Bấy giờ, đức Bạt-già-phạm dạy Thiện Hiện:
- Này Thiện Hiện! Ông hãy dùng thần lực mà giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa cho chúng Đại Bồ-tát. Hãy truyền trao dạy bảo cho các Đại Bồ-tát, để họ đạt được Bát-nhã ba-la-mật-đa đến chỗ cứu cánh.
Khi ấy, các chúng đại đệ tử Bồ-tát và các thiên tử đều sanh nghi ngờ như vầy: Cụ thọ Thiện Hiện dùng thần lực của mình để giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa cho chúng Đại Bồ-tát, hay là nương vào sức oai thần của Thế Tôn? Nhờ thần lực của Phật, cụ thọ Thiện Hiện biết tâm nghi ngờ của chúng đại đệ tử Bồ-tát và các thiên tử nên nói với cụ thọ Xá-lợi Tử:
- Các đệ tử của Phật mạnh dạn nói pháp là đều nương vào sức oai thần của Phật. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Đầu tiên Phật giảng nói pháp giải thoát cho người khác. Người đó theo lời Phật dạy, tinh tấn siêng năng tu học cho đến chứng đắc thật tánh của các pháp. Sau đó, người này lại giảng nói cho người khác theo tánh của pháp không trái nhau. Tất cả đều là phương tiện thiện xảo của Như Lai.
Này Xá-lợi Tử! Tôi nhờ thần lực của Phật gia bị mà giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa cho chúng Đại Bồ-tát. Làm được việc như vậy chẳng phải là biện tài của tôi. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa chẳng phải là cảnh giới của các Thanh văn, Ðộc giác.
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Như lời Phật đã nói với các Đại Bồ-tát, khái niệm của pháp gì mới gọi là Bồ-tát?
Bạch Thế Tôn! Con không thấy có pháp nào có thể gọi là Đại Bồ-tát. Cũng không thấy có pháp nào có thể gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa thì tại sao bảo con giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa cho chúng Đại Bồ-tát?
Bạch Thế Tôn! Con lấy Bát-nhã ba-la-mật-đa gì truyền trao dạy bảo cho những Đại Bồ-tát nào, để đạt đến sự cứu cánh của Bát-nhã ba-la-mật-đa?
Phật dạy cụ thọ Thiện Hiện:
- Chỉ có giả danh nói là Bát-nhã ba-la-mật-đa. Chỉ có giả danh nói là chúng Đại Bồ-tát. Chỉ có giả danh như vậy giả bày ra, bất sanh, bất diệt. Nó không ở bên trong, không ở bên ngoài, không ở hai bên, vì không thể nắm bắt.
Thiện Hiện nên biết: Như thế gian “ngã” chỉ có giả danh, thật không thể nắm bắt giả danh. Như vậy, không sanh, không diệt, chỉ có những tưởng tượng đặt ra để nói. Như vậy, hữu tình, mạng giả, sanh giả, dưỡng giả, sĩ phu, Bổ-đặc-già-la, ý sanh, thanh niên, người tạo tác, người thọ nhận, người biết, người thấy v.v… tất cả đều là giả danh, thật không thể nắm bắt. Giả danh như vậy nên nó không sanh, không diệt, chỉ do những tưởng tượng mà đặt ra để gọi. Như vậy, các giả danh không ở bên trong, không ở bên ngoài, không ở hai bên, vì không thể nắm bắt.
Như vậy, này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa và Đại Bồ-tát, hai tên gọi này đều là pháp giả. Như vậy, pháp giả thì không sanh, không diệt, chỉ có giả danh đặt ra để gọi. Nó không ở trong, không ở ngoài, không ở hai bên, vì không thể nắm bắt.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Ví như nội sắc chỉ là pháp giả. Như vậy, pháp giả không sanh, không diệt, chỉ do những tưởng tượng đặt ra để gọi. Như vậy thọ, tưởng, hành, thức cũng chỉ là pháp giả. Pháp giả như vậy thì không sanh, không diệt, chỉ do những tưởng tượng mà đặt ra để gọi. Như vậy, tất cả pháp chỉ có giả danh. Các giả danh này không ở bên trong, không ở bên ngoài, không ở hai bên, vì không thể nắm bắt.
