Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (17)


Xem mục lục
BA LỜI ĐÁNH VÀO 
ĐIỂM TRỌNG YẾU

Giáo huấn Đặc biệt của Khepa Shri Gyalpo
Ba Lời Đánh vào Điểm Trọng yếu
của Patrul Rinpoche

Kính lễ đạo sư

Cái thấy (kiến) là Longchen Rabjam (Sự Bao La Vô hạn Vĩ Đại).
Sự thiền định (thiền) là Khyentse Ozer (Những Tia sáng của Trí Huệ và Tình Thương).
Hành động (hành) là Gyalwe Nyugu (Con trai của các Đấng Chiến Thắng).
Đối với người thực hành theo cách này,
Thì không nghi ngờ gì nữa về sự giác ngộ trong một đời.
Nhưng cho dù không được như thế, vẫn được hưởng hạnh phúc – A la la.

Cái thấy, Longchen Rabjam thì như sau :
Đánh trúng điểm trọng yếu bằng ba lời,
Trước tiên, hãy để tâm các bạn ngơi nghỉ buông lỏng.
Không lan man, không tập trung – vô niệm.
Trong khi thả lỏng và an trụ một cách quân bình trong trạng thái đó
Bất thần kêu lên PHAT.
Mạnh mẽ, ngắn gọn và sắc bén – hoàn toàn trong sáng.
Không có bất cứ cái gì – hoàn toàn trong sáng.
Một sự trong sáng không bị ngăn che.
Một rỗng rang toàn triệt vượt lên ý niệm.

Hãy nhận ra điều này như giác tánh Pháp Thân.
Nhận ra bản tánh của các bạn, đó là điểm trọng yếu thứ nhất.

Sau việc nhận ra này, dù tâm các bạn động hay tĩnh,
Dù các bạn giận hay tham, vui hay buồn,
Trong mọi lúc và trong mọi tình huống
Hãy biết Pháp Thân đã được nhận ra
và hãy để ánh sáng con hợp nhất với ánh sáng mẹ đã được nhận biết.

Hãy nghỉ ngơi trong trạng thái tỉnh giác không thể diễn bày.
Hãy cứ tiêu diệt sự vô-niệm, hỉ lạc, và vọng tưởng.
Hãy để chữ (âm tiết) của trí huệ và phương tiện đột ngột đánh gục chúng.

Không có sự khác biệt giữa thiền định và hậu-thiền định.
Không có phân chia giữa các thời khóa và những gián đoạn.
Hãy liên tục ngơi nghỉ trong trạng thái không bị phân chia.

Tuy nhiên, chừng nào mà các bạn chưa đạt được sự kiên cố,
Thì điều cần yếu là thực hành sự từ bỏ các phóng tâm.
Hãy chia sự thiền định của các bạn thành các thời khóa.
Trong mọi lúc và trong mọi tình huống
Hãy hộ trì sự tương tục duy nhất của Pháp Thân.
Hãy xác quyết rằng không có cái gì khác hơn điều này.
Có sự xác quyết ở một điều; đó là điểm trọng yếu thứ hai.

Vào lúc này, những ưa thích và ghét bỏ của bạn, những niềm vui và những nỗi muộn phiền
Và mọi tư tưởng thoáng qua của bạn không có ngoại trừ nào
Hãy để mặc không dấu vết trong trạng thái nhận biết.
Bằng cách nhận biết Pháp Thân,
Giống như thể vẽ một hình dạng trong nước,
Không có khe hở giữa việc nhận ra bất kỳ điều gì xuất hiện và tự-giải thoát.
Bất kỳ điều gì xảy ra là thực phẩm tươi mới cho tánh giác trống không.
Bất kỳ cái gì là niệm tưởng đều là một biểu lộ của Pháp Thân siêu việt,
Không dấu vết và giải thoát tự nhiên – A la la.
Cách các niệm tưởng xuất hiện thì giống như trước,
Nhưng cách chúng được giải thoát là điểm then chốt đặc biệt nhất.
Không có điều này, sự thiền định chỉ đơn thuần là con đường lầm lạc.

