Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

12 
BÀI GIẢNG TÓM LƯỢC VỀ 
SADHANA VAJRASATTVA

Đạo Phật Tây Tạng xem việc tu tập Vajrasattva là rất quan trọng. Chúng tôi gọi Giáo Pháp này là Gel-kyen dig-drib jong-wa dor-je sem-pai tri.

Gel-kyen có nghĩa là chướng ngại ; dig có nghĩa là điều bất thiện, chỉ kiểu hành vi phi đạo đức ; drib là sự che tối. Sự khác biệt giữa hai chữ cuối này chỉ tính cách kỹ thuật nhưng tựu trung cũng có nghĩa là chướng ngại. Đối với một hành vi dẫn tới sự bất thiện phải có một động cơ bất thiện như một trong ba thứ tâm độc là ngu si, tham lam, sân hận. Sự che tối không nhất thiết được tạo ra bằng một động cơ bất thiện. Chẳng hạn tâm nặng đục, buồn ngủ, hôn trầm đã ngăn chặn bạn không triển khai được sự tập trung nhất tâm, tâm này là một sự che tối nhưng không cần thiết có một động cơ bất thiện nào ở sau lưng nó. Có rất nhiều mức độ thiện và bất thiện ở cùng với tâm. Do đó, khi chúng tôi nói rằng phương pháp thiền định Vajrasattva rất mãnh liệt trong việc loại bỏ các điều bất thiện thì chúng tôi không ám chỉ những hành vi bất thiện phi đạo đức mà còn ám chỉ đến bất kỳ loại chướng ngại nào.

Chẳng hạn vài người trong chúng ta thực hiện giữ giới. Chúng ta phát lời thệ nguyện trước Tam Bảo quy y là Phật, Pháp,Tăng. Chúng ta hứa sẽ làm và không làm một số việc cụ thể. Khi phát lời thệ nguyện chúng ta tha thiết quyết tâm và hoàn toàn tự tin rằng chúng ta có khả năng thọ giới một cách trong sạch. Nhưng rồi thì hoàn cảnh xung quanh mình đổi thay, bức tường nội tâm của chúng ta tan ra từng mảnh vụn và chúng ta phạm giới. Không sao đâu ; chúng ta có thể tịnh hóa những phạm giới như  vậy.

Ngược lại, khi những người Tây phương học đạo đã đến gặp tôi với mớ cảm xúc rằng họ rất có tội, họ đang nghĩ rằng họ đã phạm một giới này hay một giới nọ, nhưng khi tôi hỏi họ là họ đã chính xác phạm giới như thế nào thì tôi phát hiện họ chẳng phạm giới nào cả. Họ có một kiểu nhận định cụ thể : “Tôi đừng nên làm việc này bao giờ,” khi bản thân hành vi đó không phải là phạm giới nhưng chính thái độ hay động cơ ở sau lưng hành vi đó mới phạm giới. Do đó, cho dù bạn đã làm bất cứ hành vi nào dù ngoài mặt là đối nghịch lại giới luật nhưng nếu động cơ hành động của bạn không bất thiện thì như vậy bạn không nhất thiết đã phạm giới.

Điều quan trọng nhất mà bạn cần biết là dù bạn có bất cứ loại biểu hiện bất thiện nào thì tất cả những thứ đó đều có thể được tịnh hóa bởi pháp yoga của Heruka Vajrasattva. Đạo Phật, đặc biệt Kim Cương thừa, xác nhận rằng bạn có thể tịnh hóa bất kỳ điều bất thiện nào.

Khi chúng ta nghĩ về một số điều bất thiện nhất định nào đó rất nặng nề, thì dường như chúng còn mãi, không thay đổi được và vô phương tịnh hóa. Ý nghĩ này về sự bất thiện là tự hữu, độc lập là nguy hiểm nhất. Xét về căn bản, tất cả các hiện tượng thiện hạnh và bất thiện đều phụ thuộc lẫn nhau và có bản chất biến đổi. Một số triết gia Hindu chủ trương rằng các đối tượng của năm giác quan được kết hợp bởi những nguyên tử tự hiện hữu, bất biến và tồn tại vĩnh viễn. Các nhà khoa học phương Tây trước đây cũng đã từng tin tưởng như vậy, và một số người đến bây giờ có thể vẫn còn nghĩ vậy. Những điều đó là những quan điểm sai lầm.

Điều quan trọng mà bạn cần biết là bản thân chúng ta và tất cả các hiện tượng khác như các đối tượng của giác quan hay các phẩm chất bất thiện hay thiện, tất cả đều lệ thuộc tương tác và đều thay đổi. Đặc biệt trong phạm trù việc tịnh hóa, bạn nên nhận thức rằng các biểu hiện bất thiện như sự ham muốn, giận dữ, hay bất cứ thứ gì khác bạn có thể nghĩ tới, tất cả đều không bao giờ giữ y nguyên. Chẳng hạn bạn lọt vào một môi trường nào đó và bất ngờ tâm bạn thay đổi và bạn bắt đầu dao động. Điều đó chứng minh cho thấy tính chất vô thường của những cảm xúc này. Những cảm xúc đó đến rồi đi. Và bạn không chỉ tạm thời giải quyết được các vấn đề bất thiện đó, mà bạn cũng có thể loại bỏ chúng trọn vẹn và vĩnh viễn.

