Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (36)


Xem mục lục

Quyển Thứ Nhất

Lời nói đầu 

Pháp môn Tịnh độ là Nhất Thừa liễu nghĩa, vạn thiện đồng quy, thích ứng khắp ba căn, thâu trọn phàm thánh, thoát khỏi ba cõi theo chiều ngang (hoành siêu tam giới), nhanh chóng bước lên bốn cõi Tịnh Ðộ, cực viên, cực đốn, là pháp môn vi diệu chẳng thể nghĩ bàn. Kinh Vô Lượng Thọ là kinh lãnh đạo trọng yếu của các kinh Tịnh Ðộ. Các bậc đại đức trong Tịnh tông thường gọi là kinh này là kinh Tịnh Ðộ bậc nhất.

 

Quyển Phật thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác Kinh là do thầy tôi: lão cư sĩ Hạ Liên Cư, hội tập năm bản dịch gốc đời Hán, Ngụy, Ngô, Ðường, Tống của kinh Vô Lượng Thọ, chọn hết điểm tinh yếu, thâu trọn các điểm mầu nhiệm soạn thành kinh này, hiện đang được công nhận là bản kinh Vô Lượng Thọ hoàn thiện nhất.

 

Kinh Vô Lượng Thọ là cương yếu của Tịnh tông. Cư sĩ Bành Thiệu Thăng đời Thanh khen rằng: ‘Kinh Vô Lượng Thọ là Viên giáo xứng tánh của Như Lai, là cách thức hóa độ chúng sanh về cái họ vốn sẵn có’.

 

Thầy Thích Ðạo Ẩn người Nhật cũng khen kinh này như sau: ‘Chánh thuyết của đức Như Lai xuất thế, kinh điển mầu nhiệm kỳ đặc tối thắng, lời giảng cùng cực về Nhất Thừa cứu cánh, lời vàng khiến chóng chứng viên dung, lời thành thật của mười phương Như Lai, là giáo pháp chơn thật dành cho kẻ mà thời tiết, căn cơ đã chín muồi’.

 

Cậu tôi là lão cư sĩ Mai Quang Hy cũng ngợi khen: ‘Kinh Vô Lượng Thọ là lời giảng xứng tánh đến cùng cực của Như Lai, là cách thức giáo hóa chúng sanh về cái họ sẵn có, là Nhất Thừa liễu nghĩa, là pháp môn tổng hợp vạn thiện, là cương yếu của hơn trăm mấy mươi kinh Tịnh Ðộ, là chỉ quy của cả Ðại Tạng giáo’.

 

Các bậc hiền đức đã nồng nhiệt khen ngợi kinh này như trên là vì pháp môn Trì Danh Niệm Phật rất viên mãn, thẳng chóng, là phương tiện rốt ráo nhất siêu trực nhập, viên đốn cùng cực. Dùng biển nguyện Nhất Thừa của đức Di Ðà, sáu chữ hồng danh của quả giác rốt ráo để làm cái tâm phát khởi cầu thành Phật quả cho bọn chúng sanh ta. Dùng quả làm nhân: nhân quả đồng thời, từ quả khởi tu nên tu cũng chính là quả. Tâm tu cầu thành Phật chính là cái tâm thành Phật chẳng thể nghĩ bàn. Vì vậy, sách Di Ðà Yếu Giải viết: ‘Một câu A Di Ðà Phật chính là pháp để đắc Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác của đức Bổn Sư Thích Ca trong đời ác ngũ trược, nay đem toàn thể Quả Giác này trao cho chúng sanh trược ác. Ðó là cảnh giới sở hành của chư Phật, chỉ Phật với Phật mới hiểu cùng tận nổi, chẳng phải là điều cửu giới dùng tự lực tin hiểu được nổi’.

 

Lại viết: ‘Ðem pháp giới thể làm thành thân và cõi của Phật Di Ðà, cũng do chính toàn bộ cái thể ấy làm thành danh hiệu Di Ðà. Vì vậy, danh hiệu Di Ðà chính là bổn giác lý tánh của chúng sanh’.

