A Nan nghiêm chỉnh y phục, ở trong đại chúng chấp tay đảnh lễ, tâm tư tròn sáng, vừa mừng vừa tủi. Vì muốn làm lợi ích cho các chúng sanh đời vị lai nên cúi đầu bạch Phật: Đại bi Thế Tôn, nay con đã ngộ pháp môn thành Phật nên ở trong đó không còn nghi lầm. Con thường nghe Như Lai dạy như vầy, mình chưa được độ, trước muốn độ người, là sự phát tâm của các Bồ tát. Tự giác đã tròn, thường giác cho người, là sự ứng thế của Như Lai. Con tuy chưa được độ, song nguyện độ tất cả chúng sanh đời mạt thế.
Bạch Thế Tôn, các chúng sanh ấy cách Phật ngày càng xa, tà sư thuyết pháp nhiều như cát sồng Hằng, muốn nhiếp tâm họ vào Tam ma địa thì làm sao khiến họ an lập đạo tràng, lìa các ma sự, nơi Bồ đề tâm không lui sụt?
………………………………..
Ngài A Nan có tâm Bồ tát, mình chưa được độ trước muốn độ người, tuy chưa được độ nhưng nguyện độ tất cả chúng sanh các đời sau. Đây là vì các đời sau mà hỏi, chứ tự ngài đã rõ con đường về nhà. Tâm vươn tới, lo cho các đời mạt thế, tâm ấy phải rộng lớn bao la biết bao. Tâm càng ngày càng sâu rộng, đó là sự tu của Bồ tát.
……………………………………..
Bấy giờ Thế Tôn ở trong đại chúng khen ngợi A Nan: Lành thay, lành thay! Như chỗ ông hỏi về an lập đạo tràng, cứu vớt chúng sanh trầm luân trong đời mạt kiếp, nay ông hãy nghe kỹ, ta sẽ nói cho ông.
A Nan và đại chúng vâng nghe lời dạy.
Phật bảo A Nan: Ông thường nghe trong Luật tạng ta tuyên nói ba nghĩa quyết định của sự tu hành, đó là nhiếp tâm là Giới, nhân giới sanh Định, nhân định sanh Huệ. Ấy gọi là Ba vô lậu học.
………………………………….
Chỉ lấy ba câu kệ của ngài Văn Thù trong lựa căn viên thông là thấy Giới Định Huệ.
“Xoay cơ nghe điên đảo” : không cho cái nghe chạy theo thanh trần, đây là giới.
“Xoay nghe, nghe tự tánh” : xoay cái nghe ấy trở về để nghe tự tánh, đây là định.
“Tánh thành: Vô thượng đạo” : tánh viên thông “sáng suốt khắp cả pháp giới”, đây là huệ.
Khi tánh viên thông thành tựu thì cả ba giới định huệ đồng thể. Chân giới, chân định, chân huệ là tánh giác Minh Không viên thông vậy.
………………………………..
A Nan, thế nào nhiếp tâm gọi là giới?
Nếu các chúng sanh lục đạo trong các thế giới tâm họ chẳng dâm, ắt chẳng theo đó mà có sanh tử tương tục. ông tu tam muội cốt để ra khỏi trần lao, nếu tâm dâm không trừ thì không ra khỏi được. Dầu có nhiều trí, thiền định hiện tiền mà không đoạn trừ dâm, ắt lạc vào đường ma, hạng trên làm ma vương, hạng giữa làm ma dân, hạng dưới làm ma nữ. Các ma kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự cho là thành đạo vô thượng.
Sau khi ta diệt độ, trong đời mạt pháp có nhiều bọn ma này lẫy lừng trong thế gian, lan rộng hành vi tham dâm, giả làm thiện tri thức, khiến các chúng sanh sa vào hầm ái kiến, lạc mất con đường giác ngộ.
Ông dạy người đời tu Tam ma đề, trước phải đoạn lòng dâm. Đó là lời dạy rõ ràng thanh tịnh, quyết định thứ nhất của Như Lai, Phật, Thế Tôn.