Tôi tin rằng người nào thực hành việc tịnh hóa là can đảm : “Tôi có thể đương đầu và vượt qua được bất kỳ vấn đề gì, bất kỳ khó khăn nào.” Đừng cho rằng họ đang thực hành việc tịnh hóa bởi vì họ đang bất hạnh. Nhiều môn đồ của một số tôn giáo phương Tây công nhận triết lý về sự có tội vĩnh viễn do đó họ cảm thấy tội lỗi. Bạn phải tránh thái độ khi nghĩ rằng bạn không thể nào chiến thắng được điều bất thiện. Đối với quan điểm của Kim Cương thừa người tu tập phép tịnh hóa là người can đảm : “Tôi có thể làm việc đó. Mặc dù tôi đã phạm lỗi lầm nhưng tôi tin chắc sẽ có cách giải quyết cho vấn đề của tôi.” Đó là thái độ đúng đắn : bạn không sợ phải công nhận những điều bất thiện của mình. Bạn nghĩ rằng : “Vâng, đó đã là điều bất thiện ; đó đã là tâm không được kiềm chế của tôi.” Bạn chấp nhận nó, nhưng bạn không cảm thấy vô hy vọng. “Tôi có thể thay đổi tâm tôi. Dù gì thì nó cũng đã thay đổi liên tục không ngừng kể từ khi tôi sinh ra. Giờ đây tôi có thể làm cho nó thay đổi được tốt hơn.” Sự hiểu biết như vậy rất quan trọng – rất quan trọng.

Giờ đây, ngoài việc can đảm nhận ra khả năng tịnh hóa các chướng ngại, bạn cũng nên hiểu biết rằng bạn có thể tịnh hóa các dấu in (các ấn tượng) mà các hành vi bất thiện đã để lại trong tâm thức của bạn. Ở Tây Tạng người ta gọi là pag-cha. Trong vô số kiếp bạn đã tạo đi tạo lại hết nghiệp xấu ác này đến nghiệp xấu ác khác, và mỗi nghiệp xấu đó đã đều để lại dấu in trong tâm bạn. Dù hành động đã dứt rồi nhưng dấu in của nó vẫn còn ở đó và nó sẽ thúc đẩy bạn lập lại hành động đó nữa. Nhưng với trí huệ đúng đắn, tất cả các dấu in bất thiện có thể hoàn toàn được tịnh hóa.

Các chướng ngại xuất phát từ đâu ? Chúng nó đến từ tâm chấp ngã, nhị nguyên, đen tối, ô nhiễm và không thiện xảo. Phương pháp để hàng phục các thứ tâm đó là thực hành yoga Heruka Vajrasattva nhiều lần lập đi lập lại. Pháp này sẽ tạo lập hay tăng cường năng lực trong sạch siêu việt ở trong bạn, sao cho bạn sẽ trở nên thấy mọi sự vật một cách bất nhị, trong bản tánh rỗng rang chân thật của chúng, tức là tánh Không. Theo Kim Cương thừa, khi bạn thấy những sự vật một cách hiện thực hơn thì chúng không còn có vẻ cụ thể mà là phúc lạc. Và khi một sự vật trở nên phúc lạc, nó trở thành một vị hóa thần thiêng liêng ; nó xuất hiện ở trong hình tướng thiêng liêng.

Đôi khi chúng ta cho rằng người khác là xấu, phải không ? Những cái xấu làm ta khó chịu. Vấn đề là vậy. Khi chúng ta nhìn thấy sự vật hiện thực hơn – chẳng hạn bản chất sâu xa hơn của những chúng sanh khác – thì chúng ta đã được chuyển hóa. Hạnh phúc và phúc lạc được sạc điện ở trong chúng ta. Do kết quả đó, chúng ta thấy được các phẩm tính của vị thần thiêng ở trong các chúng sanh khác. Những phẩm tính này là gì ? Đó là trí huệ và lòng bi. Và vị Hóa thần thiêng liêng là gì ? Đó là trí huệ và lòng bi mẫn phát triển toàn vẹn, là các phẩm tính của giác ngộ. Điều này ứng dụng cho bất kỳ vị hóa thần thiêng liêng nào.

Sadhana
Quy y và phát Bồ đề tâm

Chúng ta quy y vào Phật, Pháp, và Tăng, tức là Tăng đoàn của Ba thừa. Điều này có nghĩa là bạn không còn có thể nói được rằng : “Tôi là người theo Đại thừa, tôi không quy y các A la hán Tiểu thừa.” Chúng ta quy y vào Tăng đoàn mà không được có sự phân biệt nào cả. Chúng ta cũng quy y vào các daka và dakini. Bạn không thể nói rằng : “Tôi sẽ quy y các daka, nhưng không quy y các dakini.” Chúng ta quy y vào tất cả chư vị Bồ tát. Và đặc biệt bạn quy y với người (lob-pošn) đã trao cho bạn lễ quán đảnh Heruka Vajrasattva.

