Phú Lâu Na thưa: Nếu tánh diệu giác vốn diệu minh này cùng tâm Như Lai, không tăng không giảm, vô cớ bỗng nhiên sanh ra núi sông, đất đai, các tướng hữu vi. Vậy nay Như Lai đã chứng được Diệu giác minh không, thì lúc nào lại sanh ra núi sông, đất đai và các tập lậu hữu vi?
Phật bảo Phú Lâu Na: Ví như người mê, ở trong một xóm làng, lầm hướng Nam là hướng Bắc, cái mê ấy nhân mê mà có hay nhân ngộ mà sanh?
Phú Lâu Na thưa: Người mê như vậy, cũng chẳng nhân mê cũng chẳng nhân ngộ. Vì sao thế? Cái mê vốn không có gốc gác, làm sao mà nhân mê? Ngộ chẳng sanh ra mê, làm sao mà nhân ngộ?
Phật nói: Nguời mê kia, ngay khi đang mê, bỗng có người ngộ khiến cho tỏ ngộ. Phú Lâu Na, ý ông thế nào? Người ấy đã bỏ cái mê rồi thì ở nơi xóm làng ấy có còn sanh mê lại không?
_ Bạch Thế Tôn, không.
_ Phú Lâu Na, mười phương Như Lai cũng lại như vậy. Cái mê ấy không có gốc gác, tánh nó rốt ráo không. Xưa vốn không có mê, mà in tuồng như có mê, có giác. Giác được cái mê thì mê diệt mà cái giác vốn chẳng sanh mê.
Cũng như người lòa mắt thấy hoa đốm trong hư không, nếu bệnh lòa hết thì hoa đốm trong hư không diệt mất. Bỗng có người ngu,ở chỗ hư không mà hoa đốm kia đã diệt lại chờ đợi hoa kia sanh trở lại. Ông xét người ấy là ngu hay trí?
Phú Lâu Na thưa: Hư không nguyên không có hoa đốm mà vọng thấy có sanh diệt. Thấy có hoa đốm diệt mất giữa hư không đã là điên đảo, lại còn muốn nghĩ bao giờ chúng sanh ra trở lại thì thật là điên dại, làm sao gọi người điên cuồng như thế là ngu hay trí.
Phật dạy: Ông hiểu như thế sao lại còn hỏi, tánh diệu giác minh không của chư Phật Như Lai đến khi nào lại sanh ra núi sông đất đai?
Cũng như quặng vàng trộn lẫn với vàng ròng, một khi vàng đã thành ròng, chẳng trở lại thành quặng lẫn lộn nữa. Như cây đã đốt thành tro chẳng trở lại thành cây nữa. Giác ngộ, Niết bàn của chư Như Lai cũng lại như vậy.
…………………………………………..
Ngài Phú Lâu Na tiếp tục hỏi cho những thắc mắc của chúng ta. Tâm Như Lai là tánh diệu giác vốn diệu minh không tăng không giảm, vô cớ bỗng nhiên sanh ra núi sông đất đai, nay Như Lai đã chứng tánh ấy thì lúc nào núi sông đất đai sanh ra trở lại? Chứng được tánh giác vốn không tăng không giảm này thì có bao giờ có cái gì sanh ra, cái gì diệt mất.
Như người mê lầm phương hướng, cái mê ấy không có gốc gác, làm sao mà nhân mê mà có? Quan sát sâu xa cái mê sanh tử này thật không có gốc gác, bèn được giải thoát.
Rồi chẳng lẽ cái mê ấy do ngộ mà có, bóng tối do ánh sáng mà có, cái mê tạo ra sanh tử do tánh giác mà có? Hãy thiền quán thật sâu xa lời dạy của Đức Phật, thiền quán đến đâu trí huệ Bát Nhã hiện ra đến đó mới có thể nhổ được gốc sanh tử hư vọng.
Hư không nguyên không có hoa đốm sanh diệt, Diệu giác minh không vốn không có sanh tử sanh diệt. Hãy thiền quán lời dạy này cho đến khi thật thấy, đạt được cái thấy của việc “đắc pháp nhãn tịnh”.
Và rồi ngài Phú Lâu Na còn đẩy người tu hành đến một cái thấy cao hơn nữa, cái thấy của vô sanh pháp nhẫn, vô công dụng đạo. “Thấy có hoa đốm diệt mất giữa hư không đã là điên đảo”, hoa đốm chưa từng sanh mà thấy hoa đốm có diệt mất, là một điên đảo vi tế. “Lại còn muốn nghĩ bao giờ chúng sanh ra trở lại thì thật là điên dại”, chung quy chỉ vì thấy hoa đốm là thật có, sanh tử là thật có, từ đó có hy vọng và sợ hãi. Thật có thì có sanh rồi có diệt, thật có thì có diệt rồi e có lúc lại sanh ra. Hoa đốm chưa từng sanh, chưa từng có thì nói gì đến chuyện sanh diệt của hoa đốm. Giấc mộng không nhân đâu có, không thể sanh trụ dị diệt ở đâu cả thì mong hay không mong sanh trở lại là điều điên rồ. Như chờ hoa đốm kết thành trái, như giấc mộng đã mất, mà ngồi chờ nó biến thành thực trước mắt.
Chính đại trí thấy tất cả như huyễn này làm phát sanh đại bi, khi nhìn thấy chúng sanh mê mờ, điên đảo mong chờ hay sợ hãi hoa đốm kết thành trái giữa hư không, đợi hay lo giấc mộng sẽ thành sự thật.
Quan sát đoạn kinh này mới thấy người tu hành chúng ta phần đông đang tu trên hoa đốm, đang lấy hoa đốm mà hành, rồi chờ đợi hoa đốm ấy kết thành quả. Chúng sanh chúng ta đang tu trong giấc mộng mà lại chờ mộng ấy biến thành thực ngộ. Thiền quán như vậy cho đến lúc sanh tử vở toang, mê mộng cạn kiệt, mới thấu hiểu được cái điên đảo từ trước tới giờ của chúng ta là gì. Rồi mới lấy hoa đốm giấc mộng làm phương tiện thiện xảo mà độ cho người.
Cái tâm phân biệt, cái mê của mình, dầu có điên đảo cỡ nào cũng đều là cái mê ngay trên cái giác, hoa đốm có nhiều cỡ nào cũng là vọng thấy ngay trên hư không. Cho nên, ngay nơi cái tâm phân biệt là tâm vô phân biệt, ngay nơi cái mê là cái giác, ngay nơi hoa đốm là hư không, ngay nơi những sắc tướng sanh tử là tánh giác Niết bàn.
Thiền định thiền quán cho sâu để thấy ra cái ‘ngay nơi’ này, bèn thấy và sống được cái “tâm Như Lai không tăng không giảm” đang hiện tiền này:
Diệu trạm tổng trì bất động tôn
Thủ Lăng Nghiêm vương đời ít có
Tiêu điên đảo tưởng trong ức kiếp
Chẳng trải tăng kỳ được Pháp thân.