III. HAI THỨ CĂN BẢN
Kinh : Phật bảo Ông Anan : “Hết thảy chúng sanh từ vô thủy đến nay, đủ thứ điên đảo, mầm giống Nghiệp tự nhóm lại như chùm quả ác xoa. Những người tu hành không thành được Bồ Đề Vô Thượng, đến nỗi riêng thành Thanh Văn, Duyên Giác hoặc thành ngoại đạo, Chư Thiên, Ma Vương, hay bà con quyến thuộc của Ma. Tất cả đều do không biết hai loại căn bản, lầm lộn tu tập, cũng như nấu cát mà muốn thành món ngon, dầu trải qua số kiếp nhiều như bụi, rốt cũng chẳng được.
“Thế nào là hai loại căn bản ? Anan, một là, Cội Gốc (Căn Bản) của Sanh Tử vô thủy. Tức là ông hiện giờ và các chúng sanh dùng cái tâm Bám Níu Theo Duyên (Tâm Phan Duyên) mà làm Tự Tánh. Hai là, cái Thể bản lai thanh tịnh Bồ Đề Niết Bàn vô thủy. Tức là cái Chân Tâm vốn sáng soi của ông hiện giờ, hay sanh các duyên nhưng ông lại duyên theo các tướng duyên đó mà bỏ quên nó. Vì các chúng sanh bỏ quên cái Vốn Tự Sáng này nên tuy trọn ngày sử dụng nó mà chẳng tự biết, uổng oan lạc vào sáu nẻo.
Thông rằng : Bảy chỗ bày cái tâm, đều là chẳng phải, vì dùng Tâm Phan Duyên làm tự tánh.
Ông Anan cũng biết cái tâm này chưa được Vô Lậu, không chiết phục nổi chú Ta Tỳ La, mà còn bị nó chuyển. Ông nói : “Nguyên do là vì không biết chỗ vào Chân Tế, là cũng đã lờ mờ trộm thấy cái Thể trong sạch của Bồ Đề Niết Bàn (Niết Bàn là Tịch Diệt), nên xin Phật chỉ bày. Do đó, Thế Tôn phân tích rõ ràng mà dạy cho. Trước, Phật đã dạy : Dùng các vọng tưởng, các tưởng này chẳng chân thật, nên mới bị luân chuyển. Điều đó, ở đây Ngài dạy : Dùng Tâm Phan Duyên mà làm Tự Tánh, đó là cái gốc rễ của sanh tử từ vô thủy đến nay vậy. Trước, Phật dạy: Đều chẳng biết cái Chơn Tâm chẳng sanh chẳng diệt, tánh nó chẳng ô nhiễm, thể nó vốn sáng suốt. Tức ở đây là : Bồ Đề Niết Bàn, vốn thể nó trong sạch, đó là gốc rễ chẳng sanh chẳng diệt xưa nay vậy.
Xoay chuyển nơi sống chết : Hoặc, Nghiệp, Khổ ba thứ này sanh ra, đồng nhau tụ hợp giống như chùm trái ác xoa. Không những Thiên Ma, ngoại đạo chắc chắn ở trong luân hồi, mà ngay cả Thanh Văn Duyên Giác tu tập lầm lộn, đều gọi là điên đảo.
Tại sao thế ? Vì lấy Sanh Diệt làm Nhân Địa tu hành vậy. Mà cái Nguyên Minh vốn sáng soi, sinh ra các duyên thì vốn tự chẳng sanh chẳng diệt, chỉ vì duyên theo cái Sở mà bỏ quên nó.
Như đoạn sau, kinh nói rằng “Tánh Nguyên Minh ấy chiếu mà sanh ra cái Sở. Cái Sở đã riêng lập thì Tánh Chiếu Soi bị bỏ quên”, thì ý chỉ cũng giống đoạn này. Đấy tức là nguyên do sanh ra các vọng tưởng, mà đã lạc vào vọng tưởng, bèn mất đi Bản Tánh. Quên mất cái Nguồn Gốc Sáng Suốt này, nên rơi vào các nẻo, mà không thành Bồ Đề Vô Thượng.
Có vị khách làm Thượng Thơ ra mắt Tổ Trường Sa.
Tổ Sa gọi : “Thượng Thơ !”
Vị này lên tiếng dạ.
Tổ Sa nói : “Đã chẳng phải là bổn mạng Thượng Thơ đó sao ?”
Thượng Thơ rằng : “Chẳng thể lìa bỏ. Nhưng nay vừa đối diện, lại riêng có chủ nhân thứ hai rồi”.
Tổ Sa nói : “Gọi Thượng Thơ là Chí Tôn được không ?
Nói rằng : “Như thế, suốt cả khi không đối, đã không phải là chủ nhân của đệ tử sao ?”
Tổ Sa nói : “Chẳng phải chỉ khi đối hay không đối, mà từ đời vô thủy đến nay, đó là cái Căn Bản sanh tử của ông vậy”.
Lại tụng rằng :
“Cái người học đạo chẳng biết Chân
Chỉ bởi xưa nay nhận Thức Thần
Gốc rễ tử sanh, từ vô thủy
Kẻ si lại gọi Bổn Lai Nhơn”.
(Học đạo chi nhơn bất thức Chơn
Chỉ vị tùng lai nhân Thức Thần
Vô thủy kiếp lai sanh tử bổn
Si nhơn hoán tác Bổn Lai Nhơn).
Như vậy thì chủ nhơn xưa nay, do đâu mà biết ???
Phẩm Xuất Hiện của kinh Tạp Hoa nói : “Phật tử, không có chúng sanh nào mà không vốn đủ Trí Huệ Như Lai, chỉ vì bám giữ lấy vọng tưởng điên đảo mà chẳng chứng(101) được. Nếu lìa vọng tưởng, thì Nhất Thiết Trí, Tự Nhiên Trí, Vô Ngại Trí, tự hiển bày trước mắt”.
Ngài Thiên Đồng tụng :
“Trời che đất chở, nên khối, thành hòn
Khắp pháp giới nhưng không bờ mé
Chẻ lân hư mà không ở trong
Nuốt trọn huyền vi
Nào phân sau, trước.
Phật, Tổ đến đây trả nghiệp miệng
Hỏi lấy Nam Tuyền, Vương Lão Sư(102)
Người người ăn chỉ rau, một cọng”.
Đã là chuyện ai ai cũng có, sao chẳng thể cùng chứng Bồ Đề mà đến nỗi riêng thành Thanh Văn, Duyên Giác ?
Kinh Viên Giác nói : “Tất cả chúng sanh vọng thấy có lưu chuyển. Chán ghét lưu chuyển, lại vọng thấy có Niết Bàn. Do vậy mà chẳng nhập vào cái Giác vốn trong sạch. Chẳng phải Giác cản chống lại người-nhập. Vì, chỉ có người-nhập, chẳng phải cái Giác có sự nhập”.
Nhưng, biết chọn giữ lấy cái Căn Bản Không Sanh Không Diệt, ngoài sự đại triệt ngộ, thì không thể.