Đấng chủ đạo mà bạn quy y là ngài Heruka có hai tay và đang đứng, ngài cầm một chày kim cương và một chuông, đang ôm Vajravarahi người phối ngẫu của ngài. Chắc hẳn bạn sẽ rất khó quán tưởng hình tướng với tất cả tay và chân. Ngài Heruka và người phối ngẫu được vây quanh bởi tất cả các hình ảnh các vị đông khắp trong vũ trụ như đã được đề cập trong bài giảng chính. Những vị đó tan vào trong ánh sáng và tan biến vào Heruka, rồi Heruka cũng chìm tan vào trong bạn. Bạn trở thành Heruka. Hãy tập trung vào điều này càng lâu càng tốt.(18)

Khi bạn phát Bồ đề tâm bằng cách nghĩ rằng : “Tôi phải trở thành Heruka…” thì bạn gửi đi ánh sáng rực rỡ đến mười phương thế giới, tịnh hóa tất cả chúng sanh trong sáu cõi và biến họ thành ra Heruka. Rồi tất cả Heruka này chìm tan vào trong bạn. Đó là một kỹ thuật để thực hiện Bồ đề tâm.

Phương pháp yoga thực sự

Khi tu tập pháp yoga Heruka Vajrasattva, bạn có thể quán tưởng bản thân bạn là Heruka hay Vajrapani hay bất kỳ vị thần bổn tôn ưa thích nào của bạn. Nhưng ở đây nổi lên một câu hỏi : “Nếu tôi là Heruka, thì cần gì phải tịnh hóa ?” Dĩ nhiên nếu bạn thực sự là Heruka, chắc chắn bạn không cần sự tịnh hóa nào cả. Ở đây khi bạn chuyển hóa mình thành ra hình tướng thiêng liêng của Heruka cho dù bạn có được sự tập trung rất tốt thì tâm phân biệt nhị nguyên của bạn cũng đang ẩn nấp đâu đó trong sâu thẳm của tâm thức, nó chỉ chờ lúc nhảy ra ngoài và làm cho bạn mê lầm.

Việc này nhắc tôi nhớ lại một câu chuyện về một hành giả tu tập Yamantaka (hình tướng phẫn nộ của Văn Thù Sư Lợi) ở Tây Tạng. Như bạn biết, ngài Yamantaka có tất cả những cánh tay này, mỗi tay cầm một món đồ. Vào một ngày vị tăng này đang quán tưởng bản thân mình trong hình tướng đó, và đương nhiên ông ta đã hoàn toàn tin được như vậy bởi vì khi vị thầy cố đưa cho ông một vật gì thì ông ta trả lời : “Xin lỗi, tôi không thể, vì tay tôi cầm các đồ vật rồi.” Do đó vị thầy nói : “Được rồi, thay vì vậy, con hãy cầm món đồ ta đưa chỉ với bàn tay thông thường bất tịnh của con.”

Cho dù bạn có thể quán tưởng chính bạn là Heruka với một niềm tin tưởng hoàn toàn, không có một ý niệm bình thường nào đi nữa, thì bạn vẫn phải cần sự tịnh hóa. Không phải lý do là Đức Phật đã dạy như vậy, nhưng bởi vì tâm nhị nguyên của bạn vẫn còn ở đó. Do đó, ngay cả nếu bạn đã biểu lộ được như là một Heruka bạn vẫn phải thực hành pháp Heruka Vajrasattva. Tuy nhiên khi bạn thực hành bạn chỉ việc duy trì hình tướng thiêng liêng mà không cần chú trọng đến sự tự hào thiêng liêng.

Hãy quán tưởng Heruka Vajrasattva phía trên đỉnh đầu của bạn cách đầu một khoảng sao cho tiện lợi với bạn, nhưng đừng quá cách xa hàng dặm, có lẽ vừa một bàn tay là đủ, thân của ngài không giống thân vật chất cụ thể như thân chúng ta, mà là một sắc thân có màu cầu vồng : rõ ràng và trong suốt, đó là sắc thân tâm linh. Ngài hoàn toàn hợp nhất với người phối ngẫu của ngài. Bà tượng trưng cho trí huệ giác ngộ và ngài tượng trưng cho phương tiện giác ngộ.

Ánh sáng tỏa ra từ tim ngài đến mười phương khẩn cầu tất cả chư Phật và chư Bồ tát. Ánh sáng trắng rực rỡ này là năng lực trí huệ giác ngộ thiêng liêng, tức trí huệ-hiểu biết tinh khiết, hiểu thấu đáo tột cùng bản tánh của tất cả. Đó là tâm tinh khiết. Tâm bất tịnh thì ngược lại, nó chật hẹp, nó thiếu trí huệ thiện xảo và nó phát sanh ra các hành vi bất tịnh.

