Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

Ba thân (kaya) không phải là những gì ta có được nhờ việc thực hành của ta. Chúng không xuất hiện từ nơi nào khác khi ta thành Phật; ngay bây giờ chúng đã hiện diện trong chúng ta. Chỉ đơn giản là chúng ta không biết đến ba thân này. Ta phải giải trừ những ngăn che, những vật bao bọc mà ta đã che phủ chúng. Từ quan điểm này, tâm ta có thể được giới thiệu với ba thân ngay lúc này, và một sự giới thiệu như thế tạo thành giáo lý sâu xa và trực tiếp nhất mà ta có thể thọ nhận. Đó là giáo lý mà ta gọi là Dzogchen, Lamdre, hay Mahamudra. Mục đích của những giáo lý như thế là để trực tiếp giới thiệu tâm với ba thân, có nghĩa là với chân tánh của nó, Phật quả. Mặc dù ở một cách nào đó điều này rất đơn giản – nhìn vào tâm bạn khi nó trong trẻo và an tịnh, và nhận ra chân tánh của nó – trong thực tế điều này hết sức khó khăn bởi bốn lý do đã được đề cập: nó quá đơn giản, quá gần gũi, quá tuyệt vời, và quá sâu xa. Đức Karmapa đệ tam đã biên soạn một bản văn về cách nhận ra ba thân, và bản văn này khoảng bốn pho sách lớn! Cho dù một Đạo sư cố gắng giới thiệu ba thân với tâm của đệ tử, việc nhận ra chân tánh không nhất thiết xảy ra. Khi người có chút ít kinh nghiệm về nó nói về nó, hầu như không có gì chắc chắn là cử tọa có thể nắm bắt được khái niệm ngay từ lúc bắt đầu. Thông thường thì họ không hiểu ông ta đang nói gì và không lãnh hội được gì từ đó. Đây là lý do vì sao phải có các sự chuẩn bị: các đệ tử phải chuẩn bị dần dần cho điều đó, đào sâu sự hiểu biết của mình từng chút một.

Khi tâm ta trở nên an định và trong trẻo, ta có thể thực sự nhìn vào tâm bình thường, tâm căn bản, và đi đến chỗ nhận ra rằng thực sự…không có gì để nhìn! Đó là tâm thức, nhưng ở bất kỳ nơi đâu không có điều gì có một sự bắt đầu hay một sự chấm dứt, một hình dạng, một màu sắc, hay một chất thể. Nó là bản tánh vô sanh, không thể nhận biết, không thể xúc chạm, không thể nắm bắt. Đó là phương diện dhamakaya (Pháp Thân) của tâm.

Mặc dù không nắm bắt được và không có bất kỳ điểm quy chiếu nào, tuy thế đó là một sự quang minh, một sự chói lọi, một loại năng lực. Đây là phương diện sambhogakaya (Báo Thân) của tâm.

Đồng thời, có những hiển lộ liên tục. Những niệm tưởng và cảm xúc phát khởi liên tục, đến và đi trong tâm mà không ngừng nghỉ: đây là phương diện Hóa Thân của tâm.

Khi ta có được một sự hiểu biết đúng đắn, một nhận thức sâu xa về điều này, thì ngay giây phút này ta có thể nhận ra ba thân trong bản thân ta. Chúng không phải là một cái gì ở bên ngoài chúng ta mà ta nên phát triển: nó chỉ đơn giản ở đó. Ta càng xác tín về đối tượng này thì ta càng chứng ngộ. Nhìn từ góc độ này, việc trở thành một vị Phật không phải là một cái gì quá xa vời hay quá khó khăn để đạt tới. Tất cả chúng ta cần biết cách để thực hiện điều này.

