NHÌN VÀO TÂM AN ĐỊNH
Chủ đề chính yếu phần hai là quán chiếu (vipasyana). Con cần ngồi trong tư thế căn bản như trước. Ở điểm này cách thức nhìn là cực kỳ quan trọng. Hai mắt không chớp nháy, dao động qua lại hay thay đổi sự chú mục, mà cần nhắm thẳng đàng trước (hơi cao lên) với sự tập chú mãnh liệt vào không gian trước mặt.
Trong phần tu định, tâm thức đã trở nên trong sáng như một tấm gương. Với quán bạn khảo sát bản tánh của tấm gương này và những hình ảnh trong đó. Cách thức nhìn cũng hơi khác với đối với hai cái này. Trong tu định mắt bạn cần nhìn thẳng, thư giãn và tập chú. Với tu quán cái nhìn mãnh liệt hơn và hơi hướng lên cao. Điều này làm nâng cao và bén nhạy tâm thức. Sự khác biệt thì giống như cánh tay bạn khi để thoải mái và khi gập lại.
Hãy đặt tâm thức con vào một trạng thái an định hoàn hảo, tự nhiên, ở cấp độ của chính nó, không thi thiết giả tạo, không tự ý thức, không lo nghĩ và rồi làm cho tâm thức mạnh mẽ hơn khiến nó trở nên trong sáng, sống động, và chánh niệm của con luôn luôn cảnh giác để cho không có sự lang thang phóng tâm nào.
Bây giờ hãy nhìn cẩn thận kỹ lưỡng vào bản tánh của tâm con khi nó tròn đầy an định. Tự bản chất, tâm có một màu sắc, một hình tướng, một hình dạng gì không ? Nó có một khởi sanh, một dừng diệt, một kéo dài hay không ? Nó ở ngoài, bên trong, hay nó trụ ở đâu ? Ngoài trạng thái an định này, còn có cái thức nào khác tách lìa khỏi nó ? Hoàn toàn không có cái gì khác ngoài cái trống không không thể nhận dạng (như thế này hoặc như thế kia) này ư ? Hay là, trong trạng thái an định này, có cái thức dù không thể định nghĩa nhưng vẫn là một sự sống động, một cái thanh tịnh nguyên sơ, một sự rực rỡ không thể nói thành lời (như một người câm nếm đường) ? Bản tánh của tâm an định này, phải chăng là một cái tối đen hoàn toàn, hay nó là một sự sáng tỏ sống động, trong trẻo ?
Tất cả (những chứng biết) cốt yếu đều nhờ vào bản tánh thường trụ của thực tại của tâm này.
Nếu bạn chứng ngộ thật tánh của tâm bạn, Phật tánh của bạn, bạn có Giác Ngộ. Nếu mê mờ về nó và bao phủ trong bóng tối của vô minh, bạn có sanh tử và tự đem lại cho mình khổ đau.
Bởi thế, khi Guru của con hỏi con về thiền định của con, nếu con phun ra những ý niệm trí thức về nó, hay những diễn tả như con vẹt mà con đã từng nghe, hay dùng những Thiền ngữ khoa trương (mà con chẳng hiểu tí gì), hay, bởi do tâm thức con bị tám cảm nhận thế gian trói buộc, con nói rằng con đã có những ánh chớp và cái thấy diệu kỳ khi thực ra con không có nếu con trả lời như vậy, đó cũng giống như tự che tấm len lên hai mắt con. Con chỉ tự lừa dối chính mình. Và nếu con đã thọ giới, con đã phá vỡ lời nguyện không nói dối với Guru bằng những màu mè. Bởi thế hãy thực hành thận trọng. Chớ vá víu một kinh nghiệm nào đó từ trí tưởng tượng của con, mà hãy hoàn toàn thành thật và nói từ những kinh nghiệm và những huệ quán khai triển từ sức mạnh thiền định của mình.
Chớ bận tâm nếu cái bạn kinh nghiệm được có vẻ tầm thường vụng dại. Nếu sau khi nhìn vào tâm, bạn thấy nó là trắng, hãy thuật lại cho Thầy bạn. Ngài sẽ nói, chẳng hạn, hãy dò xét xem nó có phải màu vàng không. Nếu bạn trở lại và nói, “Nó màu vàng”, bấy giờ ngài sẽ nói, “Không, nó không vàng cũng không trắng.” Qua sự trao đổi, qua về thành thật như vậy, Thầy của bạn sẽ có thể dẫn dắt bạn nhận ra bản tánh của tâm. Khi bạn nhìn vào hay khảo sát tâm bạn với những câu hỏi không ngừng như trên, bạn có thể không nhận biết bản tánh của nó dù bạn có thể thấy nó. Bởi thế bạn phải nương dựa vào Thầy của bạn và hoàn toàn thành thật với ngài, nếu không ngài chẳng thể giúp bạn. Và như vậy sự giải thoát khỏi khổ, Giác ngộ và khả năng giúp đỡ người khác của bạn trở nên bấp bênh.
Như một mệnh lệnh, hãy siết chặt tỉnh giác của con và nhìn thẳng vào tâm. Rồi ngơi nghỉ một chút và sau đó tiếp tục nhìn. Vì cần thiết phải nhìn thẳng vào bản tánh của tâm thức khi nó an định, cách thức điều chỉnh nó xuyên suốt qua mọi thứ này là để tâm an trụ trong một trạng thái trong sáng, sáng chiếu như mặt trời không bị mây che.
Siết chặt tỉnh giác và nỗ lực nhìn vào bản tánh của tâm là cách thứ nhất để con nhận ra bản tánh của tâm. Để được như vậy, vị Thầy cần hỏi và huấn luyện đệ tử phù hợp với tâm thái và khả năng của họ. Để huấn luyện một số người, chẳng hạn có thể cần thúc đẩy và hỏi lập đi lập lại để thấy có phải họ có một cái hiểu trí thức, hay một kinh nghiệm chớp sáng, một cái thấy sâu xa bên trong (huệ quán) hay một kinh nghiệm vững chắc, và làm cho họ nhận ra mà không trộn lẫn với những Thiền ngữ vờ vĩnh. Tương tự đệ tử cũng phải tự nỗ lực trong đó. Đây là điểm thứ nhất của thiền quán : nhìn vào bản tánh của tâm an định.