B - BẤT CỘNG GIỚI
ĐIỀU 19 [22]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà có đàn-việt. Sáng sớm, cô đắp y mang bát đến nhà người đàn-việt, nói:
«Tôi cần váng sữa[23].»
Người đàn-việt nói:
«Được!»
Và liền mua váng sữa về cho.
Lúc mua váng sữa đem về cô ni lại nói:
«Tôi không cần váng sữa mà cần dầu.»
Đàn-việt nói:
«Cũng được!»
Đàn-việt liền đến nhà bán váng sữa nói:
«Tôi không cần váng sữa mà cần dầu.»
Nhà buôn nói rằng:
«Tôi phải bày ra phép mua váng sữa để nhận váng sữa của ông. Rồi bày ra phép mua dầu để lấy dầu cho ông.»
Vì vậy, người đàn-việt cơ hiềm nói rằng:
«Tỳ-kheo-ni không biết nhàm chán, không biết đủ, không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Cần dầu lại đòi sữa, cần sữa lại đòi dầu. Như vậy có gì là chánh pháp? Nếu cần sữa cứ nói cần sữa, cần dầu cứ nói dầu. Nếu cần cái gì thì cứ nói cái đó chứ!»
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà rằng: «Sao cô cần váng sữa lại đòi dầu, cần dầu lại đòi váng sữa?»
Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch đức Phật. Đức Phật vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà:
«Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao cô cần sữa lại đòi dầu, cần dầu lại đòi sữa?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà này, là nơi trồng nhiều giống hữa lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, cần vật này lại đòi vật kia,[24] ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Cần vật này lại đòi vật kia: xin váng sữa rồi lại xin dầu; đòi dầu rồi lại đòi váng sữa. Hoặc cầu vật khác cũng như vậy. Tỳ-kheo-ni muốn vật này lại đòi vật kia, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Ni-tát-kỳ này nên xả cho ni Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Xả không thành xả, phạm đột-kiết-la.
Khi xả, phải đến trong Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ dưới chân Tăng rồi, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch:
«Đại tỷ Tăng, xin nghe cho! Tôi tỳ-kheo-ni tên là…, cần vật này lại xin vật kia, phạm xả [729a1] đọa, nay xả cho Tăng.»
Xả rồi nên sám hối. Người nhận sám phải tác bạch trước khi nhận. Văn bạch:
«Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni tên là…, đòi vật này rồi lại đòi vật khác, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo-ni này. Đây là lời tác bạch.»
Tác bạch rồi, khi nhận sự sám hối của đượng sự nên nói:
«Cô nên tự trách tâm mình.»
Đương sự trả lời:
«Xin vâng.»
Tỳ-kheo-ni Tăng nên hoàn lại vật xả của tỳ-kheo-ni này liền, bằng pháp bạch nhị yết-ma, theo diễn tiến như vầy: Trong Tăng nên sai một vị có khả năng yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:
«Đại tỉ Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni này tên là…, đòi vật này rồi lại đòi vật khác, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, đem vật xả của tỳ-kheo-ni này hoàn lại cho tỳ-kheo-ni có tên… Đây là lời tác bạch.
«Đại tỉ Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni này có tên là…, đòi vật này rồi lại đòi vật khác, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Tăng đem vật xả này trả lại cho tỳ-kheo-ni có tên… Các đại tỉ nào đồng ý Tăng trả lại vật xả cho tỳ-kheo-ni có tên… thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Tăng đã chấp thuận trả lại vật xả cho Tỳ-kheo-ni tên là… rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Vật xả rồi không trả lại, phạm đột-kiết-la. Nếu khi trả lại, có người bảo ‹đừng trả,› người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu không trả lại mà chuyển làm tịnh thí, hoặc sai cho người,[25] hoặc cố làm cho hư hoại, hoặc đem đốt, hoặc làm phi vật dụng, hoặc dùng thường xuyên,[26] tất cả phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu cần sữa nói sữa, cần dầu nói dầu; cần vật gì nói vật ấy; hoặc từ nơi bà con mà yêu cầu, từ nơi người xuất gia mà yêu cầu, hoặc mình vì người khác, người khác vì mình mà yêu cầu, hay không đòi mà được, thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐIỀU 20
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo-ni thuyết giới giữa đất trống, có một cư sĩ thấy hỏi:
«Thưa A-di, tại sao thuyết giới nơi đất trống? Không có nhà thuyết giới hay sao?»
Chư ni trả lời:
«Không.»
Cư sĩ thưa:
«Nếu có cung cấp phương tiện, có thể cất nhà thuyết giới được không?»
Chư ni nói:
«Được.»
Cư sĩ liền cung cấp vật dụng để xây nhà thuyết giới.
Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni bèn khởi ý nghĩ: «Chúng ta gặp ngày thuyết giới có thể tìm chỗ ngồi để thuyết giới, chứ y phục khó có thể có được đầy đủ năm y. Nay ta nên đem vật này đổi lấy y, cùng chia cho nhau thì hơn.» Họ liền đem đổi lấy y chia cho nhau.
Sau đó, các tỳ-kheo-ni vẫn thuyết giới nơi đất trống, cư sĩ thấy hỏi:
«Tại sao các cô vẫn thuyết giới nơi đất trống? Không có nhà thuyết giới sao?»
Chư ni nói:
«Không có.»
Cư sĩ hỏi:
«Trước đây, tôi đã cúng vật liệu để cất nhà thuyết giới rồi. Các cô đem làm gì?»
Các tỳ-kheo-ni nói:
«Chúng tôi nghĩ, đến ngày thuyết giới chúng tôi tìm chỗ ngồi thuyết cũng được. Còn y phục, khó có đủ năm y, nên chúng tôi đem vật liệu đổi lấy y. Chúng tôi đã đem vật liệu đi đổi lấy y, rồi chia cho nhau.»
