Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (16)


Xem mục lục

Suy niệm về Nỗi Khổ của Sinh tử

Chừng nào mà ta còn ở trong tâm thái sinh tử, ta sẽ không tìm thấy sự mãn nguyện và hạnh phúc hoàn hảo. Theo định nghĩa, sinh tử có nghĩa là đau khổ. Đó là một trạng thái tâm mà đặc tính của nó là có sự hiện diện của những mức độ khác nhau của ba loại đau khổ. Vì thế, ta cần thoát khỏi nó. Thật may mắn là điều này có thể làm được. Đó là mục suy niệm về nỗi khổ của sinh tử.

Ba loại Đau khổ

Hình thức đau khổ thứ nhất là điều mà Guenther dịch là “đau khổ của sự hiện hữu bị quy định” (hành khổ). Một bản dịch sát nghĩa của Tây Tạng viết là “đau khổ cố hữu đối với tất cả những gì duyên hợp.”2 Thậm chí hầu hết mọi người không chú ý tới nỗi khổ này. Mọi sự luôn luôn thay đổi, nhưng chúng ta đã quen thuộc với việc tin vào điều đối nghịch. Chúng ta bám chấp vào sự tin tưởng này, nghĩ rằng nó mang lại hạnh phúc và sự an toàn, nhưng ngay cả những sự vật mà hầu hết chúng ta bám chấp vào, những thứ mà dường như mang lại cho ta sự kiên cố nhất, cũng nhất thời. Ta không tự do mà bị quy định và vướng kẹt trong nghiệp của riêng ta. Ta luôn luôn bị điều khiển mà không nhận biết điều đó, bởi vô số nguyên nhân và hậu quả, là những điều chính chúng ta tạo ra. Không có sự chế ngự hay ngay cả sự tỉnh giác về hiện tượng này, ta không thể thoát khỏi nó. Việc không có sự tự do này khiến ta không hưởng được hạnh phúc tuyệt đối. 

Loại đau khổ thứ hai được gọi là đau khổ của sự biến đổi (hoại khổ).3 Đây là mối lo âu đi kèm theo việc ta đề phòng sự biến đổi. Khi ta đang ở trong một hoàn cảnh lý tưởng ở một chốn đồng quê, ta đã e sợ sự biến đổi. Ngay cả trong khi vui hưởng giây phút hạnh phúc, tâm ta e sợ mất nó, là sự đau khổ tự thân.

Loại đau khổ thứ ba được gọi là đau khổ của đau khổ (khổ khổ).4 Đây là đau khổ “thực sự,” là loại đau khổ ta gặp khi ta bệnh, khi sắp chết, khi mất những gì ta yêu quý, hay khi ta đối mặt với những gì ta ghét. Đó là những gì ta thường gọi là đau khổ.

Ba loại khổ này thường xuyên hiện diện với ta. Chẳng bao giờ ta thoát khỏi chúng. Sự hiện diện của chúng chính là định nghĩa của sinh tử.

Loại đau khổ thứ nhất là một kinh nghiệm trung tính trong phạm vi cảm giác. Chúng ta không ý thức về tiến trình này bởi nó không gây ra đau khổ hay lạc thú. Loại đau khổ thứ hai được nối kết với nỗi sợ xuất hiện với những cảm xúc về sự tiện nghi, hạnh phúc. Loại đau khổ thứ ba là kinh nghiệm thực sự về đau khổ. Tuy nhiên, nếu ta nhìn sâu vào chúng, tất cả ba loại này là những kinh nghiệm về đau khổ. Hai loại đau khổ cuối cùng thì dễ hiểu. Trái lại, đau khổ cố hữu đối với sự hiện hữu bị quy định thì hết sức vi tế. Nếu đó là một kinh nghiệm trung tính thì làm thế nào ta có thể định nghĩa nó là đau khổ? Ta sẽ dùng một sự so sánh. Giả sử ta đau khổ vì một bệnh nan y và đồng thời đau khổ vì một vết đứt nhỏ trên bàn tay hay bàn chân. Chừng nào mà nỗi đau chính yếu còn mạnh mẽ, chừng nào ta còn ở trong sự chi phối của một cơn sốt cao, ta sẽ không cảm nhận được những đau đớn thứ yếu. Nhưng ngay khi cơn sốt hạ, ta bắt đầu cảm nhận các vết đứt. Tương tự như thế, loại đau khổ thứ hai và thứ ba khiến ta không nhận thức được những hoàn cảnh vi tế của nghiệp của ta, là cái thực sự trói buộc ta. Chỉ khi ta thoát khỏi những đau khổ to lớn nhất ta mới trở nên ý thức về những hoàn cảnh vi tế của sự nô lệ của ta.

