Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: "Học Phật Đạo giả, Phật sở ngôn thuyết, giai ưng tín thuận. Thí như thực mật, trung biên giai điềm, ngô Kinh diệc nhĩ."

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: "Người học Đạo Phật, đối với những lời Phật nói đều phải nên tín thuận. Ví như ăn mật, trong ngoài đều ngọt; kinh điển của Ta cũng vậy."

 

Lược giảng:

Chương thứ ba mươi chín dạy rằng chúng ta nên tin tưởng và thọ trì tất cả kinh Phật. Chúng ta không nên phân biệt Đại-thừa hay Tiểu-thừa, đốn (mau) hay tiệm (chậm), hoặc so đo bộ kinh nào quan trọng và bộ kinh nào không quan trọng. Chớ sanh ra nhiều tâm phân biệt như thế!

Tất cả kinh điển do Đức Phật thuyết giảng nói chung thì không vượt ra ngoài hai thứ Quyền giáo2 và Thực-giáo3. Quyền-giáo được nói ra là vì Thực-giáo. Vì Thực-giáo nên Phật mới thuyết giảng Quyền-giáo. Nếu nói về Quyền-giáo một cách tỉ mỉ, cặn kẽ thì sẽ hiển xuất Thực-giáo; cho nên, Quyền và Thực thật ra chỉ là một!

Người học Phật Pháp không nên phân biệt Đại-thừa, Tiểu-thừa. Vì vậy, lúc ở Los Angeles tôi đã nói với vị Tỳ-khưu từ Thái-lan rằng: "Trong Phật Pháp vốn không có sự phân biệt giữa Đại-thừa và Tiểu-thừa. Chẳng qua là vì trong Phật-giáo có một số Phật-tử cố chấp, không muốn chân chánh học Phật Pháp, cho nên mới phân chia ra Đại với Tiểu, trở thành những đệ tử bất hiếu của Phật." Đó cũng là ý chính của chương này.

Đức Phật dạy: "Người học Đạo Phật, đối với những lời Phật nói đều phải nên tín thuận. Tất cả quý vị, những người học tập Đạo Phật, đều phải tin tưởng và thuận theo các kinh điển, giáo pháp do Đức Phật thuyết giảng mà hành trì, chớ nên có tâm phân biệt.

Ví như ăn mật, trong ngoài đều ngọt; kinh điển của Ta cũng vậy. Mật đường thì ở giữa ngọt mà trên mặt cũng ngọt; cho nên cả trong lẫn ngoài đều có hương vị ngọt ngào như nhau, giống như giáo điển của Ta vậy. Kinh điển do Ta thuyết giảng đều là 'vi Thực thí Quyền, khai Quyền hiển Thực' - vì Thực-giáo mà ban bố Quyền-giáo và lập ra Quyền-giáo để làm hiển lộ Thực-giáo - nhằm giáo hóa chúng sanh, khiến tất cả chóng thành Phật Đạo! Tất cả đều nằm trong đạo lý này."

Xem mục lục