41. Hoặc tận kiến Phật ([khi] hoặc chướng hết sẽ gặp Phật)
Chánh kinh: - Thí như Chuyển Luân thánh vương có ngục bảy báu, vương tử đắc tội bị giam kín trong ấy. Lầu tầng, điện vẽ, màn báu, giường vàng, bao lơn, cửa sổ, sập, tòa, trang hoàng khéo léo, quý lạ; thức ăn, y phục đều như Chuyển Luân vương, nhưng dùng xích vàng xiềng hai chân. Các tiểu vương tử ấy có ưa thích nổi việc ấy chăng?
- Thưa Thế Tôn, không ạ! Họ bị giam kín, tâm chẳng tự tại, chỉ toan dùng mọi phương tiện để mong thoát khỏi, cầu các cận thần, trọn chẳng dám buông lung. Luân Vương hoan hỷ thì mới được giải thoát.
Giải: Phẩm này tiếp tục khuyên hành giả phải đoạn nghi trừ hoặc.
Trước hết, Phật dùng ngay người tù làm thí dụ. Ngài Gia Tường nói: ‘Chuyển Luân Thánh Vương ví cho Vô Lượng Thọ Phật. Cung điện bảy báu ví cho cõi Tịnh Ðộ. Vương tử mắc tội ví như người mắc tội nghi hoặc. Xích vàng ví như hoa sen chẳng nở. Thức ăn, y phục đều như Chuyển Luân vương là ví hành nhân ở trong hoa sen hưởng các khoái lạc tự tại…’
‘Lầu tầng’ tức là lầu gác nhiều tầng. ‘Giường’ là chỗ để người ngồi hoặc nằm. ‘Màn’ (nguyên văn là ‘trướng’) là tấm treo mắc trên giường. ‘Sập’ (nguyên văn là ‘tháp’) cũng là một loại giường. Loại giường dài, hẹp mà thấp thì gọi là ‘tháp’. ‘Trang hoàng khéo léo, quý lạ’ nghĩa là dùng các thứ kỳ trân dị bảo trang hoàng hết sức khéo léo.
Trong lời đáp, ngài Di Lặc trước hết thưa rằng: hễ bị giam cầm thì thiếu hẳn cái vui tự tại nên ai nấy đều dùng mọi phương tiện để mong thoát ra.
Chánh kinh: Phật bảo Di Lặc:
- Các chúng sanh kia cũng giống như thế. Nếu có kẻ do đọa vào nghi hối, mong cầu từ Phật trí cho đến quảng đại trí, chẳng sanh nổi lòng tin đối với thiện căn của chính mình; nhưng do nghe danh hiệu Phật phát khởi lòng tin thì tuy được sanh về cõi ấy, nhưng phải ở trong hoa sen chẳng được xuất hiện.
Kẻ ấy ở trong hoa thai mà tưởng như đang ở trong vườn hoa, cung điện. Vì sao thế? Trong ấy thanh tịnh không có các uế ác, nhưng trong năm trăm kiếp chẳng thấy Tam Bảo, chẳng được cúng dường, phụng sự chư Phật, xa lìa hết thảy thiện căn thù thắng nên coi đó là khổ, chẳng sanh lòng vui thích.
Nếu những chúng sanh ấy biết rõ gốc tội mình, tự hối trách sâu xa, cầu được thoát khỏi chốn đó thì khi những lỗi lầm trong đời trước đã hết sạch rồi, sau đấy mới được thoát khỏi.
Giải: Câu ‘cũng giống như vậy’ là nêu sự việc để phối hợp với những ví dụ trong phần trước: ‘Hoa thai’ tương ứng với ‘ngục bằng bảy báu’; ‘chẳng được xuất hiện’ tương ứng với ‘dùng xích vàng xiềng cả hai chân’; ‘tưởng như đang ở trong vườn hoa, cung điện’ tương ứng với ‘lầu tầng, điện vẽ… như Chuyển Luân vương’; ‘chẳng sanh lòng ưa thích’ tương ứng với ‘vương tử chẳng thích’. Từ câu ‘biết gốc tội mình’ cho đến ‘mới được thoát khỏi’ tương ứng với ‘Luân vương hoan hỷ mới được giải thoát’.
