Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

Đối với sự thực hành Mahamudra (Đại Ấn), cốt tủy của ý nghĩa, Đức Jigten Sumgön nói:

Trong bầu trời bao la của tâm căn bản,

Nếu những đám mây của sự khái niệm hóa không bị quét sạch,

Thì những hành tinh và tinh túy của hai trí tuệ sẽ không chiếu sáng

Vì thế, hãy chăm sóc tâm thoát khỏi sự nhị nguyên này.

Bầu trời tượng trưng cho tâm căn bản; các hành tinh (mặt trời và mặt trăng) và các tinh tú tượng trưng hai trí tuệ cũng như kết quả – những phẩm tính về sự viễn ly và chín muồi của Đức Phật. Mây và sương mù tượng trưng cho các phiền não và ý niệm. Giống như những đám mây và sương mù ngăn che sự chiếu sáng của mặt trời, mặt trăng, và các tinh tú, cũng thế, ba che chướng ngăn che trí tuệ cao quý không hiển lộ được.

Để tẩy sạch ba che chướng, ta phải hoàn toàn tịnh hóa cái thấy (kiến), sự thiền định, và các hoạt động của mình. Có hai loại tiếp cận có thể có: trước tiên đạt được cái thấy và sau đó thực hành thiền định; hoặc thiền định trước và sau đó đạt được cái thấy. Theo Đức Jigten Sumgön, trước tiên hành giả kiến lập nền móng – là cái thấy. Ngài Nāropa nói:

“Nếu sự hiểu biết của bạn không hòa hợp một cách chính xác với cái thấy đúng đắn như nó đã được Đạo sư chỉ rõ thì cái thấy và các hành động của bạn sẽ bị lầm lạc. Bạn sẽ như thể mù lòa và không có người dẫn dắt; vì thế bạn sẽ không đạt được kết quả.”

Cần phải an lập cái thấy, phải mô tả cái thấy một cách thận trọng.

AN LẬP CÁI THẤY

Có nhiều cách để xác quyết cái thấy; mọi người nắm giữ các giáo lý xác quyết cái thấy theo cách thế riêng của họ. Tuy nhiên, một số người có cái thấy nhưng không có sự chứng ngộ. Họ đang nương dựa vào năng lực riêng của họ, và sẽ gặp khó khăn khi tiến xa hơn trong sự hiểu biết. Đức Jigten Sumgön nói:

Quả thực những người đó có nhiều phương cách để xác quyết cái thấy, nhưng họ không có sự chứng ngộ phát sinh từ thiền định. Vì thế, cái thấy của họ là một cái thấy thiếu sự chứng ngộ.

Cái thấy phải có sự chứng ngộ đi kèm theo. Phải có sự chứng ngộ về ý nghĩa (Mahamudra); đó là, phải có kinh nghiệm trực tiếp – siêu vượt tư tưởng – về ý nghĩa.

Nhờ cái thấy, ý nghĩa được kiến lập; nhờ sự thiền định, ý nghĩa được kinh nghiệm; nhờ các hoạt động, kinh nghiệm về ý nghĩa được nâng cao. Trái quả đã có ở đó; sự đạt tới của nó phải hoàn toàn là một sự khám phá. Ngài Nāropa nói: “Hãy rút ra và vạch ra ý nghĩa.”

AN LẬP CHÂN TÁNH CỦA TÂM

Để thấu suốt cách thức an trú của tâm, ta phải phân tách cả cách thức an trú (tồn tại) của các sắc tướng (mọi đối tượng) lẫn cách thức an trú của tâm (mọi chủ thể).

Cách thức an trú của các sắc tướng

Trước tiên, đã được minh chứng rằng các sắc tướng quy ước chính là tâm. Ngài Nāropa nói:

Sự kiện những hiện tượng thấy được này xuất hiện và được soi sáng có nghĩa là chúng không hiện hữu ở ngoài tâm tự-tỉnh giác. Giống như sự tự-tỉnh giác là một kinh nghiệm của tâm tự biết chính mình, vì thế, bất kỳ cái gì xuất hiện là một kinh nghiệm của sự tự-tỉnh giác (hay ý thức) nhận thức ra nó. Nếu tâm và các hiện tượng này không đồng nhất, các hiện tượng phải hoàn toàn khác biệt với tâm và không thể có mối tương quan với tâm. Không có một mối tương quan giữa chúng, các hiện tượng sẽ không xuất hiện đối với tâm. Đây là cách thức chúng ta mô tả sự hiện hữu quy ước của các hiện tượng.

Vì vậy, mọi hiện tượng được hiểu là bổn tâm của ta.

Cách thức an trú của tâm

Tâm phải được hiểu là không có căn bản, không có nền tảng. Ngài Nāropa nói:

Đức Phật nói: ‘mọi hiện tượng ở trong tâm.’ Cơ sở thực sự của các hiện tượng chính là tâm. Nếu ta phân tích bản tánh của tâm – bằng bốn lý lẽ, và v.v.. ta sẽ nhận ra rằng có hai ô nhiễm của sự khái niệm hóa. Giáo pháp của lý lẽ về một và nhiều có một ý nghĩa rất sâu xa và vì thế được trí giả phân tích.

BỐN LÝ LUẬN

Để xác định rằng tâm tự-tỉnh giác không có hiện hữu thực sự, chúng ta sử dụng bốn lý cứ lớn – bốn lý lẽ. Ở đây cách thức để nhận biết bốn lý luận hơi khác biệt với cách chúng được nhận biết trong giáo lý Trung Quán. Đây là bốn lý luận: sự phân tích nguyên nhân, lý luận về những mảnh kim cương; sự phân tích thực thể, lý luận một và nhiều; sự phân tích hậu quả, lý luận bác bẻ bốn khả tính của sự tạo tác; và sự phân tích mọi hiện tượng, lý duyên-sinh.

i. Lý luận các mảnh Kim cương (kim cương đoạn)

Cách thức trong đó các kết quả phát sinh từ những hành động (những nguyên nhân) thì tương tự với cách thức những mầm chồi nảy sinh từ những hạt giống. Ngài Nāropa nói trong tác phẩm Luận thuyết về Trung Đạo của ngài:

Chẳng bao giờ có sự tạo tác

Bất kỳ nơi đâu, của bất kỳ vật gì

Từ sự tự sanh (tự mình sanh ra), tha sanh (sanh ra từ những vật thể khác)

Từ cả hai (cộng sanh) hay không có nguyên nhân.

