Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục
Phẩm Quyết-Nghi
THỨ BA
1.– Một ngày kia Vi-Thứ-sử vì Tổ, thiết một tiệc chay đại-hội. – Khi chay rồi, quan Thứ-sử thỉnh Tổ thăng tọa, ông cùng các quan liêu sĩ thứ, nghiêm-chỉnh dung nhan lễ bái rồi thưa rằng : ”Đệ-tử nghe Hòa-thượng nói pháp, thiệt không thể nghĩ đặng, bàn đặng ; nhưng nay còn có chút nghi, xin sẵn lòng đại-từ đại-bi thương vì chúng tôi bày tỏ.”
2.– Tổ nói : “Có chỗ chi nghi cứ hỏi, ta sẽ nói, cho.”
3.– Vi-Công bạch : “Những chỗ Hòa-thượng nói, có phải là tông-chỉ của Đạt-Ma Đại-sư chăng ?”
4.– Tổ nói : “Phải !”
5.– Vi-Công nói : “Đệ-tử nghe Tổ-sư Đạt-Ma ban sơ đến hóa độ vua Lương-Võ-Đế ; vua Võ Đế hỏi : “Trẫm trọn đời làm những việc : lập chùa, độ tăng, bố-thí thiết trai ; như vậy có công đức chi không ?” – Đạt-Ma nói : “Thiệt không công-đức !”(1) – Đệ-tử nầy chưa thông lý ấy, cầu xin Hòa-thượng chỉ bày.”
6.– Tổ nói : “Cái đó thiệt không công-đức chớ nghi lời nói của Thánh-Tổ trước ! – Bởi vì vua Võ-Đế tâm tà, chẳng biết pháp chánh.(2) – Việc lập chùa, độ tăng bố-thí, thiết trai ấy, gọi là cầu phước, chẳng nên đem phước nhận làm công-đức, thiệt ra công-đức ở trong pháp-thân, chớ chẳng ở nơi tu phước.”
7.– Tổ lại nói tiếp : “Kiến-tánh là công, bình-đẳng là đức, niệm-niệm không trở trệ, hằng thấy cái diệu-dụng chơn-thiệt của bản-tánh, gọi là công-đức.
8.– “Trong tâm khiêm tốn là công, ngoài làm theo tu là đức ; tự-tánh gầy dựng muôn pháp là công, tâm-thể lìa niệm là đức ; chẳng lìa tự-tánh là công, ứng dụng không nhiễm là đức ; nếu tìm công-đức trong pháp-thân thì y theo đó mà làm, ấy là : chơn-công-đức. – Hễ người tu công-đức, tức là tâm chẳng khinh người, mà thường đối với ai cũng kính nhường hết thảy.
9.– “Còn như tâm hằng khinh người, thì tánh vị-ngã chẳng dứt, tức là mình không công, tự-tánh giả dối chẳng thật, tức là mình không đức. – Vì tánh vị-ngã tự-cao, tự-đại, thường khinh thị hết thảy mọi người.
10.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Niệm-niệm không xen-hở là công, tâm làm bằng thẳng là đức ; tự tu tánh mình là công, tự tu thân mình là đức.
11.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Công-đức cần phải rõ thấy ở trong tự-tánh, chớ chẳng phải sự bố-thí cúng-dường mà cầu được. – Bởi vậy nên Phước-đức với Công-đức khác nhau. – Đó là vua Võ-Đế không biết chơn-lý, chớ chẳng phải Tổ-sư ta có lỗi.”
12.– Quan Thứ-sử lại hỏi : ”Đệ-tử hằng thấy kẻ tăng người tục, niệm Phật A-Di-Đà, cầu sanh về Tây-phương, chẳng biết quả được sanh về chăng ? – Cúi xin Hòa-thượng giải bày, ngõ khỏi điều nghi hoặc.”
