Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (21)


Xem mục lục

2’ Suy ngẫm về tiến trình luân hồi về mặt nguồn gốc

a” Phiền não khởi lên như thế nào

1” Nhận diện phiền não

2” Thứ tự theo đó phiền não khởi lên

3” Các nguyên nhân của phiền não

4” Những sai sót của phiền não

b” Từ đó quý vị tích lũy nghiệp như thế nào

1” Xác định nghiệp mà quý vị tích lũy

(a) Nghiệp từ ý định {ý nghiệp}

(b) Nghiệp từ hành động có chủ ý {thân nghiệp}

2” Quý vị tích lũy nghiệp như thế nào

(a) Tích lũy nghiệp vì các cảm giác lạc thú

(i) Tích lũy nghiệp vì lạc thú xuất phát từ vui hưởng những đối tượng ưa thích – sắc, thanh, và những thứ tương tự

(ii) Tích lũy nghiệp vì đạt hỷ lạc trong thiền định, sau khi quý vị đã từ bỏ tham luyến đối với các lạc thú giác quan bên ngoài

(b) Tích lũy nghiệp vì các cảm giác trung tính

c” Quý vị chết và tái sinh như thế nào

1” Nguyên nhân của cái chết

2” Tâm thức vào lúc chết

(a) Chết với tâm thiện lành

(b) Chết với tâm bất thiện

(c) Chết với tâm trung tính về mặt đạo đức

3” Hơi nóng tụ ở đâu

4” Sau khi chết quý vị vào tình trạng trung ấm như thế nào

5” Rồi quý vị tái sinh như thế nào

–––\–––

2’ Quán chiếu quá trình luân hồi trong khuôn khổ nguồn gốc của nó

Nguồn gốc của luân hồi được giải thích bằng ba phần sau:

1.Phiền não khởi lên như thế nào

2.Quý vị tích lũy nghiệp như thế nào

3.Quý vị chết và tái sinh như thế nào

a”Phiền não khởi lên như thế nào

Nghiệp và phiền não đều là những nguyên nhân cần thiết để tạo thành luân hồi, nhưng phiền não là phương diện chính yếu. [233] Bởi vì, cũng như hột giống không có hơi ẩm, đất, v.v. sẽ không sinh ra mầm cây, cho nên nếu thiếu phiền não – cho dù quý vị có tích lũy vô số nghiệp trong quá khứ – vẫn sẽ không có mầm khổ đau vì nghiệp còn thiếu những trợ duyên cần thiết. Một lý do nữa khiến phiền não là chính yếu – ngay cả khi không có nghiệp tích lũy từ trước – vì nếu phiền não hiện diện, thì lập tức quý vị sẽ tích lũy nghiệp mới, và do đó sẽ chiếm hữu các uẩn trong tương lai. Tương tự, Lượng Thích Luận của ngài Pháp Xứng nói:[1]

Nghiệp của người đã vượt khỏi khát khao để tồn tại

Sẽ không đủ năng lực để phóng hoạt sang một kiếp khác

Bởi vì các trợ duyên của nó đã không còn.

Lại nữa:

Bởi vì các uẩn sẽ lại phát sinh, nếu ngươi còn tham chấp.

Do đó, điều rất quan trọng là cần nương tựa vào một phương cách đối trị các phiền não. Hơn nữa, bởi vì điều này đòi hỏi hiểu biết về phiền não, cho nên quý vị cần phải am tường về phiền não. Tri kiến này gồm có bốn phần:

1. Nhận diện phiền não

2. Thứ tự theo đó phiền não khởi lên

3. Các nguyên nhân của phiền não

4. Những sai sót của phiền não

1” Nhận diện phiền não

Vi Diệu Pháp Tập Luận của ngài Vô Trước đưa ra một định nghĩa tổng quát về phiền não: [2]

Phiền não được định nghĩa là một hiện tượng, khi khởi lên, có tính chất quấy rối và, qua việc phát khởi, [hiện tượng đó] quấy rối dòng tâm thức.

Cho nên, khi phát sinh, nó quấy rối dòng tâm thức.

Sau đây là các định nghĩa cụ thể của mười phiền não:

1) Tham luyến {hay tham chấp} có nghĩa là để ý một đối tượng vui thích hoặc hấp dẫn ở bên ngoài hoặc bên trong và ham muốn đối tượng đó. Khi tham luyến bám chắc vào đối tượng và trở nên mạnh mẽ, quý vị khó có thể tách rời khỏi đối tượng, cũng giống như khó có thể tẩy vết dầu đã thấm vào trong vải.

2) Thù nghịch có nghĩa là quy thuận các nguồn gốc của khổ – chẳng hạn như chúng sinh, đau đớn, vũ khí, hoặc gai góc – và phát sinh ra tâm khắc nghiệt, dày vò; tâm này nghĩ ngợi về việc làm hại các đối tượng đó. [234]

3) Kiêu mạn có nghĩa là tuân thuận theo – hoặc bên trong hoặc bên ngoài - những tính chất như cao, thấp, tốt, hoặc xấu và dựa trên cái nhìn cứng nhắc về các uẩn đang hư hoại {hoại uẩn}, để cho tâm mình được thổi phồng lên; quý vị có thái độ tự tôn.

4) Vô minh có nghĩa là việc sở hữu phiền não của sự hiểu sai lạc vì tâm không được rõ ràng về bản chất của Tứ-Đế, nghiệp và nghiệp quả, và Tam Bảo.

5) Nghi ngờ có nghĩa là xét ba đối tượng này - Tứ-Đế, nghiệp cùng với nghiệp quả, và Tam Bảo – và không chắc chắn rằng các đối tượng này có hiện hữu hoặc có thật hay không.

6) Quan điểm cứng nhắc {cố chấp} về các hoại uẩn[3] là một trí thông minh phiền não; trí thông minh này quy thuận theo các uẩn bị chiếm hữu và coi chúng là “cái tôi” hoặc “của tôi”, có nghĩa là coi chúng như là bản ngã hoặc vật sở hữu của bản ngã. Ở đây, bởi vì “hư hoại” nghĩa là vô thường và “các uẩn” ở số nhiều,[4] các từ ngữ này cho thấy điều được nắm bắt chỉ đơn giản là các hiện tượng vô thường và đa dạng; không có con người thường hằng và đơn độc. Đó là lý do tại sao nó được gọi là “quan điểm cố chấp về các uẩn đang hư hoại”.

7) Quan điểm biên kiến là một trí thông minh phiền não; trí thông minh này xem ngã như được hiểu qua quan điểm về các hoại uẩn và coi ngã là thường hằng và vĩnh cửu, hoặc là phải bị hủy diệt tới không còn có tái sinh từ đời này sang đời tương lai.

8) Niềm tin vào uy thế tối cao của tà kiến[5] là một trí thông minh phiền não; trí thông minh này theo một trong ba quan điểm – quan điểm về các hoại uẩn, quan điểm biên kiến, hay quan điểm tà kiến – theo cùng với các uẩn của người có kiến chấp và dựa trên cơ sở đó mà một quan điểm như thế hình thành, và coi quan điểm như vậy là tối cao.

