NGHIỆP
Các kết quả của nghiệp rất rõ ràng: những hành động tiêu cực luôn luôn gây ra đau khổ, và những hành động tích cực luôn luôn mang lại hạnh phúc. Nếu bạn hành động tốt, bạn sẽ có hạnh phúc; nếu bạn hành động xấu, bản thân bạn sẽ đau khổ. Các hành động gây nghiệp của chúng ta đi theo ta từ đời này sang đời khác, điều này giải thích vì sao một số người thường xuyên mê đắm trong sự tiêu cực vẫn thành công trên bình diện thế gian hay những người gắn bó với sự thực hành tâm linh lại gặp phải vô số khó khăn. Các hành động nghiệp quả đã được chất chứa trong vô số đời, vì thế có vô lượng tiềm năng cho vô lượng kết quả. Nghiệp lực luôn luôn tăng trưởng trải qua thời gian. Các hột giống nhỏ bé có tiềm năng sản sinh số lượng trái cây khổng lồ. Cũng đúng như thế đối với nguyên nhân và kết quả nội tại, chỉ một hành động nhỏ có thể gây nên một kết quả to lớn, dù tích cực hay tiêu cực. Ví dụ, có một lần một cậu bé cúng dường Đức Phật một nắm cát, cậu tưởng tượng thật sống động rằng nắm cát chính là vàng. Trong một đời sau, cậu bé được tái sinh làm vua Asoka, vị Hoàng đế Phật tử. Từ một hành động tích cực nhỏ bé nhất có thể đưa tới kết quả to lớn nhất là hạnh phúc, cũng thế, hành động tiêu cực nhỏ bé nhất có thể gây ra sự đau khổ hết sức mãnh liệt. Tiềm năng của nghiệp tăng trưởng trong dòng tâm thức chúng ta thì lớn lao hơn nhiều so với tiềm năng của những nguyên nhân vật lý đơn thuần, như một hột giống táo. Giống như những giọt nước có thể làm đầy một bình lớn, cũng thế, những hành động nhỏ bé nhất, khi được gây phạm liên tục, có thể làm đầy tràn tâm thức chúng sinh.
Trong cộng đồng nhân loại, chúng ta thấy có nhiều sự khác biệt. Một số người luôn luôn thành công trong cuộc sống, một số luôn thất bại, một số người hạnh phúc, một số có vóc dáng tốt đẹp và tâm hồn điềm tĩnh. Một ít người dường như luôn luôn gặp phải bất hạnh to lớn, trái ngược với sự mong chờ của ta. Một số người bạn nghĩ rằng sẽ không gặp bất hạnh. Tất cả những điều này chứng nhận sự thật là không có điều gì nằm trong tay ta hết. Đôi lúc, khi ta cố gắng khởi đầu một nỗ lực, chúng ta tích tập tất cả những điều kiện cần thiết được yêu cầu cho sự thành công, nhưng vẫn còn điều gì đó bị bỏ quên. Chúng ta nói rằng người nào gặp may mắn và ai đó kém may mắn, nhưng chỉ lý do này thì không đủ; sự may mắn có một lý do, một nguyên nhân. Theo sự giải thích của Phật giáo, nó là kết quả của những hành động bạn đã tạo tác trong đời trước hoặc trong giai đoạn trước đây ở đời này. Khi tiềm năng đã chín mùi, thì mặc dù bạn đang đương đầu với những tình huống bất lợi, tuy nhiên sự nỗ lực tỏ ra có kết quả. Nhưng trong một vài trường hợp, cho dù bạn có đầy đủ mọi điều kiện cần thiết, nhưng bạn lại thất bại.
Dân Tây Tạng chúng tôi đã trở thành những người tị nạn và chịu đựng rất nhiều đau khổ, nhưng tuy thế chúng tôi may mắn và thành công một cách tương đối. Ở Tây Tạng, người Trung Hoa cố gắng làm cho toàn thể dân chúng trở nên bình đẳng bằng cách lập ra các công xã và hạn chế tài sản cá nhân. Nhưng tuy thế, trong các công xã, một số trang viên có rau trái phát triển xum xuê hơn các trang viên khác, và một số bò cho nhiều sữa hơn. Điều này cho thấy là có một khác biệt to lớn giữa những phước đức của các cá nhân. Nếu những thiện hạnh của người nào đó chín mùi, cho dù nhà cầm quyền sung công tài sản của họ, thì người ấy vẫn sẽ tỏ ra thành công nhờ sức mạnh phước đức của họ, do sức mạnh của nghiệp báo đó. Nếu bạn tích tập các thiện hạnh một cách đúng đắn, như tránh sát sinh, phóng sinh các thú vật, và nuôi dưỡng sự nhẫn nại đối với người khác, thì bạn sẽ nhận được lợi lạc trong tương lai và trong những đời sau, trong khi nếu bạn mê say liên tục trong những hành động tiêu cực thì chắc chắn là bạn sẽ phải đối mặt với những hậu quả sau này. Nếu bạn không tin tưởng nguyên lý nghiệp báo thì bạn có thể làm những gì bạn thích.
