Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

Kính Lễ Chư Đạo Sư

Bậc Sư Yoga, Jetsun Milarepa, vâng lệnh Đạo Sư của ông đến Núi Tuyết Yolmo và trú trong Động Con Cọp ở Senge Tson (1) trong rừng Singalin. Nữ thần địa phương Yolmo xuất hiện trong hình tướng dịu hiền, vâng lệnh của Jetsun và phục vục ông hết sức tốt. Milarepa ở lại đó một thời gian trong tâm thái phấn khởi sâu xa.

Một hôm, có năm ni cô trẻ từ Mon đến viếng ông. Họ nói với ông như vầy: “Người ta nói rằng chỗ này đầy khủng bố, và là một nơi lý tưởng để đạt tiến bộ lớn trong thiền định. Có thực không? Ngài có thấy vậy không?” Lúc ấy Milarepa hát để ca tụng chỗ này:

Đảnh lễ Thầy, Đạo Sư của con!

Con được gặp Thầy qua nhiều công đức tích lũy,

Và giờ đây con ở chỗ này như Thầy đã tiên tri. (2)

Đây là chỗ thích thú, chỗ của đồi, rừng,

Trên những cánh đồng cỏ núi, hoa nở, Trong rừng, cây đong đưa nhảy múa!

Ấy là sân chơi cho khỉ.

Chim hót đầy giọng điệu,

Ong bay lượn vù vù,

Từ ngày đến đêm cầu vồng đến và đi.

Mùa hè mùa đông mưa dịu dàng rơi,

Mùa thu mùa xuân, hơi nước và sương mù cuồn cuộn.

Ở một nơi thích thú như vầy, trong cô tịch,

Ta, Milarepa, an lạc trú chỗ này,

Thiền định về Tâm chân không tịch chiếu.

Ôi, an lạc là vạn hiện tướng!

Càng thăng trầm, ta càng cảm thấy vui.

An lạc là thân không có Nghiệp tội lỗi,

Thực an lạc là vô vàn bối rối!

Càng sợ hãi, ta thấy càng an lạc. (3)

Ô, an lạc là cảm xúc và phiền não chết!

Lo âu và phiền não càng nhiều,

Người ta càng có thể hân hoan, vui vẻ!

An lạc làm sao không cảm thấy đau hay bệnh;

An lạc làm sao cảm thấy rằng vui và khổ là một;

An lạc làm sao chơi trong chuyển động của thân

Bằng năng lực do Yoga khơi dậy.

Nhảy và chạy, múa và nhảy, và còn vui hơn nữa.

An lạc làm sao hát bài ca chiến thắng,

An lạc làm sao ca vịnh và ngâm nga,

Càng vui hơn là còn nói chuyện và cao ca!

An lạc là tâm, đầy năng lực và tin tưởng,

Miệt mài trong Pháp giới.

An lạc tột cùng

Là tự phát của tự lực;

An lạc là vạn hình tướng, vạn tiết lộ.

Như món quà chào mừng cho các đệ tử trung thành của ta,

Ta hát về niềm an lạc của yoga.

Ngay sau đó, Milarepa đã điểm đạo cho năm ni cô trẻ mới tu và ban cho họ những chỉ dạy bằng miệng. Sau khi tu tập những lời chỉ dạy này một thời gian, ánh sáng Nội tri đã phát sinh bên trong họ. Milarepa quá vui và hát “Cam Lồ của Lời Chỉ Dạy”:

Ôi, Đạo Sư của con, Người chỉ cho

Con đường không nhầm lẫn đưa đến Giải Thoát,

Vị Cứu Tinh Hoàn Hảo, Bậc Đại Bi,

Xin Người không bao giờ rời bỏ con, ở lại mãi

Trên đầu con (4) như ngọc ở đỉnh đầu!

Hãy nghe, hỡi những người theo Pháp,

Các cô, những thiền giả ngồi đây.

Dù lời Phật dạy là nhiều nhất,

Kẻ nào có thể tu tập Đạo Sâu Xa này (5)

Quả thực có tài!

Nếu muốn thành Phật trong một đời thôi,

Các cô không nên ham sự vật của đời này,

Cũng đừng nên tăng thêm lòng tự muốn.

Hoặc sẽ bị mắc kẹt giữa thiện và ác,

Và có thể rơi vào cảnh khốn cùng.

