Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

1. Phóng ánh sáng, hiện điềm lành.

Bấy giờ Thế Tôn nơi tòa Sư tử, từ năm vóc đồng phóng ánh sáng báu, xa rọi trên đảnh mười phương Như Lai như số vi trần và các Pháp vương tử và các Bồ tát. Các Như Lai kia cũng từ năm vóc đồng phóng ánh sáng báu từ các thế giới như vi trần đến rọi trên đảnh Phật và rọi trên đảnh các Đại Bồ tát và A La Hán trong hội. Rừng cây ao hồ đều diễn pháp âm, ánh sáng giao nhau trùng trùng như lưới tơ báu.
Đại chúng được việc chưa từng có, tất cả đều được Kim cương Tam muội. Liền khi ấy trời mưa hoa sen trăm báu, màu xanh, vàng đỏ, trắng xen lẫn nhau, mười phương hư không thành sắc bảy báu. Cõi Ta bà này đất đai núi sông đồng thời chẳng hiện, chỉ thấy mười phương cõi nước như vi trần hợp thành một cõi, tiếng hát ngợi ca tự nhiên trổi khắp.

………………………………

Đây là cảnh giới và hành động của chư Phật đã chứng trọn vẹn viên thông, cho chúng ta thấy phần nào “chuyển được vật tức đồng Như Lai” là thế nào.

Rọi trên đảnh, tiếng Hán là quán đảnh. Đức Phật toàn thân phóng ánh sáng báu, rọi trên đảnh chư Phật và các Pháp vương tử ở khắp mười phương, và chư Phật ở các phương kia cũng làm như vậy đối với phương này. Chư Phật là một, một thân, một khẩu, một tâm, một đồng thời, một cõi nước một Tâm Phật, một Bảo Giác viên dung thanh tịnh.

Trong Tâm Phật này, “mười phương hư không thành sắc bảy báu cõi Ta bà này đất đai núi sông đều chẳng hiện, chỉ thấy mười phương cõi nước như vi trần hợp thành một cõi”, khi trần tướng đã tiêu tan về tánh thì tất cả tướng là tánh, thông suốt nhau hợp thành duy nhất một cõi Phật. Khi ấy sắc là sắc Phật, thanh là thanh Phật, hương vị xúc pháp là hương vị xúc pháp Phật. Tất cả giao nhau trùng trùng như lưới tơ báu, đây là cảnh giới sự sự vô ngại của các bậc giác ngộ.

……………………………………

2. Phật bảo ngài Văn Thù chọn căn viên thông.

Khi ấy, Như Lai bảo Văn Thù Sư Lợi pháp vương tử: Ông nay hãy xem xét trong hai mươi lăm vị Vô học Đại Bồ tát và A La Hán đây, mỗi vị đều trình bày phương tiện thành đạo lúc ban đầu, đều nói tu tập tánh viên thông chân thật, chỗ tu hành của các vị thật không có hơn kém, trước sau sai khác.
Nay ta muốn khiến A Nan khai ngộ, thì trong hai mươi lăm pháp tu hành, pháp nào hợp căn cơ ông ấy. Lại sau khi ta diệt độ, chúng sanh trong cõi này muốn vào Bồ tát thừa, cầu đạo vô thượng thì pháp môn phương tiện nào được dễ thành tựu.
Văn Thù Sư Lợi pháp vương tử vâng ý chỉ từ bi của Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thừa oai thần Phật, nói kệ đáp lời:

………………………………………

Đức Phật hỏi ngài Văn Thù lựa chọn căn viên thông, vì ngài Văn Thù là bậc Đại trí thứ nhất trong hội. Vậy mà ngài vẫn nương vào oai lực Phật để nói kệ đáp. Chúng ta ngày nay dám ở ngoài thần lực của chư Phật, chư Đại Bồ tát mà tu hành, học hỏi sao? Chắc hẳn lòng sùng mộ, sùng tín mãnh liệt đối với các ngài sẽ đưa chúng ta đến gần Trí Huệ và Từ Bi của các ngài hơn.

……………………………………….

Tánh biển giác tròn lặng
Toàn trong, giác nguyên diệu
Nguyên minh, chiếu sanh sở
Sở lập tánh chiếu vong.

………………………………………

Biển giác, tánh nó vốn trong lặng (trừng), quang minh, viên mãn, tròn đầy, vốn sẵn (viên). Sự trong lặng viên mãn ấy là cái diệu vốn có của tánh giác, Nhưng trong lặng ấy không phải là một tịch diệt hư vô, mà vốn sáng, vốn là ánh sáng. Và tánh giác trong lặng vốn sáng này có sự chiếu sáng khắp cả pháp giới.

Vô minh là không biết tánh sáng chiếu vốn có này mà chấp vào sự chiếu sáng cho là cảnh ở ngoài tánh sáng (sở). Thấy sự chiếu sáng là đối tượng (sở), ngay lúc đó vọng tưởng về một năng chiếu, một trung tâm là cái tôi được giả lập. Sở đã lập, năng cũng lập, khi ấy không còn thấy biết tánh sáng chiếu, chỉ còn chủ thể và đối tượng.

Khi sở đã lập thì ánh sáng của tâm liền biến mất.

Viên thông là đưa đối tượng sở lập và chủ thể năng lập này xoay lại và tiêu dung trong tánh giác trong lặng và thường chiếu.

……………………………………

Mê vọng, có hư không
Nương không, lập thế giới
Tưởng đọng thành cõi nước
Tri giác là chúng sanh.

…………………………………..

Biển giác thì vốn trong lặng, không tịch và vốn sáng (nguyên minh).

Mê vọng, vô minh đầu tiên là sự phân chia tánh trong lặng, tức là tánh Không một bên và tánh sáng một bên. Tánh Không thì không có tánh sáng, tánh sáng thì không có tánh Không lặng trong.

Cái mê vọng vô minh phát triển thô nặng thêm, tánh Không trở thành hư không trống rỗng và tánh sáng trở thành “sanh sở”, tức là thế giới ảnh hiện theo duyên nghiệp và tri giác phân biệt của chúng sanh.

Rồi sự tu hành xoay trở lại cũng vẫn bị ô nhiễm bởi cái mê vọng ấy: vọng tưởng rằng Niết bàn là cái “không” trống rỗng, và sanh tử là thế giới sắc tướng lộn xộn do phân biệt và các phiền não. Sự phân
chia của sanh tử và Niết bàn cũng là sự phân chia mê vọng ban đầu.

……………………………………..

