Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

13. Thọ chúng vô lượng (thọ mạng và hội chúng vô lượng)

 Phẩm này nói đến ba thứ vô lượng: một là Phật thọ vô lượng, hai là hội chúng vô lượng, ba là thọ mạng của chúng hội cũng vô lượng. Ðiều thứ nhất là Pháp Thân đức, điều thứ hai là đại nguyện trọn khắp, điều thứ ba là chủ bạn giống hệt nhau, chơn thật chẳng thể nghĩ bàn.

 Chánh kinh: Phật bảo A Nan: Vô Lượng Thọ Phật thọ mạng trường cửu chẳng tính kể nổi. Ngài lại có vô số chúng Thanh Văn: thần, trí đỗng đạt, oai lực tự tại; họ có thể nắm một thế giới trong lòng bàn tay.     

 Giải: Phật bảo A Nan: A Di Ðà Phật thọ mạng vô lượng, thọ mạng ngài trường cửu đến nỗi chẳng có cách nào diễn tả nổi, không cách chi tính toán nổi. Ðây chính là do điều nguyện thứ mười lăm ‘thọ mạng vô lượng’ kết thành. Câu ‘lại có vô số Thanh Văn chúng’ chính là điều nguyện mười sáu ‘Thanh Văn vô số’ được thành tựu.

Câu‘thọ mạng trường cửu chẳng tính kể nổi’ biểu thị Pháp Thân rốt ráo của Phật A Di Ðà; do tam thế cùng như một nên thọ mạng vô lượng. Lại do đại nguyện thù thắng độc nhất, vượt xa chư Phật nên thọ mạng của báo thân và hóa thân cũng đều vô lượng. Phật thọ vô lượng nên thường giác ngộ chúng sanh.

Phật nguyện vô cực nên phải có chúng hội rộng lớn. Do đó, chúng Thanh Văn trong cõi ngài đều vô số vô lượng. Câu ‘thần, trí đỗng đạt’ mô tả chúng hội trong cõi ấy đều hiểu rành thông suốt thần thông, trí huệ. Sách Vãng Sanh Luận nói: ‘Chúng trời người bất động (chỉ hội chúng cõi Cực Lạc) từ biển trí thanh tịnh sanh ra’. Sách Luận Chú giảng: ‘Ðều từ biển trí huệ thanh tịnh của Như Lai sanh ra’. Vì vậy, họ đều ‘thần, trí đỗng đạt, oai lực tự tại’.

Nói về ‘thần trí’ thì ‘thần’ là thần thông, ‘trí’ là trí huệ; nói ‘thần trí’ là nói gọn. Nếu ghép thần và trí lại thành một từ thì thần trí nghĩa là trí huệ thấy tột cùng sự lý một cách tự tại. ‘Thần’ là sáng suốt; nghĩa là trí huệ ấy sáng suốt thần diệu vô cực. ‘Ðạt’ là thông đạt vô ngại. ‘Ðỗng’ là thấu triệt rốt ráo. ‘Oai đức tự tại’ là sức oai thần tự tại vô ngại.

Câu ‘có thể cầm một thế giới trong lòng bàn tay’ hiển thị sâu sắc cảnh giới quảng hiệp tự tại, nhất đa tương tức (xin xem lại phần giải thích về môn này trong cuốn 1) sự sự vô ngại chẳng thể nghĩ bàn của Hoa Nghiêm. Kinh Duy Ma cũng nói về công đức chẳng thể nghĩ bàn: cầm một thế giới trong lòng bàn tay. Kinh chép: ‘Trụ trong giải thoát chẳng thể nghĩ bàn, Bồ Tát bứt lấy một tam thiên đại thiên thế giới như thợ đồ gốm [véo lấy một miếng đất sét], đặt trong bàn tay phải rồi ném khỏi hằng sa thế giới nhưng chúng sanh trong thế giới ấy chẳng biết, chẳng hay nơi mình đang trụ. Lại đem đặt trả về chỗ cũ, khiến cho chúng sanh đều chẳng có ý tưởng là [thế giới] bị đem đi hay trả lại, mà bổn tướng của thế giới này vẫn như cũ’ và: ‘Bồ Tát đem chúng sanh trong một cõi Phật đặt trong bàn tay phải, bay đến mười phương, hiện bày khắp hết thảy nhưng chẳng lay động bổn xứ’. Ðại chúng cõi Cực Lạc đều có đủ những công đức oai thần chẳng thể nghĩ bàn như vậy; rõ ràng là thánh chúng trang nghiêm, công đức của chủ lẫn bạn đều chẳng thể nghĩ bàn.