Sở hữu nó là trạng thái không bị tạo tác của Pháp Thân.
Có được sự xác tín vào giải thoát; đó là điểm trọng yếu thứ ba.
Cái thấy này được đặc ân với ba điểm trọng yếu,
Được trợ giúp bởi sự thiền định của trí huệ kết hợp với lòng bi,
Và bởi hành động phổ biến của những con trai của các Đấng Chiến Thắng.
Cho dù các Đấng Chiến Thắng trong ba thời cùng nhau thảo luận,
Sẽ không có giáo huấn nào siêu việt hơn giáo huấn này.
Bậc terton Pháp Thân của sự phô diễn của giác tánh
Đã khám phá giáo huấn này như một kho tàng từ cõi giới của trí huệ.
Nó không như những cái lấy ra từ đất và đá.
Nó là di chúc của Ngài Garab Dorje.
Nó là tâm yếu của ba dòng truyền thừa.
Nó được bí mật trao cho đệ tử tâm đắc.
Nó là ý nghĩa sâu xa và những lời nói tâm huyết.
Nó là những lời tâm huyết, là yếu nghĩa.
Đừng để yếu nghĩa phai nhạt.
Đừng để giáo huấn tiêu tan.

Đây là giáo huấn đặc biệt của Khepa Shri Gyalpo.


CHƯƠNG 1
DẪN NHẬP – KÍNH LỄ

Xin hãy lắng nghe giáo lý này với động lực trong sạch, cần phải nghĩ rằng : “Tôi sắp nghe giáo lý và thực hành để dẫn dắt tất cả chúng sinh vô hạn như không gian đến trạng thái toàn giác.”

Có tất cả chín thừa. Trong chín thừa này, có ba thừa ngoại dẫn dắt ta thoát khỏi nguồn gốc của đau khổ. Nhóm thừa thứ hai là các tantra ngoại, là những sự tiếp cận đem lại sự tỉnh giác nhờ những giới luật khổ hạnh. Và sau đó có ba thừa bí mật gồm các phương tiện thiện xảo dẫn đến kết quả cuối cùng. Khi các bạn nói đến bất kỳ thừa nào trong chín thừa thì điều tối quan trọng là bàn về hành động và động lực. Như vậy, động lực là gì? Động lực là để giải thoát tất cả chúng sinh trong vòng sinh tử, tâm thức họ bị lôi cuốn vào ba lỗi lầm của bình chứa, sáu sự ô nhiễm và năm cách suy tưởng sai lầm. Ta phải phát sinh động lực rằng : “Tôi sắp giải thoát tất cả chúng sinh đến trạng thái Phật tánh toàn giác nhờ sự lắng nghe và thực hành giáo lý Đại Viên Mãn. Tôi thực hiện điều này bởi tất cả chúng sinh đã từng là những cha mẹ tốt lành của tôi.”

Động lực riêng của ta phải được kết hợp với lòng bi mẫn vĩ đại nhắm tới sự giác ngộ. Các bạn cần phát triển sự thiết tha này và dấn mình vào động lực này. Đây là điều nhắm tới để sẵn sàng giải thoát tất cả chúng sinh. Các bạn luôn luôn nên bắt đầu sự thực hành của các bạn với một thái độ bi mẫn và quan tâm tới những người khác và với một ý hướng đạt sự giác ngộ là vì lợi lạc của họ.

Khi đang nghe giáo lý các bạn cần tập trung vào năm điều xác tín. Đừng nghĩ rằng bất kỳ điều gì trong những hiện tượng được nhận thức của các bạn là bình phàm. Ví dụ, nơi chốn chúng ta đang ở ngay bây giờ –Los Angeles – không được nhận thức như một chốn bình phàm cấu tạo bởi các chất thể như đất và đá mà đúng hơn, ta cần nhận thức nó như cõi Akanistha, như tịnh thể Dewachen của Đức Phật A Di Đà, hang Núi Huy Hoàng Màu Đồng Đỏ. Ta cần nhận thức vị thầy là Đức Phật Vajradhara, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hay Đức Padmasambhava, thay vì nhìn ngài như một con người bình thường với một thân xác bất tịnh. Giáo lý cũng cần được nhìn như sự chuyển Pháp luân vĩ đại. Thời gian là một sự tương tục không ngừng nghỉ. Những người nghe Pháp không được nhận thức như những người bình thường với những thân xác bất tịnh, mà đúng hơn là những Bồ tát, các daka và dakini.