(Hư) không sanh trong Đại Giác
Như biển, một bọt phát
Cõi hữu lậu như bụi
Đều nương không, sanh khởi
Bọt diệt, (hư) không (vốn) chẳng có
Huống là có ba cõi.

……………………………………..

Vì mê vọng mà có hư không sanh, nhưng dù hư không có hư vọng sanh ra thì cái hư vọng ấy vẫn nằm trong Đại Giác, như một bọt nước phát sanh đều khởi từ biển, hiện hữu trong biển và tiêu tan trong biển.

Ở đây cần thấy rõ là Kinh không nhằm giải thích một vũ trụ mà chúng ta cứ nghĩ là ở bên ngoài mình. Tiến trình này nhằm giải thích vũ trụ sanh ra bên trong chúng ta như thế nào, vì nguyên lý của tất cả kinh điển Đại thừa là “ Ba cõi duy tâm, muôn pháp duy thức” . Do thiền định và thiền quán chúng ta hiểu vũ trụ sanh ra nơi ta như thế nào, và do đó, chúng ta cũng thấy được con đường “ xoay lại trở về” và thực hiện con đường ấy.

Hư không sanh trong tâm Đại Giác của chúng ta, và từ đó có các cõi hữu lậu nhiều như vi trần sanh khởi theo duyên nghiệp và tri giác phân biệt của chúng sanh. Hư không vốn chưa hề có  hư vọng, thì làm sao ba cõi sanh ra từ đó lại có thể có được. Thực sự và trực tiếp thấy được điều này, bèn tức thời giải thoát.

Lại nữa, hư không và các cõi hữu lậu đang thấy đây thì vẫn đang nằm trong biển tâm Đại Giác. Tất cả mọi sắc, dù hư vọng, thì vẫn nằm trong tánh Không và chính là tánh Không: “ Sắc tức là Không, Không tức là sắc” . Thấy được như vậy bèn tức thời “ thoát khỏi mọi khổ ách” .

Trong tham thiền, chúng ta phải vượt qua hư không trong tâm mình thì mới tiếp xúc được với biển Đại Giác, tánh giác Không-Minh, mà các Kinh khác gọi là Tịnh Quang, Thường Tịnh Quang, Đại Quang Minh Tạng…

Chỉ bốn câu kệ mà lập đi lập lại cho thuộc, rồi ngày này sang ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, tham thiền về nó, thì chẳng phải sướng lắm sao, hạnh phúc lắm sao! Làm như vậy chẳng lẽ không thấm chút gì pháp vị của Phật pháp sao?

………………………………………

về nguồn, tánh không hai
Phương tiện có nhiều cửa

Thánh tánh, đâu cũng thông
Thuận nghịch đều phương tiện
Sơ tâm vào tam muội
Nhanh chậm chẳng đồng nhau.

…………………………………

Nguồn tánh, thánh tánh, Phật tánh thì không có hai, và nơi nào cũng có, không chỗ nào chẳng có viên thông (thánh tánh vô bất thông). Và chẳng có sự vật gì mà nó chẳng thông được. Phương tiện có nhiều cửa, thậm chí đâu cũng là cửa vì đâu cũng có mắt tai mũi lưỡi thân ý, sắc thanh hương vị xúc pháp…. Nơi đó thuận nghịch đều là phương tiện, tất cả sanh tử là phương tiện để khám phá tánh của sanh tử tức là tánh viên thông hay Niết bàn.

Tam muội ở đây là “ thật tướng của tất cả các pháp” , là tánh viên thông của tất cả các pháp. Tam muội đây là Kim Cương tam muội, Một Bảo Giác viên dung thanh tịnh của chư Đại Bồ tát và chư Phật. Tam muội là thường định, không tu nữa, Vô học của bậc A La Hán và Vô công dụng đạo của Bồ tát Địa thứ Tám.

Sơ tâm ở đây chỉ cho người chưa vào địa và cũng chỉ cho ngài A Nan mới vào địa. Sơ tâm ấy và tâm cứu cánh là một, vì sự viên mãn đã có sẵn, vì sơ tâm thì viên thông với tâm cứu cánh, vì như hư không, không có đâu là đầu đâu là cuối, và vì các che chướng thì như hoa đốm không thật có.

…………………………………..

3. Lựa ra sáu trần.

Tưởng kết thành sáu trần
Hiểu biết không thể thấu

Không thấu suốt như vậy
Làm sao được viên thông?

………………………………….

Sắc do tưởng kết lại mà thành sắc trần, sự hiểu biết của ý thức khó thấu triệt. Hơn nữa sắc trần là cái ở ngoài. Vươn đến cái ở ngoài để phân tích thấu hiểu nó quả là khó khăn. Như ngài Ưu Ba Ni Sa Bà do quán tưởng bất tịnh mà ngộ được thật tánh các sắc, thì không phải là chuyện dễ làm với nhiều người.

Tuy nhiên, sắc vẫn là một pháp môn, một cửa pháp, tùy căn cơ. Kinh Đại Bát Nhã thường chú ý vào sắc: “ Sắc tức là Không, Không tức là sắc” . Thành ra, chọn lựa căn viên thông là chọn cái dễ nhất, có trường hoạt động rộng nhất và gần với nguồn tánh nhất, chứ không phải là căn duy nhất có được viên thông.

…………………………………..

Âm thanh trộn ngữ ngôn
Chỉ y nghĩa câu chữ
Một chẳng trùm tất cả
Làm sao được viên thông ?

…………………………………….

Ngài Kiều Trần Na do thanh trần là pháp âm của Phật mà chứng được bản tánh nhiệm mầu của âm thanh. Thanh trần đối với con người còn là lời nói và ý nghĩa của lời nói. Hướng ra ngoài để theo dõi âm thanh đã khó, còn phân tích ý nghĩa lại càng khó hơn. Âm thanh là một, nhưng lại phải chạy theo câu chữ và ý nghĩa có nhiều của chúng nên cái một ấy không trùm được tất cả.

…………………………………….

Hương có hợp mới biết
Lìa ắt vốn không có
Chỗ biết chẳng thường hằng
Làm sao được viên thông ?

…………………………………..

Hương do các duyên hợp lại mới biết, cho nên sự biết hương chẳng thường hằng khi có khi không thì khó tu viên thông. Nhưng Đồng tử Hương Nghiêm do quán hương đến chỗ thấu rõ hương là vô tự tánh, vô sở hữu, mà được viên thông, vô lậu. Như vậy vấn đề chính yếu là có đưa được chủ đề mình quán trở lại tánh Không hay không.

…………………………………….

Tánh vị chẳng bổn nhiên
Phải nếm mới có vị
Vị trần chẳng hằng nhất
Làm sao được viên thông ?

