Đức Phật nói về thuyết duyên khởi: tham sinh ái (lòng tham sinh ra các thứ nhị nguyên, được ưa thích hay ghét bỏ), ái sinh thủ (để làm duyên nắm giữ), từ thủ sinh ra hy vọng và ước muốn sinh hữu trong cõi dục (kiếp này và kiếp sau)… Chưa xếp thành 12 duyên khởi như hình thức về sau, nhưng đã cho thấy thế giới này vận hành trên lòng tham. Nghĩa là, dứt bỏ tâm tham, là giải thoát.
Trong kinh này có chữ “danh” và “sắc” -- trong đó “danh” là dịch từ chữ “nama” -- tức là vận hành của tâm; và chữ “sắc” là dịch từ chữ “rupa”… Hầu hết dịch giả dịch chữ “sắc” là “form” hay “appearance”… Hiện tượng “xúc” (contact, hay touch) khởi lên là khi con mắt gặp sắc (hình tướng, cơ thể, hay đối tượng của ý căn), sẽ sinh khởi nhãn thức. Lúc đó, phán đoán so đo “ưa/không ưa” có thể khởi dậy, sẽ sinh ra nắm giữ (thủ) để làm “cái của tôi” và như thế là rơi vào sinh tử. Tương tự với tai nghe tiếng…
Danh và sắc có khi còn được dịch là tâm và thân. Tuy nhiên, chữ thân không riêng chỉ cơ thể người. Vì sắc được hiểu là đối tượng của tâm, tức là: cái được thấy, cái được nghe… cái được suy nghĩ tư lường. Nghĩa là, cơ thể, núi sông, biển rừng… đều là thân. Và “khái niệm” (cái được suy nghĩ tư lường) cũng là thân. Câu hỏi trong bài Kệ 873 là “làm sao để thân biến mất” cũng có nghĩa là, làm sao để “vô niệm” – do vậy, Kinh Sn 4.11 có thể được hiểu đầy đủ qua ngôn ngữ Pháp Bảo Đàn Kinh của ngài Huệ Năng. Câu trả lời là bài Kệ 874, nói rằng biết mà không phải là biết, mà cũng không phải là không biết…
Do vậy, khi Thiền Tông nói rằng phải thấy “Thực tướng không thân, tức Pháp thân” thì chữ “thân” có nghĩa là “tất cả những cái được thấy nghe… tư lường” đều được thấy rỗng rang duyên khởi, và đó chính là thấy được Pháp thân.
Nhưng Pháp (Dhamma, Dharma) nơi đây là gì? Pháp chính là Luật duyên khởi, vì từ đó thế giới thân tâm vận hành. Khái niệm Ngộ của Thiền Tông có lẽ xuất phát từ chữ Biết, hay Nhận Ra. Bài kệ 877 trong kinh này nói rằng người tu phải khảo sát Luật duyên khởi, và khi Ngộ xong thì tự động xa lìa tranh cãi. Như thế, chữ Tự Tánh trong Thiền Tông của Huệ Năng, hẳn là chữ Pháp trong các bản kinh cổ.
Đức Phật nơi đây không dạy Vipassana như hình thức của thế kỷ 21 ở Hoa Kỳ (như: khi đi thì biết đi, ngồi biết ngồi, ngứa biết ngứa, lạnh nóng thì biết lạnh nóng; khi khởi niệm vui, buồn, ưa, ghét thì biết khởi niệm vui, buồn, ưa, ghét). Đức Phật nơi đây không dạy niệm, mà dạy phải tỉnh thức để Khảo Sát (investigate), để ngộ ra Pháp, nghĩa là một phương pháp tỉnh thức, nhìn vào nơi sinh khởi tâm -- tương tự như pháp Tham Thoại Đầu khi ngài Hư Vân dạy nhìn xem tận gốc câu “Niệm Phật là ai?”
Trích từ bài kệ 877 (viết theo văn xuôi để dễ đọc):
… người trí sẽ khảo sát luật duyên khởi. Biết xong (ngộ xong), người giải thoát không tham dự tranh cãi. Người trí không còn dính gì nữa với hữu/vô, sinh/diệt.
Bản Fronsdal: A sage investigates conditionality. Knowing, the liberated one doesn’t get into disputes; This wise one doesn’t associate with becoming or not-becoming.
Bản Thanisarro: …the sage, ponders dependencies. On knowing them, released, he doesn't get into disputes, doesn't meet with becoming & not-: he's enlightened.
Bản Khantipalo: …having Known their dependence, the investigative Sage/since Liberated Knows, so no longer disputes, the wise one goes not from being to being.
Bản Bodhi: … having known the dependencies, the muni, the investigator, having known, liberated, does not enter disputes; the wise one does not come upon various states of existence.
Kinh này gồm các bài kệ từ 862 tới 877.
862 (Câu hỏi)
Từ đâu khởi lên các thứ gây gỗ, tranh cãi
tuyệt vọng, nỗi buồn, ích kỷ, tự hào
kiêu mạn, và lời nói xấu?