Sẽ không còn các giới hạn đối với một vị Phật thực sự giác ngộ, là đấng đã phát triển trí tuệ và lòng bi mẫn tới một mức độ cao cấp nhất. Trong hiện tại, chúng ta bị giới hạn. Chúng ta tự giới hạn bản thân ta và những người khác thành những sự vật nhỏ bé. Đây là lý do vì sao chúng ta gặp rất nhiều vấn đề. Chúng ta phân biệt giữa những sự việc “ở ngoài” và “ở trong,” giữa những gì ta thích và những gì ta không thích. Theo cách này, ta thường xuyên bị mắc kẹt trong những tình huống rắc rối, trong những mâu thuẫn và bất hòa. Bởi cách nhìn giới hạn về các sự việc này là chân trời duy nhất của ta, ta đau khổ và trở thành nguồn mạch của những vấn đề của riêng ta. Khi ta mở toang và phá vỡ những giới hạn này, các tình huống không xuất hiện như trước nữa. Ta không trở thành một người khác nhưng ta nhìn các sự việc theo một cách khác biệt. Các hành động của ta không còn là các “phản ứng” nữa mà là những hành động trực tiếp. Đây là ý nghĩa của Phật quả.

Làm thế nào một vị Phật, một đấng vô niệm và bất nhị, có thể giúp đỡ người khác? Nhiều người tự hỏi làm thế nào chư Phật có thể giúp đỡ chúng sinh khi đứng ở quan niệm của các ngài, các ngài thấy tất cả mọi sự đều thanh tịnh và không cảm thấy có sự riêng biệt nào đối với chúng sinh. Các ngài có thể nhận thức và thấu hiểu được đau khổ của chúng sinh và sự cần thiết phải cứu giúp họ? Nói rằng chư Phật nhìn các sự việc theo một cách thế vô niệm và bất nhị không có nghĩa là các ngài không thể nhận thức được nỗi khổ của người khác. Ta có thể so sánh một vị Phật với một người trưởng thành đang nhìn trẻ em chơi đùa. Một đứa trẻ xây một lâu đài bằng cát và kêu khóc khi một đứa trẻ khác phá hủy ngôi nhà. Người trưởng thành biết rằng sự việc không có gì là ghê gớm nhưng cũng biết rằng đứa trẻ đang khóc thì thật sự đau khổ.

Các hành động của một vị Phật là một cách thức tự nhiên không có bất kỳ kế hoạch nào được tạo lập từ trước. Ngài không nghĩ “Ngày hôm qua ta đã giúp người này, ta nghĩ rằng như thế là đủ. Hôm nay ta sẽ giúp người khác.” Toàn bộ thân, ngữ và tâm của một vị Phật vận hành theo một cách thế vô niệm, tự nhiên.

Gampopa cho những ví dụ khác nhau để minh họa những hành động tự nhiên như thế. Chúng có mối liên hệ rất chặt chẽ với thần thoại Ấn Độ.

Ví dụ thứ nhất biểu lộ cách thế thân tướng của một vị Phật xuất hiện. Indra (Đế Thích), vua các vị trời, an tọa trong một cung điện làm bằng đá màu xanh da trời, chói ngời ánh sáng. Những tia sáng phản chiếu hình ảnh trời Indra khắp không gian, và đôi khi các chúng sinh khác nhận thức được những phản chiếu này. Khi nhìn thấy những phản chiếu đó, những chúng sinh này la lên: “Thật là một vị vua phi thường! Tôi ước mình có thể giống như ngài!” Được cảm hứng bởi cái nhìn này, họ cố gắng hành xử theo một cách thế tích cực và giúp đỡ người khác. Bản thân trời Indra không biết là hình ảnh của mình được phản chiếu, nơi những phản chiếu này đi tới, hay cách thức chúng giúp đỡ chúng sinh. Tương tự như thế, hình thức Hóa Thân thích hợp của một vị Phật xuất hiện vì lợi lạc của chúng sinh, là những người cần đến nó ở nơi nào và khi nào các điều kiện tương thuộc (duyên sinh) cần thiết tụ hội. Hình thức đó hóa hiện một cách tự nhiên từ lòng bi mẫn tự nhiên của ngài và năng lực của những lời cầu nguyện của ngài trước đây. Một vị Phật xuất hiện ở nơi cần đến sự cứu giúp của ngài mà thậm chí không lập một quyết định chủ tâm để làm điều đó.

