3’) Trí huệ hiểu biết cách hành động vì lợi lạc chúng sinh
(d’) Cách thức tu tập
(e’) Tổng kết
–––––––––\–––––––––
(v) Cách thức tu tập thiền định Ba-la-mật-đa
Cách thức tu tập thiền định Ba-la-mật-đa có năm nội dung:
1. Sự an định thiền là gì?
2. Cách bắt đầu nuôi dưỡng định lực từ thiền
3. Phân loại thiền định [448]
4. Cách tu tập
5. Tổng kết
(a’) Sự an định thiền[1] là gì?
Bình ổn thiền là một trạng thái thiện đức và nhất tâm vốn giữ cố định {an trụ} vào đối tượng của thiền mà không phân tán sang những sự việc khác[2]. Bồ-tát Địa dạy rằng:[3]
Đó là một trạng thái nhất tâm – bình ổn hóa lên công hạnh, thế tục hoặc siêu việt – của chư Bồ-tát là những người trước tiên đã tu học suy ngẫm về các tạng kinh của các Bồ-tát. Bất kể là nó được định hướng về định từ thiền {thiền định, thiền chỉ} hay về tuệ giác {thiền quán, thiền minh sát} hay về hướng lộ trình kết hợp cả hai, thì hãy hiểu rằng trạng thái nhất tâm này là sự bình ổn thiền của chư Bồ-tát
Và Nhập Bồ-đề Hành Luận cũng dạy rằng:[4]
Sau khi đã phát khởi tinh tấn
Hãy đặt tâm ngươi vào sự tập trung thiền.
(b’) Cách bắt đầu tu tập bình ổn hóa thiền
Hãy suy nghĩ về những lợi ích của việc tu tập bình ổn thiền và các khuyết điểm của việc không tu tập nó. Ta sẽ giải thích điều này trong phần định từ thiền.[5]
(c’) Phân loại Bình ổn thiền
Phù hợp với đoạn trích dẫn trên đây [từ Bồ-tát Địa], nếu quý vị phân chia bình ổn thiền căn cứ vào bản chất thì có hai loại: thế tục và siêu thế tục và nếu quý vị phân loại căn cứ theo khuynh hướng thì có ba loại [định hướng về thiền chỉ, định hướng về thiền quán hay loại kết hợp cả hai]. Nếu quý vị phân loại theo chức năng thì có ba loại: loại an định thiền để bình ổn thân và tâm trong sự hỷ lạc nội trong kiếp sống này, loại an định thiền {để} thành tựu các phẩm tính tốt và loại an định thiền để thực hiện lợi ích của chúng sinh. Loại thứ nhất, tức loại an định thiền thân và tâm trong sự hỷ lạc trong kiếp sống này, là tất cả các loại bình ổn thiền tạo ra sự nhu hoạt {khinh an}[6] khi quý vị nhập thiền với sự cân bằng[7]. Loại thứ hai, bình ổn thiền để thành tựu các phẩm tính tốt, là tất cả các an định thiền vốn hoàn thành các phẩm tính tốt đẹp có được ở các vị Thanh Văn – bao gồm các tri kiến siêu việt, các giải thoát, các viên dung, các thần thông vv.... Loại thứ ba, an định thiền vốn để tiến hành lợi ích cho các chúng sinh, là bình ổn thiền vốn để hoàn tất mười một hoạt động cho lợi ích của tha nhân.
(d’) Cách tu tập
Khi quý vị tu tập bất kỳ loại thiền định công hạnh nào, hãy tu tập kết hợp với sáu phạm trù tối thượng và sáu Ba-la-mật-đa. Bố thí trong bình ổn thiền duy trì sự bình ổn thiền cho chính quý vị và sau đó xác lập các tha nhân trong đó. [449] Hãy hiểu các Ba-la-mật-đa còn lại như đã giảng giải ở phần trên.[8]
(e’) Tổng kết
Việc ghi nhớ và nuôi dưỡng tâm Bồ-đề – nền tảng của Bồ-tát hành – là điều tạo hứng khởi cho quý vị tu tập để đặt tất cả chúng sinh trong thiền định không cấu nhiễm. Sau khi quý vị đã tăng cường sự ổn định của tâm giác ngộ này, hãy ước nguyện đến các bình ổn thiền cao và tu tập trong đó. Ngay cả khi quý vị không thể hoàn toàn phát triển sự bình ổn thiền, quý vị phải nỗ lực thường xuyên thực hành tập trung nhất tâm trong chừng mực mà quý vị có thể làm. Vì nếu quý vị không làm như vậy, quý vị sẽ liên tục bị ô nhiễm do phạm giới và trong những kiếp sau quý vị cũng sẽ rất khó khăn để học tập các rèn luyện cho việc bước vào nhiều cánh cửa của các bình ổn thiền của chư Bồ-tát. Nếu quý vị không bao giờ bỏ rơi nỗ lực của mình, thì ngay cả trong kiếp này tâm thức quý vị sẽ trở nên từng bước bớt phân tán, khiến cho việc tích lũy công đức thật sự mạnh mẽ. Trong các đời sau, như dạy trong Đồng Tử Vấn Kinh, quý vị sẽ có một sự an lạc thể chất và tinh thần và một tâm thức hoan hỷ, từ đó dễ dàng hoàn tất thiền định Ba-la-mật-đa.
Ở đây, ta sẽ không nói thêm về phần này vì ta sẽ giảng giải nội dung này một cách kỹ lưỡng trong phần định từ thiền.
(vi) Cách thức rèn luyện trí huệ Ba-la-mật-đa
Cách thức rèn luyện trí huệ Ba-la-mật-đa có năm nội dung:
1. Trí huệ là gì?
2. Làm thế nào để phát khởi trí huệ
3. Phân loại trí huệ
4. Cách thức tu tập
5. Tổng kết
(a’) Trí huệ là gì?
Một cách tổng quát, trí huệ là sự phân biệt một cách thấu suốt trạng thái bản thể của đối tượng đang được phân tích {quán chiếu}, nhưng trong nội hàm này, trí huệ chỉ sự thành thạo trong năm đề tài tri thức và các thứ liên quan. Bồ-tát Địa dạy rằng:[9]
Hãy biết rằng trí huệ của chư Bồ-tát là sự phân tích xuyên suốt về các hiện tượng {các pháp} vốn đang xúc tiến hoặc được xúc tiến lên tất cả các điều muốn biết và {sự phân tích này} vốn vận hành thông qua việc tập trung vào năm đề tài của tri kiến – bao gồm Phật học, ngữ pháp, luận lý học, các công nghệ và y học.[10] [450]
Ở đây, trí huệ vốn ”đang xúc tiến” là trí huệ trước khi thành tựu các địa {cấp độ} Bồ-tát; trí huệ ”đã xúc tiến” chỉ trí huệ sau khi thành tựu các địa Bồ-tát đó.[11]
(b’) Làm thế nào để khởi sự việc phát sinh trí huệ
Cách thức khởi sự việc phát sinh trí huệ là quán chiếu các lợi ích của việc làm trí huệ phát sinh và những khiếm khuyết do không thực hiện việc này. Vì tôi sẽ giảng giải các lợi ích và các sai sót về việc hay thiếu trí huệ về thực tại – tức vô ngã – trong phần tuệ giác, tôi sẽ không đi vào chi tiết ở đây.[12] Nhưng tôi sẽ nói một ít về các loại trí huệ còn lại.