Cư sĩ cơ hiềm nói:
«Tỳ-kheo-ni này không biết tàm quý, thọ nhận không nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Đem vật liệu tôi cúng để cất nhà thuyết giới đổi lấy y chia cho nhau. Làm như tôi không biết y phục khó có đủ năm y. Đức Phật dạy, phước điền thứ nhất là xây cất phòng xá cúng dường cho tứ phương Tăng kia mà!»
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni kia: «Sao cư sĩ cúng vật liệu để cất nhà thuyết giới, các cô lại đem đổi lấy y chia cho nhau?»
Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni kia:
«Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Các tỳ-kheo-ni, sao cư sĩ cúng vật liệu để xây cất nhà thuyết giới, các cô lại đem đổi lấy y chia cho nhau?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni kia rồi bảo các tỳ-kheo:
«Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, biết vật được đàn-việt cúng Tăng để làm việc này, đem làm việc kia,[27] ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Dùng vật thí cho Tăng mà làm việc khác: vật thí để làm nhà thuyết giới lại đem may y; vật thí may y lại đem làm nhà thuyết giới; vật cúng chỗ này đem dùng chỗ khác.
Vật của Tăng, vật vì Tăng, vật thuộc Tăng:
- Vật của tăng: vật đã hứa cho Tăng.
- Vật vì Tăng: vật vì Tăng làm mà chưa hứa cho Tăng.
- Vật thuộc Tăng: vật đã hứa cho Tăng, đã xả cho Tăng.
Tỳ-kheo-ni biết đàn-việt cúng cho Tăng để làm việc này, đem dùng vào việc khác, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, hoặc nhiều người, hoặc một người, không được xả biệt chúng. Nếu xả không thành xả, phạm đột-kiết-la.
Khi xả cho Tăng, đương sự phải đến giữa Tăng, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, kính lễ sát chân Thượng tọa, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa:
«Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! tôi, tỳ-kheo-ni tên là…, đem vật cúng cho Tăng để làm việc này, dùng vào việc khác, phạm xả đọa, nay xả cho tăng.»
Xả rồi phải sám hối. Người thọ sám phải tác bạch trước, sau đó mới thọ. Văn bạch như sau:
«Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni này tên là…, vật cúng cho Tăng để làm việc này lại đem dùng vào việc khác, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay tôi nhận sự sám hối của tỳ-kheo-ni có tên… Đây là lời tác bạch.»
Bạch như vậy rồi, sau đó mới nhận sự sám hối. Khi nhận sự sám hối nên nói với người kia:
«Cô hãy tự trách tâm mình.»
Người kia thưa:
«Xin vâng.»
Tăng nên trả lại y cho tỳ-kheo-ni này liền, bằng pháp bạch nhị yết-ma như vầy: Trong tăng nên sai một vị có thể tác pháp yết-ma, theo sự việc trên tác bạch:
«Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni này tên là…, đem vật cúng cho Tăng để làm việc này lại dùng vào việc khác, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trả lại y cho tỳ-kheo-ni có tên… này. Đây là lời tác bạch.
«Đại tỉ Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni có tên… này đem vật cúng cho Tăng để làm việc này lại dùng vào việc khác, phạm xả đọa, nay xả cho Tăng. Các đại tỉ nào chấp thuận Tăng trả y lại cho tỳ-kheo-ni có tên… này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.
«Tăng đã chấp thuận trả y lại cho tỳ-kheo-ni có tên… này rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Y đã được xả giữa Tăng rồi, Tăng không trả y lại phạm đột-kiết-la. Khi trả y lại có người bảo ‹đừng trả!› người ấy phạm đột-kiết-la. Nếu nhận để làm năm y, hoặc chuyển làm tịnh thí, hoặc dùng vào việc khác, hoặc sai cho người, hoặc cố ý làm cho hư hoại, hoặc đem đốt, hoặc làm phi y, hoặc mặc thường xuyên, tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc hỏi chủ rồi dùng; tùy theo sự phân phối mà dùng; hoặc khi cúng, người chủ nói: ‹Tùy ý cứ xử dụng;› thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi [730a1] chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐIỀU 21[28]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni An Ẩn[29] muốn đến nước Xá-vệ. Vị tỳ-kheo-ni cựu trú nghe tin tỳ-kheo-ni An Ẩn sẽ đến, bèn đi từ nhà này đến nhà khác khất cầu và nhận được một số tài vật ẩm thực, rất nhiều.
Đến kỳ hạn, tỳ-kheo-ni An Ẩn không đến. Các cựu trú tỳ-kheo-ni cùng nhau bàn tính: «Tỳ-kheo-ni An Ẩn hẹn cùng chúng ta đến nước Xá-vệ. Nhưng cô ấy lại không đến. Y phục của tỳ-kheo-ni rất khó kiếm. Nhưng cần phải đủ năm y. Chúng ta có thể lấy các tài vật này đổi lấy y, cùng chia cho nhau.» Rồi họ đổi lấy năm y và chia nhau.
Sau đó, tỳ-kheo-ni An Ẩn đến nước Xá-vệ. Sáng ngày hôm sau, đến giờ, mặc y mang bát vào thành khất thực, các cư sĩ thấy, hỏi:
«Này A-di, cô cần gì?»
Cô đáp:
«Tôi khất thực.»
Lại hỏi:
«Chúng Tăng không có thức ăn sao?»
An Ẩn trả lời:
«Không có.»