Ngữ của một vị Phật hiển lộ trong cách thế tương tự. Các hình thức hiện thân và giáo lý hiện diện khắp nơi. Điều ta gọi là các kho tàng Giáo Pháp phản ảnh nguyên lý này. Ta có thể nghe thấy giáo lý của chư Phật trong các âm thanh của thiên nhiên – trong gió, trong tiếng xào xạc của lá cây hay tiếng ầm ầm của những con sóng. Chúng hiện diện ở khắp nơi, ở giữa mọi hiển lộ. Đây là điều ta gọi là guru tượng trưng của vũ trụ, nó có nghĩa là tất cả những gì ta nhìn thấy và kinh nghiệm có thể trở thành một suối nguồn của giáo lý và sự giác ngộ. Nó không phải là một cách nhìn các sự việc hay một phóng chiếu chủ quan. Các hiển lộ của chư Phật và những bậc chứng ngộ có thể tạo ra bất kỳ hình thức nào, và những hình thức này không nhất thiết phải sống động. Chúng có thể là âm nhạc, một bệnh viện, một cây cầu, một chiếc thuyền, thực phẩm, nước, hay bấy kỳ điều gì chúng sinh cần.

Thân, ngữ, và tâm của một vị Phật thì tự nhiên, không bị cản trở, không giới hạn, và vô niệm.

Các ví dụ sau đây cho ta thấy tâm của một vị Phật vận hành ra sao. Ví dụ thứ nhất là về một đám mây. Các đám mây đến và đi, và khi các điều kiện thuận lợi đã sẵn sàng, chúng đổ mưa xuống. Trận mưa này giúp cho hoa lá và cây trái phát triển. Các đám mây không quyết định khi nào chúng biến thành mưa. Nó chỉ xảy ra. Các hoạt động của một vị Phật xảy ra theo cách thế tương tự.

Ví dụ thứ hai là về Brahma (Phạm Thiên), một vị trời của Ấn giáo. Trong thần thoại của Ấn Độ, có ba vị thần chính: một vị tạo lập vũ trụ, một vị bảo tồn nó, và vị thứ ba hủy diệt nó. Brahma là đấng sáng tạo. Ngài có thể đồng thời mang bất kỳ hình tướng nào ngài muốn khi cần thiết. Ngài không phải lên kế hoạch, chạy đây chạy đó, bận rộn với nhiều chuyện phải làm, và ngài không phải lo lắng là không có thời gian để làm tất cả những gì phải làm. Mọi điều cần thiết chỉ xảy ra một cách tự nhiên.

Thí dụ thứ ba là về mặt trời. Mặt trời liên tục chiếu sáng ở khắp mọi nơi. Nó không nghĩ là nó sẽ chiếu sáng ở một nơi nhiều hơn nơi khác. Tất cả những ai muốn tắm nắng đều có thể làm điều đó mà trước hết không phải xin phép mặt trời hay trả một chi phí để được lợi lạc từ một ít tia sáng của nó. Cùng cách đó, trí tuệ và lòng bi mẫn của một vị Phật ôm trọn tất cả chúng sinh không chút thành kiến. Điều duy nhất cần phải làm là mở lòng mình ra để tiếp nhận nó. Một người nào đó ngồi trong một hang động dưới lòng đất không thể nhận được ánh sáng hay sự ấm áp của mặt trời. Họ phải đi ra ngoài ánh sáng.