……………………………………….

Tánh của vị là Không, nhưng sự quán sát vị không thể thường trực vì khi có khi không. Vả lại trường hiện hữu của vị cũng hẹp, chỉ ở trong miệng, nên không chọn được.

Thế nhưng vì có nguyện làm lương y nên các ngài Dược Vương, Dược Thượng chuyên cần nếm các vị thuốc rồi quán sát biết được tánh của vị trần mà được viên thông.

………………………………………

Xúc do chỗ chạm, biết
Không chạm, chẳng rõ xúc
Hợp lìa không nhất định
Làm sao được viên thông ?

…………………………………….

Xúc không thường có, lệ thuộc vào sự lìa hợp. Như ngài Bạt Đà Bà La do khi tắm mà ngộ được diệu tánh của xúc trần, thì lúc ngộ là do một trường hợp đặc biệt bởi tiếp xúc với nước mà khai phát. Qua đây chúng ta thấy viên thông ở khắp tất cả. vấn đề là chúng ta có chuyên tâm tìm cầu nó hay không.

………………………………….

Pháp gọi là nội trần
Nương trần tâm có sở
Năng sở chẳng khắp hợp
Làm sao được viên thông ?

………………………………………

Pháp là nội trần, là đối tượng của ý. Nhưng pháp không luôn luôn có vì ý không luôn luôn có.

Ngài Ma Ha Ca Diếp liên tục quán sát pháp trần mà trực tiếp chứng biết các pháp là Không mà chứng quả A La Hán. Có điều chúng ta cần luôn nhớ rằng sự chứng ngộ viên thông không phải chỉ là kết quả của trí huệ quán sát, mà còn là kết quả của công đức. Như các vị Vô học ở trước thì được phước duyên là ở gần Đức Phật, nương nhờ oai lực Phật, còn ngài Ma Ha Ca Diếp có công đức là được gần gũi Phật Nhật Nguyệt Đăng, thắp đèn sáng cúng dường xá lợi và dùng vàng thắm thiếp lên tượng Phật.

Con đường Phật giáo bẳt đầu từ hai tích tập trí huệ và công đức, để cuối cùng thành Phật là viên mãn hai tích tập ấy.

…………………………………

4. Lựa ra năm căn.

Cái thấy tuy rỗng suốt
Sáng trước chẳng sáng sau
Bốn bề thiếu một nửa
Làm sao được viên thông ?

………………………………….

Trường hoạt động của cái thấy được tám trăm công đức, không thấy được phía sau. Sự lựa chọn cái viên thông hơn cả là càng ít tùy thuộc vào nhân duyên càng tốt.

Nhưng nhanh hay chậm nhập vào viên thông còn tùy thiện căn biệt nghiệp của từng người. Quan trọng nhất là phải đi cho đến tận cùng đề mục quán chiếu của mình.

…………………………………..

Mũi thở ra vào thông
Giữa giao không có khí
Chia phần chẳng dung nhập
Làm sao được viên thông ?

………………………………..

Giữa hai hơi thở không có hơi thở, nên hơi thở ra vào không liên tục. Hơi thở ra khác với hơi thở vào, nên nói là “ chia phần chẳng dung nhập” .

Nhưng ngài Châu Lợi Bàn Đặc Ca nhờ chỉ chăm chú quán hơi thở cho đến “ xoay hơi thở trở về tánh Không là thứ nhất” , vấn đề là mỗi người có xoay được căn mình đã chọn hợp với những thiện căn đời trước trở về tánh Không hay không.

…………………………………..

Lưỡi, không nhập (thì) không có
Nhân vị sanh hay biết
Vị mất, không có biết
Làm sao được viên thông ?

……………………………….

Cái biết của lưỡi giới hạn, không có vị thì không biết. Ngài Kiều Phạm Bát Đề quán cái biết vị chẳng phải thân, chẳng phải vật, nghĩa là vô tự tánh, bèn khỏi các lậu, lìa hết cấu nhiễm trần tướng đắc Vô học.

…………………………………….

Thân cùng chỗ chạm đồng
Đều chẳng quán khắp hết
Hữu hạn, không thấu suốt
Làm sao được viên thông ?

………………………………….

Cảm giác về thân chỉ có khi có xúc chạm, nên cái quán cảm giác nơi thân không thường trực, khắp hết.

Ngài Tất Lăng Già Bà Ta do gai đâm mà quán ngược về nguồn tánh biết mà đắc A La Hán.

…………………………………..

Ý căn xen loạn tưởng
Đứng lặng rốt chẳng thấy
Không thể thoát tưởng niệm
Làm sao được viên thông ?

…………………………………..

Nương ý căn mà tu thì ý căn xen loạn tưởng, khi đứng lặng thì chẳng thấy ý, do đó khó tu viên thông. Nhưng ngài Tu Bồ Đề nhờ ý căn mà đi tột tới nguồn của ý bèn phát minh được tánh giác chân Không, tánh Không được viên mãn thành quả Vô học.

Căn thì có cái viên thông nhiều hay ít, nhưng chắc chắn đi đến tột nguồn của căn thì đó chính là tánh giác chân Không.

………………………………………

5. Lựa ra sáu thức.

Nhãn thức hòa ba cái
Gạn cùng không có tướng
Tự thể không gì định
Làm sao được viên thông ?

…………………………………..

Nhãn thức do căn trần thức hòa hợp, không có gì định trong ấy, nên không được chọn. Nhưng với người chọn nó để đi đến tận cùng, thì khi “ gạn cùng không có tướng” bèn ngay đó chứng tánh Không vô tướng.

……………………………………..

Tâm nghe suốt mười phương
Sanh do nguyện lực lớn
Sơ tâm khó thể vào
Làm sao được viên thông ?

……………………………………….

Nguyện lực lớn của Bồ tát Phổ Hiền khiến tâm nghe ngài thông suốt mười phương. Sự tu tâm cọng với nguyện lực đã thành ra Đại hạnh Phổ Hiền. Hàng sơ tâm khó có thể nhập vào con đường viên thông của Bồ tát Phổ Hiền.

……………………………………….

Tướng chót mũi (là) quyền cơ
Chỉ để nhiếp tâm trụ
Trụ, tâm thành có trụ
Làm sao được viên thông ?

…………………………………..

Quán tưởng chót mũi là phương tiện quyền cơ, không đi thẳng vào nền tảng. Tuy nhiên khi ngài Tôn Đà La Nan Đà đi đến cùng hơi thở thì đạt đến nền tảng của hơi thở và cùng với nó các lậu được tịnh hóa tiêu sạch, mà được viên thông.

