XXVI. PHẨM PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO
02
Bấy giờ cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát thành tựu phương tiện thiện xảo như vậy, phát tâm hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề đã trải qua bao nhiêu thời gian?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy phát tâm hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề đã trải qua vô số trăm ngàn triệu ức kiếp.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát thành tựu phương tiện thiện xảo như vậy, đã từng gần gũi cúng dường bao nhiêu đức Phật?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy đã từng gần gũi cúng dường hằng hà sa chư Phật.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát thành tựu phương tiện thiện xảo như vậy, đã trồng những căn lành vi diệu gì?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy từ lúc phát tâm đến nay, không có căn lành nào xuất phát từ bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa mà không siêng năng tinh tấn tu hành viên mãn. Nhờ đó mà thành tựu phương tiện thiện xảo như vậy.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát thành tựu phương tiện thiện xảo được như vậy rất là hi hữu.
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông đã nói. Các Đại Bồ-tát thành tựu phương tiện thiện xảo được như vậy rất là hi hữu.
Thiện Hiện nên biết! Giống như mặt trời, mặt trăng vận chuyển chiếu sáng khắp bốn đại châu thế giới để làm các sự nghiệp. Tất cả các loài hữu tình, vô tình theo thế lực của ánh sáng ấy mà di chuyển và thành tựu việc của mình. Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa chiếu sáng năm Ba-la-mật-đa khác để làm các sự nghiệp. Năm Ba-la-mật-đa: Bố thí v.v… theo thế lực của Bát-nhã ba-la-mật-đa mà di chuyển thành tựu việc của mình.
Thiện Hiện nên biết! Năm Ba-la-mật-đa: Bố thí v.v... đều nhờ Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ trì nên mới gọi là Ba-la-mật-đa. Giống như Chuyển luân vương, nếu không có bảy báu thì chẳng gọi là Chuyển luân vương, cần phải đầy đủ bảy báu mới gọi là Chuyển luân vương. Cũng vậy, năm Ba-la-mật-đa: Bố thí v.v..., nếu lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa thì chẳng được gọi là Ba-la-mật-đa, phải nhờ Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ trì mới được gọi là Ba-la-mật-đa.
Thiện Hiện nên biết! Ví như có người nữ xinh đẹp giàu có, nếu không được chồng mạnh khoẻ bảo vệ thì dễ bị người xấu lăng nhục. Nếu cô ta được chồng bảo vệ thì không bị người xấu lăng nhục. Cũng vậy, năm Ba-la-mật-đa: Bố thí v.v..., nếu không có Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ trì thì dễ bị thiên ma và quyến thuộc của chúng phá hoại, ngăn cản. Nếu được Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ trì thì tất cả thiên ma và quyến thuộc của chúng không thể nào phá hoại và ngăn cản được.
Thiện Hiện nên biết! Ví như quân tướng dũng mãnh, giỏi binh pháp, khéo chuẩn bị những loại áo giáp, đao, gậy kiên cố, thì oán địch nước bên cạnh không thể nào xâm lăng được. Cũng vậy, năm Ba-la-mật-đa: Bố thí v.v... nếu không lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa thì quyến thuộc thiên ma, kẻ tăng thượng mạn, cho đến những Bồ-tát thuộc Chiên-đà-la không thể nào phá hoại được.
Thiện Hiện nên biết! Ví như các vua nhỏ trong châu Thiệm-bộ, tùy thời đến triều kiến Chuyển luân thánh vương. Họ nương nhờ vào Chuyển luân thánh vương để được ở chỗ cao tột. Cũng vậy, năm Ba-la-mật-đa: Bố thí v.v... theo hộ trợ Bát-nhã ba-la-mật-đa, nhờ thế lực của Bát-nhã ba-la-mật-đa hướng dẫn nên mau hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thiện Hiện nên biết! Ví như các con sông ở phía Ðông châu Thiệm-bộ đều chảy về sông Hằng, từ sông Hằng chảy vào biển lớn. Cũng vậy, năm Ba-la-mật-đa: Bố thí v.v... đều được Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ trì nên có thể đạt đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thiện Hiện nên biết! Ví như tay phải của người có thể làm ra mọi việc. Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa có thể làm ra tất cả pháp thiện thù thắng.
Thiện Hiện nên biết! Ví như tay trái của người làm việc không thuận tiện. Cũng vậy, năm Ba-la-mật-đa trước không thể phát sanh pháp thiện thù thắng.
Thiện Hiện nên biết! Ví như các giòng nuớc, bất cứ lớn nhỏ, nếu chảy vào biển lớn đều cùng một vị mặn. Cũng vậy, năm Ba-la-mật-đa: Bố thí v.v... nhập vào Bát-nhã ba-la-mật-đa đều chứng đắc trí nhất thiết trí. Nhờ sự chứng đắc này nên gọi là đến bờ bên kia.