Khi các cô phục vụ Đạo Sư,

Chớ suy nghĩ, “Ta là người làm việc,

Ông ấy là kẻ hưởng thụ.”

Nếu các cô có loại cảm nghĩ này,

Cãi cọ, bất hòa chắc chắn sẽ theo sau,

Và ước mơ của các cô sẽ không bao giờ hiện thực.

Khi giữ các Giới Luật Mật Giáo,

Hãy ngừng cấu kết với những cái xấu,

Hoặc sẽ bị ảnh hưởng xấu tiêm nhiễm,

Và các cô có thể liều phá đi Giới Luật.

Khi dấn mình vào học và nghiên cứu,

Chớ kiêu hãnh tự buộc mình vào lời nói,

Hoặc lửa Năm Độc Ô Nhiễm đang mơ màng (6)

sẽ bùng cháy,

Những suy nghĩ và hành vi đạo đức sẽ tiêu tan.

Khi thiền định với bạn trong an cư,

Đừng cố thử quá nhiều các thứ,

Hoặc các hành vi đức hạnh sẽ ngừng,

Lòng sùng mộ của các cô sẽ bị phân tán.

Khi tu tập theo Con Đường Hữu Tướng (7) của

Truyền Thừa Rỉ Tai, (8)

Chớ đuổi quỉ, cũng đừng rủa ma cho kẻ khác,

E rằng quỉ trong tâm các cô sẽ nổi dậy

Và ước mơ các mục tiêu thế gian sẽ bùng cháy.

Khi các cô đã được Kinh Nghiệm và Chứng Ngộ, (9)

Đừng phô bày diệu lực hay tiên tri,

E rằng mật ngữ mật ấn sẽ vuột đi

Công đức và nội kiến tâm linh sẽ giảm.

Hãy coi chừng những hầm hố này và hãy tránh chúng.

Chớ cấu kết với những hành vi xấu.

Đừng ăn những thức ăn lừa dối.

Chớ mang gánh nặng của thây ma. (10)

Chớ nói lời ngọt để làm hài lòng kẻ khác.

Hãy khiêm cung, và các cô sẽ tìm thấy lối đi.

Rồi các ni cô hỏi Milarepa làm cách nào họ có thể tìm được lối đi riêng cho họ, xin ông chỉ dạy thêm. Để đáp lại, ông hát:

Con kính lễ Đạo Sư của con, bậc ân từ

Xin Người che chở con với những làn sóng ân huệ.

Xin hãy giúp con, người khất sĩ, an lạc thiền định.

Mặc dù các cô, con của thế hệ mới

Trú nơi thị thành nơi bị Nghiệp lừa dối phá hoại,

Chiếc mắt xích của Pháp vẫn còn.

Bởi vì các cô đã nghe lời Phật dạy

Bây giờ các cô đến với ta, Và như thế tránh đi lạc lối.

Bằng cách liên tục tu tập Tích Tũy Công Đức, (11)

Các cô sẽ nuôi dưỡng năng lực cho sùng mộ.

Rồi các làn sóng ân từ sẽ nhập vào các cô,

Khi Chứng Ngộ tương ứng và thực tế sẽ phát sinh. (12)

Nhưng ngay cả khi các cô làm như thế, nó sẽ giúp ích

nhưng chẳng bao nhiêu

Nếu các cô không thể đạt được sự làm chủ đầy đủ.

Vì thương xót, bây giờ ta cho các cô lời chỉ dạy này.

Hãy nghe kỹ, hỡi những người bạn trẻ!

Khi các cô ở nơi cô tịch,

Chớ nghĩ đến những vui chơi nơi thành thị,

Hoặc là cái xấu sẽ nổi lên trong tâm;

Hãy quay vào tâm mình,

Và các cô sẽ tìm thấy lối đi.

Khi thiền định với kiên trì và quyết tâm,

Nên nghĩ đến những cái xấu trong Sinh Tử

Và sự bất định của cái chết.

Hãy tránh sự thèm khát khoái lạc thế gian;

Rồi can đảm và kiên nhẫn sẽ sinh ra nơi các cô.

Và các cô sẽ tìm thấy lối đi.

Khi các cô khẩn khoản xin những lời dạy thâm sâu

của dòng Tu Tập,

Đừng ước mong học, cũng đừng trở thành học giả,

Hoặc những hành động và ham muốn thế gian sẽ ngự trị;

Rồi chính đời này sẽ bị vất đi.