……………………………………..

Thuyết pháp khéo tiếng, câu
Trước khai ngộ mới thành
Câu chữ chẳng vô lậu
Làm sao được viên thông ?

…………………………………….

Thuyết pháp như ngài Phú Lâu Na thì dựa vào câu chữ, phải có sự khai ngộ nguồn viên thông trước rồi mới khéo dùng để thành.

………………………………..

Giữ giới chỉ buộc thân
Không thân, không chỗ buộc
Vốn chẳng khắp tất cả
Làm sao được viên thông ?

…………………………………….

Giữ giới chú trọng vào thân, nên khi không có thân, như trong định, khi ngủ thì không đắc lực.

Nhưng ngài Ưu Ba Ly giữ được giới thân tâm một cách tỉ mỉ nên tương ưng được với Pháp thân viên thông. Qua đây quả là tám vạn bốn ngàn pháp môn, chỗ nào cũng có thể là cửa vào.

Bởi vì cái chánh niệm tỉnh giác trong việc giữ giới cũng chính là tánh giác cội nguồn.

……………………………………

Thần thông: nhân đời trước
Dính gì pháp phân biệt

Duyên niệm chẳng lìa vật
Làm sao được viên thông ?

…………………………………

Thần thông như ngài Mục Kiền Liên là do nhân đời trước. Nó không quan hệ với pháp phân biệt để tìm ra tánh viên thông. Hơn nữa thần thông là thần thông với vật chất, không thoát lìa vật chất, thì làm sao ngộ nhập được tánh viên thông?

…………………………………….

6. Lựa ra bảy đại.

Nếu quán tướng địa đại
Cứng, ngăn không thông suốt
Hữu vi, chẳng thánh tánh
Làm sao được viên thông ?
Nếu quán tướng thủy đại
Tưởng niệm chẳng chân thật
Như như, chẳng phải quán
Làm sao được viên thông ?
Nếu quán tướng hỏa đại
Chán tướng, chẳng thật lìa

Chẳng (phải) phương tiện sơ tâm
Làm sao được viên thông ?
Nếu quán tướng phong đại

Động, lặng là đối đãi
Đối, chẳng (phải) Vô thượng giác
Làm sao được viên thông ?

 ………………………………….

Để được viên thông thì phải đưa các tướng đất, nước, lửa, gió trở về bản tánh vốn viên thông của chúng. Nhưng đối tượng quán là các tướng hữu vi và sự quán tưởng y cứ trên ý thức cũng là một cái hữu vi khác, nên không được chọn làm viên thông số một.

Tuy nhiên tuy làm việc trên các thứ hữu vi nhưng không phải là không đưa đến kết quả cứu cánh. Như Kinh Viên Giác nói, “ Tuy sự quán và đối tượng quán là như huyễn, nhưng ví như dùi lửa, hai thanh gỗ làm nhân cho nhau, khi lửa phát ra thì hai thanh gỗ cháy hết thành tro khói. Lấy huyễn tu huyễn cũng như vậy. Các huyễn tuy hết mà chẳng rơi vào đoạn diệt…. Các huyễn diệt nhưng cái chẳng phải huyễn chẳng diệt. Ví như lau gương, bụi dơ hết thì ánh sáng hiện, tướng dơ bẩn vĩnh viễn diệt thì (tánh Viên Giác) thanh tịnh khắp mười phương” .

…………………………………….

Nếu quán tướng không đại
Trơ trơ không tri giác
Không giác, khác Bồ đề
Làm sao được viên thông ?
Nếu quán tướng thức đại
Quán (và) thức chẳng thường trụ
Còn tâm là hư vọng

Làm sao được viên thông ?
Các hành đều vô thường
Niệm tưởng vốn sanh diệt
Nhân và quả khác nhau
Làm sao được viên thông ?

…………………………………….

Quán không đại, thức đại và kiến đại của ba Đại Bồ tát Hư Không Tạng, Di Lặc và Đại Thế Chí không được chọn làm tối ưu đối với “ chúng sanh ở cõi Ta Bà này” .

Tuy nhiên tất cả hai mươi bốn pháp môn đều đưa đến Tam muội Kim Cương như huyễn, tức là Một Bảo Giác viên dung thanh tịnh, cũng tức là cội nguồn viên thông của tất cả pháp môn. Không có phương tiện nào mà không có cứu cánh nằm ngay dưới đó. Không có tướng nào mà không có chung nền tảng là tánh. Không có pháp môn nào mà không có Pháp hay Pháp thân nằm ngay dưới ấy. Không có Con đường nào mà có thể ra ngoài Nền tảng và không đi trên Nền tảng.

Thế nên, như ở trước Kinh nói, “ tất cả là Như Lai tạng” . Cho nên tất cả sắc thanh hương vị xúc pháp, mắt tai mũi lưỡi thân ý đều là phương tiện, đồng thời đều là cứu cánh, là Con đường đồng thời là Nền tảng và Quả.

Phật giáo trùm khắp là như vậy. Sử dụng màu sắc như y phục, màu trên các tượng Phật và Bồ tát; âm thanh, đủ loại chuông, mỏ, kèn trống, tiếng tụng kinh; các hương thơm, các biểu tượng, kinh điển, thuyết pháp…tất cả đều là phương tiện đồng thời là cứu cánh viên thông, tất cả là tướng khác biệt đồng thời là tánh viên tông chung nhất.

Các Kinh thường nói Trí Huệ và Đại Bi sanh ra phương tiện thiện xảo. Các Bồ tát có nhiều phương tiện thiện xảo. Cho đến Phật thì tất cả sanh tử này là phương tiện thiện xảo của Ngài.

…………………………………………..

7. Căn tai viên thông hơn hết.

Con nay bạch Thế Tôn
Phật ra cõi Ta Bà
Phương này chân giáo thể
Thanh tịnh tại nghe thanh
Muốn được Tam ma đề
Thật do nghe mà nhập.

………………………………………

Ở các cõi Phật khác, có cõi dùng ánh sáng để chỉ bày thật tướng, có cõi dùng hương thơm, có cõi dùng cây Bồ đề…tùy theo duyên nghiệp công đức của cõi đó. Riêng ở cõi Ta Bà này, âm thanh là chủ đạo. Chúng ta cứ xem trong cuộc sống hằng ngày, hầu như cuộc sống là âm thanh. Chúng ta vẫn thường sống với căn tai. Căn tai hiện diện thường trực: khi chúng ta nói chúng ta vẫn nghe. Khi nhìn, vẫn nghe; khi ngửi, vẫn nghe; khi nếm, vẫn nghe; khi đi đứng, vẫn nghe; khi suy nghĩ, vẫn nghe. Căn tai luôn luôn có mặt dù cho các căn kia đang hoạt động, do đó mở nút hay xoay căn tai là dể nhất.