Như vậy, này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa và Đại Bồ-tát, hai tên gọi này đều là pháp giả. Pháp giả như vậy thì không sanh, không diệt, chỉ có giả danh đặt ra để gọi, nó không ở trong, không ở ngoài, không ở hai bên, vì không thể nắm bắt.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Ví như nhãn xứ chỉ là pháp giả. Pháp giả như vậy không sanh, không diệt, chỉ do những tưởng tượng mà đặt ra để gọi. Như vậy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ cũng chỉ là pháp giả. Pháp giả như vậy thì không sanh, không diệt, chỉ do những tưởng tượng mà đặt ra để gọi. Như vậy, tất cả đều chỉ có giả danh. Các giả danh này không ở bên trong, không ở ngoài, không ở hai bên, vì không thể nắm bắt.
Như vậy, này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa và Đại Bồ-tát, hai tên gọi này đều là pháp giả. Pháp giả như vậy thì không sanh, không diệt, chỉ có giả danh đặt ra để gọi. Nó không ở bên trong, không ở bên ngoài, không ở hai bên,vì không thể nắm bắt.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Ví như sắc xứ chỉ là pháp giả. Pháp đã giả nên không sanh, không diệt, chỉ do những tưởng tượng mà đặt ra để gọi. Như vậy thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ cũng là pháp giả. Pháp giả như vậy thì không sanh, không diệt, chỉ do những tưởng tượng mà đặt ra để gọi. Như vậy, tất cả pháp chỉ có giả danh. Những giả danh này không ở bên trong, không ở bên ngoài, không ở hai bên, vì không thể nắm bắt.
Như vậy, này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa và Đại Bồ-tát hai tên gọi này đều là pháp giả. Pháp đã giả nên không sanh, không diệt, chỉ có giả danh đặt ra để gọi. Nó không ở bên trong, không ở bên ngoài, không ở hai bên, vì không thể nắm bắt.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Ví như nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới chỉ là pháp giả. Pháp giả như vậy thì không sanh, không diệt, chỉ do những tưởng tượng mà đặt ra để gọi. Như vậy nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới, tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới, thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới, thân giới, xúc giới, thân thức giới, ý giới, pháp giới, ý thức giới chỉ là pháp giả. Pháp đã giả nên không sanh, không diệt, chỉ do những tưởng tượng mà đặt ra để gọi. Như vậy, tất cả pháp chỉ có giả danh. Những giả danh này không ở bên trong, không ở bên ngoài, không ở hai bên, vì không thể nắm bắt.
Như vậy, này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa và Đại Bồ-tát, hai tên gọi này đều là pháp giả. Pháp giả như vậy thì không sanh, không diệt, chỉ có giả danh đặt ra để gọi. Nó không ở bên trong, không ở bên ngoài, không ở hai bên, vì không thể nắm bắt.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Ví như tất cả đầu, cổ, vai, bắp tay, cánh tay, bụng, lưng, ngực, hông, eo, xương sống, đùi, đầu gối, mắt cá, chân cẳng, da thịt, xương tủy v.v… trong thân chỉ có giả danh. Giả danh như vậy thì không sanh, không diệt, chỉ do những tưởng tượng mà đặt ra để gọi. Những giả danh này không ở bên trong, không ở bên ngoài, không ở hai bên, vì không thể nắm bắt.
Như vậy, này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa và Đại Bồ-tát, hai tên gọi này đều là pháp giả. Pháp giả như vậy thì không sanh, không diệt, chỉ có giả danh đặt ra để gọi. Nó không ở bên trong, không ở bên ngoài, không ở hai bên, vì không thể nắm bắt.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Ví như tất cả cỏ cây, gốc, cọng, cành, lá và hoa quả v.v... chỉ có giả danh. Giả danh như vậy thì không sanh, không diệt, chỉ do những tưởng tượng mà đặt ra để gọi. Những giả danh này không ở bên trong, không ở bên ngoài, không ở hai bên, vì không thể nắm bắt.
Như vậy, này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa và Đại Bồ-tát, hai tên gọi này đều là pháp giả. Pháp giả như vậy thì không sanh, không diệt, chỉ có giả danh đặt ra để gọi. Nó không ở bên trong, không ở bên ngoài, không ở hai bên, vì không thể nắm bắt.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Ví như chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại chỉ có giả danh. Giả danh như vậy thì không sanh, không diệt, chỉ do những tưởng tượng mà đặt ra để gọi. Những giả danh này không ở bên trong, không ở bên ngoài, không ở hai bên, vì không thể nắm bắt.
