8. Dịch, hội hiệu, thích
‘Dịch’ chỉ cho bản dịch gốc. ‘Hội hiệu’ chỉ các bản do căn cứ vào các bản dịch gốc để hội tập (tổng hợp, khảo đính những bản dịch của cùng một kinh để chọn ra những điểm trọng yếu), hiệu đính. ‘Thích’ chỉ cho các bản chú giải kinh này.
8.1 Các bản dịch kinh này
Kinh này ‘được đức Phật thường nói, các sư đua nhau dịch, được truyền đến Trung Hoa rất sớm, riêng mình nó có rất nhiều bản dịch’ (xem lời tựa kinh này của cư sĩ Mai Quang Hy). Từ Ðường đến Tống có 12 dịch bản. Bản đời Tống, Nguyên đã mất, nay chỉ còn lại được năm bản dịch.
a. Vô Lượng Thọ Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác kinh do sa môn người xứ Nhục Chi là Chi Lâu Ca Sấm dịch ở Lạc Dương vào đời Hậu Hán (từ đây gọi tắt là bản Hán dịch).
b. Phật thuyết Chư Phật A Di Ðà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Ðàn Quá Ðộ Nhân Ðạo kinh, tên khác là Vô Lượng Thọ kinh, tên khác nữa là A Di Ðà kinh, do ưu bà tắc Chi Khiêm tự Cung Minh người xứ Nhục Chi dịch vào đời Ngô (gọi tắt là bản Ngô dịch).
c. Vô Lượng Thọ kinh do sa môn người Ấn Ðộ là Khang Tăng Khải dịch ở chùa Bạch Mã, Lạc Dương vào đời Tào Ngụy (gọi tắt là bản Ngụy dịch).
d. Vô Lượng Thọ Như Lai hội do tam tạng Bồ Ðề Lưu Chí người Nam Ấn Ðộ dịch vào đời Ðường, bản này trích từ kinh Ðại Bảo Tích (gọi tắt là bản Ðường dịch).
e. Phật thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Trang Nghiêm kinh do sa môn Pháp Hiền người xứ Tây Vực dịch vào đời Tống (gọi tắt là bản Tống dịch).
Bảy bản dịch, hiện đã mất, căn cứ theo Khai Nguyên Thích Giáo Lục, liệt kê như sau:
a. Vô Lượng Thọ kinh, hai quyển, do sa môn An Thế Cao người nước An Tức dịch vào đời Hán.
b. Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác kinh, hai quyển, do sa môn Bạch Diên dịch ở chùa Bạch Mã, Lạc Dương vào đời Tào Ngụy.
c. Vô Lượng Thọ kinh, hai quyển do sa môn Trúc Ðàm Ma La Ða (Pháp Hộ) dịch vào đời Tấn.
d. Vô Lượng Thọ Chí Chơn Ðẳng Chánh Giác kinh, hai quyển, tên khác là Lạc Phật Ðộ Lạc Kinh, một tên nữa là Cực Lạc Phật Ðộ kinh, do sa môn Trúc Pháp Lực người Tây Vực dịch vào đời Ðông Tấn.
e. Tân Vô Lượng Thọ kinh, 2 quyển, do sa môn Phật Ðà Bạt Ðà La (Giác Hiền) người nước Ca La Vệ La dịch ở chùa Ðạo Tràng vào đời Ðông Tấn.
f. Tân Vô Lượng Thọ kinh, 2 quyển, do sa môn Bảo Vân người Kinh Châu dịch ở chùa Ðạo Tràng vào đời Tống.
g. Tân Vô Lượng Thọ kinh hai quyển, sa môn Ðàm Ma La Mật Ða (Pháp Tú) người nước Kế Tân dịch vào đời Tống.
Bảy bản bị thất lạc trên đây và năm bản còn giữ được được gọi là ‘thập nhị thế dịch’ (các bản dịch trong mười hai đời). Thật ra là 8 đời, mười hai lần dịch: Ðời Hán hai bản dịch, đời Ngô một bản, đời Tào Ngụy hai bản, đời Tây Tấn một bản, Lưu Tống hai bản, Ðường một bản, Triệu Tống một bản. Như vậy, về thời gian dịch thuật là trong 8 triều đại, số lượng bản dịch là mười hai.
Sách Bình Giải viết: ‘Phàm trong các kinh, không có kinh nào được lưu truyền, dịch thuật thịnh hành như kinh này. Ðó là do kinh này giảng thẳng lẽ xuất thế, lợi ích vô biên vậy’.