Liên quan đến việc biểu thị các lợi ích của trí huệ, trí huệ là gốc rễ của tất cả các phẩm tính tốt trong kiếp này và các kiếp sau. Như trong Bát-nhã Nhất Bách Luận Tụng, hộ pháp Long Thọ đã dạy:[13]
Trí huệ là gốc rễ mọi thiện đức
Đã thấy được hoặc chưa nhìn thấy được.
Để thành tựu cho cả hai thứ này
Hãy nắm chặt lấy trí huệ.
Nguồn gốc to lớn của điều ngươi tìm
Và cho giải thoát đó là tri thức.
Nên, hãy quý trọng nó ngay từ đầu,
Bám sát trí huệ, người mẹ vĩ đại.
Như Bảo Công Đức Bát Thiên Kệ đã dạy, trí huệ đóng vai trò như con mắt hướng dẫn năm Ba-la-mật-đa khác, như hạnh bố thí vv...[14].
Khi các Ba-la-mật-đa khác được bổ túc bởi trí huệ
Chúng có thêm mắt và viên thành tên gọi [của chúng]
Cũng giống như bức tranh sẽ hoàn thành ngoại trừ đôi mắt
Nhưng thù lao sẽ không có cho đến khi đôi mắt được vẽ xong.
Sự cần thiết của trí huệ cho các phẩm tính tốt khác có thể được minh họa qua ví dụ một món châu báu đặc biệt bằng vàng ròng sẽ trở nên quyến rũ hơn nếu được điểm tô với một viên ngọc lục bảo quý giá. Cũng như vậy, nếu món trang sức bằng vàng của năm Ba-la-mật-đa từ bố thí đến thiền định được điểm tô bằng trí huệ, vốn có thể phân biệt được đúng và sai thì nó sẽ trở nên tuyệt diệu hơn bởi vì trí huệ sẽ làm cho chúng trở nên thuần khiết hơn. Điều này tương tự cách mà ý thức, qua việc phân biệt các công đức và sai lạc từ các đối tượng của năm giác quan (mắt, tai vv...)[15], khiến cho quý vị xúc tiến điều cần tiếp thu và loại trừ điều cần loại bỏ. Đây là điều đã được giảng giải trong Ba-la-mật-đa Tập Luận của tôn giả Thánh Dũng[16].
Công đức của bố thí và vv...
Mạnh mẽ hơn khi có trí huệ làm chủ
Cũng giống như những châu báu vàng ròng
Rực rỡ hơn nếu được cẩn thêm ngọc quý.
Chính trí huệ này làm cho quảng đại
Khả năng thiện đức vì mục đích của từng người
Như năng lực cộng thêm của tâm thức hiển bày
Các đối tượng tương ứng của các giác quan.
Tương tự vậy, trí huệ cũng đóng vai trò tối yếu đối với các phẩm tính cơ sở khác, như tín tâm và vv....[17] Khi trí huệ hiện diện trong vai trò thủ lĩnh, thì các phẩm tính bố thí[18], tín tâm và vv... của quý vị hiểu rõ được công đức của phẩm hạnh và khiếm khuyết của tính bủn xỉn vv... và do đó, quý vị sẽ trở nên thiện xảo trong việc đoạn trừ phiền não và tăng trưởng phẩm tính tốt. Ba-la-mật-đa Tập Luận dạy rằng:[19]
Trong số các căn, như tín tâm chẳng hạn
trí huệ làm chủ, như tâm thức với các căn
Với trí huệ làm chủ, ngươi phân biệt lỗi lầm và công đức
Nên, ngươi thiện xảo trong đoạn trừ phiền não.
Chư Bồ-tát dựa vào trí huệ để tịnh hóa năm Ba-la-mật-đa còn lại, là bố thí và vv.... Ngay cả khi các ngài bố thí thịt da cho người cầu thí, các ngài không bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng như tự hào, nản chí vv.... Điều này như thể các ngài xẻo một lát từ một cây thuốc. Đó là bởi vì trí huệ của các ngài khiến cho thực tại hiển lộ. Với trí huệ thấy rõ cả những phiền hà của luân hồi lẫn sự an lạc của niết-bàn, các ngài thành tựu trì giới vì sự lợi lạc của người khác, nên các ngài hành trì giới luật thanh tịnh. Qua trí huệ, các ngài biết được các khiếm khuyết của sự thiếu nhẫn nhục và công đức của hạnh nhẫn nhục rồi điều phục tâm thức mình sao cho chúng không bị chế ngự bởi khổ đau và cảm nhận sai lạc của người khác về các ngài. Qua trí huệ, các ngài hiểu tường tận mọi việc mà bởi đó các ngài tinh tấn; cho nên, sự tinh tấn của các ngài mang lại đại thành tựu trên đường tu. Và thông qua trí huệ dựa vào suy lý, các ngài thành tựu được niềm hỷ lạc tối thượng trong bình ổn thiền, vốn trụ vào ý nghĩa của thực tại. [452] Ba-la-mật-đa Tập Luận dạy rằng:[20]
Một khi chư Bồ-tát đã khai mở tuệ nhãn tỏ tường
Ngay cả khi họ thí nhục thân không hề nghĩ ngợi
Họ chẳng bao giờ tự hào hay nản chí
Tựa như cắt đi một cây thuốc mà thôi.
Lại nữa:
Bậc trí giả không hành trì giới luật vì mục đích cho mình
Họ thấy các sai sót trong ngục tù của sinh tử luân hồi
Và ước nguyện giải thoát cho toàn thể chúng sinh
Nên dĩ nhiên là họ không hành động vì mục tiêu thế tục.
Lại nữa:
Vết thương gây ra cho bậc hiền trí không hề hấn
Bởi vì họ có hảo tính của nhẫn nhục
Như con voi thuần hóa nhất trong đàn voi
Vốn nhẫn nhục với nhiều nhiệm vụ khác.
Nhẫn nhục riêng mình nó, sẽ kết thúc trong cạn kiệt
Nếu được nương bởi trí huệ, lại thành tựu đại mục tiêu
Lại nữa:
Làm sao niềm hỷ lạc tối cao của các ổn định thiền như thế
Lại có thể được an lập trong tâm thức những người lỗ mãng
Vốn dựa vào lý lẽ đã dẫn dắt họ đến với con đường sai lạc
Vốn bị ô nhiễm bởi sự khiếm khuyết lớn lao các lỗi lầm tích lũy.
