Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (8)


Xem mục lục

KHI THIÊN NIÊN Kỷ MớI đến gần, thế giới chúng ta đòi hỏi ta chấp nhận tính chất nhất thể của nhân loại. Trong quá khứ, các cộng đồng cô lập có thể có đủ điều kiện để cho rằng mình là một cái gì riêng rẽ tự nền tảng. Một số cộng đồng lại còn tồn tại trong sự hoàn toàn cô lập. Nhưng ngày nay, bất kỳ điều gì xảy ra trong một miền đất thì cuối cùng đều ảnh hưởng đến nhiều khu vực khác. Trong phạm vi của sự tương thuộc mới mẻ này, sự tự-lợi rõ ràng nằm ở việc quan tâm đến các lợi lạc của người khác.

Nhiều vấn đề và xung đột của thế giới phát sinh do bởi chúng ta đánh mất thị kiến rằng nhân loại là cái gì ràng buộc chúng ta lại với nhau như một gia đình. Chúng ta quên rằng mặc dầu sự đa tạp về giòng giống, tôn giáo và hệ tư tưởng, con người cùng chia xẻ một ước muốn căn bản là có sự an bình và hạnh phúc. Tuy nhiên, những điều này sẽ không được thành tựu bằng cách nói hay nghĩ về chúng, cũng không bằng cách chờ đợi ai khác hành động. Trong lãnh vực hoạt động của ta, mỗi người chúng ta phải nhận lãnh trách nhiệm trong khả năng tốt nhất mà ta có thể trong việc sử dụng trí tuệ vô song của ta để nỗ lực hiểu biết chính mình và thế giới của chúng ta.

Tôi tin rằng mục đích của cuộc đời là sống hạnh phúc. Từ sâu thẳm con người chúng ta, chúng ta ước muốn hạnh phúc. Trong kinh nghiệm riêng, tôi nhận ra rằng càng quan tâm tới hạnh phúc của người khác thì cảm nhận của riêng ta về hạnh phúc càng lớn. Việc nuôi dưỡng một tình cảm nồng ấm đối với người khác sẽ tự nhiên làm cho tâm thức thoải mái. Nó giúp quét sạch các nỗi sợ hay bất an và ban cho ta sức mạnh để đương đầu với các trở ngại. Vì chúng ta không chỉ là các sinh vật có tính cách vật chất, nên là sai lầm khi đặt toàn bộ các hy vọng về hạnh phúc của ta ở sự phát triển bên ngoài. Bí quyết là cần phát triển sự an bình nội tâm.

Chúng ta cần dấn mình vào công việc khó khăn là phát triển lòng từ và bi trong bản thân ta. Tự bản chất, lòng bi thì an bình và dịu dàng, nhưng nó cũng rất mạnh mẽ. Một vài người có thể gạt bỏ nó như cái gì thiếu thực tiễn và viển vông, nhưng tôi tin rằng việc thực hành lòng bi mẫn là căn nguyên đích thực của sự thành công – một dấu hiệu của sức mạnh nội tại. Để thành tựu lòng bi mẫn, chúng ta không cần thiết phải trở nên có tính chất tôn giáo hay ý thức hệ. Chúng ta chỉ cần phát triển các nhân tính căn bản của mình.

Ngày nay, các tín đồ của nhiều đức tin hy sinh hạnh phúc của riêng họ trong việc phụng sự người khác. Các truyền thống tôn giáo khác nhau rõ ràng có sự ràng buộc giống nhau này cũng như có một ý thức trách nhiệm có tính chất thế giới. Tôi tin chắc rằng lòng vị tha này là mục đích quan trọng nhất của toàn thể thực hành tôn giáo. Con người có những khí chất và sự quan tâm khác nhau và vì thế các truyền thống tôn giáo chú trọng tới những triết học và thực hành khác nhau là điều không thể tránh được. Vì cốt lõi của chúng ta là để thành tựu lợi ích cá nhân và tập thể, nên điều thiết yếu là ta phải duy trì sự hài hòa và kính trọng giữa chúng. Điều này sẽ không chỉ lợi lạc cho các tín đồ của đức tin riêng ta mà còn tạo nên bầu không khí an bình trong xã hội.