Thiện Hiện nên biết! Ví như Chuyển luân vương đi đến đâu đều có bốn bộ quân đi theo, có bánh xe báu ở trước dẫn đầu. Nếu vua và bốn bộ quân nghĩ đến ăn uống thì bánh xe báu liền dừng lại. Sau khi ăn uống xong, vua nghĩ muốn khởi hành thì bánh xe liền đi trước. Bánh xe ấy đi hay dừng đều theo ý muốn của vua. Khi đến nơi, bánh xe ấy không đi trước nữa. Cũng vậy, năm Ba-la-mật-đa: Bố thí v.v..., cùng các pháp lành muốn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề phải nhờ Bát-nhã ba-la-mật-đa dẫn đầu, tiến hay dừng song hành không bao giờ lìa bỏ nhau. Khi đến quả vị Phật mới không đi trước.
Thiện Hiện nên biết! Ví như Chuyển luân vương đầy đủ bảy báu, muốn đến đâu bốn bộ quân bảy báu đều đi theo. Bấy giờ, tuy bánh xe báu đi đầu tiên nhưng nó không phân biệt tướng trước sau. Cũng vậy, năm Ba-la-mật-đa trước cùng với pháp lành muốn hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nhất định để Bát-nhã ba-la-mật-đa dẫn đầu. Nhưng Bát-nhã ba-la-mật-đa này không nghĩ như vầy: Ta dẫn đầu năm Ba-la-mật-đa trước và các pháp ấy đi theo ta. Năm Ba-la-mật-đa cũng không nghĩ: Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu ở trước chúng ta, chúng ta đi theo sau. Vì sao? Vì tự tánh của sáu pháp Ba-la-mật-đa và tự tánh các pháp đều chậm lụt, không thể làm gì được cả, không có chủ tể, là hư giả chẳng thật, trống không, không có sở hữu, không có tướng tự tại. Ví như sóng nắng, bóng phản chiếu, trăng dưới nước, sự huyễn hóa, mộng v.v…, trong đó hoàn toàn không có tác dụng phân biệt và thể tướng chơn thật.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu tự tánh của tất cả pháp đều Không, hoàn toàn không có tác dụng phân biệt và thể tướng chơn thật thì các Đại Bồ-tát làm sao tu học sáu pháp Ba-la-mật-đa: Bố thí v.v… để chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Khi các Đại Bồ-tát siêng năng tinh tấn tu học sáu pháp Ba-la-mật-đa, thường nghĩ: Hữu tình ở thế gian, tâm luôn luôn bị điên đảo, đắm chìm trong khổ sanh tử, không thể tự thoát được. Nếu ta chẳng tu thắng hạnh bằng phương tiện thiện xảo thì không thể cứu vớt khổ sanh tử cho họ. Ta phải vì các loài hữu tình mà siêng năng tu phương tiện thiện xảo về bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa, mau hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, cứu vớt đại khổ sanh tử cho các hữu tình.
Sau khi nghĩ vậy, Đại Bồ-tát vì các hữu tình mà xả bỏ tất cả những vật bên trong lẫn bên ngoài. Xả bỏ rồi, lại nghĩ: Đối với những vật này, ta hoàn toàn không có gì để xả bỏ. Vì sao? Vì tự tánh của vật trong lẫn ngoài này đều không, chẳng phải của riêng ta. Nhờ sự quán sát này, Đại Bồ-tát ấy tu hành bố thí Ba-la-mật-đa mau được viên mãn, mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Đại Bồ-tát ấy trọn đời chẳng phạm giới. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát ấy thường nghĩ như vầy: Ta vì các hữu tình mà cầu hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, quyết định không nên sát sanh cho đến tà kiến. Cũng nhất định không cầu cảnh diệu dục và lạc thú của chư Thiên, cũng nhất định không cầu địa vị Nhị thừa, chỉ tự mình giải thoát. Nhờ sự quán sát này, Đại Bồ-tát ấy tu hành tịnh giới Ba-la-mật-đa mau được viên mãn, mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Đại Bồ-tát ấy không tức giận các hữu tình. Giả sử luôn bị người hủy báng, lăng nhục, cắt xẻ thân ra từng mảnh, chịu nhiều khổ não, cũng không có một tâm niệm ác. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát ấy quan sát tất cả âm thanh như tiếng vọng trong hang, sắc như chùm bọt nước, nên không sân giận. Nhờ sự quán sát này, Đại Bồ-tát ấy tu hành an nhẫn Ba-la-mật-đa mau được viên mãn, mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Đại Bồ-tát ấy vì các hữu tình mà siêng năng cầu pháp lành, cho đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, trong thời gian ấy, không bao giờ giải đãi. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát ấy thường nghĩ: Nếu ta giải đãi thì không thể cứu vớt tất cả hữu tình xa lìa khổ lớn sanh tử, cũng không thể nào đắc trí nhất thiết trí. Nhờ sự quán sát này, Đại Bồ-tát ấy tu hành tinh tấn Ba-la-mật-đa mau được viên mãn, mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Đại Bồ-tát ấy vì các hữu tình nên siêng năng tinh tấn tu thắng định, cho đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề không bao giờ có tâm loạn động, tham, sân, si v.v... Vì sao? Vì Đại Bồ-tát ấy thường nghĩ: Nếu ta có tâm loạn động, tham, sân, si thì không thể thành tựu việc làm lợi ích cho mọi người, cũng không thể chứng quả vị Phật. Nhờ sự quán sát này, Đại Bồ-tát ấy tu hành tịnh lự Ba-la-mật-đa mau được viên mãn, mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Đại Bồ-tát ấy vì các hữu tình, không lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa, cho đến khi đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, luôn siêng năng tinh tấn tu học thắng tuệ vi diệu. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát ấy thường nghĩ: Nếu lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa thì ta không thể thành thục các hữu tình, cũng không thể chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Nhờ sự quán sát này, Đại Bồ-tát ấy tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa mau được viên mãn, mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Do nhân duyên này, mặc dù tự tánh của tất cả pháp đều Không, hoàn toàn không có tác dụng, thể tướng chơn thật, nhưng các Đại Bồ-tát siêng năng tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa thì cũng chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Sáu pháp Ba-la-mật-đa này, tánh không khác nhau. Tất cả đều được Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ trì thì tại sao nói Bát-nhã ba-la-mật-đa đối với năm Ba-la-mật-đa là tối thắng, là tôn quí, là vi diệu, là vô thượng?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông đã nói. Sáu pháp Ba-la-mật-đa: Bố thí v.v… tánh không khác nhau, tất cả đều được Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ trì. Nếu không có Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ trì thì năm Ba-la-mật-đa: Bố thí v.v… không được gọi là Ba-la-mật-đa, phải nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa, thì năm Ba-la-mật-đa: Bố thí v.v… mới được gọi là Ba-la-mật-đa,
Thiện Hiện nên biết! Có loài hữu tình mặc dù có những thân thể với màu sắc khác nhau, nhưng đến gần với núi chúa Diệu Cao (Tu-di sơn) thì đều cùng một màu. Như vậy, năm Ba-la-mật-đa trước mặc dù có những phẩm loại khác nhau, nhưng đều được Bát-nhã ba-la-mật-đa hộ trì. Tất cả đều nhờ Bát-nhã ba-la-mật-đa mà tu hành được thành tựu. Tất cả đều nhập vào Bát-nhã ba-la-mật-đa, không thể đưa ra những tên họ sai khác.
Lại nữa, năm Ba-la-mật-đa trước nương vào Bát-nhã ba-la-mật-đa mới có thể chứng đắc trí nhất thiết trí, mới được gọi là đến bờ bên kia. Cho nên sáu pháp Ba-la-mật-đa đều đồng một vị, tánh không khác nhau, không thể đưa ra đây là bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì sáu Ba-la-mật-đa đều có thể chứng đắc trí nhất thiết trí, đều đến bờ bên kia, tánh không khác nhau. Do đó mà sáu pháp Ba-la-mật-đa: Bố thí v.v... không thể đưa ra tên họ khác nhau.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Ba-la-mật-đa và tất cả pháp đúng với thật nghĩa thì đều không có sự khác nhau giữa đây kia, hơn kém. Vậy sao nói Bát-nhã ba-la-mật-đa đối với năm Ba-la-mật-đa là tối là thắng, là tôn quí, là vi diệu, là vô thượng?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông đã nói. Nếu theo thật nghĩa Ba-la-mật-đa và tất cả pháp đều không khác nhau giữa đây kia, hơn kém thì đây chỉ căn cứ vào sự tác dụng của thế tục mà nói có sự khác nhau giữa đây kia, hơn kém và đưa ra có bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì muốn độ thoát các loài hữu tình, nên nói về tác dụng của thế tục là sanh, lão, bệnh, tử. Nhưng sanh, lão, bệnh, tử của các loài hữu tình đều chẳng thật có, chỉ là giả lập mà thôi. Vì sao? Vì hữu tình không biết các pháp đều vô sở hữu. Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thông đạt tất cả pháp hoàn toàn vô sở hữu, nên có thể cứu vớt tác dụng thế tục sanh, lão, bệnh, tử của các hữu tình. Do đây nên nói đối với năm Ba-la-mật-đa thì Bát-nhã ba-la-mật-đa là rất tối thắng, tôn quí, vi diệu, vô thượng.
Thiện Hiện nên biết! Ví như Chuyển luân vương có nữ báu, đối với loài người thì nữ báu ấy rất tối thắng, tôn quí, vi diệu, vô thượng. Cũng vậy, đối với năm Ba-la-mật-đa thì Bát-nhã ba-la-mật-đa rất tối thắng, tôn quí, vi diệu, vô thượng.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Vì sao Như Lai luôn khen nói: Đối với năm Ba-la-mật-đa thì Bát-nhã ba-la-mật-đa rất tối thắng, tôn quí, vi diệu, vô thượng?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa này hộ trì tất cả pháp lành, hòa hợp nhập vào trí nhất thiết trí, an trụ bất động, lấy vô sở đắc làm phương tiện.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa có nắm lấy, xả bỏ các pháp lành không?