Sách Hội Sớ viết: ‘Trong hết thảy các kinh được nhiều người lưu truyền, dịch thuật không kinh nào được như kinh này. Ðó là bởi đạo lý thẳm sâu, lợi ích tối thượng vậy’. Cả hai bộ sớ có cùng một nhận định.
So sánh năm bản dịch còn lưu truyền trong đời thì chẳng giống với trường hợp của hai bản dịch kinh A Di Ðà hay sáu bản dịch của kinh Kim Cang: kinh văn tuy chi tiết hay giản lược khác nhau đôi chút nhưng nội dung thật sự tương đồng. Năm bản dịch của kinh đây, chẳng những kinh văn chi tiết hay giản lược khác nhau rất nhiều mà ngay cả nội dung mức độ rộng lược cũng rất khác.
Lấy ví dụ, với đại nguyện của Phật A Di Ðà khi còn tu nhân, hai bản Hán dịch và Ngô dịch nêu hăm bốn nguyện, bản Tống ghi băm sáu nguyện, bản Ngụy, Ðường ghi bốn mươi tám nguyện. Ngay nội dung mỗi nguyện cũng dịch khác nhau, đủ thấy sự khác biệt khá lớn.
Ðược lưu truyền phổ biến nhất hiện thời là bản Ngụy dịch. Sách Bình Giải chỉ ra rằng đem hai bản dịch đời Ngô và Hán so với bản Ngụy dịch, chỉ kể những điểm chính yếu đã có tám điểm khác nhau. Còn nếu so với bản Ðường dịch, đại khái có bảy điểm khác nhau. Ở đây, tôi không thuật rõ. Còn đến bản dịch đời Tống so với các bản dịch khác, sự sai biệt còn lớn hơn nữa.
Các bản dịch vì sao sai khác? Cư sĩ Trầm Thiện Ðăng đời Thanh viết trong sách Báo Ân Luận rằng:
‘Lược khảo các kinh, sở dĩ có sự bất đồng, nói tóm lại là do ba nguyên nhân:
- Người dịch khéo, vụng chẳng giống nhau.
- Phạn bản truyền chép khác biệt
- Ðức Bổn Sư trước sau tuyên nói nhiều lượt chẳng giống nhau. Ðức Bổn Sư thuyết pháp hơn ba trăm hội, nhiều lần chỉ dạy quy hướng Tịnh Ðộ thì tự nhiên mỗi lần nói không dùng cùng một bài giảng, phải tùy thời, tùy cơ, khai triển đại ý.
Phải căn cứ theo ý chẳng chấp mặt chữ, lẽ hiển nhiên là như vậy’.
Vì vậy, ta thấy rằng kinh Vô Lượng Thọ được Phật giảng nhiều lần nên chẳng phải chỉ có một Phạn bản. Do kinh văn được dùng để dịch đã khác nhau nên bản dịch có mức độ khéo vụng khác nhau. Bởi vậy, lời văn của các bản dịch tự nhiên sai khác.
Ông Trầm lại còn chỉ ra nguyên nhân Phạn bản dễ bị sai lạc:
‘Các bản kinh tiếng Phạn đều là bản chép tay nên dễ bị chép sai, sót. Như bản Hán dịch của kinh Ðại Bổn trải bao đời đến nay, bị chép lầm hay sót đến vài mươi chữ, văn nghĩa không nhất quán.
Lại như tàng bản của kinh Tứ Thập Nhị Chương so với bản khắc đá do Triệu Văn Mẫn viết và các bản được lưu thông ngoài Ðại Tạng thì chương, tiết trước sau, nhiều ít, đều bất đồng. So với những đoạn trích dẫn trong sách Pháp Uyển Châu Lâm cũng khác. Hơn nữa, những chữ [trong kinh ấy] được chọn ra [để giải thích] trong sách Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa đều không thấy trong các bản lưu hành.
Ðại để là do kinh được tụng trì, tu tập nhiều thì được lưu truyền, chép lại nhiều nên lỗi đắc, thất, dị, đồng cũng nhiều’.
Sách Bình Giải của Nhật cũng viết: ‘Thẩm định các kinh thì là do quá nhiều bản Phạn đến nỗi văn nghĩa được truyền dịch thành ra có chỗ tường tận hay sơ lược chẳng đồng’.
Rõ ràng, tác giả sách Bình Giải đồng ý với ông Trầm, cùng cho rằng kinh này được Phật nói nhiều lượt. Như vậy, tụng tập nhiều, truyền chép Phạn bản nhiều lượt, Phạn bản có nhiều bản còn, tỉ mỉ, hay sơ lược sai khác. Các thẻ kinh tiếng Phạn lại dễ bị lạc mất, thành ra hiện tại các bản dịch thật khác biệt xa nhau.
