Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (17)


Xem mục lục

VỊ TRÍ CỦA DZOGCHEN TRONG PHẬT PHÁP

Những nhà Nyingma, “Những Vị Cổ”, thuộc trường phái xưa cổ nhất của Phật giáo Tây Tạng và thực hành những Tantra Cổ, chúng được dịch vào thời truyền bá giáo pháp sớm nhất từ thế kỷ thứ bảy đến thứ chín. Theo quan điểm của những Lama thuộc truyền thống Nyingma, Dzogchen tiêu biểu lời dạy đích thực và chính thống của đức Phật. Nó là Bhuddhavachana, “Lời của Phật”, nhưng Lời này, hay Logos (bka), không xuất phát nhiều từ đức Phật lịch sử Shakyamuni bằng nguyên mẫu siêu thời gian, siêu lịch sử của ngài, tức là Vajrasattva, qua sự thiền định của Garab Dorje. Nhưng những lời chỉ dạy này liên hệ với giáo lý truyền thống được biết nhiều của đức Phật như thế nào ?

Mọi trường phái của Phật giáo Tây Tạng đồng ý rằng những giáo lý của đức Phật có thể được xếp thành Ba Thân hay Ba Thừa đi đến giác ngộ. Đó là Tiểu thừa, Đại thừa và Kim Cương thừa. Tuy nhiên những nhà Nyingma phân loại tỉ mỉ ba thừa này thành chín thừa liên tiếp nhau trong hệ thống sắp xếp đặc biệt của họ.

Tiểu thừa, theo những nhà Nyingma, gồm hai thừa phân biệt : (1) Thanh Văn thừa, “Thừa của những Người Nghe hay Đệ tử”, và (2) Bích Chi Phật thừa, “Thừa của các vị Phật Đơn Độc”.

Những giáo lý Tiểu thừa này đều gắn liền với sự tu hành giới, định, huệ cao cấp hơn. Mục tiêu của con đường tu hành này là đạt đến địa vị A La Hán, hay vị thánh toàn hảo, “người đã đánh bại và cắt đứt mọi phiền não bất tịnh”. Con đường này được phác họa trong những kinh điển được bảo tồn trong những trường phái Tiểu thừa, cụ thể là Kinh và Luật. Một Thanh Văn khác với một Độc Giác Phật ở chỗ vị ấy trước hết phải nghe những giáo lý từ người khác. Một Độc Giác Phật hay Bích Chi Phật, từ bỏ mọi tiếp xúc với nhân loại cho một đời sống tuyệt đối một mình, tự mình khám phá những giáo lý. Tuy nhiên, cấp độ chứng ngộ của các vị là tương đồng.

Đại thừa, trong sự xếp loại của Nyingma, là thừa thứ ba đến giác ngộ, cụ thể là (3) Bồ tát thừa, “thừa của các Bồ tát”.