Hai phẩm tính tốt dường như loại trừ lẫn nhau lại chứng tỏ không hề mâu thuẫn đối với những người có trí huệ. Khi chư Bồ-tát trở thành pháp vương vũ trụ với quyền lực chi phối toàn bộ thế giới thì các ngài vẫn không bị kiểm soát bởi các đối tượng của các giác quan. Đây là năng lực của việc có trí huệ như là một vị thượng thư. Tương tự, tình yêu thương của chư Bồ-tát dõi nhìn chúng sinh với sự trìu mến thì mãnh liệt nhưng lại không bị chút bám luyến nào trộn lẫn; mặc dù các ngài có lòng bi mẫn bền vững và rất mạnh mẽ, không thể chịu nổi cảnh chúng sinh bị khổ đau, các ngài không lười nhác bị lấn lướt với tuyệt vọng và bởi đó, đánh mất nhiệt tâm đối với thiện hạnh; các ngài có niềm hỷ lạc không thể đo lường, nhưng tâm thức các ngài thoát khỏi sự thiếu ổn định, vốn sẽ làm các ngài phân tán khỏi sự tập trung của mình; và các ngài thường xuyên sở hữu lòng bình đẳng bao la nhưng không hề bỏ qua, dù trong chốc lát, lợi lạc của tất cả chúng sinh. Trí huệ đã làm nên tất cả những điều này bởi vì nó là thứ tháo dỡ các chướng ngại để thành tựu một sức mạnh cân bằng trong các phẩm tính tốt lành này. Ba-la-mật-đa Tập Luận dạy rằng:[21]
Ngay cả chư Bồ-tát cai quản nhiều đại vương quốc,
Có các đối tượng của giác quan tựa của thánh thần,
Vẫn giữ lại bản chất không hoen ố.[453]
Đây là năng lực có trí huệ như một thượng thư.
Tình thương của các ngài, bất khả phân với việc giúp tha nhân
Một cách tối hậu không ô nhiễm do tham chấp.
Bi mẫn của các ngài, không cầm lòng trước khổ đau của người khác
Chẳng chịu thua là lười nhác do gánh nặng của tuyệt vọng.
Có hỷ lạc tối thượng, các ngài không xa rời thực tại.
Lòng bình đẳng bao la chẳng bao giờ xem nhẹ lợi lạc của chúng sinh.
Đại trí huệ loại trừ tất cả những gì chống lại
Những phẩm tính tốt này và như vậy, làm cho chúng đẹp hơn.
Tán Tụng Vinh Danh Thế Tôn của ngài Mātṛceṭa {tên dịch nghĩa: Mẫu Hầu} cũng dạy rằng:[22]
Chẳng hề loại bỏ thật tánh
Ngài cũng hòa theo cùng {sự tồn tại} ước lệ[23].
Do đó, quý vị không cần phải từ bỏ thực tánh vốn chứng tỏ sự xác thực to tát rằng thậm chí chẳng có đến một hạt tử của điều mà các tiến trình suy tưởng của quý vị nắm bắt như là các biểu tướng của sự tồn tại thực sự. Và quý vị cũng tương hợp và không mâu thuẫn với ước lệ, vốn cho một xác quyết sâu xa rằng các hậu quả phát khởi từ các duyên và nhân bên trong và bên ngoài tương ứng của chúng. Đối với người khác, những điều này trông có vẻ loại trừ lẫn nhau hoàn toàn nhưng đối với những người có trí huệ, có sự tương hợp và thiếu vắng tính mâu thuẫn.
Tán Tụng Vinh Danh Thế Tôn dạy rằng:[24]
Về những điều bị loại trừ và cấm kỵ của ngài
Một số ngôn từ là liễu nghĩa
Một số lời dạy khác thì không,
Nhưng giữa chúng, chẳng hề có mâu thuẫn.
Hai dữ kiện – rằng có nhiều dị biệt trong các điều bị loại trừ và kiêng cấm giữa các thừa thấp và thừa cao và giữa kinh điển và Mật điển, và rằng chúng là tất cả các pháp tu tập của một người duy nhất – là mâu thuẫn đối với những người đang bối rối và thiếu sức mạnh của trí tuệ để tìm ra chủ ý của vô lượng kinh văn. Tuy nhiên, với trí huệ, thiện tri thức biết rằng chúng không loại trừ lẫn nhau.
Có vô số điều mà người thiểu tri xem là có mâu thuẫn với nhau nhưng người thiện tri lại xem là thiếu vắng sự mâu thuẫn – các trình bày về Nhị đế và nhiều tôn chỉ có trong một bản kinh văn lại là các điều cấm kỵ trong các kinh văn khác và ngược lại. Nói rằng trí huệ phân biệt được tính phi mâu thuẫn, ý nghĩa chủ tâm ẩn sau các trình bày đó là lời tán thán vô song về trí huệ.[454] Tóm lại, mọi phẩm tính tốt đều bắt nguồn từ trí huệ. Ba-la-mật-đa Tập Luận dạy rằng:[25]
Tuyệt làm sao những pháp tối thắng như thế đến từ trí huệ
Cũng giống như mẹ hiền yêu mến con trẻ của mình.
Thập lực của đấng thiện thệ, tối thắng nhất trong các sức mạnh;
Mọi hành động tối thượng, vô song
Và tất cả các huân tập thiện hạnh khác của toàn thể
Đều khởi sinh, dựa trên trí huệ đó làm nhân.
Các công nghệ và kho báu quý nhất trong các cõi
Sự phong phú của việc tu học thiêng liêng tựa con mắt;
Gia hộ, tỉnh thức, minh chú và vv...;
Các phẩm tính khác nhau của giáo pháp đã tuyên thuyết các điều này;
Thật nhiều cửa đến tự do và giải thoát
Mỗi khía cạnh của đây và đó vốn hữu ích cho các chúng sinh,
Là một năng lực Bồ-tát thực thi những điều to lớn
Đều phát sinh từ năng lực của tuệ giác thâm sâu.
Những khiếm khuyết của việc thiếu trí huệ là như sau. Không có trí huệ, bố thí và các Ba-la-mật-đa khác như thể bị mù lòa. Bảo Công Đức Bát Thiên Kệ dạy rằng:[26]
Hàng tỉ kẻ mù không người hướng dẫn
Không biết đường, sao vào được thành đô?
Khi năm Ba-la-mật này thiếu đi trí huệ;
Thiếu dẫn đường, họ khó thể sang bờ giác bên kia.
Hậu quả là bố thí và các Ba-la-mật-đa khác không thể trở nên thanh tịnh và quý vị không thể tìm thấy được chánh kiến. Ba-la-mật-đa Tập Luận dạy rằng:[27]
Nếu những mục tiêu đạt thành quả sau cùng mà không trí huệ.
Thì họ không thể tịnh hóa qua bố thí của mình
Đức Phật thuyết: “Bố thí vị tha là đệ nhất bố thí”.
