III. NGHI LÀ NHÂN DUYÊN
Kinh : Ông Anan thưa : “Chắc là cái Tánh Thấy mầu nhiệm này Tánh nó chẳng phải là Tự Nhiên, thì nay tôi phát minh là nói do Nhân Duyên sanh, nhưng tâm trí còn chưa rõ, xin hỏi Như Lai, nghĩa lý thế nào cho hợp với Tánh Nhân Duyên ?”
Thông rằng : Ông Anan thường nghe Thế Tôn lấy Nhân Duyên phá Tự Nhiên. Giờ đây, cái Tánh Thấy này đã chẳng phải là Tự Nhiên, ắt phải thuộc về Nhân Duyên. Bèn nghi cái nghĩa Nhân Duyên : vô thường, sanh diệt, đây có, kia không, thể chẳng thường khắp. Thế thì há đồng với Giác Tánh lặng trong thường trụ sao ? Hành tướng trái nhau, làm sao hợp với Tánh Nhân Duyên ? Cái nghi này rất vi tế. Luận Trung Quán nói : “Không có vật gì từ Duyên mà sanh khởi. Không có vật gì theo Duyên mà diệt mất. Khởi chỉ là các Pháp khởi. Diệt chỉ là các Pháp diệt”. Cũng như vẽ trên nước thành chữ, chưa từng sanh ra hay diệt mất. Như thế thì làm sao mà hợp với tính nhân duyên ?
Thiền sư Báo Ân Minh thường nêu lên bài Minh ở tháp của Ngài Tuyết Phong mà hỏi các vị lão túc : “Phàm từ Duyên mà có : trước sau đều thành, hoại. Chẳng từ Duyên mà có : trải kiếp vẫn lâu bền. Bền chắc với hư hoại, dẹp qua một bên ! Ngài Tuyết Phong ngày nay ở tại chỗ nào ?”
Ngài Pháp Nhãn riêng nói rằng : “Chỉ nay, đấy là thành, đấy là hoại !”
Các bậc lão túc đương thời chẳng thể đối đáp.
Chỗ này há có thể lấy sự nông cạn mà dòm ngó sao ?