 

Ðủ thấy rằng: kinh này thật là lời giảng xứng tánh đến cùng cực của đấng đại từ bi phụ Như Lai Thế Tôn, là kho tàng bí mật của chư Phật đem phơi bày trọn vẹn ra hết. Vả lại, pháp môn Niệm Phật đây cũng chính là cách thức để giáo hóa chúng sanh về cái họ vốn sẵn có. Ðúng như sách Yếu Giải đã nói, một câu Phật hiệu này chính là bổn giác lý tánh của chúng sanh. Nên biết: Cái tâm niệm Phật ngay hiện tại của ta chính là Quả Giác của Như Lai. Do đó, Quán kinh dạy: ‘Tâm này là Phật’. Tâm này trì danh thì chính là ‘tâm này làm Phật’. Vốn đã là Phật, nay lại làm Phật. Vì vậy, ngay lập tức là Phật: thẳng chóng thỏa đáng, phương tiện rốt ráo, kỳ đặc, thù thắng chẳng thể nghĩ bàn.

 

Hơn nữa, trong các kinh Tịnh Ðộ, chỉ có kinh này có đủ trọn vẹn cả Viên lẫn Diệu: Dùng ‘phát Bồ Ðề tâm, nhất hướng chuyên niệm’ làm tông, lấy đại nguyện mười niệm ắt vãng sanh của Phật Di Ðà làm gốc, giảng tỉ mỉ chánh nhân vãng sanh của ba bậc, bao trọn khắp các loài thánh phàm trong chín giới, dạy rõ pháp Trì Danh Niệm Phật, trực chỉ con đường vãng sanh quy nguyên. Vì vậy, kinh này được xem là kinh bậc nhất của Tịnh Tông.

 

Khổ nỗi, kinh điển quý báu thù thắng bậc nhất của Tịnh tông này lại bị chìm lấp trong Ðại Tạng Trung Hoa đến hơn ngàn năm.

 

Xét đến nguyên nhân, cũng bởi kinh này có đến năm bản dịch gốc: các bản dịch hoặc rộng hoặc lược sai biệt khá lớn. Nêu một ví dụ: về đại nguyện của đức Di Ðà, trong hai bản dịch Ðường, Ngụy có bốn mươi tám nguyện, nhưng hai bản dịch đời Ngô, Hán chỉ có hăm bốn, bản dịch đời Tống lại là băm sáu nguyện. Ðiều này khiến cho kẻ sơ tâm học Phật nếu chuyên trì một bản dịch thì khó bề hiểu rõ ý chỉ sâu xa. Nếu đọc đủ cả năm bản lại càng gian nan. Vì vậy, đa số bỏ kinh này, dồn sức vào nghiên cứu kinh A Di Ðà.

 

Ðầu đời Thanh, cư sĩ Bành Thiệu Thăng nói: ‘Kinh này ít được xiển dương thì thật do chúng ta thiếu cội lành’. Thật đúng như vậy! Thế nên, các đại cư sĩ: Vương Nhật Hưu đời Tống, Bành Thiệu Thăng, Ngụy Thừa Quán đời Thanh đều vì hoằng dương kinh này mà mỗi vị trước sau soạn ra hội bổn và tiết bổn (1)

 

Cư sĩ Vương Nhật Hưu đời Tống từng viết cuốn Long Thư Tịnh Ðộ Văn được bốn biển khen ngợi, truyền tụng tới nay. Ông Vương khi lâm chung đứng ngay ngắn vãng sanh, đủ chứng minh cư sĩ thật là bậc hạnh giải đều ưu việt, là bậc tại gia đại đức thù thắng hy hữu của Tịnh Tông Trung Hoa.

 

Ông Vương tiếc nuối bảo điển bị bụi phủ, bèn hội tập bốn bản dịch các đời Hán, Ngụy, Ngô, Tống của kinh Vô Lượng Thọ soạn thành một bản, đặt tên là Ðại A Di Ðà kinh. Bản của ông Vương ra đời được cả nước khen là tiện lợi, được các tùng lâm lấy làm khóa bổn (2), lưu truyền phổ biến còn hơn cả bản dịch gốc. Càn Long Ðại Tạng Kinh của Trung Hoa và Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng của Nhật đều thu nhập bản hội tập của Vương vào Ðại Tạng.

 

Liên Trì đại sư nói: ‘Bản hội tập của ông Vương so sánh với năm bản dịch thì giản dị, rõ ràng, hiện đang phổ biến, lợi ích rất lớn’. Lại nói: ‘Do bổn của họ Vương phổ biến trong đời, người ta quen xem’. Vì thế, trong tác phẩm Di Ðà Sớ Sao, mỗi khi dẫn chứng kinh Vô Lượng Thọ, đa phần ngài trích dẫn từ bản của ông Vương. Cận đại, Ấn Quang đại sư khi viết lời tựa cho lần in lại bản Viên Trung Sao, cũng khen bản của ông Vương là: ‘Văn nghĩa tường tận, lưu thông khắp nơi’.