Sau đó mấy ngày, cư sĩ đến chỗ các cựu trú tỳ-kheo-ni hỏi:
«Trước đây chúng tôi đều có xuất tài vật cung cấp để làm thức ăn cho tỳ-kheo-ni An Ẩn. Các cô có làm thức ăn không?»
Trả lời:
«Không.»
Lại hỏi:
«Vì sao không làm?»
Các cô đáp:
«Trước đây tỳ-kheo-ni An Ẩn hẹn với chúng tôi sẽ đến nước Xá-vệ. Nhưng rồi cô An Ẩn không đến. Do đó chúng tôi nghĩ rằng: ‹Tỳ-kheo-ni An Ẩn hẹn cùng chúng ta đến nước Xá-vệ. Nhưng cô ấy lại không đến. Y phục của tỳ-kheo-ni rất khó kiếm. Nhưng cần phải đủ năm y. Chúng ta có thể lấy các tài vật này đổi lấy y, cùng chia cho nhau.› Rồi chúng tôi đổi y, chia nhau.»
Các cư sĩ đều cơ hiềm, nói:
«Các tỳ-kheo-ni này không biết hổ thẹn, thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng mà trước đây chúng tôi vì tỳ-kheo-ni An Ẩn cúng tài vật để làm thức ăn, sau đó họ đem đổi lấy y chia cho nhau. Như vậy có gì là chánh pháp? Chúng tôi đâu không biết rằng y phục của tỳ-kheo-ni khó kiếm cho đủ năm y. Nhưng chúng tôi sở dĩ cung cấp, chính là để làm thức ăn tỳ-kheo-ni An Ẩn từ xa đến.»
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách các tỳ-kheo-ni kia:
«Tại sao cư sĩ cung cấp tài vật để sắm thức ăn cho tỳ-kheo-ni An Ẩn mà các cô lại đem đổi lấy y chia cho nhau?»
Tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni kia:
«Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm.
Các tỳ-kheo-ni, sao cư sĩ cung cấp tài vật để làm thức ăn cho tỳ-kheo-ni An Ẩn mà các cô lại đem đổi lấy y chia cho nhau?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Các tỳ-kheo-ni kia là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, vật được bố thí cho việc khác do tự mình xin, xoay dùng việc khác cho Tăng,[30] ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Vật được bố thí cho việc khác: vì thức ăn nên xin mà đem may y; vì y nên xin mà đem dùng làm thức ăn; hoặc vì các việc khác nên xin mà đem làm các việc khác nữa.
Tự mình xin: chính mình đi khất cầu.
Tăng vật:[31] như trước đã giải.
Tỳ-kheo-ni tự mình nhân danh chúng Tăng đi khất cầu rồi đem dùng vào việc khác, phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, như giới trước, rồi sám hối cũng như giới trước.
Tăng nên trả y xả này lại cho tỳ-kheo-ni kia bằng pháp bạch nhị yết-ma, cũng như giới trước. Nếu không trả lại, đem làm năm y, cho đến làm phi y hay mặc thường xuyên, tất cả đều phạm đột-kiết-la, như trước.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nói với cư sĩ rồi mới dùng, hoặc khi cư sĩ cung cấp vật có nói: «Tuỳ ý xử dụng», như vậy không phạm.
Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, lọan tâm, thống não, bức bách.
ĐIỀU 22
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Bà-già-bà[32] ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni An Ẩn có một cư sĩ kia là đàn-việt. Đến giờ, cô khoác y, bưng bát, đến nhà đàn-việt, trải chỗ ngồi rồi ngồi lên.
Bấy giờ, cư sĩ thưa thăm hỏi:
«Cô có được an lạc không?»
Tỳ-kheo-ni An Ẩn nói:
«Không được an lạc.»
Cư sĩ hỏi:
«Vì sao không được an lạc?»
An Ẩn nói:
«Chỗ ồn ào nên không được an lạc.»
Cư sĩ hỏi:
«Cô không có phòng riêng hay sao?»
An ẩn nói:
«Không có.»
Cư sĩ nói:
«Tôi cúng phương tiện, cô có thể cất được không?»
An Ẩn nói:
«Được.»
Cư sĩ liền cung cấp phương tiện cho. Tỳ-kheo-ni kia liền nghĩ: «Ta mà xây cất phòng xá lại thêm lắm chuyện. Trong khi y phục của tỳ-kheo-ni, khó kiếm đủ năm y. Nay ta nên đem phương tiện xây cất phòng xá này đổi lấy y.» Rồi cô đi đổi lấy y.
Sau đó một thời gian, tỳ-kheo-ni An Ẩn khoác y, bưng bát, đến nhà cư sĩ, ngồi nơi chỗ ngồi.
Cư sĩ chào hỏi:
«Thưa A-di, nếp sống được an lạc chăng?»
Đáp:
«Nếp sống không được an lạc.»
Cư sĩ hỏi:
«Tại sao không an lạc?»
Cô ni nói:
«Vì chỗ ở ồn ào nên không được an lạc.»
Cư sĩ lại hỏi:
«Sư cô không có phòng riêng hay sao?»
Cô ni nói:
«Không có.»
Cư sĩ vặn hỏi:
«Trước kia tôi đã đưa cô tiền để cô làm nhà, mà cô không làm hả?»
Cô ni nói:
«Tôi không làm.»
Lại hỏi:
«Vì sao không làm?»
Trả lời:
«Tôi tự nghĩ, ta mà đem đồ này đi xây cất phòng xá lại thêm lắm chuyện. Trong khi y phục của tỳ-kheo-ni khó kiếm đủ năm y. Nay ta nên đem phương tiện xây cất phòng xá này đổi lấy y.»