Một đoạn văn trong Luận giảng về Luận tạng nói: “Chỉ một sợi tóc trong bàn tay và đâm vào mắt cũng đủ gây nên sự khó chịu và đau khổ. Người chưa chín chắn, giống như lòng bàn tay, không hiểu được nỗi khổ cố hữu đối với sự hiện hữu bị quy định, trong khi những bậc chứng ngộ thì giống như con mắt, nhận ra nỗi khổ cố hữu đối với sự duyên hợp.” Loại đau khổ thứ nhất có mặt ở khắp nơi, và cho dù ta không chú ý tới sự hiện diện của nó, nó là sợi xích ngăn trở ta nhiều nhất.

Sự biến đổi thường xuyên mà ta kinh nghiệm trong cuộc đời ta là một phần của cùng một tiến trình, giống như chuỗi những tái sinh. Mỗi sự biến đổi đều được quy định bởi vô số các yếu tố. Mọi hiện tượng đều tùy thuộc vào nhau. Chúng ta bị tác động liên tục, bị đẩy tới với rất ít sự chọn lựa riêng tư. Dĩ nhiên, ta có một mức độ lựa chọn nào đó, nhưng chừng nào tâm ta không thoát khỏi sự bám luyến và những độc chất khác trong tâm thì tự thân sự chọn lựa này vẫn bị quy định. Những áp lực và yêu cầu của đời sống tân tiến có thể cho ta ý niệm về những giới hạn trong khả năng hành động của ta.

Gampopa minh họa ý kiến của ngài bằng nhiều ví dụ, nhưng tôi nghĩ là không nhất thiết phải lưu ý tất cả những điều đó. Trên thực tế, chỉ từng đó cũng đủ để ta nhận ra nỗi khổ ở quanh ta.

Sự Tái sinh

Gampopa cũng cảnh báo chúng ta về sự nguy hiểm của việc dính mắc vào những vấn đề của ta và nguy cơ của việc đắm mình trong những đau khổ của riêng ta. Ta phải hiểu rõ chân tánh của chúng. Sau khi định nghĩa đau khổ là gì, Gampopa mô tả cách thức đặc biệt mà đau khổ biểu lộ trong mỗi cõi. Gampopa cảnh báo chúng ta chống lại sự dính mắc mà ta có thể cảm thấy đối với một cõi hay cõi nào khác trong những cõi này và mặt khác, khuyến khích ta phát triển quyết định kiên cố để tuyệt giao với đau khổ, lìa bỏ sự hiện hữu sinh tử, và đạt đến giác ngộ chân thực.

Ở đây ta đi vào vấn đề tái sinh. Đôi khi những người Tây phương khó có thể hội nhập được ý niệm này, bởi tái sinh không phải là một thành phần trong bối cảnh văn hóa của họ. Thực ra nó chỉ là một phương diện của sự tương thuộc và không có sự hiện hữu nội tại của ngã và các hiện tượng. Đối với người đến từ một nền văn hóa nơi mà ý niệm này là điều tất nhiên, thì dường như thật lạ lùng khi không tin vào nó! Thực ra, hầu hết mọi cuộc đời hình thành quanh chúng ta trải qua tiến trình tái sinh này. Hãy lấy những bông hoa, cỏ, cây làm ví dụ: mọi sự quanh ta chết đi và tái sinh liên tục. Đóa hoa này là kết quả của đóa hoa trước đó. Một đóa hoa héo úa, rễ của nó đào sâu vào mặt đất, và khi những điều kiện đúng đắn cùng hội tụ - đất, nước, mặt trời – đóa hoa khác được sinh ra từ cùng một chiếc rễ. Hầu như mọi cuộc đời hình thành quanh ta đều lập lại chu kỳ này.

Theo Phật giáo, những cuộc đời liên tục của ta không giống như một chuỗi hạt mà mỗi cuộc đời là một hạt và sợi giây là linh hồn xuyên qua tất cả những hạt đó. Triết học Phật giáo phủ nhận sự hiện hữu của một tinh thần hay một linh hồn đi từ một thân thể sang thân thể khác, như thể ta thay đổi quần áo (cho dù đôi khi đây là điều được trình bày vào lúc bắt đầu để giúp đỡ người khác hiểu biết về tiến trình). Khi ta đi tiếp tới đời sau, không có điều gì được dời đi, không có cái gì đi từ nơi này sang nơi khác. Để minh họa điều trọng yếu này, Gampopa đưa ra tám ví dụ, nhưng ta sẽ chỉ xem xét bốn ví dụ thôi.

Ví dụ thứ nhất là ya-ua (sữa chua). Làm cách nào sữa trở thành sữa chua? Sữa không phải là sữa chua và sữa chua không phải là sữa. Khi nó là sữa thì chưa là sữa chua và khi nó trở thành sữa chua thì không còn là sữa nữa. Không thể là sữa chua mà không có sữa, nhưng sữa biến mất khi sữa chua xuất hiện. Không phải là có cái gì đó đi ra khỏi sữa và đi vào sữa chua. Vì thế, không có cái gì thực sự đi ra khỏi ta. Những điều kiện hiện tại của ta tạo nên giây phút kế tiếp cũng như đời sau của ta.

