Giới thiệu
Bộ Luật Tứ Phần khởi nguyên do bộ phái Đàm-vô-đức (Dharmagupta, Pháp Tạng bộ) truyền trì. Theo Hòa thượng Thích Trí Siêu ("Cương yếu giới luật", 1996), bộ luật này được các ngài Phật-đà-da-xá và Trúc-phật-niệm cùng dịch sang Hán văn, thành một bộ 60 cuốn, chia ra làm 4 phần:
1. Phần Một, gồm 21 cuốn: Nội dung chuyên nói 250 giới của Tỳ-kheo.
2. Phần Hai, gồm 16 cuốn: 9 cuốn đầu nói 348 giới điều của Tỳ-kheo-ni; 7 cuốn sau quy định việc thọ giới, thuyết giới, An cư, Tự tứ...
3. Phần Ba, có 12 cuốn: gồm các chương quy định việc Tự tứ tiếp theo, Bì cách, y, dược, y Kathina, việc xảy ra ở Câu-diệm-di, ở Chiêm-ba, kiết-ma Ha-trách, về người, về tội phú tàng, giá, phá Tăng, diệt tránh, về pháp Tì-ni và về Pháp.
4. Phần Bốn, gồm 11 cuốn: là các chương nói về phòng xá, tạp, ngũ bách kiết tập, thất bách kiết tập, điều bộ Tì-ni, Tì-ni Tăng nhất.
Phần Chánh Văn ở đây chỉ bao gồm 250 giới điều của hàng Tỳ-kheo, sắp xếp trong 8 nhóm:
1) Pháp Ba-la-di (Bất cộng trụ, 4 điều)
2) Tăng-già-bà-thi-sa (Tăng tàn, 13 điều)
3) Pháp bất định (2 điều)
4) Ni-tát-kỳ Ba-dật-đề (Xả đọa, 30 điều)
5) Ba-dật-đề (Đơn đọa, 90 điều)
6) Ba-la-đề Đề-xá-ni (Hướng bỉ hối, 4 điều)
7) Pháp chúng học (100 điều)
8) Pháp diệt tránh (7 điều)
Bình Anson
TỰA THUYẾT GIỚI
1. Cúi đầu lễ chư Phật,
Tôn Pháp, Tỳ-kheo Tăng,
Nay diễn pháp Tỳ-ni,
Để Chánh pháp trường tồn.
2. Giới như biển không bờ,
Như báu cầu không chán,
Muốn hộ tài sản Thánh,
Chúng họp nghe tôi tụng.
3. Muốn trừ bốn tội khí,
Và diệt tội tăng tàn,
Ngăn ba mươi xả đọa,
Chúng họp nghe tôi tụng.
4. Tỳ-Bà-Thi, Thi khí,
Tỳ-xá, Câu-lưu-tôn,
Câu-na-hàm mâu-ni,
Ca-diếp, Thích-ca văn;
5. Các Đại đức, Thế tôn,
Vì tôi dạy sự này,
Tôi nay muốn nhắc rõ,
Các người thảy cùng nghe.
6. Ví như người què chân,
Không thể đi đâu được,
Người phá giới cũng vậy,
Không thể sanh trời, người.
7. Muốn được sanh lên trời,
Hoặc sanh vào cõi người,
Thường phải giữ chân giới,
Đừng để bị thương tổn.
8. Như xe vào đường hiểm,
Lo hư chốt, gãy trục,
Phá giới cũng như vậy,
Khi chết lòng sợ hãi.
9. Như người tự soi kiếng,
Đẹp, xấu sanh vui, buồn,
Thuyết giới cũng như vậy,
Vẹn, hỏng sanh mừng, lo.
10. Như hai trận xáp chiến,
Gan, nhát có tiến thối,
Thuyết giới cũng như vậy,
Tịnh, nhiễm sanh vui, sợ.
11. Thế gian, vua là lớn,
Sông ngòi, biển rộng hơn,
Các sao, trăng sáng nhất,
Các Thánh, Phật trên hết.
12. Trong tất cả các luật,
Giới kinh là tối thượng,
Như Lai lập cấm giới,
Nửa tháng tụng một lần.
Hỏi: Tăng họp chưa?
Đáp: Tăng đã họp.
Hỏi: Hòa hiệp không?
Đáp: Hòa hiệp.
Hỏi: Người chưa thọ Cụ túc đã ra chưa?
Đáp: Người chưa thọ Cụ túc đã ra.
Hỏi: Các Tỳ-kheo không đến có thuyết dục và thanh tịnh không?
Đáp: (Nếu không có thì đáp): Trong đây không có Tỳ-kheo thuyết dục và thanh tịnh.
(Nếu có thì đáp): Có.
Người thọ dục đứng ra giữa Tăng, lễ một lễ, quỳ chắp tay bạch: Bạch Đại đức Tăng, Tỳ-kheo... Tăng sự như pháp, có gởi dục và thanh tịnh cho tôi. Tôi có nhận lãnh sự gởi dục và thanh tịnh của vị ấy.
(Thượng tọa nói): Thiện
Đáp: Nhĩ.
(Thượng tọa hỏi tiếp): Có ai sai Tỳ-kheo ni đến thỉnh giáo giới không?
Đáp: (Có hay không, tác bạch như được nói trong Yết ma yếu chỉ).
Hỏi: Tăng nay hòa hiệp để làm gì?
Đáp: Thuyết giới yết ma.
Đại đức Tăng, xin lắng nghe. Hôm nay là bạch (hay hắc) nguyệt ngày thứ 15 (hoặc 14), chúng Tăng thuyết giới. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận hòa hiệp thuyết giới. Đây là lời tác bạch (hoặc tác bạch như vậy).
Thưa các Đại đức, nay tôi sẽ tụng giới Ba la đề mộc xoa, các Tỳ-kheo cùng tập họp tại một chỗ. Hãy lắng nghe, suy nghiệm kỹ. Nếu ai tự biết có phạm, hãy tự phát lộ. Ai không phạm thì im lặng, do sự im lặng, tôi biết các Đại đức thanh tịnh. Như một người được kẻ khác hỏi riêng điều gì, thì như thật mà trả lời. Cũng vậy, Tỳ-kheo nào ở trong chúng sau khi đã ba lần hỏi, nhớ nghĩ mình có tội mà không phát lộ, vị ấy mắc tội cố ý vọng ngữ. Phật dạy, cố ý vọng ngữ là pháp chướng đạo. Tỳ-kheo nào nhớ nghĩ mình có tội, muốn cầu thanh tịnh, hãy tự phát lộ, do phát lộ mà an lạc.
Thưa các Đại đức, tôi đã thuyết xong tựa Giới kinh. Nay hỏi, các Đại đức trong đây có thanh tịnh không? (3 lần).
Các Đại đức trong đây thanh tịnh, vì im lặng. Tôi ghi nhận như vậy.