Một khi bạn tạo tác một hành động, đó là nguyên nhân cho một phản ứng, nguyên nhân này còn tồn tại và tăng trưởng cho tới khi hậu quả của nó được chứng nghiệm. Nếu bạn không tạo tác một hành động bạn sẽ không bao giờ gặp phải các hậu quả; còn một khi bạn đã tạo tác hành động, thì trừ phi bạn tịnh hóa nó nhờ các thực hành đúng đắn, hay nếu nó là một thiện hạnh, trừ phi nó bị phá hủy bởi sự sân hận hay các yếu tố đối nghịch, kết quả của hành động sẽ được kinh nghiệm. Một hành động, ngay cả nó đã được thực hiện từ nhiều đời trước, sẽ không bao giờ mất đi kết quả của nó chỉ vì yếu tố thời gian.
Các hành động tích cực và tiêu cực được quyết định bởi động lực riêng của con người. Nếu động lực tốt đẹp, mọi hành động trở nên tích cực, nếu động lực sai lạc, mọi hành động trở nên tiêu cực. Các hành động thuộc nghiệp lực có nhiều loại khác nhau; một số hoàn toàn tốt, một số hoàn toàn không tốt, một số thì pha trộn. Nếu động lực đúng đắn thì mặc dù bản thân hành động có thể xuất hiện hết sức dữ dội, nó sẽ đem lại hạnh phúc, trong khi nếu động lực sai lạc và không chân thật, thì mặc dù hành động dường như lợi lạc và tích cực, trong thực tế nó sẽ là một hành động tiêu cực. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào tâm thức: nếu tâm bạn được điều phục và tu tập, mọi hành động trở nên tích cực, trong khi nếu tâm bạn không được điều phục và bị ảnh hưởng thường xuyên bởi sự tham muốn và sân hận, thì mặc dù các hành động có thể xuất hiện là tích cực, trong thực tế bạn sẽ tích tập nghiệp tiêu cực. Nếu càng có nhiều người biết tin tưởng vào định luật nhân quả nghiệp báo thì chúng ta sẽ có thể không bao giờ phải cần tới một lực lượng cảnh sát hay một hệ thống hình phạt. Nhưng nếu người ta thiếu lòng tin thâm sâu vào các hành động tạo nghiệp này, thì mặc dù ở bề ngoài người ta có thể sử dụng đủ mọi loại kỹ thuật để thi hành luật lệ, họ sẽ không thể tạo nên một xã hội thanh bình. Trong thế giới tân tiến này, dụng cụ tinh vi được sử dụng để giám sát và phát hiện những kẻ phạm pháp. Nhưng các máy móc này càng hay ho và tinh xảo thì các phạm nhân càng trở nên tinh vi và kiên quyết. Nếu xã hội con người này phải chuyển hóa tốt đẹp hơn, thì việc chỉ củng cố một pháp luật bên ngoài sẽ là không đủ; chúng ta cần một thứ ngăn chặn từ bên trong.
Một lối sống văn minh, thanh bình và một giá trị đạo đức tâm linh nền tảng cần phải đi song hành. Trước năm 1959, các vị vua Tây Tạng làm ra các luật lệ cho xứ sở đặt căn bản trên quan niệm đạo đức Phật giáo. Mọi người khắp thế giới đều nói rằng dân chúng Tây Tạng hòa nhã và nhân từ hiếm có. Tôi không thấy bất kỳ lý do nào khác để giải thích đặc điểm độc nhất vô nhị này của nền văn hóa chúng tôi hơn là sự kiện nó đã từng được đặt nền trên giáo lý bất bạo động Phật giáo trong rất nhiều thế kỷ.