Mở được, xoay được thì đó là tam muội, thanh tịnh, bất biến, đó là tánh viên thông vốn sẵn chưa hề cách lìa chúng sanh một sát na, một cọng tóc.

………………………………….

Lìa khổ được giải thoát
Lành thay Quán Thế Âm
Trong hằng sa số kiếp
Vào cõi Phật vi trần
Được lực đại tự tại
Vô úy thí chúng sanh
Diệu âm, Quán Thế Âm
Phạm âm, hải triều âm
Cứu thế, an lành thảy
Xuất thế, hằng thường trụ

…………………………

Đoạn kệ này tán thán Đức Quán Thế Âm. Quán Thế Âm trở thành vị thành tựu viên thông cái nghe, do đó danh hiệu ngài cũng chính là tánh nghe.

“Viên mãn tánh nghe” nên “lìa khổ, được giải thoát”, là đoạn dứt biến dịch sanh tử và phần đoạn sanh tử. Do đó được lực đại tự tại, thường trụ trong Tam muội Kim cương như huyễn nên “xuất thế hằng thường trụ”, mà lại ở trong thế gian “cứu thế an lành thảy”.

…………………………………..

Con nay bạch Như Lai
Như Quán Âm đã nói
Ví như người ở yên
Mười phương đều đánh trống

Mười chốn đồng thời nghe
Đó là chân viên thông.

……………………………………..

Đây là điều ai cũng chứng nghiệm hàng ngày. Nhưng phải thiền định thiền quán lâu ngày mới nhận ra sự thật hiển nhiên này.

“Mười phương đều đánh trống, mười chốn đồng thời nghe”: nơi nào có tiếng thì khắp nơi đều nghe, tánh nghe có mặt ở khắp cả, không tùy thuộc vào nơi nào âm thanh khởi, cũng không tùy thuộc chỗ nào đứng nghe.

Thật sự ngộ ra được điều này và không bao giờ quên là bắt đầu vào tánh viên thông. Từ khi thật biết chân viên thông này rồi bèn niệm niệm “huân tu tánh nghe thuần sáng, sáng khắp pháp giới” thì mới mong hoàn toàn vào Tam muội Kim cương như huyễn, được đại tự tại.

……………………………………

Mắt không thấy ngoài (ngăn) che
Miệng, mũi cũng như vậy
Thân có hợp mới biết
Ý loạn không mối manh.
Cách vách vẫn nghe tiếng
Xa gần đều nghe được
Năm căn so không bằng
Đó là thật viên thông.

…………………………………….

So sánh với năm căn kia thì cái nghe có ưu thế hơn:

– Cách vách, xa gần đều nghe: tầm hoạt động rộng xa hơn.

 – Cái nghe dễ trung tính hơn, ít dính chấp hơn so với cái thấy.

– Quan trọng nhất là sự thường trực của cái nghe, có tiếng thì nghe, không có tiếng vẫn nghe, khi các giác quan kia hoạt động vẫn nghe. Chính sự thường trực này khiến dể tương ưng với tánh nghe thanh tịnh tương tục không gián đoạn, nghĩa là thường trụ.

Cho nên tu cái đang nghe, đó là huân tu tánh nghe.

………………………………….

Âm thanh, có động tĩnh
Trong cái nghe (thành) có, không
Không tiếng gọi (là) không nghe
Chẳng phải không tánh nghe.
Không tiếng, đã không diệt
Có tiếng, cũng không sanh
Sanh diệt đều trọn lìa
Đó là thường chân thật.

…………………………………..

Đoạn này chỉ thẳng tánh nghe nơi đời sống bình thường, trong trạng thái thức, tuy nhiên, để thấu rõ  nó phải cần Chỉ Quán lâu ngày thì lúc nào đó tánh nghe mới hiện tiền, mới là cái gì cụ thể hiện thực được.

Âm thanh có khi động, khi tĩnh, trong cái nghe nhận biết khi có tiếng khi không tiếng. Nhưng không có tiếng thì không nghe cái có tiếng, chứ vẫn nghe cái không có tiếng. Tánh nghe vẫn thường hằng tại đây và bây giờ. Có tiếng, đó là tánh nghe. Không có tiếng, đó là tánh nghe. Không thể nào thoát ngoài tánh nghe được.

Cũng vẫn cái nghe này mà chạy theo có tiếng và không có tiếng thì sa vào thế giới sanh diệt, vào trần tướng. Còn chính cái nghe này mà tự trụ trong bản vị bất động của nó, thường hằng nghe cả có tiếng và không có tiếng, đây là tánh nghe, hay chính xác hơn, bắt đầu đi vào tánh nghe để cuối cùng là sự viên thông vốn sẵn của tánh nghe.

Đơn giản nếu ngay bây giờ mà nghe xuyên suốt qua âm thanh trần tướng, xuyên suốt qua hư không vắng lặng, thì đây là tánh nghe không lúc nào không nghe. Rồi sống trong tánh nghe, nghĩa là huân tu tánh nghe cho đến. khi viên mãn.

Tánh nghe ấy thường trụ bất động, không phải vì không có tiếng mà diệt, không phải vì có tiếng mà sanh. Trực tiếp thấy biết, chứng ngộ điều này tức là biết tánh nghe không sanh không diệt thì thoát khỏi sanh tử luân hồi sanh diệt.

Khi đã thật sự thấy biết tánh nghe không sanh không diệt thì thường xuyên an trụ trong tánh nghe ấy, chuyển hóa, nghĩa là đưa các tướng sanh diệt trở về với bản tánh không sanh không diệt của chúng. Đến lúc “sanh diệt đều trọn lìa”, nghĩa là không còn có chút tướng sanh diệt nào nữa, tất cả chỉ là cái không sanh không diệt: “ không tiếng đã không diệt, có tiếng cũng không sanh” . Tướng sanh diệt tức là tánh không sanh không diệt. Nói cách khác, tánh vốn không sanh không diệt mà tướng cũng không sanh không diệt.

Đây là trạng thái “thường chân thật”, hay là Tam muội Kim cương như huyễn do huân tu tánh nghe mà thành tựu.

…………………………………..

Dầu cho trong mộng tưởng
Không nghĩ mà thành không

Tánh nghe ngoài suy nghĩ
Thân tâm không đến được.

…………………………………..