Hãy khiêm cung, khiêm tốn,

Và các cô sẽ tìm thấy lối đi.

Khi nhiều kinh nghiệm khác nhau đến với các cô

trong thiền định.

Đừng kiêu hãnh cũng đừng lo nói với ai,

Hoặc các cô sẽ quấy rầy các Nữ Thần và các Mẹ. (13)

Hãy thiền định không phân tán,

Và các cô sẽ tìm thấy lối đi.

Khi các cô tháp tùng Đạo Sư,

Đừng xem ông công đức hay không công đức,

Hoặc các cô sẽ thấy lỗi lầm như núi.

Chỉ với lòng tin và sự trung thành

Các cô sẽ tìm thấy lối đi.

Khi tham dự các thánh hội

Với huynh muội trong Pháp,

Đừng nghĩ đến đứng ở đầu hàng,

Hoặc các cô sẽ dấy lên cả ghét và ham muốn,

Và nghịch lại với các điều Giới Luật.

Hãy tự điều chỉnh mình, và hiểu lẫn nhau,

Và các cô sẽ tìm thấy lối đi.

Khi xin của bố thí trong làng xóm,

Đừng dùng Pháp để lừa người hay bóc lột,

Hoặc các cô sẽ tự ép mình đi xuống Nẻo thấp hơn.

Hãy lương thiện và thành thật,

Và các cô sẽ tìm thấy lối đi.

Bất cứ lúc nào và ở nơi đâu, trước hết hãy nhớ,

Chớ bao giờ quá tưởng tượng, cũng đừng tự kiêu,

Hoặc các cô sẽ phải chịu đựng quá nhiều vì tự ái,

Và chất chứa quá nhiều đạo đức giả.

Nếu buông bỏ lừa gạt và giả vờ,

Các cô sẽ tìm thấy lối đi.

Người đã tìm thấy lối đi

Có thể truyền những lời dạy ân huệ cho người khác;

Như vậy là tự giúp mình, cũng là giúp kẻ khác.

Bấy giờ, cho là ý nghĩ duy nhất

Còn lại trong trái tim y.

Tất cả các đệ tử rất phấn khởi với quyết tâm tu tập chuyên cần và từ bỏ thế gian. Niềm tin không thay đổi đối với Jetsun đã được thiết định nơi họ. Họ nói, “Chúng con muốn cúng dường thầy một Mạn-đà-la (14) bằng vàng. Mong thầy nhận cho, và hãy ban cho chúng con lời dạy thực hành về Thấy, Tu, và Hành.”

Milarepa đáp, “Ta không cần vàng; các con có thể dùng nó để duy trì sự thiền định của các con. Về lời dạy “Thấy, Tu, và Hành,” ta sẽ nói với các con. Mong các con nghe bài hát của ta.”:

Ô, Đạo Sư của con! Tấm Gương của Thấy, Tu, và Hành,

Xin gia trì con bằng ân huệ của Người, và khiến con có thể Thâm nhập trong cõi Tự Tánh!

Về Thấy, Tu, Hành, và Thành Tựu

Có ba Điểm Trọng yếu các con nên biết:

Tất cả hiện tướng, chính Vũ trụ, chứa trong tâm;

Bản tánh của Tâm là cõi quang minh

Không thể nghĩ bàn cũng không xúc chạm được.

Đây là những Điểm trọng yếu của Thấy.

Những ý nghĩ sai lầm được giải thoát trong Pháp Thân;

Tỉnh giác, quang minh, thì luôn luôn an lạc;

Hãy thiền định theo cách vô vi, không gắng sức.

Đây là những Điểm Trọng Yếu của Tu.

Trong hành động của tính bản nhiên

Mười Đức Hạnh tự động tăng trưởng;

Tất cả Mười Ác Hạnh như vậy đều được tịnh.

Do sửa sai hay do chữa trị

Tánh Không Quang Minh không bao giờ bị quấy nhiễu. (15)

Đây là những Điểm Trọng Yếu của Hành.

Không có Niết Bàn bên kia để đạt;

Không có luân hồi bên này để khước từ;

Thực biết Tự Tâm

Ấy chính là Phật.

Đây là những điểm trọng yếu của Thành Tựu.