Thế nên, A Nan, nếu chẳng đoạn dâm mà tu thiền định thì cũng như người nấu cát đá mà muốn thành cơm, trải qua trăm ngàn kiếp cũng chỉ gọi là cát nóng. Vì sao thế? Vì đó chẳng phải gọi là gốc cơm, chỉ là cát đá. Ông đem thân dâm mà cầu diệu quả Phật dầu được diệu ngộ đều là gốc dâm, căn bản đã thành dâm thì chỉ luân chuyển trong ba nẻo sanh tử ắt không ra khỏi, đường nào mà tu chứng Niết bàn của Như Lai?
Hẳn phải khiến cho thân tâm đều đoạn dứt sự dâm, cho đến tâm đoạn dứt cũng không còn, thì đối với Giác ngộ của Phật mới có thể trông mong.
Như ta nói đây gọi là lời Phật, chẳng như đây nói là lời ma Ba Tuần.
………………………………….
Nguyên nhân trực tiếp cụ thể của sự sanh tử tương tục, đó là tâm dâm. Con người sanh ra từ dâm dục, lớn lên tiếp tục hành dâm, do đó nghiệp dâm không dứt. Cái ám ảnh thân tâm suốt đời, đó là dâm dục, thế mới biết gốc rễ ăn sâu chừng nào.
“Dầu có nhiều trí, thiền định hiện tiền mà không đoạn trừ dâm ắt lạc vào đường ma”, “đem thân dâm mà cầu diệu quả Phật, dầu được diệu ngộ đều là gốc dâm ” . Thân tâm ta còn bị dâm dục chướng ngại thì tâm ấy không thể xoay trở lại nguồn tánh vốn viên thông và vô sanh được. Trái lại sự tiếp xúc, tiếp thông với nguồn tánh mà qua trung gian tâm dâm thì cũng biến đổi, làm ô nhiễm sự thấy biết nguồn tánh vốn viên thông vô ngại này.
Cho nên phải cảnh giác với sự ô nhiễm này. Chúng ta đều có nghiệp chung là dâm dục, dù ít hay nhiều. Nhưng dù ít hay nhiều thì cũng phải học bài học chuyển hóa sự tham muốn dâm dục thành lửa trí huệ như ngài Ô Sô sắt Ma do hỏa đại chứng viên thông. Tâm dâm vừa khởi liền đưa nó xoay về nguồn, đó là huân tu tánh viên thông.
……………………………………
A Nan, lại các chúng sanh lục đạo trong các thế giới nếu họ không có tâm giết hại ắt chẳng theo dòng sanh tử tương tục. Ông tu tam muội cốt để ra khỏi trần lao, nếu tâm giết hại không trừ thì không ra khỏi được. Dầu có nhiều trí, thiền định hiện tiền mà không đoạn trừ giết hại, ắt lạc vào thần đạo, hạng trên làm đại lực quỷ, hạng giữa làm dạ xoa phi hành và các quỷ soái, hạng dưới làm la sát địa hành. Các quỷ thần ấy cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự cho là thành đạo vô thượng.
Sau khi ta diệt độ, trong đời mạt pháp có nhiều thứ quỷ thần này lẫy lừng trong thế gian, tự nói ăn thịt được đạo Giác ngộ.
A Nan, ta cho tỳ kheo ăn năm thứ tịnh nhục, thịt ấy đều do thần lực ta hóa sanh, vốn không có mạng sống. Xứ Bà la môn các ông đất đai phần nhiều nóng ướt, lại thêm sỏi cát, rau cỏ không sanh,ta dùng sức đại bi gia bị giả gọi là thịt, các ông cũng được vị ấy.
Làm sao sau khi Như Lai diệt độ, người ăn thịt chúng sanh mà gọi là Phật tử, những người ăn thịt ấy dầu được tâm khai mở, giống như Tam ma đề, đều là đại la sát, quả báo hết phải chìm đắm trong biển khổ sanh tử, chẳng phải là đệ tử Phật. Những người như thế giết hại nhau, ăn nuốt nhau không thôi, làm sao ra khỏi ba cõi được?