Thuyết của sư Nhật Khê người Nhật cũng giống thuyết ông Trầm. Ngài nói:
‘Câu văn của bản dịch khác so với kinh đây (chỉ bản Ngụy dịch) có chút sai khác chẳng phải là ít. Xét ra, lắm dị bản, truyền thọ lại chẳng phải một lần nên thành ra sai khác như thế. Hoặc là do chẳng phải chỉ nói có một lần chẳng hạn như các kinh Bát Nhã. Do kinh này là bổn hoài của Như Lai, mỗi chỗ ngài nói khác nhau nên có nhiều bản. Ðấy là do lòng đại bi cùng cực vậy’.
Các vị đại đức trên đây đều cho rằng kinh này là pháp được đức Thế Tôn nhiều lần tuyên nói, điều này thật có chứng cứ. Ví dụ như, bản Ðường dịch mang tên Vô Lượng Thọ Như Lai hội là một hội của kinh Bảo Tích, đủ chứng minh rằng khi Phật nói kinh Ðại Bảo Tích cũng nói ra kinh này. Ông Trầm lại bảo:
‘Bản Ngụy dịch văn từ tường tận, nghĩa lý trọn vẹn nên từ xưa đến nay các vị giảng sư hay dùng bản này. Bản Ðường dịch không sai khác mấy do dịch từ cùng một bản Phạn. Bản Tống dịch rất lưu loát, rõ ràng, nhưng câu cú, chữ nghĩa so với các bản trên khác nhau rất lớn nên phải xuất phát từ bản Phạn khác. Hai bản dịch đời Hán và Ngô, văn từ thô tháp, trúc trắc, nhưng nghĩa lý bổ sung cho nhau nên ắt phải là được dịch theo một Phạn bản khác nữa’
Ông Trầm tuy chưa thể trực tiếp đem Phạn bản ra so sánh để chứng minh, nhưng nếu nghiên cứu năm bản dịch còn tồn tại, ta có thể suy ra rằng hiện tại có ít nhất ba bản Phạn. Vì vậy, thuyết của ông Trầm rất đáng tin.
Còn như ý kiến của các sư khác cho rằng ‘Năm bản dịch chỉ là các bản dịch khác nhau từ cùng một Phạn bản, nhưng có sai biệt là do ý thích của dịch giả khác nhau’ thật chưa đủ sức thuyết phục! Chẳng hạn như, so hai bản dịch đời Tần và Ðường của kinh Tiểu Bổn, do người đời Tần còn đơn giản nên ngài La Thập gom mười phương Phật thành sáu phương Phật, đấy thật là chỗ khéo léo ứng cơ của dịch giả: Văn giản lược để thích ứng căn cơ, nhưng nghĩa lý của kinh chẳng mất. Ðó mới là ý thích và sự khéo léo của dịch giả.
Còn xét về sự sai biệt giữa các bản dịch của kinh này, sự sai biệt lớn nhất là chẳng những giản lược, chi tiết sai khác mà nghĩa lý cũng sâu rộng khác hẳn. Vì vậy, chẳng thể bảo là do ý thích của người dịch sai khác.
Lấy ví dụ, Di Ðà đại nguyện là duyên khởi của Tịnh tông, là cương tông của kinh này mà cái nguyện ‘mười niệm ắt vãng sanh’ là cốt tủy của Di Ðà đại nguyện. Nguyện này thấy trong hai bản Ngụy dịch, Ðường dịch, nhưng không có trong phần đại nguyện của hai bản dịch Hán và Ngô.
Nếu cho rằng bốn mươi tám đại nguyện của hai bản Ðường, Ngụy đem so với hăm bốn đại nguyện của hai bản Ngô, Hán chỉ là cách dịch thu rộng hay nói gọn khác nhau thì thật khó bề thuyết phục. Trong đời có người dịch nào lớn mật như thế, dám dựa theo ý riêng, tự tiện lược đi đại nguyện tâm tủy. Vì vậy, nguyên bản để dịch phải khác nhau thì dịch bản mới sai khác đến như vậy.
Lại như trong hăm bốn đại nguyện của bản Ngô dịch, có hai nguyện thù thắng: ‘Nước không nữ nhân’ và ‘liên hoa hóa sanh’ mà trong hai bản dịch Ðường và Ngụy tuy đủ bốn mươi tám nguyện lại chẳng hề có hai nguyện ấy. Nếu bảo rằng cùng một bản gốc, các bản dịch chỉ dịch đủ hay tóm gọn chẳng đồng, thử hỏi hai nguyện ấy của bản Ngô dịch lấy từ đâu ra? Vì sao trong hăm bốn nguyện thì có, còn trong bốn mươi tám nguyện lại hoàn toàn chẳng có? Rõ ràng, các Phạn bản dùng để dịch không phải chỉ là một bản. Thật đúng như thuyết của cư sĩ Trầm Thiện Ðăng: kinh này được đức Thế Tôn tuyên thuyết nhiều lần, lại do các thẻ kinh Phạn dễ bị thất lạc, thành ra có các bản gốc sai khác vậy.
