Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Kinh Văn:

Hán Văn: Phật ngôn: "Nhân ly ác đạo, đắc vi nhân nan; ký đắc vi nhân, khứ nữ tức nam nan; ký đắc vi nam, lục căn hoàn cụ nan; lục căn ký cụ, sanh trung quốc nan; ký sanh trung quốc, trực Phật thế nan; ký trực Phật thế, ngộ Đạo giả nan; ký đắc ngộ Đạo, hưng tín tâm nan; ký hưng tín tâm, phát Bồ-đề tâm nan; ký phát Bồ-đề tâm, vô tu vô chứng nan."

Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: 1) "Người ra khỏi ác đạo, được làm người là khó; 2) đã được làm người, bỏ thân nữ được thân nam là khó; 3) đã được thân nam, sáu căn đầy đủ là khó; 4) sáu căn đã đủ, được sanh ra ở vùng trung tâm đất nước là khó; 5) đã sanh ra ở vùng trung tâm đất nước, gặp Phật ra đời là khó; 6) đã gặp Phật ra đời, lại được gặp bậc tu Đạo là khó; 7) đã được gặp Đạo, lại sanh lòng tin là khó; 8) đã sanh lòng tin, lại phát tâm Bồ-đề là khó; 9) đã phát tâm Bồ-đề, mà đạt đến chỗ vô tu, vô chứng là khó."

 

Lược giảng:

Chương thứ ba mươi sáu nói về các sự khó khăn như khó mà được mang thân người, khó mà được sinh trưởng ở vùng trung tâm đất nước, khó mà được gặp bậc Thiện-tri-thức, khó mà được gặp Phật ra đời, v.v...

Đức Phật dạy:

1. "Người ra khỏi ác đạo, được làm người là khó." Tam ác đạo (ba đường ác) tức là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Thoát khỏi ba đường ác và được sanh làm người là điều không phải dễ!

Khi Đức Phật còn trụ thế, Ngài đã có lần nêu ra một câu hỏi để các đệ tử cùng nhau suy gẫm. Câu hỏi gì? Một hôm nọ, Đức Phật bốc một nắm đất lên rồi hỏi chư đệ tử: "Các ông hãy cho Ta biết: Là đất trong lòng bàn tay Ta nhiều hay đất trên đại địa nhiều? Các ông mỗi người đều phải trả lời câu hỏi của Ta."

Tất cả đệ tử của Phật đều đáp: "Bạch Đức Thế Tôn! Đương nhiên là đất trong lòng bàn tay của Phật thì ít hơn đất trên đại địa!" Đó là một sự kiện hiển nhiên, đâu có gì đáng phải thắc mắc?

Bấy giờ, Đức Phật mới bảo chúng đệ tử rằng: "Số chúng sanh có thể thoát khỏi ba ác đạo - địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh - và được làm người trở lại cũng ít ỏi như nắm đất trong tay Ta; còn số chúng sanh vẫn còn luẩn quẩn trong trong ba đường ác và không được mang thân người, thì nhiều như đất cát trong đại địa vậy!"

Điều này chứng tỏ rằng thoát khỏi ba đường ác để làm người không phải là chuyện dễ.

2. "Đã được làm người, bỏ thân nữ được thân nam là khó." Được làm người là khó, tuy nhiên, được làm người nam (thay vì người nữ) thì lại càng khó hơn nữa! Song, đó là nói theo quan điểm của những người muốn làm người nam mà thôi - vì họ muốn mang thân nam nhưng không được toại nguyện nên mới cho là khó. Thế thì, muốn được thân nữ có khó không? Cũng khó khăn không kém! Cho dù quý vị có thích làm người nữ, thì quý vị cũng khó đoan chắc rằng mình sẽ được toại ý, bởi vì đó là chuyện không thể nói chắc được!

Làm người nam hay người nữ là việc mà bản thân quý vị không có quyền quyết định hay lựa chọn. Đó không phải là chuyện mà mình muốn là được. Cho nên, điều này cũng chẳng dễ dàng chút nào!