Bên trong hãy giảm Ba Điểm trọng yếu thành Một.

Một này là Tánh Không của Hiện Thể

Chỉ có Đạo Sư kỳ diệu

Có thể minh họa rõ ràng.

Nhọc công nhiều vô ích;

Nếu ai thấy Trí Đồng Thời Sinh, (16)

Y đạt được mục đích.

Với tất cả những người tu tập Pháp Lời dạy này là một viên ngọc quí;

Là kinh nghiệm trực tiếp của ta từ thiền định yoga.

Hãy suy nghĩ cẩn thận và ghi nhớ trong tâm,

Ô, các con và đệ tử của ta.

Rồi các đệ tử hỏi Milarepa, “Như chúng con hiểu, sự hướng dẫn không thể sai lầm theo Con Đường Tu Tập là khẩn nguyện Đạo Sư với lòng rất nhiệt thành. Ngoài ra còn gì khác không?” Milarepa mỉm cười và trả lời, “Cái Cây Hướng Dẫn cũng có nhiều cành.”

Để giải thích điều này, ông hát:

Đạo Sư, đệ tử, và lời dạy bí mật;

Nhẫn nhục, kiên trì, và niềm tin;

Trí Tuệ, bi tâm, và nhân tướng;

Tất cả những cái này bao giờ cũng là người

hướng dẫn trên Đường.

Cô tịch không ồn náo và khuấy động

Là người dẫn đạo bảo vệ thiền định.

Đạo Sư thành tựu, Jetsun,

Là dẫn đạo xua tan vô minh và u tối.

Niềm tin không ưu sầu và chán ngán

Là người dẫn đạo đưa các con yên lành đến an lạc.

Cảm giác của năm giác quan

Là người dẫn đạo đưa các con đến tự do với “tiếp xúc.” (17)

Lời dạy bằng miệng của Đạo Sư Truyền Thừa

Là người dẫn đạo minh họa Ba Thân của Phật.

Những bậc bảo hộ, Tam Bảo,

Là những người dẫn đạo không lầm.

Được sáu người này dẫn đạo

Người ta sẽ đạt đến cảnh giới an lạc của Yoga –

Ở trong cảnh giới Không Phân Biệt

Tất cả quan điểm và hý luận (18) không còn.

Ở lại trong cảnh giới tự tri và tự giải thoát

Thì thật là an lạc và vui;

Trong thung lũng không người ở

Với niềm tin và tri kiến, người ta sống theo cách riêng.

Với giọng sấm vang rền,

Y hát khúc ca Yoga an lạc.

Rơi trong Mười Phương là cơn mưa danh vọng;

Sinh ra để đơm bông là hoa và lá Bi Tâm.

Sự nghiệp Bồ-đề ôm trùm Vũ trụ;

Trái tinh khiết của Tâm Bồ-đề như thế thành toàn hảo.

Các đệ tử nghĩ, “Bây giờ dù Jetsun ở đâu cũng không có gì khác. Chúng ta sẽ mời ông ấy đến làng chúng ta. Vì thế, họ nói với Milarepa, “Tôn giả, vì tâm ngài không còn thay đổi nữa, ngài không cần tu tập thiền định nữa. Vì thế, vì chúng sinh, xin ngài vui lòng đến làng chúng con giảng Pháp cho chúng con.” Milarepa đáp, “Tu tập thiền định trong cô tịch, tự nó, là một phục vụ cho người. Mặc dù tâm ta không còn thay đổi nữa, ở nơi cô tịch vẫn là một truyền thống tốt đối với một đại hành giả yoga.” Rồi ông hát:

Qua tu tập [thiền định], con tỏ lòng biết ơn với

Đạo Sư của con.

Xin gia trì cho con ân huệ của Người, khiến con thuần thục

và giải thoát cho con.

Các con, những đệ tử tài năng, những người theo Pháp,

Hãy chú ý kỹ và toàn tâm chú ý

Khi ta hát về Chỉ Dạy Thiết Yếu sâu xa.

Con sư tử cái to lớn trong núi tuyết trên cao

Với tư thế kiêu hãnh trên đỉnh núi;

Nó không sợ hãi –

Kiêu hãnh ở trên núi

Là cách của sư tử tuyết.

Nữ hoàng linh thứu trên Đá Đỏ

Xòe cánh ra giữa bầu trời rộng;

Nó không sợ rơi –

Bay xuyên bầu trời là cách của con linh thứu.