9) Tin tưởng vào uy thế tối cao của đạo đức và giới luật tôn giáo[6] là một trí thông minh phiền não; trí thông minh này tuân thủ theo một kỷ luật đạo đức vốn chối bỏ sai trái về giới luật đạo đức, hoặc tuân theo một giới luật đòi hỏi các hình thức chắc chắn về trang phục, cung cách, lời nói, và cử chỉ; cũng như là các uẩn của thân và tâm dựa trên cơ sở các hình thức về kỷ luật đạo đức và khổ hạnh để hình thành {quan điểm đó}, và coi trọng các hình thức đó có vai trò như là việc thanh lọc tội lỗi, giải thoát khỏi các khổ đau, và đem quý vị ra khỏi luân hồi.

10) Tà kiến là là một trí thông minh phiền não vốn phủ nhận sự tồn tại của những điều như là các tiền kiếp, các đời tương lai hoặc nghiệp và nghiệp quả, hoặc tin rằng nguyên nhân của các chúng sinh là một đấng tạo hóa thiêng liêng hoặc một bản thể nguyên sơ, v.v.[7]

Tôi đã giải thích mười phiền não này theo Vi Diệu Pháp Tập Luận Du-già Hạnh Địa LuậnNgũ Uẩn Luận (Pañca-skanda-Prakaraṇa) của ngài Thế Thân.[8] [235]

2” Thứ tự theo đó phiền não khởi lên

Một cách để xem xét vấn đề này là xem vô minh tách biệt với quan điểm về các hoại uẩn. Thí dụ khi chạng vạng tối vừa phủ xuống một cuộn dây thừng, tình trạng đó khiến dây thừng sẽ trở nên không rõ ràng và có người có thể tưởng đó là một con rắn. Tương tự, theo quan điểm này, sự hiểu lầm các uẩn như là bản ngã khởi lên do bóng tối của vô minh ngăn che không cho thấy rõ ràng cách thức hiện hữu của các uẩn. Khi đó các phiền não khác phát triển từ sự hiểu lầm này. Mặt khác, nếu quý vị cho rằng vô minh và quan điểm về các hoại uẩn là đồng nhất thì khi đó chính quan điểm về các hoại uẩn này là gốc rễ của phiền não.

Khi quan điểm về các hoại uẩn nắm bắt một bản ngã, thì sự phân biệt giữa bản ngã và kẻ khác khởi lên. Một khi đã có sự phân biệt này, quý vị trở nên tham chấp vào những thứ liên hệ đến bản thân mình và thù nghịch với những thứ thuộc về người khác. Trong khi quý vị quy thuận theo bản ngã này, thì tâm quý vị cũng trở nên thổi phồng lên. Quý vị phát triển một niềm tin rằng chính cái ngã này hoặc vĩnh cửu hoặc là chủ thể của sự hủy diệt. Quý vị trở nên tin vào tính cách tối cao của quan điểm ngã kiến và những thứ tương tự, và quý vị cũng tin vào tính cách tối cao của những lối hành xử tai hại liên quan tới các quan điểm như thế. Tương tự, quý vị phát triển tà kiến phủ nhận sự hiện hữu của những điều như Tôn Sư đã dạy về vô ngã và những điều mà ngài dạy – bao gồm nghiệp và nghiệp quả, Tứ-Đế, Tam Bảo, v.v.; hoặc quý vị nghi ngờ về sự hiện hữu hoặc sự có thật của những điều này. Lượng Thích Luận của ngài Pháp Xứng:[9],

Một khi có một bản ngã, sẽ có ý niệm về một người khác.

Khi nhân danh ngã và người khác, sẽ có tham chấp và thù nghịch.

Tất cả các lỗi lầm xảy ra

Đều liên quan đến những thứ này.

3” Các nguyên nhân của phiền não

Có sáu tầng như được trình bày trong Bồ-tát Địa:

1) Cơ sở là xu hướng tiềm tàng cho phiền não.

2) Đối tượng là sự trình hiện các trần cảnh thuận lợi cho phiền não phát khởi.

3) Bối cảnh xã hội là ảnh hưởng của bạn bè xấu và của những kẻ dại dột.

4) Thuyết luận là việc nghe những giảng dạy sai lầm.

5) Huân tập là quá trình trở nên quen thuộc với các phiền não trong quá khứ.

6) Chú tâm là sự chú tâm không đúng; chú tâm này phóng tưởng ra sự “vui thú” lên các sự vật mang đặc tính không vui thú, nhận thức một vật vô thường thành thường hằng, và những thứ tương tự [bốn khái niệm sai sót, một cách lầm lạc, đã xem sự việc thật ra là vô thường, khổ, bất tịnh và vô ngã trở thành sự việc thường hằng, vui thú, thanh tịnh và hữu ngã.] [236]

4” Những sai lạc của phiền não

Khi một phiền não khởi lên, đầu tiên nó hoàn toàn làm cho tâm đau buồn, khiến cho quý vị sai lầm trong việc mình đang theo, củng cố các xu hướng tiềm tàng của quý vị, và khiến cho phiền não cùng loại tái hiện. Nó có thể hại quý vị, những người khác, hoặc cả hai; nó dẫn tới các hành động sai lầm trong đời này, trong đời sau, hoặc trong cả hai. Nó tạo ra các kinh nghiệm đau đớn và thống khổ, cũng như cái khổ của sinh, và những thứ tương tự như vậy {lão, bệnh, tử}. Nó đưa quý vị xa rời niết-bàn, công đức của quý vị bị hủy diệt và các nguồn của cải của quý vị bị cạn kiệt. Trong xã hội, quý vị cảm thấy lo lắng, không vui thú, không có tự tin, trong khi tiếng xấu của quý vị lan đi mọi phía, những người toàn hảo như các đạo sư và vị hộ trì sẽ khiển trách quý vị. Quý vị chết trong hối tiếc, mục đích của quý vị không hoàn tất, và sau khi chết quý vị sẽ tái sinh vào cảnh giới khốn khổ.

Hơn nữa, như Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận nói:[10].

Qua phiền não, ngươi tự hủy diệt mình, hủy diệt các chúng sinh khác, và hủy diệt giới luật.

Sau khi ngươi đã làm tiêu tan niềm vui của mình, người khác lánh xa ngươi; các vị hộ trì và đạo sư khiển trách ngươi.

Bị ô danh, ngươi sẽ bị tái sinh vào trong hoàn cảnh không có thì giờ nhàn rỗi.

Ngươi bị nhiều thống khổ vì bị mất phẩm hạnh mà ngươi đã có hoặc sẽ đạt được.

Hơn nữa, quý vị nên biết những khuyết điểm như được mô tả trong Nhập Bồ-đề Hành Luận: [11]

Những kẻ thù như sân hận và tham chấp

Không có chân mà cũng chẳng có tay,

Cũng không can đảm mà cũng không sáng trí.

Thế thì làm sao chúng bắt ta làm nô lệ?

Khi chúng mãi trong tâm ta,

Làm hại được ta là chúng hả hê.

Chúng không dài lâu mà không sân hận –

Dung thứ chúng là điều lố bịch!

Ngay khi tất cả chư thiên và A-tu-la

Nổi lên làm kẻ thù chống lại ta,

Họ cũng không thể đưa hoặc cưỡng bách ta

Vào trong lửa của địa ngục Vô Gián.