Những giáo lý Đại thừa này, trong đó đức Phật phát lộ rằng bản tánh nội tại của mọi hiện tượng là tánh Không (vô tự tánh, không có bản tánh hay hiện hữu nội tại), được tìm thấy trong Kinh được gìn giữ trong những trường phái Đại thừa. Ở đây người thực hành được gọi là một Bồ tát, nghĩa là một cá nhân anh hùng (sems-dpa) hướng về sự đạt đến giác ngộ của một vị Phật. Vị ấy (nam hay nữ) tìm kiếm sự giải thoát khỏi sanh tử, không phải cho sự cứu độ riêng mình, mà cho lợi lạc của tất cả chúng sanh và giải thoát họ khỏi khổ đau trong sanh tử luân hồi. Mục tiêu ở đây không phải là A La Hán, người chỉ quan tâm đến sự cứu độ cho riêng mình, mà là Phật quả trọn vẹn. Chỉ một vị Phật mới có thể đem lại sự cứu độ phổ quát cho tất cả chúng sanh. Nền tảng hay căn cứ (gzhi) của Đại thừa là Phật tánh nguyên thủy vốn có trong mỗi chúng sanh. Cái này được gọi là Như Lai tạng (Tathagatagarbha), một từ ngữ có nghĩa là phôi thai hay hạt giống (garbha) của một vị Phật (Tathagata) tương lai. Con đường của Đại thừa cốt ở thực hành sáu cái hoàn thiện (sáu ba la mật) trong vô số thời gian trải qua ba vô số kiếp. Sáu hoàn thiện là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ. Vì con đường cốt ở sáu cái này, Đại thừa cũng được biết như là Ba la mật đa thừa (Paramita-yana), hay thừa của những Hoàn Thiện. Mục tiêu hay quả của Đại thừa là sự thực hiện Hai Thân của Phật là Sắc thân (Rupa-kaya) và Pháp thân hay Thân Thực Tại. Sự thực hành năm ba la mật đầu là sự tích tập công đức, tựu thành sự thực hiện Sắc thân. Sắc thân này bởi thế là hoàn toàn độc nhất cho mỗi vị Phật, bởi vì sự thực hiện nó tùy thuộc vào những lời nguyện và hoạt động của vị đó khi còn trên con đường như một Bồ tát. Ngược lại, Pháp thân được thực hiện nhờ sự tích tập trí huệ nhờ trí huệ ba la mật. Pháp thân thì đồng nhất cho tất cả những ai đã chứng ngộ hoàn toàn Phật tánh. Bởi vì những giáo lý trình bày những nguyên lý của Đại thừa được tìm thấy trong kinh thuyết giảng ở núi Linh Thứu và những nơi khác, con đường này cũng được biết như là Hệ thống Kinh. Bởi vì mỗi giai đoạn của sự khai triển tâm linh cá nhân có những đặc trưng nhất định riêng biệt, nó cũng được biết như là Tướng thừa (Lakshanayana), hay Thừa của những Đặc Trưng Nhất Định. Và bởi vì những Kinh nói đến Phật quả là có một nguyên nhân (Skt. hetu), nghĩa là Như Lai tạng, Đại thừa cũng được gọi là Nhân thừa (Hetuyana), hay Thừa Nguyên Nhân. Cả Tiểu thừa và Đại thừa được nói là đã được phát lộ khoảng 2.500 năm trước bởi đức Phật lịch sử Shakyyamuni ở bắc Ấn Độ.

Kim Cương thừa được chia nhỏ trong hệ thống Nyingma thành sáu loại Tantra, mỗi loại là một thừa độc lập và tự đủ đưa đến giác ngộ, tức là, Kriya Tantra, Charya Tantra, Yoga Tantra, Mahayoga Tantra, Anuyoga Tantra và Atiyoga Tantra. Kim Cương thừa được gọi như vậy bởi vì bản tánh nguyên sơ sẵn có của cá nhân giống như kim cương : không biến đổi, không thể hủy hoại, trong suốt. Những giáo lý của Kim Cương thừa được tìm thấy trong những bản văn mật truyền là Tantra (rgyud). Bởi vì những Tantra nói về sự chuyển hóa năng lực, và năng lực biểu lộ như âm thanh, và âm thanh được dùng theo cách này gọi là mantra, con đường của những Tantra cũng được gọi là Mantrayana (Thần Chú thừa) và hệ thống thần chú. Những giáo pháp mật truyền trong hệ thống này được biết là Thần Chú Bí Mật.

Dù những cách tiếp cận của hệ thống Kinh và hệ thống Thần Chú không trái nghịch nhau chút nào, hệ thống Thần Chú được xem là cao hơn, bao gồm trong nó hệ thống Kinh thấp hơn. Tuy nhiên, hệ thống Thần Chú hay Kim Cương thừa khác với hệ thống Đại thừa Kinh ở bốn lối chính : (i) sự thực hành những Tantra dễ hơn bởi vì không đòi hỏi những khổ hạnh gắt gao ; (ii) những kết quả thì nhanh hơn, và người ta có thể đạt được giải thoát trong chỉ một đời ; (iii) những Tantra chứa đựng một số lớn lao những phương pháp đa dạng hợp với những cá nhân khác nhau ; và (iv) một trí thông minh sắc sảo xuyên thấu hơn cần có trong thực hành tantra.

Có ba loại Tantra được xem là thấp hơn, do đó được gọi là những Tantra Ngoại (phyi rgyud) : Kriya Tantra, Charya Tantra, và Yoga Tantra.

(4) Kriya Tantrayana, “Thừa Kriya Tantra”, là thừa thứ tư sau Thanh Văn thừa, Bích Chi Phật thừa và Bồ Tát thừa, nhấn mạnh sự cử hành những nghi thức bên ngoài. Chữ Sanskrit kriya có nghĩa là “hoạt động nghi lễ”.