Ví dụ khác là tấm gương. Khi ta nhìn vào một tấm gương, ta thấy một phản chiếu trong đó, nhưng hình ảnh ấy xuất hiện ra sao ở đó? Khuôn mặt của ta không di chuyển – không có thành phần nào trong khuôn mặt ta được di chuyển tới tấm gương – tuy thế hình dạng của nó xuất hiện, và không có khuôn mặt của ta thì không có sự phản chiếu trong gương.

Bây giờ giả dụ một cây nến được đốt lên và ta thắp một cây nến thứ hai cùng cây nến thứ nhất. Làm thế nào ngọn lửa đi từ cây nến này sang cây nến kia? Nếu ta nhìn một ngọn lửa nến, nó cháy liên tục, từ lúc bắt đầu cho tới khi cây nến hoàn toàn tàn lụi. Nó có cùng một ngọn lửa hay không? Có một ngọn lửa, hay có nhiều ngọn lửa?

Hãy lấy ví dụ khác. Tôi ở đây vào lúc này. Tại sao? Bởi tôi đã ở đây vào giây phút trước. Vì sao tôi ở đây? Tôi có thể nói đó là bởi tôi đã được sinh ra. Thực ra, nếu tôi không chưa bao giờ được sinh ra thì tôi không ở đây. Sự sinh ra của tôi là một trong vô số yếu tố của sự hiện diện của tôi ở đây. Nếu tôi được sinh ra nhưng không lớn lên, nếu tôi chết trẻ, tôi cũng không ở đây. Vì thế tuổi trẻ của tôi là nguyên nhân của sự hiện diện của tôi ở đây. Tôi cũng có thể trả lời rằng nếu tôi ở đây, đó là bởi ngày hôm qua. Ngày hôm qua tôi không chết, và vì thế tôi vẫn còn ở đây. Sự hiện diện của tôi ở đây và vào lúc này là kết quả của quá khứ của tôi. Tuy nhiên, quá khứ đó không có nghĩa là tôi đã luôn luôn là cách tôi đang là. Vì thế, ta không thể nói về một cái “ngã.”

Theo quan điểm của Phật giáo về sự tái sinh, cũng như giây phút hiện tại tạo nên giây phút kế tiếp, cuộc đời hiện tại này là nguyên nhân của đời sau. Giây phút cuối cùng tạo nên giây phút kế tiếp. Điều này không khác biệt với cách một bông hoa phát triển. Cái ta là vào lúc này thì được quy định bởi quá khứ của ta. Nếu ta không từng là những đứa trẻ, ta sẽ không là những người trưởng thành như ta là hiện nay. Tuy thế ta không còn là trẻ con nữa: ta có thể có một ít tóc bạc, một số nếp nhăn. Đứa trẻ đó và ta là “một” và đồng thời khác biệt nhau. Cuộc đời hiện tại và cuộc đời tương lai của ta có một mối liên hệ tương tự. Những hoàn cảnh hiện tại, tình huống của ta, hành động của ta, tư tưởng trong hiện tại của ta tạo nên giây phút kế tiếp. Những hoàn cảnh, hành động, và tư tưởng của giây phút kế tiếp quy định giây phút tiếp theo và v.v.. Vì thế cái ta là vào lúc này quy định tương lai của ta. Đó là một tiến trình liên tục, và nó chứng minh rằng bởi ta ở đây vào lúc này, ta đã ở đây ngày hôm qua và ngày hôm kia. Làm sao ta có thể biết rằng ta đã sống ngày hôm qua? Làm sao ta biết điều đó một cách chắc chắn? Đâu là bằng chứng? Ngày hôm qua có thể chỉ là một giấc mộng! Bằng chứng duy nhất của ta về việc đã hiện hữu vào ngày hôm qua là việc ta hiện hữu vào ngày hôm nay! Nếu ta không ở đây hôm nay, ta không thể từng ở nơi nào đó vào ngày hôm qua. Bằng chứng cho ngày mai là sự hiện hữu ngày hôm nay của ta. Ta không biến mất. Ta cũng sẽ ở đây ngày mai, nhưng có thể trong một hình tướng khác.

Thân thể ta biến đổi. Mọi sự biến đổi. Cảm xúc của ta về “tôi là,” “tôi là gì khi là một đứa trẻ,” “đứa bé này là tôi,” “tôi sẽ là ông lão đó” là sự tự nhận dạng của ta. Đó là yếu tố chính nối kết chúng ta với nhân dạng của ta và tiếp tục trong đời sau. Dù ta thấy mình là một đứa trẻ, một người trưởng thành, hay một ông lão, ta nghĩ: “Đây là tôi.” Tương tự như thế, trong đời sau của ta, ta nghĩ: “Đây là tôi,” cho dù những điều kiện đã thay đổi.