Nhưng phiền não, kẻ thù hùng mạnh này, [237]

Chỉ trong chớp mắt đẩy ta vào trong lửa

Nóng đến nỗi nếu Tu-di gặp lửa đó

Thì tro tàn cháy cũng không còn.

Kẻ thù là phiền não của chính ta

Đã có mặt lâu rồi từ vô thủy vô chung.

Không kẻ thù nào khác có sức mạnh

Để tồn tại lâu dài như vậy.

Nếu phục vụ và quan tâm người đúng mức

Mọi người sẽ giúp ngươi và khiến ngươi hạnh phúc,

Nhưng nếu ngươi phục vụ phiền não của mình

Chúng chỉ gây ngươi thêm nhiều đau khổ.

Quý vị phải hiểu đúng theo như điều ngài Gön-ba-wa nói:

Để diệt trừ các đau khổ, ngươi phải biết những khuyết điểm, đặc tính, cách đối trị của chúng, và những nguyên nhân khiến phiền não phát sinh. Sau khi ngươi đã nhận ra các sai lạc của chúng, hãy coi chúng là hư hại và xem chúng như kẻ thù. Nếu ngươi không nhận ra những sai lạc của phiền não, ngươi sẽ không hiểu được chúng là kẻ thù. Cho nên, người ta nói rằng ngươi nên suy ngẫm về điểm này, theo những điều được nêu lên trong Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm LuậnNhập Bồ-đề Hành Luận.

Và lại nữa:

Cũng hãy học hỏi những luận thích của ngài Thế Thân và ngài Vô Trước để hiểu những tính chất của phiền não. Ít nhất hãy học hỏi Ngũ Uẩn Luận của ngài Thế Thân. Một khi ngươi đã biết các căn bản phiền não và tùy phiền não, khi tham luyến, thù nghịch hoặc các thứ như thế khởi lên trong dòng tâm thức, ngươi có thể nhận diện được chúng – nghĩ “Nó là cái này; bây giờ nó vừa mới khởi lên” – và chống cự lại phiền não đó.

b” Từ đó quý vị tích lũy nghiệp như thế nào

1. Nhận diện nghiệp mà quý vị tích lũy

2. Quý vị tích lũy nghiệp như thế nào

1” Nhận diện nghiệp mà quý vị tích lũy

(a) Nghiệp thuộc về ý định {ý nghiệp}

Vi Diệu Pháp Tập Luận:[12]

Ý định là gì? Đó là ý nghiệp liên quan tới tâm; nó hoạt tác tâm vào các hoạt động thiện, bất thiện, và trung tính về đạo đức.

Như thế, ý định là ý nghiệp, một quá trình của tâm; nó làm chuyển động và thôi thúc tâm mà tâm đó liên kết tới các đối tượng.

(b) Nghiệp thuộc về hành động có chủ ý {thân nghiệp}

Đây là hành động của thân và khẩu được ý định thúc đẩy. [238] Vi Diệu Pháp Báu Luận:[13]

Nghiệp vừa là ý định vừa là điều mà nó tạo ra.

Ý định là ý nghiệp;

Điều mà nó tạo ra là thân nghiệp và khẩu nghiệp.

Tì-bà-sa bộ {skt. Vaibhāṣika} chia thân và khẩu nghiệp thành hai loại, loại nhận thức được và loại không nhận thức được, và cho rằng cả hai loại luôn luôn có sắc tướng. Ngài Thế Thân bác bỏ quan điểm này, khẳng định rằng thân và ý nghiệp là ý định hoạt động cùng với ứng xử có thể nhận thức được của thân và khẩu; do vậy, cả hai hình thức nghiệp [ý định và được có chủ định] thật ra đều là các ý định.[14]

Nói chung, nghiệp có ba loại: thiện, bất thiện, và trung tính về mặt đạo đức, nhưng ở đây quý vị chỉ quan tâm đến hai loại đầu. Nghiệp thiện có hai loại, thiện nghiệp hữu lậu và thiện nghiệp vô lậu[15]. Tôi chỉ thảo luận nghiệp hữu lậu và nghiệp này cũng có hai loại: loại hiện diện trong tâm của bậc thánh và loại hiện diện trong tâm kẻ phàm phu. Ở đây quý vị lại chỉ quan tâm đến loại sau mà thôi.

Nghiệp bất thiện là nghiệp không có công đức. Nghiệp có công đức là nghiệp thiện trong tâm các chúng sinh ở dục giới. Bất chuyển nghiệp {Nghiệp không chuyển đổi} là nghiệp thiện hữu lậu trong tâm các chúng sinh ở sắc giới và vô sắc giới. Tương tự, Vi Diệu Pháp Báu Luận nói: [16]

Phước đức là nghiệp thiện của dục giới.

Nghiệp không thay đổi sinh ra các cảnh giới cao hơn [của chư thiên].

Tại sao lại gọi là bất chuyển nghiệp? Ở dục giới, có nghiệp đáng lẽ kết trái trong khi quý vị là phạm thiên lại có thể kết trái khi quý vị đang là người, súc sinh, hoặc ngạ quỷ; do đó kết quả của nó thay đổi. Trong các cảnh giới cao hơn [của chư thiên], nghiệp kết trái ở một mức độ nào đó không thành hình ở các mức độ khác hơn; do đó nó không thay đổi. Cho nên, Vi Diệu Pháp Báu Luận: [17]

Tại sao? Bởi vì sự kết trái của nghiệp

Ở những mức độ này thì không thay đổi.

2” Quý vị tích lũy nghiệp như thế nào {Cách thức nghiệp tích lũy}

Nói chung, các bậc thánh chỉ tạo và tích lũy các nghiệp thiện, nhưng bậc nhập lưu và nhất lai [bậc thánh ở mức độ thấp hơn][18] có thể tích lũy nghiệp bất thiện. Tuy nhiên, những bậc thánh này không tích lũy nghiệp thúc bách họ luân hồi ở cõi hạnh phúc hoặc khổ não. Bởi vì Căn Bản Trung Quán Luận Tụng của ngài Long Thọ nói:[19] [239]

Vì cội rễ của luân hồi là hành vi cấu hợp.

Bậc trí giả không tạo hành động thúc bách phải tái sinh.

Bất trí là những người tạo các hành vi như thế ấy.

Bậc trí giả không làm vậy vì họ nhìn thấy thực tại.

Cũng thế, đại sư Thế Thân nói:[20]

Khi ngươi nhìn thấy chân lý, ngươi không bị cưỡng bách phải tái sinh.

Do đó, bao lâu quý vị còn sinh hoạt dưới ảnh hưởng của ý niệm về ngã, quý vị sẽ tích lũy nghiệp mà nghiệp này trói buộc quý vị vào trong luân hồi. Một khi quý vị đã nhận thức được thực tại – đó là vô ngã – quý vị vẫn có thể tái sinh vào luân hồi vì sức mạnh của các nghiệp trước đây và phiền não, nhưng quý vị sẽ không tích lũy nghiệp mới vốn có khả năng thúc bách phải tái sinh như vậy. Như Du-già Hạnh Địa Luận của ngài Vô Trước nêu, bậc nhập lưu và nhất lai không bám chấp vào ý niệm về ngã mà bác bỏ nó – giống y như người khỏe chế ngự kẻ yếu. Do đó mọi phàm phu – từ mức độ cao nhất của lộ trình chuẩn bị Đại Thừa[21] trở xuống – tích lũy nghiệp mà nghiệp này thúc bách họ tái sinh trong luân hồi. Vì lý do đó, khi những người đang bị ảnh hưởng của vô minh phiền não và quan điểm các hoại uẩn thân khẩu ý sẽ bị vướng mắc vào các điều bất thiện – thí dụ như giết hại – họ sẽ tích lũy nghiệp vô công đức. Người làm việc thiện trong dục giới – chẳng hạn như thực hành bố thí hoặc giữ gìn giới luật – tích lũy nghiệp có công đức. Người tu tập các trạng thái thiền – chẳng hạn như tình trạng định từ thiền – ở mức độ các mức bình ổn thiền {tam-ma-địa} của sắc giới hoặc các mức định sâu vô sắc sẽ tích lũy các bất chuyển nghiệp.