Ví dụ thứ tư là về viên ngọc như ý, cũng được minh họa từ thần thoại Ấn Độ. Viên ngọc ban tặng mọi ước nguyện này là một hòn đá màu xanh xanh, phải được tìm kiếm khắp nơi tận bên bờ đại dương. Một khi ta đã tìm cách để có được nó, ta phải rửa nó bằng nước biển và sau đó bằng nước ngọt, lau chùi nó bằng miếng lụa nhiều màu và gắn nó trên đỉnh cột buồm. Tất cả những gì ta phải làm sau đó là cầu nguyện, và nhờ năng lực của viên ngọc, mọi ước nguyện sẽ trở thành hiện thực. Một viên ngọc như ý không quyết định sẽ ban điều này và không ban điều kia, giúp đỡ cho người tốt lành nhưng từ chối chấp nhận những nguyện ước của một người ác độc. Tất cả những ai đi theo những bước đúng đắn sẽ nhận được những gì họ khẩn cầu. Những gia hộ và hiển lộ của một vị Phật xảy ra cùng cách thế đó, mỗi khi có người tạo ra được tình huống đúng đắn. Khi những hoàn cảnh tương thuộc đã có ở đó, ước nguyện được ban tặng và không điều gì có thể ngăn cản nó.

Tất cả những ví dụ khác nhau này minh họa các hoạt động tự nhiên, không được hoạch định của một vị Phật. Không có sự xét đoán, không có sự phân biệt, không có sự bám chấp. Chúng xảy ra ở mọi lúc và mọi nơi, khi những điều kiện cần thiết được đáp ứng đầy đủ. Các hoạt động của một vị Phật là những hành động tự nhiên và không phải là những phản ứng.

 

KẾT LUẬN

Tôi muốn đưa ra một nhận xét cuối cùng về việc thực hành: việc phát triển lòng bi mẫn là một vấn đề của sự hiểu biết hơn là của những kỹ thuật. Suốt từ đầu tới giờ tôi đã lập lại điều này nhưng tôi vẫn muốn nhấn mạnh tới điểm quan trọng này: có được một sự hiểu biết thông tuệ về điều mà ta đang bàn cãi là điều tương đối đơn giản, nhưng để thể nhập sự hiểu biết đó ở một mức độ sâu xa thì khó khăn hơn. Một sự hiểu biết thuần túy tri thức vẫn còn cạn cợt và sẽ không thể giúp gì cho chúng ta khi ta thực sự cần đến nó. Khi sự thể nhập xảy ra, sự xác tín của ta mạnh mẽ, kiên cố và thực hành của ta trở nên thiện xảo hơn.

Khi lắng nghe giáo lý, ta thường nghĩ rằng ta hiểu mọi sự, nhưng khi ta nỗ lực đưa chúng vào thực hành ở nhà thì đó là một vấn đề hoàn toàn khác biệt. Ta khám phá ra rằng chúng không phải là một bộ phận đầy đủ của ta, ta hoàn toàn không thâm nhập được chúng. Những người Tây Tạng nói rằng hành trình đi từ đầu cho tới trái tim là cuộc hành trình dài nhất, và tôi cho rằng điều đó là đúng. Tinh túy của một sự thực hành thực sự là đem sự hiểu biết tri thức của ta tới vị trí trái tim ta, để cảm nhận nó, để sống nó. Khi ta hiểu biết sâu xa, thái độ đúng đắn, ngôn từ đúng đắn, hành động đúng đắn đến với ta một cách tự nhiên, không cần dụng công. Và khi ta xác tín, ta hành động với sự hỉ lạc và nhiệt tâm.

Trước hết, hãy cố gắng thực sự hiểu rõ những ý niệm đã được giảng dạy, và sau đó thiền định về chúng để đào sâu sự hiểu biết của bạn. Hãy liên tục áp dụng những gì bạn đã học trong đời sống hàng ngày, nhưng đừng quá cứng nhắc hay căng thẳng. Một vài người có khuynh hướng coi các sự việc quá nghiêm trọng, cảm thấy tội lỗi, chẳng hạn thế, nếu họ dậy trễ một ngày trong khóa thiền định buổi sáng của họ. Điều đó là thái quá. Thực hành của bạn không nên trở thành một gánh nặng, mặc dù bạn nên cố gắng duy trì một sự đều đặn nào đó. Thực ra, chỉ có sự đều đặn này mới cho phép bạn củng cố sự hiểu biết mà bạn đã thâu đạt và sử dụng nó để đối phó với những tình huống trong đời sống hàng ngày của bạn. Khi bạn có thể thực hành, hãy hoan hỉ, nhưng nếu vì một lý do nào đó bạn không thể thực hành, bạn không cần phải cảm thấy tội lỗi hay thất vọng. Đừng biến thực hành của bạn thành một nguồn mạch của sự căng thẳng hay âu lo. Bạn không thể làm điều gì đó trong ít ngày ư? Đó không phải là một tai họa. Hãy nhớ lại quãng thời gian bạn không làm gì hết! Làm chút ít thì tốt hơn là không làm gì hết. Đừng coi các sự việc quá sức nghiêm trọng, hãy đưa chúng vào một viễn cảnh thực tế hơn.

