Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Sn 5.1: AJITA-MANAVA-PUCCHA — AJITA'S QUESTIONS
KINH Sn 5.1: CÁC CÂU HỎI CỦA AJITA

Đức Phật dạy rằng vô minh che phủ thế giới, cho nên ánh sáng bị ngăn che. Các dòng nước (sinh, già, bệnh, chết) chảy khắp nơi, chỉ có thể bị ghìm lại bởi tỉnh thức/chánh niệm (mindfulness), và bị ngưng chảy bởi trí tuệ (wisdom). Và chỉ giải thoát (vắng lặng toàn bộ tâm/thân, danh/sắc)) khi tịch diệt xong ý thức (cessation of consciousness).

Kinh này gợi lên một số suy nghĩ. Có phải ánh sáng bị ngăn che là Phật tánh bị vô minh che? Tỉnh thức/chánh niệm (hai chữ này sẽ dùng nghĩa tương đương trong kinh này, vì cùng hướng về giải thoát; trong khi, đời thường, mindfulness có khi dùng cho tà hạnh, như để huấn luyện lính bắn tỉa) chỉ có thể ghìm được dòng nước tham dục, nhưng trí tuệ mới ngăn hoàn toàn (vì nước = tham). Và giải thoát là khi tịch diệt ý thức.

Tới đây, phải nói về cách dịch một chữ trong câu “Tham cầu là ô nhiễm của nó” trong bài Kệ 1033. Ngài Minh Châu dịch là “mong cầu,” Bodhi dịch là “hankering,” Khantipalo, Ireland và Thanissaro dịch là “longing,” Anandajoti dịch là “hunger.”

Chữ đó có nghĩa đói, thèm, muốn, mong cầu… nghĩa là nên rời dính mắc cả 4 loại thức ăn:    

-- đoàn thực (thức ăn nuôi thân, thô hay tế),

-- xúc thực (các pháp tiếp xúc với mắt tai mũi lưỡi thân ý),

-- tư niệm thực (ước muốn trong tâm),

-- thức thực (thức là duyên để sinh khởi ra danh/sắc, ra tâm/thân).

Bài Kệ 1037 trong kinh này nói là phải “tịch diệt thức, đoạn tận thức,” có thể đối chiếu với Thiền Tông. Cũng chính như thế, mới thành tựu cả Vắng Lặng (Chỉ - Samatha) và Tỉnh Thức (Quán - Vipassana), theo bài Kệ 1039. Nhưng thế nào để đoạn diệt thức? Chỉ cần thấy Tánh, trong Tạp A Hàm nói là thấy Pháp Duyên Khởi, thì tự khắc thấy các pháp đều rỗng rang và thức không còn duyên vào đâu mà tồn tại.

Có thể tham khảo với Kinh Tạp A-Hàm, Quyển 14 (354 - 364), bản dịch của quý Thầy Thích Đức Thắng và Tuệ Sỹ, trong nhóm 3 Kinh 359, 360, 361 Tư Lương (1) (2) (3) có lời Đức Phật dạy:

“Nếu suy lường, vọng tưởng thì chắc chắn sẽ bị sai sử khiến thức duyên níu mà tồn tại. Vì có chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó nhập vào danh sắc. Vì nhập vào danh sắc nên có sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai và tập hợp thuần một khối khổ lớn.

“Nếu không suy lường, không vọng tưởng thì sẽ không bị sai sử khiến thức duyên níu mà tồn tại. Vì không có chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó không nhập vào danh sắc; vì không nhập vào danh sắc nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai bị diệt và thuần một khối khổ lớn như vậy bị diệt.”

Do vậy, thấy rõ Thiền Đạt Ma cũng bắt nguồn từ Kinh Tập của Tạng Nikaya và từ Kinh Tạp A Hàm của Hán Tạng.

Tóm lược ý kinh: Trước tiên, phải lìa tham muốn. Pháp hành là: Tỉnh thức sẽ làm chậm dòng lũ, trí tuệ sẽ ngăn dòng lũ, và đoạn tận thức sẽ giải thoát.

Kinh này gồm các bài kệ từ 1032 tới 1039.

1032. [Ajita] Thế giới này bị những gì bao phủ? Sao nó không chiếu sáng ra được? Xin ngài nói cái gì làm nó ô nhiễm? Nỗi sợ lớn của thế giới là gì?

1033. [Đức Phật] Vô minh bao che thế giới này. Nó không chiếu sáng được vì ngăn che bởi tham dục và không tỉnh thức (không được thấy như nó là). Tham cầu là ô nhiễm của nó. Ta nói, khổ là nỗi sợ lớn của thế giới.

1034. [Ajita] Các dòng nước chảy tràn khắp nơi. Xin ngài dạy cách nào ngăn các dòng nước, và làm sao dứt toàn bộ các dòng nước.

1035. [Đức Phật] Hỡi Ajita, với bất cứ dòng nước nào trên thế giới, chánh niệm sẽ ghìm hãm các dòng nước, trí tuệ sẽ đóng hẳn các dòng nước.

1036. [Ajita] Bạch Thế Tôn. Trí tuệ, và chánh niệm. Xin dạy cho con: danh và sắc (tâm và thân) khi nào tịch diệt.

1037. [Đức Phật] Câu hỏi ngươi đưa ra, Ajita, ta sẽ trả lời. Tâm và thân tịch diệt không dư tàn là khi đoạn diệt thức, nơi này nó ngưng hẳn.

1038. [Ajita] Những ai đã nhận ra Pháp nơi đây (đã vào bậc vô học), và những ai đang tu học nơi đây (còn ở bậc hữu học), họ đang hành trì ra sao, con xin hỏi Đức Thế Tôn.

1039. [Đức Phật] Vị đó chớ ham muốn thọ lạc, hãy giữ tâm tịch lặng, khéo léo trong tất cả các pháp, sống hạnh du tăng tỉnh thức.

Hết Các Câu Hỏi của Chàng Thanh Niên Ajita

Xem mục lục