Tánh nghe hiện hữu siêu vượt mọi trạng thái của thân tâm, khi ngủ mộng, khi thức, khi suy nghĩ và khi không suy nghĩ. Nhưng siêu vượt mọi trạng thái, mọi hoạt động nhưng trong trạng thái nào hoạt động nào cũng có nó, vì nó là nền tảng cho tất cả, tam muội vốn sẵn từ đó mọi trạng thái tâm xuất sanh.

Hãy tìm thấy nó để được giải thoát khi ở đâu cũng có nó, lúc nào cũng có nó, trạng thái nào cũng có nó.

…………………………………..

Nay cõi Ta Bà này
Thanh luận được tuyên giảng
Chúng sanh mê gốc nghe
Theo thanh nên lưu chuyển.
A Nan tuy nhớ rõ
Chẳng khỏi lạc niệm tà
Há chẳng tùy chỗ đắm
Xoay dòng thoát hư vọng.

………………………………………

Nhờ sự luận giải bằng âm thanh lời nói mà tánh nghe được chỉ bày. Tuy nhiên khi mê gốc nghe mà chạy theo tiếng thì bị lưu chuyển, đây là trường hợp ngài A Nan. Ngài tuy nhớ rõ thanh luận nhưng bỏ quên gốc nghe, sau này lại đắc A La Hán vô lậu ngài mới nói lại những lời của Đức Phật để thành Kinh. Khi ấy, mở đầu Kinh, ngài nói “Tôi nghe như vầy…”, bấy giờ thanh luận đã được nghe mới từ tánh nghe lưu xuất.

Đắc vô lậu bởi vì không còn bị trôi nổi chìm đắm theo âm thanh, không còn bị lạc niệm tà theo sự quyến rũ của Ma Đăng Già, mà đã “xoay dòng cái nghe thoát khỏi hư vọng”, an trụ trong Tam ma địa.

Đây chỉ nói đến thanh luận của Phật giáo, còn thanh luận của đời thì càng làm người ta mê mờ lạc xa hơn nữa.

…………………………………….

A Nan, ông nghe kỹ
Tôi nương oai lực Phật
Tuyên nói chân Tam muội
Kim cương vương như huyễn
Phật mẫu, chẳng nghĩ bàn.
Ông tuy nghe mọi pháp
Bí mật của chư Phật
Trước chẳng trừ dục lậu
Chứa nghe thành lầm lỗi
Dùng nghe, giữ pháp Phật
Sao chẳng nghe cái tự nghe?

…………………………………….

Ngài Văn Thù nương nơi oai lực Phật tuyên nói Tam muội Kim cương Như huyễn, là Mẹ sanh ra chư Phật. Đây cũng chính là Pháp thân tánh nghe của tất cả chư Phật.

Sở dĩ ngài A Nan không đạt được Tam muội là sự an toàn, giải thoát vĩnh viễn này là do “trước chẳng trừ dục lậu” mà chỉ “dùng nghe, giữ pháp Phật, chứa sự nghe nhiều thành lầm lỗi”. Tu hành cần những bước sơ bộ, những bước làm quen với con đường, để bước vào thực hành đích thực chứ chứa nhiều cái nghe, giữ nhớ nhiều pháp Phật cũng chẳng ích gì cho giải thoát. Trước cần phải trừ dục lậu nghĩa là giữ giới để được thanh tịnh. Tiến lên nữa, giữ giới tâm là Định. Từ đây mới bừng phát ra Huệ, nghĩa là cái thấy biết thực sự tánh nghe. Nhờ cái thấy biết thanh tịnh của Huệ mới quét sạch dục lậu.

Chân Tam muội này xưa nay vẫn hiện tiền trước mắt, chỉ vì không chuẩn bị đủ, không được chỉ dạy và không được tinh tấn huân tu mà chẳng thể nghiệm được.

“Sao chẳng nghe cái tự nghe”, đây là pháp bí mật, nhưng cũng quá hiển nhiên, và là mẹ của chư Phật. Khi đã phát khởi đủ niềm tin, thì chỉ Chỉ, Quán, Thiền một câu này, có ngày ắt sẽ bắt gặp cái tự nghe này. Nó cụ thể hơn tất cả những cái cụ thể, vì nó là mẹ của tất cả cái cụ thể. Nó hiện thực hơn tất cả những cái hiện thực, vì nó là mẹ của tất cả những cái hiện thực. Khi ấy cái gì chẳng phải là Nó?

………………………………….

Tánh nghe chẳng tự nhiên sanh
Nhân thanh có danh tự
Xoay cái nghe thoát khỏi tiếng
Giải thoát đâu có danh.
Một căn đã về nguồn

Sáu căn thành giải thoát

……………………………………..

Cái tự nghe này là tánh nghe hay tánh giác. “Tánh nghe chẳng tự nhiên sanh” vì nó là vô sanh, “ngoài suy nghĩ, thân tâm không đến được”. Tánh nghe vô sanh ấy chỉ nhân âm thanh mà hiện diện với con người nên có danh tự là tánh nghe, chứ nó chẳng dính dáng gì đến sự có hay không có âm thanh, giải thoát hay chẳng giải thoát.

Với con người “khi xoay cái nghe thoát khỏi tiếng” thì ngay đó là nó ngay đó gọi là giải thoát, chứ nó không có vấn đề giải thoát vì đã từng bị trói buộc bởi tiếng hay không tiếng đâu. Với con người khi “một căn đã về nguồn” thì “sáu căn thành giải thoát”. Nhưng với tánh nghe vốn giải thoát thì khi một căn chưa về nguồn, đó cũng là giải thoát, vì nó không có nguồn. Nó đã từng dính một âm thanh nào đâu mà bảo là cần giải thoát.

………………………………….

Thấy, nghe, như lòa, huyễn
Ba cõi như không hoa
Xoay nghe, gốc lòa trừ
Trần tiêu, Giác viên tịnh
Tịnh tột, quang thông suốt
Lặng chiếu trùm hư không.

…………………………………..

Thấy nghe của con người là do vọng thấy biệt nghiệp và vọng thấy đồng phận, do bệnh phân biệt không nhân gì mà có, nên như lòa, như huyễn. Ba cõi sanh tử do gốc bệnh phân biệt thành lòa mà có nhưng cũng chẳng nhân vào đâu. Như trước đã nói, do mắt mỏi mệt mà thấy có hoa sanh ra giữa hư không, do tai mỏi mệt mà bám theo phân biệt các âm thanh mà không biết cội nguồn vô sanh của chúng. Ba cõi chỉ là quên mất nguồn tánh vô sanh mà thành như huyễn mỏi mệt.