Những cảm xúc, hành động, nghiệp của ta liên tục tạo ra vô số điều kiện. Những điều kiện này không thể thình lình biến mất khi ta chết. Khi ta bắn một mũi tên, nó tiếp tục đường đi của nó và nhất thiết là nó sẽ rơi xuống nơi nào đó. Nó sẽ không thình lình bốc hơi giữa không trung! Những điều kiện này phải được bao gồm trong một tương lai, trong một sự kiện sau này. Vì thế chúng phải có một sự tiếp tục, đó là đời sau. Đó là cách ta giải thích những chuỗi hiện hữu. Tuy nhiên, đời sau sẽ không hoàn toàn giống như thế. Ta sẽ khác người mà ta là trong đời này. Chẳng có gì của thân ta cũng như chẳng có gì của tâm ta được chuyển hóa từ một cuộc đời sang cuộc đời khác. Đời kế tiếp được tạo ra, được tạo lập bởi trạng thái hiện tại của ta. Nó không phải là một bản sao chính xác của những gì ta là hiện nay.

Đây cũng là điều giải thích làm thế nào, theo triết học Phật giáo, nếu ta thấu hiểu sự không hiện hữu của cái ngã, ta có thể hiển lộ trong hai, ba, bốn, hay một trăm hóa thân khác nhau. Vì thế ta được biết rằng một bậc đã đạt được bhumi5 (địa) thứ nhất có thể hiển lộ một trăm hiện thân. Những vị đạt đến địa thứ hai có thể hiển lộ một trăm ngàn hiện thân và v.v.. theo cấp số tăng lên. Điều này có nghĩa là sự tự do của ta tăng trưởng một cách tương xứng với việc ta hiểu biết về chân tánh của các sự vật và việc ta làm chủ được tâm thức và vật chất.

Tiến trình của cái chết là một sự tan rã. Cuộc đời, thân thể, tâm thức – mọi sự tan rã. Cấu trúc tinh thần kế tiếp là sản phẩm của tiến trình này và v.v.., trong từng giây phút. Cùng cách thế đó, đời trước không giống hệt cuộc đời ta đang sống, nhưng nó không hoàn toàn khác biệt. Cái ta đang là chính là sản phẩm của đời trước của ta. Người rất quan tâm đến tâm linh trong đời cuối cùng có lẽ cũng có cùng xu hướng như thế trong đời này. Đây là cái ta gọi là dấu ấn nghiệp.6 Những dấu ấn nghiệp khác nhau tạo nên những loại người khác nhau.

Điều này có thể khiến một vài người rơi vào bẫy của một thái độ tiêu cực khi nghĩ rằng: “Tôi là kết quả của quá khứ của tôi, và bởi tôi là kết quả của những nghiệp ấn nên tôi không thể làm gì về nó.” Dĩ nhiên, ta không thể thay đổi cái ta đang là hiện nay, bởi ta đã là cái ta là. Ta không thể làm được gì về nó bởi nó là kết quả của quá khứ của ta. Nhưng ta có thể điều khiển một phần cái ta sẽ là trong tương lai. Nếu quá khứ đã tạo ra hiện tại của ta thì hiện tại của ta tạo ra tương lai của ta. Cái ta có thể là trong khoảnh khắc kế tiếp, trong năm tới, hay đời sau thì ở trong tay ta, ngay lúc này !

Sáu Cõi

Đối nghịch với những gì một số người Tây phương có khuynh hướng suy nghĩ, không có định mệnh đặc biệt nào gắn liền với những hành động đặc biệt. Hãy lấy việc tự tử làm ví dụ. Tự tử có nghĩa là lấy đi một cuộc đời, là điều được coi là hết sức tiêu cực. Tuy nhiên, theo quan điểm của Phật giáo, điều ta làm hay không làm không phải là tiêu chuẩn duy nhất để quyết định một hành động được coi là tốt, xấu, hay rất xấu. Tiêu chuẩn chính yếu là động lực nằm bên dưới hành động.

Ta cần hiểu biết một cách đúng đắn lý thuyết về nghiệp. Nghiệp là trạng thái mà ta tạo ra: dù ta làm điều gì, mọi hành động sẽ có những kết quả. Nghiệp phát triển từ trạng thái này, là cái trực tiếp tạo nên khoảnh khắc kế tiếp. Nghiệp không phải là kết quả dài hạn của những gì ta làm hiện nay: nó là một tiến trình của những hành động và phản ứng. Những kết quả này có thể được cảm nhận trong một phạm vi ngắn hạn hay dài hạn, nhưng điều tối quan trọng là phải hiểu rằng tất cả những gì ta làm sẽ có những kết quả.