Trong cùng cách thức đó, các sắc tướng và tâm được chỉ rõ là không có căn bản, không có nền tảng. Như vậy ta thấu hiểu bản tánh tối hậu của tâm.

ii. Lý luận Một và Nhiều

Nếu tự trong tâm, ta phân chia một vật thành những phần nhỏ bé thì điều ấy có thể cho thấy các phần không hiện hữu một cách độc lập. Điều này được xác định nhờ sự thấu suốt. Khi ta thấu suốt rằng mọi sự xuất hiện (sắc tướng) là tâm, ta từ bỏ ý niệm về các sự vật. Khi ta thấu suốt rằng tâm là sự tự-tỉnh giác, ta từ bỏ ý niệm về các phân biệt trắng, đỏ và v.v.. Khi sự tự-tỉnh giác của riêng ta ló rạng như sự hỉ lạc, ta từ bỏ khái niệm về đau khổ và thanh thản. Khi ta nhận thức rằng hỉ lạc không có những tạo tác, ta từ bỏ sự bám chấp vào hỉ lạc đó. Như thế, ta thấu suốt bản tánh tối hậu của tâm.

iii. Lý luận bác bẻ bốn khả tính của sự tạo tác.

Trong thiền định, ta phải tránh: a/ bốn sai lầm có thể có về tánh Không và b/ ba loại sai lầm khác có thể có.

a/ Bốn cách nhận thức sai lầm tánh Không

Hiểu sai bản tánh của tánh Không (đối tượng được nhận biết), áp dụng sai, con đường sai lầm, và cách đối trị sai lầm. Các thiền định xảy ra các sai lầm này là do những người không chứng ngộ Tánh Không thực hành.

Hiểu sai bản tánh của tánh Không. Ví dụ như trong lúc thiền định về ý nghĩa của thần chú Svabhāva shuddha, sau khi hình thành một quan niệm na ná về Tánh Không như một sự phủ nhận hoàn toàn, khi ấy người ta có thể thiền định về mọi hiện thể như không hiện hữu. Người đó bị sai lầm do hiểu sai bản tánh của đối tượng được nhận biết – là tánh Không.

Áp dụng sai. Một vài người có thể áp dụng thuật ngữ ‘không’ cho mọi sự, và nghĩ rằng: ‘Đây là không; kia cũng là không.’ Theo cách đó, người này đang kiến lập – như đối tượng của tư tưởng anh ta – một khái niệm về tánh Không tổng quát. Do đó, anh ta không thực sự thấu hiểu ý nghĩa đích thực của tánh Không; như thế, tánh Không bị hiểu lầm bởi áp dụng sai.

Con đường sai lầm. Nếu một người không hiểu rõ rằng họ đạt được kết quả nhờ chứng ngộ rằng quả và nền tảng (cách thức hiện hữu căn bản – tánh Không) thì bất khả phân, thì người ấy không thể hy vọng đạt được một kết quả tốt đẹp nhờ đi theo một con đường. Người như thế đã sai lầm về con đường.

Cách đối trị sai lầm. Người ta có thể không thấu hiểu rằng không có khác biệt giữa đối tượng bị từ bỏ và cách đối trị của nó, và vì thế có thể xem bằng hữu và kẻ thù là khác nhau. Một cái nhìn như thế phát sinh lòng tham muốn và sự thù ghét cũng như các khái niệm chủ thể và đối tượng; và những điều này chính là những thứ phải từ bỏ.

b/ Ba loại sai lầm có thể có

Có nhiều người nói rằng một sự thiền định trong đó ta kinh nghiệm bất kỳ điều nào trong ba điều sau "hỉ lạc, trong sáng, và vô niệm"  là một thiền định siêu việt. Tuy thế, những điều này có thể là những nguồn gốc của sai lầm trong thiền định, bởi: do bám luyến vào hỉ lạc, ta bị tái sanh trong dục giới; do bám luyến vào sự trong sáng, ta bị tái sinh trong sắc giới; và bởi bám luyến vào sự vô niệm, ta bị tái sinh trong vô sắc giới.

Cho dù bạn thiền định mà không bám luyến vào hỉ lạc, trong sáng, và vô niệm, nếu bạn không chứng ngộ tánh Không, kết quả cao nhất bạn có thể đạt được là điều kiện để được tái sinh trong các cõi giới cao của các vị trời và loài người. Đức Jigten Sumgön nói: “Các trạng thái quân bình thiền định không lỗi lầm là những nguyên nhân của sự tái sinh trong ba cõi.” Tuy nhiên, nếu bạn thiền định mà không rơi vào ba sai lầm này, bạn sẽ thấu suốt nền tảng đích thực của tâm.

Lý duyên sinh

Đây là lý lẽ phân tích mọi hiện tượng, cách thứ tư trong bốn cách thấu hiểu tâm tự-tỉnh giác không có hiện hữu thực sự. Theo cách nhìn này, ta được biết là các đối trị với vô minh là mười hai nhánh của sự duyên-sinh (thập nhị nhân duyên). Ngài Nāropa nói:

Là Giác Tánh,

Tâm tự-tỉnh giác

Có bản tánh chói ngời.

Là sự vô niệm

Nó không nhận thức chính mình.

Bản tánh đích thực của một tâm thức như thế là vô niệm. Hãy dùng một thí dụ, một người có một tâm tự-tỉnh giác, tâm này là trí tuệ cao quý. Khi người ấy thấu hiểu rằng tâm là trí tuệ cao quý, ta được biết rằng người ấy chấm dứt tìm Phật ở nơi nào khác. Tuy nhiên, tâm tự-tỉnh giác có thể bị che chướng bởi các ô nhiễm nhất thời. Tâm bị sự khái niệm hóa quấy nhiễu thì giống như nước, vàng, và không gian, theo cách này: trong các trạng thái tương đối của chúng, tất cả những thứ này (nước, vàng, và không gian) bị lệ thuộc vào các phân biệt về sự thanh tịnh và bất tịnh, nhưng chân tánh của chúng thì chói ngời. Trong chân tánh của chúng, ngay cả sự ô nhiễm vi tế nhất cũng hoàn toàn không hiện hữu.