Điều hết sức quan trọng là lắng nghe giáo lý với động lực và hành động trong sạch. Động lực phải thực hiện với tâm. Tối quan trọng là phải loại trừ hay từ bỏ bất kỳ loại độc chất tinh thần nào, để khơi dậy Bồ đề tâm quý báu, và hình dung năm điều xác tín một cách rõ ràng.

Theo lịch sử, Giáo Pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được truyền dạy theo ba lối : Đức Phật đã dạy bằng các phép màu nhiệm, bằng luận cứ theo lối của học giả hay pandita vĩ đại, và nhờ sự thiền định theo lối của vị A la hán. Đức Phật dạy bằng ba phép màu nhiệm : sự hiển lộ kỳ diệu của thân, phép màu của ngữ, diễn tả nhiều loại vấn đề khác nhau; và phép màu nhiệm của tâm, diễn đạt giáo lý phù hợp với nhu cầu và năng lực của những cá nhân. Nhờ năng lực của những phép màu nhiệm, ngài có thể tỏa ra những tia sáng đủ màu từ thân ngài, bao trùm vũ trụ và làm nguôi dịu nỗi khổ ở đó. Đây là một cách thức mà ngài đã dạy, và có liên quan trực tiếp tới thân tướng của ngài.

Khi Đức Phật trình bày giáo lý lần đầu tiên, ngài phóng ra những tia sáng trắng, đỏ và xanh dương chói ngời tới ba thế giới và làm nguôi dịu nỗi khổ ở đó. Ánh sáng thì còn sáng rực hơn một triệu mặt trời. Nó tỏa chiếu khắp mọi cảnh giới và làm nguôi nỗi đau khổ ở những nơi đó. Những nỗi khổ của các địa ngục, chẳng hạn như sự lạnh và nóng, và những nỗi khổ của các ngạ quỷ, như sự đói và khát, đã được giảm bớt. Những đau khổ của cõi súc sinh, chẳng hạn như bị sai sử và hành hạ một cách tàn nhẫn, được vơi dịu. Ánh sáng đã tịnh hóa nỗi khổ cho rất nhiều chúng sinh trong các cõi khác nhau.

Đại dương sinh tử trải qua sự biến động bất thường và chư Phật xuất hiện trong vòng sinh tử xuất hiện trong phạm vi những sự kiện thời gian và không gian. Khi chư Phật xuất hiện, có những chúng sinh đã sẵn sàng để tự do và vì thế họ có thể được giải thoát nhưng chúng sinh không chín mùi để giải thoát không thể có được lợi lạc từ chu kỳ soi sáng đó. Vì thế vị Phật đó không thể giải trừ đau khổ của họ. Mọi kinh điển thường nói rằng nhờ sự thiền định mà ta có thể tẩy trừ đau khổ của tất cả chúng sinh, hay nói rằng Đức Phật tẩy trừ đau khổ của tất cả chúng sinh. Nếu các bạn hỏi : “Nếu như Đức Phật đã tẩy trừ một cách kỳ diệu mọi đau khổ thì tại sao vẫn còn chúng sinh?” Thực tế là có ba cách qua đó chúng ta có thể đạt giải thoát nhờ những sự ban phước của Đức Phật. Cách đầu tiên là nhờ được diện kiến Đức Phật và nhờ nhận lãnh giáo lý và do đó tìm ra con đường của ta đi đến sự giác ngộ. Cách thứ hai là mặc dù Đức Phật đã tịch diệt hoặc chúng ta không thể tìm gặp ngài, giáo lý của Đức Phật được truyền dạy bởi một người hay trong giáo lý được ghi chép lại của Đức Phật, cung cấp cho chúng ta những giáo huấn cần thiết nhờ đó ta có thể đạt được giải thoát. Cách thứ ba và là cách sâu xa nhất là bằng sự thấu suốt trực tiếp tức thời thực tại như nó là, và bằng cách tôi muốn nói là Đại Viên Mãn, đó là trạng thái giác tánh của riêng các bạn. Nhờ sự toàn giác của ngài, Đức Phật thấu suốt những năng lực tinh thần của tất cả chúng sinh và đã giảng dạy một cách phù hợp. Ngài có thể diễn tả tất cả các ngôn ngữ trong một lời và trong một lúc.