Dưới sâu đại dương

Nữ hoàng loài cá phóng nhanh, lấp lánh;

Nó không sợ

Bơi lội là cách của cá.

Trên cành những cây sồi;

Những con khỉ nhanh nhẹn đánh đu và nhảy;

Chúng không sợ rơi –

Cách của khỉ hoang là như vậy.

Dưới tàng lá của rừng cây rậm rạp,

Con cọp vằn lui tới và chạy nhanh,

Không phải vì sợ hay lo âu –

Đây cho thấy là nó kiêu hãnh,

Và là cách của con cọp hùng mạnh.

Trong rừng trên Núi Singa,

Ta, Milarepa, thiền định về Tánh Không,

Không phải vì sợ mất đi hiểu biết –

Thiền định không ngừng là cách của hành giả yoga.

Không phân tán, hành giả yoga thiền định thâm nhập Vào Mạn-đà-la Pháp Giới thanh tịnh,

Không phải vì y sợ lạc đường –

Nhưng bám vào Tự Tánh Tự Ngã là cách của

hành giả yoga.

Khi làm việc với các Kênh, Khí và Giọt Tinh Chất (19)

Hành giả yoga tránh chướng ngại và các lỗi,

Không phải vì trong lời dạy có lỗi –

Mà đó là cách tốt để cải thiện chân Chứng Ngộ.

Với hành xử tự nhiên và tự phát

Chắc chắn sẽ gặp vô số thăng trầm, (20)

Không phải vì phân biệt và tư tưởng nhị nguyên –

Mà bởi vì hóa hiện tất cả, là bản tánh của nhân duyên.

Khi hành giả yoga làm cho người khác phát triển

bằng chứng minh Nghiệp lực,

Mặc dù dường như y thấy cả thiện và ác đều thực,

Ấy không phải vì y lạc đường trong tu hành, (21)

Mà bởi vì để giải thích sự thật cho những người khác nhau,

Y phải dùng cách chứng minh thích hợp.

Những đại hành giả yoga đã làm chủ được Tu Tập,

Không bao giờ ham muốn bất cứ thứ gì trong thế gian này.

Ấy không phải vì họ muốn danh vọng mà ở lại trong cô tịch;

Ấy là dấu hiệu tự nhiên phát ra từ tim họ

Tình cảm chân thật của không dính mắc và khước từ.

Những hành giả yoga tu tập lời dạy về Đạo Thâm Sâu,

Luôn luôn ở trong hang và trên núi;

Chẳng phải họ yếm thế hay tự kiêu.

Nhưng tập trung thiền định là tự ý của họ.

Ta, người mặc áo vải, (22) đã hát nhiều ca khúc,

Chẳng phải để tự tiêu khiển bằng cách hát lên hý luận,

Nhưng vì các người, những tín đồ thành tín tụ hội nơi đây,

Từ tim ta, ta đã nói những lời giúp ích, sâu xa.

Lúc ấy các đệ tử nói với Milarepa, “Một người có thể sống một mình trong cô tịch, nhưng cần phải có thức ăn và chỗ trú thích hợp người ấy mới có thể thiền định đúng được.” Jetsun đáp, “Ta có thực phẩm và chỗ trú của ta, ta sẽ minh họa cho các con.”

Con cúi đầu đảnh lễ dưới chân của Đạo Sư như ý.

Xin Người gia trì con với ân huệ của Người

khi ban cho thức ăn lợi ích,

Nguyện khiến cho con nhận thức thân con như là

ngôi nhà của Phật.

Xin gia trì cho con tri thức chắc chắn này.

Vì sợ, ta đã xây nhà, (23)

Ngôi nhà Tánh Không, tánh không của hiện thể;

Giờ đây ta không sợ nó sụp đổ.

Ta, hành giả yoga với ngọc như ý,

Thấy an lạc và vui bất cứ nơi nào ta ở.

Vì sợ lạnh, ta đã tìm quần áo;

Quần áo ta tìm được là Sinh Nhiệt Ah Shea. (24)

Bây giờ ta không sợ lạnh.

Vì sợ nghèo, ta đã tìm giàu sang;

Giàu sang ta tìm được là Bảy Ngọc Thánh vô tận. (25)

Bây giờ ta không sợ nghèo.

