Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

Bồ đề tâm

Ta có thể coi quyển sách của Gampopa như một cẩm nang để đạt được Phật quả, là hình thức hoàn hảo nhất của Niết bàn. Bồ đề tâm là điều rất cần thiết để thành tựu Phật quả. Bồ đề tâm là giới nguyện, khát khao vĩ đại đạt được Phật quả vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Đó là ước nguyện đưa tất cả chúng sinh tới hạnh phúc viên mãn, tới sự chấm dứt mọi đau khổ, tới Giác ngộ, tới Phật quả.

Gampopa trích dẫn Trang nghiêm Chứng ngộ Viên mãn,17 một trong năm luận thuyết được Maitreya truyền cho Asanga: “Phát triển Bodhicitta (Bồ đề tâm) có nghĩa là khát khao sự giác ngộ viên mãn, chân thật để làm lợi lạc chúng sinh.” Bodhi có nghĩa là “tâm Phật,” hay “trí tuệ, sự hiểu biết, sự chứng ngộ.” Chitta có nghĩa là “tâm.” Vì thế Bodhichitta có nghĩa là “tâm của bodhi,” “tâm được đặt trên sự chứng ngộ.” Tâm Phật, bodhi, biểu thị các phương diện của trí tuệ và lòng bi mẫn. Trở thành một vị Phật là điều cần thiết để phát triển trí tuệ và lòng bi mẫn cùng một lúc. Bodhichitta (Bồ đề tâm) bao gồm cả hai phương diện.

Chúng ta phân biệt hai loại Bồ đề tâm: Bồ đề tâm tối thượng18 (Bồ đề tâm tuyệt đối) và Bồ đề tâm tương đối.19 Bồ đề tâm tối thượng tương ứng với phương diện trí tuệ, trong khi phương diện bi mẫn là cốt lõi của Bồ đề tâm tương đối.

Bồ đề tâm tối thượng

Bồ đề tâm tối thượng là sự chứng ngộ chân lý, bản tánh tối thượng, thực tại tối thượng. Nó là Phật tánh, tâm giác ngộ, là cái bao gồm và trùm khắp mọi hiện tượng. Gampopa định nghĩa Bồ đề tâm tối thượng là “sự trống không (tánh Không) với lòng bi mẫn như tinh túy của nó, trong trẻo và vững chắc, không vướng mắc các cực đoan có tính chất kinh viện, lý thuyết.” Đây cũng là cách được trình bày trong các Kinh điển.

Một Bồ Tát kinh nghiệm Bồ đề tâm tối thượng khi đạt được quả vị (địa) thứ nhất. Thực ra chính kinh nghiệm này đánh dấu việc đi vào quả vị thứ nhất của hành giả.

Bồ đề tâm tối thượng phát khởi từ sự thấu suốt và thiền định về chánh kiến. Sự hiểu biết trí thức về chánh kiến thường xảy ra thật lâu trước địa thứ nhất, là cấp độ mà ở đó, qua ánh chớp đầu tiên của Bồ đề tâm tối thượng, ta kinh nghiệm chân tánh của tâm ta và của các hiện tượng (bởi các hiện tượng hoàn toàn được tri giác bởi tâm thức). Tuy nhiên, ta nên hiểu rằng sự hiểu biết trí thức – mặc dù cần thiết và hữu ích – thì không đủ và cần được hợp nhất với kinh nghiệm của ta để trở thành sự chứng ngộ đích thực.

Càng tri giác nó một cách rõ ràng thì ta càng tiến bộ từ địa này sang địa khác, để cuối cùng đạt được cấp độ cuối cùng, địa thứ mười, là quả vị của sự chứng ngộ viên mãn. Khi đó mọi ngăn che của vô minh được vén lên: đó là Phật quả. Vì thế sự tiến bộ của ta trên con đường Bồ Tát có thể được đo lường bằng mức độ rõ ràng (quang minh) mà với nó ta tri giác chân tánh của tâm ta.