Điều tương tự cũng xảy ra đối với sáu cõi. Chẳng hạn như việc tái sinh trong một cõi địa ngục là kết quả của trạng thái của ta. Sự thù ghét, sân hận, và những tư tưởng tiêu cực của ta trở nên thực tế hơn, cụ thể hơn, và vì thế ta thấy mình ở trong một cõi địa ngục. Đó không phải là một nơi ta được phái đến. Ở một nơi duy nhất, những chúng sinh khác nhau có thể kinh nghiệm các địa ngục, thiên đường, hay thế giới con người. Chẳng hạn như lấy nước làm ví dụ: nó được chúng sinh cư trú ở mỗi một trong sáu cõi tri giác bằng một cách thế rất khác nhau. Một con người sẽ thấy nước là một thức uống tươi mát, một chúng sinh địa ngục thấy nó là kim khí nóng chảy, một ngạ quỷ thấy nó là thuốc độc; một con cá sẽ coi nước là môi trường sinh sống của nó, và một vị trời sẽ thấy đó là chất cam lồ của sự trường thọ và vẻ đẹp. Những quan điểm khác nhau này chỉ đơn thuần là kết quả của trạng thái của ta, của sợi dây xích hành động và phản ứng theo nghiệp của ta. Theo Phật giáo, những cõi khác nhau này là những trạng thái của tâm được sinh ra bởi sáu cảm xúc tiêu cực. Chúng sinh bị chi phối bởi sự thù ghét và sân hận sẽ bị tái sinh trong các địa ngục. Sự thống trị của tham muốn là nguyên nhân cho việc tái sinh trong thế giới loài người. Nếu vô minh, sự ngu si và mê lầm lấn át, ta bị sinh làm một súc sinh. Nếu sự ghen tị hết sức mạnh mẽ, ta bị sinh trong thế giới của các bán thần (a tu la) ganh tị. Nếu sự kiêu ngạo trội vượt thì ta bị sinh trong các vị trời. Sáu cảm xúc tiêu cực này tiêu biểu cho sáu tâm thái tạo thành cái ta gọi là sinh tử.

Ta cần tri giác và nhận ra ba loại đau khổ trùm khắp sáu cõi, bất kỳ nơi nào ta sinh ra và bất kỳ hình thức sống nào của ta. Trong sinh tử, không có hạnh phúc trọn vẹn mà cũng không có tự do tuyệt đối. Cách thức duy nhất để đạt được hạnh phúc và tự do tuyệt đối là giải thoát bản thân khỏi tâm thái sinh tử bằng cách nhận ra phẩm tính chân thật của Phật tánh và bằng cách phát triển nó. Nhận thức này hoàn toàn giải thoát chúng ta khỏi sự mê lầm và những tin tưởng sai lạc và đưa ta tới giác ngộ.

Sự Hiểu biết về Nghiệp

Ba hình thức đau khổ được đề cập trong chương trước là kết quả của nghiệp. Kinh Một trăm Nghiệp quả7 giảng nghĩa làm thế nào những loại nghiệp khác nhau tạo ra đủ loại sinh loài. Theo Phật giáo, mọi sự do nghiệp tạo ra, không có gì là tác phẩm của một đấng toàn năng. Mọi sự ta làm tạo nên hậu quả của nó, kết quả của nó. Không có đấng siêu việt hay vị trời nào hài lòng hay khó chịu về những gì ta làm và khen thưởng hay trừng phạt những thiện hạnh hay ác hạnh của ta. Luật nghiệp quả, trong thực tế là định luật tương thuộc, có thể được nói theo cách này: Mọi sự ta làm sẽ có những kết quả. Một thiện hạnh sẽ có những kết quả tốt. Một ác hạnh sẽ có những kết quả xấu. Không có điều gì và không ai quyết định việc khen thưởng hay trừng phạt ta. Chính sức mạnh của hành động mang lại kết quả tương ứng.

Sự tương tác của tất cả những hành động mà ta làm thì thật phức tạp, như những câu chuyện sau đây minh họa. Một bà lão vừa nghe giảng về những kết quả của nghiệp tại một tu viện lân cận. Khi nói về những lợi lạc của thiện hạnh, Lạt ma đã khẳng định rằng ngay cả những thiện hạnh nhỏ bé cũng có những kết quả to lớn, chẳng hạn như, nhờ tụng một lần duy nhất danh hiệu của Đức Phật A Di Đà, ta sẽ được tái sinh trong cõi tịnh độ Sukhavati8 (Cực Lạc). Khi nói về hậu quả tiêu cực của những ác hạnh, ngài nói rằng lỗi lầm nhỏ bé nhất, thậm chí một sự nói dối đơn giản, cũng đủ để nhận chìm chúng ta trong những địa ngục trong hàng ngàn kiếp. Bà lão bối rối, đi tới vị Lạt ma và hỏi ngài: “Nếu những gì ngài nói về kết quả của các thiện hạnh là chân thực, không chỉ các Lạt ma mà ngay cả con cũng thành Phật trong đời này. Trái lại, nếu con tin điều ngài nói về ác hạnh, thì chắc chắn là không chỉ một mình con mà ngay cả ngài cũng sẽ đọa địa ngục! Như thế, chúng ta đứng ở đâu?”

