Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

2. Thể tánh của kinh

 Hết thảy các kinh điển đại thừa đều dùng Thật Tướng làm chánh thể. Cổ đức nói: ‘Các kinh đại thừa đều dùng một Thật Tướng làm ấn’.

Thật Tướng là tướng chơn thật cũng là Bình Ðẳng Nhất Tướng. Thật Tướng không có tướng nhưng chẳng phải là bất tướng. Có tướng mà vô tướng nên gọi là Thật Tướng. Vô tướng là lìa hết thảy tướng hư vọng nên vô tướng chính là ly tướng.

 

Hơn nữa, Thật Tướng chẳng phải là bất tướng do chẳng phải là ngoan không, đoạn diệt như lông rùa, sừng thỏ, hết thảy hư vô! Kinh Kim Cang dạy: ‘Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng thì thấy Như Lai’. Nghĩa là: Ngay nơi tướng lìa tướng, lìa sạch tướng hư vọng thì thấy Thật Tướng, nên nói là thấy Như Lai, đấy là chỉ Pháp Thân Như Lai.

 

Pháp thân Như Lai lìa hết thảy tướng, nên nói: Thật Tướng vô tướng, nhưng không phải là không có Pháp Thân nên nói: Thật Tướng chẳng phải là bất tướng. Pháp sanh diệt toàn là hư vọng nhưng trong cái sanh diệt có cái chẳng sanh diệt. Các pháp sanh diệt là tướng sai biệt, nhưng trong cái sai biệt có cái chẳng sai biệt. Chẳng sanh chẳng diệt, chẳng có sai biệt nên nói Thật Tướng là bình đẳng nhất tướng.

Thật Tướng nghĩa lý sâu xa. Nếu hiểu rõ Thật Tướng thì ngộ được lý Ðại Thừa.

 

Nay tôi dùng thí dụ cho dễ hiểu: Ví dụ như dùng vàng chế ra tháp, tượng, bình, chén, xuyến, vòng, các thứ tướng sai biệt rõ ràng. Nếu đem các vật đó bỏ vào lò nung lại hóa thành vàng. Các tướng vốn có đều tiêu diệt hết, nhưng vàng là bổn thể các vật vẫn còn như cũ. Ðủ thấy tướng sai biệt của các vật có sanh có diệt, đều thuộc về hư vọng, nhưng bổn thể các vật là vàng, bình đẳng nhất tướng, bất sanh bất diệt, chẳng tăng, chẳng giảm.

 

Trên đây, dùng vàng để ví cho Thật Tướng chơn thật bình đẳng, các vật bằng vàng ví cho các tướng sai biệt. Do ví dụ trên, thấy được rằng: ‘Nếu phá tướng hư vọng sai biệt của các vật bằng vàng: tháp, tượng, bình, xuyến, vòng thì thấy vàng chơn thật bình đẳng nơi các vật. Dùng điều này để ví lìa tướng hư vọng của hết thảy pháp thì thấy Thật Tướng. Do lìa tướng hư vọng sai biệt nên nói là vô tướng. Trong các tướng hư vọng sai biệt có bổn thể chơn thật bình đẳng nên bảo là chẳng phải bất tướng. Ngay nơi tướng lìa tướng, có tướng mà vô tướng bèn thấy rõ Thật Tướng.

 

Thật tướng lìa ngôn thuyết đúng như ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng nói: ‘Nếu nói dường như có một vật thì chẳng trúng’, nên chẳng thể dùng thí dụ thế gian nào chỉ rõ được Thật Tướng. Trong thí dụ trên, nếu ngộ nhận thật có một tướng vàng cụ thể để đạt được thì lại vướng vào tướng, không còn là Thật Tướng của vô tướng nữa! Vì vậy, bảo rằng: Hễ có ngôn thuyết đều chẳng phải là thật nghĩa.

 

Hơn nữa, kinh Viên Giác dạy: ‘Các huyễn diệt tận, giác tâm chẳng động’, ‘Vì cái huyễn diệt bị diệt, cái chẳng phải là huyễn (phi huyễn) chẳng bị diệt. Ví như mài gương (6) hết chất dơ thì ánh sáng hiện’.

Cái giác tâm sau khi huyễn bị diệt vừa được nói trong kinh cùng với cái sáng suốt hiện ra khi hết cấu nhơ đều chỉ cho cái Thật Tướng bình đẳng nhất vị được hiển lộ do lìa vọng. Mài gương thật ra là mài bỏ chất nhơ, tánh gương vốn sáng, chẳng phải tự bên ngoài mà có. Nhơ hết, sáng hiện, lìa vọng tức là chơn. Do vậy, bảo: ‘Chẳng nhọc cầu chơn, chỉ cần dứt cái Thấy’. Cái Thấy của chúng sanh đều là cái thấy hư dối. Cái Thấy chơn thật là tri kiến của Phật.

 

Sách Yếu Giải lại viết:

‘Tâm tánh của một niệm hiện tiền của chúng ta chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở khoảng giữa, chẳng phải quá khứ, chẳng phải hiện tại, chẳng phải vị lai, chẳng phải xanh, vàng, đỏ, trắng, dài, ngắn, vuông, tròn, chẳng phải hương, chẳng phải vị, chẳng phải xúc, chẳng phải pháp. Tìm thì chẳng thể được nhưng chẳng thể bảo là Không. Nó tạo đủ bách giới, thiên như (7) nhưng chẳng thể bảo là Có. Lìa hết thảy tướng duyên lự, phân biệt, ngữ ngôn, nhưng chẳng phải ngoài những thứ ấy riêng có tự tánh (như trong thí dụ ở phần trên, hết thảy các vật đều chẳng ngoài vàng).