Ánh sáng trắng rực rỡ của năng lực trí huệ tối thượng đã được khẩn cầu, ánh sáng đó chìm vào trong tim Heruka Vajrasattva, đi xuống theo kinh mạch trung ương đến luân xa bí mật của ngài, rồi đi vào luân xa bí mật của Dorje Nyem-ma và rồi tràn đầy khắp kinh mạch trung ương của bà. Cả hai thân của hai ngài được ngập tràn với ánh sáng trắng rực rỡ phúc lạc. Từ mật chú ở tim của mỗi vị hóa thần này, một năng lực kundalani màu trắng phúc lạc, ào xuống dọc theo kinh mạch trung ương của hai vị, đi qua chỗ luân xa bí mật và đi vào luân xa đỉnh đầu của bạn. Năng lực này rất mạnh, nó như một thác nước. Trong việc quán tưởng yašn-de này, ánh sáng trắng tuôn xuống theo kinh mạch trung ương của bạn, đẩy ra ngoài, qua luân xa bí mật của bạn, tất cả những điều bất tịnh và năng lực bất thiện trong dạng hình tướng con heo, con gà, con rắn… Những con vật này và những con khác như bò cạp, khỉ, bò cái đều tượng trưng cho tất cả các loại bất thiện trong hệ thần kinh bạn. Tất cả được tẩy rửa sạch hoàn toàn. Sự không mãn nguyện, cảm giác cô đơn của bạn cũng được tịnh hóa, kể cả những triệu chứng bất thiện quấy phá mà bạn có thể nghĩ tới.

Bạn cũng có thể thực hành cách quán tưởng mašn-de ở điểm này. Với cách này, bạn quán tưởng các rác rưởi nội tâm của bạn nổi lên trên mặt của năng lực kundalini phúc lạc khi năng lực này làm đầy thân bạn bắt đầu từ dưới lên trên. Rác rưởi này rời khỏi thân bạn thông qua các cửa như lỗ mũi, mắt, miệng, tai và nó nổi thành bọt ra ngoài luân xa đỉnh đầu của bạn.

Rồi thì bạn cũng có thể thực hành thiền định thứ ba tức là phung-de, quán tưởng ánh sáng tỏa sáng rực rỡ. Từ tim của Vajrasattva ánh sáng chiếu rọi qua luân xa bí mật của ngài, xuyên qua đỉnh đầu của bạn và tịnh hóa toàn bộ hệ thống thần kinh của bạn. Đây là ba pháp quán tưởng bạn thực hiện trong khi bạn đọc mật chú.

Cuối cùng Heruka Vajrasattva chìm tan qua kinh mạch trung ương của bạn vào trong tim bạn. Thân, khẩu, ý của bạn được hợp nhất với thân, khẩu, ý thiêng liêng của ngài. Bạn trở thành Heruka Vajrasattva. Từ nơi tim thiêng liêng của bạn, rất nhiều ánh sáng tỏa chiếu qua khắp sáu cõi luân hồi, tịnh hóa tất cả chúng sanh và chuyển hóa họ thành ra sắc thân Heruka Vajrasattva. Rồi tất cả Heruka Vajrasattva này chìm tan vào trong chính bạn.

Điều này rất quan trọng. Chúng ta luôn luôn có quan hệ với những người khác và thường có những nghiệp nặng nề với nhau. Chúng ta giận ghét những người khác, chúng ta dính bám mạnh mẽ với những người khác. Đa số các vấn đề của chúng ta là với những người khác. Chúng ta bị liên kết với nhau mạnh đến nỗi trong suốt cuộc đời chúng ta không ngừng quan hệ hay tình cờ gặp nhau. Khi bạn thực hiện pháp thiền định nói trên, bạn chuyển hóa bản thân bạn và bạn cũng chuyển hóa tất cả đối tượng. Như thế đối với bạn, không có đối tượng nào khao khát thèm muốn mà cũng không có đối tượng nào sân hận, cho nên bạn giữ được sự tinh tấn. Pháp Vajrasattva đặc biệt nhấn mạnh đến sự chuyển hóa các đối tượng sao cho bạn có thể kích phát phúc lạc thay vì kích hoạt ba độc là ngu si, tham luyến và sân hận.

Cũng từ tim Heruka Vajrasattva của bạn, bạn gửi đi đến mười phương vô số hình thể Heruka Vajrasattva và bất cứ thứ gì bạn cho là hấp dẫn hay đáng ưa chẳng hạn như những người đàn ông đẹp trai, phụ nữ đẹp hay các trần cảnh tuyệt mỹ, tất cả các đối tượng của năm giác quan, bạn cúng dường tất cả những thứ đó cho các bậc tối cao. Bạn hãy quán tưởng rằng việc cúng dường này mang đến đại lạc cho chư Phật chư Bồ tát. Trên thực tế, nghĩa cốt tủy của từ “cúng dường” là cái kích thích, làm phát khởi phúc lạc siêu phàm trong người nhận sự cúng dường đó. Và đó mới là sự cúng dường đúng nghĩa. Nếu bạn dâng một cái gì mà gây ra đau khổ thì đó không phải là sự cúng dường. Bởi vì hàm ý Phật giáo của sự cúng dường là sự việc đó mang đến hạnh phúc, và so với ý nghĩa đó, bạn có thể thấy rằng hầu hết thời gian các món quà của chúng ta không thể hiện theo kiểu đó, và ngay dù chúng ta có ý muốn tốt, món quà của chúng ta thường khiến cho người ta bất hạnh.