Có ba cánh cửa qua đó chúng ta tạo tác các hành động: thân, ngữ và tâm. Qua những cánh cửa này, chúng ta có thể tạo ra hoặc mười hành vi tích cực hoặc mười ác hạnh. Trong các ác hạnh, có ba thuộc về thân, bốn thuộc về ngữ, và ba thuộc về tâm. Ác hạnh về thân đầu tiên là lấy đi mạng sống của người khác. Để việc sát sinh xảy ra, phải có chúng sinh khác; tự lấy đi mạng sống của mình không được xem như cùng cách thế bởi vì không có ai khác bị quan hệ. Nếu bạn có động lực ban đầu định giết một người nào đó, nhưng lúc thực sự xảy ra việc giết người, bạn ngẫu nhiên giết một người nào khác do sự lầm lẫn, thì việc này không tạo thành một ác hạnh sát nhân hoàn toàn. Trái lại, khi động lực của bạn ban đầu là giết bất cứ người nào bạn gặp, thì nếu bạn giết bất kỳ ai, điều đó tạo thành sự tích tập của ác hạnh sát nhân trọn vẹn.
Sự sát sinh có thể được thúc đẩy bởi bất cứ loại nào trong ba độc: tham, sân, hay si. Ví dụ, chúng ta có thể giết thú vật vì tham ăn thịt, ta có thể giết kẻ thù vì sân hận, và có thể cử hành các việc giết thú vật để cúng thần do sự si mê. Việc tự bạn làm hành động đó hay để người khác làm thì không quan trọng; cả hai tạo nên hành động sát sinh tiêu cực như nhau. Hành động sát sinh sẽ trọn vẹn khi người bị giết phải chết trước người giết.
Hành động tiêu cực thứ hai là sự trộm cắp. Sự trộm cắp có thể được thúc đẩy bởi lòng tham muốn, hay bạn có thể trộm cắp vì sân hận người nào đó, để làm hại họ. Việc trộm cắp cũng có thể được thúc đẩy bởi sự vô minh vì một tin tưởng sai lầm là bạn có thể lấy bất kỳ cái gì bạn muốn. Ý định là tách lìa vật sở hữu với chủ nhân của nó. Việc trộm cắp có thể được thực hiện bởi sức mạnh hay bằng cách lén lút, hoặc bạn có thể mượn cái gì đó và để cho chủ nhân của nó quên đi rồi bản thân bạn giữ lấy nó, hay bạn mượn tiền và không trả lại. Hành vi sẽ hoàn toàn khi bạn nghĩ rằng bây giờ đồ vật thuộc về bạn. Dù cho bạn không tự trực tiếp làm điều đó, nếu bạn để người khác trộm cắp cho bạn, nó vẫn tạo thành việc trộm cắp.
Các hành động cuối cùng trong ba hành động tiêu cực của thân là tà dâm, là việc giao phối được thực hiện với một người không thích hợp, ở một bộ phận thân thể không thích hợp, vào một thời gian không thích hợp, ở một nơi chốn không thích hợp, hay ngược lại ý muốn của người khác – dĩ nhiên là gồm cả việc hãm hiếp. Đối với một người đàn ông, các người nữ không thích hợp bao gồm mẹ của mình, vợ hay bạn gái của ai khác, các gái điếm được trả tiền nhất thời bởi người nào khác, các thân quyến của mình, hay các người nữ đã thọ giới, như các ni cô. Cũng gồm cả những người nam khác. Các bộ phận thân thể không thích hợp là hậu môn và miệng. Các nơi không thích hợp là chung quanh trụ xứ của vị Thầy của mình hay gần một stupa (tháp) hoặc trong một thánh điện, hoặc trước sự hiện diện của cha mẹ mình. Thời gian không thích hợp đối với một người nam là khi người nữ có kinh nguyệt, khi họ có thai, và lúc họ đang đau đớn bởi một bệnh tật mà sự giao hợp sẽ làm bệnh tệ hơn. Nếu một người đàn ông thực hiện sự giao hợp trong những cách thức này, ngay cả với vợ của mình, thì điều đó được gọi là tà dâm. Nói chung sự tà dâm được thực hiện bởi sự tham muốn, nhưng người ta cũng có thể làm như thế bởi lòng sân hận, như khi một người ngủ với vợ của một kẻ thù. Cũng thỉnh thoảng nó được thực hiện do sự vô minh, cho rằng qua sự giao hợp người ta có thể đạt được các chứng ngộ vĩ đại. Hành động tiêu cực của sự tà dâm có thể chỉ bị mắc phạm bởi chính mình, và hành động được tạo nên rõ ràng khi hai cơ quan sinh dục giao tiếp.