Những loại bố thí khác chỉ làm tăng giàu mạnh mà thôi
Lại nữa:
Giới luật không thể trở nên thanh tịnh
Trừ phi ánh sáng trí huệ xua tan bóng tối.
Giới luật thiếu trí huệ thì sẽ thường xuyên
Trở nên ô nhiễm bởi phiền não của vô minh.
Lại nữa:
Nếu tâm thức ngươi ô nhiễm do trí thông minh sai lạc
Ngươi không quan tâm đến việc hành trì nhẫn nhục
Ngươi thường không thích cân nhắc công đức và lỗi lầm
Và như một ông vua bất tài lại đang trở thành nổi tiếng.
Lại nữa:
Với người thiện xảo, trí huệ được tán dương nhiều nhất
Không gì khác vi tế và thâm diệu hơn.
Thiếu trí huệ, ngươi không thể thẳng bước trên đường tâm linh
Không bị che mờ bởi sai lạc của dục vọng
Lại nữa:
Không hành trì tinh tấn theo các phương tiện trí huệ
Tri kiến ngươi sẽ không trở nên thanh tịnh.
Ở đây, “ông vua bất tài lại đang trở thành nổi tiếng” là vì vua không xứng đáng có danh chỉ một lần rồi suy thoái.
Quý vị không thể xua đi bóng tối về sự mơ hồ của ảo tưởng chừng nào mà đại quang trí huệ chưa sáng chói nhưng khi nó đã sáng rực rỡ thì quý vị xua tan bóng tối, cho nên, quý vị phải nỗ lực để phát khởi trí huệ bằng tất cả năng lực và dũng khí mà quý vị có. Ba-la-mật-đa Tập Luận dạy rằng:[28]
Như những tia sáng bình minh của vầng dương rực rỡ
Năng lực khổng lồ của ánh sáng trí huệ phát sinh
Và trong tâm thức chúng sinh mọi bóng tối ẩn tàng
Bị xua tan, chỉ còn danh định rơi lại phía sau.
Lại nữa:
Do đó, với tất cả năng lực mà ngươi bố trí
Hãy chuyên cần với các phương tiện phát sinh trí huệ thế kia
Đâu là các nguyên nhân của sự mơ hồ: các nhân này từ trên bạn xấu, giải đãi, biếng lười, ngủ quá, không thích thú trong phân tích và phân biệt, thiếu quan tâm đến sự đa dạng lớn lao của các pháp, ngã mạn với ý nghĩ ”ta biết” trong khi quý vị không biết, các quan điểm sai trái quan trọng, sự nản chí với ý nghĩ “Một người như ta sẽ không thể làm được điều này”, do đó, không thích dựa vào bậc thiện tri thức. Ba-la-mật-đa Tập Luận dạy rằng:[29]
Lười biếng, giải đãi và dựa vào bạn xấu
Để cho ngủ nghê điều ngự, không có trí phân biệt
Không quan tâm đến trí tuệ siêu việt của bậc hiền giả
Học hỏi với ảnh hưởng của lòng kiêu căng giả tạo.
Thiếu tín tâm để dựa vào các học giả
Vì chấp ngã từ các xúc cảm không thỏa đáng
Chất độc mạnh của nhận thức sai lầm vốn là tà kiến
Đây chính là các nguyên nhân của mơ hồ.
Do đó, Ba-la-mật-đa Tập Luận dạy rằng:[30]
Hãy phụng sự và tôn kính một đạo sư đáng tin cậy
Và hãy tu học để thành tựu trí huệ.
Một khi quý vị dựa vào bậc thiện tri thức, quý vị phải tu học theo sức của chính mình bởi vì nếu không, quý vị sẽ không làm phát sinh được trí huệ vốn khởi lên từ sự tu học cũng như là trí huệ vốn khởi lên từ sự quán chiếu, bởi đó, quý vị sẽ không biết thiền tập về cái gì.[456] Và nếu quý vị có tu học, thì quý vị sẽ làm phát sinh trí huệ vốn khởi lên từ sự quán chiếu bằng cách suy ngẫm về ý nghĩa của những điều mà mình đã học, và từ đây, quý vị sẽ thành tựu được trí huệ bao la vốn được khởi lên từ thiền định. Một lần nữa, ngài Thánh Dũng vinh quang đã dạy:[31]
Tu học ít tựa như mù – ngươi không biết, làm thế nào thiền tập?
Thiếu tu học, lấy gì quán chiếu?
Vậy cho nên, từ nguyên nhân việc nỗ lực tu học
Ngươi thiền định phù hợp với tư duy, và bởi đó, đạt trí huệ bao la.
Tôn giả Di-lặc cũng dạy trong Đại thừa Tối Thượng Mật điển:[32]
Các khái niệm hóa của tam giới
Được khẳng định là trở ngăn của nhận thức
Trong khi các khái niệm như tính keo bẩn và tương tự
Được xác định là các che mờ của phiền não.
Chỉ riêng trí huệ là nguyên nhân,
Để loại trừ chúng không gì khác,
Vậy nên trí huệ là tối thượng
Nền tảng trí huệ là tu dưỡng
Thế nên tu dưỡng là tối thượng
Tập Bồ-tát Học Luận (Śiksā-samuccaya-kārikā) của ngài Tịch Thiên dạy rằng:[33]
Hãy kiên nhẫn và tu tập
Ẩn cư trong rừng sâu,
Rồi tinh tấn cân bằng thiền.
Phần tự luận giải của ngài [Bồ-tát Học Luận] dạy rằng:[34]
Thiếu trì nhẫn, ngươi sẽ trở nên nản chí và không thể chịu đựng, nên sự tinh tấn và vv... của ngươi trong tu học sẽ giảm xuống. Và thiếu tu học, thì ngươi sẽ không hiểu hiểu biết về phương tiện cho cả việc bình ổn thiền lẫn việc xua tan phiền não. Do đó, không chút nản chí, hãy tu học.
Nārāyaṇa[35] Cầu Vấn Vượt Thắng Quân Chân Ngôn cũng dạy rằng:[36]
Là như vầy, hỡi đệ tử của truyền thừa diệu hảo, nếu ngươi tu học thì trí huệ sẽ đến. Nếu ngươi có được trí huệ thì các phiền não sẽ bị lắng xuống. Nếu ngươi không có phiền não thì các ma chướng[37] sẽ không có cơ hội làm hại ngươi.