Phật dạy:
- Không! Đối với tất cả pháp, Bát-nhã ba-la-mật-đa không nắm bắt, không xả bỏ. Vì sao? Vì tự tánh của tất cả pháp đều không, hoàn toàn không nắm bắt, không xả bỏ.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Như vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa không nắm bắt, không xả bỏ những pháp nào?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa không nắm bắt, không xả bỏ sắc cho đến trí nhất thiết trí.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Vì sao Bát-nhã ba-la-mật-đa không nắm bắt, không xả bỏ sắc, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa không tư duy về sắc, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí. Cho nên không nắm bắt, không xả bỏ sắc, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Vì sao Bát-nhã ba-la-mật-đa không tư duy về sắc, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa này đối với sắc cho đến trí nhất thiết trí không tư duy tất cả tướng, cũng không tư duy về tất cả sở duyên. Cho nên không tư duy về tất cả sắc, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát không tư duy về sắc, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí thì làm sao tăng trưởng sự gieo căn lành? Nếu căn lành chẳng tăng trưởng thì làm sao viên mãn Ba-la-mật-đa? Nếu không viên mãn Ba-la-mật-đa thì làm sao chứng đắc trí nhất thiết trí?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát không tư duy về sắc, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí thì Đại Bồ-tát ấy có thể làm tăng trưởng sự gieo trồng căn lành. Vì căn lành đã gieo trồng được tăng trưởng nên có thể viên mãn Ba-la-mật-đa. Vì Ba-la-mật-đa được viên mãn, nên liền chứng đắc trí nhất thiết trí. Vì sao? Vì các Đại Bồ-tát không tư duy về sắc, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí thì mới có thể tu đầy đủ các hạnh của Đại Bồ-tát và chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Cụ thọ hiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà các Đại Bồ-tát không tư duy về sắc, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí mới có thể tu đầy đủ các hạnh của Đại Bồ-tát, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát nếu tư duy sắc, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí thì có sở đắc. Vì có sở đắc nên bị vướng vào ba cõi. Nếu vướng vào ba cõi thì không thể tu đầy đủ các hạnh của Đại Bồ-tát, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Nếu Đại Bồ-tát không tư duy về sắc, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí thì không có sở đắc. Vì không có sở đắc nên không bị vướng vào ba cõi. Vì không bị vướng vào ba cõi nên tu đầy đủ các hạnh của Đại Bồ-tát, chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Cho nên, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát tu đầy đủ các hạnh của Đại Bồ-tát và mau chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, thì phải siêng năng tinh tấn tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, không nên tư duy đắm nhiễm vào các pháp
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát muốn siêng năng tinh tấn tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu phải trụ vào đâu?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát muốn siêng năng tinh tấn tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thì không nên trụ vào sắc, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Vì lý do gì mà các Đại Bồ-tát muốn siêng năng tinh tấn tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu không nên trụ vào sắc, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát siêng năng tinh tấn tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thì không nên chấp trước vào tất cả pháp, không nên trụ vào sắc, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát ấy không thấy có pháp nào để chấp trước và để an trụ.
Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát lấy không nhiễm trước và không an trụ để làm phương tiện thì có thể siêng năng tinh tấn tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu.
Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ-tát nghĩ như vầy: Không chấp trước, không an trụ mà siêng năng tinh tấn tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu thì đó là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa, là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu ta không chấp trước, không an trụ, siêng năng tinh tấn tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa, đó là tu Bát-nhã ba-la-mật-đa, là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Đại Bồ-tát ấy nếu nghĩ chấp tướng, tức xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa là xa lìa bố thí Ba-la-mật-đa, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu không chấp trước đối với tất cả pháp. Chẳng phải Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có sự chấp trước và tánh chấp trước. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa hoàn toàn không có tự tánh để chấp trước các pháp.
Cho nên, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu đối với tất cả pháp và Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu đều không chấp trước.
Thiện Hiện nên biết! Khi Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu tưởng như vầy: Ðây là Bát-nhã ba-la-mật-đa, ta thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, tức là hành hết thảy thật tướng của tất cả pháp. Do tưởng như vậy nên Đại Bồ-tát liền thối lui Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu thối lui Bát-nhã ba-la-mật-đa tức là thối lui bố thí Ba-la-mật-đa, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu là căn bản của tất cả pháp trắng. Nếu thối lui Bát-nhã ba-la-mật-đa là thối lui tất cả pháp trắng.
Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ-tát nghĩ như vầy: Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này bao gồm bố thí Ba-la-mật-đa, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí thì Đại Bồ-tát ấy làm thối lui Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu thối lui Bát-nhã ba-la-mật-đa thì không thể hộ trì bố thí Ba-la-mật-đa, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí. Vì sao? Vì không xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể giữ gìn hết thảy pháp phần Bồ-đề và có thể chứng đắc trí nhất thiết trí.
Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ-tát nghĩ như vầy: An trụ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thì nhất định được thọ ký quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Do nghĩ như vậy, Đại Bồ-tát ấy đã làm thối lui Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu thối lui Bát-nhã ba-la-mật-đa thì không được thọ ký quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì sao? Vì không lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa thì được thọ ký quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ-tát nghĩ: An trụ vào Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể phát sanh bố thí Ba-la-mật-đa cho đến phát sanh đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Do nghĩ như vậy, Đại Bồ-tát ấy liền thối lui Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu thối lui Bát-nhã ba-la-mật-đa thì không thể phát sanh bố thí Ba-la-mật-đa cho đến không thể phát sanh đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Vì sao? Vì không lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa thì có thể phát sanh an trụ thắng pháp.
Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ-tát suy nghĩ: Phật biết các pháp không có tướng chấp giữ, nên tự chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Chứng Bồ-đề rồi giảng nói khai thị thật tướng các pháp cho các hữu tình. Do nghĩ như vậy, Đại Bồ-tát ấy làm thối lui Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu. Vì sao? Vì đối với pháp, Như Lai không biết, không hay, không nói, không chỉ dạy. Vì sao? Vì thật tánh của các pháp không thể nào hay, biết, không thể đưa ra, thì làm sao có người hay, biết, chỉ dạy tất cả pháp. Nếu nói thật sự có người hay, biết, chỉ dạy tất cả pháp thì không có điều đó.
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu làm thế nào để xa lìa các sai lầm đó?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu nghĩ như vầy: Tất cả pháp đều vô sở hữu nên không thể chấp thủ. Nếu các pháp đều vô sở hữu nên không thể chấp thủ thì cũng không có người đang chứng Đẳng giác, cũng không có sự giảng nói, chỉ dạy. Nếu hành được như vậy, tức là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, lìa bỏ các lỗi lầm. Nếu Đại Bồ-tát chấp pháp vô sở hữu, không thể chấp thủ, tức là lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu không chấp trước, không hộ trì tất cả pháp. Nếu có chấp trước, có hộ trì các pháp tức là lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa là viễn ly hay không viễn ly? Cho đến bố thí Ba-la-mật-đa đối với bố thí Ba-la-mật-đa là viễn ly hay không viễn ly? Nói rộng cho đến trí nhất thiết trí đối với trí nhất thiết trí là viễn ly hay không viễn ly?
Bạch Thế Tôn! Nếu Bát-nhã ba-la-mật-đa đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa dầu viễn ly hay không viễn ly thì làm thế nào Đại Bồ-tát không chấp trước để phát sanh Bát-nhã ba-la-mật-đa? Cho đến bố thí Ba-la-mật-đa đối với bố thí Ba-la-mật-đa dầu viễn ly hay không viễn ly thì làm thế nào Đại Bồ-tát không chấp trước để phát sanh bố thí Ba-la-mật-đa? Nói rộng cho đến trí nhất thiết trí đối với trí nhất thiết trí dầu viễn ly hay không viễn ly thì làm thế nào Đại Bồ-tát ấy không chấp trước để phát sanh trí nhất thiết trí?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa chẳng viễn ly, chẳng phải không viễn ly, cho nên Đại Bồ-tát không chấp trước để phát sanh Bát-nhã ba-la-mật-đa. Như vậy, cho đến bố thí Ba-la-mật-đa đối với bố thí Ba-la-mật-đa chẳng viễn ly, chẳng phải không viễn ly. Cho nên, Đại Bồ-tát không chấp trước để phát sanh bố thí Ba-la-mật-đa. Nói rộng cho đến trí nhất thiết trí đối với trí nhất thiết trí chẳng viễn ly, chẳng phải không viễn ly. Cho nên, Đại Bồ-tát không chấp trước để phát sanh trí nhất thiết trí. Vì sao? Vì chẳng phải tự tánh, chẳng phải lìa tự tánh mà có thể đưa đến an trụ vào tự tánh.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu không chấp trước sắc, nói đây là sắc, sắc thuộc về cái kia. Nói rộng cho đến không chấp trước trí nhất thiết trí, nói đây là trí nhất thiết trí, trí nhất thiết trí này thuộc về cái kia. Vì Đại Bồ-tát không chấp trước tất cả pháp ấy nên có thể phát sanh Bát-nhã ba-la-mật-đa, cho đến có thể phát sanh trí nhất thiết trí. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu mà chấp trước vào các pháp, nói đây là pháp, pháp này thuộc về cái kia, thì không thể tùy ý phát sanh an trụ vào công đức thù thắng.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, không quán sắc là thường hay vô thường, là vui hay khổ, là ngã hay vô ngã, là tịnh hay bất tịnh, là không hay bất không, là viễn ly hay không viễn ly. Cho đến không quán trí nhất thiết trí là thường hay vô thường, là vui hay khổ, là ngã hay vô ngã, là tịnh hay bất tịnh, là không hay bất không, là viễn ly hay không viễn ly. Đại Bồ-tát ấy không quán tất cả pháp như vậy thì có thể phát sanh Bát-nhã ba-la-mật-đa, cho đến có thể phát sanh trí nhất thiết trí. Vì sao? Vì nếu Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu quán sát các pháp là thường hay vô thường, là vui hay khổ, là ngã hay vô ngã, là tịnh hay bất tịnh, là không hay bất không, là viễn ly hay không viễn ly, thì không thể phát sanh, an trụ vào công đức thù thắng.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu tức là hành bố thí Ba-la-mật-đa. Nói rộng cho đến cũng tu hành trí nhất thiết trí.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu đi chỗ nào thì tất cả Ba-la-mật-đa và tất cả pháp phần Bồ-đề đều đi theo. Nếu Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu đến đâu thì tất cả Ba-la-mật-đa và tất cả pháp phần Bồ-đề khác cũng đến đó. Giống như Chuyển luân vương đi đâu thì đều có bốn bộ quân dũng mãnh tùy tùng. Nếu Chuyển luân vương đến đâu thì đều có bốn bộ quân dũng mãnh theo đến. Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu cũng như vậy, đi đâu, đến đâu thì năm Ba-la-mật-đa: Bố thí v.v... và các pháp phần Bồ-đề khác đều đi theo, hoàn toàn đạt đến trí nhất thiết trí. Giống như người điều phục giỏi, điều phục xe tứ mã tránh xa đường hiểm, đi vào đường chánh, đều theo ý muốn mà đi đến nơi đến chốn. Cũng vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này điều phục rất giỏi về tất cả Ba-la-mật-đa và tất cả pháp phần Bồ-đề khác, để tránh xa con đường nguy hiểm sanh tử Niết-bàn, mà đi trên con đường chân chánh, tự lợi, lợi tha để đạt đến trí nhất thiết trí đã cầu.
Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát làm sao biết được đạo hay phi đạo?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đạo của Thanh văn, Ðộc giác, đạo của phàm phu chẳng phải là đạo của Đại Bồ-tát, vì nương vào đó không thể đến trí nhất thiết trí. Nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu phát sanh tất cả pháp phần Bồ-đề. Đạo của Đại Bồ-tát ấy dựa vào đây, nhất định đạt đến trí nhất thiết trí.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu xuất hiện trên thế gian là một đại sự. Gọi đó là thị hiện tướng đạo, phi đạo của chúng Đại Bồ-tát, để các Đại Bồ-tát ấy biết đạo hay phi đạo mà mau chóng chứng đắc trí nhất thiết trí?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông đã nói. Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu xuất hiện trên thế gian là một đại sự. Gọi đó là thị hiện tướng đạo, phi đạo của các Đại Bồ-tát, để các Đại Bồ-tát ấy biết đạo hay phi đạo mà mau chóng chứng đắc trí nhất thiết trí.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu xuất hiện ra đời là một việc lớn. Nghĩa là độ thoát vô lượng, vô số, vô biên hữu tình để đạt được lợi ích an lạc thù thắng.
Thiện Hiện nên biết! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu mặc dù làm ra vô lượng việc lợi lạc cho người, nhưng không chấp thủ vào đó.
Thiện Hiện nên biết! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu mặc dù thị hiện làm sự nghiệp nhưng không chấp lấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cho đến không chấp lấy trí nhất thiết trí. Cũng lại không chấp lấy những sự nghiệp của Thanh văn, Ðộc giác làm ra.
Thiện Hiện nên biết! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu mặc dù dẫn đầu tất cả chúng Đại Bồ-tát để hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, xa lìa địa vị Thanh văn, Ðộc giác, nhưng đối với các pháp thì không sanh, không diệt, vì lấy tánh của pháp trụ làm định lượng.
Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, đối với tất cả pháp không sanh, không diệt. Vậy thì tại sao khi các Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu vì các hữu tình phải hành bố thí, giữ tịnh giới, chịu an nhẫn, siêng năng tinh tấn, nhập tịnh lự, tu Bát-nhã?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu duyên với trí nhất thiết trí, vì các hữu tình nên hành bố thí, giữ tịnh giới, chịu an nhẫn, siêng năng tinh tấn, nhập tịnh lự, tu Bát-nhã. Đại Bồ-tát ấy đem căn lành này bình đẳng cho các hữu tình, cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Đại Bồ-tát ấy đem căn lành này hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tức là tu sáu pháp Ba-la-mật-đa mau được viên mãn, cũng tu từ, bi, hỉ, xả của Bồ-tát mau được viên mãn. Nhờ vậy, mau đắc trí nhất thiết trí, cho đến ngồi tòa Bồ-đề không bao giờ xa lìa sáu pháp Ba-la-mật-đa tức là không xa lìa trí nhất thiết trí.
Cho nên, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát muốn mau chứng đắc trí nhất thiết trí thì phải siêng năng tinh tấn tu học sáu pháp Ba-la-mật-đa, phải siêng năng tinh tấn tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa. Nếu Đại Bồ-tát thường siêng năng tinh tấn tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa như vậy, thì tất cả căn lành mau được viên mãn, mau chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Cho nên, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát luôn luôn tương ưng với sáu pháp Ba-la-mật-đa không được tạm rời.
Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Làm thế nào để Đại Bồ-tát luôn luôn tương ưng với sáu pháp Ba-la-mật-đa không được tạm rời?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát như thật quán sắc chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng, như thật quán thọ, tưởng, hành, thức chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng. Nói rộng cho đến như thật quán trí nhất thiết trí chẳng tương ưng, chẳng phải không tương ưng. Đại Bồ-tát ấy luôn tương ưng với sáu pháp Ba-la-mật-đa không bao giờ tạm rời.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát luôn nghĩ: Ta không nên trụ vào sắc, cũng không nên trụ vào phi sắc. Nói rộng cho đến ta không nên trụ vào trí nhất thiết trí, cũng không nên trụ vào phi trí nhất thiết trí. Vì sao? Vì sắc chẳng phải trụ, chẳng phải được trụ. Nói rộng cho đến trí nhất thiết trí cũng chẳng phải trụ, chẳng phải được trụ. Đại Bồ-tát ấy luôn tương ưng với sáu pháp Ba-la-mật-đa không bao giờ tạm rời.
Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ-tát dùng phương tiện vô trụ ấy tu hành sáu pháp Ba-la-mật-đa thì Đại Bồ-tát ấy mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thiện Hiện nên biết! Như người muốn ăn quả xoài, quả na, trước tiên phải lấy hạt của nó trồng ở ruộng đất tốt, theo thời gian chăm bón, săn sóc, sửa sang, lần lần nó phát triển mầm chồi, thân, cành, lá. Gặp thời tiết hòa hợp nó trổ hoa, kết trái. Sau khi quả chín, hái ăn.
Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát muốn đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, trước tiên phải học sáu pháp Ba-la-mật-đa. Lại đem bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự để giúp đỡ các hữu tình. Giúp đỡ họ rồi, dạy bảo họ an trụ vào bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, khiến họ an trụ vào pháp phần Bồ-đề như bốn niệm trụ v.v… Sau khi an trụ, được giải thoát tất cả khổ lớn sanh tử, chứng đắc an lạc thường trụ tịch tĩnh. Bồ-tát ấy sẽ đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, đến tận đời vị lai luôn làm lợi ích cho tất cả.
Cho nên, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát đối với các pháp không muốn nhờ vào duyên khác mà là tự khai ngộ, muốn thành thục các hữu tình, muốn trang nghiêm thanh tịnh được cõi Phật, muốn an ổn ngồi tòa Bồ-đề vi diệu, muốn chinh phục ác ma, muốn mau chứng đắc trí nhất thiết trí, muốn chuyển pháp luân độ chúng hữu tình thì nên học sáu pháp Ba-la-mật-đa, dùng bốn nhiếp pháp làm phương tiện để hộ trì các loài hữu tình, giúp họ giải thoát các khổ sanh tử. Khi Bồ-tát siêng năng tinh tấn tu học như vậy thì nên luôn tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Phật dạy Bồ-tát nên siêng năng tinh tấn tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa ư?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Ta nói Bồ-tát nên siêng năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ-tát đối với tất cả pháp muốn được tự tại thì nên học Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu có đầy đủ oai lực lớn, có thể làm cho các Đại Bồ-tát được tự tại đối với tất cả pháp.
Thiện Hiện nên biết! Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu là cửa mà các pháp lành hướng đến. Ví như biển lớn là cửa của tất cả dòng nước chảy về.
Cho nên, này Thiện Hiện! Hoặc thiện nam Thanh văn thừa, hoặc thiện nam Ðộc giác thừa, hoặc thiện nam Bồ-tát thừa, đều phải siêng năng tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này.
Thiện Hiện nên biết! Khi các Đại Bồ-tát siêng năng tinh tấn tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu này thì cũng phải siêng năng tinh tấn tu học bố thí cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa. Cho đến siêng năng tinh tấn tu học trí nhất thiết trí.
Thiện Hiện nên biết! Ví như người bắn giỏi, mặc áo giáp kiên cố, cầm cung tên tốt không sợ kẻ thù. Cũng vậy, các Đại Bồ-tát giữ gìn phương tiện thiện xảo Bát-nhã ba-la-mật-đa, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí, làm cho quân ma, ngoại đạo và những luận phái khác không thể nào thắng được.
Cho nên, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát muốn chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển diệu pháp luân độ chúng hữu tình thì phải siêng năng tinh tấn tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa. Nếu Đại Bồ-tát thường siêng năng tinh tấn tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, thì được chư Phật Thế Tôn ở quá khứ, vị lai, hiện tại luôn luôn hộ niệm.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ-tát thường siêng năng tinh tấn tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, được chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại cùng hộ niệm?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát thường siêng năng tinh tấn tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, tức là tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí, nên được chư Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai, hiện tại cùng hộ niệm.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát ấy tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí như thế nào để được chư Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai, hiện tại cùng hộ niệm?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Khi Đại Bồ-tát ấy tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí; quán bố thí Ba-la-mật-đa, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí đều bất khả đắc, nên được chư Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai, hiện tại cùng hộ niệm.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại mặc dù thường hộ niệm Đại Bồ-tát ấy nhưng không lấy sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nói rộng cho đến trí nhất thiết trí để phát sanh hộ niệm, vì sắc cho đến trí nhất thiết trí bất khả đắc.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát mặc dù nhiều học xứ nhưng không có học xứ.
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Các Đại Bồ-tát mặc dù nhiều học xứ nhưng không có học xứ. Vì sao? Vì thật sự không có pháp nào để chúng Đại Bồ-tát tu học.
Thiện Hiện bạch Phật:
- Phật giảng nói pháp tóm lược hay sâu rộng tương ưng với sáu pháp Ba-la-mật-đa cho chúng Đại Bồ-tát? Nếu Đại Bồ-tát muốn chứng đắc quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, chuyển diệu pháp luân độ chúng hữu tình, đối với pháp tương ưng với sáu pháp Ba-la-mật-đa này, dù tóm lược hay sâu rộng, phải đều lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, để được thông suốt. Thông suốt rồi tư duy đúng lý. Sau khi tư duy phải quán sát rõ ràng, đúng đắn. Quán sát làm cho tâm và tâm sở đối với tướng sở duyên đều không bị lay động.