Lời khuyên cuối cùng này chấm dứt luận giảng của tôi về Pháp Bảo của sự Giải thoát, tác phẩm quan trọng nhất của Đức Gampopa. Tác phẩm này được hình thành là nhờ Dharmashag, một tu sĩ của Gampopa, đã khẩn cầu ngài biên soạn nó. Gampopa đồng ý và đọc bản văn. Như thế trong thực tế, Dharmashag đã ghi lại quyển sách này. Điều này không được nhắc đến trong bản dịch.

Tôi nhận giáo lý này từ Thầy tôi, Khenpo Lama Rinchen, ngài đã nhận nó từ Jamgön Kongtrul ở Tu viện Sechen (1901-1960), Jamgön Kongtrul nhận nó từ Khenpo Tashi Özer (1830-?), Khenpo Tashi Özer đã nhận nó từ Jamgön Kongtrul Vĩ đại (1813-1899).

Tôi biết rằng đã không giảng dạy giáo lý này một cách đúng đắn hay có hệ thống như nó nên được giảng dạy. Theo truyền thống, bản văn này là chủ đề của cả một năm nghiên cứu miên mật. Tuy nhiên, người đọc nên ghi nhớ rằng chúng ta bị giới hạn bởi thời gian. Tôi cũng lưu tâm đến một vài người trong số người tham dự, rất nhiều người trong đó là người mới. Tôi không muốn làm cử tọa của mình buồn chán bằng một phương pháp quá chi tiết hay hàn lâm, và tôi đã làm mọi sự có thể để làm cho giáo lý này trong sáng, sống động bằng cách sử dụng các trích dẫn từ các bậc Thầy vĩ đại và những minh họa từ những câu chuyện dân gian Tây Tạng, những kinh nghiệm riêng của mình, và những kinh nghiệm của các đệ tử Tây phương. Tôi hy vọng là mình thành công, nhưng tôi yêu cầu các bạn không coi luận giảng này như một giảng nghĩa đầy đủ và cuối cùng mà như một sự giới thiệu có thể chuẩn bị cho các bạn một sự nghiên cứu cá nhân sâu xa hơn.

HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC

Nhờ sự tốt lành của những thiện hạnh này,

Nguyện mọi cảm xúc tiêu cực và những màn ngăn che tâm thức được tiệt trừ,

Và nguyện mọi chúng sinh được giải thoát khỏi đại dương của sự hiện hữu

Bị khuấy động bởi những con sóng sinh, lão, bệnh và tử.

 