Giống như các hiện tượng bên ngoài không hiện hữu, các hiện tượng bên trong cũng không hiện hữu; giống như các hiện tượng bên trong không hiện hữu, các hiện tượng bên ngoài cũng không hiện hữu. Có nói rằng chúng sinh không phải là chúng sinh; tuy nhiên, không phải như thế mà họ không hiện hữu. Ta phải đi đến sự chứng ngộ rằng bản tánh tối hậu thì thoát khỏi bản tánh quy ước.

Hơn nữa, mọi hiện tượng, từ các sắc tướng tới những tâm thức toàn trí, là những sự duyên-sinh; những duyên-sinh là các hiện tượng nhất thời; các hiện tượng nhất thời được sinh ra từ các điều kiện (duyên); mà những gì đạt được sinh ra từ các điều kiện thì không tự sinh.

Như Đức Phật nói:

Cái được tạo nên từ các điều kiện thì không được sinh,

Bởi nó không có sự sinh bẩm sinh.

Cái tùy thuộc vào những điều kiện là tánh Không.

Người thấu suốt Tánh Không thì thức tỉnh.

Đây là cách làm thế nào ta thấu suốt nền tảng chân thật của tâm. Người có sự thấu suốt như thế được nói là có sự chứng ngộ không bị ảnh hưởng bởi ba quan điểm vĩ đại. Không có sự khẳng định. Như Đức Jigten Sumgön nói:

Cuối cùng, hãy trực tiếp chứng ngộ Pháp Thân: sự chứng ngộ như thế siêu vượt ba quan điểm vĩ đại; nó hoàn toàn thoát khỏi cái thấy, đối tượng của cái thấy, và tác nhân của cái thấy. Đây là một điểm đặc trưng của hệ thống chúng ta, mà bất kỳ hệ thống nào khác không có được.

Dĩ nhiên, ba quan điểm vĩ đại đó là cần thiết. Nhưng nếu bạn không thoát khỏi sự vướng mắc vào địa vị cao thì bạn sẽ không chứng ngộ cái thấy; bạn sẽ không thấu suốt cái thấy chân thực.

Cái thấy chân thực thì thoát khỏi sự khẳng định. Như Đức Jigten Sumgön nói:

Bởi tôi không có khẳng định,

Tôi không mắc những lỗi lầm đó.

Đấng Chiến Thắng không nói điều gì cho các đệ tử;

Như thế Ngài đã thuyết giảng rộng rãi

Điều chưa từng nói.

Như vậy, cái thấy phải có sự chứng ngộ đi kèm theo. Khi đã chứng ngộ cái thấy, hãy thiền định về nó.

THIỀN ĐỊNH VỀ CÁI THẤY

Để thiền định về cái thấy, bạn phải thực hành kỹ thuật về tư thế của thân, kỹ thuật về thời gian thực hành, và kỹ thuật để làm kiên cố tâm. Tất cả phải được thực hành đồng thời.

Kỹ thuật về tư thế của thân

Việc chuẩn bị đúng đắn thân bạn trong tư thế Tỳ Lô Giá Na bảy điểm sẽ cho phép sự chứng ngộ phát sinh trong tâm bạn. Đức Phật đã nói trong Kinh Chuỗi Hạt Kim cương:

Ngồi trên một cái đệm thoải mái. Hướng đôi mắt con về phía chót mũi. Mũi con nên thẳng hàng với rốn; đôi vai ngang đều; lưỡi chạm vòm miệng; đôi môi và răng để thoải mái. Sau đó, khi đã lơi lỏng hơi thở, chỉ hô hấp với rất ít cố gắng, theo giáo huấn của Đạo sư của con; hãy an trụ trong tư thế kiết già đúng đắn.

Hãy thực hành hoàn hảo kỹ thuật về tư thế của thân này.

Thời gian thực hành

Kỹ thuật về thời gian thực hành là thực hành trong mọi lúc. Có nói rằng không có các thời khóa thực hành theo nghĩa thông thường. Bất kỳ khi nào bạn có chánh niệm, làm chủ được thời gian, thì bạn nên thiền định. Mọi lúc đều thích hợp để thực hành. Không cần tính đếm ngày tháng; không cần lưu tâm tới các vị trí của mặt trời, mặt trăng và các tinh tú; thời gian thực hành không bị giới hạn trong bất kỳ cách thức nào. Bạn nên thực hành liên tục, không có các thời khóa chính thức.

Kỹ thuật làm kiên cố tâm

Kỹ thuật làm kiên cố tâm có hai phần, i. Sự thiền định về cách thức hiện hữu của các hiện tượng và ii. Sự nhận diện về cách thức hiện hữu đó. Phần đầu của những kỹ thuật này – sự thiền định – có hai giai đoạn. Giai đoạn thành tựu với các dấu hiệu bao gồm việc trụ tâm hành giả trên các giọt ở năm vị trí trong thân thể. Giai đoạn thành tựu không có các dấu hiệu bao gồm bảy phương pháp làm kiên cố tâm.

i. Thiền định về cách thức hiện hữu của các hiện tượng

(a) Thực hành giai đoạn thành tựu với các dấu hiệu

Khi tu tập phần kỹ thuật làm kiên cố tâm này, trước tiên hãy phát khởi Bồ đề tâm và sau đó quán tưởng thân bạn như thân của Yidam (Bổn Tôn). Hãy chánh niệm về Đạo sư như Đức Vajradhara và sau đó thiền định bằng cách trụ tâm bạn không xao lãng nơi một giọt xanh lam sáng ngời, kích thước bằng một hạt giống mù tạc, ở tim bạn. Sau đó, nếu một sự kiên cố thiền định tốt đẹp phát sinh, hãy an trụ một thời gian ngắn trong một trạng thái an nhiên không có bất kỳ điều gì xuất hiện trong tâm bạn.