Thắc mắc: Hãy xem xét trường hợp một người đã nhận thấy các sai sót của mọi điều kỳ diệu thế gian và được thúc đẩy bởi một ước vọng muốn giải thoát. Người này không tạo ra nhiều nghiệp thiện sao? Hơn nữa, hãy xem thiện nghiệp là một ý định, tương tự như trí huệ phân tích chính xác ý nghĩa của vô ngã. Đây có phải là nguồn gốc đích thực, một nguyên nhân của luân hồi không?

Trả lời: Nói chung, những ai đang ở trong các giai đoạn tích lũy và chuẩn bị thật sự có tích lũy các nghiệp thông thường vốn thúc bách phải tái sinh. [240] Tuy nhiên, những động lực đặt cơ sở trên các ý tưởng {như là những động lực mà} quý vị mô tả, cũng như các thiện nghiệp tương tự như trí tuệ phân tích vô ngã, tạo thành nhóm các phương tiện đối trị với khát vọng muốn được hiện hữu trong tương lai. Hơn nữa, về cả hai khía cạnh khách quan và chủ quan, chúng hoạt động trong cung cách ngược với ý niệm về ngã, gốc rễ của luân hồi. Do đó, chúng không phải là các nguồn gốc thực sự hoặc nguồn gốc đích thực thông thường cưỡng bách phải tái sinh. Tuy nhiên, bởi vì chúng gần giống như các nguồn gốc thực sự đích thị dẫn tới tái sinh trong tương lai, chúng được kể trong những nguồn gốc đích thực. Tương tự, Quyết Định Yếu Luận nói:[22]

Hỏi: Tại sao các hiện tượng thế tục vốn tiêu diệt khát vọng tái sinh, và hình thành lộ trình xuất thế gian không hướng tới tái sinh, lại được liệt trong chân lý về nguồn gốc {của khổ}?

Trả lời: Tự bản chất, chúng không hướng tới tái sinh trong luân hồi. Tuy nhiên, chúng gần giống như các hành xử tốt đẹp của thân, khẩu, ý dẫn tới tái sinh. Do đó, quý vị nên hiểu rằng về mặt này chúng được xếp vào chân lý về nguồn gốc.

Ngài Vô Trước nói rằng sau khi suy ngẫm cẩn thận về các khuyết điểm của luân hồi, quý vị sẽ khởi lên một ý niệm ghê tởm và ý niệm này có thể làm động lực cho các thiện nghiệp để phát sinh ra đạo pháp xuất thế gian; tuy vậy loại nghiệp này gần giống như nguồn gốc của khổ đau trong luân hồi. Vì vậy quý vị phải gắng sức phát triển ý niệm ghê tởm này cũng như là trí tuệ thấu rõ vô ngã.

Như hoàn cảnh ở đây, có thể quý vị chưa đạt được, qua thiền quán phân tích rộng rãi về các khuyết điểm của luân hồi, cách đối trị tiêu diệt được sự thèm khát những kỳ diệu của luân hồi. Quý vị cũng có thể chưa vận dụng trí tuệ phân biệt để phân tích một cách đúng đắn ý nghĩa của vô ngã, và có thể chưa quen thuộc với hai Bồ-đề tâm [tương đối và tối hậu]. Trong các hoàn cảnh như vậy, những hoạt động phước đức của quý vị – với một vài ngoại lệ vì năng lực từ các đối tượng của những tu tập thiện hạnh – sẽ cấu thành những nguồn gốc điển hình của đau khổ, và như thế cung cấp nhiên liệu cho quá trình luân hồi. [23]

Cách thức nghiệp tích lũy được giải thích bằng hai phần:

1. Tích lũy nghiệp vì cảm giác vui thú

2. Tích lũy nghiệp vì cảm giác trung tính

(a) Tích lũy nghiệp vì cảm giác vui thú

(i) Tích lũy nghiệp vì lạc thú phát sinh từ việc vui hưởng những đối tượng ưa thích – sắc, thanh, và những thứ tương tự [241]

Tích lũy nghiệp ở đây có hai tiểu loại: nếu mối quan tâm của quý vị chủ yếu là các dục lạc của cuộc đời này, trước khi chết, quý vị tích lũy nghiệp không có phước đức; nếu mối quan tâm của quý vị chủ yếu là thú vui nhục dục của các đời tương lai, quý vị tích lũy nghiệp có phước.

(ii) Tích lũy nghiệp vì đạt hỷ lạc trong thiền định, sau khi quý vị đã từ bỏ tham luyến đối với các lạc thú giác quan bên ngoài

Nếu quý vị tập trung vào một đối tượng thiền quán chủ yếu là vì các cảm giác hỷ lạc phát sinh trong thiền định, quý vị sẽ tích lũy nghiệp không thay đổi dẫn tới tái sinh ở mức độ sơ thiền, nhị thiền và tam thiền của sắc giới.

(b) Tích lũy nghiệp vì cảm giác trung tính

Quý vị có thể đã thôi không còn tham luyến thú vui nhục dục, chán chường với cả hỷ lạc thiền định, và tạo nghiệp để có các cảm giác trung tính, quý vị sẽ tích lũy nghiệp để tái sinh trong tứ thiền của sắc giới hoặc ở một cảnh giới cao hơn nữa, lên tới và bao gồm tột đỉnh của luân hồi [cảnh giới cao nhất của vô sắc giới][24].

Sơ đồ bao gồm những phân chia nhỏ này là điều ngài Thế Thân muốn truyền đạt trong Vi Diệu Pháp Báu Luận. Theo lối suy luận của ngài, khi quý vị thôi không còn bám víu vào tất cả luân hồi, rồi làm những việc đức hạnh về thân, khẩu và ý để nhắm đạt giải thoát, quý vị bỏ luân hồi xa ở đằng sau và tiến gần tới giải thoát hơn.

c” Quý vị chết và tái sinh như thế nào

Đề tài này được giải thích trong năm phần sau đây:

1. Nguyên nhân của cái chết

2. Tâm thức vào lúc chết

3. Hơi nóng tụ ở đâu

4. Sau khi chết quý vị vào tình trạng trung ấm như thế nào

5. Rồi quý vị tái sinh như thế nào

1” Nguyên nhân của cái chết

Chết vì hết tuổi thọ có nghĩa là chết sau khi quý vị đã dùng hết thọ mạng do nghiệp lúc trước phóng hoạt; khi thời điểm này đến, quý vị chết. Chết vì hết phước có nghĩa như trường hợp chết vì thiếu các thứ cần thiết của đời sống. Cũng có cái chết vì không tránh được nguy hiểm, về trường hợp này kinh sách liệt kê chín nguyên nhân và điều kiện để xảy ra tình trạng chết non {yểu tử}: [242] ăn quá nhiều, ăn thứ không tiêu hóa được, ăn mà chưa tiêu hóa bữa ăn trước, không tống ra được thức ăn chưa tiêu tích lại trong bao tử, cản trở đường ruột, không nương nhờ vào các thuốc đặc thù cho các bệnh cụ thể, không hiểu được sự phân biệt giữa các hoạt động quen thuộc và không quen thuộc, chết không đúng thời [có nghĩa chết vì tai nạn], và chết trong lúc tiến hành giao hợp nam nữ.