Sách Tịnh Ảnh Sớ giảng: ‘Ý nói thai sanh không có các nỗi khổ gì khác, chỉ vì trong năm trăm năm chẳng được thấy Tam Bảo, chẳng được tu thiện nên coi đó là khổ. Do nỗi khổ đó nên dẫu vui mà chẳng thấy vui’.
Ngài Nghĩa Tịch lại bảo: ‘Do cầu sự vui thù thắng nên coi sự vui kém cỏi là khổ; như ưa thích cái vui bậc thượng, chán cái vui hèn kém nên coi đó là cái khổ về bậc thô. Tuy gọi là khổ nhưng chẳng hề chịu khổ’.
Trong tác phẩm Vô Lượng Thọ Kinh Sao, ngài Vọng Tây lại viết:
‘Hỏi: Sanh vào biên địa là cái quả của tâm nghi hay là quả của việc tu thiện?
Ðáp: Chính là quả của việc tu thiện, chứ chẳng phải là quả của tâm nghi. Nhưng do tâm nghi xen tạp nên đạt được cái quả chẳng thuần tịnh’.
Từ chữ ‘nếu chúng sanh ấy’ trở đi chính là lời khuyên đoạn nghi, biết tội, sám hối cầu thoát khỏi. Bản Ngụy dịch ghi chữ gốc tội (tội bổn) là ‘bổn tội’. Sách Hội Sớ giảng: ‘Bổn tội là tội nghi hoặc’. Ngài Vọng Tây bảo: ‘Nghi năm trí của Phật thì gọi là tội gốc, chứ chẳng phải là những nghiệp thập ác v.v…’
Ngài Nghĩa Tịch giảng câu ‘tự hối trách sâu xa’ như sau: ‘Nói đến hối trách thì tự xét kỹ cái tâm là hối; quở trách cái tâm mê là trách’.
Ngài Vọng Tây còn bảo: ‘Hết năm trăm năm rồi thì túc chướng mỏng nhẹ, biết tội mình nên sanh hối trách. Do hối trách nên hết chướng, liền đến được chỗ Phật A Di Ðà’.
Trong tác phẩm Lược Luận, ngài Ðàm Loan cũng bảo: ‘Biết gốc tội mình, tự hối trách sâu xa, cầu thoát khỏi chốn ấy liền được như ý, lại thuộc vào ba bậc vãng sanh. Phải hết năm trăm năm mới biết tội mà sám hối’.
Cả hai vị Ðàm Loan và Vọng Tây cùng cho rằng đến cuối thời gian năm trăm năm mới hối tội và được thoát khỏi biên địa.
Ngài Gia Tường lại nghĩ khác, trong Gia Tường Sớ, ngài viết: ‘Nói “tự hối trách sâu xa” là ngụ ý: [chúng sanh trong chốn biên địa] chẳng phải chỉ có một loại. Hễ sám hối liền được thoát khỏi, chẳng cần phải hối trách trọn cả năm trăm năm’.
Thật ra, hai thuyết trên chẳng hề mâu thuẫn nhau. Cuối thời gian năm trăm năm mới hối trách tội lỗi, được thoát khỏi biên địa là nói về đa số; chẳng cần đợi đến năm trăm năm, hễ sám hối liền được thoát khỏi thì chính là nói đến những kẻ thượng căn.
‘Tội lỗi hết sạch’ là những cái tội nghi hoặc trong quá khứ đã sám trừ hết sạch rồi thì mới được thoát khỏi nghi thành, gặp Phật, nghe pháp. Như vậy là chẳng cần biết là trong thời gian năm trăm năm hay phải đến cuối thời gian ấy; cứ hễ khi nào tội lỗi cũ đã tiêu diệt hoàn toàn thì mới được giải thoát.
Chánh kinh: Liền được đến chỗ Vô Lượng Thọ Phật nghe giảng kinh pháp, lâu ngày cũng sẽ khai giải, hoan hỷ, cũng sẽ cúng khắp vô số vô lượng chư Phật, tu các công đức.
Ông A Dật Ða! Nên biết rằng: đối với các vị Bồ Tát, nghi hoặc chính là điều tổn hại lớn, là mất điều lợi lớn. Vì vậy, phải tin rành rẽ vào trí huệ vô thượng của chư Phật.