Vì sợ đói, ta đã tìm thực phẩm;

Thực phẩm ta tìm được là Định Như Tánh.

Bây giờ ta không sợ đói.

Vì sợ khát, ta đã tìm thức uống;

Thức uống của trời ta tìm được là rượu nhiếp tâm. (26)

Bây giờ ta không sợ khát.

Vì sợ cô đơn, ta đã tìm bạn;

Bạn ta tìm được là an lạc của Tánh Không trường cửu. (27)

Bây giờ ta không sợ cô đơn.

Vì sợ đi sai đường, Ta đã tìm đường đúng để theo.

Con đường rộng ta tìm được là Con Đường

Hai-trong-Một. (28)

Bây giờ ta không sợ lạc đường.

Ta là hành giả yoga với tất cả những sở hữu đáng ước ao,

Một người luôn luôn an lạc ở bất cứ nơi nào y ngụ.

Ở đây, ở Yolmol Tagpu Senge Tson,

Con cọp cái hú lên với tiếng kêu run rẩy, cảm thương,

Nhắc ta nhớ đến những cọp con không được giúp đỡ

đang ngây thơ đùa dỡn.

Ta chỉ có thể thương xót chúng rất nhiều

Ta chỉ có thể cần mẫn tu tập thêm,

Ta chỉ có thể làm Tâm Bồ-đề tăng trưởng như vậy.

Tiếng con khỉ kêu xúc động Rất thâm sâu và rất cảm thương,

Khiến trong ta dâng lên xót thương sâu thẳm.

Tiếng chí chóe của con khỉ nhỏ rất vui và cảm động;

Khi nghe, ta chỉ nghĩ đến với bi tâm.

Giọng của con chim cu rất cảm động,

Tiếng hót ngọt ngào của con sơn ca cũng ngân lên như thế,

Khi nghe nó hót, ta chỉ có thể lắng nghe –

Khi lắng nghe,

Ta chỉ có thể nhỏ lệ.

Những tiếng kêu và tiếng chạo khác nhau của con quạ,

Là người bạn tốt và hữu ích cho hành giả yoga.

Ngay cả không có ai là bạn,

Lưu lại nơi này cũng là lạc thú.

Với niềm vui tuôn ra từ trái tim ta, ta hát bài hát

an lạc này;

Nguyện cho tiếng ca hát hân hoan của ta

Xua tan bóng tối ưu sầu của tất cả mọi người.

Tất cả các đệ tử xúc động sâu xa, và tràn ngập cảm giác nhàm chán luân hồi. Họ thề với Milarepa rằng họ sẽ không bao giờ rời bỏ núi. Về sau, nhờ tu tập thiền định, tất cả những người ấy đều đạt cảnh giới hoàn thiện.

Một hôm, vị Phật Hộ Trì của Milarepa (29) bảo ông rằng đã đến lúc ông phải đi thẳng đến Tây Tạng và hãy ở đó thiền định trong cô tịch để giúp đỡ chúng sinh. Vị Phật giám hộ cũng tiên tri sự thành công của ông trong sự nghiệp cứu giúp người và truyền bá Pháp. Vì vậy, vào khoảng thời gian này, Milarepa quyết định đi Tây Tạng.

Đây là câu chuyện về Núi Tuyết Yolmo.

Chú Thích Chuyện 7

(1) T.T.: sTag.Pug.Sen.Ge.rDson. – Hang Con Cọp ở Chỗ Sư Tử.

(2) Marpa, Đạo Sư của Milarepa, khuyên Milarepa ở lại trong cô tịch trong phần lớn cuộc đời của ông. Marpa cũng đã tiên tri về các chỗ Milarepa nên tu tập thiền định.

(3) Người tu tập Đại Thủ Ấn nên biết rằng, theo quan điểm tối hậu, thì luân hồi là niết bàn, ác là thiện, phiền não là Bồ-đề. Những cảm giác thăng trầm, hay những xúc động tuần hoàn xảy ra trong thiền định, theo nghĩa tối hậu, không khác với Tự Tánh của Tâm. Với hành giả cấp cao, phiền não phát sinh trong tâm càng lớn, sự soi chiếu vào Thực tại càng sáng hơn, sâu hơn, và tốt hơn.