Sau đó, một lần nữa hãy an trụ nhất tâm trên giọt ở trái tim. Giữ tâm bạn trên giọt đó; nếu bất kỳ tư tưởng nào xuất hiện, đừng chú tâm tới nó. Thực hành cách này bốn thời khóa mỗi ngày. Sau cùng, ngừng ngay cả việc chấp giữ giọt; rồi an trụ tâm bạn trong trạng thái tự nhiên không giả tạo.

Nếu thực hành này khiến sự phấn khích (trạo cử) xuất hiện trong tâm bạn, thì thiền định về giọt vàng nơi lỗ rốn và giọt xanh nơi vị trí bí mật của bạn như Bổn Tôn yidam. Nếu sự hôn trầm xuất hiện trong tâm bạn, hãy thiền định về giọt đỏ nơi cổ họng và giọt trắng ở trán Bổn Tôn.

Nếu bạn thiền định theo lối này, tâm bạn sẽ không tán loạn; nó sẽ an trụ trong một trạng thái vô niệm. Như thế sự thấu thị và các phẩm tính tốt đẹp khác sẽ phát sinh. Như có nói trong Tantra Chakrasamvara:

Bằng cách trụ tâm ở bên trong

Ta thành tựu bất kỳ điều gì ta muốn.

(b) Sự thực hành giai đoạn thành tựu không có các dấu hiệu.

Trong phần kỹ thuật làm kiên cố tâm này, có bảy phương pháp:

Duy trì thực hành không dùng bất kỳ điều gì để chú tâm.

Duy trì thực hành trong khi từ bỏ mọi ý niệm phân biệt.

Duy trì thực hành không mất chánh niệm.

Duy trì thực hành với tinh tấn vĩ đại.

Duy trì thực hành về ý nghĩa của sự không-thiền định.

Duy trì thực hành với tâm không quá căng thẳng và quá lơi lỏng.

Duy trì thực hành với tâm trong trạng thái tự nhiên.

Duy trì thực hành không dùng bất kỳ điều gì để chú tâm. Ngài Long Thọ nói:

Mọi hiện tượng đều vô ngã. Từ vô thủy, tâm ta vô sanh và có bản tánh là tánh Không; tâm có bản tánh rốt ráo hay cốt tủy là Tánh Không. Hành giả thiền định về ý nghĩa của Tánh Không chẳng hít thở cũng chẳng không hít thở; đôi mắt ông không mở cũng chẳng khép; thân ông không thẳng cũng không cong. Ông không nói cũng chẳng không nói. Ông không nghĩ tưởng về ngoại vật; không suy nghĩ về tâm mình. Có mười một sự việc không được cho là tâm: sắc, thanh, hương, vị và xúc không được cho là tâm; bản tánh của sắc, thanh, hương, vị và xúc không được cho là tâm; và các hiện tượng không được cho là tâm.

Khi Đức Tôn quý Jigten Sumgön sống với gia đình ở tỉnh Den miền đông Tây Tạng, chồng một bà hàng xóm chết, và bà ta rất buồn. Mẹ của Đức Tôn quý nói với bà hàng xóm: “Hãy thôi nghĩ về chồng bà, và nỗi khổ của bà sẽ hết. Nếu bà cứ tiếp tục nghĩ về ông ấy, đau khổ sẽ tiếp tục.” Về sau, Jigten Sumgön đi đến Miền Trung Tây Tạng và gặp Đạo sư Phagmo Drupa. Mãi sau này, khi Jigten Sumgön đã trực tiếp chứng ngộ Mahamudra, ngài cảm nhận rằng trong tất cả giáo lý được Phagmo Drupa diễn giảng, không giáo lý nào cao hơn điều này – không cho bất cứ cái gì là tâm.

Hệ quả là giáo lý về sự không cho bất cứ cái gì là tâm này thì rất sâu xa. Ngài Saraha nói:

Không cho là tâm –

Đây là thân của Mahamudra.

Hỡi hành giả, đừng tự cho phép mình hy vọng

Về bất kỳ kết quả nào.

Duy trì thực hành trong khi từ bỏ mọi ý niệm về các phân biệt như cao và thấp và v.v.. Đừng thiền định trong khi quan niệm về tốt, xấu, và trung tính. Ngài Tilopa nói:

Nếu ta không suy tưởng về tốt và xấu

Những tư tưởng của Chư Phật

Trong ba thời sẽ ló rạng.

Tất cả các đấng Toàn giác đều giảng dạy điều này.

Ba thời là quá khứ, hiện tại, và tương lai. Ngài Tilopa cũng nói:

Hãy an trú trong một trạng thái tự nhiên, hoàn toàn không có hoạt động thể xác; nói ít, thiền định về tánh Không của giọng nói của bạn, giống như một tiếng vang. Hãy nhìn vào cách thức hiện hữu của các hiện tượng mà không có điều gì xuất hiện với tâm.

Hãy làm kiên cố tâm bạn trên cách thức hiện hữu của các hiện tượng; sự kiên cố thiền định này, trong đó mọi lầm lạc được tiệt trừ, là sự thiền định không tư tưởng.

Duy trì thực hành không mất chánh niệm. Đức Jigten Sumgön Tôn quý nói:

Hành giả phải nhận thức tầm quan trọng của việc duy trì chánh niệm; không có chánh niệm thì không có thiền định và như thế không có phương pháp.

Chánh niệm kiên cố này rất quan trọng. Chánh niệm bao gồm nhánh của sự Giác ngộ, đó là: bốn phương diện của chánh niệm, bốn sự từ bỏ toàn thiện, bốn nền tảng của năng lực phi thường, năm năng lực, năm năng lực kiểm soát, bảy nhánh của sự giác ngộ và con đường tám nhánh cao quý (Bát Chánh Đạo).

Hành giả duy trì sự thực hành này thành tựu tất cả các cấp bậc Bất-Lai, của bậc đã thành tựu sự hợp nhất của vô học. Những cấp bậc cao cấp này, và tất cả những cấp bậc khác thấp hơn chúng đều tùy thuộc vào sự chánh niệm.