Giải: Ngài Gia Tường giảng câu ‘liền được đến chỗ Phật Vô Lượng Thọ’ như sau: “Liền được” nghĩa là chẳng cách trở về mặt thời gian’, ý nói: Vừa ra khỏi hoa sen thì ngay lập tức diện kiến đức Phật, nghe pháp, chẳng cần phải mất chút thời khắc nào.
‘Lâu dần cũng sẽ được khai giải, hoan hỷ’ nghĩa là: Người ấy do đời trước ‘trí huệ chẳng sáng suốt, biết kinh càng ít hơn nữa’ nên nay tuy được đích thân gặp Phật Di Ðà, tai nghe lời giáo huấn của Phật, nhưng tâm cấu chưa trừ, tình chấp, kiến chấp vẫn còn. Bởi thế cần phải đa văn huân tập, tăng trưởng trí huệ thì mới có thể tin hiểu được lời Phật. Vì thế, kinh nói: ‘Lâu ngày cũng sẽ được khai giải, hoan hỷ’.
‘Khai giải’ là tâm khai đắc giải. ‘Hoan hỷ’ là nghe pháp liền lãnh hội nên tự nhiên hoan hỷ.
‘Cũng được cúng khắp’ chính là như ngài Ðàm Loan giảng: ‘Liền được như ý, lại thuộc vào ba bậc vãng sanh’, đầy đủ các thần thông cúng khắp các đức Phật, tùy ý tu tập các công đức đúng như bổn nguyện của Phật Di Ðà.
‘A Dật Ða’ là tên của ngài Từ Thị. Ðức Thích Ca lại kêu tên ngài lần nữa để cảnh tỉnh đại chúng chuyên tâm lắng nghe. ‘Nên biết rằng: đối với các Bồ Tát, nghi hoặc là điều tổn hại lớn, là mất điều lợi lớn. Vì vậy, phải tin rành rẽ vào trí huệ vô thượng của chư Phật’.
Ðối với vấn nạn sao Bồ Tát còn có nghi hoặc, sách Vô Lượng Thọ Kinh Sao viết: ‘Phải chăng là phàm phu Ðại Thừa mà gọi là Bồ Tát? Hoặc là nói giả dụ: Nếu Bồ Tát mà còn có nghi hoặc thì cũng bị mất điều lợi lớn nên phàm phu lại càng phải tin rành rẽ [vào Phật trí] vậy’.
Lời bàn trên rất khiêm nhường, chưa dám quyết đoán. Theo ý người viết, cả hai thuyết nêu trong tác phẩm trên đều đúng:
a. Thứ nhất là bọn chúng ta tuy là phàm phu dẫy đầy, nhưng nếu có thể chơn thật phát khởi Bồ Ðề tâm thì chính là Sơ Phát Tâm Bồ Tát.
Sách Luận Chú nói: ‘Tâm Bồ Ðề vô thượng này chính là tâm nguyện làm Phật. Tâm nguyện làm Phật chính là tâm độ chúng sanh. Tâm độ chúng sanh chính là tâm nhiếp thủ chúng sanh sanh về cõi có Phật’. Hành nhân tịnh nghiệp nếu phát được cái tâm như thế thì cũng chính là sơ phát tâm Bồ Tát. Ngài Thiên Thai bảo Bồ Tát thuộc Tín vị trong Biệt giáo giống như những sợi tơ trên không trung lờ lững vô định. Vì thế, Sơ Phát Tâm Bồ Tát thật sự còn có nguy cơ bị thối đọa.
b. Thứ hai là ‘nói giả dụ’, nghĩa là dù thật sự là Bồ Tát mà nếu sanh lòng nghi hoặc thì cũng bị mất lợi lớn. Do đó, bọn phàm phu chúng ta càng lại chẳng nên sanh nghi.
Vì thế, cả hai thuyết này chẳng hề mâu thuẫn nhau.
‘Lợi lớn’ chính là ‘cái lợi chơn thật’ như trong kinh đã dạy. Thập phương Bạc Già Phạm (Thế Tôn) trụ trong chơn thật huệ để khai hóa, hiển thị Chơn Thật Tế ‘muốn cứu vớt quần manh, ban cho cái lợi chơn thật, khó gặp, khó thấy như hoa Ưu Ðàm ít khi xuất hiện’. Nay đấng khó gặp đã được gặp, điều khó nghe đã được nghe mà chẳng tin nhận thì thật là bội bạc ơn Phật nên bảo là ‘mất điều lợi lớn’.