(5) Charya Tantrayana, “Thừa Charya Tantra” nhấn mạnh đồng đều nghi thức bên ngoài và thiền định bên trong. Chữ Sanskrit carya có nghĩa “hạnh kiểm” hay “ứng xử”. Charya Tantra cũng được biết như là Upaya Tantra, trong đó chữ San-skrit upaya là “phương pháp”, và như Ubhaya Tantra, trong đó ubhaya có nghĩa là “cả hai”, nghĩa là nó nối kết cả hai Kriya Tantra và Yoga Tantra. Trong khi hoạt động của nó cũng giống như Kriya Tantra, quan điểm của nó giống như Yoga Tantra. Trong thừa này và trong thừa trước, người thực hành quán tưởng vị thần bổn tôn (yi-dam) trong bầu trời trước mặt nó và cầu nguyện và xin vị thầy này ban phước để được cảm ứng và trí huệ. Trong trường hợp Kriya Tantra điều này được làm theo cách một người tớ đến gần ông chủ và tương tự với thái độ của tôn giáo sùng mộ quy ước. Trong trường hợp Charya Tantra, điều này được làm theo cách một người bạn yêu cầu một người bạn thân thiết. Điều này tương tự với thái độ của huyền học sùng mộ.

(6) Yoga Tantrayana, “Thừa Yoga Tantra”. Ở đây Yoga nghĩa là “hợp nhất” hay “kết hợp”. Trong Yoga Tantra, như với hai thừa trước, người thực hành bắt đầu bằng quán tưởng vị thần bổn tôn trong bầu trời phía trước nó, cầu thỉnh sự ban phước cảm ứng và trí huệ theo cùng cách. Nhưng sau đó, người ta đi vào một hợp nhất huyền bí với thần bổn tôn bằng cách làm tan biến chính mình vào trạng thái của tánh Không và rồi tái biểu lộ trong một thân thể ánh sáng thanh tịnh, thực sự trở thành vị thần bổn tôn trong thiền định của mình. Kinh nghiệm này được biết là kiêu hãnh thiêng liêng. Như thế người ta đến chỗ thể hiện bên trong mình mọi phẩm tính và thuộc tính của vị thần đặc biệt ấy.(3) Những phương pháp tịnh hóa được đùng trong những Tantra Ngoại này thì rất đòi hỏi những yêu cầu và phức tạp, và chúng chủ yếu đại diện con đường tịnh hóa. Những Tantra này được nói do Vajrasattva, hình thức nguyên mẫu bí mật của Phật, phát lộ.

Rồi tiếp theo là ba loại Tantra Cao Hơn, cũng gọi là Những Tantra Nội : Mahayoga, Anuyoga và Atiyoga. Những Tantra Cao Hơn được xem là do Phật Bổn Nguyên Samantabhadra phát lộ. Theo những Tantra Cao Hơn này, nền tảng căn cứ của Kim Cương thừa là thân người. Con đường của Kim Cương thừa là sự thực hành tiến trình phát sanh (bskyed rim, Skt. utpattikrama) và sự thực hành tiến trình hoàn thiện (rdzogs-rim, Skt. sampannakrama). Trong giai đoạn tiến trình phát sanh người ta tự quán tưởng mình là hình tướng thiêng liêng của vị thần bổn tôn và môi trường của mình là nơi chốn thanh tịnh của mạn đà la của vị thần ấy, nghĩa là chiều kích của nó trong thời gian và không gian. Chính nhờ tiến trình phát sanh này hành giả tịnh hóa khuynh hướng tái sanh trong dục giới, tức là sáu loại chúng sanh. Trong giai đoạn tiến trình hoàn thiện, hành giả quán tưởng những kinh mạch siêu vật chất (rtsa-ba) và những năng lực siêu vật chất (rlung) trong thân thể là vị thần. Ở đây những năng lực bất tịnh của phiền não (Skt. klesavayu, khí phiền não) được tịnh hóa và chuyển hóa thành năng lực thanh của trí huệ (Skt. jnanavayu). Do tiến trình sau này xu hướng tái sanh trong sắc giới giữa chư thiên trường thọ của những bình diện tâm thức cao hơn được tịnh hóa. Như được diễn tả trong những Tantra, Kim Cương thừa, nó là con đường của những Đại Thành Tựu giả, tiêu biểu một tiến trình luyện kim thành vàng, trong đó những năng lực của những đam mê căn bản trong thân thể vật chất và những thân vi tế chuyển thành chất trường sanh của tánh giác bổn nguyên hay trí huệ bổn nguyên (yeshes, Skt. juma). Chính chất trường sanh của thuật luyện kim này ban cho đời sống vĩnh cửu. Bởi thế, không cần từ bỏ và dồn nén những đam mê phiền não, như trong trường hợp thực hành của hệ thống Kinh. Phương pháp đặc biệt cho hệ thống Kinh là con đường từ bỏ, trong khi phương pháp đặc biệt cho những Tantra là sự chuyển hóa (sgyur-ba) năng lực. Vì lý do này, những bản văn nói đến Tantra như là con đường của chuyển hóa.