Giờ đây, chúng ta không toàn thiện như một vị Phật và vì thế khi tôi giảng dạy tôi phải nói bằng tiếng mẹ đẻ của tôi và các bạn phải nỗ lực để hiểu rõ. Mỗi một tiếng phải được dịch lại. Đó không phải là hoạt động của một bậc đạo sư giác ngộ vĩ đại như Đức Phật Thích Ca. Khi Đức Phật giảng dạy, bất luận các bạn nói bằng ngôn ngữ nào – dù là tiếng Tây Tạng, tiếng Anh hay tiếng Trung Quốc, hoặc ngôn ngữ của các thú vật hay của các cõi giới khác – các bạn có thể nghe Pháp bằng ngôn ngữ của riêng mình. Trong tương lai, chúng ta sẽ được giác ngộ và vào lúc đó chúng ta có thể diễn đạt Giáo Pháp phù hợp với lợi ích và năng lực của chúng sinh. Bây giờ chúng ta không thể làm điều đó bởi tâm thức chúng ta bị ngăn che bởi nghiệp và những mê lầm. Chúng ta là những người đang ở trên con đường.

Lối giảng dạy của một pandit hay học giả xuất phát từ các viện Đại học Phật giáo Ấn Độ Nalanda và Vikrara-malashila. Giáo lý được ban ra phù hợp với năm điều xác tín và năm nguyên lý. Năm nguyên lý là : tác giả, thính giả vì họ mà giáo lý được kết tập, loại giáo lý được viết ra, nơi giáo lý được truyền dạy, và phần tóm lược từ đầu tới cuối.

Lối giảng dạy của bậc A La Hán được trình bày phù hợp với ba sự thanh tịnh (trong sạch) – ngữ của bậc thầy thì thanh tịnh, tâm người nghe thì thanh tịnh và chủ đề của sự giảng dạy thì thanh tịnh. Điều này có nghĩa là cả vị thầy lẫn đệ tử đều có ý hướng và động cơ tích cực và vị thầy giảng dạy ý nghĩa của Phật Pháp một cách rõ ràng và chính xác, không chút sai lầm trong sự diễn giảng. Hôm nay, tôi sắp giảng theo lối của một đại giả (mahapandita).

Bản văn gốc bắt đầu với một sự kính ngưỡng : “Con kính lễ bậc guru, là hiện thân của lòng bi mẫn vô song.” Chúng ta kính lễ và khẩn cầu guru, hay lama (vị thầy), bởi ngài là hiện thân của Tam Bảo. Bất kỳ sự giảng dạy nào về cái thấy (kiến), thiền định (thiền) và hành động (hành) đều bắt đầu với một sự khẩn cầu đạo sư. Từ Tây Tạng “lama” được định nghĩa là : “la” nghĩa là “cao” và “ma” là mảy may tiêu cực. Không gì cao cả hơn một đạo sư. Sự tương đồng thì như việc có những đám mây, tia chớp, các máy bay và những sự xuất hiện trong bầu trời nhưng không có gì cao hơn mặt trời, mặt trăng hay các vì sao. Cùng cách đó, không có gì cao hơn hay siêu việt hơn bậc đạo sư trong lãnh vực cái thấy, thiền định và hành động. Cách định nghĩa khác của “la” là “cao” giống như bầu trời và “ma” có nghĩa là “mẹ”. Bậc đạo sư là người dẫn dắt giải thoát tất cả chúng sinh bằng lòng đại bi giống như một bà mẹ dẫn dắt các đứa con của bà. Không có guru yoga thì sẽ không có cơ hội để giác ngộ bởi có nói rằng nếu bậc đạo sư không hiện hữu thì thậm chí từ “Phật” cũng sẽ không được nghe nói tới. Tất cả chư Phật trong một ngàn kiếp xuất hiện nhờ bậc đạo sư và đạo sư là Phật, Pháp, và Tăng. Vì thế, chúng ta kính lễ thân, ngữ và tâm của bậc đạo sư.