Trong thế giới hiện nay, không có nhiều sự quan tâm tới các giá trị nhân loại. Tiền bạc và quyền lực đã thống trị mạnh mẽ. Nếu xã hội đánh mất các giá trị của sự công chính, lòng bi mẫn và sự trung thực thì chúng ta sẽ còn đối diện với các khó khăn to lớn hơn. Một vài người có thể cho rằng không thực sự cần đến các đạo đức như thế trong thương mại hay chính trị. Tôi hoàn toàn không đồng ý. Phẩm chất các hành động của ta tùy thuộc ở động cơ của chúng ta. Theo quan điểm Phật giáo của tôi, mọi sự bắt nguồn từ tâm thức. Bí quyết là một nhận thức sâu sắc đích thực về nhân loại về lòng bi mẫn và từ ái. Một khi chúng ta phát triển một trái tim tốt lành, vị tha – dù trong khoa học, nông nghiệp hay chính trị – kết quả sẽ còn lợi lạc hơn nữa.

Với động cơ đúng đắn, các hoạt động này có thể giúp ích cho nhân loại; không có nó, các hoạt động sẽ đi theo chiều hướng khác. Đây là lý do tại sao tư tưởng bi mẫn rất quan trọng đối với nhân loại. Mặc dù không dễ dàng đem lại sự chuyển hóa nội tại khiến phát sinh lòng bi mẫn, một cách tuyệt đối, nó đáng để ta nỗ lực.

Chúng ta cố gắng để cải thiện tiêu chuẩn sống của ta, đó là điều tự nhiên, nhưng không phải với bất cứ giá nào. Càng đeo đuổi sự lợi lạc và cải thiện vật chất mà không biết rằng sự hài lòng đến từ sự phát triển nội tâm, các giá trị sẽ biến mất khỏi cộng đồng của ta. Khi sự công chính và trung thực không có chỗ trong trái tim mỗi người thì suy nhược là điều đầu tiên phải gánh chịu. Hậu quả là sự oán hận dẫn đến nỗi bất hạnh cho mọi người. Chúng ta phải làm quân bình sự tiến bộ vật chất với ý thức trách nhiệm là kết quả của sự giáo dục và phát triển nội tâm.

Chúng ta có thể đối diện với các trở ngại khi theo đuổi các mục đích của ta. Nếu chúng ta cứ thụ động, không chút nỗ lực để giải quyết các vấn đề thì không sự chuyển hóa tốt đẹp hơn nào có thể được thành tựu. Việc chuyển hóa các trở ngại thành những cơ hội cho sự phát triển tích cực là một thách thức đối với sự chân thật của ta. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, lòng từ bi và việc sử dụng trí thông minh của chúng ta. Không biết đến các cơ hội như thế là làm uổng phí năng lực con người của ta. Cực kỳ quan trọng là nhận thức rằng càng gặp sự khủng hoảng trầm trọng thì ta càng cần kiên nhẫn lớn lao hơn. Trên tất cả, chúng ta không được đánh mất sự quyết tâm của mình.

Đây là một thế kỷ bị hư hỏng bởi xung đột và chiến tranh. Giờ đây chúng ta hãy bước đi để bảo đảm rằng thế kỷ đang tới sẽ được đặc trưng bởi sự bất bạo động và đối thoại, là các điều kiện tiên quyết của sự cộng-sinh hòa bình. Trong bất kỳ xã hội nào cũng sẽ có các dị biệt và mâu thuẫn, nhưng chúng ta phải phát triển đức tin rằng sự đối thoại và tình bằng hữu là một chọn lựa có giá trị đối với sự bạo động. Điều tất cả chúng ta cần khi tiếp cận thiên niên kỷ mới này là một ý thức được nâng cao về trách nhiệm toàn cầu.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14

(Trích Tạp chí Asiaweek)

Xem mục lục