Trước tiên ta đạt được bốn phương diện của chánh niệm. Sau đó, qua việc này – phát triển thực thể của bốn phương diện này – ta đạt được bốn từ bỏ toàn thiện. Tiếp tục sự phát triển này – làm kiên cố chánh niệm thêm nữa – ta loại trừ các đối tượng của sự từ bỏ và do đó đạt được bốn nền tảng của năng lực phi thường; một trong bốn nền tảng này là sự làm kiên cố chánh niệm. Sau bốn sự làm kiên cố này, ta đạt được năm năng lực; một trong chúng là năng lực của sự chánh niệm.

Năm năng lực được làm cho mạnh hơn nữa, cho tới khi đạt được năm năng lực kiểm soát; một trong chúng là năng lực kiểm soát của chánh niệm. Những năng lực kiểm soát được phát triển hơn nữa, cho tới khi đạt được bảy nhánh của sự giác ngộ; một trong chúng là sự toàn thiện của chánh niệm. Bảy sự toàn thiện được phát triển cho tới khi đạt được con đường tám nhánh; một trong những con đường này là chánh niệm.

Sự thành tựu con đường tám nhánh là thành tựu của việc thực hành: đạt được trạng thái của một vị Hữu học. Trạng thái này được phát triển đến hoàn thiện, và cuối cùng, nhờ chánh niệm, ta được sự kiên cố thiền định an bình gia lực để đạt được trí tuệ cao quý của cấp bậc Bất Lai. Đức Jigten Sumgön nói: “Thiền định là làm cho quen thuộc với sự chứng ngộ”; đây là sự tu tập không mất chánh niệm.

Duy trì thực hành với sự tinh tấn vĩ đại. Jigten Sumgön nói:

Tinh tấn vĩ đại có nghĩa là

Sự chánh niệm liên tục;

Nếu bạn không hiểu rõ điều này,

Thực hành của bạn sẽ tổn hại.

Bạn nên duy trì sự thực hành của bạn với một sự kiên định giống như dáng đi vững chãi của một con voi hoặc độ căng đều của một giây đàn ghi ta. Ngài Tilopa nói:

Người không thể duy trì thực hành này

Nên thực hành một kỹ thuật thở và an trụ trong tâm trần trụi.

Với nhiều phương pháp để đạt được cái thấy và an trụ tâm,

Hãy thực hành cho tới khi tâm bạn kiên cố.

Điều này có nghĩa là bạn phải củng cố sự chánh niệm của bạn, đừng để nó động lay dù chỉ chốc lát. Đừng di chuyển đôi mắt hay nháy mắt, hãy an trụ tâm bạn trong một trạng thái thiền định vô niệm.

Duy trì thực hành về ý nghĩa của sự không-thiền định. Đó là không có đối tượng chấp thủ của thiền định và không có nơi chốn thiền định. Jigten Sumgön nói:

Không có đối tượng thiền định,

Dù một dấu vết vi tế nhất;

Không có một lay động của chú tâm,

Dù một khoảnh khắc –

Đây là giáo lý-tâm yếu của Mahamudra.

Ngài cũng nói:

Không có sự thiền định, mà trở nên quen thuộc;

Và khi nó trở nên quen thuộc, bạn sẽ thấu suốt cái thấy.

Chỉ mình bạn có thể làm điều này; hãy an trụ tâm bạn kiên định trong sự quân bình thiền định.

Trong Tantra Guhyasamaja viết:

Không có thiền định về một vật không hiện hữu;

Đối tượng của thiền định là không thiền định về.

Bởi không có các sự vật cũng không phải không có các sự vật hiện hữu,

Không có gì để chấp thủ trong thiền định.

Duy trì thực hành với tâm không quá căng thẳng hay quá lơi lỏng. Nếu tâm bạn căng thẳng, sự kích động tinh thần (trạo cử) phát sinh, khiến không thể có thiện hạnh của thiền định. Các điều kiện bất lợi như thế khiến tâm phóng ra các ngoại vật. Vì vậy, đừng làm căng thẳng tâm bạn.

Nếu để nó quá lơi lỏng, tâm bạn sẽ lang thang không chú tâm và bạn sẽ không tỉnh giác về chuyển động của nó. Vì vậy hãy đề phòng các thái cực của sự căng thẳng và lơi lỏng. Thực hành giới đức phải giống như sự quân bình của một cái cân. Ngài Saraha nói:

Tâm bị tư tưởng cột chặt

Sẽ chắc chắn được giải thoát

Nếu nó được nới lỏng tới độ căng thích hợp,

Như một người Bà La Môn se chỉ.

Hãy giữ tâm trong một trạng thái tươi mát, không giả tạo, tự nhiên.

Duy trì thực hành với tâm trong một trạng thái tự nhiên, không giả tạo. Đức Phật nói trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa:

Sự thực hành không giả tạo

Là nguyên nhân của sự giác ngộ cao cả;

Năng lực của sự giả tạo

Ngăn trở sự thành tựu con đường cao quý.

Giữ tâm bạn trong trạng thái tươi mới, tự nhiên không biến đổi một cách giả tạo chân tánh của nó. Nếu bạn thiền định về điều gì như hiện hữu, thì đó là giả tạo. Nếu bạn thiền định về điều gì là không hiện hữu, thiền định đó cũng giả tạo. Nếu bạn thiền định về điều gì như ở giữa hai thái cực của sự hiện hữu và không hiện hữu; thiền định đó cũng giả tạo.

“Tươi mới” ám chỉ trạng thái khởi đầu sau khi một niệm tưởng ngừng dứt và kéo dài cho tới khi xuất hiện niệm tưởng khác.

“Tự nhiên” có nghĩa là bạn đặt tâm bạn trên các đối tượng khác nhau xuất hiện trước sáu thức, không lấy những đối tượng này và bỏ những đối tượng khác.

“Không giả tạo” có nghĩa là cái gì ló rạng trong tâm tự-chói sáng của bạn phải được duy trì mà bạn không tạo nên bất kỳ biến đổi nào. Điều này được dạy trong bản văn được gọi là Bảy Cách Thức An Trụ Tâm. Hãy học tập để nhận diện tâm thức không giả tạo, và giữ tâm bạn trong một trạng thái không tạo tác. Nhờ hiểu rõ rằng những khoảnh khắc (niệm) trước và sau của tâm là một, sức tập trung (định) của bạn sẽ được kích động như một ngọn lửa. Trạng thái tập trung mãnh liệt này sẽ phát sinh một kết quả gồm các phẩm tính tốt đẹp, vô hạn như không gian.