Chư Phật trong quá khứ đã đạt giác ngộ, chư Phật trong hiện tại đang trở nên giác ngộ, và chư Phật trong tương lai sẽ đạt được giác ngộ, tất cả các ngài đã hay sẽ đạt được Phật quả nhờ sự tiếp cận các bậc đạo sư tâm linh toàn hảo và nhờ thực hành các điểm trọng yếu trong cái thấy, thiền định, và hành động với các ngài.

Bởi các bạn là Phật tử nên điều thiết yếu là các bạn phải được chấp nhận bởi một đạo sư. Các đệ tử nên tuân theo các giáo huấn của đạo sư trong bất kỳ điều gì ngài giảng dạy, theo cùng cách một đứa trẻ vâng theo sự chỉ dạy của cha mẹ thật tốt lành của nó cho tới khi chết. Các bạn phải tiếp cận bậc đạo sư theo ba cách. Lúc ban đầu các bạn phải trở nên một người có kinh nghiệm trong việc lựa chọn đạo sư, rồi thành thục trong sự tiếp cận đạo sư một cách đúng đắn, và sau đó lão luyện trong việc học tập ý hướng của cái thấy và hành động của đạo sư.

Sau đó các bạn phải tiếp cận vị đạo sư qua ba cách làm vui lòng – qua sự cúng dường để tuân theo bất kỳ điều gì ngài dạy các bạn, qua sự cúng dường lòng tôn kính và phụng sự ngài, và qua các vật cúng dường.

Chúng ta kính lễ bậc đạo sư bởi nhờ sự khẩn cầu ngài mà chúng ta khẩn cầu tất cả chư Phật. Đạo sư là hiện thân của Tam Bảo. Đạo sư là hiện thân của tất cả các phẩm tính tích cực như lòng bi mẫn, sự thấu suốt, và năng lực tâm linh. Những phẩm tính của các ngài thì vượt lên phẩm tính tầm thường và thế tục, sự thấu suốt của các ngài thì không phải là sự hiểu biết thông thường rất giới hạn mà ta thường hiểu. Ta có thể nói người nào đó có sự hiểu biết là bởi họ nói năng rõ ràng hay có một nền giáo dục cao. Ta có thể tin rằng người nào đó có sự hiểu biết rộng lớn vì sự thông hiểu về toán học của họ. Người ta có thể có cảm tưởng rằng người nào đó chói sáng bởi tài năng của họ trong việc làm điện ảnh. Tuy nhiên, một bậc tâm linh thì không đo lường được bằng các hiện tượng thông thường.

Mọi trí thông minh bình thường của con người thì vô nghĩa và mặc dù trí thông minh đó đã chế tạo ra những đồ vật như các máy bay và xe hơi, chúng rất ích dụng trong nhất thời, nhưng cuối cùng những kết quả thì tiêu cực. Chúng làm ô nhiễm môi trường và hủy hoại đất đai. Mọi sự thông minh của con người, dù có tinh vi hay không, cũng chỉ là kinh nghiệm về sự vận hành của một giấc mộng. Chúng ta có những môn khoa học vĩ đại chẳng hạn như chiêm tinh học có thể tiên đoán tương lai và y học có thể chữa trị các bệnh tật của thể xác chúng ta, nhưng môn khoa học ban tặng cho ta hạnh phúc viên mãn là Pháp. Đây là sự hiểu biết siêu việt, nó như mặt trời tẩy trừ bóng tối, soi sáng mọi sự trong thế giới này. Nó như con mắt có thể tri giác mọi sự. Sự hiểu biết vĩ đại này, nó khiến cho ta tri giác hay hiểu biết tất cả các hiện tượng, là giáo lý Đại Viên Mãn. Giáo lý Đại Viên Mãn rất sâu xa. Điều quan trọng là phải tin tưởng giáo lý này và không chút hoài nghi. Cho tới khi các bạn đạt được giác ngộ các bạn phải tin tưởng cỗ xe (thừa) Đại Viên Mãn, hơn là nương tựa vào các hiện tượng thông thường.