3. "Đã được thân nam, giả thử quý vị đã được làm người nam hoặc người nữ rồi; sáu căn đầy đủ là khó." Tôi không muốn chỉ nói về việc "được thân nam" mà thôi, bởi vì cũng có người ao ước được mang thân nữ kia mà! Nếu quý vị có được thân người với giới tính mình muốn - kẻ thích làm người nam thì được mang thân nam, kẻ thích làm người nữ thì được mang thân nữ - tức là quý vị đã được tùy tâm mãn nguyện, không thấy điều đó là khó nữa. Tuy nhiên, làm người mà có được sáu căn đầy đủ, hoàn chỉnh, lại càng không phải dễ.

Sáu căn tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Có nhiều kẻ tuy được mang thân người nhưng lại bị mù lòa hoặc không có mắt. Cũng có kẻ được làm người, song là người điếc, căn tai bị hư hoại. Hoặc có người thì lỗ mũi nghẹt, chẳng thông khí, nên có mũi mà cũng như không. Lưỡi là để nếm hương vị và nói năng, thế nhưng có người không nói được hoặc không biết được mùi vị - đó là do căn lưỡi bị hư hoại. Những người bị tê liệt, bán thân bất toại, không nhúc nhích hoặc cử động được, tức là căn thân của họ bị hư hoại. Hoặc có người thì căn ý bị hư hoại - họ không thể suy nghĩ và không hiểu được gì cả. Đó là những thí dụ điển hình về trường hợp sáu căn không được đầy đủ, hoàn chỉnh.

Sáu căn không toàn vẹn là chuyện thông thường, rất dễ xảy ra. Có được sáu căn đầy đủ, hoàn chỉnh mới là khó, rất khó.

4. "Sáu căn đã trọn đủ, hoàn chỉnh, không khuyết điểm - mắt ra mắt, tai ra tai - mà còn được sanh ra ở trung tâm quốc gia là khó." Trường hợp tai có hình dạng giống mắt còn mắt có hình dạng giống tai, hoặc môi thì trông giống như mắt còn mắt lại trông giống như môi - như thế là không tương xứng, không cân đối. Hoặc có trường hợp các căn đều "dọn nhà" tới ở chung với nhau - mắt, tai, mũi, miệng không tách riêng ra mà lại quy tụ về một chỗ như muốn làm thành một công ty hợp doanh vậy! Mắt, tai, mũi, miệng mà tập trung vào một chỗ với nhau, quý vị thấy như thế có khó coi lắm không" Song le, chẳng còn cách nào khác!

Đã có sáu căn hoàn bị rồi mà còn được sanh ra ở vùng trung tâm đất nước nữa là điều khó.

Ở Trung-Hoa, dân chúng sinh sống tại bốn miền gần ranh giới chung quanh quốc gia được mệnh danh là Nam man, Bắc mạch (Bắc dịch), Đông di, Tây nhung. Người ở phương nam thì được gọi là "man tử" (kẻ dã man, thô lỗ), ở phương bắc thì được gọi là "mạch" (mọi), ở phương đông thì được gọi là "di nhân," ở phương tây thì được gọi là "nhung nhân" (rợ). Đó là theo sự phân chia trong nước Trung-Hoa, và những khu vực ấy bị xem là vùng "biên địa hạ tiện." Muốn được sanh ở miền biên giới là chuyện rất dễ dàng; nhưng muốn được sanh ra ngay giữa vùng trung tâm của quốc gia thì không phải dễ! Muốn được sanh ra tại trung tâm của nước ngoài thì cũng chẳng phải là chuyện dễ. Vậy, được sanh ra ở những nơi thuộc khu vực trung tâm đất nước là khó.

5. "Đã sanh ở trung tâm quốc gia, được gặp đời có Phật là khó." Đã được sanh ra ngay tại trung tâm của đất nước rồi, mà lại còn được nhằm vào thời kỳ có Phật ra đời nữa là chuyện không phải dễ.