 

Bản hội tập của ông Vương tuy có công rất lớn đối với Tịnh tông, nhưng có quá nhiều điểm sai sót. Ngọc trắng có vết, hiền giả xót xa. Liên Trì đại sư chê rằng: “Sao phần trước, viết thêm phần sau”, ‘Phần lấy, phần bỏ chưa trọn vẹn’. Bành Thiệu Thăng cư sĩ chê là: ‘Lộn xộn, trái nghịch nhau, chẳng phù hợp với ý chỉ viên dung’. Bút giả nay dựa theo lời phê của các bậc cổ đức, trộm nêu ra ba khuyết điểm của ông Vương:

-  Một, bản hội tập của ông Vương chỉ dựa theo bốn bản, chưa dùng bản dịch đời Ðường. Bản dịch đời Ðường mang tên Vô Lượng Thọ Như Lai Hội trích từ kinh Ðại Bảo Tích do đại sư Bồ Ðề Lưu Chí dịch, lời văn có nhiều điểm áo diệu, tinh yếu mà các bản dịch khác không có.

- Hai, phần lấy, phần bỏ chưa trọn vẹn: chọn phần rườm rà, bỏ phần trọng yếu, biến sâu thành cạn. Chẳng hạn như, Liên Trì đại sư quở rằng: ‘Như ba bậc vãng sanh, bản dịch đời Ngụy đều nói là phát Bồ Ðề tâm, mà bản họ Vương chỉ nói là bậc trung phát Bồ Ðề tâm. Bậc hạ bảo chẳng phát, bậc thượng lại chẳng nói, thành ra cao thấp chẳng thứ tự. Vì vậy, bảo là chưa trọn vẹn’. Do câu trên, thấy rằng ‘bậc thượng chẳng nói’ là bỏ chỗ trọng yếu, ‘bậc hạ lại nói chẳng phát’ chính là biến sâu thành cạn. Vì vậy, Liên Trì đại sư cùng ông Bành quở trách.

- Ba, tự ý thêm văn, nghiễm nhiên tự sáng tác. Họ Vương hay dùng lời văn mình sáng tác ra để diễn thuật nghĩa của bản dịch gốc. Vì vậy, Liên Trì đại sư quở rằng: “Sao phần trước, thêm phần sau, chưa theo đúng phép dịch thuật”. Ngài trách ông Vương sao dẫn kinh văn nơi phần trước, rồi tiếp đó, chép thêm lời văn ông tự soạn. Nếu đã là hội tập, cần phải dựa theo bản dịch gốc, muôn phần chẳng được dùng câu nào ngoài bản dịch gốc. Vì ông tự tiện thêm câu văn nên Tổ trách họ Vương ‘chưa theo đúng phép dịch thuật’. Thấy được những khuyết điểm trên của họ Vương không có nghĩa là chẳng nên hội tập, mà chỉ để thấy rằng hội bản của ông ta có nhiều tì vết.

 

Cư sĩ Bành Thiệu Thăng cảm khái trước lỗi lầm của hội bản họ Vương, bèn dùng bản dịch đời Ngụy chia thành từng mục, tạo thành bản kinh Vô Lượng Thọ thứ bảy, nhưng bản này chỉ là tiết bản của bản dịch đời Ngụy.

 

Vì thế, cuối đời Thanh, cư sĩ Ngụy Thừa Quán (tự là Mặc Thâm) nhằm cứu vãn khuyết điểm của ông Long Thư (hiệu của ông Vương Nhật Hưu) bèn dùng cả năm bản dịch gốc hội tập thành một bản. Ban đầu đặt tên là kinh Vô Lượng Thọ, sau ông Chánh Ðịnh Vương Canh Tâm đổi thành Ma Ha A Di Ðà kinh. Lời văn bản hội tập của ông Ngụy giản dị, trong sáng, chọn lọc, thích đáng, vượt xa bản họ Vương, nhưng vẫn vướng căn bịnh thêm văn chưa hoàn toàn dứt hết được. Do đó, bản của họ Ngụy cũng chưa tận thiện.

 

Tiên sư là cư sĩ Hạ Liên Cư: bi, trí cùng đủ, thông suốt cả Tông lẫn Giáo, viên dung Hiển, Mật, Thiền, Tịnh nhất tâm, chuyên hoằng dương trì danh niệm Phật nhiếp vạn đức. Do hoằng dương Tịnh tông nên ngài mong mỏi bản kinh đệ nhất của Tịnh Tông này sẽ được vẹt bụi tỏa sáng, nguyện ước bản kinh vô thượng này nhiêu ích đời sau, bèn kế tục tiền hiền tiến hành hội tập lần nữa, vứt bỏ vạn duyên đóng cửa ba năm, tịnh đàn kết giới, lắng tâm tồn chí, sửa bản thảo mười lần mới hoàn tất.