Nói tóm lại, lìa hết thảy tướng chính là hết thảy pháp. Do lìa nên vô tướng. Cũng do vậy nên chẳng phải là bất tướng. Do chẳng thể được nên cưỡng gọi là Thật Tướng’.

 

Rõ ràng Thật Tướng chính tên cưỡng gọi của một niệm tâm tánh hiện tiền của chúng ta. Tánh của một niệm nơi tâm được cưỡng gọi là Tự Tánh. Nhị Tổ tìm tâm chẳng được nên ‘đã an tâm rồi’ nhưng chẳng thể bảo là không. Tuy Lục Tổ nói: ‘Nào ngờ tự tánh hay sanh vạn pháp’ cũng chẳng thể chấp là có. Lìa tứ cú, tuyệt bách phi, chẳng thể dùng suy lường, phân biệt để hiểu nổi. ‘Linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng’ ‘riêng sáng vằng vặc’, ‘rạng ngời hư không’, ‘linh quang độc diệu thoát sạch căn trần’. Vì thế, Liên Trì đại sư khen ngợi rằng:

‘Lớn thay chơn thể! Chẳng thể nghĩ bàn nổi thì chỉ có mỗi tự tánh mà thôi!’.

 

Bản chất của Thật Tánh đã được bàn thô thiển như trên. Còn như thể tánh của Ðại kinh vì sao lại bảo là Thật Tướng? Dưới đây sẽ bàn. Vãng Sanh Luận của Thế Thân Bồ Tát viết:

Trang nghiêm cõi Phật công đức thành tựu, trang nghiêm Phật công đức thành tựu, trang nghiêm Bồ Tát công đức thành tựu. Nên biết ba thứ thành tựu nguyện tâm trang nghiêm này có thể nói gọn trong một pháp cú. Một pháp cú là thanh tịnh cú. Thanh tịnh cú là chân thật trí huệ vô vi Pháp Thân’.

 

Luận này thật đã hiển thị nhất chơn pháp giới sự lý vô ngại: ngay nơi tướng chính là đạo. Các thứ y báo, chánh báo trang nghiêm nơi thế giới Cực Lạc, mỗi thứ đều là Pháp Thân vô vi trí huệ chơn thật, mỗi thứ chính là Thật Tướng. Do vậy mới nói kinh này lấy Thật Tướng làm thể. Cừ Am đại sư đời Minh nói: ‘Rừng quỳnh, ao ngọc hiển hiện trực tiếp nguồn tâm, thọ lượng, quang minh phơi bày trọn vẹn tự tánh’.

 

U Khê đại sư viết trong bộ Viên Trung Sao như sau:

‘Rừng quỳnh, ao ngọc, thọ lượng, quang minh vốn là tướng của hết thảy pháp. Chúng đã hiển lộ trực tiếp nguồn tâm, phô bày trọn vẹn tự tánh thì lấy tướng nào để đạt được! Ðấy chính là tướng mà vô tướng, tuy là tướng mà là chánh thể của vô tướng. Tâm tánh của bọn ta lượng đồng pháp giới, linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng. Theo bề dọc thì suốt cả ba đời, theo bề ngang thì trọn mười phương’.

 

Cõi nước Cực Lạc chẳng ở ngoài tâm, tâm ta sẵn đủ bách giới thiên như. Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh, cõi tịnh thì tâm ta tịnh, nào có một pháp ở ngoài tâm ta. Pháp được kinh này phô diễn là để hiển thị trực tiếp bổn tâm, phô bày trọn vẹn tự tánh. Ngay nơi tướng chính là đạo, chẳng phải là không có Thật Tướng. Sách Di Ðà Yếu Giải viết:

‘Thật Tướng không hai, cũng chẳng phải là bất nhị. Vì vậy dùng toàn thể làm y báo, chánh báo, làm pháp, làm báo, làm tự, làm tha, nhẫn đến năng thuyết, sở thuyết, người độ, kẻ được độ, người tin, pháp được tin, người phát nguyện, điều được nguyện, người trì, danh hiệu được trì, năng sanh, sở sanh, người khen ngợi, pháp được khen ngợi, không chi chẳng được Thật Tướng chánh ấn in vào’.

Do đoạn văn trên, thấy được rằng toàn kinh này gói trọn trong một Thật Tướng, nên nói: Thật Tướng là thể tánh của kinh này vậy.

 

Lại nữa, phẩm Ðức Tôn Phổ Hiền trong kinh này chép: ‘Khai hóa hiển thị chơn thật tế’. Phẩm Ðại Giáo Duyên Khởi chép: ‘Muốn cứu vớt quần manh, ban cho lợi ích chơn thật’. Phẩm Tích Công Lũy Ðức chép: ‘Trụ chơn thật huệ dũng mãnh tinh tấn, một dạ chuyên chí trang nghiêm cõi nhiệm mầu’.

 

Chơn thật tế là Chơn Như Thật Tướng bổn tế. Ðó chính là điều kinh này khai thị. Cõi nhiệm mầu Cực Lạc được trí huệ chơn thật trang nghiêm thành tựu. Di Ðà Thế Tôn thâu nhiếp cõi mầu nhiệm ấy, tuyên dương pháp mầu này, muốn ban cho bọn chúng sanh ta cái lợi chơn thật. Ba thứ chơn thật này (chơn thật tế, chơn thật huệ, và lợi ích chơn thật), một chính là ba, ba chính là một, là phương tiện rốt ráo chẳng thể nghĩ bàn. Toàn thể của y báo, chánh báo cõi Cực Lạc, pháp môn Tịnh Ðộ đều là chơn thật tế. Vì vậy, ta nói kinh này lấy Thật Tướng làm thể tánh vậy

Xem mục lục