(4) Theo Mật Giáo, vị Đạo Sư còn quan trọng hơn cả Phật. Được Đạo Sư gia trì là điều tối quan trọng. Theo truyền thống Tây Tạng, ngay từ lúc bắt đầu bất cứ một phương pháp tu tập nào, hành giả yoga luôn luôn quán tưởng vị Đạo Sư đang ngồi trên đỉnh đầu mình, và khẩn nguyện với Đạo Sư.

(5) Ở đây Milarepa ám chỉ lời dạy thượng thừa của Mật Giáo.

(6) Năm Độc Ô Nhiễm hay Năm Dục: là ái dục, ghét, mù quáng, kiêu mạn, và ganh tị.

(7) Con Đường Hữu Tướng: Yoga Phát Sinh và Yoga Hoàn Thiện của Mật Giáo. (Xem lời bình của dịch giả ở phần Phụ lục, và Chuyện 5, các Chú thích 18 và 19).

(8) Khẩu Truyền hay Rỉ Tai (T. T.: sNan.brGyud.): (a) Chúng ta được bảo rằng ngày xưa các giáo lý bí mật của Mật Điển (Tantra) được ban cho các đệ tử theo cách bí mật, nghĩa là, bằng cách rỉ tai; (b) từ nay cũng được dùng như là một cái tên khác của trường phái Ghagyuba [Kagyupa], là trường phái của Marpa và Milarepa.

(9) Kinh Nghiệm (Experience) (T.T.: Nams.) và Chứng Ngộ (T.T.: rTogs.): Hai từ này rất khó dịch bằng những từ tiếng Anh tương đương. Nams. là kinh nghiệm và sự hiểu biết không trực tiếp, không đầy đủ, “mập mờ” mà hành giả yoga đạt được trong thiền định; trong khi Chứng Ngộ (Realization) rTogs là kinh nghiệm trực tiếp, đầy đủ, rõ ràng, và hoàn toàn. Từ trước thì tương tự Giác Ngộ trong khi từ sau là chân thực Giác Ngộ. Nams. giống như kinh nghiệm của một người du lịch đến gần một thành phố và thấy thành phố như một toàn thể, nhưng chưa thực sự đến đó; song, anh ta đã có hình ảnh và ấn tượng toàn bộ. Tuy nhiên, Chứng Ngộ (rTogs.) đến khi anh ta ở trong thành phố và biết nó thực sự là gì một cách trực tiếp.

(10) Điều này có nghĩa là, “Đừng sơ xuất mà nhận lấy đồ vật dâng hiến từ  thân nhân của người chết.”

(11) Tích lũy Công Đức (T.T.: Tshogs.bSags.) là một thuật ngữ Phật Giáo thường được dùng và có thể giải thích theo nhiều cách. Thông thường, nó có nghĩa là tất cả những thực hành đạo đức và tinh thần. Đặc biệt, trong Phật Giáo Đại Thừa, nó chỉ năm Độ hay Ba-la-mật đầu tiên của Bồ-tát, tức là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, và thiền định. Xem Chuyện 9, Chú thích 8.

(12) Chứng Ngộ tương ứng và thực tế: Chứng Ngộ phát sinh trong thiền định  luôn luôn theo trình tự: tương tự Chứng Ngộ đến trước; thực tế Chứng Ngộ theo sau.

(13) Mẹ: Ở đây từ này dường như ám chỉ các Thần Mẫu như Tara, Dorje Paumo, Lhamo, và các vị khác.

(14) Mạn-đa-la (Mandala): trong trường hợp này, có nghĩa là dụng cụ Mật Giáo để cúng dường. Nghĩa nguyên thủy của từ “Mandala” là “vòng tròn” hay “trung tâm”; nó là một thiết kế phức tạp của một bức tranh tượng trưng cho thế giới hiện tượng của các vị Phật Mật tông.

(15) “Sửa sai và chữa trị” ở đây ám chỉ tất cả những nỗ lực có ý thức hướng về sự ngăn ngừa hay chữa trị “các việc làm sai,” mà thực tế nó không trái ngược với Tánh Không chiếu diệu, mà đồng nhất với nó. Tịch Chiếu và Tánh Không là hai đặc tính của Tâm, vì thế không cần sửa sai hay chữa trị gì cả.

(16) Trí Đồng Thời Sinh (T.T.: Lhan.Cig.sKyes.Pahi. Ye. Ces.): Khi một người sinh ra thì Phật Trí cùng sinh với y, ám chỉ rằng Phật Tánh là bẩm sinh và hiện hữu trong tất cả thời gian.