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông đã nói.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Đối với các pháp tương ưng với sáu Ba-la-mật-đa mà Phật Thế Tôn đã nói dù tóm lược hay sâu rộng, các Đại Bồ-tát đều phải siêng năng tu học, phải như thật biết rõ về tướng rộng hẹp của các pháp.
Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát làm thế nào để như thật biết rõ về tướng rộng hẹp của các pháp?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát như thật biết rõ tướng chơn như của sắc, như thật biết rõ tướng chơn như của thọ, tưởng, hành, thức. Nói rộng cho đến như thật biết rõ tướng chơn như của trí nhất thiết trí thì Đại Bồ-tát ấy như thật biết rõ về tướng rộng hẹp của các pháp.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Thế nào là tướng chơn như của sắc? Thế nào là tướng chơn như của thọ, tưởng, hành, thức? Nói rộng cho đến thế nào là tướng chơn như của trí nhất thiết trí để các Đại Bồ-tát như thật biết rõ mà học, như thật biết rõ tướng rộng hẹp của các pháp?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Chơn như của sắc không sanh, không diệt, không trụ, cũng không thay đổi nhưng mà có thể thành lập, đó gọi là tướng chơn như của sắc.
Chơn như của thọ, tưởng, hành, thức cũng không sanh, không diệt, không trụ, cũng không thay đổi nhưng có thể thành lập, đó gọi là tướng chơn như của thọ, tưởng, hành, thức.
Nói rộng cho đến chơn như của trí nhất thiết trí không sanh, không diệt, không trụ, cũng không thay đổi nhưng có thể thành lập, đó gọi là tướng chơn như của trí nhất thiết trí.
Các Đại Bồ-tát nên như thật biết rõ để học, phải như thật biết rõ tướng rộng hẹp của các pháp.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát như thật biết rõ tướng thật tế của sắc, như thật biết rõ tướng thật tế của thọ, tưởng, hành, thức. Nói rộng cho đến như thật biết rõ tướng thật tế của trí nhất thiết trí. Đại Bồ-tát ấy như thật biết rõ tướng rộng hẹp của các pháp như vậy.
Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Thế nào là tướng thật tế của sắc? Thế nào là tướng thật tế của thọ, tưởng, hành, thức? Nói rộng cho đến thế nào là tướng thật tế của trí nhất thiết trí để các Đại Bồ-tát như thật biết rõ mà tu học, để như thật biết rõ tướng rộng hẹp của các pháp?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Không có biên giới của sắc, gọi là tướng thật tế sắc.
Không có biên giới của thọ, tưởng, hành, thức, gọi là tướng thật tế thọ, tưởng, hành, thức.
Nói rộng cho đến không có biên giới của trí nhất thiết trí, gọi là tướng thật tế trí nhất thiết trí.
Các Đại Bồ-tát như thật biết rõ để học, như thật biết rõ về tướng rộng hẹp của các pháp.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát như thật biết rõ tướng pháp giới của sắc, như thật biết rõ tướng pháp giới của thọ, tưởng, hành, thức. Nói rộng cho đến như thật biết rõ tướng pháp giới của trí nhất thiết trí. Đại Bồ-tát ấy như thật biết rõ tướng rộng hẹp của các pháp.
Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Thế nào là tướng pháp giới của sắc? Thế nào là tướng pháp giới của thọ, tưởng, hành, thức? Nói rộng cho đến thế nào là tướng pháp giới của trí nhất thiết trí để các Đại Bồ-tát như thật biết rõ mà học, để như thật biết rõ tướng rộng hẹp của các pháp?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Sắc như hư không, không chướng ngại, không sanh, không diệt, không gián đoạn không liên tục nhưng không thành lập, gọi đó là tướng pháp giới của sắc.
Thọ, tưởng, hành, thức như hư không, không chướng ngại, không sanh, không diệt, không gián đoạn không liên tục mà có thể thành lập, gọi đó là tướng pháp giới của thọ, tưởng, hành, thức.
Nói rộng cho đến trí nhất thiết trí như hư không, không chướng ngại, không sanh, không diệt, không gián đoạn, không liên tục có thể thành lập, gọi đó là tướng pháp giới của trí nhất thiết trí.
Các Đại Bồ-tát như thật biết rõ để học, như thật biết rõ tướng rộng hẹp của các pháp.
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát làm thế nào để biết tướng rộng hẹp của tất cả pháp?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát như thật biết rõ về tất cả pháp không hợp, không tan thì Đại Bồ-tát ấy sẽ biết tướng rộng hẹp của tất cả pháp.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Tất cả pháp không hợp, không tan là những pháp nào?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Sắc không hợp, không tan; thọ, tưởng, hành, thức không hợp, không tan.
Nói rộng cho đến trí nhất thiết trí không hợp, không tan.
Tham dục, sân giận, ngu si không hợp, không tan.
Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới không hợp, không tan.
Cảnh giới hữu vi, cảnh giới vô vi không hợp, không tan.
Vì sao? Vì các pháp ấy không có tự tánh. Nếu không có tự tánh thì không sở hữu. Nếu không sở hữu thì không thể nói có hợp có tan.
Các Đại Bồ-tát biết rõ tất cả pháp như vậy thì biết rõ tướng rộng hẹp của tất cả pháp.