13.– Tổ nói : “Thứ-sử hãy nghe kỹ, Huệ-Năng nầy nói : Hồi xưa Đức Thích-Ca Thế-Tôn, khi ở trong thành Xá-Vệ nói kinh, có dẫn cõi Tây-phương để hóa đạo chúng-sanh ; ngài chỉ rõ Tây-phương cách đây chẳng xa, nếu luận theo tướng mà nói, thì số có mười muôn tám ngàn dặm, tức là trong thân người có mười điều ác, tám điều tà, ấy là nói xa.(3)
14.– “Nói xa là nói kẻ hạ-căn, nói gần là nói với người thượng-trí ; người tuy có hai hạng, pháp vốn không hai bực ; bởi có mê có ngộ, nên thấy có chậm có mau. – Người mê thì niệm Phật, cầu sanh về cõi kia ; người ngộ thì tự tịnh lấy tâm mình.
15.– “Bởi vậy nên Phật nói : “Tùy nơi tâm minh-tịnh, tức là cõi Phật tịnh” ; Sử-quân là người ở phương Đông, hễ tâm tịnh là không tội ; còn kia tuy là người ở phương Tây mà tâm chẳng tịnh cũng tức là có lỗi. – Người ở phương Đông làm điều tội, niệm Phật cầu sanh về Tây-phương, còn người ở phương Tây làm điều tội, thì niệm Phật cầu sanh nước nào ?
16.– “Kẻ phàm-phu chẳng rõ được tự-tánh, chẳng biết Tịnh-độ ở trong thân mình, mà cầu Đông cầu Tây ; chớ người đã tỏ ngộ, thì ở chỗ nào cũng vậy, sở dĩ Phật nói : “Tùy ở chỗ nào cũng thường yên vui.” – Nếu tâm của Sử-quân không điều gì chẳng lành, thì Tây-phương cách đây chẳng xa ; bằng như ôm giữ cái tâm chẳng lành, thì dầu có niệm Phật, cầu vãng sanh cũng khó đến được.
17.– “Nay ta khuyên thiện-tri-thức phải ! Trước trừ mười điều ác tức là đi được mười muôn dặm, sau trừ tám điều tà, tức là qua khỏi tám ngàn dặm. Niệm niệm thấy tánh, hằng thiệt hành cái tâm bằng-thẳng, thì đi đến Tây-phương chóng lẹ như khảy móng tay, mà thấy Phật Di-Đà liền.
18.– “Sử-quân cứ làm theo mười điều lành, cần gì phải nguyện vãng-sanh ; nếu tâm không dứt được mười điều dữ, thì Phật nào đi đến rước mình. – Cho nên ngộ được vô sanh Đốn-pháp nầy, thì chỉ trong giây phút thấy cõi Tây-phương ; bằng chẳng ngộ mà niệm Phật, thì con đường cầu sanh càng cách xa, thế nào thấu được !
19.– “Nay Huệ-Năng xin dời cõi Tây-phương sang đây trong giây phút cho các ngươi thấy rõ trước mắt, vậy các ngươi có ưng thấy không ?”
20.– Chúng-nhơn đảnh lễ bạch rằng : “Nếu ở chỗ nầy mà được thấy Tây-phương, thì cần gì nguyện vãng-sanh về đó ; vậy xin Hòa-thượng từ-bi hiện liền cõi Tây-phương cho chúng tôi đặng thấy.”
21.– Tổ nói : “Nầy Đại-chúng ! – Người đời cái sắc-thân ấy là Thành(4) ; mắt tai, mũi, lưỡi, là Cửa ; ngoài có năm cửa, trong có cửa Ý, tâm là cõi đất,(5) tánh là Vua. – Vua ở trên cõi đất tâm(6) tánh ở thì Vua ở, tánh đi thì Vua đi, tánh ở thì thân tâm còn, tánh đi thì thân tâm rã, – Phật do trong tánh mà làm, chớ tới ngoài thân tìm kiếm !
22.– “Tự-tánh hôn-mê tức là chúng-sanh, tự-tánh giác-ngộ tức là Phật, từ-bi tức là Quan-Âm, hỷ-xả gọi là Thế-Chí, thanh-tịnh tức là Thích-Ca, bằng-thẳng tức là Di-Đà.