(17) “Tiếp xúc”: Tất cả những cảm giác và nhận thức sinh ra do tiếp xúc của thức với đối tượng.

(18) Ở bên kia lời nói trống rỗng hay hý luận, xa lìa những trò chơi chữ, hay xa lìa sự vô nghĩa. Tất cả những ý tưởng, như nhất nguyên luận, nhị nguyên luận, có hay không, hiện hữu hay không hiện hữu, v.v… ‒ tất cả những quan niệm này – đều tương đương với lời nói trống rỗng, trò chơi chữ, vô nghĩa đối với những người đã giác ngộ.

(19) Các Kênh, Khí, và Giọt Tinh Chất (T. T.: rTsa.rLun. [và] Thig.Le.): Con Đường Hữu Tướng của Mật Giáo nhấn mạnh sự tu tập thân xác cũng như tu tập tinh thần. Để xây dựng một điều kiện thích nghi mà sự chứng ngộ Chân Lý Siêu Việt có thể đạt được dễ dàng, Mật Giáo cung cấp những phương pháp luyện tập để thanh tẩy các hệ thống thần kinh, hô hấp, và bài tiết.

(20) “Thăng trầm” hay “lên và xuống” ở đây có nghĩa là những hành động tình cảm chao đảo trong các sinh hoạt hàng ngày.

(21) Đối với những người chưa đạt đến cảnh giới Tương dung Hoàn toàn, hay cái Toàn thể Không Phân Biệt, những hình thái phản đề của hiện thể, phát sinh từ những ý tưởng nhị nguyên, trở thành chướng ngại toàn bộ ngăn chận sự chứng ngộ Pháp giới vô phân biệt. Nó cũng sản sinh ra một niềm tin vào tính bất khả tương ưng của những cái đối nghịch nhau, nghĩa là, của hữu thể và vô thể, hiện hữu và không hiện hữu, v.v… ‒ trong trường hợp này, Tánh Không và các giá trị luân lý. Trong những hình thái nào đó, hành giả yoga chứng ngộ giáo lý Tánh Không sẽ không thấy ngay cả sự hiện hữu của thiện và ác trong tu tập của ông ta.

(22) Áo vải (T.T.: Ras.Pa.): Hành giả yoga có thể phát sinh thân nhiệt qua yoga, như vậy chỉ mặc những tấm vải trong thời tiết lạnh trầm trọng, được gọi là Repa.

(23) Dĩ nhiên, nhà này có tính cách tượng trưng, nhưng Milarepa đã xây nhiều nhà cho sư phụ Marpa trước khi ông được sư phụ chấp nhận.

(24) Ah Shea (T.T.: A.Cad.): Sinh Nhiệt: khí nóng phát sinh trong thiền định Mật Điển (Tantra) [lửa tam-muội]. Xem “The Six Yoga of Naropa” trong “Tibetan Yoga and Secret Doctrines” của W. Y. Wentz. [Cũng xem Du Già Tây Tạng, Giáo Lý và Tu Tập, ND].

(25) Bảy Ngọc Thánh là: vàng, bạc, thủy tinh, hồng ngọc, san hô, mã não, và hồng mã não. Ở đây Millarepa nói đến chúng theo nghĩa bóng.

(26) Ở chỗ này, bản văn Tây Tạng không rõ nghĩa. Dịch giả phỏng đoán là nó ám chỉ sự phân tiết tự nguyện phát ra qua sự tự dẫn khởi, do năng lực yoga của hành giả.

(27) Tánh Không (Śūnyatā) thường hằng.

(28) Con Đường Hai-trong-Một (T.T.: Lam.Zun.hJug.): Ngữ cú này được dùng rất rộng rãi trong Phật Giáo Tây Tạng. Nó có nghĩa là sự hợp nhất của các phản đề, sự kết hợp của các sức mạnh đối nghịch, sự hòa hợp của những dị biệt, và những cái tương tự.

(29) Phật Hộ Trì (T.T.: Yi.Dam): Mọi hành giả yoga của Mật Giáo đều có một vị Phật Hộ Trì [Bổn tôn] đã chọn, là vị hộ trì của hành giả, là chỗ mà hành giả cầu mong và nương tựa.

Xem mục lục