Đạo sư sẽ chỉ dạy các bạn từ bỏ sự tham luyến đối với hoạt động của cuộc đời bình thường này và sẽ đặt các bạn trên con đường sâu xa dẫn thẳng tới trạng thái giác ngộ. Trong đời này, chẳng có ý nghĩa gì nếu các bạn có tài sản và của cải lớn lao. Khi các bạn chết, các bạn không thể mang theo mình bất kỳ thứ gì. Các bạn phải để lại thân xác vật lý của mình và tiếp tục đi một mình tới thế giới kế tiếp. Vào lúc đó, chỉ có các tích tập đức hạnh và ác hạnh của các bạn, chỉ có các yếu tố thuộc nghiệp này đi theo các bạn. Đó là lý do tại sao điều hết sức quan trọng đối với tất cả các bạn là gặp được một bậc thầy tâm linh có phẩm tính trong đời này. Nếu các bạn liên hệ với các vị thầy tâm linh tiêu cực, họ sẽ dẫn các bạn đi lạc đường. Họ sẽ nói là các bạn có thể phạm vào các hành động xấu và các bạn không cần dấn thân vào bất kỳ hành vi đức hạnh hay đạo đức nào. Ví dụ như một vài vị thầy giảng dạy một con đường đưa người ta đến việc tự vẫn trong khi những vị thầy khác đưa ra điều vô nghĩa to lớn gây nguy hại cho con người như khi nói “các bạn có thể nhảy vào lửa”. Những thứ đó là tà kiến và không dính dáng gì tới Pháp. Theo Giáo pháp, nếu các bạn tự tử các bạn phải tái sinh năm trăm đời trong địa ngục thấp nhất. Bởi các bạn đã bước trên con đường Phật giáo, và đặc biệt là trên con đường Đại Viên Mãn, các bạn đã giữ một lời nguyện tránh làm hại tất cả chúng sinh, kể cả chính bản thân mình. Các bạn phải nhận thức sâu sắc cuộc đời các bạn vì chính cuộc đời này cho phép các bạn thực hành pháp và tích tập đức hạnh. Thậm chí nếu các bạn có thể sống thêm một ngày, điều ấy là một ân phước. Vì thế, dĩ nhiên là các bạn không thể tự làm hại mình hay những người khác. Cho dù các bạn cực kỳ đau yếu, các bạn phải dùng một vài hình thức thuốc men để duy trì thân xác các bạn.

Các bạn sợ hãi về đời sau và nỗi khổ của samsara (sinh tử), các bạn sợ hãi về nỗi khổ của các cõi thấp, bởi vì bất kỳ các bạn tái sinh ở đâu thì sinh tử cũng là vòng tròn của sự đau khổ, từ sự tái sinh cao nhất cho tới cõi địa ngục thấp nhất. Samsara bị tràn ngập bởi ba nỗi khổ : nỗi khổ của khổ, nỗi khổ toàn khắp, và nỗi khổ bởi sự vô thường. Các bạn nên nhìn samsara như ổ rắn độc, xứ sở của Yaksha (dạ xoa), những kẻ ăn thịt người, một hầm lửa, hay một xứ đầy gươm đao. Samsara sản xuất một cách tự nhiên nỗi đau khổ của sinh và tử. Khi các bạn chứng ngộ sự thực hay thực tại của Đại Viên Mãn, thì cũng giống như trở thành một con chim với đôi cánh. Một con chim không sợ mình sẽ rơi xuống một thung lũng sâu, và trong cùng cách đó bất cứ lúc nào có sự chứng ngộ thì không còn bận tâm về việc các bạn sẽ kinh nghiệm nỗi đau khổ của sinh tử. Một câu tục ngữ nói : “Khi cưỡi con ngựa Bồ đề tâm, ta trở nên hạnh phúc hơn và hơn nữa, có được một tâm thức trong sáng – điều ấy có gì là sai lầm?” Vì thế, nếu các bạn hiểu biết Bồ đề tâm, làm thế nào các bạn có thể biếng lười?