Bốn hành động tiêu cực kế tiếp là các hành vi thuộc lời nói. Đầu tiên là sự nói dối. Việc này bao gồm sự nói nghịch lại điều gì người ta đã thấy, nghe, hoặc biết là sự thật. Việc nói dối có thể được thúc đẩy bởi sự tham lam, sân hận, hay si mê. Ý định là làm lầm lạc người khác, và nó có thể được thực hiện bằng cách nói hay gật đầu hoặc ra hiệu bằng tay. Bất kỳ hành động nào được làm vì ý định làm mê lầm người nào đó tạo nên tà hạnh nói dối. Nếu người khác nghe nó, điều đó tạo nên sự trọn vẹn của hành động này.
Kế tiếp là nói chia rẽ. Ý định là gây sự chia rẽ giữa bằng hữu hay những người trong cộng đồng tâm linh vì lợi lạc của riêng mình hay vì lợi lạc của người khác. Dù người ta có thành công trong việc gây chia rẽ hay không, thì giây phút người khác nghe lời nói chia rẽ, điều đó tạo thành sự trọn vẹn của hành động này.
Kế tiếp là sự nói xấu. Ý định là nói ác, và hành vi sẽ trọn vẹn khi những lời nói xấu được người nào nghe thấy. Nói xấu bao gồm sự sỉ nhục người khác, nói về lỗi lầm của họ, dù đúng hay không đúng; nếu người ta làm điều này để làm hại người khác, thì đó là sự nói xấu.
Kế tiếp là nói tầm phào vô nghĩa. Đó là nói lông bông không có mục đích gì, và nó có thể được thúc đẩy bởi bất kỳ một thứ nào trong ba độc. Ý định chỉ là nói chuyện phiếm không có bất cứ lý do nào, hoàn toàn nói tầm phào không có mục đích. Việc tiến hành của hành động này không cần tới một người thứ hai. Bạn không cần một người cùng tham dự; bạn có thể làm việc này bằng cách nói chuyện với chính mình. Nói tầm phào vô ích gồm cả nói về chiến tranh, lỗi lầm của người khác, hay tranh luận chỉ vì lý lẽ. Nó cũng bao gồm việc đọc các sách không cần thiết do sự tham muốn.
Cuối cùng, có ba hành động tiêu cực của tâm, hành động thứ nhất là sự tham muốn. Đối tượng của sự tham muốn là các vật sở hữu thuộc về người khác. Sự mê lầm thúc đẩy lòng tham muốn có thể là bất kỳ cái nào trong ba độc – tham, sân, hay si. Việc làm trọn vẹn tà hạnh này đòi hỏi năm yếu tố: sự tham muốn mạnh mẽ đối với vật sở hữu của người khác, lòng ham muốn tích lũy của cải, sự ham muốn của cải của người khác, sự ham muốn mình có được của cải của người khác, và không thấy cái hại trong việc ham muốn vật sở hữu của người khác. Nếu có đầy đủ năm yếu tố này, thì khi người nào ham muốn điều gì, nó sẽ làm trọn vẹn việc thực hiện của hành động thuộc tâm thức này.
Kế tiếp là ý định xấu, nó tương tự việc nói ác. Ý định là làm thương tổn người khác hay nói ác hoặc hy vọng rằng những người khác sẽ chịu bất hạnh và thất bại trong các hoạt động của họ. Một khi ta mê say trong những tư tưởng như thế, thì kết quả hay sự trọn vẹn là bạn đánh đập người ấy hoặc trong tâm có ý định làm như thế. Việc này cũng đòi hỏi năm yếu tố: đó là ta có – như một động lực nền tảng – sự oán ghét hay sân hận, ta thiếu sự nhẫn nhục, ta không nhận thức các lỗi lầm của sự sân hận, ta thực sự có ý định làm hại người khác, và ta không nhận thức được các lỗi lầm của ý định xấu đủ để làm đầy tràn ý đồ tai hại của mình. Chỉ ước muốn người khác sẽ bị đau khổ đã là một ý định xấu.