Tất cả bảy phương pháp làm kiên cố tâm này có thể bao gồm trong phương pháp thứ nhất: duy trì sự thực hành mà không xem bất cứ cái gì là tâm (cũng được gọi là thiền định thoát khỏi sự dấn thân của tâm). Đức Jigten Sumgön nói:

Đừng bị tổn hại bởi nỗ lực của thiện niệm, đừng theo đuổi ác niệm, và đừng đi tới sự trung tính – hãy an trụ tâm bạn trong sự thiền định, thoát khỏi sự dấn thân của tâm.

‘Bị tổn hại bởi nỗ lực của thiện niệm’ có nghĩa là để cho sự thiền định của bạn bị hư hỏng bởi nỗ lực hình thành một khái niệm, giống như “Như Thị là Tánh Không; Như Thị là sự vô ngã.” Đức Phật nói trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa:

Một Bồ tát nghĩ tưởng ‘uẩn này là trống không’ bị bận rộn trong việc định danh có tính chất khái niệm, và như thế không tin vào trạng thái an trụ không tạo tác.

‘Theo đuổi ác niệm’ có nghĩa là do các điều kiện (duyên) bất lợi, tư tưởng của ta hướng ra các ngoại vật. Trong Pramanavarttika (Thích Lượng Luận) viết:

Nếu ta quan niệm về ‘ta’ thì ta cũng phải quan niệm về ‘người.’ Sự tham muốn và thù ghét xuất hiện như một kết quả của hai khái niệm này – về ta và người. Kết quả của các mối tương quan được các cảm thọ tham muốn và thù ghét kèm theo là mọi lỗi lầm được phát sinh. Cần hiểu rõ rằng gốc rễ của mọi lỗi lầm ấy là quan điểm này thấy sự kết tập nhất thời được gọi là tôi và của tôi có một hiện hữu nội tại và bẩm sinh.

‘Đi tới sự trung tính’ có nghĩa là thấy các lỗi lầm trong niệm tưởng và thấy các phẩm tính tốt đẹp trong vô niệm; cả hai điều này cần tránh. Đừng cho phép tâm bạn trụ trên những tính chất của các đối tượng. Hãy an trụ tâm bạn trong sự kiên cố thiền định thoát khỏi sự dấn thân của tâm.

Trong tác phẩm bàn về Mahamudra, ý nghĩa của ‘thiền định thoát khỏi sự dấn thân của tâm’ được Tilopa chỉ rõ trong phần tổng luận của ngài:

Khi sự bám luyến khởi lên, tịnh quang của tâm căn bản bị che chướng và không được nhận ra.

Giữ những cam kết một cách khái niệm là bỏ rơi thật nghĩa của chúng.

Sự sinh ra và chết đi của ta giống như những con sóng trên đại dương.

Người nắm chắc thật nghĩa của sự không-chấp thủ sẽ giữ được những cam kết.

Sự chứng ngộ thật nghĩa – Mahamudra – là ánh sáng chiếu rọi bóng tối.

Người thoát khỏi mọi bám chấp không bị đưa tới những cực đoan; một người như thế thấu suốt những luận văn.

Người theo đuổi thật nghĩa này sẽ được giải thoát khỏi ngục tù luân hồi sinh tử.

Hãy củng cố tâm bạn trong ý nghĩa này; mọi tội lỗi và che chướng sẽ bị thiêu hủy.

Đây là Ngọn đèn của các Giáo lý.

‘Thiền định thoát khỏi sự dấn thân của tâm’ có nghĩa là làm kiên cố tâm trên Mahamudra. Mahamudra là thật nghĩa của thực tại và là cách thức an trụ tối hậu của các hiện tượng.

ii. Nhận diện về cách thức hiện hữu của các hiện tượng

Sự nhận diện về cách thức hiện hữu của các hiện tượng có hai phần, nhận diện về quân bình thiền định như sự an định và nhận diện về sự tự-tỉnh giác như Mahamudra.

a) Nhận diện về quân bình thiền định như sự an định

Trước tiên, hãy thiền định không có các khái niệm về quá khứ, hiện tại, và tương lai. Khi đã hoàn toàn điều phục mọi khái niệm về sự vật và danh xưng, hãy ở trong trạng thái này: nhất tâm, vô niệm, không bị vấy bẩn bởi bất kỳ cách thức nào trong ba cách – xao lãng (uể oải), trạo cử, và hôn trầm. Trạng thái này được gọi là ‘sự an định’ hay ‘quân bình thiền định.’

Đức Vinh Quang Shawari nói về trạng thái này:

Vị đại lạc bẩm sinh bất nhị

Giống như vị của nước hòa trộn với nước.

An trụ trong chân tánh như nó là –

Điều này được gọi là hoàn toàn điều phục tâm

Bám chấp vào các đối tượng.

An định là căn bản cho sự phát sinh mọi phẩm tính tốt đẹp. Như Đức Phật đã nói:

Nếu không thể giữ tâm nhất-tâm và quân bình,

Ta không có trí tuệ thuần tịnh cao quý,

Và không thể loại trừ các ô nhiễm.

Không thể chứng ngộ Giáo Pháp của Đức Phật bằng các con đường khác. Nếu ta đạt được trí tuệ vĩ đại của sự an định, thì ta chắc chắn sẽ được giải thoát. Hơn nữa, ngài Tịch Thiên nói trong Hành Bồ tát Hạnh:

Nội quán đặc biệt được hợp nhất với sự an định mạnh mẽ sẽ hoàn toàn tiêu hủy các phiền não. Hãy tự mình thấu suốt điều này. Trước tiên, hãy trở nên thiện xảo trong sự an định; bạn có thể làm điều này nếu bạn không bị trói buộc vào các công việc thế tục và có một tâm thức hoan hỷ.

b) Nhận diện về sự tự tỉnh giác như Mahamudra

Mahamudra cũng được gọi là ‘nội quán thuần tịnh vô niệm.’ Đức Phật nói:

Này Nam tử của Dòng tộc Cao quý, một Bồ tát đã đạt được sự kiên cố thiền định không hài lòng với sự an định đơn thuần này và với mùi vị đơn thuần của sự kiên cố thiền định. Khi an trụ trong sự kiên cố thiền định đó, ngài tính đếm các hiện tượng của Đại thừa, phân tích các đối tượng của nhận thức, và tự truy cứu các giáo lý Đại thừa. Niệm tưởng tính đếm, phân tích, và truy cứu các hiện tượng, đối tượng, và giáo lý như thế sẽ hoàn toàn phát sinh nội quán đặc biệt.