Kinh và luận xác lập điều sau đây: những ai mong muốn thực hành giáo pháp một cách đúng đắn cần phải tu học sâu rộng các kinh tinh khiết và các luận về chúng, là các nguyên nhân vô thượng làm khởi sinh trí huệ vốn hoàn toàn phân biệt được các pháp một cách thấu suốt, vốn là sinh lực thiêng liêng của đạo pháp.[457] Tuy nhiên, việc không thành tựu được trí huệ trong khi nghĩ rằng sự tu học sâu rộng là cần thiết để phát triển trí huệ đơn thuần là sai sót về việc quý vị không nhận thức được tính thiết yếu về thiền quán của trí huệ phân biệt khi mà thời điểm chín muồi cho tu tập, và là lỗi lầm của ý tưởng cho rằng thiền quán là không cần thiết. Do đó, trong số quý vị, nếu có ai muốn điều tốt nhất cho mình thì hãy nên loại bỏ các tin tưởng sai lầm như vậy như là tránh xa thuốc độc vậy. Ngài Nal-jor-chen-bo đã dạy:
Này Jo-wo-pa, để đạt đến trạng thái giác ngộ nhất thiết trí thì bất luận là ngươi có khoe ra hay giấu kín rằng người chỉ tu học với một cẩm nang, thì ngươi sẽ không thể đạt đến đâu nếu thiếu việc học hỏi các kinh sách chất đầy trên lưng con bò yak.
Ngài Pu-chung-wa (Phu-chung-ba) đã để một thánh thư mở bên cạnh chiếc gối nằm của mình và nói:
Chúng ta phải học các kinh sách, do đó, ngay cả khi ngươi không có cơ hội đọc, hãy ước nguyện là sẽ được đọc tất cả. Nếu có kẻ nói rằng ngươi nên thực hành giáo pháp mà thiếu đi việc hiểu biết về giáo pháp thì ngươi sẽ làm như thế nào.
Ngài Bo-do-wa đã lập lại ba lần với một tăng sĩ của Jen-nga-wa (sPyan-snga-ba), người đang đi theo hộ tống ngài “Ngươi đang hưởng lạc cho chính mình quá mức”. Rồi ngài nói tiếp:
Ngươi đang đi theo thầy ta, ngài giống như bầu trời che phủ mặt đất, cho nên đừng thèm muốn đến các vị đạo sư khác. Bởi vì ngươi không phải đọc các chánh văn, các luận giải của các chánh văn đó và đánh dấu vào các đoạn liên quan, ngươi không có nhiều việc để làm. Ngươi sung sướng vì ngươi chẳng phải lo nghĩ gì đến nhân và quả trong lúc ngươi thực hiện một số hoạt động qua phương tiện của một số mật pháp. Và ngươi có thể nào hài lòng với những chuyện này chăng?
Ngài Sha-ra-wa nói rằng:
Cho đến khi ngươi thành Phật thì việc tu học của ngươi vẫn chưa kết thúc. Việc tu học kết thúc khi ngươi là một vị Phật.
Ngài Ga-ma-pa (Ka-ma-ba) dạy:
Một số người nói rằng: ”Nếu các người thực hành giáo pháp thì cần kiến thức để làm gì?” và họ suy thoái đi. Ý kiến này là một hiểm họa thực sự đối với những ai trong chúng ta là những người học hành ít ỏi. Một số khác lại nói: “Nếu các ngươi thực cố gắng thì các ngươi không cần kiến thức”. Điều này rất nguy hiểm. Nếu quý vị đang có một nỗ lực lớn vào vào giáo pháp thì tri thức là cần thiết; bởi vì việc đó không thể nào được hoàn tất trong một kiếp ngắn ngủi, nên chúng ta phải quyết tâm: “Tôi sẽ tu học liên tục qua nhiều kiếp mà không làm gián đoạn chuỗi các cuộc sống có thì giờ và cơ hội”. Một số người nghĩ rằng các thiền giả không cần học hỏi, chỉ những người giảng Pháp mới cần. Nhưng những người giảng Pháp và không tu học đơn thuần có nguy cơ phạm lỗi lầm trong lúc một cách chính xác là thiền giả phải tu học để tránh đi chệch đường tu.
Do đó, quý vị phải xác tín rằng trí huệ và sự tu học – nguyên nhân của trí huệ ̶ là cần thiết cho việc thực hành [giáo pháp] đúng đắn. Hơn nữa, trừ khi quý vị đạt được xác tín về sự cần thiết cho thiền minh sát khi tu tập, thì quý vị sẽ rất khó khăn để tiến lên.
Thậm chí, một số học giả nổi tiếng về kinh điển đã nói rằng: “Hãy hiểu rằng hoặc việc học chỉ là một sự chuẩn bị để tu tập hoặc là một nền tảng hỗ trợ – như ngọn núi đứng sau lưng một thung lũng – chứ không phải là những giáo huấn thực sự. Vì lý do này, ngươi cần tu tập để nhanh chóng đạt Phật quả và việc học để làm lợi lạc cho giáo pháp đức Phật”. Đây là một sự mâu thuẫn vô nghĩa. Chỉ có hai loại giáo Pháp: giáo Pháp theo như kinh điển và giáo Pháp vốn đã được đặt vào trong thực hành; loại giáo pháp đầu làm rõ các thao tác tu tập và loại thứ hai làm nhập tâm tu tập sau khi quý vị đã hiểu rõ các thao tác tu tập. Do đó, thực thi tu tập mà không phạm sai lầm là cách tốt nhất để xiển dương giáo pháp. Hơn nữa, xiển dương giáo pháp một cách không sai lạc về mặt thực hành phụ thuộc vào việc hiểu biết không sai lạc về giáo pháp kinh văn.
Do đó, quên đi nội dung đã học hỏi vào lúc thực hành là không đúng bởi vì trước hết, quý vị phải biết nhiều giáo pháp rồi sao đó, đặt ý nghĩa đích thực của chúng vào thực hành khi đã đến lúc để tiến hành như thế.
Ngay cả khi vào ban đầu quý vị không hiểu giáo pháp thì cũng đừng nản chí mà hãy nỗ lực tu học theo năng lực trí tuệ của mình, càng khả thi càng tốt, bất kể là học được ít hay nhiều. Đừng tách rời học hỏi và thực hành. Đúng hơn là ngay ở pháp tu mà quý vị thực hành phải đúng chính là điều mà quý vị học hỏi đầu tiên và quán chiếu. Các Bồ-tát mới bắt đầu phải phụ thuộc với một lòng tin chắc chắn vào một phương pháp tu tập duy nhất của lộ trình – tức là một sự thực hành không bị thiên vị hay thành kiến về một phía mà là toàn diện trong mọi khía cạnh của đường tu. Khi năng lực trí tuệ của họ nhỏ yếu thì họ, trong duyên cảnh chính mình, chỉ xúc tiến tiến trình này về việc học hỏi được theo sau bởi sự thực hành. Nếu năng lực trí tuệ của họ mạnh mẽ hoặc dù ban đầu có yếu kém, sau đó do duyên đã trở nên mạnh mẽ, thì họ sẽ vững vàng mở rộng sang giai đoạn của lộ trình mà họ biết việc thực thi trong mối liên hệ đến tất cả các kinh điển và các luận giải tinh khiết của chúng. Họ không cần phải học hỏi gì thêm ngoài các thứ này [459].