Sự nội quán Bồ đề tâm tối thượng không phải là kết quả của việc thệ nguyện và ta không thể có được nó nhờ những gia hộ của người nào khác. Ta không thể nói đó là kết quả trực tiếp của việc nghiên cứu, quán chiếu, và thực hành, nhưng ta có thể dọn đường để nó xuất hiện bằng những điều mà ta có thể gọi là ba cách phát triển Bồ đề tâm tối thượng. Trước hết, đó là nghiên cứu, sự hiểu biết sâu xa rằng ta có thể đạt được qua việc nghiên cứu giáo lý của Đức Phật. Kế đó là sự tích tập công đức vĩ đại và trí tuệ vĩ đại. Cuối cùng, đó là chứng ngộ trí tuệ bằng sự phát triển, và kế đó là sự xuất hiện của trí tuệ hoàn toàn thanh tịnh, vô niệm. Đôi khi Bồ đề tâm có thể phát triển qua sự hứng khởi mà ta nhận lãnh từ vị dẫn dắt tâm linh của ta, nếu ta có một người dẫn dắt như thế. Nó cũng có thể phát triển bởi năng lực của lòng bi mẫn tự nhiên của ta. Một vài phương pháp vững chắc hơn những phương pháp khác. Bồ đề tâm sinh khởi từ sự hứng khởi thì ít chắc chắn hơn Bồ đề tâm được phát triển bởi việc thực hiện những thiện hạnh, quán chiếu về giáo lý, đạt được một sự hiểu biết sâu xa hơn về Bồ đề tâm, và sử dụng việc thiền định và thực hành như một cách sống, là những phương pháp tốt nhất để phát triển nó.

Bồ đề tâm tương đối

Bồ đề tâm tương đối có hai cấp độ: (1) Bồ đề tâm khát nguyện (Bồ đề tâm nguyện) và (2) Bồ đề tâm cam kết.

Trong chủ đề này, có một khác biệt nhỏ giữa quan điểm của Nagarjuna và của Asanga. Theo định nghĩa của Nagarjuna, là điều mà Shantideva và Gampopa tán thành, sự khác biệt giữa hai loại Bồ đề tâm này thì giống như sự khác biệt giữa việc nói “Tôi muốn đi Paris” và việc thực sự đi tới Paris.

Là Bồ đề tâm khát nguyện khi ta nghĩ: “Vô lượng chúng sinh cư trú trong thế giới đến tận cùng của không gian đều khao khát hạnh phúc tuyệt đối và ghê sợ đau khổ. Tuy nhiên, chừng nào mà họ còn ở trong mê lầm và vô minh, họ sẽ tiếp tục đau khổ. Trạng thái duy nhất thoát khỏi mọi đau khổ là sự toàn giác.” Khi đó ta tự hứa nguyện đạt được giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, để ta có thể giải thoát họ khỏi đau khổ. Một giới nguyện như thế, được kết hợp với khao khát sâu xa thực hiện nó, là Bồ đề tâm khát nguyện.

Việc có biện pháp để làm cho điều này trở thành hiện thực – chẳng hạn như bằng cách phát nguyện và tuân thủ các giới nguyện đó, bắt đầu một việc từ thiện, cố gắng để khoan dung hơn, hoặc bằng cách theo đuổi một chương trình thiền định hay nghiên cứu – mọi sự trợ giúp ta thực hiện ước nguyện, thì theo Shantideva, đó là Bồ đề tâm cam kết. Về chủ đề này, ngài nói:

Giống như người hiểu rõ sự khác biệt giữa việc muốn đi và thực sự đi,

Hiền nhân nên phân biệt giữa hai điều này một cách tương ứng.

Theo Asanga, hứa đạt được một kết quả là Bồ đề tâm khát nguyện, trong khi tự cam kết đưa phương tiện vào hành động để kết quả này xảy ra, tự trang bị cho nguyên nhân, là Bồ đề tâm cam kết. Nói cách khác, nói “Tôi muốn thành Phật để làm lợi ích tất cả chúng sinh” thì tương ứng với Bồ đề tâm khát nguyện: mục tiêu của ta rõ ràng, nhưng ta vẫn chưa làm được điều gì để đạt được nó. Nếu ta thêm vào “Để thực hiện mục tiêu này, tôi sẽ thực hành sáu ba la mật,” thì điều đó trở thành Bồ đề tâm cam kết.

Các nguyên nhân giúp ta phát triển Bồ đề tâm tương đối là: (1) có một vị dẫn dắt tâm linh tốt, là người gây truyền cảm hứng cho ta và (2) sự thúc đẩy của nghiệp, nhờ nó ta cảm thấy một lòng bi mẫn tự nhiên. Thiện nghiệp này là kết quả của một sự tích tập vĩ đại công đức và trí tuệ đạt được nhờ những thực hành, nghiên cứu, và thiền định khác nhau.

Các nguyên nhân giúp ta phát triển Bồ đề tâm tối thượng là:

  1. Hiểu biết sâu xa về giáo lý của Đức Phật,
  2. Tích tập vĩ đại công đức và trí tuệ, và
  3. Chứng ngộ trí tuệ nguyên sơ, vô niệm.
Xem mục lục