2” Tâm vào lúc chết

(a) Chết với tâm thiện lành

Những ai chết với tâm thiện lành, do tự mình nhớ hoặc do người khác nhắc nhở, hướng tâm tới các điều thiện lành, chẳng hạn như niềm tin, trong khi sự phân biệt thô thiển [các loại ý thức bình thường] vẫn còn hoạt động. Trong trường hợp những người đã vun trồng những điều thiện và bất thiện không đồng đều, họ tự mình nhớ hoặc do người khác nhắc nhở điều mà họ đã quen lặp đi lặp lại trong quá khứ, và điều này trở nên cực kỳ mãnh liệt. Khi đó tâm họ sẽ trụ ở điều này và quên mọi điều khác. Nếu họ đã quen thuộc đồng đều với cả điều thiện và bất thiện, khi đó họ không thể ngừng nhớ điều mà họ nhớ đầu tiên, và không thể hướng tâm tới bất cứ điều gì khác.

Những người đã vun trồng phước đức dường như là di chuyển từ bóng tối vào ánh sáng; khi họ chết, những hình ảnh vui thích và hấp dẫn xuất hiện, giống như trong giấc chiêm bao. Họ chết thanh thản, và, vào lúc lâm chung, những cảm giác đau đớn mãnh liệt không khởi lên nơi thân họ. Đối với những ai đang làm điều phải, nỗi đau đớn cuối cùng của lúc chết chỉ là tối thiểu.

(b) Chết với tâm bất thiện

Những ai chết với tâm bất thiện, do tự mình nhớ hoặc do người khác nhắc nhở, nhớ điều bất thiện, chẳng hạn như tham luyến, trong khi sự phân biệt thô thiển vẫn còn hoạt động. Ở vào thời điểm chết, họ cảm thấy thân thể bị đau đớn dữ dội. Khi người hiện đang làm điều bất thiện chết đi, họ thấy những dấu hiệu báo trước hậu quả của điều bất thiện mà họ đã làm. Như là đang trong ác mộng, nhiều hình ảnh khó chịu xuất hiện. Họ dường như di chuyển từ ánh sáng vào trong bóng tối. [243] Khi những người đã phạm phải những nghiệp nặng bất thiện thấy những dấu hiệu khó chịu này, họ cảm thấy đau đớn trong thân thể và tóc dựng đứng lên. Họ khua lắc tay chân, bài tiết ra phân và nước tiểu và , rướn lên trời, trợn mắt, chảy nước dãi, và nhiều thứ nữa. Nếu điều bất thiện của họ chỉ vừa phải thì không phải tất cả mọi điều này đều xảy ra – một số điều xảy ra và một số điều sẽ không xảy ra. Người làm việc sai trái phải chịu đau đớn ghê gớm vào lúc chết; đau đớn như thế có ở mọi nơi chúng sinh được sinh ra, ngoại trừ nơi các chư thiên và chúng sinh dưới địa ngục.

Vào lúc lâm chung, khi sự phân biệt trở nên không rõ ràng, chúng sinh trở nên tham luyến cái ngã mà họ lâu nay đã từng quen thuộc. Sau đó, vì sự tác động của lòng tham luyến bản ngã, họ nghĩ “Ta ngưng không còn tồn tại nữa”, và họ khao khát muốn có được thân. Điều này sinh ra tình trạng trung ấm. Tham luyến bản ngã cũng xảy ra nơi bậc nhập lưu và nhất lai, nhưng khi họ xem xét tham luyến này bằng trí tuệ họ bác bỏ chứ không đồng thuận, như cách người hùng mạnh chế ngự kẻ yếu đuối. Tham luyến bản ngã không xảy ra nơi bậc bất lai.

(c) Chết với tâm trung tính về mặt đạo đức

Những ai hiện đang không vun trồng điều thiện cũng không vun trồng điều bất thiện, hoặc những người không làm cả hai điều thiện và bất thiện, sẽ không nhớ điều thiện và điều bất thiện, do tự họ hoặc do người khác thúc giục. Vào lúc chết họ không bị đau đớn mà cũng không vui thú.

Khi quý vị chết với tâm thiện lành, tâm này sẽ tồn tại cho dến khi sự phân biệt thô thiển vẫn còn, nhưng một khi sự phân biệt vi tế bắt đầu hoạt động, tâm thiện lành liền ngưng và trở thành tâm trung tính về mặt đạo đức. Ở thời điểm này, quý vị không thể phục hồi điều thiện lành mà người đã từng quen thuộc, người khác cũng không thể nhắc nhở quý vị được nữa. Điều này cũng đúng đối với các tâm bất thiện; mọi tâm vào lúc chết, sau khi sự phân biệt vi tế bắt đầu hoạt động, đều trung tính về mặt đạo đức . [244] Vi Diệu Pháp Báu Luận[25] của ngài Thế Thân nói rằng cả tâm thiện lành lẫn tâm bất thiện đều hiện chiếu {thấu rõ}, và do đó không tương hợp với tình trạng chấm dứt ý thức thô thiển vào lúc chết.

3”Hơi nóng tụ ở đâu

Nơi những người hiện đang vun trồng điều bất thiện, ý thức rời thân thể đi xuống từ các phần trên và các phần này sẽ lạnh trước. Khi đi xuống tới tim, ý thức rời thân thể. Ý thức của những người hiện đang vun trồng phước đức sẽ rời thân thể đi lên từ các phần bên dưới và thân thể sẽ lạnh từ các phần bên dưới. Trong cả hai trường hợp ý thức đều rời đi từ tim. Điểm trong trứng đã thụ tinh mà nơi đó ý thức trước tiên đi vào sẽ trở thành trái tim của thân thể; ý thức cuối cùng rời thân thể cũng từ chỗ nó nhập vào trước tiên.

Xét như thế, đầu tiên hơi nóng của thân thể đi xuống từ phần trên và tụ lại ở tim hoặc đi lên từ phần dưới và tụ lại ở tim. Sau đó, mặc dù ngài Thế Thân và Vô Trước không nói như vậy, quý vị nên hiểu rằng trong cả hai trường hợp hơi nóng còn lại trong cơ thể gom lại vào trong tim từ phần khác của thân thể.