Do đó, nếu các giáo huấn là chuẩn xác và toàn diện thì, mặc dù đã được tóm lược, tất cả những điểm then chốt của các lộ trình hiển thừa và mật thừa, của Đại thừa và Tiểu thừa phải được đề cập; một khi chúng đã được diễn giải chi tiết, thì quý vị phải có thể xuyên suốt tất cả các giáo pháp. Cho đến khi quý vị đạt đến điều tương tự như thế này, thật khả dĩ để cảm thấy vui mừng về một số phần tu tập của quý vị, nhưng thật không thể nắm chắc hết về các điểm then chốt trên về sự thực hành của toàn bộ các giáo pháp.
Hậu quả là, hãy dựa vào các đạo hữu và đạo sư xuất chúng. Hãy tạo nên một nền tảng giới luật thanh tịnh mà quý vị sẽ tự mình cam kết. Hãy thường xuyên lắng nghe các giáo huấn, hãy thực hành bốn thời thiền và duy trì đối tượng thiền và các khía cạnh chủ quan của nó. Sau khi quý vị đã chí thành khấn nguyện chư thiên và các đạo sư, hãy nỗ lực cho tất cả các nguyên nhân của việc tiến hành từ nhiều hướng trong các tích lũy tư lương và trong việc tịnh hóa các chướng ngại. Nếu quý vị thực hiện điều này thì quý vị sẽ đạt chắc chắn một cách sâu sắc rằng các phẩm tính tốt trong tâm thức quý vị sẽ được cải thiện vững vàng. Các bậc tiền bối kiệt xuất đã dạy:
Hãy làm cho tất cả giáo pháp mà các ngươi đã nghe trước đây được hoàn toàn rõ ràng trong tâm mình. Ngươi phải thường xuyên quán chiếu, đánh giá và cân nhắc về chúng. Nếu ngươi tự để cho mình quên các giáo pháp thì việc học cách ổn định tâm vào một đối tượng thiền sẽ chẳng đem lại được điều gì. Những thiền giả giỏi nhất là những người thầy giỏi nhất. Những thiền giả tầm thường là những người thầy tầm thường. Các ngươi cần tri thức về giáo pháp và về thiền một cách tương xứng mà vốn cả tri thức lẫn giáo pháp tiếp tục ở các cấp độ cao hơn bao giờ hết;
Một khi ngươi đã xác quyết một cách chắc chắn từ các quán chiếu như thế, thì ngươi sẽ không nghe lời các bạn xấu nói: ”Mọi tư tưởng, thiện và bất thiện, đều là các danh định và do đó, phải bị loại bỏ”. Trái lại, quý vị phải nghĩ: “Các giáo pháp không đề cập điều này mà thầy ta cũng chẳng khẳng định nó”. Bằng không, nếu ngươi là người có chút ít tín tâm nhưng chẳng có trí huệ thì ngươi cũng giống như dòng nước từ trên cao chảy xuống đồi – ai dẫn dắt quý vị đi đâu thì quý vị sẽ theo đó, tin theo bất kỳ điều gì được bảo là sự thật, cảm thấy muốn khóc khi thấy người khác khóc, muốn cười khi thấy người khác cười.
(c’) Phân loại trí huệ
Phần này có ba nội dung:
1. Trí huệ hiểu biết tối hậu [460]
2. Trí huệ hiểu biết ước lệ
3. Trí huệ hiểu biết cách hành động vì lợi lạc chúng sinh
(1’) trí huệ hiểu biết tối hậu
Trí huệ hiểu biết tối hậu {hay chân đế} tri nhận thực tại vô ngã, hoặc qua phương tiện của danh định hoặc theo một dạng thức trực tiếp.
(2’) trí huệ hiểu biết ước lệ
Trí huệ hiểu biết ước lệ {hay tục đế} là trí huệ am tường năm lĩnh vực tri thức. Đại thừa Kinh Trang Nghiêm Luận dạy rằng:[38]
Thiếu tinh tấn trong năm lĩnh vực tri thức
Thì ngay cả bậc siêu phàm không thể đạt toàn trí.
Cho nên, họ phải nỗ lực về những môn này để phản bác người khác
Để chăm lo cho tha nhân và để hiếu biết mọi điều.
Các lĩnh vực này được phân biệt theo các loại mục đích khác nhau để theo đuổi. Để bác bỏ những người không tin giáo pháp thì quý vị cần theo học văn phạm và luận lý. Để giúp những ai có tín tâm thì quý vị cần theo học công nghệ và y học. Để đạt được tri thức về tất cả cho mình thì quý vị cần theo học Phật pháp. Để đạt Phật quả thì không có sự phân biệt giữa chúng với nhau; quý vị cần theo đuổi tất cả năm đề tài của tri kiến.
(3’) Trí huệ hiểu biết cách hành động vì lợi lạc chúng sinh
Trí huệ hiểu biết cách hành động vì lợi lạc chúng sinh hiểu biết con đường để hoàn tất một cách không thể chê trách vì lợi lạc của chúng sinh trong kiếp hiện tại và các kiếp sau của họ.
(d’) Cách thức tu tập
Khi phát triển ba loại trí huệ này, quý vị phải kết hợp với sáu phạm trù tối thượng và tất cả sáu Ba-la-mật-đa. Bố thí của trí huệ là việc xác lập cho tha nhân trong trí huệ sau khi quý vị đã tự ổn định mình trong trí huệ. Các Ba-la-mật-đa còn lại được trình bày ở phần trên.[39]
(e’) Tổng kết
Ngay cả khi quý vị đã có trí huệ nhận thức tánh Không thì điều đó cũng không trở thành Bồ-tát hành nếu không có tâm Bồ-đề {tâm giác ngộ}, cho nên hãy tăng cường một cách vững chãi tâm giác ngộ ̶ nền tảng của những Bồ-tát hành. Kế tiếp, hãy ước nguyện có được trí huệ của những người ở trình độ cao rồi tu dưỡng tâm theo đó. Từ lúc này, quý vị phải nỗ lực khởi sinh ba loại trí huệ ̶ phương tiện để thành tựu việc đại huân tập trí huệ tối thượng vô song – và quý vị phải học hỏi. Bởi vì nếu quý vị không làm điều này, quý vị mâu thuẫn với giới luật căn bản và sẽ bị hủy hoại bởi các sai lạc và các phạm giới; và trong những kiếp sau, quý vị cũng sẽ không ưa thích tu học sâu rộng. Hậu quả là quý vị sẽ không thể học tập các rèn luyện Bồ-tát. [461] Trong khi, nếu quý vị nỗ lực tu tập các phương pháp phát triển trí huệ trong kiếp này, quý vị ngăn ngừa được việc vi phạm về việc không rèn luyện sáu Ba-la-mật-đa như đã phát nguyện, và trong những kiếp sau, như Đồng tử Vấn kinh đã dạy, quý vị sẽ có thể dễ dàng thành tựu trí huệ.