Có rất nhiều điều cốt tủy trong sadhana. Bạn phải hiểu mục đích thực sự của việc chuyển hóa mà chúng ta đang thực hành ở đây. Nếu có ai hỏi tại sao bạn thực hành pháp môn yoga này bạn có thể trả lời : “Để tịnh hóa chính mình.” Câu này về cơ bản chấp nhận được, nhưng câu trả lời thực sự phải nên là : “Tôi cần thấu hiểu bản tánh chân thật của tất cả những gì hiện hữu, tôi muốn hiểu thực tại đó.” Đó là mục đích thực sự của pháp yoga Heruka Vajrasattva. Pháp môn này chỉ cho bạn thấy cái gì là sự thật và cái gì là không phải nó giúp bạn nhận ra tánh Không, tánh bất nhị, nó chấm dứt cho bạn khỏi phải tiếp tục ở trong ảnh hưởng của những quan niệm đông cứng lại của cái ngã của bạn.

Bạn càng hiểu thấu nhiều hơn về bản tánh nền tảng của tất cả những gì hiện hữu thì bạn càng trải nghiệm nhiều phúc lạc hơn. Và nếu bạn trải nghiệm phúc lạc càng lớn hơn thì bạn càng gần với sự đạt tới hình tướng đẹp đẽ của vị hóa thần. Đó là điểm chính.

Nhiều người Tây phương cho rằng cách nhận thức về vòng luân hồi sanh tử được giải thích trong Phật giáo quả thật bi đát : “Đạo Phật cho rằng cuộc sống là đau khổ mà không cách nào thoát khỏi !” Như vậy có vẻ như là giáo lý và thiền định Phật giáo đã được khám phá giảng dạy nhằm mục đích đặc biệt là làm cho con người khốn khổ ! Đó là một thái độ hoàn toàn sai lầm. Họ không hiểu thực sự họ cần cái gì.

Điều tôi đang nói là, toàn bộ mục đích việc thực hành Heruka Vajrasattva là chứng nghiệm tánh bất nhị – sự thật rốt ráo của chính bạn và của tất cả mọi hiện tượng. Sự chứng nghiệm này là một kinh nghiệm phúc lạc cực độ. Một khi bạn kinh nghiệm được niềm phúc lạc này, bạn có thể thấy cái đẹp của vị hóa thần thiêng liêng trong những con người khác và sẽ ngưng gán ép các phóng chiếu bất thiện, tiêu cực lên người khác.

Giáo lý Kim Cương thừa dạy rằng bất kỳ ai thực hành Kim Cương thừa phải xem những con người khác như các vị Hóa thần thiêng liêng. Đó là giáo lý. Những ai đã chứng biết được bản tánh nền tảng, tánh bất nhị, của các chúng sanh khác thì sẽ có được kinh nghiệm siêu việt về sự thấy được các phẩm tính giác ngộ của vị Hóa thần trong những chúng sanh khác. Các hành giả như vậy không có chỗ cho các ý niệm bất thiện và tiêu cực.

Những điều đó là những điểm chính. Tôi hy vọng như vậy là đủ. Có ai hỏi gì không ?

Câu hỏi và trả lời

Câu hỏi : Giả sử chúng tôi coi những người khác là Heruka Vajrasattva, nhưng phải làm sao đây khi chúng tôi thấy họ làm những điều bất thiện?

Trả lời : Ý bạn có nên ngăn cản họ lại, phải không ? Hãy nhớ câu chuyện một vị tăng quán tưởng bản thân mình là ngài Yamantaka. Nó cũng tương tự như vậy. Nếu bạn thấy ai đó làm điều sai trái, bạn có thể nói : “Này ông, việc gì đang xảy ra ?” Tuy nhiên, sự việc là bạn vẫn phải thấy được Heruka Vajrasattva ở đâu đó trong ông ta. Ông ấy đích thật đã quên ông ấy thực sự là ai, ông ấy cũng quên là ông ấy đang hành động dưới ảnh hưởng của tâm con gà, con rắn độc của ông ta. Cho nên bạn có thể nói : “Ông bạn ơi, con gà của bạn đang hiện ra đó !” Hay đại loại những câu như vậy.

Theo kinh nghiệm của tôi thì khó quán tưởng người đàn bà như là các Hóa thần nam như Vajrasattva hay Vajrapani chẳng hạn. Nhưng tôi cố thấy được ở một nơi nào đó trong bầu không khí ở thân người nữ có thân tâm linh trong sáng như pha lê của ngài Vajrasattva hay Vajrapani. Bạn có thể hiểu được việc đó. Mỗi người trong chúng ta đều có phẩm tính Vajrasattva hay Vajrapani nên chúng ta có thể quán tưởng sắc thân thiêng liêng cùng hiện hữu với chúng ta.

Câu hỏi : Đôi khi, lúc tôi thiền định tôi thấy một loại ánh sáng xanh đằng trước mặt tôi. Ánh sáng đó có là thật hay do tưởng tượng ? Và điều đó có ý nghĩa gì ?

Trả lời : Điều này tùy thuộc một phần vào vấn đề là bạn cảm thấy như thế nào khi bạn thấy ánh sáng đó – bạn cảm thấy thư giãn hay cảm thấy kích động ? Nhưng nó không nhất thiết chỉ là một phóng chiếu tâm thức. Đôi khi, lúc tâm thức bạn đã phát triển trong một cách thức nhất định bạn có thể thấy ánh sáng một cách vật chất với nhãn quan của bạn. Tôi cho là rất tốt nếu có ai đó đã có được sự mục kích ánh sáng tự nhiên như vậy. Thông thường khi chúng ta thiền định chúng ta chỉ thấy một màn đen chứ không thấy bất kỳ ánh sáng nào cả. Nếu tôi thấy ánh sáng xanh dương hay xanh lá cây dù trong tưởng tượng thì tôi cũng cảm thấy sung sướng. Về phương diện nào đấy, thì ánh sáng xanh liên quan đến sự vô tận nên việc mục kích ánh sáng xanh gợi lên tâm mở rộng ra chứ không còn chật hẹp.