Do những điều trên, ta thấy rõ việc hội tập các bản dịch thật là cần thiết. Do vậy, từ đời Tống đến nay, Vương Long Thư, Bành Nhị Lâm, Ngụy Mặc Thâm, và tiên sư: cư sĩ Hạ Liên Cư trước sau cùng hội tập, hiệu đính kinh này.
8.2 Bốn loại hội hiệu bản
Năm bản dịch nói trên đều có những chỗ ưu, liệt, phô bày hay ẩn kín riêng. Chẳng hạn như hai bản Hán và Ngô dịch không đề cập tới bổn nguyện mười niệm vãng sanh và yếu chỉ ‘nhất hướng chuyên niệm’. Ðến đoạn kinh giảng rộng về ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu, đức Thế Tôn rát miệng, nhọc lòng giảng dạy chân thành mà hai bản Ðường và Tống dịch chẳng chép đủ. Bản Ngụy dịch chép đủ, thật là bản đứng đầu trong các bản dịch, nhưng lại thiếu hai nguyện ‘nước không nữ nhân’ và ‘liên hoa hóa sanh’ nên cũng chưa phô bày đầy đủ.
Vì vậy, ông Long Thư Vương Nhật Hưu đời Tống phê bình các bản dịch như sau:
‘Ðại lược tuy giống nhau nhưng trong ấy có rất nhiều chỗ sai khác. Hơn nữa, lời văn mỗi bản dịch hoặc bị thiếu sót hoặc quá rườm rà khiến người ngại xem, hoặc thiếu chỗ rất quan trọng đến nỗi mất cả ý nghĩa thật sự. Hoặc kinh văn có đề cập đến nhưng ý nghĩa đã bị mất.
Do vậy, kinh của đức Thích Ca Văn Phật nói, yếu chỉ độ sanh của A Di Ðà Phật trở nên rối rắm chẳng rành mạch, dài dòng nhưng không rõ ràng, tôi thật tiếc lắm’.
Bởi thế, ông phối hợp bốn bản dịch Hán, Ngô, Ngụy, Tống giảo chánh, hội tập, soạn thành một bản, đặt tên Ðại A Di Ðà kinh. Ðây chính là bản hội tập đầu tiên của kinh này.
Các bản hiệu hội từ đời Tống đến nay, có bốn thứ:
a. Ðại A Di Ðà kinh do quốc học tấn sĩ Long Thư Vương Nhật Hưu đời Tống soạn.
b. Vô Lượng Thọ kinh do Bồ Tát giới đệ tử Bành Tế Thanh đời nhà Thanh phân định chương mục và hiệu đính.
c. Ma Ha A Di Ðà kinh do Bồ Tát giới đệ tử Thừa Quán Thiệu Dương Ngụy Nguyên hội dịch vào đời Thanh (Nguyên tên là Vô Lượng Thọ Kinh, sau cư sĩ Chánh Ðịnh Vương Ấm Phúc giảo đính đổi thành tên này).
d. Phật thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác kinh do Bồ Tát giới đệ tử Vận Thành Hạ Liên Cư hội tập vào thời hiện đại.
Như vậy, kinh này có năm bản dịch gốc, bốn bản hội tập, thành ra chín bản.
Trong năm bản dịch, riêng bản Ngụy dịch phổ biến nhất, đến khi hội bản của ông Vương ra đời liền chiếm lấy địa vị ấy. Liên Trì đại sư viết trong tác phẩm Sớ Sao rằng: ‘Phần nhiều dẫn kinh theo bản của ông Vương do bản họ Vương phổ biến trong đời, người đời quen thấy’. Cuối đời Thanh, Ấn Quang đại sư cũng khen bản họ Vương là ‘văn nghĩa tường tất, lưu thông mạnh trong đời’. Do đây thấy được rằng bản của họ Vương được phổ biến ở Trung Quốc còn hơn bản Ngụy dịch.