Mục tiêu hay quả của Kim Cương thừa là sự thực hiện Ba Thân của Phật. Ở đây Sắc thân là hai cái : (i) Báo thân, Thân của Phúc Lạc Viên Mãn biểu lộ trong Akanishtha (Hữu đỉnh thiên), bình diện cao nhất của hiện hữu, và không ở đâu khác ; (ii) Hóa thân, Thân Lưu Xuất, biểu lộ trên những bình diện vật chất và siêu vật chất trong thời gian và lịch sử. Trong khi Báo thân chỉ biểu lộ với cái thấy của chúng sanh tiến hóa cao, những Đại Bồ tát, thì Hóa thân xuất hiện với vô số chúng sanh khắp vũ trụ mà sự thấy của họ còn bất tịnh và bị che ám bởi những phiền não và giới hạn trí năng. Tuy nhiên, bởi vì quả của nó đã hiện hữu trong cá nhân từ vô thủy, dù có bị che ám, Kim Cương thừa được xem là đã chứa sẵn quả và bởi thế được gọi là Phalayama tức là Thừa Quả.

(7) Mahayoga Tantrayana, “Thừa Đại Hợp Nhất”, nhấn mạnh vào Utpattikrama hay tiến trình phát sanh. Thừa này rất tỉ mỉ và gồm sự quán tưởng nhiều vị thần và mạn đà la. Mahayoga chia thành phần Tantra (rgyud-sde) và phần Sad-hana (sgrub-sde). Nói chung Mahayoga tương đương với Anu-ttara Tantra của những trường phái mới hơn của Phật giáo Tây Tạng, và đặc biệt tương đương với những Tantra Cha (phargyud), nhấn mạnh khía cạnh nam tính của giác ngộ.

(8) Anuyoga Tantrayana, “Thừa Hợp Nhất Hơn Nữa”, nhấn mạnh Sampannakrama, hay tiến trình hoàn thiện. Thừa này trong nhiều mặt tương đương với loại Tantra Mẹ của giác ngộ. Tuy nhiên khác với Anuttara Tantra, Anuyoga có hai kiểu hay phương pháp quán tưởng phân biệt : tiệm tiến và tức thời. Trong Anuyoga cũng có những quán tưởng tỉ mỉ những vị thần và mạn đà la, nhưng ở đây nhấn mạnh hơn đến thực hành yoga bí truyền về những kinh mạch và năng lực. Thật ra, trong hệ thống Tantra, sau khi làm tan biến sự quán tưởng trở lại vào trong trạng thái tánh Không, từ tánh Không này sự quán tưởng khởi lên vào lúc bắt đầu tiến trình chuyển hóa, bấy giờ người ta đi vào một trạng thái tham thiền (mnyam-bzhag, Skt. sama-hita). Trong Anuttara Tantra của những trường phái mới trạng thái này được biết là Mahamudra (Đại Ấn). Tuy nhiên, trong hệ thống Anuyoga, giai đoạn này, nó biểu lộ sự thành tựu của tiến trình chuyển hóa, được gọi là Dzogchen. Một số bản văn rất cổ xác nhận điều này, chỉ ra rằng trong sơ thời, Dzogchen được nghĩ là cái còn lại vượt khỏi tiến trình phát sanh và tiến trình hoàn thiện, như một trạng thái là rdzogs-chen, trọn vẹn hoàn thiện.

