Ngay cả trước khi bắt đầu việc tu tập,[88] ta cũng cần có một sự chuẩn bị hết sức kĩ lưỡng. Để khởi đầu, sự thực hành quan trọng nhất là ba pháp tu tập cao hơn: tu tập giới luật (Śila), sự tập trung tâm trí hay thiền định (samdhi), và tuệ giác hay trí tuệ (Prajđ).[89]
Kinh điển thường mô tả một cách tổng quát sự chuyển đổi từ giai đoạn này sang giai đoạn khác dựa vào kinh nghiệm của hành giả. Do đó, điều quan trọng cần phải hiểu được là con đường thực sự mà hành giả đang theo đuổi chính là con đường liên tục phát triển sâu sắc hơn nữa tri kiến và sự giác ngộ về tính không; thuật ngữ Phật giáo gọi đây là phần Tuệ học. Hơn nữa, trí tuệ giác ngộ tính không này phải được phát triển trong bối cảnh kết hợp giữa trạng thái nhất tâm và sự quán chiếu nội tâm; thường được biết đến như là sự kết hợp giữa hai pháp tu chỉ (śamatha) và quán (vipaśyana).
Để có được sự kết hợp giữa hai điều này, ta phải phát triển pháp tu chỉ trước tiên, vì chỉ có điều này mới cho phép ta định hướng được năng lực và sự tập trung của mình. Do vậy, việc tu tập pháp chỉ là điều then chốt. Để đạt đến thành công, cần phải có hai yếu tố, đó là sự vận dụng chánh niệm và sự vận dụng tâm tỉnh giác. Bản thân hai năng lực này lại chỉ phát triển thành tựu nếu sự nhất tâm của ta được dựa trên cơ sở một nếp sống đạo hạnh, luôn tuân thủ giới luật trong cả thái độ và cách sống. Dĩ nhiên, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng cơ bản của giới hạnh. Như vậy, giờ đây ta có thể thấy là cả ba pháp tu tập giới, định và tuệ có quan hệ gắn liền với nhau như thế nào.
Và cả ba pháp tu tập này là chung cho cả Thanh văn thừa cũng như Đại thừa.