23.– “Còn nhơn-ngã là núi Tu-Di, tâm tà-vạy là biển nước, phiền-não là làn sóng, độc-hại là rồng dữ, giả-dối là quỷ-thần, trần-lao là cá-trạnh, tham-giận là địa-ngục, ngu-si là súc-sanh.
24.– “Nầy thiện-tri-thức ! – Hằng làm mười điều lành thì Thiên-đường đưa đến, trừ cái thấy nhơn-ngã thì núi Tu-Di đổ, bỏ cái tâm tà-vạy thì biển nước khô không phiền-não thì làn-sóng tạnh, quên độc-hại thì cá rồng tuyệt.
25.– “Ông Phật giác-tánh ở trên cõi tự-tâm, phóng ra đại ánh sáng, ngoài soi sáu cửa thanh-tịnh, phá hết các trời Lục-dục, chiếu vào tự-tánh, ba độc dứt liền, các tội Địa-ngục thảy đều tiêu diệt, trong ngoài sáng suốt không khác gì cõi Tây-phương ; nếu chẳng tu theo pháp ấy, thì làm sao đi đến cõi kia được !”
26.– Đại-chúng nghe Tổ nói, rõ ràng thấy tánh, thảy đều lễ lạy đồng khen thật hay, rồi cất tiếng nói to rằng : “Nguyện tất cả chúng-sanh trong pháp-giới, ai nghe cũng tỏ ngộ liền.”
27.– Tổ nói : “Thiện-tri-thức ! – Nếu muốn tu hành thì ở nhà cũng được, chẳng cần phải ở chùa(7) ; ở nhà mà làm được cũng như người phương Đông tâm lành, còn ở chùa mà chẳng tu cũng như người phương Tây tâm ác ; chỉ tâm thanh-tịnh tức là tự tánh Tây-phương.”
28.– Vi-công hỏi : “Ở nhà tu hành bằng cách nào, xin nhờ chỉ dạy ?”
29.– Tổ nói : “Ta đối với đại-chúng làm ra bài Tụng-vô-tướng, cứ y theo đó mà tu, thì như các ngươi hằng ở cùng ta một chỗ. – Bằng chẳng tu theo đó, thì dầu cạo đầu xuất gia cũng không ích gì với đạo.
30.– Tụng rằng :
Tâm bằng(8) chẳng cần giữ giới,
Hạnh thẳng(9) nào đợi tu thiền,
Ân thì nuôi dưỡng cha mẹ,
Nghĩa thì trên dưới cùng thương,
Nhượng thì lớn nhỏ hòa thuận,
Nhẫn thì các dữ dẹp yên.
Nếu được giùi cây ra lửa,(10)
Bùn lầy chắc trổ bông sen,(11)
Đắng miệng ấy là lương-dược,(12)
Trái tai hẳn thiệt trung-nghiên,(13)
Đổi lỗi ắt sanh trí-huệ,(14)
Che dở tâm đâu phải hiền.(15)
Hằng ngày làm sự lợi ích,
Thành đạo chẳng tại thí tiền,(16)
Bồ-đề do tâm tìm thấy,
Nhọc chi ngoài tánh cầu huyền,(17)
Nghe nói cứ tu theo đó,
Thiên-đường trông thấy nhãn tiền.(18)
31.– Tổ lại nói : “Thiện-tri-thức ! – Các ngươi đều phải y theo lời kệ nầy tu hành, thấy lấy tự tánh, thẳng đến thành Phật, pháp chẳng cùng đợi, các ngươi hãy giải-tán, để ta về Tào-Khê ; nếu các ngươi còn có chỗ nghi, sẽ đến cùng nhau hỏi nói.”