Cư sĩ cơ hiềm nói:
«Tỳ-kheo-ni này thọ nhận không biết nhàm chán, không biết đủ. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Tôi cho tiền làm nhà, lại đem đi đổi lấy y. Tôi há không biết y phục tỳ-kheo-ni khó khăn lắm mới có đủ năm y. Nhưng chúng tôi nghe đức Thế tôn dạy, phước điền đứng vào hàng thứ nhất là xây cất phòng xá cúng dường cho tứ phương Tăng.»
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách An Ẩn rằng: «Đàn-việt cho vật dụng để xây cất phòng xá, sao cô lại đem đổi lấy y?»
Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni An Ẩn:
«Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Đàn-việt cho vật dụng để xây cất phòng xá, sao cô lại đem đổi lấy y?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Tỳ-kheo-ni An Ẩn là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, vật dụng đàn-việt cúng cho để làm việc này, xoay làm việc khác,[33] ni tát kỳ ba dật đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Vật thí cho việc khác: cúng để xây phòng xá lại đem may y; cúng để may y lại đem xây phòng xá; cúng làm các việc này lại đem làm các việc kia; phạm ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Ni-tát-kỳ này phải xả cho Tăng như trước. [731a1] Cách xả, sám hối cũng như trước.
Tăng phải trả lại y xả này bằng pháp bạch nhị yết-ma, cũng như trước. Nếu không trả lại thọ làm năm y, cho đến làm phi y, hoặc mặc thường xuyên, tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hỏi đàn-việt, tùy theo ý của đàn-việt xử dụng, hoặc khi cúng đàn-việt nói: «Cứ xử dụng theo ý muốn»; hoặc người bà con nói: «Cứ dùng như ý muốn, tôi sẽ nói với thí chủ cho», thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐIỀU 23
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Bà-già-bà[34] ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo-ni cần làm phòng xá nên đi khắp trong nhơn gian cầu xin thứ này vật kia. Kết quả thu được số tài vật rất nhiều.
Sau đó các tỳ-kheo-ni lại tự nghĩ: «Nếu ta dùng vật liệu này xây cất phòng xá thì thêm nhiều chuyện. Trong khi đó y phục của tỳ-kheo-ni rất khó có đủ năm y. Nay ta có thể dùng tài vật này để đổi lấy y chia cho nhau.» Nghĩ như vậy xong, họ liền đổi lấy y cùng chia.
Sau đó một thời gian các cư sĩ hỏi:
«Trước đây chúng tôi cúng tài vật để xây phòng xá. Cuối cùng có xây cất hay không?»
Các cô ni nói:
«Không xây cất.»
Các cư sĩ hỏi:
«Tại sao không xây cất?»
Các cô trả lời:
«Chúng tôi tự nghĩ, cất phòng xá thì thêm chuyện. Trong khi đó y phục của tỳ-kheo-ni khó đủ được năm y. Nên chúng tôi đem tài vật đó đổi lấy y và chia cho nhau. Nghĩ xong, chúng tôi liền đổi lấy y chia cho nhau.»
Khi ấy các cư sĩ nghe, đều cơ hiềm nói:
«Các tỳ-kheo-ni này thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy thì có gì là chánh pháp? Đem tiền chúng tôi cúng để cất phòng xá, đổi lấy y chia cho nhau. Đâu phải chúng tôi không biết y phục của tỳ-kheo-ni khó đủ năm y! Nhưng chúng tôi nghe đức Thế tôn dạy, phước điền đệ nhất hơn hết là xây cất phòng xá cúng dường cho tứ phương Tăng.»
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, quở trách tỳ-kheo-ni kia: «Sao các cô đem tiền cho để làm nhà đi dổi lấy y chia nhau?»
Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách các tỳ-kheo-ni:
«Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các cô đem tiền cho để làm nhà đi đổi lấy y chia nhau?»
Dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo-ni rồi, Phật bảo các tỳ-kheo:
«Các tỳ-kheo-ni kia là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, vật đàn việt cúng để làm việc này do tự mình đã tìm cầu cho Tăng, xoay dùng qua việc khác,[35] ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Vật cúng để làm việc này: cúng làm phòng Tăng đem may y, cúng may y đem làm phòng Tăng, cúng làm các việc này đem làm các việc kia.
Tự mình tìm cầu: tự mình đích thân đến các nơi xin.
Vật vì Tăng: tức là vật của Tăng, như trên đã nói.
Tỳ-kheo-ni đem vật của thí chủ cúng cho Tăng, làm việc khác, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng. Phương thức xả, xả rồi phải sám hối, như trên đã nói.
Tăng nên trả y xả kia lại bằng bạch nhị yết-ma cũng như trước đã nói. Nếu không trả lại, thọ làm năm y, cho đến làm phi y, hay mặc thường xuyên, tất cả đều phạm đột-kiết-la, như trên.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu hỏi người chủ, xử dụng theo ý nguyện của họ, hoặc khi cúng họ nói: «Cứ xử dụng theo ý muốn», hoặc người bà con nói: «Cứ xử dụng theo ý chư Tăng, tôi sẽ nói lại với chủ cho», như vậy thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐIỀU 24[36]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni thọ trì bát có màu sắc tốt; còn cái cũ thì cất đi. Họ chứa nhiều bát mà không rửa, không vá. Số bát chứa để như vậy rất nhiều. Các cư sĩ đến thăm chùa, thấy vậy, cơ hiềm nói: «Tỳ-kheo-ni này thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy làm gì có chánh pháp? Chứa nhiều bát, cái nào màu sắc tốt thì dùng, cái nào cũ thì bỏ bừa bãi nơi đất; giống như cửa hàng bán đồ gốm.»
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô cất chứa nhiều bát, cái tốt dùng, cái cũ không rửa, không tu bổ, bỏ bừa bãi dưới đất?»
Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni:
«Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni, sao các cô thọ trì bát có màu mới tốt, còn những cái cũ không rửa, không vá, bỏ bừa bãi dưới đất?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi bảo các tỳ-kheo:
«Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, chứa bát dư,[37] ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Tỳ-kheo-ni kia ngày nào nhận được bát, ngay trong ngày hôm ấy nên thọ trì một bát, còn bao nhiêu cái khác nên tịnh thí, hoặc sai cho người khác. Nếu tỳ-kheo-ni chứa bát dư, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng. Pháp xả, pháp sám hối, sau khi xả như trên.
Tăng nên trả lại chiếc bát xả này bằng bạch nhị yết-ma, như trên. Nếu không trả lại (…) cho đến câu: dùng như phi bát, tất cả đều phạm đột-kiết-la, như trên.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: trong ngày nhận được bát liền thọ trì một bát, còn những cái kia tịnh thí; hoặc sai cho người;[38] hoặc tưởng bị cướp, tưởng bị mất, tưởng bị vỡ, tưởng bị nước cuốn mà không tịnh thí, không sai cho người thì không phạm.
Nếu bát bị cướp, bát bị mất, bát bị vỡ, bát bị cuốn trôi, hoặc tự lấy dùng, hoặc người khác cho dùng thì không phạm. Hoặc người gởi bát qua đời, hoặc đi xa, hoặc thôi tu, hoặc bị cướp bắt dẫn đi, hoặc gặp ác thú, hoặc bị nước cuốn trôi không tác tịnh thí, không sai cho người thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐIỀU 25[39]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni cất chứa nhiều đồ dùng với màu sắc tốt đẹp; những cái xấu vất bỏ bừa bãi dưới đất không sửa chữa, không rửa, không sắp xếp.
Lúc ấy có số đông cư sĩ đến chùa thăm, nhìn thấy, cơ hiềm nói rằng: «Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này, thọ nhận không biết nhàm chán, không biết hổ thẹn. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Chứa nhiều đồ dùng, bỏ bừa bãi dưới đất như cửa hàng bán đồ gốm.»
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục [732a1] tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, có tàm quý, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Sao các cô chứa nhiều đồ dùng, bỏ bừa bãi dưới đất?»
Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni:
«Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni, sao các cô chứa nhiều đồ dùng, bỏ bừa bải dưới đất?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi, bảo các Tỳ-kheo:
«Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, chứa nhiều đồ dùng[40] có màu sắc đẹp, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
B. GIƠI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Tỳ-kheo-ni ngày nào nhận được đồ dùng, trong ngày nhận được nên thọ trì ngay, được tính vào mười sáu thứ cần dùng. Ngoài ra nên tịnh thí hoặc sai cho người. Mười sáu thứ là: chõ lớn, nắp chõ, bát lớn, thìa lớn, hủ nhỏ, nắp hủ, bát nhỏ, thìa, bình nước uống, nắp bình, bát lớn chứa nước uống, thìa nhỏ, bình đựng nước rửa, nắp bình, bát uống nước, ly uống nước. Tỳ-kheo-ni nào, chứa nhiều đồ dùng, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Ni-tát-kỳ này phải xả giữa Tăng, như trước. Xả rồi phải sám hối. Pháp sám hối cũng như trước.
Tăng phải trả lại vật xả này bằng pháp bạch nhị yết-ma, như trên. Nếu Tăng không trả lại, cho đến, thường xuyên dùng, tất cả đều phạm đột-kiết-la, như trên.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: ngày nào nhận được đồ dùng thọ trì được tính vào mười sáu thứ cần dùng như trên, ngoài ra tịnh thí hay sai cho người; hoặc tưởng bị cướp, tưởng bị mất, tưởng bị phá vỡ, tưởng bị cuốn trôi mà không tác tịnh, không sai cho người; thảy đều không phạm. Nếu đồ bị cướp, bị mất, bị vỡ, bị nước cuốn trôi, hoặc cần lấy để dùng, hoặc ngườì khác cho xử dụng, hoặc tỳ-kheo-ni gởi đồ bị quá vãng, hoặc thôi tu, hoặc đi xa, hoặc giặc bắt dẫn đi, hoặc bị nạn ác thú, nước trôi nên không tác tịnh, không sai cho người; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐIỀU 26[41]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni đến ngày nguyệt kỳ, y và ngọa cụ bị làm bẩn.[42]
Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn cho phép mặc y ngăn nguyệt kỳ.[43] Nếu bị tuột, cho phép làm dây đai.
Nguyệt thủy vẫn từ hai bên tiết ra, làm bẩn y, Phật lại cho phép may bệnh y mặc chồng lên, bên ngoài mặc niết-bàn-tăng.
Khi đến nhà bạch y, họ mời ngồi, nên nói: «Tôi có bệnh.» Nếu họ nói: ‹Cứ ngồi, không sao.» Tỳ-kheo-ni nên vén niết-bàn-tăng, rồi lấy y bệnh che thân mà ngồi.
Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni Chiên-đàn-thâu-na thường tự nói mình không có dục tưởng, và bảo tất cả các tỳ-kheo-ni khác rằng: «Khi nào có nguyệt kỳ thì đến tôi lấy y này mà dùng.» Các cô đáp: «Được.» Các tỳ-kheo-ni thường trông vào y đó nên không may y khác. Sau đó tỳ-kheo-ni Chiên-đàn-thâu-na lại có nguyệt kỳ. Đồng thời tỳ-kheo-ni khác cũng có nguyệt kỳ. Các tỳ-kheo-ni khác sai người đến tỳ-kheo-ni Chiên-đàn-thâu-na nói:
«Trước đây cô hứa cho tôi bệnh y, nay xin được nhận.»