4” Sau khi chết quý vị vào tình trạng trung ấm như thế nào

Khi ý thức rời điểm đó, như vừa được giải thích, quý vị chết và tức thời đi vào trong tình trạng trung ấm, giống như một bên cán cân nâng lên thì cán cân bên kia hạ xuống. Về các nguyên nhân của nó, tình trạng trung ấm tùy thuộc vào (1) quyến luyến thân thể và đầy những vui thú với những hoạt động thế gian khi trước của quý vị, và (2) nghiệp – thiện hoặc bất thiện. Hơn nữa, chúng sinh của cõi trung ấm có đầy đủ các giác quan – như mắt – cũng như sắc tướng thân thể sẽ mang trong cảnh giới mà chúng sinh này sẽ sinh vào. Cho tới khi tái sinh, tầm nhìn không bị chướng ngại, giống như thiên nhãn [một loại hiểu biết siêu việt], và thân cũng không bị chướng ngại, như thể là chúng sinh này có thần thông. Trong Vi Diệu Pháp Báu Luận: [26]

Nó có hình dạng mà nó sẽ mang trong “thời gian trước”,

Đó là thời gian trước khi chết trong đời kế tiếp,

Bắt đầu với lúc sinh ra trong đời kế tiếp đó.

Những chúng sinh khác cùng loại hoặc ai có thiên nhãn sẽ nhìn thấy chúng sinh này.

Nó có thần thông do nghiệp lực

Và mọi giác quan; nó không bị chướng ngại.

Nó không thay đổi; nó ăn mùi hương.

Ngài Thế Thân có ý muốn nói rằng chúng sinh trong tình trạng trung ấm có thể được chúng sinh cùng loại nhìn thấy và những người đã dùng thiền định để đạt đến thiên nhãn hoàn hảo cũng nhìn thấy họ. [245] Ngài cũng cho rằng một khi quý vị đạt đến trạng thái trung ấm vì một kiếp tái sinh chắc chắn, quý vị sẽ không đổi sắc tướng trung ấm của bất kỳ một kiếp tái sinh nào khác. Tuy nhiên, Vi Diệu Pháp Tập Luận chủ trương rằng những thay đổi như vậy có xảy ra.

Về từ ngữ “thời gian trước”, Vi Diệu Pháp Báu Luận nhắc đến bốn tình trạng: (1) từ khi chết tới lúc tái sinh là tình trạng trung ấm (2) giây phút đầu tiên lúc tái sinh là trạng thái sinh ra (3) từ giây phút thứ hai của đời sống cho tới giây phút cuối cùng khi chết là tình trạng thời gian trước; và (4) giây phút cuối cùng khi chết là tình trạng chết. Tình trạng thời gian trước là “trước” trong mối quan hệ đến trạng thái chết trong kiếp tái sinh kế tiếp của chúng sinh trong tình trạng trung ấm.

Có người lầm lẫn cho rằng chúng sinh trong tình trạng trung ấm có hình dạng thân thể của kiếp trước. Cũng có người cho rằng – vì lối giải thích của ngài Vô Trước về hình dạng thân thể của chúng sinh này trong đời sống kế tiếp – chúng sinh trong tình trạng trung ấm ở trong hình dạng thân thể của đời trước trong ba ngày rưỡi và ở trong hình dạng thân thể của đời kế tiếp sau cũng trong ba ngày rưỡi. Vì thiếu các nguồn chính xác, những khẳng định này chỉ là những điều bịa đặt mà thôi. Du-già Hạnh Địa Luận nói rằng chúng sinh trong tình trạng trung ấm không ham muốn thân đời trước bởi vì ý thức của nó không ở đó. Cho nên điều khẳng định là nó bị khuấy động khi nhìn thấy thân đời trước cũng là điều bịa đặt.

Với những người vun trồng điều bất thiện, tình trạng trung ấm xuất hiện giống như tấm chăn màu đen hoặc bóng đen như mực của đêm tối, trong khi với những người vun trồng phước đức nó giống như tấm vải trắng hoặc đêm có ánh sáng trăng. Quý vị thấy chúng sinh tình trạng trung ấm cùng loại như quý vị, cũng như nơi chốn mà quý vị và chúng sinh kia sẽ tái sinh. Nhập Thai Kinh mô tả sự khác biệt về màu sắc trong tình trạng trung ấm:[27]

Đối với người sẽ tái sinh ở địa ngục, trạng thái trung ấm giống như khúc cây bị đốt cháy thành than; với người sẽ tái sinh làm súc sinh, nó giống như khói; với người sẽ tái sinh làm ngạ quỷ, nó giống như nước; với người sẽ tái sinh làm một vị chư thiên ở dục giới hoặc làm người, nó giống như vàng; với người sẽ tái sinh làm phạm thiên ở sắc giới, nó có màu trắng.

Quý vị phải qua một tình trạng trung ấm khi quý vị từ vô sắc giới sinh vào hai cảnh giới thấp hơn [dục và sắc giới], nhưng khi quý vị sinh vào vô sắc giới từ hai cảnh giới thấp hơn, quý vị lập tức có các uẩn của một chúng sinh vô sắc ngay khi chết mà không đi qua tình trạng trung ấm. [246] Trong các kinh văn cổ tức là nguồn tài liệu đáng tin cậy, quý vị không thấy mô tả về bất kỳ trường hợp đặc biệt nào khác mà trong đó không có tình trạng trung ấm. Do đó, về điều khẳng định rằng có một chuyển tiếp trực tiếp lên bên trên [tới một cảnh trời] hoặc xuống bên dưới [tới một địa ngục], nếu cho rằng không có tình trạng trung ấm thì đó là điều sai lầm.

Nhập Thai Kinh nói rằng chúng sinh trong tình trạng trung ấm sẽ sinh làm chư thiên di chuyển lên phía trên; những ai sẽ sinh làm người di chuyển thẳng tới phía trước; và người sẽ sinh làm kẻ làm điều sai trái di chuyển, đầu thấp xuống và mắt hướng về bên dưới. Hình như phần cuối này là để mô tả tình trạng trung ấm cho ba cảnh giới khổ não. Trong Vi Diệu Pháp Báu Luận:[28]

Ba loại – người, ngạ quỷ, và súc sinh – mỗi loại đều di chuyển theo lối riêng của họ.

Về thọ mạng, nếu chúng sinh ở tình trạng trung ấm chưa tìm được các điều kiện để tái sinh, họ có thể ở trong tình trạng đó trong bất kỳ khoảng thời gian nào cho tới tối đa là bảy ngày. Một khi họ đã tìm ra, thọ mạng của họ không nhất định là bảy ngày. Nếu họ không tìm được điều kiện tái sinh trong bảy ngày, họ lại lấy một thân khác trong tình trạng trung ấm. Họ có thể ở trong tình trạng trung ấm từ một tới bảy tuần lễ; tuy nhiên, bởi vì chắc chắc họ sẽ tìm được điều kiện tái sinh trong bảy tuần, họ sẽ không ở lâu hơn thời gian này. Bởi vì các kinh văn tức là nguồn tài liệu đáng tin cậy không mô tả thọ mạng dài hơn như thế này, điều khẳng định rằng chúng sinh trong tình trạng trung ấm có thể ở lâu hơn là điều không đúng.

Chúng sinh trong tình trạng trung ấm sẽ sinh làm chư thiên chẳng hạn có thể chết sau bảy ngày và một lần nữa vào tình trạng trung ấm của một vị thiên hoặc trong trường hợp khác vào tình trạng trung ấm của người hoặc một hình dạng nào khác. Điều này có thể xảy ra được bởi vì một thay đổi trong nghiệp của họ có thể chuyển hóa hạt giống sinh ra tình trạng trung ấm. Điều này cũng đúng đối với các chúng sinh khác trong tình trạng trung ấm.