 

Ðầu tiên, được vị lão pháp sư thấu triệt cả Tông lẫn Giáo là Huệ Minh, tay cầm hội bản chụp hình trước Phật điện để chứng minh. Kế đó, vị đại đức trong Luật tông là Từ Hàng lão pháp sư chuyên giảng kinh này ở Tế Nam, đích thân phân khoa, giảng giải. Cậu tôi là Mai lão cư sĩ cũng giảng kinh này trên đài phát thanh trung ương, khen là hội bản tốt nhất. Sau đấy, trong phần lời tựa của kinh, ông còn viết:

‘Tinh đáng, minh xác, hiển nhiên có căn cứ. Không một nghĩa nào chẳng lấy từ bản dịch gốc. Không một câu nào vượt ngoài bản gốc. Làm rõ ràng những chỗ khó khăn, thô tháp, tối nghĩa. Với chỗ phiền phức rườm rà làm cho đơn giản gọn gàng. Chỗ lộn xộn, lôi thôi biến thành nghiêm chỉnh. Chỗ thiếu sót làm cho viên dung. Chỗ tốt đẹp đều được đầy đủ, không sự thực nào chẳng được thâu lấy trọn vẹn. Tuy muốn chê là bản chẳng hay cũng vô phương’.

 

Vì vậy, từ khi hội bản của tiên sư ra đời đến nay, chẳng có chân mà đi khắp chốn. Các bậc tôn túc Phật giáo cho rằng hội bản này: văn giản dị, nghĩa phong phú, câu cú lưu loát, nghĩa lý viên dung, nên nó được giảng thuyết, tán dương, lưu truyền cả trong nước lẫn hải ngoại. Người thấy kẻ nghe hoan hỉ tín thọ, trì tụng, ấn hành liên tục chẳng dứt.

 

Gần đây, hội bản này được giới học Phật hải ngoại đưa vào Tục Tạng trong lần ấn hành mới nhất. Mừng được thấy quang minh của Ðại kinh thường chiếu thế gian, cái nguyện thù thắng hội tập của tiên hiền may đã viên thành. Bản kinh Vô Lượng Thọ hoàn thiện nhất nay đã hiện diện, ấy thật là đại sự nhân duyên hy hữu khó gặp vậy.

 

Niệm Tổ tôi là phàm phu đầy dẫy phiền não, trót được tiên sư giao phó đại sự chú giải hoằng dương kinh này. Tôi tuy trước đã phát đại tâm nhưng chướng sâu huệ cạn, phải vâng lãnh sứ mạng nặng nề này thật hoảng hốt tột bực! May được từng theo học dưới giảng tòa của thầy, đích thân nghe toàn bộ kinh này. Trong hai mươi năm hầu hạ, từng được nghe điểm huyền áo của các tông Thiền, Tịnh, Mật, hiểu thô thiển thâm tâm hội tập Ðại kinh của tiên sư. Ðầu thập niên sáu mươi, từng thử viết đề cương huyền nghĩa kinh này, trình lên thầy duyệt, may được ấn khả, nhưng trong cơn kiếp nạn cách mạng Văn Hóa, bản thảo ấy bị hủy mất chẳng còn chút gì.

 

Tôi giờ đây tuổi đã ngoài bảy mươi, lại lắm bệnh cũ, thẹn chưa báo ơn sâu, sợ vô thường chợt đến, nên gắng gượng tấm thân già bệnh, kế tục hoằng thệ truyền đăng, đem thân tâm này cúng dường Tam Bảo, đóng cửa tạ khách, toàn lực chú giải kinh, mong báo một trong muôn phần ân sâu của tiên sư cùng mười phương tam thế thượng sư Tam Bảo cùng pháp giới chúng sanh.

 

Thêm nữa, kinh này thù thắng ở chỗ khế lý, khế cơ. Lý là thật tế lý thể, cũng tức là Chơn Như Thật Tướng, bổn tế chơn thật. Khế lý là vì kinh này vốn trụ nơi chơn thật huệ để khai hóa hiển thị chơn thật tế cùng ban cái lợi chơn thật, thuần nhất chơn thật. Kinh này còn được xưng tụng là Trung Bổn Hoa Nghiêm kinh: hết thảy sự lý được giảng trong kinh này đều là nhất chơn pháp giới sự lý vô ngại, sự sự vô ngại của kinh Hoa Nghiêm. Lý thể bí mật, sâu thẳm của kinh Hoa Nghiêm hiện diện trong kinh này nên nói là khế lý.