32.– Khi ấy Vi-Thứ-sử và các quan liêu cùng thiện nam tín nữ tại hội, thảy đều tỏ ngộ tin chịu vâng làm.*
 
(1) Từ câu : ”Tổ Đạt-Ma ban sơ đến hóa độ vua Lương-Võ-Đế”… tới câu : “Tổ Đạt-Ma nói : Thiệt không công-đức“ : Đây nói : Lập chùa, độ tăng, thiết trai, tuy riêng ra từng chuyện mà tóm lại cũng thuộc về pháp bố-thí.
Bố-thí là một pháp đặc biệt do nơi miệng vàng của Phật thốt ra và là một pháp đứng đầu trong sáu độ của Bồ-tát tu hạnh mà Tổ Đạt-Ma sao lại bác khước, cho rằng không có công đức ?
Bởi vì vua Lương-Võ, trong khi gặp tổ Đạt-Ma mà hỏi : “Ta làm việc bố-thí như vậy có công đức chi không”, một câu hỏi ấy đủ biết ông chưa đạt tới cái lý “tam luân thể không” trong pháp bố-thí tâm còn hy vọng phước báo, tức là tâm còn trụ tướng, không phải nghĩa bố-thícủa Bồ-tát làm, cho nên Tổ Đạt-Ma nói : “Thiệt không có công-đức”, nghĩa là nói : Bố-thí mà còn trụ tướng, thì chỉ được cái tiểu quả ở cõi Nhơn-Thiên chớ đối với phần công đức vô lậu thì không có.
Xem vậy thì biết câu nói : “Thiệt không công đức” của Tổ Đạt-Ma nói đó là bác khước cái bố-thí trụ-tướng của vua Lương-Võ-Đế, chớ đâu phải là ngài bác khước bố-thí !
Còn câu nói : “chỉ được cái tiểu quả ở cõi Nhơn-Thiên” là đối với “công đức vô-lậu” của pháp xuất thế, thì phước báo Nhơn-Thiên vẫn nhỏ, cho nên kêu là : tiểu quả ; vì phước báo Nhơn-Thiên thuộc về hữu lậu, dầu có khoái lạc đến đâu cũng có lúc phải hết mà trở lại chịu sự thống khổ ; cũng ví như mũi tên bắn lên hư không, dầu lên cao cho mấy, đến lúc sức đi của mũi tên cùng tột rồi thì nó cũng phải rơi xuống đất.
Cho nên những người làm việc bố-thí, không nên nhận lầm câu nói của Tổ Đạt-Ma mà sanh lòng thối chuyển ; còn những người có tánh xan lẫn cũng không nên mượn câu nói của Tổ Đạt-Ma rồi bài xích cái pháp bố-thí mà mang tội. – Miễn làm việc bố-thí mà tự mình không nghĩ mình là người năng thí, không nghĩ kẻ kia là người thọ thí, và cũng không nghĩ vật của mình đưa ra đó là vật sở thí, tức là “tam luân thể không”, hiệp với nghĩa “ly tướng bố-thí” của Phật nói và Bồ-tát làm thì phước đức vô lượng.
Xem như kinh Kim-Cang nói : Bồ-tát bố-thí chẳng trụ tướng, thì phước đức không thể nghĩ lường (Bồ-tát bất-trụ tướng bố-thí, kỳ phước đức bất khả tư lương), thì đủ rõ.
(2) Bởi vì vua Võ-Đế tâm tà, chẳng biết pháp chánh : Hai câu này là nói : Vua làm việc bố-thí mà tâm còn trụ tướng, tức là tà ; lại tuy vua bố-thí mà chưa đạt tới nghĩa “ly tướng hành thí” của Phật nói, tức là chẳng biết pháp chánh.
(3) Từ số 13 đến số 22 : Trong đoạn ngài Lục-Tổ nói với ông Vi Thứ-sử về việc niệm Phật cầu sanh Tây-phương” trên đây, xưa nay đã không biết bao nhiêu người nghi lầm.
Những kẻ lâu nay tín phụng theo pháp môn niệm Phật thì buồn ngài sao lại bác khước cái thuyết “cầu sanh Tây-phương” ; còn nhữngkẻ lâu nay phản đối với pháp môn niệm Phật thì lại vu chỉ cho ngài nói không có Tây-phương Tịnh-độ.