5” Rồi quý vị sẽ tái sinh như thế nào

Nếu chúng sinh trong tình trạng trung ấm sẽ sinh trong dạ con, họ quan sát thấy chúng sinh cùng loại như họ ở chỗ sẽ sinh trong tương lai. Họ sẽ muốn nhìn ngắm các chúng sinh này, chơi với họ, v.v. và khao khát đến được chỗ này. Họ nhận lầm tinh cha huyết mẹ như cha mẹ mình ăn nằm với nhau – cha mẹ của họ thật ra không ăn nằm với nhau vào lúc đó, nhưng, giống như trong ảo tưởng, họ nhìn thấy cha mẹ ăn nằm với nhau – và trở nên quyến luyến. Nếu sinh làm phái nữ, họ sẽ quay mặt đi không muốn người đàn bà và ham muốn người đàn ông, muốn ăn nằm với ông ta. Nếu sinh làm phái nam, họ sẽ quay mặt đi không muốn người đàn ông và ham muốn người đàn bà, muốn ăn nằm với bà ấy. [247] Bằng cách này, như Du-già Hạnh Địa Luận giải thích, họ không nhìn thấy cha mẹ thật sự của mình – họ nhìn thấy cha mẹ ăn nằm với nhau qua việc nhận lầm tinh khí và máu.

Đã nảy sinh ham muốn như vậy, chúng sinh trong tình trạng trung ấm tiến càng ngày càng gần hơn tới người đàn ông và đàn bà, cuối cùng tới một điểm họ không còn nhìn thấy bất kỳ phần nào nơi thân thể người đàn ông và đàn bà ngoại trừ bộ phận sinh dục của họ. Tức giận trước cảnh tượng này, họ chết và tái sinh.

Hơn nữa, người mẹ và cha phát sinh ham muốn và ham muốn này trở nên mãnh liệt trong một khoảng thời gian, vào lúc cuối của thời gian này tinh khí giống như chất thạch được phóng ra. Rồi những giọt tinh khí và huyết bao giờ cũng xuất ra từ hai người, trộn lẫn vào với nhau trong bộ máy sinh sản của người mẹ, rồi đông lại giống như một lớp da trên mặt sữa nấu sôi và đã được để cho nguội.

Ở thời điểm này là chấm dứt tình trạng trung ấm của một chúng sinh sẽ tái sinh, và thức nền tảng của chúng sinh này đi vào trong khối đông đặc. Sức mạnh của thức này tạo ra một kết hợp đã phát triển của máu và tinh trùng thuận lợi cho việc sinh ra các giác quan, cũng như một hỗn hợp máu và tinh trùng đã đông lại khi trước và những dấu vết vi tế của tứ đại để sinh ra năm giác quan. Những dấu vết này là một cái gì khác với máu và tinh trùng đã đông đặc trước đây. Cái gì đó khởi lên; nó có giác quan và khác với cái trước đó. Sau khi ý thức đã nhập vào, ở thời điểm này nó được gọi là “tái sinh”. Những ai không chấp nhận sự hiện hữu của một thức nền tảng sẽ khẳng định rằng ý thức tái sinh.

Nếu chúng sinh trong tình trạng trung ấm có ít phước đức, họ sẽ sinh vào tầng cấp thấp. Khi họ chết và nhập thai, họ nghe thấy tiếng la hét lớn và thấy mình đi vào đầm lầy, rừng rậm, hoặc một chỗ nào như vậy. Nếu họ đang vun trồng phước đức, họ sẽ sinh vào trong tầng cấp ưu tú. Họ nghe thấy những âm thanh khoan hòa và vui thích, và thấy mình đi vào ngôi nhà to lớn tráng lệ, lâu đài, hoặc những chỗ tương tự. Chúng sinh này sẽ ở trong bào thai trong 38 tuần lễ và ở đó phát triển tất cả các chi và các phần ngoại biên thân thể. Bốn ngày sau đó, thai nhi được sinh ra. Theo Nhập Thai Kinh:[29]

Thai nhi phát triển đầy đủ sau chín tháng hoặc hơn chín tháng; khi được tám tháng nó hầu như đã phát triển đầy đủ. [248] Khi được sáu hoặc bảy tháng nó chưa phát triển đầy đủ, bởi vì các chi chưa được hoàn toàn.

Hãy nghiên cứu Nhập Thai Kinh để biết thêm chi tiết về các giai đoạn phát triển này.

Nếu chúng sinh trong tình trạng trung ấm không ham muốn đi tới nơi tái sinh, họ sẽ không di chuyển tới đó, và bởi vì không di chuyển tới đó, họ sẽ không tái sinh ở đó. Lấy thí dụ trường hợp người đã phạm nghiệp và tích lũy nghiệp phải tái sinh ở địa ngục, giống như những người không thọ giới cấm những hành động như giết trừu hoặc gà vịt hoặc đưa ra chợ bán heo. Trong tình trạng trung ấm những người này thấy, như thể trong chiêm bao, trừu và những con vật như thế ở chỗ tái sinh trong tương lai của họ, và chạy vội tới đó, bị thúc đẩy vì lòng vui thích những thói quen khi xưa. Rồi tức giận khởi lên khi thấy những hình dạng đã lôi kéo họ tới chỗ tái sinh, đúng vào lúc này tình trạng trung ấm chấm dứt và họ tái sinh. Ngạ quỷ với bướu cổ, và các chúng sinh khác tương tự như chúng sinh ở địa ngục, cũng tái sinh trong cách giống như vậy.

Nếu chúng sinh trong tình trạng trung ấm sẽ tái sinh làm súc sinh, ngạ quỷ, chư thiên ở dục giới, hoặc chư thiên ở sắc giới, họ sẽ quan sát thấy những chúng sinh vui tươi giống như họ ở chỗ tái sinh. Rồi họ khởi ý nghĩ ưa thích và ham muốn chỗ đó, họ di chuyển tới nơi và tức giận khi nhìn thấy chỗ tái sinh, vào lúc đó tình trạng trung ấm chấm dứt và họ tái sinh.

Vi Diệu Pháp Báu Luận nói:[30]

Các ngươi ham muốn mùi thơm, nơi chốn, hoặc những thứ khác.

Trong phần luận giải về điểm này ngài Thế Thân giải thích[31] rằng nếu chúng sinh trong tình trạng trung ấm sẽ tái sinh từ hơi nóng và độ ẩm, họ khao khát mùi thơm, trong khi với các tái sinh hóa sinh, họ khao khát một nơi chốn và sau đó sẽ tái sinh ở nơi chốn đó. Luận này cũng giải thích thêm rằng nếu chúng sinh sẽ sinh trong địa ngục nóng, họ khao khát hơi ấm, còn nếu họ sẽ tái sinh trong địa ngục lạnh, họ ước ao được hơi mát. Noãn sinh được giải thích tương tự như thai sinh. Tôi đã dựa theo Du-già Hạnh Địa Luận để giải thích người ta chết và tái sinh như thế nào trong các trường hợp không có ngoại lệ.[32]


[1]BA513 Pramāṇa-vartṭīkā: 105d-196b, 276ab; P5709: 86.5.4,88.2.3.