Hiện nay, trong sáu Ba-la-mật-đa – là trọng tâm của các lộ trình Hiển thừa và Mật thừa – chỉ tồn tại trong sự đo lường hạn chế các giai đoạn của tu tập về bình ổn thiền, nhưng các giai đoạn tu tập về năm Ba-la-mật-đa còn lại đã biến mất. Do đó, tôi đã giảng giải những điểm mấu chốt một cách vắn tắt và ít ỏi về phương pháp tạo ra tri kiến vững chắc về sự tu tập của năm Ba-la-mật-đa đó. Dưới đây, tôi sẽ giảng dạy một cách chi tiết hai chủ đề lấy từ các bản văn cổ xưa: các giai đoạn về cách tu tập tuệ giác – trí huệ quán sát thực tánh và sự phân hóa của các pháp – và các giai đoạn tu tập định lực từ thiền, vốn là sự bình ổn thiền.
Tất cả chư Bồ-tát sẽ thành Phật đạo đều thực hành như vậy dựa vào sáu Ba-la-mật-đa. Bồ-tát Địa nhấn mạnh điều này ở cuối phần thảo luận của từng Ba-la-mật-đa một. Vì thế, sáu Ba-la-mật-đa này được biết đến như là con đường mà chư Bồ-tát trọng quá khứ, hiện tại và tương lai đều đi theo. Và bởi vì sáu Ba-la-mật-đa này là đại dương của mọi thiện hạnh, chúng là sự tóm tắt toàn hảo về các điểm tu tập mấu chốt. Bồ-tát Địa dạy rằng:[40]
Chư Bồ-tát đạt giác ngộ vô thượng, toàn hảo bởi sáu Ba-la-mật-đa này được gọi là một con sông lớn, một đại dương của thiện hạnh; Bố thí và vv... là các nhân quý giá nhất của mọi điều tối thắng cho tất cả các chúng sinh. Do đó, không có gì có thể so sánh được với sự viên mãn bất khả tư lường của các Ba-la-mật-đa về các huân tập công đức và trí huệ siêu việt và về thành quả của giác ngộ toàn hảo vô thượng.[462]
[1]Trong thiền Phật giáo có ba thể loại chính là: (1) thiền để đạt một định lực cao (thường gọi thiền định hay thiền chỉ), (2) thiền để thấu suốt được bản chất thật của một sự việc tức là đạt đến tuệ giác (thường được gọi tên là thiền phân tích, thiền quán, hay thiền minh sát) và loại thứ ba (3) là thiền để rèn luyện cả định lực lẫn tuệ giác song song. Trong nguyên bản, thuật ngữ được dùng là “meditative stabilization” nhấn mạnh sự bình ổn hóa tâm thức từ việc thiền và không nói rõ là loại thiền nào. Đối với các mức thiền khác với thiền định thì hành giả hoặc đã đạt được định lực đủ mạnh từ các rèn luyện trong thiền định từ trước đó, hoặc đang nuôi dưỡng song song định lực cùng với trí huệ. Từ đây, chúng ta sẽ dùng thuật ngữ bình ổn thiền (hay an định thiền, ổn định thiền) để chỉ tu tập thiền nhằm tăng trưởng về định lực nhưng có thể không xác định rõ là thiền chỉ hay thiền kết hợp.
[2]Theo giải thích của Ngài Sopa thì tổ Vô Trước giải thích trong Bồ-tát Địa rằng để tập trung nhất tâm được lên một đối tượng chúng ta cần biết đối tượng đó một cách tỉ mỉ. Việc biết các đối tượng tiếp cận trong Bồ-tát đạo đòi hỏi việc tu học các kinh điển và lắng nghe các giảng giải về chúng. Steps on the Path to Enlightenment. Lhundub Sopa. Vol3. P480. Wisdom. 2008.
[3]BA344 Bbh, Wogihara 1971: 206-207; D4037: Wi lllal-3.
[4]BA345 BCA: 8.1ab.
[5]BA346 LRCM: 468ff; Đại Pháp 3, Phần Một.
[6]Trạng thái nhu hoạt là trạng trạng thái mà thân và tâm trở nên hoạt dụng; tùy theo mức độ đạt đến, trong trạng thái đó có thể bao gồm (1) sự khả dụng của tâm tức là khả năng trở nên linh hoạt của tâm có thể cài đặt lên mục đích thiện đức bất kỳ mà không bị trở ngại tinh thần nào, các trạng thái thô lậu khác của tâm đã bị loại trừ; (2) sự khả dụng về thể chất tức là thân thể có thể được sử dụng cho mục tiêu mong muốn thiện đức bất kỳ mà không bị cảm giác khó khăn, lúc này hành giả không còn các cảm xúc thô lậu nữa và cảm xúc về thân thể trở nên nhẹ êm mềm mại (cảm giác khinh an). Meditative States in Tibetan Buddhism. Lati Rinbochay. P69-70. Wisdom. 1983.
[7]Trạng thái cân bằng trong thiền là trạng thái của tâm thức khi đang nhập thiền mà hành giả không còn bị chao động bởi trạo cữ (phân tâm) hay bị mất tập trung bởi hôn trầm (buồn ngủ hay mất tỉnh táo, mơ hồ). Đây là một trạng thái cân bằng động vì tâm thức hành giả vẫn sáng suốt linh hoạt trong khi thiền. Trạng thái này sẽ được giải thích chi tiết trong quyển ba. Chương 1 và các chương sau đó. Steps on the Path to Enlightenment. Lhundub Sopa. Vol3. P484. Wisdom. 2008.
[8]BA347 LRCM: 371.13.
[9]BA348 Bbh, Wogihara 1971: 210; D4037: Wi 113a6-7.
[10]Cùng một trích dẫn, nhưng theo cách chuyển dịch của Ngài Sopa, đoạn văn này được diễn ý rõ hơn thành: Hãy biết rằng bản chất về trí huệ của chư Bồ-tát là việc thấu hiểu tất cả các pháp – tức là các đối tượng của tri thức mà hành giả lĩnh hội cũng như là các đối tượng của tri thức mà hành giả đã nắm bắt – thông qua một sự phân tích toàn diện về năm đề tài của tri thức gồm Phật học, luận lý học, y học, ngôn ngữ học và công nghệ. Steps on the Path to Enlightenment. Lhundub Sopa. Vol3. P484. Wisdom. 2008.
[11]Theo giải thích của Ngài Sopa, thì đại sư Vô Trước phân biệt thành hai dạng tri kiến tương ứng là với tri kiến của các Bồ-tát chưa trực chứng tính Không và tri kiến của các Bồ-tát đã trực ngộ được thực tại tối hậu. Steps on the Path to Enlightenment. Lhundub Sopa. Vol3. P484. Wisdom. 2008.
[12]BA349 LRCM: 564ff; Đại Pháp 3, Phần Hai.
[13]BA350 Prajñā-śataka-nāma-prakaraṇa D4328: No 99b6-7.