CHÚ THÍCH

LỜI NÓI ĐẦU

  1. Shabkar, Tự truyện của một Yogi Tây Tạng (Paris: Albin Michel, 1998). 

DẪN NHẬP

  1. 1. Dvag po thar rgyan.
  2. Dagpo Tarjen được Herbert V. Guenther dịch sang Anh ngữ lần đầu tiên dưới tựa đề The Jewel Ornament of Liberation (Pháp Bảo của sự Giải thoát) (Berkeley: Shambhala, 1971). Sau đó nó được Ken và Katia Holmes dịch với tựa đề Gems of Dharma, Jewels of Freedom (Những Viên ngọc Pháp, Châu báu của sự Tự do) (Forres, Scotland: Altea Publishing,1995). Bản dịch thứ ba của Khenpo Konchog Gyaltsen Rinpoche, đã được xuất bản dưới tựa đề nguyên thủy là The Jewel Ornament of Liberation (Pháp Bảo của sự Giải thoát) (Ithaca, N.Y.: Snow Lion Publications,1998).
  3. Kagyu hay Kagyupa (bka’ brgyud pa) là một trong bốn trường phái chính của Phật giáo Tây Tạng. Ba phái kia là Nyingma (rnying ma), Gelug (dge lugs), và Sakya (sa skya).
  4. Truyền thống Kadampa (bka’ gdams pa) có nguồn gốc từ các giáo lý Đại thừa của Atisha từ dòng của Nagarjuna (Long Thọ) và Asanga (Vô Trước). Nó không còn hiện hữu như một truyền thống riêng biệt mà được kết hợp thành bốn trường phái hiện đại chính yếu của Phật giáo Tây Tạng.
  5. Truyền thống thể nghiệm du già từ dòng truyền thừa của các học giả Ấn Độ Tilopa và Naropa và từ các vị này truyền xuống Marpa và Milarepa. Mahamudra (dịch sát nghĩa là “đại ấn”) là giáo lý tối thượng của truyền thống Kagyu.
  6. Một geshe (dge bshes) là một học giả có sự hiểu biết thâm sâu về các Kinh điển và Phật pháp.
  7. Miền Trung Tây Tạng.
  8. Một tường thuật đầy đủ hơn về cuộc gặp gỡ và mối liên hệ của Gampopa với Milarepa có thể tìm thấy trong The Hundred Thousand Songs of Milarepa (Một Trăm Ngàn Bài Ca của Milarepa) (New Hyde Park: University Books, 1962), bản dịch của Garma C.C. Chang. Cũng xem The Life of Gampopa (Cuộc Đời của Gampopa) (Ithaca, N.Y.: Snow Lion Publications, 1995) của Jampa Mackenzie Stewart.
  9. Đức Văn Thù (Manjushri) là một trong tám đệ tử thân cận của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong Phật giáo Đại Thừa, Văn Thù là vị Bồ Tát hóa hiện trí tuệ.

10. Dharma (Giáo Pháp) là một từ Phạn ngữ. Thuật ngữ Tây Tạng là chö (chos). Nó có nhiều nghĩa. Ở đây nó có nghĩa là “giáo lý” hay “con đường.” Khi các Phật tử nhắc đến “Dharma” (Giáo Pháp), họ thường ám chỉ tới khối lượng giáo lý dẫn tới giác ngộ do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và những bậc giác ngộ khác ban truyền.

11. Các từ Tây Tạng trong bản văn được dịch sát nghĩa là các “con trai” và “những người cha.” Các từ này cũng ám chỉ con cái hay cha mẹ.

12.  Lama là thuật ngữ Tây Tạng để chỉ vị Thầy, tương đương với từ guru trong Phạn ngữ.

13.  tsawe lama (rtsa ba’i bla ma).

14.  ‘khrul ba.

15. Sáu cõi được phân chia thành ba cõi cao – các vị trời, asura (các vị trời ganh tị), và con người – và ba cõi thấp – súc sinh, quỷ đói (ngạ quỷ), và các chúng sinh địa ngục.

16.  ma rig pa.

  1. 1. NGUYÊN NHÂN: PHẬT TÁNH 

1. rgyu (Phạn: hetu): nguyên nhân, ám chỉ Phật tánh của chúng ta.

2. Ting nge ‘dzin rgyalpo’i mdo. Đây là một trong những quyển Kinh chính yếu của Đại thừa, trong đó tiên đoán sự xuất hiện của Gampopa.

3. Phạn: sugatagarbha; Tạng: bde gshegs snying po. (bde gshegs có nghĩa là “người đi trên con đường đúng đắn”, snying po có nghĩa là “hạt giống” hay “tinh túy”).

4. rigs.