 Chánh kinh: Trong các đệ tử của ta, Ðại Mục Kiện Liên thần thông đệ nhất: đối với tất cả hết thảy tinh tú và chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới, ông ta có thể trong một ngày một đêm biết trọn số đó.

Giải: Trong đoạn văn trên chỉ nói đến công đức của mình ngài Mục Kiện Liên để làm thí dụ. Việc biết được số lượng tinh tú chỉ thấy ghi trong 2 bản Hán dịch và Ngô dịch; bản Hán dịch ghi là: ‘Ma Ha Mục Kiện Liên bay trong tứ thiên hạ, trong một ngày một đêm đếm hết số ngôi sao, biết là có bao nhiêu ngôi’.

 Chánh kinh: Giả sử chúng sanh trong mười phương đều thành Duyên Giác. Mỗi vị Duyên Giác thọ vạn ức năm, thần thông đều như Ðại Mục Kiện Liên, suốt cả cuộc đời vắt kiệt trí lực cùng nhau tính toán chẳng tính nổi một phần ngàn vạn số lượng Thanh Văn trong hội đức Phật ấy.

 Giải: Ðoạn văn này kể rõ Thanh Văn nhiều vô số. Ngài Mục Liên là bậc thần thông đệ nhất. Dẫu cho mười phương chúng sanh đều đắc thần thông hệt như ngài Mục Liên, dùng trọn cả cuộc đời mình dốc cạn trí lực hợp nhau tính toán số lượng thánh chúng trong cõi Cực Lạc thì những điều họ biết được chẳng bằng nổi một phần ngàn vạn số lượng thánh chúng trong cõi ấy.

 Chánh kinh: Ví như đại hải sâu rộng vô biên. Nếu lấy một sợi lông chẻ thành trăm phần, nghiền nát như vi trần. Ðem mảnh bụi lông ấy chấm lấy một giọt nước biển thì nước dính vào mảnh lông ấy so với biển cả, cái nào là nhiều?

Này A Nan! Con số mà những người như Mục Kiện Liên biết được thì như nước dính nơi mảnh lông, số họ chưa biết như nước biển cả.  

 Giải: ‘Một sợi lông’ đã rất nhỏ bé, lại còn tách ra thành trăm phần thì lại càng nhỏ tí hơn nữa; ‘như vi trần’ lại càng cực nhỏ. Ðem lượng nước dính vào mảnh lông ấy để ví cho con số đã biết; dùng con số chẳng biết như nước biển cả để ví thánh chúng cõi kia, con số ấy thật là vô lượng.

 Chánh kinh: Thọ lượng của đức Phật ấy và thọ lượng của các Bồ Tát, Thanh Văn, trời, người cũng giống như thế, chẳng thể dùng toán số thí dụ để biết được nổi.

 Giải: Ðoạn này kết hợp cả chủ lẫn bạn: giáo chủ thọ mạng vô lượng, hết thảy đại chúng trong nước cũng đều thọ mạng vô lượng giống như Phật. Di Ðà đại ân đức vi diệu khó nghĩ nổi. Kẻ ôm nghiệp đi vãng sanh một phen đã sanh về cõi kia thì chẳng bị thối chuyển nữa, thọ mạng cũng lại vô lượng. Do vậy, trong cõi ấy ai cũng có thể trong một đời sẽ kế vị thành Phật chứng cực quả. Cõi Sa Bà này đã lắm duyên thối chuyển, thọ mạng bất quá trăm năm nên trong đời Mạt pháp, ức vạn người tu hành mấy kẻ đắc đạo!

Sách Vãng Sanh Luận có bài kệ như sau: ‘Chánh giác A Di Ðà, pháp vương khéo trụ trì’. Phật thọ vô lượng nên giáo hóa đại chúng vô lượng. Những người được ngài giáo hóa đều là bổ xứ Bồ Tát nên bảo là ‘khéo trụ trì’.

Sách còn ghi bài kệ sau: ‘Như Lai tịnh hoa chúng, hoa chánh giác hóa sanh’, nghĩa là: Chúng hội ấy đều hóa sanh trong hoa sen thanh tịnh của cõi A Di Ðà Phật ‘đều từ biển trí huệ thanh tịnh của Như Lai sanh ra’, cũng đều sanh ra từ tự tâm của Phật A Di Ðà. Vì vậy, nhân dân cõi nước ấy bình đẳng với Phật, thọ mạng cũng đều vô lượng, nhất sanh bổ xứ; đủ thấy cõi Cực Lạc chủ bạn đều trang nghiêm, công đức thành tựu.

Xem mục lục