Ông dạy người đời tu Tam ma đề, phải đoạn trừ sát sanh, đó là lời dạy rõ ràng thanh tịnh quyết định thứ hai của Như Lai, Phật, Thế Tôn.
Thế nên, A Nan, nếu chẳng đoạn giết hại mà tu thiền định thì cũng như có người tự bịt kín lỗ tai, cất tiếng kêu lớn mà mong người khác không nghe, những việc ấy gọi là muốn ẩn thì càng lộ. Hàng tỳ kheo thanh tịnh và các Bồ tát đi trên đường rẽ, không dẫm cỏ tươi huống là lấy tay nhổ. Làm sao có lòng đại bi mà lấy thịt chúng sanh làm đồ ăn?
Nếu các hàng tỳ kheo không mặc những tơ lụa phương Đông và không dùng giày dép áo lông hay các thứ sữa, pho mát đề hồ cõi này thì những tỳ kheo ấy đối với thế gian thật thoát khỏi sự báo đền nợ nghiệp, chẳng đi trong ba cõi. Vì sao thế? Vì dùng những bộ phận cơ thể chúng sanh thì có duyên nợ với nhau, như con người ăn trăm thứ mễ cốc của đất thì chân không lìa khỏi đất. Quyết phải khiến cho thân tâm đối với bộ phận thân thể chúng sanh đều không ăn, không mặc, những người như thế, ta mới gọi là thật giải thoát.
Như ta nói đây gọi là lời Phật, chẳng như đây nói là lời ma Ba Tuần.
……………………………………..
Giết hại chúng sanh để ăn, để mặc là phạm vào nhân quả nghiệp báo, hết đời này sang đời khác cứ nợ nghiệp chồng chất thì làm sao mà giải thoát. Muốn đạt đến tánh thanh tịnh viên thông thì thân tâm cũng phải thanh tịnh viên thông.
Viên thông là đồng với tất cả chúng sanh trong lục đạo mười phương đồng một bi ngưỡng. Giết hại để làm lợi cho mình thì làm sao hợp với lòng bi viên thông?
Viên thông là thanh tịnh bổn lai, toàn khắp pháp giới cho nên chỗ nào mà phạm đến sự thanh tịnh này, toàn khắp này, nghĩa là giới không toàn vẹn, thì pháp giới đã mất một phần viên thông.
……………………………………
A Nan, lại các chúng sanh lục đạo trong các thế giới, lòng chẳng trộm cắp ắt chẳng theo dòng sanh tử tương tục. Ông tu tam muội cốt để ra khỏi trần lao, nếu lòng trộm cắp chẳng trừ thì chẳng thể ra khỏi. Dầu có nhiều trí, thiền định hiện tiền mà không đoạn dứt sự trộm cắp ắt lạc vào tà đạo, hạng trên làm tinh linh, hạng giữa làm yêu mị, hạng dưới làm người tà, bị các quỷ mị nhập vào. Các đám tà kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự cho là thành đạo vô thượng.
Sau khi ta diệt độ, trong đời mạt pháp lắm thứ yêu tà đó lẫy lừng trong thế gian, dối gian ẩn núp, tự xưng là thiện tri thức, tự nói là đã được pháp thượng nhân, lừa gạt người không biết, dọa dẫm khiến mất chánh tín, chúng qua đến đâu cửa nhà hao tán.
Ta dạy hàng Tỳ kheo thứ lớp khất thực để bỏ lòng tham, thành đạo Giác ngộ. Các Tỳ kheo không tự nấu ăn, gởi cái sống còn thừa nương tạm nơi ba cõi, thị hiện một lần đi về, đi rồi không trở lại. Sao có thể làm kẻ giặc, nương y phục của ta để buôn bán Như Lai, tạo các thứ nghiệp mà gọi là Phật pháp; lại còn chê bai các Tỳ kheo xuất gia đầy đủ giới luật là đạo Tiểu thừa, do đó làm cho vô số chúng sanh nghi lầm mà đọa địa ngục vô gián.