Điều cuối cùng trong mười hành động tiêu cực là những tà kiến hay những quan điểm sai lầm trong đó ta phủ nhận sự hiện hữu của những sự việc thật sự hiện hữu. Nói chung có bốn loại tà kiến: các tà kiến đối với nguyên nhân, đối với hậu quả, đối với chức năng của một sự việc, và đối với sự hiện hữu của một sự việc. Tà kiến đối với nguyên nhân là tin rằng không có hành động theo nghiệp báo; đối với hậu quả là tin rằng những hành động nào đó không có kết quả; đối với chức năng là nghĩ rằng trẻ con không do cha mẹ chúng sinh ra và các hạt giống không tạo ra các kết quả của chúng, và cũng cho rằng không có đời trước hay đời sống sau khi chết. Loại tà kiến thứ tư là tà kiến đối với các sự việc hiện hữu – sự tin tưởng do bởi vô minh và lòng tham muốn là các đấng Giác ngộ, Niết bàn, và Tam Bảo không hiện hữu. Ngài Tsong-kha-pa nói rằng mặc dù có nhiều loại tà kiến, những tà kiến này thực sự cắt đứt căn nguyên tích tập đức hạnh của con người và do đó thúc đẩy cá nhân đó miệt mài trong các hành động tiêu cực không có bất kỳ sự kiềm chế nào. Vì vậy, các tà kiến về Tam Bảo và định luật nhân quả được nói là những tà kiến lớn nhất trong các tà kiến.
Chúng ta cũng nên lưu tâm tới sự trầm trọng tương đối của các hành động tạo nghiệp. Khi hành vi được thúc đẩy bởi những mê lầm hết sức mãnh liệt thì hành vi đó được nói là rất nghiêm trọng. Cách thức hành vi thực sự được thực hiện cũng quyết định sức nặng của nghiệp. Ví dụ, nếu một hành động giết người được mắc phạm với sự vui thích to lớn, trước tiên là tra khảo nạn nhân và sau đó nhạo báng, sỉ nhục họ, việc đó được cho là hết sức nghiêm trọng bởi tính cách phi nhân trong việc người đó hay chúng sinh bị giết. Nếu tâm kẻ sát nhân không có lương tri hay sự hổ thẹn, bấy giờ do hắn không có các lực lượng chống lại nên tà hạnh sát sinh hết sức nghiêm trọng. Nếu hành động sát sinh của bạn bị thúc đẩy bởi sự vô minh, như làm một lễ tế thần, cho rằng việc sát sinh này thực sự là một hành vi tôn giáo và nó không tạo thành một hành động tiêu cực, thì điều này được cho là rất nghiêm trọng.
Nói chung, bạn càng hoàn thành trọn vẹn những hành động tiêu cực nào đó, thì hành vi càng trở nên nghiêm trọng. Sức nặng của nghiệp cũng tùy thuộc vào người tiến hành hành động. Nếu bạn hồi hướng công đức của bạn cho sự lợi lạc của chúng sinh vì mục đích thành tựu sự Giác ngộ, điều đó được coi là có hiệu lực hơn, trong khi đó, nếu nó được hồi hướng vì những mục đích thấp hơn, thì sẽ được coi là ít hữu hiệu. Điều này cũng được áp dụng cho hành vi tiêu cực; động lực của các mê lầm càng mạnh mẽ thì hành động theo nghiệp lực càng mạnh, và trong tất cả những mê lầm này, sự sân hận được coi là mạnh mẽ nhất. Chỉ một phút chốc sân hận đối với một vị Bồ Tát sẽ hủy diệt tất cả những đức hạnh bạn đã tích tập trong hàng ngàn kiếp.
Hậu quả của những hành động tiêu cực cũng được đặt nền trên cường độ của những mê lầm thúc đẩy chúng. Cũng có những hậu quả tương ứng với nguyên nhân. Ví dụ, do tội sát sinh, ngay cả khi đã tái sinh trong đời sống ở các cõi thấp, người ta được tái sinh làm người, nhưng đời người ấy sẽ ngắn ngủi. Do ăn cắp, người ta sẽ thiếu thốn của cải vật chất, kết quả của việc tà dâm là người ta sẽ có một người vợ rất không chung thủy, kết quả của lời nói thô ác là người ta sẽ sỉ nhục bạn, kết quả của lời nói gây chia rẽ là sẽ có sự bất hòa trong bạn bè v.v… Kết quả của việc sát sinh trong một đời trước, ngay cả khi làm người, người ta sẽ có sự thúc đẩy theo bản năng và thích thú trong việc sát nhân. Cũng có những kết quả có tính chất môi trường, chúng cùng chín mùi hơn nữa đối với một tập thể. Ví dụ, do kết quả của việc sát sinh, người ta sẽ phải sống ở một nơi mùa màng không thật tốt, sự thu hoạch không phong phú, vùng đất rất khô cằn, khí hậu không thật trong lành, đầy rẫy các loại cây và gai độc. Là hậu quả có tính chất môi trường của việc trộm cắp, một người chủ trại sẽ không có những mùa màng thành công. Kết quả theo môi trường của các tà kiến là người ta sẽ không có sự che chở và không có nơi quy y (nương tựa).
