Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

II. TUYÊN THUYẾT THẦN CHÚ

Kinh : Ông Anan đảnh lễ chân Phật, bạch rằng: “Từ khi xuất gia, tôi ỷ lại sự thương yêu của Phật, vì cầu sự đa văn nên chưa chứng vô vi. Gặp sự trói buộc của tà thuật Phạm Thiên, tâm tuy sáng suốt mà sức chẳng tự do. Nhờ gặp Ngài Văn Thù khiến tôi được giải thoát. Tuy nhờ Phật Đảnh Thần Chú Như Lai âm thầm giúp sức, nhưng chính mình chưa được nghe. Mong Bậc Đại Từ tuyên thuyết trở lại, thương xót cứu giúp cho những người tu hành trong hội này cho đến những người còn trong luân hồi ở đời sau nhờ mật âm Phật mà thân ý giải thoát”.

Khi ấy, hết thảy đại chúng trong hội đều làm lễ, chờ nghe chương cú bí mật của Như Lai.
Bấy giờ, Thế Tôn từ đảnh phóng ra hào quang trăm báu, trong hào quang phóng ra hoa sen báu ngàn cánh, có Hóa Thân Như Lai ngồi trong hoa sen, đảnh phóng mười đạo hào quang trăm báu, mỗi mỗi hào quang đều thị hiện khắp mười hằng hà sa Kim Cang Mật Tích đỡ núi, cầm chữ khắp cõi hư không. Đại chúng ngước trông, sợ mừng hòa lẫn, xin Phật thương che, nhất tâm lắng nghe Như Lai Vô Kiến Đảnh Tướng phóng quang Phật tuyên thuyết Thần Chú.

Thông rằng : Vì sao Thần Chú có thể khiến Ông Anan tức thời giải thoát ? Bởi vì Vô Kiến Đảnh Tướng phóng quang Như Lai tức là thị hiện của Diệu Trạm Tổng Trì Thủ Lăng Nghiêm Vương vậy. Cái ấy đã hằng giữ được tánh trong lặng nên hóa giải cái phân chia Tánh trong lặng, đã kiên cố nên phá tan cái chẳng kiên cố. Như lửa làm tiêu băng tự có cái lý thầm lặng mà thắng đoạt vậy. Sau là Kim Cang Bồ Tát, tâm tinh thuần thì lặng lẽ nhanh chóng phát mở thần thức kẻ kia, người ấy bấy giờ tâm có thể ghi nhớ, đắc túc mạng thông. Huống gì thần lực Như Lai toàn khắp hằng sa thế giới, đâu đâu cũng quang minh, đâu đâu đều giải thoát. Các thứ tà thuật cũng như bụi tuyết rớt vào lò lửa hồng, lập tức tiêu tan.

Ông Cung Phụng Hạo Nguyệt hỏi Tổ Trường Sa Sầm : “Như sao là Đà La Ni ?”
Tổ Sa chỉ phía bên mặt thiền sàng, nói : “Cái ấy sư tăng tụng được đấy”.
Hỏi rằng : “Lại còn ai khác tụng được chăng ?”
Tổ Sa lại chỉ phía bên trái thiền sàng, nói : “Cái ấy sư tăng cũng tụng được đấy”.
Hỏi rằng : “Vì sao tôi chẳng có nghe ?”
Tổ Sa nói : “Đại Đức há chẳng nghe nói, “Chân tụng không vang, chân thính(02) không nghe”, ư ?
Hỏi rằng : “Như thế thì âm thanh chẳng nhập pháp giới tánh vậy ?”
Tổ Sa nói : “Lìa Sắc cầu thấy, chẳng phải Chánh Kiến. Lìa Thanh cầu nghe, đó là nghe tà”.
Hỏi rằng : “Như sao là “Chẳng lìa Sắc là Chánh Kiến; chẳng lìa Tiếng là Thật Nghe” ?”
Tổ Sa khai thị bằng bài kệ :

“Đầy mắt vốn chẳng phải sắc
Tràn tai vốn chẳng phải thanh
Văn Thù thường chạm mắt
Quan Âm bịt Nhĩ Căn
Hiểu ba (Thân) nguyên một thể
Đạt bốn (Trí) vốn đồng Chân
Rõ ràng Pháp Giới Tánh
Không Phật cũng không nhân(03)”.

Thế biết, chỗ Tổ Trường Sa nói là Pháp Giới Tánh bèn tùy chỗ mà tuyên tụng Chú Đà La Ni. Cái ấy thật không Phật cũng không người thì chốn nào có được ma sự ư ?  

Xem mục lục