Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: "Phù vi Đạo giả, như ngưu phụ trọng, hành thâm nê trung. Bì cực, bất cảm tả hữu cố thị. Xuất ly ứ nê, nãi khả tô tức. Sa-môn đương quán, tình dục thậm ư ứ nê, trực tâm niệm Đạo, khả miễn khổ hỷ."

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: "Người hành Đạo ví như con trâu chở nặng đi trong bùn sâu. Trâu hết sức mỏi mệt, chẳng dám nhìn phải ngó trái; ra khỏi chỗ bùn lầy rồi mới được thư thả. Bậc Sa-môn phải quán tưởng tình dục còn hơn cả bùn lầy. Phải trực tâm niệm Đạo thì mới có thể thoát được sự khổ."

 

Lược giảng:

Trong chương thứ bốn mươi mốt này, Đức Phật dạy chúng ta nên dùng trực tâm mà tu Đạo và suy nghĩ về Đạo. Trong mỗi niệm, chúng ta nên lấy việc thoát vòng tình dục làm mục tiêu của mình. ái tình và dục vọng chính là bùn lầy; chúng ta cần phải vượt ra khỏi vũng bùn ấy.

Đức Phật dạy: "Người hành Đạo, tất cả đại chúng, những kẻ tu Đạo, ví như con trâu chở nặng đi trong bùn sâu." Trên lưng đã chất đầy những đồ vật rất nặng nề, lại còn phải lội qua vũng bùn rất sâu, nên trâu bị sa lầy, không tự kéo chân ra được - hễ rút được chân này lên thì chân kia bị lún xuống; kéo được chân kia ra thì chân nọ lại lún sâu hơn!

"Trâu hết sức mỏi mệt, chẳng dám nhìn phải ngó trái." Trâu mệt mỏi vô cùng, mệt mỏi đến cực điểm, mệt đến nỗi nó không dám nhìn ngó hai bên.

"Ra khỏi chỗ bùn lầy rồi mới được thư thả." Chỉ đến khi đã lội qua khỏi vũng bùn, trâu mới có vẻ thảnh thơi, thoải mái đôi chút.

"Bậc Sa-môn, các vị Sa-môn xuất gia - Tỳ khưu, Tỳ-khưu ni - đều phải quán tưởng tình dục còn hơn cả bùn lầy." So với vũng bùn lầy lội, thì lòng ham muốn tình dục và các vọng tưởng về sắc dục còn nguy hại, đáng sợ hơn nhiều! Cho nên, "phải trực tâm niệm Đạo, phải một lòng một dạ, chỉ có một cái tâm ngay thẳng để suy nghĩ về Đạo và việc tu Đạo, thì mới có thể thoát được sự khổ, tránh khỏi nỗi thống khổ bị sa lầy."

Xem mục lục