Hơn nữa, pháp môn Tịnh Ðộ: Nhất Thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh, tín nguyện trì danh chứng ngay lên bất thối đây chính là điều chơn thật nhất trong những điều chơn thật, là điều lợi lớn lao nhất trong những điều lợi lớn lao. Chẳng tin pháp này thì vĩnh viễn đánh mất cái lợi lớn.
Kinh Thiên Thủ dạy: ‘Nếu đối với đà-ra-ni này mà sanh nghi chẳng tin thì nên biết rằng người ấy vĩnh viễn đánh mất cái lợi lớn. Trong trăm ngàn muôn kiếp luân hồi trong nẻo ác, chẳng có lúc ra, thường chẳng thấy Phật, chẳng nghe pháp, chẳng gặp Tăng’. Câu kinh này đã chỉ rõ nghi hoặc là ‘điều tổn hại lớn’.
Trái lại thì như kinh Thập Vãng Sanh đã nói: ‘Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân chánh tín kinh này, yêu mến kinh này, quán sát, dẫn dắt chúng sanh thì kẻ nói, người nghe đều được vãng sanh cõi Phật A Di Ðà. Nếu có những người như vậy thì từ hôm nay, ta thường sai hai mươi lăm vị Bồ Tát hộ trì những người ấy, thường khiến cho họ vô bịnh, vô não, dù là người hay phi nhân chẳng có dịp khuấy nhiễu họ. Ði, đứng, nằm, ngồi, chẳng luận là ngày hay đêm thường được an ổn’.
Câu kinh này đã nêu rõ điều đại lợi do tin nhận. Ðiều nào nên bỏ, điều nào nên thuận theo, xin khéo suy nghĩ kỹ!
Tiếp đó, kinh nói đến cái tai hại lớn của việc nghi báng.
Kinh Thập Vãng Sanh còn dạy:
‘Sau này trong Diêm Phù Ðề có tỳ kheo hoặc là tỳ kheo ni thấy có người đọc tụng kinh này mà nếu sanh lòng giận dữ, đem lòng phỉ báng thì do báng chánh pháp, ngay nơi thân hiện đời của người ấy sẽ phát ra các bệnh nặng nề, thân căn chẳng đầy đủ, điếc, mù, câm, ngọng, thủy thũng, quỉ mỵ, nằm ngồi chẳng yên, muốn sống chẳng được, cầu chết không xong. Hoặc đến khi chết đọa vào địa ngục, trong tám vạn kiếp chịu đại khổ não. Trăm ngàn vạn đời, chưa từng nghe danh từ cơm, nước. Mãi lâu sau mới được thoát ra, sanh làm trâu, ngựa, lợn, dê, bị người giết hại, chịu đại cực khổ.
Sau đấy mới được làm thân người, thường sanh vào nhà hèn hạ, trăm ngàn vạn đời chẳng được tự tại, trọn chẳng được nghe danh tự Tam Bảo. Vì thế đối với những kẻ vô tín, vô trí, chớ thuyết kinh này’.
Tôi dẫn kèm thêm hai kinh trên để chứng tỏ rõ nghi hay tin tuy chỉ thuộc trong một niệm của đương cơ, nhưng chúng tạo thành họa hay phước khác nhau một trời, một vực, bao kiếp vô tận. Bởi thế, Phật mới dạy: ‘Phải nên tin rành rẽ vào trí huệ vô thượng của chư Phật’.
Chánh kinh: Ngài Từ Thị bạch rằng: ‘Vì sao có hạng chúng sanh trong cõi này tuy cũng tu thiện mà chẳng cầu sanh?’
Phật bảo Từ Thị:
- Bọn chúng sanh ấy trí huệ ít mỏng, phân biệt rằng Tây phương chẳng bằng nổi cõi trời; vì thế cho là không vui nên chẳng cầu sanh về đấy.
Từ Thị bạch rằng:
- Bọn chúng sanh ấy phân biệt hư vọng. Chẳng cầu sanh về cõi Phật, làm sao thoát khỏi luân hồi?
Giải: Từ Thị đại sĩ do lòng vô duyên đại từ, xót nghĩ đến một hạng chúng sanh trong đời sau tuy cũng tu thiện nhưng chẳng cầu sanh Tây Phương Tịnh Ðộ nên ngài mới nêu lời hỏi ấy.