Sau khi ta diệt độ, nếu có tỳ kheo phát tâm quyết định tu tam ma dề, có thể ở trước hình tượng Như Lai, chính mình thắp một ngọn đèn, đốt một lóng tay hay ở trên thân đốt một điểm hương, ta nói người ấy nợ cũ từ vô thủy một thời trả hết, đời đời cáo biệt thế gian, vĩnh viễn thoát các lậu. Người ấy tuy chưa rõ liền con đường vô thượng giác, nhưng đối với Phật pháp đã có tâm quyết định. Nếu không làm được nhân duyên xả thân chút ít này, dẫu thành tựu được pháp vô vi, cũng phải sanh lại làm người, trả hết nợ cũ, như chuyện ăn lúa ngựa của ta không khác.
Ông dạy người đời tu tam ma đề, sau nữa phải đoạn trừ tâm trộm cắp. Đó là lời dạy rõ ràng thanh tịnh quyết định thứ ba của Như Lai, Phật, Thế Tôn.
Thế nên, A Nan, nếu chẳng đoạn trừ trộm cắp mà tu thiền định thì cũng như người rót nước vào chén lủng mà muốn nước đầy, dù trải qua nhiều kiếp cũng chẳng thể đầy. Nếu các Tỳ kheo ngoài y bát ra, có dư thì không mảy may tích trữ, xin bửa ăn có dư thì bố thí cho chúng sanh đói; nơi hội chúng lớn, chấp tay lễ chúng. Có người đánh mắng tưởng đồng như khen ngợi, quyết buông bỏ thân tâm, xem thân thịt máu xương cùng chung với chúng sanh. Không đem lời dạy bất liễu nghĩa của Như Lai làm chỗ hiểu của mình, khiến kẻ mới học lầm lạc, Phật ấn chứng cho người ấy được tam muội chân thật.
Như ta nói đây gọi là lời Phật, chẳng như đây nói là lời ma Ba Tuần.
……………………………………
Sự trộm cắp thật là vi tế, lấy nhiều so với cần dùng cũng là trộm cắp. Cái thân mượn tạm này có mượn cơm áo thì phải trả theo nhân quả. Mượn, nợ nhiều quá thì khó thoát khỏi phải quay trở lại thế gian để trả nợ. Khất thực có dư thì cho chúng sanh đói, đốt chút phần thân thể, xem thân thịt là của chung của chúng sanh…đều là xả bỏ lòng tham mà làm lợi cho người khác.
Cho đến mượn Phật pháp để làm lợi cho mình, “đem lời dạy bất liễu nghĩa của Như Lai làm chỗ hiểu của mình, làm lầm lạc người mới học” thì đều là trộm cắp cả. Còn nếu buông bỏ thân tâm, đồng sự với chúng sanh, chắp tay lễ đại chúng, xem sự đánh mắng đồng như khen ngợi, là biết dùng cái thân tâm mượn tạm này làm hạnh Bồ tát làm lợi lạc chúng sanh thì đó mới là không nợ, cuộc đời ở trần gian này mới có ‘lời’.
………………………………….
A Nan, chúng sanh lục đạo trong thế giới, tuy thân tâm không có Giết, Trộm, Dâm, ba hạnh đã tròn, nhưng nếu có đại vọng ngữ thì tam ma đề không được thanh tịnh, thành ma ái kiến, mất giống Như Lai. Đó là chưa được mà nói được, chưa chứng mà nói chứng; hoặc cầu sự tôn trọng tột bực của thế gian, bảo người khác rằng, tôi nay đã chứng quả Tu Đà Hoàn, quả A Na Hàm, đạo A La Hán, thừa Bích Chi Phật, Bồ tát trước địa hay trong Thập địa, trông mong người kia lễ sám, tham sự cúng dường. Đấy là những kẻ ngu si, tự diệt giống Phật, như người lấy dao chặt cây Đa la. Phật nói người ấy mất hẳn căn lành, không còn chánh tri kiến, chìm trong ba biển khổ, chẳng thành tam muội.