(9) Atiyoga Tantrayana, “Thừa Hợp Nhất Tối Hậu”, còn được biết với tên Dzogchen, “Đại Toàn Thiện, Đại Viên Mãn”. Trong hệ thống Nyingma, thừa thứ chín, Atiyoga hay Dzogchen, được xếp loại là một Tantra. Tuy nhiên, Dzogchen cũng hiện hữu nơi lãnh vực riêng của nó, độc lập với những phương pháp của Tantra. Ở đây sự thực hành của nó không đòi hỏi tiến trình tiên quyết nào chuyển hóa thành một vị thần trú trong chiều kích thanh tịnh của mạn đà la, như trong trường hợp Mahayoga hay Anuyoga. Hơn nữa, sự thực hành bắt đầu nơi Tantra dừng lại, nghĩa là, Dzogchen bắt đầu với trạng thái tham thiền. Như thế Dzogchen được xếp loại là một thừa tự chính nó, và không chỉ là trạng thái kết thúc của tiến trình chuyển hóa như Maha-mudra chẳng hạn. Trong hệ thống Nyingma, Dzogchen được nhìn như đỉnh cao nhất (yang-rtse) đạt được bởi mọi con đường tâm linh khác và như điểm kết thúc của mọi thừa hay yoga trước đó.

Dzogchen có một phương pháp luận hoàn toàn riêng, phân biệt nó với các thừa khác, và bởi thế nó không chỉ là một mở rộng hay tiếp tục của hệ thống Tantra. Phương pháp đặc trưng của hệ thống Kinh là con đường từ bỏ, như sự thực hành phát những lời nguyện, phương pháp đặc trưng của các Tantra Thấp là con đường tịnh hóa, như nhiều loại thực hành làm sạch cái thấy bất tịnh thuộc nghiệp báo ; và phương pháp đặc trưng của các Tantra Cao là con đường chuyển hóa, như tiến trình chuyển hóa bản thân, cả ngoài lẫn trong, thành vị thần trong chiều kích thanh tịnh của mạn đà la của vị thần ấy. Ở đây trong các Tantra Cao, cái thấy bất tịnh thuộc nghiệp báo tác động chúng sanh vô minh bình thường không chỉ được làm sạch, mà còn thực sự chuyển hóa thành cái thấy thanh tịnh của trí huệ và tri kiến của một bậc giác ngộ. Những quang cảnh bình thường của thế gian không còn bình thường nữa, mà là những cái thấy những vị thần bổn tôn và những mạn đà la. Những âm thanh bình thường của thế gian không còn bình thường nữa, mà là những âm thanh thanh tịnh của những thần chú. Những tư tưởng và nhớ tưởng bình thường không còn bình thường nữa, mà là những tham thiền hay samadhi của một bậc giác ngộ. Tuy nhiên, phương pháp đặc trưng của Dzogchen không phải là chuyển hóa, mà là con đường của tự-giải thoát (grol-lam), và đó là sự độc nhất vô nhị của nó.

Tất cả những phương pháp thực hành này trong Ba Thừa, hay trong hệ thống xếp thành Chín Thừa, hoàn toàn phân biệt về cách tiếp cận của chúng đối với con đường tâm linh. Điều này có thể thấy bằng thí dụ cây độc. Loại hành giả thứ nhất theo phương pháp những Kinh Tiểu thừa, cố gắng tránh cây độc ngăn chặn con đường của họ. Cách tiếp cận này biểu thị con đường từ bỏ. Loại hành giả thứ hai theo những phương pháp của những Kinh Đại thừa và những Tantra Thấp, cố gắng áp dụng một đối trị với chất độc của cây mà nó tiếp xúc khi ở trên con đường. Cách tiếp cận thứ hai này tiêu biểu con đường tịnh hóa. Cái đối trị phổ quát với những chất độc thế gian là thiền định về tánh Không, sự vô tự tánh của mọi hiện tượng. Loại hành giả thứ ba, theo những Tantra Cao, cố gắng chuyển hóa chất độc trong cây theo cách luyện kim để thành cam lồ của trí huệ hay tánh giác. Cách tiếp cận thứ ba này tiêu biểu con đường chuyển hóa. Cây độc này tượng trưng mọi phiền não và tiêu cực làm khổ tâm thức con người trong hiện hữu sanh tử. Nhưng những cái trên không tiêu biểu phương pháp riêng của Dzogchen. Hành giả Dzogchen không cố gắng thoát khỏi, hay áp dụng một cái đối trị cho, hay chuyển hóa chất độc này. Trong Dzogchen không có gì để từ bỏ và không có gì để chuyển hóa. Nói cho đúng, Dzogchen có phương pháp riêng của nó, gọi là tự-giải thoát (rang grod), ở đây, trong thực hành thiền định của cá nhân, những tư tưởng được để cho tự-giải thoát ngay khi chúng khởi lên. Những bản văn được dịch sau đây nói về phương pháp chót này, gọi là con đường của tự-giải thoát.

Xem mục lục