Phật đáp: Bọn chúng sanh ấy trí huệ thiếu khuyết, mê luyến cái phước trong cõi trời người nên chẳng nguyện sanh. Ngài Từ Thị lại thưa: ‘Chẳng cầu sanh về Tịnh Ðộ, làm sao thoát khỏi luân hồi?’ Câu này có đến hai nghĩa:
a. Một là chuyên chỉ về hạng chúng sanh vừa nói trên: nghĩ lầm lạc rằng cái vui nơi cõi Tây phương chẳng bằng nổi cái vui cõi trời. Phân biệt hư vọng như thế nên chẳng cầu sanh Tịnh Ðộ; chẳng biết rằng cái phước tu thiện tuy được sanh thiên nhưng sau khi tuổi thọ cõi trời đã hết thì lại bị luân hồi.
b. Hai là chỉ chung hành nhân các tông tuy tinh tấn tu trì, nhưng nếu chẳng lấy Tịnh Ðộ của Phật Di Ðà làm chỗ quy túc, chỉ cậy vào tự lực thì khó lòng ngay trong đời này dứt trọn sanh tử, ắt phải thọ thân sau, nên ngài Di Lặc mới nói: ‘Làm sao thoát khỏi luân hồi?’
Chánh kinh: Phật dạy:
- Bọn họ gieo trồng thiện căn chẳng thể ly tướng, chẳng cầu Phật huệ, tham đắm sâu đậm niềm vui thế gian và phước báo nhân gian. Tuy là tu phước cầu quả nhân thiên, được báo một lúc, được hết thảy dư dật, nhưng chưa thể thoát khỏi nhà ngục tam giới. Giả sử cha mẹ, vợ con, nam nữ, quyến thuộc muốn cứu vớt nhau, nhưng chưa thể lìa bỏ tà kiến nghiệp vương nên thường ở trong luân hồi, chẳng được tự tại.
Giải: Từ chữ ‘Phật dạy’ trở đi, Phật lại dạy rõ những điều lợi, hại, được mất của việc ly tướng và chấp tướng. Chấp tướng tu phước thì khó tránh khỏi luân hồi. Ly tướng cầu sanh vĩnh viễn được giải thoát.
Trong đoạn này, trước hết Phật nói đến việc chấp vào cái phước thế gian, chẳng thoát nổi luân hồi. Bọn chúng sanh ấy tuy trồng các căn lành nhưng tham đắm phước báo nhân thiên, chẳng thể ly tướng, chẳng cầu Phật huệ ‘tuy là tu phước [mà] cầu quả nhân thiên’ nên chẳng thoát nổi ngục tam giới.
‘Ðược báo một lúc, được hết thảy dư dật’ là tạm hưởng sự vui thế gian, nhưng hết phước lại bị đọa, hậu hoạn vô cùng. Sau khi mạng chung, dẫu thân quyến vì mình sám hối tội lỗi cầu phước, tu pháp, tụng kinh hầu cứu độ cho, nhưng vì kẻ ấy cội rễ tà kiến sâu chắc, chấp mê chẳng ngộ do bởi ‘chưa thể lìa bỏ tà kiến nghiệp vương’. Bởi tà kiến nên chẳng sanh chánh tín; do đó, tà kiến đúng là vua của các ác nghiệp nên mới gọi là ‘tà kiến nghiệp vương’. Bởi thế, ‘thường ở trong luân hồi, chẳng được tự tại’.
Chánh kinh: Ông có thấy: kẻ ngu si chẳng trồng căn lành, chỉ cậy vào thế trí biện thông để tăng thêm tà tâm thì làm sao thoát nổi đại nạn sanh tử!
Giải: Hạng người được nói đến trong đoạn này còn nặng hơn hạng trên. Hạng trên còn tu thiện, chỉ vì cầu phước báo thế gian nên chẳng thoát khỏi luân hồi; còn hạng người được nói đến trong đoạn này còn ngu si hơn nữa: Chẳng trồng căn lành, trái lại còn cậy vào thế trí biện thông kiêu mạn, tự đại, chẳng sanh chánh tín, khiến tà tâm càng thêm lớn. Họ chẳng biết rằng thế trí biện thông chính là một trong tám nạn. Tà kiến điên đảo lại tưởng là hay. Hạng người như thế làm sao thoát nổi biển khổ sanh tử!