Nếu như kết quả của giới hạnh, người ta kềm chế không đắm mình trong những hành động tiêu cực này và quyết định không mê đắm trong chúng, thì điều đó tạo nên sự tích tập các hành động tích cực. Tuy nhiên, nếu ta không có khả năng hay năng lực để mê say trong những hành động tiêu cực, điều đó không có nghĩa là ta đã tích tập các thiện hạnh; thiện hạnh chỉ có thể được tích tập khi ta có khả năng hay năng lực để làm các hành động tiêu cực này nhưng ta không làm do kềm chế theo giới luật.
Một số hành động được tạo tác nhưng không làm một cách cố ý, như những việc ngộ sát, sát sinh trong giấc mộng, hay làm điều gì nghịch lại ý muốn của ai. Trong những trường hợp này hành động được tạo tác nhưng không tích tập nghiệp quả; hành động tạo nghiệp không trọn vẹn, vì thiếu yếu tố quan trọng là ý định. Trái lại, nếu bạn ép buộc người nào phạm một tà hạnh nhân danh bạn thì bạn sẽ tích tập nghiệp xấu.
Kết quả của một hành động có thể chín mùi trong đời này hay ngay trong đời kế tiếp hoặc sau một khoảng cách nhiều đời. Một số hành động hết sức nghiêm trọng, được thực hành do sự vô minh hay sân hận dữ dội, ta được biết là trầm trọng đến nỗi chúng tạo ra kết quả ngay trong đời này. Đó cũng là trường hợp của một số hành động tích cực; nếu bạn có lòng đại bi đối với chúng sinh, nếu bạn có sự quy y mạnh mẽ nơi Tam Bảo, và nếu bạn đền đáp thiện tâm của Đạo sư và cha mẹ bạn, thì kết quả của những hành động này được biết là rất mạnh mẽ khiến chúng sẽ bắt đầu chín mùi trong đời này.
Việc có được thân người là kết quả chính yếu của sự giữ giới hạnh trong sạch và kiềm chế đối với mười ác hạnh. Tuy nhiên, để có một thân người được phú cho những điều kiện sẽ trợ giúp cho tiến trình trên con đường của ta, thì phải cần tới những yếu tố khác. Chúng gồm có một cuộc đời trường thọ để hoàn tất sự thực hành Pháp. Nó cũng giúp cho một thân thể tráng kiện, đẹp đẽ và khỏe mạnh cũng như sinh trong một gia đình được tôn kính, vì khi đó bạn dễ dàng thâu phục sự kính trọng to lớn của mọi người và có ảnh hưởng mạnh mẽ. Các yếu tố khác được đề cập trong các bản văn là có lời nói đáng tin cậy cùng một thân thể và tâm thức đầy năng lực khiến bạn không dễ bị tổn thương bởi những chướng ngại. Với một hình tướng thu hút, cái nhìn đơn sơ của bạn sẽ lôi cuốn các đệ tử và khiến cho họ có đức tin to lớn nơi bạn không chút khó khăn. Xuất thân từ một gia đình được tôn kính, mọi người sẽ nghe bạn và chú ý tới sự chỉ dạy của bạn. Bạn sẽ có thể tập họp được nhiều người dưới ảnh hưởng của bạn bằng cách bố thí vật chất cho họ, và bạn sẽ khiến cho người khác lãnh hội điều bạn nói là chân thật do lời nói đáng tin cậy của bạn. Bất kỳ điều gì bạn nói ra sẽ nhanh chóng thành tựu như bạn mong muốn, giống như khi một vị vua ban ra một sắc lệnh. Bạn sẽ không sợ hãi hay xấu hổ khi giảng dạy Pháp cho một số đông người, và sẽ có ít các trở ngại khi thực hành Pháp. Nhờ có một thân thể và tâm thức đầy năng lực, bạn sẽ có thể chịu đựng sự gian khổ lớn lao về thể xác, và sẽ không có bất kỳ sự ân hận hay thất vọng nào trong việc hoàn thành mọi mục đích của riêng bạn hay của những người khác.