Muốn thoát khỏi ba cõi không hoa này thì xoay cái thấy cái nghe về cội nguồn vô sanh của chúng. Khi ấy không những tự mình thoát khỏi ba cõi mà còn thoát khỏi những khổ đau của chúng sanh ba cõi. Khi thấy khổ đau, nghiệp báo của chúng sanh là không thật thì mới có can đảm ở lại nơi này mà cứu độ chúng sanh. Sự cứu độ lúc này là cứu độ từ nhân, từ gốc: mọi khổ đau của chúng sanh từ gốc lòa của chúng sanh mà có. Chính vì thấy chúng sanh hạnh phúc và khổ đau đều do gốc lòa mà có thì đại bi này mới hoàn toàn chân thật và không rời đại trí được.

Đây là công năng của Như huyễn trong Tam muội Kim cương Như Huyễn.

Tánh viên thông thì “lặng chiếu (tịch chiếu) trùm hư không”.

Trong Đại định Kim cương Như huyễn và cũng là tánh giác viên thông này thì Kim cương là tịch, là lặng, là chân Chỉ, còn Như huyễn là chiếu, là chân Quán. Lặng và chiếu là đồng thời, không hề lìa nhau. Kim cương và Như huyễn là đồng thời, không hề lìa nhau. Đây chính là tánh viên thông. Chỉ cần xoay lại thì tánh viên thông này hiện tiền, vì từ vô thủy đến nay chúng ta vẫn sống trong nó mà không tin, không biết.

“ Xoay nghe gốc lòa trừ” . Xoay nghe, liền tiếp xúc với thực tại Không, Vô tướng, Vô niệm, Vô trụ. Xoay nghe, đây là thiền định. Rồi an trụ trong thiền định đó thì đây là chánh định, tam muội. Tam muội này cũng chính là tánh nghe thường trụ vì không có bắt đầu không có chấm dứt.

……………………………………..

Xem (quán) trở lại thế gian
Giống như việc trong mộng
Ma Đăng Già trong mộng
Ai bắt được hình ông?
Như huyễn sư khéo trong đời
Huyễn làm các nam nữ
Tuy thấy các căn động
Cốt do một máy giật
Máy nghỉ đều lặng yên 
Các huyễn thành vô tánh.

……………………………………….

Khi lọt được vào Tam muội Kim cương Như huyễn, vào tánh giác viên thông, trụ được ở trong đó, thì xem trở lại thế gian, tất cả đều như mộng, như huyễn. Như mộng như huyễn thì không còn gì để tác động và trói buộc mình được. Thực thấy ba cõi đều như mộng như huyễn thì đó là giải thoát, đó là tự do, bởi vì lúc ấy không ai có thể khoác cho mình cái áo nào cả, dù là áo chúng sanh hay là áo ngộ đạo.

Ba cõi như mộng như huyễn vì đó là trò ảo thuật của huyễn sư vô minh phân biệt chấp trước lâu đời. Thấy có người qua kẻ lại, người lên cao người rớt thấp, người giàu sang người nghèo hèn.. .tất cả là trò huyễn thuật do một bộ máy dật dây điều khiển, rồi hoa mắt mà lăn lộn, đấu tranh, trôi nổi.

Xoay các trò huyễn thuật này trở về nguồn tánh vô sanh thì “máy nghỉ đều lặng yên, các huyễn thành vô tánh”. Đây là Tam muội Kim cương Như huyễn.

…………………………………..

Sáu căn cũng như thế
Vốn y một tinh minh
Phân thành sáu hòa hợp
Một chỗ đã về nghỉ
Sáu dụng đều chẳng thành
Ngay đó trần cấu tiêu
Thành viên minh tịnh diệu
Trần còn là Hữu học
Sáng tột tức Như Lai.

………………………………………

Sáu căn vốn y vào một tánh tinh minh, thuần sáng tỏ, trong ngoài đều sáng suốt. Tánh tinh minh thì căn cũng tinh minh, thức và trần đều tinh minh, như gương sáng thì tất cả các bóng trong ấy đều là gương sáng.

Ngay nơi các căn “sáu hòa hợp” này mà nhìn ra được nguồn của chúng “vốn là một tinh minh”, vốn cùng một nguồn ánh sáng, đó là chỗ bắt đầu của huân tu tánh thấy.

Sở dĩ có trần cấu, có các tướng “lấn ép nhau” là do bộ máy vô minh phân biệt chấp trước mà thành loạn động. Xoay các tướng về tánh vô sanh thì tất cả đều vô sanh, tịch tịnh, tròn sáng.

Sáu căn vốn rỗng rang thanh tịnh, không có chấp tướng rồi chạy theo tướng, không có trần cấu. Khi xoay được một căn trở về nguồn tánh tinh minh, tất cả sáu căn thành mở thoát, không còn làm cái dụng cho vô minh phân biệt, tất cả đều “về nghỉ” trong tánh tinh minh thanh tịnh. Bấy giờ tất cả tướng đều là tánh, trần cấu tiêu tan như chưa từng có.

Tất cả xưa nay vốn là Viên minh tịnh diệu, không có tánh tướng phân chia nào cả. Chi vì một niệm bất giác, khởi lên năng sở, từ đó phân chia rối bời. Cho nên “chuyển vật tức đồng Như Lai”, chuyển được các vật sai biệt về Như Lai tạng diệu chân như tánh, xoay cái nghe cái thấy về nguồn tánh là Một Bảo giác viên dung thanh tịnh, Một Phật tâm, thì đây là con đường trở lại Phật tánh vốn đã viên thành xưa nay của mình.

Trên con đường trở lại ấy, trên cái đương xứ đương niệm vốn đã thành Phật ấy, sự phân biệt, các cấp bậc tu chứng được xác định bằng thanh tịnh nhiều hay ít, trần cấu hư vọng còn nhiều hay ít: “Trần còn là Hữu học, sáng tột tức Như Lai”.

……………………………………….

Đại chúng và A Nan!
Xoay cơ nghe điên đảo
Xoay nghe, nghe tự tánh
Tánh thành: vô thượng đạo.
Viên thông thật như vậy
Đây một đường Niết bàn
Của hằng sa chư Phật
Chư Như Lai quá khứ
Đã thành tựu môn này
Các Bồ tát hiện tại

Nay đều vào viên minh
Người vị lai tu học
Hãy y pháp như thế
Con cũng trong ấy chứng
Chẳng riêng Quán Thế Âm.

…………………………………….

“ Đại chúng và A Nan! (hãy) xoay cơ nghe điên đảo …” , sự kêu gọi thức tỉnh trực tiếp tức khắc để xoay về.