Chánh kinh: Lại có chúng sanh tuy trồng thiện căn, làm đại phước điền nhưng chấp tướng phân biệt, tình chấp sâu nặng, cầu thoát luân hồi trọn chẳng thoát nổi. Nếu dùng vô tướng trí huệ trồng các cội đức, thân tâm thanh tịnh, xa lìa phân biệt, cầu sanh về cõi tịnh, hướng đến Phật Bồ Ðề thì sẽ sanh về cõi Phật, vĩnh viễn được giải thoát.
Giải: Phật đáp lời ngài Từ Thị: Nói chung, chúng sanh trong cõi này tuy cũng tu thiện nhưng chẳng chịu cầu sanh Tịnh Ðộ thì có ba hạng:
1) Một là tham đắm vào phước lạc thế gian, cầu quả nhân thiên
2) Hai là thế trí biện thông, tà tâm lừng lẫy.
3) Ba là hạng ‘chấp tướng phân biệt, tình chấp sâu nặng’.
Ba hạng người như vậy dẫu tu phước thì chỉ đạt được phước báo thế gian, khác nào mộng, huyễn, bọt nước, hình bóng thoáng qua, chớp mắt đã hết. Vì thế, ‘cầu thoát luân hồi, trọn chẳng thoát nổi’.
Trong câu ‘lại có chúng sanh tuy trồng thiện căn, làm đại phước điền’, chữ ‘đại phước điền’ nghĩa là trì danh hiệu Phật bởi trì danh là vua của các điều thiện nên ruộng phước ấy mới đáng gọi là đại phước điền. Hiềm vì kẻ đó ‘chấp tướng phân biệt, tình chấp sâu nặng’ nên tuy niệm Phật cũng chẳng thoát nổi luân hồi.
Ba bậc vãng sanh được dạy trong kinh này đều do phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm Phật A Di Ðà. Tâm Bồ Ðề chính là đại trí, đại bi, đại nguyện, tâm viên dung nhất thể.
‘Tình chấp sâu nặng’ chính là ngu si, làm sao gọi là đại trí được? ‘Chấp tướng phân biệt’ thì là còn có lấy, bỏ nên làm sao hưng khởi nổi vô duyên đại từ, đồng thể đại bi? Hạng người như thế làm sao phát khởi nổi tâm Bồ Ðề? Do đó, dẫu niệm Phật cũng chẳng thuộc vào ba bậc vãng sanh nổi!
Ngẫu Ích đại sư dạy nếu niệm Phật mà chẳng có tín nguyện thì cũng chẳng vãng sanh nổi, thật tương đồng với ý kinh dạy ở đây. Hơn nữa, chấp tướng tu phước thì phước ấy có cùng tận như kinh Kim Cang đã dạy:
‘Nên không trụ vào đâu cả mà hành bố thí, tức là: chẳng trụ vào sắc để bố thí, chẳng trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp để bố thí.
Này Tu Bồ Ðề! Bồ Tát nên bố thí như vậy, chẳng trụ vào tướng. Vì sao thế? Bồ Tát chẳng trụ vào tướng mà bố thí thì phước ấy chẳng thể suy lường nổi’.
Trong tác phẩm Phá Không Luận, đại sư Linh Phong giảng câu kinh ấy như sau:
‘Lấy pháp không trụ vào đâu cả để trụ vào Bát Nhã, chăm chăm thực hành sáu ba la mật mà chẳng chấp tướng. Bởi thế có thể khiến cho chút phước thành nhiều như hư không…
Do trụ vào tướng nên chúng sanh tự hư vọng tính nhân, tính quả, xét lớn, xét nhỏ. Nếu có thể xứng hợp với tánh mà trụ thì chẳng trụ vào các tướng. Ví như tánh của hư không chứa đựng trong hạt cải cùng với tánh của hư không trong mười phương không hai, không khác, vì hư không chẳng phải là trong, ngoài, đây, kia, phương, góc, hình tướng, Tiểu Không cũng lại chẳng khác với Ðại Không. Cái phước vô tướng ấy rất lớn’.