Tỳ-kheo-ni Chiên-đàn-thâu-na nói:
«Nay tôi cũng có nguyệt kỳ, không thể cho được.»
Tỳ-kheo-ni hiềm trách:
«Trước đây cô bảo tôi, khi có nguyệt kỳ đến cô lấy bệnh y. Tôi tin tưởng mượn được nên không sắm bệnh y. Nay tôi nhờ người đến hỏi, tại sao không đưa?»
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni Chiên-đàn-thâu-na:
«Cô đã hứa cho tỳ-kheo-ni kia mượn bệnh y, nên không sắm. Nay sai người đến lấy, sao cô lại không đưa?»
Các tỳ-kheo-ni đến bạch chư Tăng tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Chiên-đàn-thâu-na:
«Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo-ni Chiên-đàn-thâu-na, Cô đã hứa cho tỳ-kheo-ni kia mượn bệnh y, nên không sắm. Nay sai người đến lấy, sao cô lại không đưa?»
Dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni Chiên-đàn-thâu-na rồi, Phật bảo các tỳ-kheo:
«Tỳ-kheo-ni Chiên-đàn-thâu-na này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, hứa cho tỳ-kheo-ni khác y bệnh,[44] sau không cho,[45] ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: Nghĩa như trên.
Y bệnh: khi nguyệt thủy xuất, mặc để ngăn thân trong, bên ngoài mặc niết-bàn-tăng.
Y: Có mười loại như trên đã giải.
Tỳ-kheo-ni hứa cho y bệnh mà không trao, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Ngoài y bệnh, hứa cho các y khác mà không cho, mắc đột-kiết-la. Ngoài y, hứa cho các vật dụng khác mà không cho đều mắc đột-kiết-la.
Nếu tỳ-kheo-ni hứa cho y bệnh cho tỳ-kheo-ni rồi sau không cho, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Ni-tát-kỳ này phải xả cho Tăng, như trên. Xả rồi phải sám hối cũng như trên. Tăng nên trả vật xả này lại liền cũng như trước. Nếu không trả lại, thọ làm năm y, cho đến câu thường xuyên dùng, tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo(?)[46] đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Hứa cho y bệnh rồi cho. Nếu không có y bệnh; hoặc y bệnh đang được may, giặt, nhuộm, đập, cất nơi bảo đảm không tìm được; không phạm.
Hoặc tỳ-kheo-ni kia phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc bị cử tội, hoặc bị diệt tẫn, hoặc đáng diệt tẫn, hoặc do nhơn duyên này đưa đến mạng nạn, phạm hạnh nạn, nên hứa cho y bệnh mà không cho thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐIỀU 27[47]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni dùng y phi thời thọ làm thời y.[48]
Các tỳ-kheo-ni thấy, nói:
«Đức Thế tôn cho phép tỳ-kheo-ni được chứa năm y, y này là y của ai?»
Nhóm sáu tỳ-kheo-ni nói:
«Thời y của chúng tôi đó.»
Chư ni hỏi:
«Này các cô, hiện tại là thời, hay là phi thời đối với y?»
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni:
«Sao các cô dùng phi thời y thọ làm thời y?»
Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni:
«Các cô làm điều phi pháp, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni, sao các cô dùng phi thời y thọ làm thời y?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi bảo các tỳ-kheo:
«Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người [733a1] đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, dùng y phi thời, sử dụng làm y đúng thời,[49] ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Thời y: y đúng thời, an cư xong không thọ y ca-thi-na, trong vòng một tháng, có thọ y ca-thi-na trong vòng năm tháng.
Y phi thời: ngoài thời gian nói trên, được y mà cất chứa.
Y: có mười loại như trên.
Nếu tỳ-kheo-ni dùng y phi thời này sử dụng làm y đúng thời, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, như trên. Xả rồi phải sám hối, như trên.
Tăng nên trả lại y vật đã xả bằng pháp bạch nhị yết-ma, cũng như trên. Nếu không trả lại, thọ làm năm y... cho đến câu: thường xuyên dùng, tất cả đều phạm đột-kiết-la, như trên.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Y phi thời sử dụng làm y phi thời; y đúng thời sử dụng làm y đúng thời thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐIỀU 28[50]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Bà-già-bà ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà cùng với tỳ-kheo-ni khác đổi y. Sau vì giận hờn đoạt lấy lại, nói: «Trả y lại cho tôi. Tôi không đổi cho cô. Y của cô thuộc về cô. Y của tôi thuộc về tôi. Cô tự lấy y của cô. Tôi tự lấy y của tôi.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Sao cô cùng với tỳ-kheo-ni đổi y, sau vì giận hờn đoạt lấy lại và nói, ‹Trả y lại cho tôi. Tôi không đổi cho cô. Y của cô thuộc về cô. Y của tôi thuộc về tôi. Cô tự lấy y của cô. Tôi tự lấy y của tôi.›?»
Khi ấy các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà:
«Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà, sao cô cùng với tỳ-kheo-ni khác đổi y, sau vì giận hờn đoạt lấy lại?»
Dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà rồi, Phật bảo các tỳ-kheo:
«Tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, cùng với tỳ-kheo-ni khác trao đổi y, sau giận hờn đoạt lấy lại, hoặc báo người đoạt lấy, nói: ‹Cô trả y tôi lại. Tôi không đổi cho cô. Y cô thuộc về cô. Y tôi trả lại tôi›; ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: Nghĩa như trên.
Y: có mười loại, như trên.