Tóm lại : một bên buồn, một bên vui, đều là không hiểu được cái ý của Tổ nói mà thành lầm. – Thiệt ra là ngài đích chỉ cái nghĩa “Duy tâm Tịnh-độ và tự tánh Di-Đà”, để dắt người vào chỗ chơn tế niệm Phật, chớ đâu phải ngài bảo đừng cầu sanh Tây-phương và đâu phải ngài nói không có Tây-phương Tịnh-độ.
Tức như ngài dẫn lời Phật nói “tùy nơi tâm minh-tịnh, tức là cõi Phật tịnh”, đó là ngài chỉ rõ về nghĩa “Tịnh-độ duy tâm”, chính hiệp với câu “y-báo và chánh-báo ở cõi Cực-lạc mà đặng trang-nghiêm như thế là do hạnh nguyện công-đức của Phật Di-Đà làm nên” của kinh nói.
Lại ngài nói : “Niệm niệm thấy tánh thì đi đến Tây-phương chóng lẹ như khảy móng tay mà thấy Phật Di-Đà liền”, đó là ngài chỉ rõ về nghĩa “Di-Đà tự tánh” ; bởi vì tự tánh bản lai vẫn sáng suốt và vẫn thường trụ, chẳng sanh chẳng diệt ; mà “sáng suốt” là nghĩa Vô-lượng-quang, “thường trụ” là nghĩa Vô-lượng-thọ, cho nên niệm niệm thấy tánh, tức là thấy Phật Di-Đà phải rồi.
Xem thế thì biết ngài đã nói “cõi Phật tịnh” thì lẽ nào ngài lại nói không có Tịnh-độ và ngài đã nói “niệm niệm thấy tánh là thấy Phật”, thì lẽ nào ngài lại bác cái thuyết niệm Phật duy có một điều là ngài sợ những người hằng ngày niệm Phật Di-Đà mà chẳng biết niệm lấy tự tánh và mỗi bữa cầu sanh Tịnh-độ mà chẳng biết tịnh lấy tự tâm, cho nên tận tình thổ lộ như vậy, chớ đâu phải bác khước.
Chí như những câu ngài nói : “Sử-quân là người ở phương Đông, hễ tâm tịnh tức là không tội, còn kia tuy là người ở phương Tây mà tâm chẳng tịnh cũng tức là có lỗi : lại người ở phương Đông làm điều tội, niệm Phật cầu sanh về Tây phương, còn người phương Tây làm điều tội, niệm Phật cầu sanh nước nào”, đó đều là lời phiên-chuyển để gạn cùng cái nghĩa “duy-tâm tịnh-độ”, chớ cũng không phải là ý kích-bác.
Nếu như ngài có ý kích-bác, thì ngài đã không nói : “Nếu tâm của Sử-quân không điều gì chẳng lành, thì Tây phương cách đây chẳng xa ; bằng như ôm giữ cái tâm chẳng lành, thì dầu có niệm Phật cầu sanhcũng khó đến được.” – Mà ngài đã nói thế, tức là ngài nhận có “Tây phương Tịnh độ” rõ ràng và cũng không phải ngài bác thuyết “niệm Phật cầu sanh” chút nào cả.
Huống chi rồi sau, ngài lại nói : “trừ hết cái thấy nhơn ngã, cái tâm tà vọng, cái chướng phiền não, và cái ý độc hại, thì ông Phật giác tánh ở trên cõi tự tâm phóng ra đại ánh sáng, trong ngoài sáng suốt, không khác gì cõi Tây phương ; nếu chẳng tu theo pháp ấy thì làm sao đi đến cõi kia được.” – Thế là ngài chẳng những không bác khước mà còn chỉ rõ cách tu Tây phương cho người biết là khác.