Mỗi một phẩm tính khác nhau có một nguyên nhân đặc biệt theo nghiệp quả. Nguyên nhân của một đời sống trường thọ thì luôn luôn là có một thái độ giúp đỡ, vị tha, không bao giờ làm hại người khác. Nguyên nhân của một thân thể tráng kiện, khỏe mạnh là sự bố thí quần áo mới cho người khác và kiềm chế tánh cáu giận của bạn. Sự sinh ra trong một gia đình được kính trọng là kết quả của tánh luôn luôn khiêm tốn, không bao giờ kiêu ngạo, và coi mình như một đầy tớ đối với vị Thầy và cha mẹ của mình. Nguyên nhân của sự giàu có là bố thí vật chất cho người nghèo, và nguyên nhân của lời nói đáng tin là sự tự chế đối với các ác hạnh của ngôn ngữ. Sự có ảnh hưởng lớn lao là kết quả của việc cúng dường Tam Bảo, cha mẹ, các vị Thầy v.v… Có được một thân thể và tâm thức đầy năng lực là kết quả của việc bố thí đồ ăn thức uống cho người khác. Nếu bạn tích tập những nguyên nhân này, bạn sẽ thành tựu được đời người hiếm có với những phẩm tính trên.
Nếu bạn giải đãi và không suy nghĩ nghiêm túc về định luật nghiệp quả, thì đôi khi bạn có thể có cảm tưởng là hiện tại bạn không tích tập bất kỳ hành động tiêu cực nào và cho rằng mình là hành giả lỗi lạc. Nếu chúng ta phân tích những tư tưởng và hành động của mình sâu sắc hơn, ta sẽ thấy rằng chúng ta đang nói năng vô ích, làm tổn hại người khác, hay dấn mình vào sự ham muốn mỗi ngày. Chúng ta sẽ nhận thấy rằng quả thật chúng ta thiếu yếu tố đầu tiên là sự thâm tín rất cần thiết để thực sự tuân theo định luật nghiệp quả. Chúng ta cần nhận ra kẽ hở giữa sự thực hành Pháp và phương cách chúng ta đang sống cuộc đời mình vào lúc này. Để đóng kín kẽ hở, bạn hãy hợp nhất sự hiểu biết về định luật nhân quả với các hành động của bạn. Nếu bạn thấy có khả năng nguy hiểm trong cách thức bạn suy nghĩ và hành động thì bạn sẽ nuôi dưỡng liên tục quyết định sửa đổi những tư tưởng và hành vi của bạn.
Ngài Tsong-kha-pa nói rằng mặc dù chúng ta nên làm một nỗ lực to lớn để không bao giờ mê đắm trong những hành động tiêu cực này nữa, nhưng do một sự kết giao lâu dài với những vô minh, đôi khi chúng ta nhận ra chính chúng ta đã mắc phạm chúng một cách thiếu kiểm soát. Chúng không nên bị bỏ mặc không được chú ý tới. Đúng đắn hơn, chúng ta nên thực hành các kỹ thuật tịnh hóa mà chính Đức Phật đã khuyên dạy. Ngài nói rằng nhờ thực hành bốn năng lực đối nghịch, chúng ta sẽ có khả năng tịnh hóa sự tiêu cực đã từng mắc phạm và sẽ có thể chiến thắng nó. Trước tiên là năng lực của sự hối hận. Nhờ suy nghĩ về sức nặng của hậu quả do những hành động tiêu cực, từ tận đáy lòng, chúng ta nên phát triển một cảm thức hối hận sâu sắc đối với những hành động đã phạm. Thứ hai là năng lực của sự tịnh hóa. Điều này có thể được hoàn thành qua nhiều loại kỹ thuật, gồm có sự trì tụng, tưởng nhớ, và đọc Kinh điển, tô tạo hình tượng Phật, cúng dường, và đọc tụng danh hiệu chư Phật. Các kỹ thuật tịnh hóa này phải được thực hiện cho tới khi bạn thấy các dấu hiệu và biểu thị của sự thành công trong thực hành tịnh hóa của bạn. Các dấu hiệu này gồm có những giấc mơ thấy bạn ói mửa, mơ thấy uống sữa hay sữa đông, thấy mặt trời và mặt trăng trong một giấc mộng, mơ thấy bay hay thấy lửa cháy, thấy chế ngự những con trâu, hay thấy những người mặc áo choàng đen, mơ thấy tăng ni, thấy leo lên đồi, và mơ thấy nghe giáo lý. Đây là những dấu hiệu của sự thành công trong việc thực hành tịnh hóa của bạn.