Như vậy, này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa và Đại Bồ-tát, hai tên gọi này đều là pháp giả. Pháp giả như vậy thì không sanh, không diệt, chỉ có giả danh đặt ra để gọi. Nó không ở bên trong, không ở bên ngoài, không ở hai bên, vì không thể nắm bắt.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Ví như cảnh trong mộng, tiếng vọng trong hang, ảnh phản chiếu, việc huyễn hóa, quáng nắng, trăng trong nước, biến hoá chỉ có giả danh. Giả danh như vậy thì không sanh, không diệt, chỉ do những tưởng tượng mà đặt ra để gọi. Những giả danh này không ở bên trong, không ở bên ngoài, không ở hai bên, vì không thể nắm bắt.
Như vậy, này Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa và Đại Bồ-tát, hai tên gọi này đều là pháp giả. Pháp giả như vậy thì không sanh, không diệt, chỉ có giả danh đặt ra để gọi. Nó không ở bên trong, không ở bên ngoài, không ở hai bên, vì không thể nắm bắt.
Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, nên tu học một cách đúng đắn về giả danh và pháp giả của tất cả pháp.
Như vậy, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không nên quán sắc, là thường hay vô thường, là vui hay khổ, là ngã hay vô ngã, hoặc tịnh hoặc bất tịnh, là không hay có, là hữu tướng hay vô tướng, là hữu nguyện hay vô nguyện, là tịch tịnh hay không tịch tịnh, là viễn ly hay không viễn ly, là hữu vi hay vô vi, là hữu lậu hay vô lậu, là sanh hay diệt, là thiện hay bất thiện, là có tội hay không tội, là có phiền não hay không phiền não, là thế gian hay xuất thế gian, là tạp nhiễm hay thanh tịnh, là thuộc sanh tử hay thuộc Niết-bàn v.v… Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không nên quán nhãn xứ là thường hay vô thường, là vui hay khổ, là ngã hay vô ngã, là tịnh hay bất tịnh, là không hay có, là hữu tướng hay vô tướng, là hữu nguyện hay vô nguyện, là tịch tịnh hay không tịch tịnh, là viễn ly hay không viễn ly, là hữu vi hay vô vi, là hữu lậu hay vô lậu, là sanh hay diệt, là thiện hay bất thiện, là có tội hay vô tội, là có phiền não hay không phiền não, là thế gian hay xuất thế gian, là tạp nhiễm hay thanh tịnh, là thuộc sanh tử hay thuộc Niết-bàn v.v... Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ cũng lại như thế.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không nên quán sắc xứ là thường hay vô thường, là vui hay khổ, là ngã hay vô ngã, là tịnh hay bất tịnh, là không hay có, là hữu tướng hay vô tướng, là hữu nguyện hay vô nguyện, là tịch tịnh hay không tịch tịnh, là viễn ly hay không viễn ly, là hữu vi hay vô vi, là hữu lậu hay vô lậu, là sanh hay diệt, là thiện hay bất thiện, là có tội hay không tội, là có phiền não hay không phiền não, là thế gian hay xuất thế gian, là tạp nhiễm hay thanh tịnh, là thuộc sanh tử hay thuộc Niết-bàn v.v... Thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ cũng lại như thế.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không nên quán nhãn giới là thường hay vô thường, là vui hay khổ, là ngã hay vô ngã, là tịnh hay bất tịnh, là không hay có, là hữu tướng hay vô tướng, là hữu nguyện hay vô nguyện, là tịch tịnh hay không tịch tịnh, là viễn ly hay không viễn ly, là hữu vi hay vô vi, là hữu lậu hay vô lậu, là sanh hay diệt, là thiện hay bất thiện, là có tội hay không tội, là có phiền não hay không phiền não, là thế gian hay xuất thế gian, là tạp nhiễm hay thanh tịnh, là thuộc sanh tử hay thuộc Niết-bàn v.v... Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới cũng lại như thế.