Trong thực tế, không ai trong chúng ta xử sự hoàn toàn tích cực hay tiêu cực. Hành vi của ta, nghiệp của ta bao gồm rất nhiều yếu tố không xứng hợp hoàn toàn bị kết buộc vào nhau, điều tiêu cực cùng với điều tích cực, khiến các kết quả cũng vô cùng phức tạp. Người ta nói rằng mỗi màu sắc của một chiếc lông công có nhân quả riêng của nó. Chỉ có một bậc hoàn toàn chứng ngộ mới có thể quyết định một cách chính xác đâu là nguyên nhân của một sự việc. Không ai hành động theo một cách thế hoàn toàn tích cực hay tiêu cực, và vì thế những kết quả mà ta gặt hái thật hỗn tạp.

Ý niệm nghiệp thường bị ngộ nhận và lầm lẫn với thuyết định mệnh, sự chấp nhận thụ động định mệnh của ta. Khi đó nghiệp được coi là một sức mạnh lôi kéo ta giống như một kiện rơm bị xô đẩy trên đại dương của cuộc đời. Tuy nhiên, đây không phải là lý thuyết về nghiệp của Phật giáo, là cái gì không hoàn toàn là định mệnh mà năng động hơn nhiều.

Định luật nghiệp quả chính là định luật của sự tương thuộc, của sự xuất hiện có điều kiện. Như đã được giải thích trong tiết mục trước, điều ta là hiện nay là kết quả của quá khứ của ta, của nghiệp mà ta từng tích tập. Sức mạnh của nghiệp này đã định hình chúng ta và đặt ra các giới hạn của những gì mà ta đang là. Điều đó giải thích vì sao ta không luôn luôn thành tựu được những gì ta muốn. Dĩ nhiên là chúng ta bị giới hạn nhưng trong hình thức, không gian của ta, ta có sự chọn lựa để hành động theo một cách thế nào đó hay không. Giờ đây tương lai của ta nằm trong tay ta. Điều ta làm hiện nay sẽ tạo nên tương lai của ta. Đây là luật nghiệp quả. Mỗi người có nghiệp riêng của họ, hay chính xác hơn nữa, mỗi người nghiệp của riêng họ.

Ngoài nghiệp cá nhân (biệt nghiệp) còn có cái được gọi là nghiệp tập thể (cộng nghiệp). Thế giới mà ta sống trong đó là sản phẩm của cộng nghiệp của những cư dân của nó. Những chúng sinh cùng chia sẻ những cấp độ hiện hữu theo nghiệp giống nhau có thể truyền thông với nhau, là điều họ không thể làm được nếu họ sống ở những thế giới khác nhau. Tuy nhiên, cách thức chúng sinh hành động trong một cấp độ nghiệp nào đó và cách họ bị ảnh hưởng một cách riêng lẻ bởi các sự kiện chung nhất thì tùy thuộc vào biệt nghiệp của họ.

Ta Tích tập Nghiệp ra sao?

Ta tích tập nghiệp bởi định luật nhân quả, hay hành động-phản ứng. Theo Abhidharmakosha (A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận), có hai loại hành động, hai khía cạnh của sự tích tập nghiệp, là điều trong tiếng Tây Tạng chúng tôi gọi là sempele9sampele.10

Yếu tố thứ nhất là hoạt động của tâm, tư tưởng, ý hướng. Sempe-le có nghĩa là nghĩ tưởng mà không hành động. Thực ra, mỗi hành động bắt đầu trong tâm ta. Không có một tư tưởng lúc ban đầu thì không thể có hành động. Đây là nghiệp của tâm, của động lực. Ta không đưa nó vào hành động, nhưng động lực đã có ở đó. Yếu tố thứ hai, sampe-le, nghĩa là đưa tư tưởng vào hành động, dù bằng vật lý (thân thể) hay bằng ngôn từ.

Những phạm trù khác nhau này về các hành vi có thể có ba loại kết quả: nghiệp tích cực, tiêu cực, hay trung tính. Nghiệp tiêu cực là kết quả của một hành vi thực sự ác hại, chẳng hạn như sát sinh, nói dối, hay trộm cắp. Ta nói về mười hành vi ác hại, là những điều nằm trong các nguyên nhân chính yếu của nghiệp tiêu cực. Nghiệp tích cực là sản phẩm của những hành động tốt lành (thiện hạnh), như bố thí, bảo vệ mạng sống, sống đức hạnh và v.v.. Nghiệp trung tính xuất phát từ sự không hoạt động của ta, như khi ta ngủ và khi ta ở trong samadhi.11 Khi đó ta không tạo nghiệp, dù tích cực hay tiêu cực.