6. "Đã gặp đời có Phật, được gặp bậc Đạo-giả là khó." "Bậc Đạo-giả" tức là bậc Thiện-tri-thức. Nếu quý vị đã được sanh vào thời Phật trụ thế, gặp được đời có Phật rồi, mà lại còn được hạnh ngộ bậc Thiện-tri-thức- người có Đạo và tu Đạo - thì chính quý vị cũng có thể tu Đạo. Điều này không dễ dàng lắm, cho nên, "được gặp bậc Đạo-giả là khó."

7. "Đã gặp được Đạo, phát khởi tín tâm là khó." Mặc dù đã gặp và hiểu được Phật Pháp, đã thấu suốt được các pháp môn tu Đạo rồi, mà nếu quý vị còn có thể khởi lòng tin nữa thì lại không phải dễ. Có thể rằng quý vị đã gặp được Đạo, nhưng quý vị lại không tu hành, không sanh tín tâm. Nếu không sanh tín tâm thì dẫu có gặp Đạo cũng bằng thừa - bởi được gặp rồi mà vẫn không tin tưởng thì cũng chẳng khác gì chưa bao giờ gặp vậy.

8. "Đã khởi tín tâm, phát Bồ-đề tâm là khó." Cho dù quý vị đã sanh lòng tin tưởng, mà muốn "y pháp tu hành" vẫn không phải dễ. Bởi vì đó chỉ là tin suông mà thôi! Có rất nhiều người tin tưởng Phật Pháp, nhưng khi quý vị bảo họ hãy lo tu hành thì họ lại không muốn. Đừng nói gì khác, chỉ nội một việc cai thuốc lá, bỏ hút thuốc, mà lắm người còn làm không được thay! Bỏ thì thương mà vương thì tội - bỏ không được nên buông không đành!

A! Sanh khởi tín tâm là khó, nhưng cho dẫu quý vị đã có được tín tâm rồi đi chăng nữa, muốn phát tâm Bồ-đề lại càng khó hơn - quý vị không thể "y pháp tu hành."

9. "Đã phát tâm Bồ-đề, được vô tu vô chứng là khó." Giả sử quý vị đã phát Bồ-đề tâm rồi. Phát khởi tâm Bồ-đề là chuyện khó, song cứ cho là quý vị cũng đã thực hiện được rồi. Thế nhưng, đạt đến cảnh giới không còn gì để tu, không còn gì để chứng, "sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu" (mọi việc cần làm đều đã làm xong, không còn phải luân hồi nữa) thì lại càng khó khăn hơn nhiều!

"Vô tu vô chứng" tức là đã tu xong rồi, đã chứng đắc rồi; do đó mà không cần phải tu thêm nữa - giống như ăn no rồi thì không cần ăn thêm, hoặc là ngủ đầy giấc rồi thì không cần phải ngủ thêm nữa vậy.

Vì sao tu Đạo mà lại "vô tu vô chứng?" Đó tức là đạt đến ngôi vị Vô-học (không còn gì để học), chứng được Tứ-quả A-la-hán. Đây là giải thích theo quan điểm của Tiểu-thừa.

Dưới cái nhìn của Đại-thừa, thì "vô tu vô chứng" có nghĩa là chứng được Phật-quả, và bấy giờ:

Thượng vô Phật Đạo khả cầu,

Hạ vô chúng sanh khả độ.

(Trên không còn Phật đạo để cầu,

Dưới chẳng còn chúng sanh để độ.)

Đó là cảnh giới "vô tu vô chứng," và ngôi vị này lại càng không dễ đạt tới.

Cho nên, đối với việc tu hành, nếu quý vị không hiểu Phật Pháp thì không nói làm gì, nhưng nếu hiểu Phật Pháp thì phải gấp rút nỗ lực dụng công tu hành !

Xem mục lục