Kinh Kim Cang còn dạy: ‘Nếu tâm chấp tướng thì chấp vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả’. Kinh còn dạy thêm: ‘Nếu Bồ Tát có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì chẳng phải là Bồ Tát’.
Trên đây, tôi đã dẫn nhiều đoạn trong kinh Kim Cang Bát Nhã để nói lên cái hại của việc chấp tướng phân biệt. Bởi đó, ở đây, Phật mới dạy: ‘Cầu thoát luân hồi, trọn chẳng thoát nổi’.
Cuối đoạn này, Phật lại dạy: ‘Nếu dùng trí huệ vô tướng trồng các cội đức’ cầu sanh Tịnh Ðộ thì vĩnh viễn được giải thoát. Gốc của các đức chính là phát Bồ Ðề tâm, một dạ chuyên niệm. Hơn nữa, ‘vô tướng’ chính là không có năm trần: sắc, thanh… không có mười tướng: nam, nữ, sanh, trụ, hoại, diệt…thì gọi là vô tướng.
Kinh Bát Nhã cũng dạy: ‘Niết Bàn gọi là vô tướng’. Sách Diễn Nghĩa Sao có câu: ‘Nghĩa của tịch diệt chính là vô tướng; nhưng [tịch diệt] chỉ do tự tâm mà chứng chứ chẳng thể từ cái khác mà có được nên không có các tướng’.
Như kinh Kim Cang dạy: ‘Hễ cái gì có tướng thì đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng là phi tướng thì chính là thấy Như Lai’ và: ‘Lìa hết thảy tướng thì gọi là chư Phật’. Ðấy đều chính là ‘trí huệ vô tướng’ được nói trong phẩm kinh này.
Các câu kinh từ câu: ‘Nếu dùng trí huệ vô tướng trồng các cội đức’ cho đến ‘vĩnh viễn được giải thoát’ đều nói lên diệu chỉ ‘vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả tu hết thảy thiện pháp thì chính là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác’ của kinh Kim Cang.
Tác phẩm Phá Không Luận giảng về điều này như sau:
‘Vì nếu chẳng hiểu thấu vô ngã mà tu hết thảy thiện pháp thì chỉ trở thành cái quả hư ngụy trong cõi nhân thiên. Chẳng tu hết thảy thiện pháp, chỉ chứng Ngã Không thì chỉ thành Nhị Thừa Tiểu Quả. Vờ nói rằng ngã pháp đều không nhưng mặc tình gây các ác pháp thì trở thành hạng xiển đề, địa ngục. Chỉ có vô ngã tu hết thảy thiện pháp thì mới đúng là “chẳng trụ vào đâu mà sanh tâm” nên liền đắc vô thượng Bồ Ðề’.
So hai kinh với nhau thì những điều như ‘vô tướng trí huệ’, ‘xa lìa phân biệt’ trong kinh này chính là ‘vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả’ của kinh Kim Cang; những điều như ‘trồng các cội đức’, ‘cầu sanh cõi tịnh, hướng đến Phật Bồ Ðề’ trong kinh này chính là ‘tu hết thảy pháp lành’ được nói trong kinh Kim Cang. Ngoài ra, ‘sẽ sanh về cõi Phật, vĩnh viễn được giải thoát’ chính là ‘liền đắc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác’ trong kinh Kim Cang.
Vả lại, Tịnh Ðộ chính là pháp mà hết thảy thế gian khó tin được nổi mà tin được pháp này thì đó chính là trí huệ vô tướng như kinh Kim Cang dạy: ‘Nghe chương cú này dẫu chỉ sanh lòng tin thanh tịnh trong một niệm… thì các chúng sanh ấy chẳng còn có ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng nữa’.
Kinh còn nói: ‘Nếu có chúng sanh được nghe kinh này, tin hiểu, thọ trì thì người ấy chính là hy hữu bậc nhất, vì sao vậy? Người ấy không có ngã tướng, không có nhân tướng, không có chúng sanh tướng, không có thọ giả tướng’.
Sách Phá Không Luận giảng: ‘Giả sử còn có chút xíu nhân tướng, ngã tướng v.v… thì chẳng thể tin nổi kinh này. Dẫu cho có tin hiểu, thọ trì kinh này thì quyết chẳng hiểu thông suốt các tướng: nhân, ngã… đương thể chính là vô tướng’.
