Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

B. THU THỌ ẤM

Kinh : “Anan, ví như có người tay chân yên ổn, năm vóc điều hòa, bỗng như quên mình, không có gì là trái là thuận. Người ấy khi không lấy hai bàn tay xoa nhau giữa hư không, thì nơi hai bàn tay ấy giả dối sanh ra những Cảm Xúc trơn rít, lạnh nóng. Nên biết Thọ Ấm cũng lại như thế.

“Anan, các Cảm Xúc giả dối kia không phải từ hư không mà đến, không phải từ bàn tay mà ra. Thật vậy, Anan, nếu từ hư không mà đến thì đã sanh Cảm Xúc nơi bàn tay, sao lại không sanh Cảm Xúc nơi thân thể, không lẽ hư không lại biết lựa chỗ để sanh ra Cảm Xúc ? Nếu như từ bàn tay mà ra, thì lẽ ra không cần hai tay phải hợp lại. Lại đã từ bàn tay mà ra thì khi bàn tay hợp lại, biết có Cảm Xúc, đến khi bàn tay rời ra thì Cảm Xúc phải chạy vào, và xương tủy cánh tay phải biết đường vào của Cảm Xúc. Rồi hẳn phải có tâm hay biết, biết ra, biết vào và phải có một vật gì đi lại trong thân, sao lại phải chờ đến hai tay hợp lại mới gọi là Cảm Xúc ?

“Vậy, nên biết rằng : Thọ Ấm hư vọng, vốn chẳng phải tính Nhân Duyên, chẳng phải tính Tự Nhiên.

Thông rằng : Trong cái Tạng Tánh không có các lãnh thọ. Khởi ra xúc tình nơi Cảnh, đem Cảnh vào tâm thì gọi là Thọ. Cho nên lấy hai tay xoa vào nhau thì hư vọng sanh ra trơn rít, lạnh nóng... Lạnh nóng vốn không có, do tiếp xúc mà có, nên gọi là huyễn xúc. Nếu Thọ Ấm do Nhân Duyên hay Tự Nhiên mà sanh thì không thể gọi là hư vọng. Nay Thọ chẳng phải từ hư không cũng chẳng phải từ bàn tay, tức là chẳng phải Nhân Duyên. Phải chờ hợp lại mới biết tức là chẳng phải Tự Nhiên. Chẳng phải Nhân Duyên, chẳng phải Tự Nhiên, đương thể Tịch Diệt. Vốn tự chẳng sanh thì không phải là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh sao ? Gọi là Nhiệm Mầu (Diệu), vì Thọ mà thật chẳng Thọ.

Đức Thế Tôn nhân có vị Phạm Chí Trường Trảo đến để nghị luận, và cam đoan trước rằng : 

“Nếu cái nghĩa của tôi rớt, tôi sẽ tự chặt đầu”.

Thế Tôn nói : “Nghĩa của ông lấy gì làm Tông ?”

Ông Phạm Chí đáp : “Tôi lấy “Tất cả đều chẳng lãnh thọ làm Tông”.

Thế Tôn nói : “Cái Thấy đó có thọ không ?”

Vị Phạm Chí phất tay áo bỏ đi. Đến giữa đường, ông bèn tỉnh ngộ mà bảo với đệ tử rằng : “Ta phải trở lại dâng đầu cho Thế Tôn !”

Các đệ tử nói : “Trước đại chúng trời, người, Ngài đã thắng cuộc, sao lại chém đầu ?”

Ông đáp : “Ta thà ở trước người Trí mà chém đầu còn hơn ở giữa người vô Trí mà đắc thắng”. 
Rồi than rằng : “Nghĩa của ta bị rớt vào cả hai chỗ : Cái Thấy mà có thọ, là rơi vào phần thô. Cái Thấy mà không thọ, là rơi vào phần tế. Tất cả trời, người và hàng Nhị Thừa đều chẳng biết chỗ rơi kẹt của cái nghĩa ta đưa ra. Chỉ có Thế Tôn và các Đại Bồ Tát biết được cái nghĩa của ta bị rớt”.

Bèn trở lại chỗ Thế Tôn và thưa rằng : “Nghĩa của tôi bị rớt kẹt ở hai nơi, xin tự chặt đầu dâng Ngài”.

Đức Thế Tôn dạy : “Trong pháp của ta không có việc như vậy. Ông nên hồi tâm mà hướng về đạo”.

Ông Phạm Chí bèn cùng năm trăm đệ tử xuất gia theo Phật và chứng A La Hán.

Ôi, Thọ Ấm vi tế đến như vậy, đâu dễ gì phá !

Xem mục lục