[14]BA351 Ratna-guṇa-sañcaya-gāthā {tên đầy đủ Ārya-prajñāpāramitā-ratnaguṇa-sañcaya-gāthā – Bát-nhã Ba-la-mật-đa Bảo Công Đức Bát Thiên Kệ} 7.2; D13: Ka 6a5-6.
[15]Năm giác quan (còn được gọi là ngũ căn) bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân (hay các danh từ Hán-việt tương ứng là nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt và thân) tương ứng với các giác quan này sẽ là các đối tượng mà chúng thụ cảm là hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, và tiếp xúc (hay sắc, thanh, hương, vị, xúc).
[16]BA352 PS: 6.1-2; D3944: Khi 231b5-6..
[17]Các phẩm tính này bao gồm tín tâm, tinh tấn, chánh niệm hay toàn tâm, định lực và tuệ giác còn được gọi cùng tên là ngũ căn một thành phần của 37 phẩm trợ đạo (gồm Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ Pháp như ý túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất giác chi và Bát chánh đạo). Steps on the Path to Enlightenment. Lhundub Sopa. Vol3. P493. Wisdom. 2008.
[18]Ngài Tsongkhapa chỉ viết phẩm tính đầu là bố thí và các phần tiếp theo được hiểu ngầm do chữ “vv…” tức là các phẩm tính Ba-la-mật-đa còn lại; tương tự cho trường hợp của thuật ngữ tín tâm.
[19]BA353 PS: 6.4; D3944: Khi 231b7.
[20]BA354 PS: 6.6,6.12, 6.14-15ab, 6.17; D3944: Khi 232al, 232a5-6, 232a6-7, 232bl-2.
[21]BA355 PS: 6.43-45; D3944: Khi 233b5-7.
[22]BA356 Varṇā-varṇe-bhagavato-buddhasya-stotre-śākya-stava {Tán Tụng Vinh Danh Thế Tôn} 5.23a-b; Hartmarm, 1987:184.
[23]Ở đây ngài Tsongkhapa nói về Nhị Đế (hai chân lý) bao gồm chân lý có tính ước lệ, {thường tục hay tương đối} (Tục đế) và chân lý tối hậu hay tuyệt đối {hay tối hậu} vốn là thực tánh của các pháp (Chân đế) và dường như với kẻ phàm thì Tục đế và Chân đế là mâu thuẫn nhau. Chân lý tối hậu là các pháp đều thiếu vắng sự tồn tại tự tính. Dưới quan điểm tối hậu thì sự vật đều chỉ được quy gán, chúng chỉ tồn tại tùy thuộc vào sự định danh {do cách đặt tên, cách định nghĩa, cách phân biệt với các vật khác hay cách đặt thành khái niệm về sự vật đó}. Chân lý ước lệ là cách thức mà sự vật trình hiện ra trước tâm thức người thường. Sự vật như tồn tại thật sự, có đối tượng có chủ thể, có nhân có quả, tốt xấu và chúng dường như tồn tại thật sự và tách biệt. Cái nhìn này dường như mâu thuẫn với Chân đế thiếu vắng thật tính hay tự tính. Đối với một thiền giả trực tiếp giác ngộ tính Không thì mâu thuẫn này hoàn toàn được giải quyết. Không có một cơ sở bên trong hay bên ngoài nào tồn tại tự tính, tối hậu hay độc lập. Trong cùng lúc chúng ta chấp nhận luật duyên khởi – tức là một nguyên nhân đặc thù sản sinh một hậu quả riêng rẽ. với trí huệ, không cần phải quay lưng với Chân đế để tiếp nhận Tục đế. Họ thấu hiểu bản chất ảo tưởng của các pháp và của luật nhân quả. Steps on the Path to Enlightenment. Lhundub Sopa. Vol3. P499-500. Wisdom. 2008.
[24]BA357 Ibid.: 5.7.
[25]BA358 PS: 6.39cd-42; D3944: Khi 233b3-5.
[26]BA359 Ratna-guṇa-sañcaya-gāthā: 7.1; D13: Ka 6a6 .
[27]BA360 PS: 6.5,6.11,6.13,6.16,6.18ab; D3944: Khi 231b7-232al, 232a4-5,232a6,232bl, 232b2.
[28]BA361 PS: 6.25,28cd; D3944: Khi 232b7-233al, 233a2.
[29]BA362 PS: 6.52-53; D3944: Khi 234a4-6.
[30]BA363 PS: 6.47ab; D3944: Khi 234al.
[31]BA364 PS: 6.48; D3944: Khi 234a2.
[32]BA365 RGV: 5.14-15. P5525: 31.4.6-7.
[33]BA366 Śiksā-samuccaya-kārikā {Tập Bồ-tát Học Luận} : 22a-c; D3939: Khi 2b4.
[34]BA367 Śikṣāsamuccaya {Bồ-tát Học Luận} Bendall and Rouse: 179; D3940: Khi 100b3-4.
[35]Từ Nārāyaṇa (phiên âm là Na-la-diên) có nhiều nghĩa, theo kinh văn Bà-la-môn, đây là tên của vị Phạm thiên Vishnu tối cao. Theo nghĩa khác trong Phạn ngữ thì chữ này nghĩa là Thủy Tạng, nghĩa khác nữa là chỗ nghỉ ngơi của tất cả chúng sinh và cũng có nghĩa là Chúng sinh tối cao làm nền tảng cho tất cả nam giới. Xem Narayana. Wikipedia. Truy cập: 07/12/2011.
<http://en.wikipedia.org/wiki/Narayana>.
[36]BA368 Nārāyaṇa-paripṛcchā-ārya-mahāmayā-vijaya-vāhinī-dhāraṇi {Na-la-diên Vấn Đại Thừa Vượt Thắng Quân Chân Ngôn} D134: Na 92b2.
[37]Theo cách giải thích của Sopa Rinpoche, ngài dùng thuật ngữ các tội lỗi (eng. evils) thay vì các ma chướng (eng. demons). Theo như cách giải thích này trong số bốn loại ma chướng thì có đến ba loại là ma chướng nội tại. Ba loại ma chướng nội tại được gọi một cách phân biệt thành các tội lỗi bao gồm: (1) ma chướng đầu tiên là các phiền não tinh thần như tham, sân, si, vân vân; (2) sự hoạt hóa của các phiền não này tạo ra nghiệp mà kết quả là ngũ uẩn của thân và tâm, cho nên ma chướng thứ hai là các uẩn; (3) Khi chúng ta ra đời do năng lực của các phiền não đó, nên thân và tâm là nơi chốn của khổ sở, khó khăn, đau đớn và hủy diệt cho nên ma chướng thứ ba là tội lỗi về cái chết. Steps on the Path to Enlightenment. Lhundub Sopa. Vol3. P510. Wisdom. 2008.
[38]BA369 MSA: 9.60; D4020: Phi 15b4-5.
[39]BA370 LRCM: 371.13.
[40]BA371 Bbh, Wogihara 1971: 216; D4037: Wi 115b2-4.