Câu hỏi : tôi nên quán tưởng ngài Vajrasattva to lớn bao nhiêu?

Trả lời : Nó thay đổi tùy theo mỗi người. Có người thích quán tưởng ngài lớn, những người khác thích ngài nhỏ. Ngài không nên quá lớn, đa số chúng ta có xu hướng ưa thích có khổ người tương tự với kích cỡ bản thân họ. Ngài cũng không nên có dáng dấp nặng nề và bằng vật chất và cũng nên quán tưởng Ngài cách đỉnh đầu bạn một khoảng. Bạn cũng không cần phải ép buộc sự quán tưởng. Chỉ đơn giản là ngài hiện lên trong không gian ở trên đầu bạn một cách tự nhiên. Bởi vì trí huệ thiêng liêng của ngài Heruka Vajrasattva có khắp mọi nơi nên năng lực của ngài xuất hiện hết sức rõ ràng không cần sự cố sức, nhanh như sự phản chiếu hình tướng trong gương. Nếu bạn không có một thấu hiểu nào về tánh Không, thì ngài có vẻ như là thực sự nặng nề : “Ồ ! Vajrasattva đối với tôi nặng nề quá sức. Đợt ẩn tu này quá sức nặng nề và ngài cũng quá nặng nề !” Điều đó chỉ cho thấy rằng bạn thực sự không hiểu trí huệ bất nhị.

Dù gì đi nữa, hãy quán tưởng ngài Vajrasattva với kích cỡ nào mà bạn cảm thấy thỏa mãn nhưng phải trong sạch, rõ ràng, như pha lê, hay như ánh sáng cầu vồng, sao cho hễ khi bạn vừa nhìn thấy ngài là bạn được kích thích ngay bởi một kinh nghiệm về kundalini rất hỷ lạc và trong sạch. Đôi khi các kinh nghiệm này có thể cảm thấy giống như một cảm giác khoái cảm tột độ nhưng đó không phải là những phản ứng xác thịt. Nếu bạn đang thiền định với sự thấy biết sâu sắc thì sẽ không có vấn đề gì, nhưng nếu bạn không hiểu biết tánh bất nhị thì mọi thứ trở nên quá vật chất và điều đó có thể nguy hiểm.

Câu hỏi : Xin thầy nói về phẩm tính của Heruka Vajra-sattva?

Trả lời : Heruka Vajrasattva là trí huệ tinh khiết phát triển đầy đủ của ba đời chư Phật Bồ tát, biểu lộ trong sự phát ra tia sáng trắng rực rỡ và tinh khiết. Do đó cốt tủy của ngài là trí huệ bất nhị. Bất cứ khi nào bạn thực hành pháp môn yoga này, thì sắc thân thiêng liêng của ngài sẽ biểu thị thực tại cho bạn. Ngài là trạng thái lạc phúc vĩnh viễn của trí huệ tinh khiết.

Câu hỏi : Heruka có ý nghĩa là gì ? Heruka Vajrasattva khác với các Vajrasattva khác như thế nào?

Trả lời : về nghĩa đen, “Heruka” có nghĩa là sự uống máu nhưng Heruka biểu tượng sự kinh nghiệm niềm phúc lạc vĩnh cửu. Niềm hỷ lạc này có phẩm tính của sự hợp nhất năng lực nam nữ trong chính bản thể mỗi người được đạt tới mức trọn vẹn. Dorje Nyem-ma cầm một cái tách kalapa có chứa một thứ dường như là máu. Điều đó biểu trưng cho việc là ngài ban phát năng lực phúc lạc vĩnh cửu. Khi bạn tu tập pháp Heruka Vajrasattva, bạn uống máu của niềm cảm xúc của kinh nghiệm sự phúc lạc vĩnh cửu. Màu đỏ tượng trưng cảm xúc. Là con người, chúng ta cần diễn đạt niềm cảm xúc với người chung quanh. Có vài người hoàn toàn không có cảm xúc. Họ giống như gỗ. Như vậy không tốt. Ngay cả khi bạn là người đã giác ngộ hoặc đang ở trong đại định, bạn vẫn có thể biểu lộ cảm xúc. Đó chính là vì bạn không bị dính mắc vào những tình huống ngột ngạt theo cảm xúc.

Heruka Vajrasattva có một loại năng lực độc nhất vô nhị và nhấn mạnh vào sự phát triển trí huệ. Có bốn loại tantra ; và Heruka Vajrasattva là từ yoga maha-anuttara, hay tối thượng, là loại cao nhất.

Câu hỏi : Khi quán tưởng hai vị Hóa thần ở trong thế hợp nhất, có phải tôi quán tưởng bản thân mình là người đàn ông, hay như là người đàn bà, hay như cả hai được kết hợp?