Chí như câu nói : “Sử-quân cứ làm theo mười điều lành, cần gì phải nguyện vãng sanh”, câu nói ấy chính là bác những người niệm Phật mà cái tâm tham lam, sân-hận, si-mê, tà-kiến, niệm Phật mà cái thân làm sự sát sanh, trộm cắp, tà-dâm và niệm Phật mà cái miệng nói láo nói thêu-dệt, nói hai lưỡi, nói hung dữ, niệm Phật như vậy thì vãng-sanh sao được mà cầu ; cho nên ngài nói thế là ngài có ý kỉnh tỉnh ông Vi-Thứ-Sử đừng bắt chước những người cầu vãng sanh không chắc được kia mà bị mười nghiệp ác của “thân, khẩu, ý” lôi kéo rồi phải đọa.
Vậy phải biết rằng : phàm những câu nói như thế đều thuộc về “đối trị tất đàn”, tùy bịnh cho thuốc, chớ không phải là câu nói “tự thị phi dư” theo như người còn cố chấp. (Những người nghiên cứu Đàn kinh, đoạn nầy phải chú ý.)
(4) Sắc-thân ấy là Thành : Vì nghĩa năm căn : Mắt, tai, mũi, lưỡi và ý, đều ở trong phạm vi của thân, nên ví dụ thân là Thành.
Mắt, tai, mũi, lưỡi là Cửa : Vì nghĩa : Căn hay thông với Trần và hay nạp trần ở ngoài vào nên ví dụ là Cửa.
Ngoài có năm Cửa : Mắt tai mũi lưỡi và thân.
Trong có cửa Ý : Ý nầy chỉ cho ý thức thứ sáu và thứ bảy, vì hai thức ấy cũng đều tên là Ý.
(5) Tâm là cõi đất : Tâm là thức A-lại-da thứ tám, vì nó ngậm chứa hết thảy các hột giống thiện ác, nên ví dụ nó là cõi đất.
(6) Tánh là Vua, Vua ở trên cõi đất tâm : Tánh là tự tánh chơn như ; vọng thức nương nơi chơn như mà có ; vọng thức là mê, mê tức là chúng-sanh, chơn như là giác, giác tức là Phật ; vì chơn như đối với vọng thức có phần tôn thắng, nên ví dụ “Tánh là Vua” – Vả lại thức A-lại-da thứ tám là chơn vọng hòa hiệp, vẫn có một phần chơn như ở xen lộn vào trong nó nên gọi là “Vua ở trên cõi đất tâm”.
Trong thời kỳ nhân duyên tụ hợp, ngũ uẩn thân tâm còn trụ thế thọ báo, thì gọi là : “thân tâm còn” ; đến khi báo mãn rồi, nhơn duyên ly tản, thì ngũ uẩn thân tâm trước kia, thân phải tiêu hoại, tâm phải tan vào các thú khác, nên gọi là : “thân tâm rã”.
Nhưng tự tánh chơn như đã ở xen lộn vào trong thức tâm thì khi thức tâm còn thác căn trụ thế, tự tánh cũng ở, mà khi thức tâm tùy nghiệp thọ sanh thú khác, thì tự tánh cũng đi, nên gọi là : “tánh ở tánh đi”.
(7) Tổ nói : Nếu muốn tu hành thì ở nhà cũng được, chẳng cần phải ở chùa : Câu nói nầy cũng để một nghi án cho người tu Phật, vì nghe trong Phật, vì nghe trong Phật-giáo thường gọi rằng : Nhà là hang ổ ân ái là kho tàng danh lợi, là trường hợp thị phi, và là rừng rú phiền não, mà người ở trong đó tức là người tâm còn nhiễm ô, chưa thoát khỏi ngoài vòng tục lụy.
Còn như chùa là chỗ thanh vắng trong sạch, không vướng nhiễm sự trần, mà người ở trong đó tức là người đã dứt dây ân ái, đã chán mối danh lợi, đã ghê chốn thị phi và đã nhàm cảnh phiền-não ; mỗi bữa rau đồng nước suối nuôi sống huyễn thân, hằng năm trăng giới đèn thiền soi luôn tự tánh ; thế là người ở chùa vẫn có cái tánh cách siêu việt hơn người ở nhà như một trời một vực, mà sao đây Tổ lại nói : “không cần phải ở chùa” ? – Nếu đã không cần ở chùa, thì người ở chùa ấy cũng không có chi là đặc biệt, vì vậy mà phát sanh ra cái nghi tướng.