[2]BA514 Abhidharma-samuccaya, P5550: 253.3.5-6.

[3]Cũng gọi là thân kiến.

[4]BA515 Theo nghĩa đen, kiến giải về các uẩn đang hư hoại (‘jig tshogs la lta ba) là “kiến giải về tập hợp đang hư hoại”. Ở đây, để chia chẻ thuật ngữ này thành các phần nhỏ, theo nghĩa đen Tsongkhapa nói “tập hợp chỉ cho thấy số nhiều”.

[5]Hay kiến thủ kiến, ý kiến chấp lấy ý kiến.

[6]Giới cấm thủ kiến, ý kiến chấp lấy giới cấm.

[7]BA516 Một vài hệ thống triết lý Ấn Độ giáo coi Thượng Đế (Iśvara) là đấng sáng tạo ra thế giới; các hệ thống khác (đặc biệt là trường phái Sāṃkhya – tức trường phái Số Luận) coi sự chuyển hóa của vật chất nguyên sơ là yếu tố dự phần vào việc sáng tạo thế giới. Theo những người Sāṃkhya hữu thần, thần linh tối cao khởi sự và giám sát việc sáng tạo ra thế giới từ “bản chất nền tảng” (rang bzhin, prakrti), cũng được gọi là “tinh túy nguyên sơ” (gtso bo, pradhana).

[8]BA517 Pañca-skandha-prakaraṇa, P5560,vol. 113.

[9]BA518 Pramāṇa-vartṭīkā: 221cd-222ab; P5709:87.2.5-6.

[10]BA519 MSA: 27.25-26; P5521:14.1.2-3.

[11]BA520 BCA: 4.28-33; P5272:248.1.7-248.2.3.

[12]BA521 Abhidharma-samuccaya, P5550:256.4.7.

[13]BA522 AK: 4.46b; P5590:120.4-5.

[14]BA523 Xem AK, Shastri 1972: 576-589 và Pruden 1988 về la Vallee Poussin 1971:12-25.

[15]Theo Geshe Lhundub Sopa thì nghiệp hữu lậu là hành vi một cách cơ bản được thúc đẩy bởi các động cơ phiền não che chướng. Đây là hành vi có nguồn gốc từ phiền não và một khi nó được tiến hành sẽ nuôi dưỡng phiền não tương lai. P291. Chương 8. Steps on the Path to Enlightenment. Vol2. Lhundub Sopa. Wisdom. 2005.

[16]BA524 AK: 4.46ab; P5590:121.3.2. {Theo như các diễn giải của Geshe Sopa thì đây là một cách phân loại khác về nghiệp bao gồm (1) nghiệp có công đức, (2) nghiệp không có công đức và (3) nghiệp bất chuyển. P292. Chương 8. Steps on the Path to Enlightenment. Vol2. Lhundub Sopa. Wisdom. 2005.}

[17]BA525 Ibid: 4.46cd; P5590:121.3.2-3.

[18]Bốn quả tu chứng của hàng Thanh Văn từ thấp tới cao là: Nhập Lưu (cũng gọi Dự Lưu hoặc Tu-đà-hoàn), vừa nhập vào nguồn, khởi sự tu tập để đi tới biển giác ngộ; Nhất Lai (cũng gọi Tư-đà-hàm), còn tái sinh lại nhân gian một lần nữa mới đắc quả A-la-hán; Bất Lai (cũng gọi A-na-hàm), sinh lên tầng trời 19, tầng trời cao nhất của sắc giới, ở đó tu đắc quả A-la-hán; Bất Sanh (cũng gọi A-la-hán hoặc Sát Tặc), không còn trở lại luân hồi nữa. Ba quả vị đầu chỉ phá được một phần phiền não, chỉ có quả vị thứ tư mới phá sạch mọi giặc phiền não.

[19]BA526 Prajñā-nāma-mūla-madhyamaka-kārikā: 26.10;P5224.

[20]BA527 Pralitya-samutpādadi-vibhaṅga-nirdeśa (Duyên Khởi Phân Giải Luận), P5496:302.3.8. Tucci 1934 đặt tựa là pratītyasamutpāda-sūtrabhāṣya (Duyên Khởi Kinh Thích) {Tuy nhiên, trong bản dịch của Geshe Sopa thì câu trên được dịch thành “Với những ai đã thấy chân lý, thì không có nghiệp phóng hoạt. P.296. Chương 8. Steps on the Path to Enlightenment. Vol2. Lhundub Sopa. Wisdom. 2005.}

[21]Đường đạo Đại thừa hay Bồ-tát đạo gồm 5 giai đoạn: (1) giai đoạn tích lũy, tuân thủ giới luật, thiền quán nội chiếu; (2) giai đoạn chuẩn bị, thấy tính Không qua hiểu biết ý niệm (3) giai đoạn tri kiến, giai đoạn này bao gồm địa thứ nhất của Bồ-tát, trực tiếp nhìn thấy tính Không; (4) giai đoạn thiền định, bao gồm từ địa thứ nhì tới địa thứ mười của Bồ-tát; (5) giai đoạn vô lậu học. Trong giai đoạn của lộ trình chuẩn bị, thì mức độ cao nhất của lộ trình này được gọi là Giai Đoạn Tối Cao Tục Giới. Đây là bước cuối trước khi hành giả trực chứng tính Không. (P.296. Chương 8. Steps on the Path to Enlightenment. Vol2. Lhundub Sopa. Wisdom. 2005).

[22]BA528 Vs, P5539:38.5.8-39.1.2.

[23]Geshe Sopa có chú giải chi tiết thêm rằng: dù sao trường hợp như thế là một điều ngoại lệ, các hành vi thiện đức được tiến hành mà không có các động lực cao quý (bao gồm sự ghê tởm luân hồi, trí huệ về tính Không, và Bồ-đề tâm) thì cũng chỉ là các nguyên nhân của sự luân hồi trong các kiếp sống cao trong các tình huống phúc hạnh trong tương lai. (P.300. Chương 8. Steps on the Path to Enlightenment. Vol2. Lhundub Sopa. Wisdom. 2005.).

[24]Đây là mức cao nhất của cấp độ thiền vô sắc thường được dịch thành “phi tưởng phi phi tưởng xứ”. Các cấp còn lại trong thiền vô sắc giới từ thấp đến cao là: không vô biên xứ, thức vô biên xứ, và vô sở hữu xứ.

[25]BA529 Cách diễn tả khác về Akbh so với AK: 3.43; P5591:182.1.3-4.

[26]BA530 AK: 3.13b-14; P5590:119.2.4-5.

[27]BA531 Garbhāvakrānti-sūtbra P760: 103.5.4-6.

[28]BA532 Akbh, Shastri 1972: 429; P5591: 172.5.2.

[29]BA533 Garbhāvakrānti-sūtra, P760: 107.3.1-5. Dường như Tsongkhapa dùng một bản dịch khác cho đoạn này.

[30]BA534 AK: 315c; P5590:119.2.5.

[31]BA535 Akbh, Shastri 1972: 429; P5591:172.2.4.5-6.

[32]BA536 Tựa dùng cho Yogā-caryā-bhūmi một lần nữa lại là Sa’i dngos gzhi.

Xem mục lục