Bản họ Vương tuy rất phổ biến, còn được chép vào Càn Long Ðại Tạng và Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng kinh của Nhật, nhưng tác phẩm của họ Vương có ưu điểm lẫn khuyết điểm. Chẳng hạn như Sớ Sao phê:
‘Bản hội tập của ông Vương so với năm bản dịch thì giản dị, rõ ràng, hiện đang lưu truyền, lợi ích rất lớn. Nhưng chẳng dựa vào Phạn bản, chỉ phối hợp bản tiếng Hán, chưa đúng cách dịch thuật. Nếu dùng Phạn bản để dịch lại thành bản thứ sáu không ai dị nghị. Do vậy, ông chẳng gọi là dịch mà bảo là giảo chánh.
Cách ông ta chọn, bỏ lời dịch cũ lại cũng chưa trọn vẹn: như với ba bậc vãng sanh, bản Ngụy dịch đều nói phát Bồ Ðề tâm, nhưng bản họ Vương chỉ có bậc trung phát Bồ Ðề tâm, bậc hạ không phát, bậc thượng chẳng đề cập đến. Như vậy là cao, thấp lẫn lộn.
Vả lại, ‘nhiều căn lành’ nói trong kinh là cốt ở phát Bồ Ðề tâm, tuy ba bậc chẳng đồng lại cùng phát tâm thì đấy đúng là yếu chỉ vãng sanh. Nay ông ta lại lược đi nên bảo là chưa trọn vẹn’.
Lời luận của Liên Trì Ðại Sư về chỗ tinh yếu thật là xác đáng! Trong lời tựa của chính ông Vương có viết: ‘Chỗ nào văn manh mún, không thứ tự, lầm loạn chẳng so sánh được thì dùng ý mình để sửa chữ’. Thật đúng với điều Liên Trì đại sư chỉ ra: ‘Chẳng căn cứ theo Phạn bản’ là căn bịnh nặng, chẳng đúng phép dịch thuật. Nếu căn cứ theo Phạn bản dịch lại thì mới được phép dùng câu văn tự soạn để làm rõ nghĩa kinh. Còn nếu hội tập, sao chẳng dùng lời dịch gốc, lại tự ý viết thêm, muôn phần chẳng nên vậy.
Ðến phần ba bậc vãng sanh cũng vậy, tự tiện sửa đổi bản Ngụy dịch, đánh mất thứ tự cao thấp. Ðấy đều là những tỳ vết khó bưng bít của bản họ Vương vậy!
Cư sĩ Bành Nhị Lâm (tên là Thiệu Thăng) đời vua Càn Long nhà Thanh cũng chẳng thỏa mãn với bản họ Vương. Ông nhận định về bản của họ Vương trong tác phẩm Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận như sau:
‘Bản của họ Vương so ra lưu loát, phổ biến mãi đến nay, nhưng có điểm đáng phê bình. Như trong Tự Phần từ chữ ‘du bộ thập phương’ trở đi nói rộng về hạnh nguyện Bồ Tát nhằm khiến hành giả phát khởi đại tâm, tích tập cội đức, rốt ráo thành Phật, đấy chính là cương lãnh trọng yếu của chương mở đầu kinh này, họ Vương lại lược đi.
Ðến phần hai bậc vãng sanh: thượng, hạ, bậc thì gạt bỏ phát Bồ Ðề tâm, bậc thì nói chẳng phát. Trong phần thai sanh, lược bỏ từ chữ ‘ngờ vực Phật trí’ cho đến ‘thắng trí’. Trước đã trái với chánh nhân thành Phật, sau lại mất chánh trí vãng sanh. Những điểm khác như với thứ tự các nguyện, lẫn lộn trước sau đều đáng giảo chánh’.
Họ Bành nhìn thấy lỗi của họ Vương nên chuyên dùng bản Ngụy dịch, lược những chỗ phiền phức, lại căn cứ theo bản của ngài Vân Thê, thêm vào số thứ tự trước sau của bốn mươi tám nguyện, đặt tên là Vô Lượng Thọ Kinh, thành ra bản thứ bảy (bản của họ Vương là bản thứ sáu). Nhưng bản này chỉ là bản Ngụy dịch được phân chia thành từng đoạn, chẳng phải là bản hội tập các bản dịch.
So sánh hai bản thì bản của ông Bành có ưu điểm hơn bản Ngụy dịch. Cận đại, cư sĩ Ðinh Phước Bảo khi viết Vô Lượng Thọ Kinh Tiên Chú thì bản dùng để chú giải là bản của họ Bành. Tiếc thay bản của họ Bành chỉ là tiết hiệu bản, chưa bổ cứu được khuyết điểm của bản ông Vương, vẫn chưa được coi là bản tốt nhất.