CÁC GIÁO HUẤN TINH TÚY

Khi đã phát sinh sự quân bình thiền định trong sáng của sự an định, và trong khi an trụ trong trạng thái đó, hãy truy tầm chân tánh của tâm an định đó, sử dụng ngay tâm thức an định. Hãy truy tầm sâu xa, nghĩ tưởng: “Nó hiện hữu hay không hiện hữu? Nó có màu sắc hay không?”

Nếu bạn nghĩ rằng nó hiện hữu, thì hãy truy cứu sâu xa, nghĩ tưởng: “Trước hết nó được phát sinh ra sao? Nó từ đâu đến? An trụ ở đâu? Nó sẽ chấm dứt ở đâu?” Nếu bạn nghĩ rằng nó không hiện hữu thì hãy truy cứu và nghĩ: “Ai nghĩ nó không hiện hữu? Ai gán cho ‘không hiện hữu’?” Nếu bạn nghĩ chân tánh vượt lên sự hiện hữu và không hiện hữu, thì hãy truy cứu cách thức nó vượt lên chúng. Nhờ thực hành theo cách này, bạn có thể đi tới nền tảng của tâm – Mahamudra.

Đức Jigten Sumgön nói: “Khi ta thấy là tâm di chuyển từ vật này sang vật khác, cái – không thấy bất kỳ điều gì – đó là cái thấy.” Từ vô thủy, tâm ta thoát khỏi mọi thái cực của sự hiện hữu và không hiện hữu, là và không-là, tốt và xấu, sự thường hằng và hủy diệt, và v.v.. Chân tánh của tâm hành giả không thể được mô tả trong bất kỳ phương cách nào. Sự chứng ngộ chân tánh đó của tâm được gọi là Mahamudra hay ‘trí tuệ của sự tự-tỉnh giác.’ Trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, Đức Phật nói:

Ví dụ như, chúng sinh sẽ nói: ‘Tôi thấy bầu trời’; tuy nhiên, nếu ta truy cứu thì sẽ khó giải thích nhìn thấy bầu trời có ý nghĩa là gì. Các Đức Như Lai giảng rằng điều này tương tự với sự tri giác về các hiện tượng; thấy như vậy không thể minh họa bằng cái gì khác.

Ngài Tilopa nói:

Ví dụ như, ta thường nghe nói rằng bầu trời thì trống không, nhưng nói: “nó giống thế này” hoặc “nó giống thế kia” thì không phải là cách để mô tả bầu trời. Tương tự như thế, mặc dù tâm ta được nói là chói ngời, nhưng không có cơ sở để mô tả nó – không có cơ sở để nói “tâm được kiến lập trong một cách thức như vậy như vậy.” Từ vô thủy, bản tánh của tâm thì giống như không gian. Không có hiện tượng nào là không được bao gồm trong bản tánh như-không gian đó, bản tánh đó là Mahamudra. Mọi hiện tượng không loại trừ điều gì đều được bao gồm trong tâm.

Một sự chứng ngộ như thế – sự chứng ngộ rằng từ vô thủy, tâm bạn không có sự sinh, trụ và diệt – được gọi là “tâm bình thường,” “Thân Tự Tánh,” và “trí tuệ tự-phát sinh sẵn đủ cao quý.” Đức Gampopa nói: “Tôi hộ trì tâm bình thường này.” Thực thể này (tâm bình thường) là sự kiên cố thiền định của con đường Thấy của Đại Thừa.

Từ quan điểm này, tất cả các thức của bạn, chúng phân tán tới vô số đối tượng, thì không khác biệt với tâm căn bản của bạn; đúng hơn, những tâm thức khác nhau và tâm căn bản của bạn được coi là một. Điều này phải được thấu suốt.

Đức Gampopa cũng nói:

Tâm là Pháp Thân bẩm sinh;

Sắc tướng là ánh sáng của Pháp Thân bẩm sinh.

Vì thế, sắc tướng và tâm được hợp nhất bất khả phân.

Đạo sư Toktsepa nói:

Tâm bình thường được đánh thức trong trung tâm tim.

Nếu sáu thức thanh tịnh, thì đại lạc sẽ không ngừng dứt.

Mọi hoạt động của thân, ngữ và tâm thì không có mục đích;

Chúng không có ý nghĩa gì ngoại trừ là nguyên nhân của đau khổ.

Hãy an trú trong trạng thái tự nhiên không nỗ lực thiền định.

Đức Jigten Sumgön nhận diện cái thấy, sự thiền định, và hành động (kiến, thiền, hành) trong cách thức này:

Cái thấy là sự chứng ngộ không sai lầm ý nghĩa của tâm. Thiền định là sự gìn giữ cái thấy trên đó – cái thấy đúng đắn có sự thấu suốt đi kèm theo  không có sự phóng tâm.

Thiện hạnh là hành động phù hợp với thiền định này. Đối với mọi hiện tượng – trong luân hồi sinh tử và Niết bàn – điều chắc chắn là trừ phi các nguyên nhân và điều kiện thích đáng hiện hữu, các hiện tượng sẽ không xuất hiện.

Các hiện tượng chỉ đơn thuần là những duyên-sinh. Các duyên-sinh chỉ tồn tại nhất thời. Những chốc lát trong sự tồn tại của chúng cũng là những duyên-sinh; chúng trống không. Trống không, chúng là Pháp Thân, là quả.