Trả lời : Bất cứ cách nào mà bạn cảm thấy thuận lợi là được. Như tôi đã nói trước, đôi khi đàn bà thấy khó để tự quán tưởng mình như là nam thần và ngược lại đàn ông cũng thế. Nhưng tất cả chúng ta đều có năng lực nam và năng lực nữ bên trong chúng ta. Đôi khi nó không được cân bằng. Vài người đàn ông lại có nhiều nữ tính, người khác quá nam tính. Người đàn bà cũng có tình huống như thế. Chúng ta phải khai triển toàn bộ năng lực nam phái-nữ phái nằm bên trong mỗi người chúng ta.

Cũng vậy, khi bạn ngắm nhìn Vajrasattva trong thế phối hợp với Dorje Nyem-ma, người phối ngẫu, bạn không thể nói rằng vị này cao hơn và vị kia thấp hơn. Cả hai vị đều cùng mức độ và hoàn toàn hợp nhất trong bản tánh. Nếu cảm thấy dễ dàng hơn thì bạn có thể quán tưởng bản thân mình là Yum Dorje Nyem-ma Karmo, với mật chú Heruka Vajrasattva ở tim bạn. Nhưng không thành vấn đề bạn quán tưởng vị thần thiêng như thế nào, cái mấu chốt chính là quán tưởng với sự tỉnh giác mãnh liệt về bản tánh nền tảng của tánh bất nhị. Nếu bạn không có sự tỉnh biết đó thì rất có nguy cơ là sự quán tưởng của bạn sẽ có tính vật chất và sẽ kích thích những ham muốn dục vọng. Mục đích của việc thực hành quán tưởng này là để loại sạch ham muốn.

Câu hỏi : Tôi quán tưởng vị thần thiêng ở trên đầu với khoảng cách cao bao nhiêu ? Tôi thấy dễ có được hiệu quả thác nước với năng lực tịnh hóa khi vị thần thiêng ở trên đỉnh đầu chừng bề rộng vài ngón tay.

Trả lời : Nếu được dễ hơn thì bạn có thể quán tưởng vị Hoá thần hơi cao hơn một chút. Rồi một ống ánh sáng cầu vồng tỏa ra từ tim ngài và nối với luân xa đỉnh đầu của bạn và năng lực kundalini phúc lạc chảy tuôn xuống.

Câu hỏi : Chúng tôi sử dụng sự thiền định Vajrasattva như thế nào để giải quyết những cảm giác tội lỗi có thể xảy đến trong ngày?

Trả lời : Khi bạn cảm thấy tội lỗi nổi lên, hãy chuyển hóa nó thành ra Heruka Vajrasattva. Bạn là Heruka Vajrasattva từ đầu tới ngón chân. Ngoài những hiệu quả tâm lý của các cảm xúc bất thiện còn có những hiệu quả vật chất vi tế kích thích sự không mãn nguyện. Khi bạn cảm thấy có năng lực tội lỗi ở trong bạn, hãy chuyển hóa khía cạnh vật chất vi tế của năng lực tội lỗi đó thành ra mật chú Heruka Vajrasattva. Bằng cách này nó trở thành giải pháp để giải quyết các vấn đề khó khăn của bạn.

Chúng ta cần những giải pháp năng động như vậy đối với các thói quen bất thiện gây phiền nhiễu cho chúng ta. Dùng lý trí để biết được các thứ đó là bất thiện thì cũng không đủ sức để chấm dứt chúng. Ở đây chúng ta tu tập phương pháp thực hành, xây dựng một phòng thủ chống lại chúng thay vì chỉ biết mơ mộng. Đó là cách hợp nhất Pháp với cuộc sống hàng ngày.

Việc ẩn tu

Khi bạn ẩn tu, bạn đừng nên tự thúc đẩy mình quá mức. Đôi khi sự ẩn tu có vẻ hoàn toàn nặng trĩu, ba tháng ẩn tu dường như dài bất tận. Lại nữa, người Tây phương thường không biết cách ẩn tu. Tôi đã giải thích rất chi tiết về bất kỳ giai đoạn nào trong đợt ẩn tu, nhưng nếu thái độ là điều mà bạn quan tâm rất nhiều, tôi nghĩ rằng bạn nên coi sự vui thích tham dự ẩn tu cũng giống như sự vui thích trong một hộp đêm. Bạn đang có được trí huệ phúc lạc – bạn hãy thưởng thức nó !

Hãy thoải mái ! Hãy lập một chương trình ! Nếu một thời thiền rất khó thực hiện, bạn không thích ứng được, hay các kỹ thuật rất khó tu tập, sự hít thở theo dạng cái bình rất khó làm, thì bạn hãy tạm ngưng. Hãy ra ngoài phòng. Người ta cảm thấy rằng : “Ôi việc nhập thất ! Nào là tôi phải nên nghiêm túc ; tôi phải trung dung ; tôi phải chiến đấu ; tôi phải hy sinh bản thân tôi cho một giai đoạn gian khổ.” Nhất định không phải như thế. đừng có ép buộc.

Bạn nên giữ bản thân sạch sẽ, hãy tắm rửa đều đặn. Và hãy ăn các thức ăn bổ dưỡng. Đừng cố gắng là một nhà khổ hạnh cực lực. Đạo Phật Tây Tạng dạy bạn sử dụng tất cả năng lực của bạn – sự giàu có, sắc đẹp, bất cứ thứ gì – để đem bạn đến gần sự giác ngộ hơn. Đời sống là để được giác ngộ.