Do đó ta thấy rằng toàn thể của diệu đức “năng tín” chính là vô tướng trí huệ. Tịnh tông chính là pháp môn vi diệu tối cực viên đốn, siêu tình ly kiến chẳng thể nghĩ bàn. Nếu ai có thể sanh được lòng tin chơn thật nơi pháp môn này: tin Sự, tin Lý, tin tự, tin tha, tin nhân, tin quả, đầy đủ cả sáu thứ tín; nên biết là người ấy đã siêu tình ly kiến, đã khế hợp với trí huệ vô tướng. Bởi đó, trong phẩm Riêng Lưu Lại Kinh Này trong kinh đây có nói:
‘Nếu nghe kinh này tin ưa thọ trì thì là điều khó nhất trong những điều khó, không có gì khó hơn việc này’.
Ở phần trước, kinh đã nói ‘chấp tướng phân biệt’ tuy gieo đại phước điền ‘cầu thoát luân hồi, trọn chẳng thoát nổi’ là nói đến cái hại của việc chấp tướng. Trong phần này, kinh dạy ‘nếu dùng trí huệ vô tướng trồng các cội đức’, ‘sẽ sanh về cõi Phật, vĩnh viễn được giải thoát’ chính là giảng về công năng của việc ly tướng cầu sanh. Thuộc vào trong ba bậc hay bị đọa trong nghi thành hoàn toàn ở điểm mấu chốt này, nên xét kỹ để tự định đoạt lấy.
‘Thân tâm thanh tịnh, xa lìa phân biệt’ là vô tướng trí huệ, vạn pháp đều hệt như nhau, nhiễm tịnh bình đẳng nên thân tâm thanh tịnh. Hết thảy đều như nên lìa phân biệt. Hơn nữa, niệm Phật ‘nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối’. Vì nhiếp trọn sáu căn nên thân tâm thanh tịnh, tịnh niệm tương tục nên lìa phân biệt.
Lại có kẻ nghi rằng Tịnh tông lấy việc nhàm chán Sa Bà, ưa cầu Cực Lạc làm nguyện thì chẳng phải là phân biệt hay sao?
Sách Diệu Tông Sao đáp: ‘Ðến chỗ cùng cực thì lấy bỏ và chẳng lấy bỏ cũng chẳng sai khác gì’. Ấy là vì bỏ đến chỗ cùng cực thì vạn duyên đều buông hết, sáu căn tịch tĩnh; lấy đến chỗ cùng cực thì chỉ còn giữ mỗi một niệm sáu chữ hồng danh. Niệm Phật như thế nào khác chi chẳng lấy, chẳng bỏ nên mới bảo là: ‘Cũng chẳng sai khác gì’.
Hoặc như sách Di Ðà Yếu Giải giải đáp: ‘Ví như nếu chẳng từ Sự để lấy bỏ mà chỉ khăng khăng chẳng lấy chẳng bỏ thì là chấp Lý phế Sự. Ðã phế Sự thì Lý cũng chẳng viên. Nếu thông đạt toàn Sự chính là Lý thì lấy cũng là Lý mà bỏ cũng là Lý. Một lấy, một bỏ không chi chẳng phải là pháp giới’. Sự thật mầu nhiệm như thế thật chẳng thể dùng tình chấp, kiến giải để lãnh hội nổi.
‘Cầu sanh cõi tịnh’ là chí tâm tin ưa, nguyện sanh cõi Cực Lạc. Cầu được sanh như thế chính là đem một niệm tâm nguyện nhỏ nhiệm của ta gieo vào biển nguyện vô biên của Phật Di Ðà; đó cũng chính là đem cả biển nguyện Nhất Thừa vô biên ấy trút vào trong một niệm tâm nhỏ nhiệm của ta. Vì thế, mười niệm liền được sanh, có nguyện đều được thỏa mãn.
‘Hướng đến Phật Bồ Ðề’ nghĩa là: Nhân là phát Bồ Ðề tâm, quả là bổ xứ thành Phật, rốt ráo Bồ Ðề. Cả sáu câu trên chính là tông chỉ của kinh này: Phát Bồ Ðề tâm, nhất hướng chuyên niệm. Tu hành đúng theo tông chỉ ấy nên ‘sẽ được sanh về cõi tịnh, vĩnh viễn được giải thoát’.