Triều Hàm Phong nhà Thanh, cư sĩ Ngụy Thừa Quán ở Thiệu Dương cho rằng các bản dịch lẫn bản của ông Vương chưa hoàn thiện bèn hội tập năm bản dịch gốc, soạn riêng thành một bản, đặt tên là Vô Lượng Thọ Kinh (bản của ông Ngụy hội tập năm bản dịch gốc, là nguồn gốc của ngũ hội bản. Bản họ Vương chỉ là tứ hội bản, hội bản không dùng bản Ðường dịch).
Dưới triều Ðồng Trị, cư sĩ Vương Ấm Phước đặc biệt coi trọng bản họ Ngụy, từng đích thân ghi rằng: ‘Gần đây, Thiệu Dương Ngụy cư sĩ lại thuận theo lời đại sư Vân Thê, khảo sát khắp các bản dịch, soạn riêng thành một bản gồm trọn tông yếu, văn từ giản dị, thích đáng, được coi là bản hay nhất của kinh này’. Ông Vương lại tra khảo khắp các bản, đích thân hiệu đính, đặt tên kinh là Ma Ha A Di Ðà kinh, thành ra phiên bản thứ tám của kinh này.
Ông Ngụy phát tâm rộng lớn, lại tinh thông văn tự, muốn cứu chữa khuyết điểm lớn là soạn kinh của cư sĩ Vương Long Thư, nên gộp đủ năm bản dịch hội tập thành một kinh, tận lực tìm tòi lai lịch của từng câu mong thành bản hoàn chỉnh. Sở nguyện thật thù thắng, thành tựu cũng lớn lao. Bản hội tập của ông vượt xa bản họ Vương. Cư sĩ Vương Ấm Phúc khen là bậc nhất trong tám bản kinh cũng chẳng quá đáng.
Ðáng cảm khái là ông Ngụy tuy nguyện tận lực sửa chữa khuyết điểm soạn kinh của họ Vương, tiếc thay vẫn chưa hoàn toàn tránh khỏi. Nay sẽ nêu lên những điểm lớn rành rành như sau:
a. Nguyện thứ hai trong bản họ Ngụy là: ‘Nếu tôi thành Phật, trời, người trong nước thuần là hóa sanh, chẳng có thai sanh..’ Bốn chữ ‘chẳng có thai sanh’ không tìm thấy trong các bản dịch. Vả lại, bốn chữ ấy mâu thuẫn với lời văn của bản dịch gốc. Bản Ngụy dịch chép: ‘Phật bảo Di Lặc.... Nhân dân cõi ấy có kẻ thai sanh’. Hai bản dịch Ðường, Tống cũng giống vậy mà hội bản của họ Ngụy viết ‘chẳng có thai sanh’. Ðây thật là tì vết khó giấu vậy.
b. Một đoạn ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu có đến vài ngàn chữ, mà bản họ Ngụy tóm tắt thành ‘Lúc sanh đau, lúc già đau, lúc bịnh đau, lúc chết đau, hoạn nạn cùng khổ đau đớn, lửa dâm dục đốt, lửa sân giận đốt, lửa tham trộm cắp đốt, lửa tà ngụy đốt, lửa ngu si đốt, đấy là ngũ thống, ngũ thiêu’. Ngụy cư sĩ vốn nguyện ‘không một chữ nào chẳng có lai lịch’, nhưng tiếc chưa thể thật triệt để ý nguyện ban đầu. Ðoạn trên đây, so với các bản dịch chẳng có lai lịch.
c. Hội bản của họ Ngụy nói cung điện, lầu quán, đường vũ, phòng gác của Cực Lạc ‘hoặc ở trên hư không, hoặc trên đất bằng, hoặc nương cây báu mà trụ’. Câu ‘nương cây báu mà trụ’ không có trong bản dịch nào cả.
d. Trong hội bản, câu ‘Từ đấy về sau, Vô Lượng Thọ kinh cũng giảm, chỉ trừ bốn chữ A Di Ðà Phật rộng độ quần sanh’ cũng không có trong bản dịch nào.
Do những điều trên, bản của họ Ngụy so với các bản có trước, tuy bản sau trội hơn bản trước, tiếc rằng vẫn chưa hoàn toàn tránh nổi cái lỗi thêm chữ sai lầm. Cái lỗi lớn ấy ắt phải sửa chữa hầu tránh cho đời sau thành thói, thậm chí soán cải kinh văn. Vì vậy, cần phải ngừa lỗi nhỏ lâu ngày thành to, tuyệt trừ nguồn tội, lại khiến Ðại kinh chóng có được bản tốt nhất. Bởi thế, tiên sư là lão cư sĩ Hạ Liên Cư bèn soạn ra bản thứ chín.