Nhưng có dè đâu chùa với nhà chẳng qua cũng một tiền trần khu biệt, để chia riêng một bên lo pháp xuất thế và một bên làm việc thế gian đó thôi ; thiệt ra cái công năng hành đạo chính ở nơi người, chớ chùa với nhà không có ảnh hưởng gì trong đó cả.
Nếu người ở nhà mà có cái tánh cách siêu trần, mỗi việc hành vi đều khế hợp với chơn lý đạo Phật, không đắm danh đắm lợi, không mê cảnh mê duyên, ngoài cái trách nhiệm “tự lợi lợi tha”, không có một việc gì hệ lụy trong tâm trí, người ở nhà như vậy tức là cái chùa không khác !
Còn như người ở chùa mà quên bổn phận xuất gia, cứ lo công chuyện ứng-phú cùng năm mãn tháng tính lợi toan danh, lấy cơm tiền của thí-chủ làm kế nuôi thân, mượn y-phục của Như-Lai làm nghề buôn Phật, gia dĩ kinh không thông luật không hiểu, Phật không niệm, giới không trì, mãi ra vào trong cửa trần lao, mà chịu với cái đời sống say chết ngủ, người ở chùa như vậy chẳng khác gì người ở nhà, mà cái chùa như vậy dầu kêu là cái nhà cũng không có chi làm lạ. – Cho nên đây Tổ nói : “Ở nhà mà tu cũng được, không cần phải ở chùa” là thế.
 
(8) Tâm bằng : là nói cái tâm bình đẳng ; – Tâm đã bình đẳng, tức là coi vật với ta đồng thể, oán với thân in nhau thì có đâu làm sự sát sanh hại vật mà phải giữ giới “sát” ; – Tâm đã bình đẳng, tức là không phân biệt nhơn ngã, của người cũng như của ta, thì có đâu làm sự trộm cắp mà phải giữ giới “đạo” ; – Tâm đã bình đẳng, tức là không có phân biệt tướng nam tướng nữ, thì có đâu làm sự dâm dục mà phải giữ giới “dâm” ; – Tâm đã bình đẳng, tức là không phân biệt bỉ thử, thì có đâu láo dối lẫn nhau mà phải giữ giới “vọng”, vân vân… Vậy nên nói : “Tâm bằng chẳng cần giữ giới.”
(9) Hạnh thẳng : là nói : Cái hạnh tu theo tâm ngay thẳng cao nên nghĩa “hạnh thẳng” (hạnh trực) nói đây cũng như nghĩa ”tâm thẳng” (trực tâm) nói trong kinh Lăng-Nghiêm và Duy-Ma-Cật.
Kinh Lăng-Nghiêm nói : “Mười phương Như-Lai đều lấy cái tâm thẳng mà ra khỏi sanh tử và đồng chứng đạo vô thượng Bồ-đề.” – Cái tâm mà nói rằng thẳng là từ lúc phát tâm đến lúc rốt ráo trongkhoảng trải qua hai mươi lăm vị Bồ-đề, trước sau hằng không có tướng vạy vọ.
Kinh Duy-Ma-Cật nói : “Tâm thẳng là đạo tràng, tâm thẳng là tịnh độ.” – Cho nên “hạnh thẳng nào đợi tu thiền” – Bởi vì thiền là thiền na (tiếng Phạm), chữ Tàu gọi là tịnh tự nghĩa là yên-lặng sự lo nghĩ ; mà cái hạnh thẳng, tâm thẳng thì không có các thứ vọng tưởng điên đảo, tức là : thiền, chớ còn phải tu gì nữa.