Sáu đối tượng của tâm thức xuất hiện một cách nhị nguyên như luân hồi sinh tử và Niết bàn. Chủ thể và đối tượng không hiện hữu tách biệt, như là hai. Giả sử bạn đang chăm chú nhìn vật gì đó, một cây cột hay một cái bình ở trước mắt bạn; tâm không thực sự đi theo đối tượng. Đối tượng chỉ xuất hiện nhờ một sự kết hợp của những duyên-sinh; tất cả chỉ là thế. Cuối cùng, đối với bất kỳ hiện tượng nào, không có sự kiến lập như chủ thể và đối tượng. Từ vô thủy, sắc tướng và tâm (đối tượng và chủ thể) tồn tại như một sự hợp nhất tự-giải thoát. Như có nói trong Kinh Định Vương:

Hãy nhìn mặt trăng mọc trong bầu trời trong trẻo:

Ánh phản chiếu của nó hiện ra trong một hồ nước trong,

Nhưng tự mặt trăng thì không ở trong nước.

Hãy hiểu rõ mọi hiện tượng theo cách này.

Ngài Nāropa nói:

Bản tánh của sắc tướng thì không có sự tạo tác;

Và bản tánh của luân hồi sinh tử không có nền tảng.

Bản tánh của tâm là sự hợp nhất của sắc tướng và tánh Không.

Bạn phải hiểu rõ rằng sắc tướng và tâm chỉ là một sự hợp nhất; và bạn phải hiểu rằng niệm tưởng tự nó là tâm căn bản. Ngài Saraha nói:

Bất kỳ những tạo tác nào xuất hiện từ tâm,

Chúng là bản tánh của Pháp Thân.

Nước và sóng có khác biệt nhau?

Không, chúng đồng nhất như bầu trời.

Đức Jigten Sumgön nói:

Pháp Thân, là quả tối hậu,

Không là gì khác hơn các phiền não.

Trí tuệ và vô minh không là hai, mà là một.

Vô minh là đại trí tuệ.

Ngài cũng nói:

Các tạo vật không có sự tạo tác, như không gian.

Những phi-tạo vật không có sự tạo tác, như không gian.

Pháp Thân không có sự tạo tác, giống như không gian.

Sự thực hành được duy trì nhờ chính sắc tướng (sự xuất hiện), bằng cách không chấp nhận cũng không phủ nhận những gì xuất hiện. Bất kỳ điều gì xuất hiện, bất kỳ điều gì bạn nhìn thấy, tự thân nó thì trống không; tánh Không không là cái gì ngoài các hiện tượng thông thường xuất hiện trước bạn. Đây là những giáo huấn tinh túy.

THỰC HÀNH PHÙ HỢP VỚI CÁC GIÁO HUẤN TINH TÚY

Nếu bạn thực hành phù hợp với các giáo huấn tinh túy, sự hợp nhất của duyên-sinh và tánh Không ló rạng như nguyên nhân và kết quả. Như thế, tánh Không ló rạng như nhân và quả. Vì vậy bạn phải tu hành trong cách hành xử đặc biệt của các đấng Siêu việt, là những đạo đức (giới luật) quý báu.

Hơn nữa, trong hệ thống các giáo lý này, cái thấy bao gồm sự thấu suốt, thiền định thoát khỏi sự tạo tác trong tâm thức, và hành động thoát khỏi sự lấy và bỏ. Đức Jigten Sumgön nói:

Đạo sư quý báu (Đức Phagmo Drupa) hiểu rõ rằng mọi chúng sinh lang thang trong luân hồi sinh tử là bởi họ chấp giữ một cái thấy rằng các uẩn thì hiện hữu nội tại – một cái thấy sai lạc do bởi những tạo tác trong tâm. Vì vậy, Đạo sư đã giảng dạy cái thấy thoát khỏi sự tạo tác; ngài dạy sự thiền định về cái thấy đó không có sự phóng tâm; và ngài dạy sự thực hành các giới luật của Đức Phật. Ba thứ này – cái thấy thuần tịnh, sự thiền định thuần tịnh, và sự thực hành thuần tịnh – là cốt tủy siêu việt của giáo lý Đức Phật.

Ngày nay cốt tủy siêu việt này không nở rộ ngoại trừ trong các giáo lý của Đạo sư quý báu. Ta đã suy tưởng sâu xa về việc làm thế nào giáo lý này phải được truyền bá, và như kết quả của ước muốn sâu xa của ta, ta đã thọ lãnh mọi giáo lý từ ngài Phagmo Drupa. Như thế ta đã hiểu rằng giáo lý của Đạo sư tuyệt hảo có thể tiếp tục không đứt đoạn.

Khi dấn mình vào sự thực hành thuần tịnh về các giới luật, ta chớ tuân phục tội lỗi và đừng chối bỏ giới đức; theo phương cách này ta sẽ có con mắt thấu suốt nhân quả. Khi thực hành sự chấp nhận và từ bỏ đúng đắn, ta sẽ đạt được kết quả ngay trong đời này. Đức Tôn quý Jigten Sumgön nói:

Mahamudra chỉ đơn giản là sự tự-tỉnh giác này. Duy trì thực hành này không chút phóng tâm là sự nuôi dưỡng Pháp Thân nền tảng. Cái tạo nên sự nâng cấp của Mahamudra là lòng sùng mộ Đạo sư tuyệt hảo. Thấu suốt mọi sắc tướng là Pháp Thân là thấu suốt Mahamudra. Chứng ngộ sự khái niệm hóa là Pháp Thân là chứng ngộ Mahamudra. Hạnh phúc phát sinh trong luân hồi sinh tử và vượt khỏi nó là phẩm tính của Mahamudra. Làm lợi lạc cho chúng sinh bằng Bốn Thân là hoạt động của Mahamudra.

Nhờ thực hành Mahamudra, bốn thân, tám dấu hiệu, tám thành tựu thông thường và v.v.. sẽ được thành tựu. Việc ta đạt được kết quả như thế thì tùy thuộc vào sự đồng thời tụ hội những nguyên nhân và điều kiện (duyên) cần thiết. Đó là bởi vì, như Đức Phật đã nói: “Mọi hiện tượng theo sau các nguyên nhân, tùy thuộc vào các điều kiện, và phụ thuộc vào nguyện ước của ta.”

Xem mục lục