Tiên sư Hạ Liên Cư cư sĩ, lúc nhỏ học Nho, trước là Trình, Chu, sau Lục, Vương, trưởng thành học Phật, nhiếp Thiền, Mật quy về Tịnh Ðộ. Cụ Hạ thông suốt các sách vở, hiểu sâu văn tự, dụng công lâu dài, hiểu tường tận giáo pháp.
Năm Nhâm Thân (1932), phát nguyện hiệu đính kinh này, đóng cửa tạ khách, suốt cả ba năm, xét kỹ cả năm bản dịch gốc, khảo sát kỹ càng hội bản của ba nhà, không một câu nào chẳng xem xét kỹ, không một chữ nào chẳng cân nhắc, cung kính, cẩn thận, ngày ngày khấn cầu trước Phật, thiên châm vạn chước cả trong giấc ngủ.
Ðến khi hoàn thành, tứ chúng hoan hỷ Lão pháp sư Huệ Minh là bậc thông triệt cả Tông lẫn Giáo (ngài là thầy quy y của cụ Hạ) đắp y, nâng kinh chụp ảnh trước điện Phật, đích thân ấn chứng. Cậu tôi là cư sĩ Mai Hiệt Vân giảng liên tục trên đài phát thanh, khen là bản hay nhất. Từ Châu pháp sư chuyên giảng kinh này ở đất Kinh Lỗ, cũng đích thân soạn khoa phán. Lão hòa thượng Diệu Thiền, phương trượng Cực Lạc Am ở Bắc Kinh mời hội trưởng Sơn Ðông nữ tử liên xã (hội phụ nữ niệm Phật tỉnh Sơn Ðông) là Ngô Thiến Hương đến chùa giảng kinh này suốt hai tháng. Còn những người phát tâm hoằng dương, chuyên chú trì tụng chẳng tính nổi số. Ấn hành, lưu thông liên tục chẳng dứt.
Vì vậy, cậu tôi là Mai lão cư sĩ khen rằng:
‘Yếu chỉ của Tịnh tông cùng thâm cực vi, phát huy được chỗ uẩn áo tiền nhân chưa phát huy được’ và ‘tinh đáng minh xác, rành rành có chứng cứ, không một nghĩa nào chẳng thuộc bản dịch gốc, không một câu nào ra khỏi kinh gốc... Ðủ các điểm hay, không sự thật nào chẳng thâu tóm. Tuy muốn cho là bản chẳng hay cũng chẳng được’.
Lời của cậu tôi nay đã được mọi người công nhận, còn đem bản kinh này thâu nhập vào ấn bản mới của Tục Tạng. Ðại kinh bụi phủ ngàn năm, nay mới có được bản hoàn thiện. Ý nguyện hội tập kinh của tiên hiền đã viên mãn. Ðại kinh phóng quang, chúng sanh hữu hạnh, bản kinh mang tên Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác Kinh là bản thứ chín của Ðại kinh.
8.3 Chú thích kinh này
Trong năm bản dịch, bản Ngụy dịch tương đối đầy đủ. Vì vậy, các chú sớ Ðại kinh phần nhiều dùng bản Ngụy dịch. Các bậc đại đức Trung Quốc nhiều vị soạn chú giải cho Tiểu Bổn Di Ðà, còn chú giải Ðại Bổn chỉ có hai vị: Tịnh Ảnh (Huệ Viễn) đời Tùy và Gia Tường (Cát Tạng) đời Ðường.
a. Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ, sáu quyển, do sa môn Huệ Viễn thuộc chùa Tịnh Ảnh ở kinh đô đời Tùy soạn, tục gọi là Tịnh Ảnh sớ.
b. Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ do ngài Cát Tạng ở chùa Gia Tường đời Ðường soạn. Tục gọi là Gia Tường Sớ.
Ngoài ra, chú giải của hai vị Cảnh Hưng, Nguyên Hiểu ở nước Tân La (nay thuộc Triều Tiên) nay cũng được lưu truyền ở Trung Quốc:
a. Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Thuật Văn Tán, ba quyển do ngài Cảnh Hưng nước Tân La trứ tác, tục gọi là Cảnh Hưng sớ.
b. Vô Lượng Thọ Kinh Tông Yếu, một quyển, do sa môn Nguyên Hiểu thuộc chùa Hoàng Long nước Tân La soạn. Ngài từng qua Tàu du học, sau về nước, danh tiếng vang dội chốn Hải Ðông. Sớ giải của ngài gọi là Hải Ðông Sớ.
c. Du Tâm An Lạc Ðạo, một quyển cũng do ngài Nguyên Hiểu soạn, là một trong mười tác phẩm cổ của Tịnh tông.