(10) Giùi cây ra lửa : “Cây” là dụ : thân ngũ uẩn – “lửa” là dụ : Phật tánh, là nói : Phật tánh ở nơi thân ngũ-uẩn, tức như ngài Vĩnh-Gia thiền sư nói : “Vô minh thiệt tánh tức là Phật tánh, huyễn hóa không thân tức pháp thân” vậy.
(11) Bùn lầy chắc trổ bông sen : “Bùn lầy” là dụ : phiền não, – “bông sen” là dụ Bồ-đề, – là nói Bồ-đề ở trong phiền não mà phiền não không nhiễm được cái thể sáng suốt, cũng như bông sen ở trong bùn mà bùn không nhơ vấy được cái thể thơm sạch vậy.
(12) Lương-dược : là thuốc hay ; – thuốc hay tuy đắng miệng mà đả tật.
(13) Trung-nghiên : là lời nói ngay, lời nói ngay tuy trái tai mà lợi cho việc làm.
(14) Đổi lỗi ắt sanh trí-huệ : “Lỗi” là các thứ : tham, sân, si, phiền não, hay làm cho người che lấp cái trí-huệ bản hữu ; mà đổi lỗi tức là diệt trừ các thứ phiền não, thì trí-huệ phát sanh.
(15) Che dở tâm đâu phải hiền : là nói : Những người làm quấy mà che giấu không cho ai biết, tức là tâm chưa chừa đổi và sự quấy càng ngày càng tăng thêm, thì người ấy không phải là người có lòng nhơn hiền.
(16) Thành đạo chẳng tại thí tiền : là nói : Nếu muốn thành đạo vô thượng Bồ-đề, thì phải diệt trừ cho hết các thứ căn bản phiền não và chi mạt phiền não, tự nhiên tâm trí mở mang, tức là hoàn lại cái bản thể sáng suốt mà gọi là : thành đạo ; chớ thành đạo đâu phải tại nơi phước đức thí tiền vì phước đức ấy chẳng qua chiêu cảm cái tiểu quá ở cõi Nhơn-Thiên là cùng, mà rồi có ngày phải hết.
(17) Bồ-đề do tâm tìm thấy, nhọc chi ngoài tánh cầu huyền : là nói : Bồ-đề tức là tâm tánh, tâm tánh tức là bồ-đề không phải ngoài tâm tánh mà kiến bồ-đề diệu đạo được, cầu cái đạo huyền diệu ở ngoài tâm tánh, tức là vọng tưởng.
Cho nên kinh Lăng-Nghiêm nói : “Hết thảy chúng-sanh từ vô thỉ nhẫn lại, sanh tử nối nhau, đều bởi chẳng biết chơn tâm thường trụ, tánh thể sáng sạch, mà trở lại dùng các thứ vọng tưởng ; vì cái tưởng ấy chẳng thiệt, cho nên có sự luân chuyển.”
(18) Thiên-đường trông thấy nhãn tiền : là nói : Nếu y theo bài tụng ấy mà tu, Thiên đường hiện trước mặt, không phải ở xa đâu mà tìm. – Nhưng phải biết nghĩa “thiên đường” nói đây là tùy thuận theo các thường kiến thế gian cho Thiên đường là chỗ tột bực vui vẻ mà Tổ nói thế ; thiệt ra câu nói Thiên đường ấy là chỉ về một cõi an-lạc cũng như nói Phật quốc, chớ không phải đích chỉ về cõi Trời.
Coi như trước khi đọc bài tụng mà Tổ nói : “Ta đối với đại chúng làm ra bài tụng vô tướng ; cứ y theo đó mà tu, thì thường cùng với ta cùng ở một chỗ”, thì đủ rõ. – Vì bài tụng đã kêu ta là “vô-tướng”, thì lẽ nào tu theo bài tụng vô tướng mà lại cầu thấy cõi Trời ; huống chi Tổ đã nói “Tu theo đó thì đồng ở với ta một chỗ”, tức là chỗ chơn tế tháo nghệ cũng như Tổ rồi, thì lẽ nào còn bảo người lấy Thiên đường làm chỗ y-thác.

 

Xem mục lục