Viên thông là xoay cái nghe trở lại nghe tự tánh (phản văn, văn tự tánh) và khi sự chứng nghiệm tự tánh hoàn thành viên mãn, thì đây là Giác ngộ, là Vô thượng đạo. Đây là một đường đến viên thông, tự tâm Niết bàn, Pháp thân thanh tịnh bổn nhiên, toàn khắp pháp giới của tất cả các bậc giác ngộ, tất cả các Bồ tát quá khứ, hiện tại, vị lai.

Khi có được xác tín như vậy người tu học chúng ta niệm niệm đều xoay cái nghe trở lại nghe tự tánh. Xoay nghe, đó chính là tự tánh, rỗng suốt tất cả không gian thời gian. Một niệm xoay về là một niệm chứng ngộ, niệm niệm xoay về là niệm niệm chứng ngộ. Một nhân xoay về là một quả chứng ngộ. Đây là nguyên lý chung cho chư Phật, Bồ tát và chúng sanh. Còn nhanh hay chậm, toàn phần hay ít phần, điều đó hoàn toàn thuộc về người tu.

Tự tánh thì có sẵn trong bất cứ lúc nào, nơi nào, nên lúc nào xoay nghe thì liền nghe được tự tánh. Lúc ấy cái nghe chính là tánh nghe. Như thế thì lúc nào cũng tu, lúc nào cũng chứng.

……………………………………..

Thật như lời Thế Tôn
Hỏi con các phương tiện

Để cứu đời mạt pháp
Người cầu xuất thế gian
Thành tựu tâm Niết bàn
Quán Thế Âm hơn cả.
Còn các phương tiện khác
Đều là Phật oai thần
Ngay sự, bỏ trần lao
Chẳng dễ thường tu học
Sâu cạn đều đã thuyết.

………………………………………..

Ngài Văn Thù trả lời câu hỏi của Đức Phật, rằng người cầu thoát khỏi sanh tử trong các đời sau thì tu nhĩ căn viên thông theo Bồ tát Quán Thế Âm là hơn cả. Các phương tiện pháp môn khác đều là lời chỉ dạy oai thần của Đức Phật để ngay nơi sự mà bỏ trần lao, nhưng khó có thể thường xuyên tu học với tất cả mọi căn cơ sâu và cạn.

Ngay sự bỏ trần lao thì ngay nơi cái nghe mà xoay về tánh nghe thì trực tiếp hơn vì không phải qua trung gian quán tưởng nào và cũng dễ dàng vì cái nghe thì ai cũng nhận ra ngay và luôn luôn có săn.

Ngay sự bỏ trần lao bằng cái nghe là phương tiện thích hợp hơn cả đối với cõi này và thời đại này. Còn nhanh hay chậm, sâu hay cạn là tùy thuộc vào mỗi người.

……………………………………

Đảnh lễ Như Lai tạng
Vô lậu, chẳng nghĩ bàn

Nguyện gia bị vị lai
Không lầm trong pháp này.
Phương tiện dễ thành tựu
Nên dùng dạy A Nan
Cùng đời sau chìm đắm
Chỉ dùng căn này tu
Viên thông hơn tất cả
Tâm chân thật như vậy

…………………………………….

Viên thông do căn tai là thích hợp hơn cả đối với ngài A Nan lúc ấy và chúng sanh đời sau chìm đắm. Xoay nghe là “ phương tiện dễ thành tựu” , ai cũng có ngay bây giờ.

 Sau khi lựa chọn căn viên thông, ngài Văn Thù cầu nguyện Như Lai tạng, là cái bổn nguyên của chư Phật và chúng sanh, gia bị cho đời sau không lầm lỗi trong pháp nhĩ căn viên thông này.

Ngài Văn Thù là thầy của bảy Đức Phật, khi ngài nói bằng tâm chân thật thì tâm này cũng là tâm chư Phật. Để nói về nhĩ căn viên thông, bắt đầu Đức Phật và chư Phật phóng hào quang biến tất cả các cõi thành một pháp giới viên dung khiến đại chúng được vào Tam muội Kim cương, đây là sự chứng minh cho những lời ngài Văn Thù sắp sửa nói. Kết thúc bài kệ chọn lựa căn viên thông, ngài Văn Thù xác định lời nói của mình từ tâm chân thật, tức là Phật tâm, quả thật, đây là quyết định chọn lựa của chư Phật. Chỉ riêng đoạn kinh chọn lựa căn viên thông này, có đủ Tín, Nguyện, Hạnh cho người tu hành của đủ mọi loại căn cơ sâu cạn.

……………………………………..

Ngay đó, A Nan cùng cả đại chúng thân tâm sáng tỏ, được đại khai thị, thấy rõ Giác ngộ và Đại Niết bàn của Phật, như người nhân có việc đi xa chưa trở về ngay được, song đã biết rõ con đường về nhà.

Khắp trong chúng hội, tám bộ Trời Rồng, hàng Hữu học Nhị thừa và tất cả các Bồ tát mới phát tâm, số lượng bằng mười hằng sa đều nhận biết được bản tâm, xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh. 

Tánh tỳ kheo ni nghe nói xong kệ, thành A La Hán. Vô lượng chúng sanh đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

……………………………………..

Bài kệ kết thúc lựa chọn căn viên thông, với sự chứng minh chấp nhận của chư Phật đã đưa tâm thức đại chúng lên một tầm cao mới. Xoay nghe, đây là con đường về nhà rõ ràng trước mắt, dầu có thể chưa về được ngay.

“Nhận biết được bản tâm, xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh” là Sơ địa của hàng Bồ tát Thập địa và Sơ quả Nhập lưu của hàng Thanh Văn, cũng là Kiến đạo vị chung cho cả hai thừa. Kiến đạo vị là thấy rõ con đường trở về nhà, từ đây mới thật sự đi mà không lầm lạc. Thấy rõ nguồn tánh viên thông, huân tu trên chính tánh viên thông ấy, đây là Tu tập vị hay Con đường thiền định thiền quán. Đến lúc hết sạch trần cấu, hoàn toàn thanh tịnh, là Con đường không tu nữa, từ Địa thứ Tám Vô sanh pháp nhẫn cho đến thành Phật.

Đặc biệt Tánh tỳ kheo ni, tức cô Ma Đăng Già, tuy ban đầu thì có vẻ kém sút hơn ngài A Nan, mà đến đây đắc quả A La Hán, tương đương với Vô sanh pháp nhẫn. Chỉ trừ Đức Phật và các Đại Bồ tát ai dám thấy những sự kiện bằng mắt thường mà đoán định căn cơ?

Xem mục lục