Từ đâu chúng khởi lên, xin trả lời với.
863 (Đức Phật)
Từ những gì được ưa thích sẽ hiện ra gây gỗ, tranh cãi
tuyệt vọng, nỗi buồn, ích kỷ, tự hào
kiêu mạn, và lời nói xấu.
Gây gỗ và tranh cãi nối kết với ích kỷ
Lời nói xấu hiện ra, khi tranh cãi khởi dậy.
864 (Câu hỏi)
Từ đâu khởi dậy những gì được ưa thích, trân quý
Từ đâu tâm tham khởi dậy và lan xa trên thế giới
Từ đâu khởi dậy những hy vọng và mục tiêu
mà người ta có, từ đó dẫn tới tương lai [kiếp sau của họ].
865 (Đức Phật)
Tham là duyên dẫn tới các thứ ưa thích, trân quý
Tham lan xa, vận hành khắp thế giới này
Tham ái khởi dậy những hy vọng và mục tiêu
mà người ta có, từ đó dẫn tới tương lai [kiếp sau của họ].
866 (Câu hỏi)
Trong cõi này, từ đâu duyên khởi ra lòng tham
ra các phán đoán [tức là, so đo lựa chọn vì tham]
ra giận dữ, ra lời nói dối, ra tâm ngờ vực bất định
và các tâm mà bậc Ẩn Sĩ đã nói tới?
867 (Đức Phật)
Tham khởi dậy từ các phán đoán so đo
‘cái này quyến rũ [để ưa thích], hay là không’ trong thế giới
Thấy các sắc tướng hiện ra [sinh] và biến mất [diệt],
họ khởi dậy phán đoán trong thế giới này.
868
Với giận dữ, lời nói dối, tâm ngờ vực bất định
và các pháp [tâm] như thế, cặp đôi so đo hiện ra.
Người ngờ vực nên rèn luyện trên đường học
vì từ nhận biết như thế, bậc Ẩn Sĩ đã nói ra các pháp như thế.
869 (Câu hỏi)
Từ đâu khởi dậy những gì quyến rũ và không quyến rũ?
Dứt bặt cái gì sẽ không khởi dậy các thứ ưa và không ưa đó?
Và cũng là những hiện tướng sinh và diệt
Xin nói rõ cho biết chúng khởi dậy từ đâu.
870 (Đức Phật)
Xúc là duyên khởi cho ưa và không ưa
Khi không có xúc, sẽ không khởi dậy ưa và không ưa
Tất cả các pháp hiện ra [sinh] và biến mất [diệt]
cũng đều có duyên khởi như thế.
871 (Câu hỏi)
Từ đâu trong thế giới này khởi dậy xúc
và từ đâu, tâm nắm giữ sở hữu khởi dậy?
Dứt bặt cái gì sẽ không khởi dậy “cái của tôi” đó?
Dứt bặt cái gì sẽ không khởi dậy “các xúc” đó?
872 (Đức Phật)
Các xúc dựa vào tâm, dựa vào sắc
Tham sẽ duyên cho nắm giữ (chấp thủ)
Khi không có tham, sẽ không có nắm giữ
Khi sắc biến mất, sẽ không khởi dậy xúc.
873 (Câu hỏi)
Với người tu, như thế nào để sắc tướng biến mất?
Làm sao để lạc và khổ biến mất?
Xin nói rõ về cách nào
để chúng biến mất?
874 (Đức Phật)
Sắc (sắc tướng, sắc thân) biến mất khi
không niệm các [khái] niệm
[mà cũng] không niệm vọng niệm
[mà cũng] không phải là vô niệm
[mà cũng] không niệm cái đã biến mất [tức, cái đã qua và chưa tới]
Sắc biến mất với người đạt được như vừa nói.
Vì tưởng là duyên cho các niệm phan duyên.
(Bài Kệ 874 dịch theo văn xuôi: Sắc biến mất khi chúng ta không khởi tưởng về các khái niệm, không khởi tưởng về các vọng niệm, cũng không phải không khởi tưởng, cũng không khởi tưởng về cái đã biến mất…)
875 (Câu hỏi)
Ngài đã giải thích những gì chúng tôi hỏi
Xin Ngài trả lời câu hỏi này nữa
Có phải các bậc trí nơi đây nói rằng vào lúc này
đó là sự thanh tịnh tối thắng của tinh thần
hay họ nói về những gì khác hơn đó?
876 (Đức Phật)
Các bậc trí nơi đây nói rằng vào lúc này
đó là sự thanh tịnh tối thắng của tinh thần
Nhưng một số bậc trí trong đó nói rằng
tối thắng thanh tịnh là khi dứt sạch những gì nắm giữ [vô sở trụ].
877
Biết rằng những pháp đó đều do duyên khởi
người trí sẽ khảo sát luật duyên khởi.
Ngộ xong, người giải thoát không tham dự tranh cãi
Người trí không còn dính gì nữa với hữu/vô, sinh/diệt.
Hết Kinh Sn 4.11