5. rigs ched.

  1. 2. NỀN TẢNG: MỘT ĐỜI NGƯỜI QUÝ BÁU 

1. rten: nền tảng, ám chỉ sự sinh ra làm người của ta.

2. mi lus rin chen.

  1. 3. ĐIỀU KIỆN: THIỆN TRI THỨC 

1. rkyen (Phạn: pratyaya): điều kiện thuận lợi, ám chỉ một thiện tri thức.

2. gewe shenyen (dge ba’i bshes nyan). Gewe nghĩa là “đức hạnh” hay “những phẩm tính tích cực,” và shenyen nghĩa là “bạn hữu.” Ta có thể dịch từ này là “bạn tâm linh” (thiện tri thức,) cho dù trong tiếng Tây Tạng từ “tâm linh” chỉ được ngụ ý. Ken Holmes dịch thuật ngữ này là “good mentor” (vị Thầy tốt lành) và giảng nghĩa chọn lựa của mình: “Thuật ngữ Tây Tạng dge ba’i bshes nyan rất hàm xúc, có nghĩa là “bạn hữu và thân quyến đức hạnh.” Nó mang lại những cảm xúc về sự gần gũi, điều tốt lành và sự dẫn dắt ở một điều gì cao quý, của người mà với ngài ta có một nối kết sâu xa (vì thế ‘có liên quan’). Từ này đôi khi được dịch là ‘bạn tâm linh’ (thiện tri thức), một thuật ngữ tuyệt vời nhưng là từ có thể bị - và đã bị - hiểu sai. Đó là lý do vì sao tôi nhắc đến từ ‘mentor’ (vị Thầy), nó có nghĩa là người cố vấn kinh nghiệm và đáng tin cậy. (OED).” Xem Ken Holmes và Katia Holme, Gems of Dharma, Jewels of Freedom (Những Viên ngọc Pháp, Châu báu của sự Tự do, Forres, Scotland: Altea Publishing, 1995)

3. Prajnaparamitasamcayagatha.

4. Astasahasrikaprajnaparamita (Kinh Bát nhã ba la mật trong Tám ngàn Đoạn Kệ)

5. Tam Bảo là Phật, Pháp, và Tăng đoàn, là nơi một Phật tử quy y. Xem giải thích chi tiết ở chương 4.

6. Tăng đoàn (Phạn): cộng đồng các hành giả Giáo Pháp.

7. Nirmanakaya, sambhogakaya, và dharmakaya được giải thích chi tiết trong chương 5.

8. byang sa; Phạn. bodhisattvabhumi.

9. Bởi có thể ngài không có khả năng giảng dạy.

  1. 4. PHƯƠNG PHÁP: NHỮNG GIÁO HUẤN CỦA CÁC THIỆN TRI THỨC 

1. bardo: khoảng thời gian giữa hai sự kiện, thời gian trung gian. Bardo cái chết là thời gian trong đó những yếu tố tâm sinh lý tạo thành sự tan rã dần dần của một người.

2. Phạn. samskara duhkhata.

3. Phạn. viprinama duhkhata.

4. Phạn. duhkhata duhkhata.

5. Cấp độ (quả vị) thứ nhất của con đường Bồ Tát.

6. bag chags; Phạn. vasana.

7. mdo sde las brgya pa; Phạn. Karmasatakasutra.

8. Sukhavati hay Dewachen (bde ba can): cõi thuần tịnh hay “thiên đường” của Đức Phật A Di Đà.

9. sems pa’i las.

10. bsam pa’i las.

11. Samadhi: thiền định sâu xa; Tây Tạng. ting nge ‘dzin.

12. jampa (byamspa); Phạn. maitri.

13. Trung Đạo, một trong những trường phái triết học của Phật giáo Đại thừa.

14. Ratnavali.

15. nying je (snying rje); Phạn. karuna.

16. Tathagatacintyaguhyanirde.

17. Abhisamayalankara; Tây Tạng. Mngon rtogs rgyan.

18. tön dam chang chup sem (don dam byang chub sems); Phạn. paramartha bodhicitta.

