PHẦN 4
HERUKA VAJRASATTVA TSOK
16
TSOK LÀ GÌ ?
“Tsok” có nghĩa tụ tập lại. Chúng ta cùng nhau gom góp lễ vật để cúng dường và bản thân chúng ta tụ tập lại để thực hành tu tập. Tụ họp với các người tu tập khác, tập trung tâm chúng ta vào một không gian, tất cả sẽ cho chúng ta sự cảm ứng lớn lao. Sự tập họp lại sẽ tốt hơn nhiều so với việc làm lễ puja một mình trong phòng riêng. Đây là ý nghĩa rộng của chữ “Tsok” theo người Tây tạng.
Một ví dụ, nhóm puja ở đạo tràng của tôi ở Sera được so sánh với cây chổi bằng cọng rơm. Bạn không thể quét được nhiều cái sàn phòng học với chỉ một cọng rơm, nhưng khi gom nhiều cọng rơm làm nên một cây chổi thì bạn có thể quét cả phòng rất nhanh. Chúng ta không thể kiên định mãnh liệt như các hành giả nổi tiếng như Ngài Milarepa. Ngài rất ổn định dù ở một mình. Chúng ta chưa được như thế.
Cho nên sẽ rất tốt khi chúng ta cùng nhau tập họp lại, cố gắng triển khai sự nhất tâm và tâm của một trăm người đều gặp ở cùng một chỗ. Điều này sẽ trở nên rất mạnh.
Trong truyền thống Tây tạng “Tsok” là một phương pháp tịnh hóa sâu xa nhất, một con đường sâu sắc để đạt tới những chứng ngộ. Khi bạn tụng kinh bằng tiếng Anh bạn có thể thấy biết bao nhiêu chủ đề bao gồm trong việc thực hành. Chẳng hạn, Guru Puja bao gồm trọn vẹn con đường đưa tới giác ngộ từ đầu tới cuối. Có thể xảy ra chuyện là vào những thời thiền định lam-rim mỗi ngày, bạn không tạo nên một tiến bộ rõ rệt nhưng trong Puja, nhờ vào bầu không khí khai dẫn mà các bạn tạo ra, chợt bất thình lình, ầm ! – một chứng ngộ xảy đến trong tâm bạn. Nhiều người đã đạt được những chứng ngộ trong thời Puja đơn giản là nhờ vào bầu không khí đó.
Thông thường, chúng ta tự mình thúc ép để đạt cho được nhưng rồi không có gì xảy đến, bởi vì chúng ta không tạo nên một khoảng trống cho nó xảy đến. Nhờ vào cơ hội tụ tập với nhau lại để dâng lễ Tsok, chúng ta tạo ra khoảng trống. Khi khoảng trống đích thực mở ra, ầm ! – các chứng ngộ xuất hiện như bị hấp lực từ trường. Thật đúng như vậy.
Do đó, điều quan trọng là tự đặt mình vào bầu không khí đúng thực khi bạn thực hành sadhana hay một pháp nào khác. Có lẽ trong quá khứ bạn đã thực hành một lễ Puja đặc biệt được một trăm lần rồi nhưng dù thế bạn vẫn chưa bao giờ hoàn toàn đạt tới chỗ đúng. Và rồi, ở một điểm nào đó, bạn đạt tới đúng chỗ, ầm ! – điều gì đó xảy đến. Để triển khai, chúng ta cần bầu không khí đúng.
Trong thuật ngữ giáo lý đạo Phật, chúng ta nói về nghiệp như là : “Hãy tạo ra nghiệp thiện và rồi bạn sẽ có được quả lành.” Tôi chỉ có ý định muốn nói với các bạn rằng để có được quả mà bạn muốn có bạn phải tạo ra bầu không khí đúng. Nếu bạn lập một vườn rau có mái che thì hoa quả sẽ xuất hiện và cơn mưa đó cũng không làm hư hại chúng được. Cũng y như vậy đối với tâm non trẻ của chúng ta. Chúng ta cần tạo ra môi trường thích hợp để tâm trẻ con đó nẩy nở và chúng ta cũng phải che chở cái tâm non trẻ đó. Việc chúng ta tụ họp nhau cho lễ Puja, cung cấp năng lực cho nhau chính là cách che chở cho tâm thức chúng ta.
Trong truyền thống Tây Tạng của Phật giáo Đại thừa, chúng ta luôn nói tới lợi lạc mà chúng ta có được từ tất cả chúng sanh là những người mẹ của chúng ta. Hãy lấy ví dụ trà Darjeeling chúng ta đang uống. Hãy nghĩ đến không biết bao nhiêu người liên quan đến để có trà ở đây : người trồng trà, người hái, người phân loại, đóng gói, chuyên chở, người bán, người đun nước trà… cuối cùng để cho chúng ta uống ở đây. Từ sự nghiên cứu lam-rim chúng ta biết rằng hoặc trực tiếp hay gián tiếp, mỗi chúng sanh hữu tình đã giúp để bạn có tách nước trà. Và không chỉ tách trà mà thôi : Tất cả hạnh phúc chúng ta từ sự vui thú mang tính sanh tử ở mức thấp nhất cho tới niềm phúc lạc tối thượng của sự giác ngộ giải thoát tất cả đều đến từ mỗi người trong chúng ta hay bao người khác.
Do đó, để đạt được chứng ngộ chúng ta cần tạo ra bầu không khí đúng. Để làm điều này chúng ta tụ hợp nhau lại và hướng tâm chúng ta đến cùng một chỗ. Oai lực của sự tu tập này sẽ mang đến sự thấu hiểu. Tôi cho rằng điều này rất vĩ đại : Chúng ta là một tập hợp quốc tế, mỗi người đã phát triển trong một phương cách riêng, độc đáo ; nhưng bất chấp sự khác biệt đó, tâm chúng ta vẫn có thể gặp nhau ở một chỗ chung và chúng ta có thể tương thông. Tôi thực sự nghĩ rằng điều đó rất tuyệt vời. Cha mẹ có thể không có khả năng trao đổi thông hiểu được con cái họ nhưng tại nơi này, đến từ nhiều quốc gia trên thế giới chúng ta lại có thể thông hiểu lẫn nhau, xuất phát từ tim chúng ta.
Một hàm ý khác của thuật ngữ “Tsok” là “bữa tiệc” mà ở đó chúng ta chia xẻ đại trí huệ và đại lạc phát sanh đồng thời. Giờ đây chính là bữa tiệc !