Lý do mà tôi nêu ra tất cả những việc đó là bởi vì người Tây phương hình như nghĩ rằng ẩn tu đồng nghĩa với việc không ăn ngon, không ăn chô-cô-la. Thật là ngốc ! Hãy ăn ngon – bạn đang làm việc cho sự giác ngộ. Đừng có đối xử bản thân mình như một con bò. Hãy tự khích lệ mình ! Tôi phải nói cho bạn biết rằng các đợt ẩn tu đã là những kinh nghiệm vui thú nhất của đời tôi. Tôi thực sự hưởng thụ chúng. Tôi không thuộc loại làm khó. Lần mới đây nhất ở Tushita tại Dharamsala, tôi có một cái võng. Trong giờ giải lao tôi ra ngoài và nằm lên võng. Các người học đạo thường tụ tập lại và nhìn tôi : “Đó là cách ẩn tu sao ?” Họ không thể tin nổi.

Ẩn tu là để hưởng thụ, không phải trong ý nghĩa mê muội, sanh tử của từ ấy. Phải có cái gì đó lành mạnh để đạt được, như sự thỏa mãn, sự viên mãn trọn vẹn nào đó. Đừng làm cho các thời ẩn tu trở nên khó khăn không cần thiết.

Lễ Puja bằng lửa

Khi bạn đã chấm dứt đợt ẩn tu bạn nên thực hiện lễ Puja bằng lửa Dorje Khadro. Việc này rất có ích. Nó có phần nào giống với sự thiền định tum-mo.

Bạn quán tưởng ngay ở tim bạn một chủng tự màu đen nó thu vào trong bạn tất cả bệnh tật, đau ốm và tất cả triệu chứng hay hiện tượng bất thiện của bản thân bạn và của tất cả hữu tình. Ở nơi luân xa ở rốn có một ngọn lửa. Từ bàn chân, năng lượng gió đi lên và quạt ngọn lửa cho đến khi ngọn lửa kêu ào ào như một lò sưởi. Ngọn lửa càng lúc càng mạnh hơn và bùng nổ lên trong kinh mạch trung ương của bạn, đẩy tất cả năng lực bất thiện từ chủng tự màu đen ở tim ra ngoài qua lỗ mũi của bạn và đi vào miệng của vị Hóa thần. Đó là kỹ thuật thiền định cơ bản.

Ngọn lửa hiện tại đang cháy trước mặt bạn làm cho tâm bạn sinh động sao cho việc thiền định trở nên sâu sắc và hiện thực và giúp bạn nhận ra tánh Không. Đây là điểm chính của lễ puja lửa Dorje Khadro. Không bắt buộc phải thực hiện việc đọc chú sau đợt nhập thất Vajrasattva, nhưng nếu bạn đọc được 110.000 hay 115.000 chú Dorje Khadro thì sẽ rất lợi lộc và có sức mạnh.

Hãy thực hiện bốn thời thiền định trong một ngày. Trước bữa sáng nên thực hiện một thời ẩn tu Vajrasattva, nhưng bởi vì bạn đã hoàn tất xong số lần đọc chú rồi, nên thay vào đó, bạn sử dụng thời này để tham thiền. Nhờ vào việc trì tụng tất cả những mật chú trong thời gian nhập thất, bạn đã tạo lập trong bạn một năng lực cơ bản nhất định – đó là “năng lực hạt nhân” của mật chú. Cho nên giờ đây, bạn chỉ đơn giản tham thiền.

Sau bữa sáng, hãy thực hiện một thời thiền Dorje Khadro hai giờ đồng hồ. Rồi dùng bữa trưa, sau đó nghỉ và nghiên cứu Pháp. Vào buổi chiều hãy làm một thời thiền hai giờ nữa về lễ puja lửa. Cuối cùng vào buổi tối, thực hiện một thời thiền tập trung nhất tâm, không đọc ra lời mật chú Vajrasattva.

Thực ra bạn có thể thực hiện lễ puja lửa Dorje Khadro bất kỳ lúc nào bạn cảm thấy bị buồn phiền, bị phiền nhiễu liên tục, bị rối loạn, hay không cảm thấy thoải mái. Bạn không cần phải ở trong kỳ nhập thất. Vào buổi sáng, xế chiều hay ban đêm – nó rất có ích, rất mãnh liệt. Nó có thể làm ngưng ngay các tình cảm bất thiện nói trên. Đó là kinh nghiệm của lama Tsong Khapa ; nó là một trong những thời thiền định ưa thích của lama Tsong Khapa. Khi bạn thực hành, bạn sẽ nhận được mùi vị thật của kinh nghiệm của ngài. Nó giống như vàng, một Giáo Pháp vàng ròng.

Đôi khi chúng ta cần thực hiện những cách thiền định năng động này. Hãy quán tưởng Dorje Khadro, một hình tướng biểu lộ của Guhyasamaja với miệng mở rộng giống như một lỗ đen thần lực, hút hết mọi thứ vào trong. Tất cả năng lực bất thiện biến mất vào trong miệng đó mãi mãi.

Xem mục lục