Điều này có nghĩa là khi ta có một mục đích chẳng hạn như việc đạt được giác ngộ, chúng ta phải có một cỗ xe để đi tới mục đích đó. Trong trường hợp của thực hành Đại thừa thì Bồ đề tâm, hay tâm giác ngộ, là cỗ xe mà ta phải đi trong sự tìm kiếm giác ngộ này. Cỗ xe này trong Đại thừa là cỗ xe của sáu sự hoàn thiện, hay ba la mật. Khi chúng ta có sáu sự toàn thiện này – trong tiếng Tây Tạng nghĩa đen của từ này có nghĩa là “đi sang bờ bên kia” – thì hạnh phúc, hỉ và lạc mà chúng ta kinh nghiệm sẽ ngang bằng với sự quang minh của tâm, và sự quang minh và lạc sẽ hợp nhất làm một, cũng như phương pháp và trí huệ được hợp nhất làm một. Trong cùng cách thế, nếu ta muốn đi Trung Quốc ta phải đáp máy bay và ta đến đó. Nơi đó là đích đến. Nếu ta muốn đi Tây Tạng, ta đi trên một máy bay và tới nơi đó. Máy bay là cỗ xe. Khi các bạn ở trên máy bay, các bạn không ở Tây Tạng. Điều này chỉ ra rằng trong cái thấy của con đường Bồ tát có một sự phân cách giữa cỗ xe và đích đến.

Bây giờ trong trường hợp của Dzogchen chúng ta cũng phải thực hành Dzogchen với một tâm giác ngộ, với Bồ đề tâm, nhưng chúng ta phải nhận thức rằng mục đích và cỗ xe là một. Và như thế với tâm thái đó, tịnh quang của giác chiếu và đại lạc của sự hoàn tất con đường đó ở trong ta vào chính giây phút này. Vấn đề là khi chúng ta bàn về shunyata, hay tánh Không, và đặt nó trong một phạm trù và sau đó đề cập tới tâm giác ngộ của Bồ đề tâm và đặt nó trong phạm trù khác, chúng ta cố gắng suy tưởng chúng một cách riêng rẽ và chúng ta ắt phải thất bại. Một sự thấu suốt về tánh Không và một thái độ được đặt nền trên lòng bi mẫn chân thành đối với tất cả sinh loài không thể bị phân cách. Để chứng ngộ Bồ đề tâm, tánh Không không thể được thấu suốt một cách riêng rẽ với lòng bi mẫn chân thực và Bồ đề tâm không thể bị phân cách với sự thấu triệt về tánh Không. Vì thế khi tánh Không và Bồ đề tâm được hợp nhất thì khi đó và chỉ khi đó một sự thấu suốt đích thực về Dzogchen mới xảy ra.

