Kính lễ
Bản văn mở đầu với sự kính lễ :
NAMO LOKESHVARAYA
Câu tiếng Sanskrit này nghĩa là “Con kính lễ Bậc Tối Cao của Vũ Trụ”, chỉ Đại Bồ tát Quán Thế Âm, hay Chenrezi.
Đại bi khắp vũ trụ của Quán Thế Âm bao trùm mọi chúng sanh, từ người bình thường đến vua chúa, từ Thanh Văn và Bích Chi Phật đến Bồ tát trong mười địa.(16) Quán Thế Âm hiện thân của lòng đại bi không tách lìa với cảnh giới bao la của tâm Phật. Lòng bi có một vị trí trung tâm trong giáo lý Phật bởi vì chính từ lòng bi mà tất cả sự rộng lớn và sâu xa của con đường Bồ tát sanh khởi ; lòng bi là bản thân tâm giác ngộ. Trong phương diện tương đối, Quán Thế Âm xuất hiện trong vũ trụ vì tất cả chúng sanh trong hình thể một Đại Bồ tát của địa thứ mười, một người con ruột của tất cả chư Phật. Trong phương diện tuyệt đối, ngài chính là nền tảng từ đó xuất sanh tất cả chư Phật và các cõi Phật của chư Phật, cũng như tất cả chuyển luân vương của kiếp này. Bởi thế ngài được biết như là Bậc Tối Cao của Vũ Trụ, nghĩa là ngài không chỉ là một vị vua trong nghĩa thông thường mà là Vua của Pháp, bậc tối cao của trí huệ và đại bi, hoàn toàn giải thoát khỏi ba cõi sanh tử,(17) vĩnh viễn vượt ngoài sự chạm đến của sanh, già, bệnh, chết. Để gặp gỡ mọi nhu cầu của chúng sanh, ngài biểu lộ trong vô số hình thể, từ những bậc cai trị thế giới đến người dân thường và thú vật. Ngài tiêu biểu cho sự giải thoát hoàn hảo hồi hướng về phúc lợi của tất cả.
Đây là tại sao dòng mở đầu để dành cho sự kính lễ Quán Thế Âm, với sự sùng mộ không bờ. Rồi tiếp theo một sự kính lễ mở rộng hơn :
1. Nếu như chỉ một giọt cam lồ của danh hiệu ngài lọt vào tai tôi,
Chúng sẽ ngập đầy âm thanh của Pháp cho vô số kiếp.
Tam Bảo thần diệu, nguyện sự sáng chói của danh ngài
Đem đến hạnh phúc hoàn hảo cho khắp cả !
Ở đây, sự kính lễ mở rộng đến Tam Bảo : Phật, Pháp và Tăng. Những danh hiệu của Tam Bảo, cực kỳ dễ nói lên, tuy nhiên có năng lực vô biên để ban phước cho chúng sanh và giải thoát họ khỏi sanh tử. Những danh hiệu này giống như nước cam lồ của sự bất tử, amrita, chỉ một giọt cũng có thể làm dịu những thống khổ của sanh tử. Chỉ nghe được chúng là đã gieo trồng trong chúng ta hạt giống của giải thoát và bảo đảm một sự tái sanh vào một nơi có Phật pháp được chỉ dạy và ở đó sự tiến bộ đến giác ngộ là khả thi.
Chúng ta phải xem Phật là vị thầy, Pháp là con đường, và Tăng là những bạn đồng hành trên con đường.
Ở cấp độ tuyệt đối, Pháp thân, tâm của Phật là cảnh giới bao la của toàn trí, nó biết mọi sự đúng như chúng là. Ở cấp độ Báo thân, siêu vượt khỏi sanh tử, lời của Phật tương tục thuyết pháp. Ở cấp độ Hóa thân, có thể thấy biết được cho những người bình thường như chúng ta, thân của Phật mang hình tướng là Phật Thích Ca Mâu Ni, vị thứ tư trong một ngàn vị Phật xuất hiện trong kiếp này.
Phật Thích Ca Mâu Ni sinh tại Ấn Độ như là hoàng tử Siddhartha của Vua Shuddhodana và hoàng hậu Mahamaya thuộc giai cấp Shakya. Khi còn trẻ, ngài hưởng những thú vui của cuộc đời một hoàng tử, nhưng về sau ngài từ bỏ những quan tâm thế gian và hiến mình thực hành khổ hạnh trong sáu năm. Cuối cùng, từ bỏ ngay cả những khổ hạnh này, ngài thành tựu giác ngộ trọn vẹn dưới cội cây bồ đề ở Vajrasana.(18) Trong bốn mươi năm ngài dạy Pháp cho sự lợi lạc của chúng sanh. Sau chót, khi phước lành của họ đã cạn kiệt, ngài đi vào đại thanh bình của đại niết bàn.(19)
Qua năng lực của toàn giác, đức Phật thấy rõ những tính khí và khuynh hướng khác biệt nơi những người ngài chỉ dạy. Để cho mỗi người một phương cách đạt đến giác ngộ, ngài chỉ bày tám mươi bốn ngàn phần khác nhau của Pháp. Giáo lý này, Pháp, là Viên Ngọc Quý thứ hai.
Ba chu kỳ chỉ dạy của ngài được biết như là ba lần chuyển bánh xe Pháp. Trong lần chuyển bánh xe Pháp thứ nhất, ngài dạy Bốn Chân Lý Cao Cả chung cho cả Tiểu thừa và Đại thừa. Trong lần thứ hai ở Rajagriha hay Núi Linh Thứu, ngài trình bày những giáo lý Đại thừa về chân lý tuyệt đối – chân lý không có những tính chất và vượt khỏi phạm trù ý niệm. Những giáo lý này được chứa đựng trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật trong Một Trăm Ngàn Bài Kệ. Lần chuyển bánh xe Pháp thứ ba, ở những thời điểm và nơi chốn khác biệt, được dành cho những giáo lý tối hậu của Kim Cương thừa.
Pháp gồm có Pháp Trao Truyền và Pháp Thực Chứng. Pháp Trao Truyền là lời của Phật được kết tập thành Ba Tạng : Luật, Kinh và Luận. Pháp Thực Chứng là sự chứng ngộ thực sự những giáo lý này, được tu hành qua giới, định và huệ.
Viên Ngọc Quý thứ ba là Tăng, dịch ra tiếng Tây Tạng là Gendun có nghĩa đen là “cộng đồng đức hạnh”. Theo truyền thống những Bồ tát là Tăng già của Đại thừa, và những Thanh Văn và Bích Chi Phật là Tăng già của Tiểu thừa. Tuy nhiên, nói chung, tất cả những người nghe Pháp, suy nghĩ về nó, và thiền định về nó tạo nên Tăng già.
Tam Bảo là chỗ quy y tối thượng và tạo thành nền tảng của mọi thực hành Pháp. Kính lễ Tam Bảo là đồng thời kính lễ tất cả các bậc thầy, chư Phật và chư Bồ tát.