Trao đổi: Dùng y đổi y; dùng y đổi phi y; dùng phi y đổi y; hoặc dùng phi y đổi phi y. Hoặc dùng kim, dao, chỉ, tạp vật đổi lẫn nhau; cho đến dùng một viên thuốc để đổi.
Tỳ-kheo-ni cùng với tỳ-kheo-ni khác trao đổi y, sau vì giận hờn đoạt lại, hoặc bảo người đoạt, lấy đem cất, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Đoạt mà không lấy đem cất, đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni kia được y đem treo trên cây, trên tường, trên rào, trên trụ cột, trên ngà voi, trên giá móc y, trên giường dây, giường cây, trên nệm lớn, nệm nhỏ, hoặc trải trên đất, nếu lấy khỏi chỗ, ni-tát-kỳ ba-dật-đề. Lấy không khỏi chỗ, đột-kiết-la.
Ni-tát-kỳ này phải xả cho Tăng, như trước. Xả rồi phải sám hối như trước.
Tăng phải trả lại y kia bằng bạch nhị yết-ma cũng như trước. Nếu không trả lại, thọ làm năm y, cho đến dùng mặc mãi, tất cả đều phạm đột-kiết-la, cũng như trên.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Dùng lời hòa nhã, khuyến dụ nói: «Này cô, tôi hối hận. Cô trả lại y của tôi.» Cô kia biết có sự hối hận, trả lại y. Hoặc có tỳ-kheo-ni khác nói: «Tỳ-kheo-ni này muốn đổi lại. Cô nên trả y lại cho cô ấy.» Hoặc cô kia mượn mặc một cách không đạo lý, cho nên phải đòi lại. Hoặc dự biết sẽ bị mất, hoặc sợ hư hoại, hoặc người kia phá giới, phá kiến, phá oai nghi, hoặc bị cử tội, hoặc diệt tẫn, hoặc đáng bị diệt tẫn, hoặc sự việc này sẽ đưa đến mạng nạn, phạm hạnh nạn, đoạt lại mà không đem cất. Thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐIỀU 29[51]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Bà-già-bà ở trên giảng đường Cao các[52], bên sông Di hầu tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, Lê-xa Tỳ-xá-ly có nhân duyên cần nhận tài vật từ một cư sĩ nọ. Khi ấy có tỳ-kheo-ni tên là Ca-la thường lui tới nhà cư sĩ này, xem như là một đàn-việt.
Lê-xa nói với Ca-la rằng:
«A-di, tôi muốn đến sư cô nhờ chút việc về tài vật.»
Ca-la nói:
«Có thể được.»
Rồi cô giúp làm xong việc ấy. Lê-xa được tài vật vui vẻ, hỏi rằng:
«Sư cô cần vật gì, bảo cho tôi biết.»
Ca-la nói:
«Thôi, như thế đã là cúng dường cho tôi rồi.»
Lê-xa lại hỏi:
«Sư cô cần gì, xin cứ nói.»
Ca-la nói:
«Thôi, nói làm gì. Giả sử tôi có cần gì đi nữa, thì ông cũng không thể cho.»
Cư sĩ lại nói:
«Sư cô cứ nói cần cái gì, tôi sẽ cúng cho.»
Tỳ-kheo-ni Ca-la liền chỉ một chiếc y trị giá một ngàn trương điệp và nói:
«Tôi cần tấm y như vậy.»
Bấy giờ, các cư sĩ cùng nhau cơ hiềm: «Tỳ-kheo-ni này thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Sao lại yêu sách y trị giá một ngàn trương điệp? Giả sử đàn-việt có cho, thì mình cũng phải biết vừa đủ.»
Cư sĩ liền đem y trao cho Ca-la, lại nói:
«Vừa rồi nếu tôi tự thu xếp công việc thì đâu có phải mất chiếc y này!»
Bấy giờ, lại có tỳ-kheo-ni Bạt-đà Ca-tỳ-la cũng đến nhà bà con, an tọa nơi chỗ ngồi. Các cư sĩ hỏi:
«A-di cần thứ gì?»
Cô ni nói:
«Thôi, như thế cũng là cúng dường cho tôi rồi.»
Người cư sĩ lại nói:
«Cần thứ gì xin cứ nói.»
Cô ni nói:
«Thôi, nói làm gì. Giả sử tôi có cần gì đi nữa, thì ông cũng không thể cho.»
Cư sĩ nói:
«Tôi sẽ cho chứ không phải không cho. Nhưng cứ nói muốn cần cái gì.»
Khi ấy, cô ni chỉ tấm y (vải) trị giá một ngàn trương điệp và nói: «Tôi cần tấm y đây.»
Bấy giờ, các cư sĩ cùng nhau cơ hiềm: «Tỳ-kheo-ni này thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Sao lại yêu sách y trị giá một ngàn trương điệp? Giả sử đàn-việt có cho, thì mình củng phai biết vừa đủ.»
Cư sĩ đưa tấm y (vải) rồi, nói:
«Tỳ-kheo-ni dùng chiếc y quý giá này để làm gì?»
Bấy giờ các tỳ-kheo-ni nghe những việc này, trong đó có vị thiểu dục tri túc sống hạnh đầu-đà, ưa học giới biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni Bạt-đà-ca-tỳ-la rằng: «Sao tỳ-kheo-ni lại đến nơi cư sĩ đòi hỏi chiếc y trị giá một ngàn trương điệp?›
Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Ca-la và Bạt-đà Ca-tỳ-la:
«Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao lại đến cư sĩ đòi hỏi chiếc y trị giá một ngàn trương điệp?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo:
«Hai Tỳ-kheo-ni Ca-la và Bạt-đà Ca-tỳ-la này [734a1] là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.» Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, xin y nặng,[53] tối đa bằng giá bốn lớp trương điệp;[54] nếu quá, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Y nặng (y dày): y chống lạnh.