Chúng ta sắp thảo luận giáo lý Dzogchen về Ba Lời Đánh vào Điểm Trọng yếu. Cái thấy (kiến) là : bất kỳ điều gì hiện hữu là sự xuất hiện của sinh tử và Niết bàn, cả hai đều toàn hảo như nhau trong trạng thái của Pháp giới (dharmadhatu). Đây là nền tảng căn bản thoát khỏi bất kỳ những thái cực nào của các ý niệm hay sự tạo tác. Tathagatagharba (Như Lai Tạng) là cái thấy. Thuật ngữ “nền tảng căn bản” ám chỉ Pháp giới. Có ba cách để nhìn không gian này : đó là không gian bên ngoài, không gian bên trong, và không gian bí mật. Không gian bên ngoài là không gian ở bên ngoài chúng ta. Không gian bên trong là không gian trong đó các năng lực của thân thể ta chuyển động. Nó là tính rỗng rang của tâm. Nhưng vào lúc này chúng ta đang nói về không gian bí mật – giác tánh bất nhị. Đó là không gian ở đó trí huệ và ánh sáng là một, và tịnh quang này là không gian bí mật và chiều kích tối hậu của thực tại. Vậy thì, nếu các bạn hỏi : “Làm thế nào ta có thể thấu hiểu được chiều kích bí mật này của thực tại?” Nó thật đơn giản. Hãy tĩnh lặng, an dịu, và hãy nhìn ra ngoài. Hãy nhìn bằng đôi mắt các bạn và để cho mắt nghỉ ngơi trong không gian trước mặt các bạn. Đừng dán chặt cái nhìn của các bạn vào bất kỳ vật gì. Không gian bên trong tức là tâm các bạn, sẽ nối kết với không gian bên ngoài, tức cảnh giới của cái nhìn mà các bạn kinh nghiệm. Các bạn sẽ nhận ra rằng các hình tướng xuất hiện trước mặt các bạn và tự tâm của các bạn sẽ trở thành một trạng thái duy nhất của tỉnh giác toàn diện, trong đó, không có phân cách giữa cái được thấy, cái thấy, và tâm là người thấy. Sự hợp nhất của không gian bên ngoài và không gian bên trong, hình tướng xuất hiện và tâm, là chiều kích bí mật của thực tại trong đó không có gì để bám giữ và không có gì để từ bỏ.

Các bạn an trụ trong an định, nhận ra rằng tâm các bạn có ba phẩm tính. Bản chất của tâm là tánh Không, Pháp Thân; bản tánh của tâm là sự trong sáng và quang minh, Báo Thân; và chức năng của tâm như lòng bi mẫn viên mãn toàn khắp là Hóa Thân. Chân tánh của tự tâm thì không gì khác hơn chính là Pháp giới (dharmadhatu). Tâm các bạn – như bản tánh của nó – có phẩm tính mở trống và đó là Pháp giới bí mật. Nó vượt khỏi mọi sự tạo tác chẳng hạn như các nguyên nhân và điều kiện (duyên).

Bản chất của tâm là không gian căn bản thoát khỏi sự tạo tác và siêu vượt nhân, duyên, và thời gian. Nó không hiện hữu, bởi nó trống không một cách tự nhiên, nhưng nó có hiện hữu, vì nó là trạng thái nguyên thủy của mọi sự – các hiện tượng và bản tánh của các hiện tượng, hay Pháp tánh (dharmata). Nó thực sự là phương diện rốt ráo của tánh mở trống, bản chất của tâm các bạn, một khi các bạn an trụ trong sự quân bình an định của Đại Viên Mãn.

Tất cả chúng sinh đều có pháp giới (dharmadhatu) như bản chất của tâm, nhưng chỉ khác nhau ở chỗ có nhận ra nó hay không. Vì vậy, chúng ta có hai con đường, đó là sinh tử và Niết bàn, nhưng ta có cùng một nền tảng.

Trạng thái đó của Như Lai Tạng, thoát khỏi sự tạo tác, là cái chỉ ra hay ám chỉ tới sự trong sáng của tâm khi các bạn đang thiền định về Dzogchen. Chúng ta có bầu trời và mặt đất và giữa chúng là không gian, nó không có bất kỳ màu sắc hay hình thể nào. Bản chất của tâm chúng ta thì giống như thế. Nó hoàn toàn tự do và trong sáng, một cái bao la vĩ đại. Mọi sự xuất hiện trong sinh tử và Niết bàn đều toàn thiện một cách viên mãn trong trạng thái đó. Đó là cái thấy (kiến), “cái bao la vô hạn vĩ đại”. Đó là ý nghĩa của danh hiệu Longchen Rabjam.

Xem mục lục