Ba loại Nghiệp Quả

Ta phân biệt ba loại kết quả.

Loại kết quả đầu tiên được gọi là kết quả trực tiếp, hay kết quả của sự thuần thục. Chẳng hạn như một người phạm tội sát nhân do hận thù một bậc phi thường vô cùng tử tế đối với chúng ta. Kết quả trực tiếp của một hành động khủng khiếp như thế có thể là, chẳng hạn thế, bị tái sinh trong những địa ngục hay phải chịu sự đau khổ hết sức dữ dội.

Loại kết quả thứ hai là điều ta gọi là điều kiện tương tự. Giống như kết quả trực tiếp của một kẻ sát nhân như thế sẽ bị tái sinh trong địa ngục, điều kiện tương tự sẽ là tái sinh trong thế giới con người nhưng với một thọ mạng ngắn ngủi. Bởi tính chất tương tự của điều kiện, người đó sẽ chết một cách dữ dội bởi một tai nạn, một cuộc tấn công, hay một sự kiện tương tự.

Loại kết quả thứ ba bao gồm những hậu quả phụ thuộc. Chẳng hạn như sau kết quả trực tiếp của việc tái sinh trong địa ngục và đã kinh nghiệm các điều kiện tương tự, ta vẫn có thể phải chịu những hậu quả phụ thuộc, chẳng hạn như bị sinh ra ở một nơi vô cùng hỗn loạn, không vững chắc, là nơi nạn đói và chiến tranh xảy ra ác liệt.

Nghiệp Thuần thục theo Bốn Cách 

Mặc dù điều này không được đề cập trong bản văn của Gampopa, nó rất ích lợi để giúp ta hiểu rõ bốn cách thuần thục của nghiệp.

Trước hết là tức thì. Ngay sau hành động là kết quả của nó. Ta đánh người nào đó và người ấy đánh trả lại. Ta sỉ nhục người nào đó và ngay lập tức người ấy đáp trả. Hậu quả xảy ra trong một cuộc đời được gọi là hậu quả tức thời.

Cách thứ hai là khi kết quả không được nhìn thấy ngay trong đời này nhưng xảy ra trong đời sau.

Thứ ba là khi kết quả được tạo ra trong một tương lai không được xác định, bởi hành động đã phạm không quá mạnh mẽ.

Cách thứ tư là khi nó không rõ ràng dù hành động sẽ có một kết quả hay không. Nó yếu tới nỗi có thể không có kết quả đáng kể nào.

Tầm quan trọng của sức mạnh của động lực cho thấy tương lai của ta không hoàn toàn do những hành động trong quá khứ quyết định. Giả sử như do bởi nghiệp được kết hợp với những hành động trong quá khứ của ta, ta được cho là sẽ hành động theo một cách nào đó. Nếu động lực hiện tại của ta đi theo một hướng đối nghịch và rất mạnh mẽ, hậu quả của nghiệp tiêu cực của ta có thể bị trì hoãn hay thậm chí được ngăn ngừa và khi đó ta có thể đi theo một hướng mới. Khi động lực mạnh mẽ hơn áp đảo động lực yếu, đó là một ví dụ của điều mà ta gọi là kết quả tức thời. Một cách tự nhiên, những cơ chế này cũng áp dụng cho các thiện hạnh.

Đập vỡ Xiềng xích của Nghiệp

Chừng nào ta còn là những tù nhân của tiến trình tích tập nghiệp này, dù là nghiệp xấu hay tốt, ta còn bị trói buộc trong sinh tử. Khi tạo nghiệp tốt, nghiệp xấu, rồi nghiệp trung tính, ta đi lòng vòng, lên xuống, trong sự lầm lạc của sinh tử. Tuy nhiên, mọi nghiệp đều nhất thời: những kết quả xuất hiện và biến mất. Chúng không phải là một thành phần của chúng ta; chúng ngẫu nhiên và tạm bợ. Vì thế ta có thể hoàn toàn đập vỡ xiềng xích và giải thoát bản thân.

Mọi nghiệp, dù xấu hay tốt, đều có thể được tịnh hóa. Ngay cả nghiệp xấu xa nhất cũng có thể được tẩy sạch khi ta thành tâm hối tiếc điều ta đã làm và cam kết không tái phạm. Khi đó ta thay thế ác nghiệp bằng thiện nghiệp.

Nhưng thậm chí ta có thể đi xa hơn nữa, và điều tốt nhất ta có thể làm là đập vỡ xiềng xích của nghiệp một lần và mãi mãi. Điều này có thể thực hiện được nếu ta hoàn toàn tẩy trừ sự vô minh của ta, là ảo tưởng về bản ngã. Việc chiến thắng sự vô minh, mê lầm của ta, giải thoát ta khỏi sự kềm kẹp của bản ngã. Ngay khi không còn “người” kinh nghiệm những kết quả của nghiệp, dây xích của nó bị đập vỡ. Không có sự tích tập của nghiệp thì không có thêm nghiệp quả.