 

Về khế cơ, chỉ riêng mình kinh này là thù thắng. Pháp môn Trì Danh của kinh này thích hợp khắp cả ba căn, thâu trọn phàm thánh. Kẻ thượng thượng căn thật rất thích hợp gánh vác toàn thể kinh này, kẻ hạ hạ căn cũng có thể do kinh này đắc độ. Trên thì như Pháp Thân Ðại Sĩ: Văn Thù, Phổ Hiền cũng đều phát nguyện vãng sanh. Dưới đến ngũ nghịch, thập ác lâm chung niệm Phật cũng đều tùy nguyện vãng sanh. Vượt ngang khỏi ba cõi, chứng trọn vẹn bốn cõi Tịnh Ðộ, chóng sát cánh cùng Quán Âm, Thế Chí, mới thấy phương tiện rốt ráo của pháp môn này thật thích ứng khắp mọi căn cơ.

Hơn nữa, Khế Cơ còn có nghĩa là khéo khế hợp với căn cơ, thời đại. Như Lai rủ lòng từ riêng lưu lại kinh này một trăm năm nữa sau khi các kinh khác diệt hết, đúng là ngụ ý: kinh này phù hợp xã hội hiện tại và tương lai.

 

Hiện tại, khoa học phát triển, nhân loại càng cần phải có đầy đủ tri thức rộng rãi. Xã hội tiến bộ, trách nhiệm mỗi người phải gánh vác càng tăng thêm. Vì vậy, ai nấy đều phải học rộng, đa năng, cúc cung tận tụy tham gia kiến thiết, tạo phước cho nhân dân, thực hiện nhân gian Tịnh Ðộ. Cận đại, đại sư Thái Hư đề xướng nhân gian Tịnh Ðộ, từng dẫn chứng kinh Vô Lượng Thọ. Ấy là bởi kinh này soi chiếu cả pháp thế gian lẫn xuất thế gian, dạy rõ hai đế: Chơn, Tục.

 

Ðiểm mầu nhiệm của Tịnh tông là ‘chẳng lìa Phật pháp mà hành thế pháp, chẳng bỏ thế pháp mà chứng Phật pháp’. Bởi pháp Trì Danh thật là tiện lợi, tu chỗ nào cũng được, nào phải ẩn cư rừng núi, lúc nào cũng niệm được, chẳng phiền bế quan, ngồi yên, chỉ  cần phát khởi cái tâm rộng lớn, một bề chuyên niệm, chí ít mười niệm, một niệm cũng được vãng sanh, chẳng trở ngại công việc thế gian, vẫn như cũ mà chóng thoát sanh tử. Lại có thể tự giác, giác tha, rộng độ chúng sanh đời vị lai. Ðây cũng là ta, người cùng lợi, tạo phước cho xã hội ngay trong hiện tại.

 

Vì vậy, kinh dạy: ‘Ðời tương lai kinh đạo diệt hết, ta do từ bi xót thương, riêng lưu lại kinh này tồn tại trăm năm. Nếu có chúng sanh gặp được kinh này, tùy lòng mong cầu đều đắc độ’.

 

Rõ ràng kinh này phù hợp tình huống thực tế của xã hội, chiếu cả Chơn lẫn Tục, viên dung cả Sự lẫn Lý, thâu phàm lẫn thánh, tâm, Phật chẳng hai. Vì vậy, chỉ mình kinh này có thể trường tồn trong đời vị lai. Rõ ràng kinh này chẳng những là cương yếu của các kinh Tịnh Ðộ mà còn là chỉ quy cho giáo pháp của cả Ðại Tạng, thật vì hết thảy hữu tình cõi này, phương khác, hiện tại, tương lai được lìa khổ hưởng vui, tột cùng pháp yếu Bồ Ðề.

 

Vì vậy, Niệm Tổ tôi nghĩ ân mong báo đáp, phát tâm vô thượng, kính cẩn chú giải kinh này để tiếp nối Phật huệ mạng. Kính mong hai giới tăng tục, thập phương Như Lai, thượng sư, bổn tôn, kim cang hộ pháp từ ân chở che, oai đức thầm gia hộ. Mong bản chú thích này sẽ khế hợp thánh tâm, rộng khởi phát niềm tin cho mọi người. Hễ ai thấy nghe đều vào được biển nguyện nhất thừa của Phật Di Ðà

Xem mục lục