A Nan bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, nếu tinh túy của cái thấy (kiến tinh) này chắc hẳn là diệu tánh của con thì diệu tánh ấy phải hiện tại ở trước mắt. Tánh thấy ấy thật là con thì thân tâm con hiện giờ lại là vật gì?
Nhưng nay thân tâm con thật có phân biệt, còn tánh thấy kia không phân biệt, khác với thân con. Nếu nó thật là tâm con, khiến con hiện nay thấy được, thì tánh thấy thật là con mà thân này không phải là con.
Thế thì đâu có khác gì trước kia Như Lai đã gạn hỏi, vật có thể thấy được con chăng. Cúi mong bậc Đại Từ mở bày cho kẻ chưa ngộ.
…………………………………
Vì chưa thật biết tánh thấy nên tánh thấy chưa thể tiêu dung thân tâm, do đó có một bên là tánh thấy, một bên là thân tâm. Thân kiến vẫn còn nên chưa thể Nhập lưu, chưa chuyển được vật để đồng với dòng nước pháp của Như Lai.
Thân tâm khác biệt với tánh thấy, chưa thể tan chảy làm một với tánh thấy thì dùng Chỉ, Quán, Thiền khiến cho nó tiêu dung. Bởi vì chỉ có chấp ngã, chấp pháp mới là những chướng ngại duy nhất ngăn che mình với tánh thấy, chứ tánh thấy thì thường trụ xưa nay, vốn sẵn, chẳng phải do làm ra, chẳng phải do tu tập.
Thân tâm như cái chai. Ở trong chai là hư không, ở ngoài chai là hư không, hư không ở khắp tất cả. Khi thấy biết được hư không thì không thể nói thân tâm này khác với diệu tánh.