Y: có mười loại như trên.
Khi tỳ-kheo-ni mong cầu y dày, nhiều nhất là 16 điều. Nếu tỳ-kheo-ni mong cầu y dày, trị giá quá 4 trương điệp, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Ni-tát-kỳ này nên xả cho Tăng, như trên. Xả y rồi phải sám hối, cũng như trên.
Tăng phải trả y lại cho tỳ-kheo-ni kia bằng pháp bạch nhị yết-ma, như trên. Nếu Tăng không trả lại, hoặc thọ làm năm y, cho đến thường xuyên dùng, tất cả đều phạm đột-kiết-la, như trên.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Đòi hỏi y bằng bốn trương điệp, hoặc ít hơn; hoặc xin nơi người xuất gia; hoặc người kia vì mình xin, mình vì người kia xin; hoặc không xin mà được; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
ĐIỀU 30[55]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Bà-già-bà ở tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, Lê-xa Tỳ-xá-ly có nhơn duyên cần lấy tài vật từ một cư sĩ nọ. Có một tỳ-kheo-ni tên là Ca-la thường tới lui nhà này, xem như một đàn-việt. Lê-xa nói với tỳ-kheo-ni Ca-la:
«A-di, cô có thể vì tôi thu xếp chuyện tài vật này được không?»
Cô ni trả lời:
«Được.»
Sau khi thu xếp tài vật xong, nhận được tài vật rồi, Lê-xa vui vẻ nói:
«A-di, cô cần thứ gì?»
Cô ni nói:
«Thôi, như thế là cúng dường tôi rồi!»
Lê-xa lại nói:
«Cần gì, sư cô cứ nói.»
Cô ni nói:
«Thôi, giả sử tôi có cần đi nữa, ông cũng không thể cho.»
Lê-xa lại nói:
«Tôi sẽ cho chứ không phải không cho. Cô cứ nói.»
Cô ni liền chỉ nơi chiếc y nhẹ (mỏng) trị giá năm trăm trương điệp nói:
«Tôi cần tấm y (vải) như vậy.»
Cư sĩ đều cơ hiềm, nói:
«Tỳ-kheo-ni này thọ nhận không biết nhàm chán,. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Sao lại đòi y mỏng với giá năm trăm trương điệp? Dù đàn-việt có cúng cũng phải biết đủ chứ!»
Lê-xa đem chiếc y trao cho cô ni và nói như vầy:
«Vừa rồi, nếu tôi tự thu xếp công việc thì đâu có mất chiếc y này!»
Bấy giờ, lại có tỳ-kheo-ni Bạt-đà Ca-tỳ-la cũng đến nhà bà con, an tọa nơi chỗ ngồi. Các cư sĩ hỏi:
«A-di cần thứ gì?»
Cô ni nói:
«Thôi, như thế cũng là cúng dường cho tôi rồi.»
Người cư sĩ lại nói:
«Cần thứ gì xin cứ nói.»
Cô ni nói:
«Thôi, nói làm gì. Giả sử tôi có cần gì đi nữa, thì ông cũng không thể cho.»
Cư sĩ nói:
«Tôi sẽ cho chứ không phải không cho. Nhưng cứ nói muốn cần cái gì.»
Cô ni liền chỉ nơi chiếc y mỏng, trị giá năm trăm trương điệp và nói:
«Tôi cần chiếc y này.»
Cư sĩ kia cơ hiềm nói:
«Tỳ-kheo-ni này thọ nhận không biết nhàm chán. Bên ngoài tự xưng là tôi biết chánh pháp. Như vậy có gì là chánh pháp? Sao lại đòi y mỏng với giá năm trăm trương điệp? Dù đàn-việt có cúng cũng phải biết đủ chứ!»
Cư sĩ đem chiếc y trao và nói rằng:
«Tỳ-kheo-ni này dùng chiếc y quý giá này để làm gì?»
Bấy giờ, có các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách hai tỳ-kheo-ni Ca-la và Bạt-đà Ca-tỳ-la rằng: ‹Sao các cô lại đến cư sĩ đòi chiếc y mỏng trị giá năm trăm trương điệp?›
Bấy giờ các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Ca-la và Bạt-đà Ca-tỳ-la rằng:
«Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao hai cô lại đến cư sĩ đòi chiếc y mỏng trị giá năm trăm trương điệp?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi bảo các tỳ-kheo:
«Hai tỳ-kheo-ni Ca-la và Bạt-đà Ca-tỳ-la này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, muốn xin y nhẹ (mỏng),[56] giá tối đa là hai trương điệp rưỡi;[57] nếu quá, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Y nhẹ (mỏng): y chống nóng.
Y: có mười loại như trên.
Nếu tỳ-kheo-ni xin y mỏng, nhiều nhất là mười điều. Nếu tỳ-kheo-ni xin y mỏng quá 2,5 trương điệp, ni-tát-kỳ ba-dật-đề.
Ni-tát-kỳ này phải xả cho Tăng, như trên. Xả rồi phải sám hối cũng như trên.
Tăng phải trả y xả này lại cho vị kia bằng pháp bạch nhị yết-ma, như trước. Nếu Tăng không trả lại, thọ làm năm y, ... cho đến làm phi y, hay dùng mặc mãi, tất cả đều phạm đột-kiết-la, như trên.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni đột-kiết-la, như vậy gọi là phạm.
Sự không phạm: Xin y mỏng với mức 2,5 trương điệp, hoặc dưới 2,5 trương điệp; hoặc đến người xuất gia xin; hoặc mình vì người xin, người vì mình xin, hay không xin mà được; thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.