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không nên quán sắc giới là thường hay vô thường, là vui hay khổ, là ngã hay vô ngã, là tịnh hay bất tịnh, là không hay có, là hữu tướng hay vô tướng, là hữu nguyện hay vô nguyện, là tịch tịnh hay không tịch tịnh, là viễn ly hay không viễn ly, là hữu vi hay vô vi, là hữu lậu hay vô lậu, là sanh hay diệt, là thiện hay bất thiện, là có tội hay không tội, là có phiền não hay không phiền não, là thế gian hay xuất thế gian, là tạp nhiễm hay thanh tịnh, là thuộc sanh tử hay thuộc Niết-bàn v.v... Thanh, hương, vị, xúc, pháp giới cũng lại như thế.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không nên quán nhãn thức giới là thường hay vô thường, là vui hay khổ, là ngã hay vô ngã, là tịnh hay bất tịnh, là không hay có, là hữu tướng hay vô tướng, là hữu nguyện hay vô nguyện, là tịch tịnh hay không tịch tịnh, là viễn ly hay không viễn ly, là hữu vi hay vô vi, là hữu lậu hay vô lậu, là sanh hay diệt, là thiện hay bất thiện, là có tội hay không tội, là có phiền não hay không phiền não, là thế gian hay xuất thế gian, là tạp nhiễm hay thanh tịnh, là thuộc sanh tử hay thuộc Niết-bàn v.v... Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới cũng lại như thế.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không nên quán nhãn xúc là thường hay vô thường, là vui hay khổ, là ngã hay vô ngã, là tịnh hay bất tịnh, là không hay có, là hữu tướng hay vô tướng, là hữu nguyện hay vô nguyện, là tịch tịnh hay không tịch tịnh, là viễn ly hay không viễn ly, là hữu vi hay vô vi, là hữu lậu hay vô lậu, là sanh hay diệt, là thiện hay bất thiện, là có tội hay không tội, là có phiền não hay không phiền não, là thế gian hay xuất thế gian, là tạp nhiễm hay thanh tịnh, là thuộc sanh tử hay thuộc Niết-bàn v.v... Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc cũng lại như thế.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, không nên quán các thọ hoặc vui hoặc khổ, hoặc không khổ không vui, do nhãn xúc làm duyên sanh ra là thường hay vô thường, là vui hay khổ, là ngã hay vô ngã, là tịnh hay bất tịnh, là không hay có, là hữu tướng hay vô tướng, là hữu nguyện hay vô nguyện, là tịch tịnh hay không tịch tịnh, là viễn ly hay không viễn ly, là hữu vi hay vô vi, là hữu lậu hay vô lậu, là sanh hay diệt, là thiện hay bất thiện, là có tội hay không tội, là có phiền não hay không phiền não, là thế gian hay xuất thế gian, là tạp nhiễm hay thanh tịnh, là thuộc sanh tử hay thuộc Niết-bàn v.v... Các thọ hoặc vui hoặc khổ, hoặc không khổ không vui do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra cũng lại như thế.
Vì sao? Này Thiện Hiện! Vì các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, hai tên gọi Bát-nhã ba-la-mật-đa và Đại Bồ-tát đều không thấy trong cảnh giới hữu vi, cũng không thấy trong cảnh giới vô vi. Vì sao? Này Thiện Hiện! Vì các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, đối với các pháp không phân biệt có sai khác.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa trụ vào vô phân biệt đối với các pháp, để tu bốn niệm trụ cho đến tu tám chi thánh đạo, mặc dù hành Bát-nhã ba-la-mật-đa nhưng không thấy Bát-nhã ba-la-mật-đa, không thấy tên của Bát-nhã ba-la-mật-đa, cũng không thấy Đại Bồ-tát, không thấy tên của Đại Bồ-tát, cũng không thấy chư Phật, cũng không thấy danh hiệu của chư Phật, chỉ chánh tư duy cầu trí thất thiết trí.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa trụ vào vô phân biệt đối với tất cả pháp, để tu bố thí Ba-la-mật-đa cho đến tu Bát-nhã ba-la-mật-đa, tu mười lực Phật cho đến tu mười tám pháp Phật bất cộng. Mặc dù hành Bát-nhã ba-la-mật-đa nhưng không thấy Bát-nhã ba-la-mật-đa, không thấy tên của Bát-nhã ba-la-mật-đa, không thấy Đại Bồ-tát, không thấy chư Phật, cũng không thấy danh hiệu của chư Phật, chỉ chánh tư duy cầu trí thất thiết trí.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, thông đạt được thật tướng của các pháp, nghĩa là thông đạt các pháp không nhiễm, không tịnh.