Ta bảo các hàng Bồ tát và A La Hán, sau khi ta diệt độ, ứng thân sanh vào đời mạt pháp, hiện đủ loại hình để độ các chúng sanh luân hồi. Hoặc làm sa môn, cư sĩ áo trắng, vua chúa, quan lại, đồng nam, đồng nữ; như thế cho đến người dâm nữ, quả phụ, người gian dối, trộm cắp, hàng thịt, buôn bán, cùng họ đồng sự; ca ngợi Phật thừa, khiến cho tâm họ được vào tam ma địa. Nhưng trọn không nói ra tôi thật là Bồ tát, thật là A La Hán, khinh xuất nói với người chưa học làm tiết lộ mật nhân của Phật, chỉ trừ khi lâm chung thầm có lời di chúc. Làm sao người ấy lại có thể dối gạt chúng sanh để thành tội đại vọng ngữ.
Ông dạy người đời tu tam ma đề, sau hết phải đoạn trừ các đại vọng ngữ. Đó là lời dạy rõ ràng thanh tịnh quyết định thứ tư của Như Lai, Phật, Thế Tôn.
Thế nên, A Nan, nếu người không trừ đại vọng ngữ thì như khắc phân người làm thành hình cây chiên đàn, muốn có hương thơm, không thể có chuyện ấy. Ta dạy các Tỳ kheo trực tâm là đạo tràng, tất cả hành vi trong bốn oai nghi không còn chút giả dối, làm sao lại tự xưng đã đắc pháp thượng nhân, ví như người hèn mạt mà tự xưng là đế vương thì tự chuốc lấy tội tru diệt, huống là bậc Pháp vương làm sao dám đặt điều hư vọng? Nhân địa chẳng chân, phải chuốc lấy quả cong vạy, thế mà mong cầu quả Giác ngộ của Phật, như người muốn cắn rốn, làm sao thành tựu. Nếu các tỳ kheo tâm như dây đàn thẳng, tất cả chân thật thì vào tam ma địa, vĩnh viễn không có ma sự, ta ấn chứng người ấy thành tựu tri giác vô thượng của Bồ tát.
Như ta nói đây gọi là lời Phật, chẳng như đây nói là ma Ba Tuần.
…………………………………..
Nói dối, nói quanh co, gợi ý ta có chứng đắc là tội đại vọng ngữ, chịu quả báo. Ngay hiện tại, “trực tâm là đạo tràng, tâm như dây đàn thẳng, tất cả chân thật thì vào tam ma địa”.
Những Bồ tát và A La Hán ứng thân sanh vào đời mạt pháp, đồng sự với chúng sanh để cứu độ họ, chịu đủ thứ của cuộc đời chúng sanh mà có nói gì đến thân phận mình, tâm đại bi hợp nhất với trí huệ thấy như huyễn mới làm được những công đức vô danh như vậy.
Dâm, giết, trộm, nói dối là nghiệp của thân, khẩu, tâm. Nếu tâm không có những nghiệp cho đến rất vi tế như vậy làm chướng ngại thì tâm ấy tự nhiên là tam muội, là tánh tự viên thông, không có trần lao phiền não. Đức Phật nói rất kỹ bốn thứ bệnh này, cả thô cả tế. Cho nên giữ cho bốn bệnh dù vi tế cũng chẳng sanh, cho đến không còn để mà sanh, thì đây chính là tam muội viên thông, tánh vốn thường tịch và hằng chiếu.
Chỉ cần lấy một câu mà hành, “trực tâm là đạo tràng”, “tất cả chân thật”, “thoát khỏi sự báo đền nợ nghiệp, chẳng đi trong ba cõi” “đoạn trừ tâm trộm cắp” ….thì trong không có ngã, ngoài không có pháp, đó chẳng phải là tam muội hiện tiền, viên thông sẵn đủ sao?
Hết Quyển VI