19. kun dzob chang chup sem (kun rdzob byang chub sems); Phạn. samvrti bodhicitta.

20. Vinaya (Luật học) là một trong ba “tạng” hay các tiết mục của Tripitaka, Kinh điển Phật giáo. Luật là một công trình biên soạn các quy luật hành xử do Đức Phật thiết lập. Đó là những luật lệ đặc biệt cho các tăng, ni và cư sĩ.

21. Rgyu bla ma, Sự Tương tục Siêu phàm, một trong năm luận văn của Asanga mà nội dung của nó được Đức Phật Di Lặc truyền cho ngài.

22. Trong một vài bản văn đề cập tới hai thân là dharmakya và rupakaya. Trong những bản văn khác đề cập tới bốn thân, và trong Mật thừa đề cập tới năm thân. Nhưng đa số các bản văn Đại thừa đề cập tới ba thân.

23. Đó là các vị trời, thần thánh, tinh linh địa phương, các thế lực yếu tố (thế lực của các đại), và v.v..

24. Từ “Phật tử” trong tiếng Tây Tạng là nang pa, có nghĩa là “bên trong,” ta xoay cái nhìn của ta vào bên trong.

25. drup tap (sgrub thabs), phương pháp thành tựu, bản văn của một thực hành nhắm vào kinh nghiệm về thực tại tối hậu qua việc thiền định. Nó bao gồm toàn bộ hệ thống các quán tưởng, trì tụng, nghi lễ, và thiền định, được tập trung quanh một vị Bổn Tôn hay một tập hội các Bổn Tôn.

26. Một mala là một chuỗi 108 hạt để đếm các thần chú hay lời cầu nguyện khi trì tụng.

27. tsultrim (tshul khrims); Phạn. shila.

28. samten (bsam gtan); dhyana.

29. sherab (shes rab); Phạn. prajna.

30. Para nghĩa là “bờ bên kia” và mita là “siêu vượt.”

31. jinpa (sbyin pas); Phạn. dana.

32. Sự khác biệt giữa yeshe (yes shes)sherab (shes rab) thật là vi tế. She nghĩa là “sự hiểu biết,” và rab nghĩa là “tuyệt vời, siêu việt.” Vì thế sherab có nghĩa là “sự hiểu biết tuyệt vời.” Yeshe nghĩa là “sự hiểu biết chân thật từ lúc bắt đầu,” trí tuệ nguyên sơ, tinh khôi, nền tảng. Khi sherab của ta được hoàn toàn phát triển, ta nói là yeshe.

33. tsultrim; Phạn. shila.

34. Đây là những quy luật được các tăng và ni tuân theo.

35. zöpa (bzod pa); Phạn. kshanti.

36. shinay (shi gnas).

37. lagtong (lhag mthong).

38. Một siddha là một yogi thành tựu.

39. rten ‘brel yan lag bcu gnyis (Phạn. pratitiya samutpada): mười hai sự mắt xích của sự tạo lập tương thuộc (thập nhị nhân duyên): (1) Vô minh (avidya); (2) Hành (samskara); (3) Thức (vijnana); (4) Danh Sắc (namarupa); (5) Lục nhập (ayatanam); (6) Xúc (sparsha); (7) Thọ (vedana); (8) Ái (trshna); (9) Thủ (upadanam); (10) Hữu (bhava); (11) Sinh (jati); (12) Lão Tử (jara maranam).

40. Không nên lầm lẫn các cấp độ và giai đoạn của việc thiền định được đề cập ở đây với các “hình thức” thiền định, đó là shamathavipashyana.

41. sherab; Phạn. prajnaparamita.

42. Prajnaparamitasamkayagâtha.

43. Akshayamatipariprcchasutra.

44. Pramânavaritkâ; Tạng. Rnam ‘grel.

45. Phạn. mâra: quỷ ma.

46. Anavataptanâgarâjapariprcchâsutra.

Xem mục lục