Đây là một câu chuyện minh họa vấn đề này. Trong thời Đức Phật còn tại thế, vua A Xà Thế giết cha của mình, là một A La Hán thánh thiện. Về sau, do ảnh hưởng của Đề Bà Đạt Đa, một người em họ có tánh hay ganh tị của Đức Phật, nhà vua toan giết ngay cả Đức Phật. Thật may mắn là vua đã không thể phạm vào hành động vô cùng tàn ác này. Năm tháng trôi qua và nhà vua hiểu được sự khủng khiếp của tội ác đó. Tràn ngập sự ăn năn, vua đã hối lỗi và khẩn cầu Đức Phật gởi đến cho ông một người để nghe ông sám hối và giúp ông tịnh hóa bản thân. Đức Phật đã phái Đức Văn Thù, là người thay vì trấn an nhà vua, đã cam đoan là vua sẽ bị đọa vào địa ngục đen tối nhất mà không có chút hy vọng nào ra khỏi nơi đó. Vua A Xà Thế tuyệt vọng. Khi vua rơi vào trạng thái vô cùng tuyệt vọng, thình lình Đức Văn Thù hỏi ông: “Hãy nhìn kỹ xem. Ai sắp bị thiêu cháy trong địa ngục? Cái gì ở trong ông thực sự sắp vào địa ngục? Cái gì, hay ai?”

A Xà Thế tìm kiếm và cuối cùng, trong chốc lát, nhận ra được chân tánh của mình. Ông nhận ra rằng mình không phải là một đơn vị độc lập sẽ đi vào địa ngục, mà là một toàn thể (một uẩn) và một sự xuất hiện từ nhiều nguyên nhân và điều kiện (duyên); hầu như là một tiến trình. Trong chốc lát, ông nhận ra chân tánh của mình. Ngay lập tức ông đập vỡ sợi xích nghiệp quả và hoàn toàn giải thoát bản thân. Ông đã đạt được cấp độ thứ nhất của sự chứng ngộ.

Mục tiêu chính yếu của Giáo Pháp là đập vỡ sợi xích nghiệp quả, đập vỡ sự dính mắc, bám chấp, gắn kết này, nó chính là gốc rễ của sinh tử. Việc giảm thiểu sự gắn kết với một cái ngã, sự dính mắc vào ý niệm bản ngã, cho phép ta buông bỏ, thư thản. Cuối cùng ta có thể đặt xuống gánh nặng vô ích mà ta từng mang quá lâu.

Rất cần phải thấu hiểu điều này, thậm chí cho đến chừng nào đời sống hàng ngày của ta còn được quan tâm, và đặc biệt là ở phương Tây, nơi cách tiếp cận tâm lý có khuynh hướng giải thích mọi vấn đề trong sự liên hệ với những kinh nghiệm trong thời thơ ấu. Theo cách tiếp cận của Phật giáo, chính ký ức, sự dính mắc vào các ký ức là nguồn mạch thực sự của các vấn đề. Trong thực tế, bạn không còn là đứa trẻ bị ngược đãi, không được yêu thương, bị ngộ nhận đó nữa. Vào lúc này, nỗi khổ đó chỉ tác động lên bạn bởi bạn nghĩ rằng bạn là con người đó. Nếu bạn không bám chấp vào những hồi ức đó, nếu bạn không gắn kết với đứa trẻ mà có một thời bạn là, thì những kinh nghiệm trong quá khứ không còn là vấn đề đối với bạn nữa và không thể ảnh hưởng tới bạn. Chúng sẽ chỉ là hồi ức về những sự kiện đã xảy ra cho người nào khác. Ngay khi ta hiểu rằng quá khứ là quá khứ, hiểu rằng nó chỉ là một ký ức, thì ngay lập tức ta giải thoát bản thân khỏi những vấn đề mà ta từng mang theo trên người rất lâu.

Vì thế, hãy cố gắng thấu hiểu và chứng ngộ sâu xa tánh Không. Việc thấu hiểu và kinh nghiệm chân lý tuyệt đối là vũ khí tối thượng có thể chặt đứt giây xích nghiệp quả.

Tuy nhiên, đồng thời cũng rất cần phải hiểu rằng đừng bao giờ phớt lờ nghiệp hay xem thường những hậu quả của nó. Chừng nào ta còn kinh nghiệm một bản ngã thì ta còn ở trong sự lầm lạc và vô minh, và như thế còn chịu tác động của những hậu quả của nghiệp. Vì thế, hãy càng thận trọng càng tốt để tích tập thiện nghiệp và tránh tạo ra ác nghiệp, trong khi cố gắng phát triển sự hiểu biết về thực tại tối hậu. Những giáo huấn này là giáo huấn cốt tủy của các Lạt ma Kadampa.

Xem mục lục