Quang minh của Ðại kinh chiếu rực Nhật Bổn, chú thích rất thịnh, vượt xa Trung Hoa. Riêng bút giả được biết đã hơn hai mươi loại, như là:
a. Vô Lượng Thọ Phật Tán Sao, một quyển, do ngài Thiện Châu chùa Hưng Phước viết.
b. Vô Lượng Thọ Kinh Thuật Nghĩa, 3 quyển, do Tối Trừng soạn.
c. Vô Lượng Thọ Kinh Tư Ký, một quyển, Trí Cảnh soạn.
d. Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Uyển, bảy quyển, ngài Nam Sở chùa Tổng Trì ở Kỷ Châu soạn.
e. Vô Lượng Thọ Kinh Lược Tiên, tám quyển của ngài Viện Khê, chùa Thiền Lâm, Lạc Ðông, soạn năm Hưởng Bảo thứ năm.
f. Vô Lượng Thọ Kinh Sao, bảy quyển của Vọng Tây Lâu Liễu Huệ.
g. Vô Lượng Thọ Kinh Trực Ðàm Yếu Chú Ký, hăm bốn quyển, do ngài Tây Dự chùa Tăng Thượng soạn năm Vĩnh Hưởng thứ tư.
h. Vô Lượng Thọ Kinh Kiến Văn, bảy quyển của Lương Vinh.
i. Vô Lượng Thọ Kinh Khoa Huyền Khái, một quyển của Tiểu Thương Tây Ngâm.
j. Vô Lượng Thọ Kinh Hội Sớ, bảy quyển, ngài Tuấn Ðế chùa Thắng Thọ ở Việt Tiền soạn.
k. Vô Lượng Thọ Kinh Khai Nghĩa, sáu quyển, do ngài Huệ Không chùa Bình An Tây Phước soạn.
l. Vô Lượng Thọ Kinh Quán Tư Nghĩa, ba quyển, do ngài Ý Châu Lý Viên soạn.
m. Vô Lượng Thọ Kinh Hiển Tông Sớ, mười bảy quyển, ngài Tánh Hải Vô Nhai ở Giang Châu soạn.
n. Vô Lượng Thọ Kinh Yếu Giải, ba quyển, Pháp Sâm soạn.
o. Vô Lượng Thọ Kinh Giảng Lục, bảy quyển, do ngài Nam Lân chùa Phá Lặc An Lạc thuộc Kỷ Châu soạn.
p. Vô Lượng Thọ Kinh Phạm Hưởng Ký, sáu quyển, Linh Phượng soạn.
q. Vô Lượng Thọ Kinh Nhãn Tủy, mười một quyển, Nhiếp Châu Ðịnh Chuyên Phường Nguyệt Khê soạn.
r. Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Ký, năm quyển, Giới Hoa Tạng Am Huệ Nhiên soạn.
s. Vô Lượng Thọ Kinh Hải Trích Ký, hai mươi quyển, khoa chú hai quyển, Nhiếp Châu Tiểu Tằng Nễ Hiến Vinh Thái Nham soạn.
t. Vô Lượng Thọ Kinh Vĩnh An Lục, mười ba quyển, Ý Báo Chuyên Phường Huệ Vân soạn.
u. Vô Lượng Thọ Kinh Bình Giải, mười tám quyển, Thích Ðạo Ẩn soạn.
v. Vô Lượng Thọ Kinh Hợp Tán, bốn quyển, Quán Triệt soạn.
Trong những tác phẩm này, cuốn thứ tám, thứ mười, thứ 20, thứ hăm hai được dẫn chứng nhiều trong sách này.
Ngoài ra, chú thích những bản hiệu hội, gồm có ba tác phẩm:
a. Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận, ba quyển, Bành Tế Thanh soạn vào đầu triều Thanh.
b. Vô Lượng Thọ Kinh Tiên Chú, Ðinh Phước Bảo soạn vào cuối triều Thanh.
Hai bản chú giải trên đều dùng tiết bản của Bành Tế Thanh.
c. Phật Thuyết Ma Ha A Di Ðà Kinh Chung Luận do Chánh Ðịnh Vương Canh Tâm soạn dưới đời Quang Tự nhà Thanh. Bản dùng để chú giải là bản hiệu hội thứ tám của Ngụy Thừa Quán.
Ngoài ra, vào cuối đời Thanh, cư sĩ Trầm Thiện Ðăng soạn Báo Ân Luận ba quyển có các phần Tịnh Ðộ Pháp Môn Cương Yếu, Vô Lượng Thọ Kinh Cương Tông, Vãng Sanh Chánh Nhân Luận v.v…