Kinh Văn:
Hán Văn: Phật ngôn: "Thận vật tín nhữ ý, nhữ ý bất khả tín. Thận vật dữ sắc hội, sắc hội tức họa sanh. Đắc A-la-hán dĩ, nãi khả tín nhữ ý."
Dịch Nghĩa: Đức Phật dạy: "Phải thận trọng, chớ tin ý ông; ý của ông không thể tin được. Phải thận trọng, chớ gần gũi sắc dục; gần gũi sắc dục tất sanh họa. Chứng được A-la-hán rồi mới có thể tin được ý ông."
Lược giảng:
Trong chương thứ hai mươi tám này, Đức Phật cho biết rằng cái "ý" của người đời chúng ta giống như một con ngựa khó điều phục, uốn nắn. Ngoài ra, đối với "sắc" - bất luận là nam sắc hay nữ sắc - quý vị đều nên xa lánh; bằng không, quý vị chỉ tự rước họa vào thân mà thôi.
Từ vô lượng kiếp về trước cho đến nay, chúng sanh chúng ta do quen sống buông xuôi theo tình cảm và dục vọng của mình, nên cứ phải loanh quanh luẩn quẩn mãi trong sáu nẻo luân hồi. Vì bị vô minh, ái kiến và kiêu mạn luôn luôn vây phủ nên chúng ta chưa thể chứng được quả-vị A-la-hán. Do đó, chúng ta không nên tin tưởng ý niệm của mình. Chúng ta phải dè dặt, không được bất cẩn. Chúng ta phải tuyệt đối thận trọng, chớ nên đắm nhiễm sắc dục và cũng đừng tin ở ý niệm của mình!
Đức Phật dạy: "Phải thận trọng, chớ tin ý ông." Quý vị không nên nghe theo ý niệm của mình, đừng tin cậy những điều mình nghĩ. Quý vị cần phải hết sức cẩn thận - chớ tin ở ý niệm và ý nghĩ của mình! "ý của ông không thể tin được." Tâm ý của quý vị thì không đáng tin cậy, không thể tín nhiệm được.
Quý vị "phải thận trọng, chớ gần gũi sắc dục; gần gũi sắc dục tất sanh họa." Quý vị hãy ghi nhớ rằng mình phải hết sức cẩn thận, đừng bao giờ mê đắm sắc tướng. Nếu quý vị mê chấp, cùng với sắc tướng "hợp lại thành một," ắt sẽ có tai họa xảy ra.
"Chứng được A-la-hán rồi, mới có thể tin được ý ông." Chừng nào quý vị chứng được quả-vị A-la-hán. dứt sạch được các mối phiền não của cái thấy (kiến) và cái nghĩ (tư) rồi, bấy giờ quý vị mới có thể tin cậy ý niệm của quý vị một chút - nhưng chỉ nên tin ít ít thôi, chứ chưa thể tin nhiều được!"