Sn 5.9: TODEYYA-MANAVA-PUCCHA
CÁC CÂU HỎI CỦA TODEYYA
Kinh này gợi nhớ tới Bát Nhã Tâm Kinh, trong đó nói rằng khi đã thấy tất cả các pháp đều rỗng rang, đều vô tự tánh, đều không tịch… thì sẽ không còn chút ái dục (với các căn), sẽ không còn chút tham, chút ước vọng nào (dù là muốn làm Phật, muốn làm Thánh). Chính nơi tịch lặng như thế là giải thoát tối thượng.
Bát Nhã Tâm Kinh viết về cái nhìn thực tướng vốn không tịch này:
“Này Xá Lợi Phất, Sắc chẳng khác không, không chẳng khác Sắc, Sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng lại như thế.
Này Xá Lợi Phất, tướng Không của các pháp không sinh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt. Cho nên trong tướng Không: không có Sắc, không có Thọ, Tưởng, Hành, Thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có Sắc (cái được thấy), Thanh (cái được nghe), Hương (cái được ngửi), Vị (cái được nếm), Xúc (cái được chạm xúc), Pháp (cái được suy nghĩ tư lường); không có nhãn giới, cho đến không có ý thức giới; không có Vô Minh (khởi đầu Luật Duyên Khởi), cũng không có Hết Vô Minh (kết thúc Luật Duyên Khởi); cho đến không có già chết, cũng không có hết già chết (sinh lão bệnh tử); không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo (Tứ Diệu Đế)…”
Trong Kinh Sn 5.9, Đức Phật nói ngắn gọn ý trên: “Người đó không có ước vọng, cũng không còn ước vọng … Người đó không sở hữu gì hết, cũng không dính mắc vào dục lạc và cõi sinh tồn này…”
Các vị đương cơ trong kinh đều là hàng thượng thừa. Do vậy, chư Tổ đời sau đều cảnh giác người đời sau cần hiểu tận tường, chớ vin vào lời, vào chữ mà ngộ nhận cái chỗ tịch lặng do duyên hợp với cái chỗ tịch lặng của giải thoát.
Trong Bích Nham Lục, Tắc Thứ 37, bản dịch HT Thích Mãn Giác có lời bình của cổ đức để cảnh giác: “...Nếu như ở đây nói rằng vô Phật vô pháp, tức lạc vào hang ma. Cổ nhân gọi là hố sâu của giải thoát. Vốn là thiện nhân song lại chiêu ác quả. Cho nên mới có câu nói rằng kẻ vô vi vô sự vẫn còn bị trói buộc bằng xích vàng. Cần phải hiểu tận thâm sâu mới được. Nếu như nói được những cái vượt qua ngôn ngữ, làm được những cái vượt qua hành động, đó gọi là chỗ chuyển thân. Tam giới vô pháp, cầu tâm ở đâu?”
Tóm lược ý kinh: Giữa dòng, hễ bước tới [ước vọng ái dục] sẽ chìm, lùi lại [ước vọng kình chống ái dục] sẽ chìm, đứng lại [mê mờ, không thấy Pháp] cũng chìm. Bậc trí tuệ không gì nắm giữ, với tâm vô sở trụ, tức khắc dòng sông ái dục khô cạn, nơi nào cũng là bờ.
Kinh này gồm các bài kệ từ 1088 tới 1091.
1088. [Todeyya] Với người không còn ái dục nữa, với người không còn chút tham nào nữa, với người đã vượt qua tất cả ngờ vực – như thế là loại giải thoát nào cho người đó?
1089. [Đức Phật]
Với người không còn ái dục nữa, với người không còn chút tham nào nữa, với người đã vượt qua tất cả ngờ vực – đó chính là giải thoát tối thượng.
1090. [Todeyya] Người đó không còn ước vọng nữa, hay vẫn còn ước vọng? Người đó đã có trí tuệ, hay cần tìm thêm trí tuệ nữa? Hỡi Đức Thích Ca, Người Nhìn Thấu Suốt Tất Cả, xin giang cho con để nhận biết một bậc trí tuệ.
1091. [Đức Phật]
Người đó không có ước vọng, cũng không còn ước vọng. Người đó đã có trí tuệ, cũng không còn tìm thêm trí tuệ nào nữa. Hỡi Todeyya, hãy Biết một Bậc Trí Tuệ là như thế này: người đó không sở hữu gì hết, cũng không dính mắc vào dục lạc và cõi sinh tồn này.
Hết Các Câu Hỏi của Todeyya