Thứ ba là năng lực của sự quyết định không làm ác hạnh trong tương lai. Nếu bạn có năng lực quyết định và tự chế không phạm vào mười ác hạnh, thì bạn sẽ không chỉ có khả năng tịnh hóa những tiêu cực của riêng mười ác hạnh, mà bạn cũng sẽ có khả năng tịnh hóa những vô minh và các dấu vết do chúng để lại. Nếu năng lực quyết định của bạn rất cạn cợt, thì sự thực hành tịnh hóa của bạn cũng sẽ cạn cợt. Năng lực cuối cùng là thiền định về sự quy y Phật, Pháp và Tăng và sự phát triển ước muốn trở nên Giác ngộ vì tất cả chúng sinh.
Nếu một hành động tiêu cực bị mắc phạm và để lại sự bất tịnh thì sẽ có tiềm năng gây nên sự tái sinh trong các cảnh giới thấp của sinh tử. Các hành động tiêu cực chỉ có thể được hoàn toàn tịnh hóa trong ý nghĩa rằng tiềm lực của chúng sẽ hoàn toàn bị tiêu hủy, hoặc tiềm lực của chúng tạo nên sự tái sinh ở các cõi thấp sẽ bị tiêu hủy nhưng chúng có thể biểu lộ như những cơn nhức đầu không đáng kể trong đời này. Đó là vì, mặt khác, bất kỳ hành động tiêu cực nào tạo nên các hậu quả trong một thời gian dài có thể được kinh nghiệm trong một thời gian ngắn. Các kết quả này phụ thuộc vào việc hành giả có khéo léo trong sự thực hành tịnh hóa hay không, bốn năng lực có đầy đủ hay không, và cũng tùy thuộc sự thực hành của hành giả mạnh mẽ ra sao và sự thực hành tịnh hóa này được thực hiện bao lâu.
Trong một số trường hợp tiềm lực của hành nghiệp bị tiêu hủy; trong các trường hợp khác nó có thể hiển lộ trong những kinh nghiệm nhẹ hơn. Bạn không nên cho rằng điều này mâu thuẫn với sự trình bày trong các Kinh điển là một khi các hành nghiệp đã bị mắc phạm sẽ không bao giờ tiêu mất năng lực của chúng ngay cả trong một trăm kiếp. Điều này có nghĩa là nếu một khi đã mắc phạm các hành nghiệp và chúng để lại dấu vết, thì chúng sẽ không bao giờ mất đi năng lực của chúng chỉ do bởi thời gian. Không có hành động nào không thể được tịnh hóa. Sự tịnh hóa tiêu hủy tiềm năng của các hành nghiệp tiêu cực trong cùng cách thế mà các hành động tích cực mất đi tiềm năng của chúng do sự phát sinh lòng sân hận. Nhưng Đức Phật đã nói rằng không bao giờ bạn có thể tịnh hóa được một hành động nghiệp một khi nó đã sinh ra kết quả. Ví dụ như các kinh nghiệm tiêu cực chúng ta có trong đời này là hậu quả của các hành động tiêu cực đã mắc phạm trong quá khứ – những hành động đã từng xảy ra; không có cách nào khiến bạn có thể tịnh hóa chúng.
Ngài Tsong-kha-pa nói rằng vì các hành động tích cực có thể mất đi tiềm năng của chúng do sự phát khởi của những yếu tố đối nghịch, như sự sân hận, chúng ta không chỉ hết sức thận trọng khi tích tập đức hạnh mà cũng nên thận trọng tương tự như vậy để giữ gìn những đức hạnh một khi đã tích tập chúng. Điều này được thực hiện nhờ sự hồi hướng công đức của ta cho sự thành tựu Giác ngộ với mục đích đạt được Phật Quả. Có nói rằng một khi bạn đã hồi hướng công đức của bạn cho sự thành tựu vì mục đích như thế, thì cho đến khi bạn hoàn thành được mục đích đó, thiện hạnh mà bạn đã tích tập sẽ không bao giờ mất đi tiềm lực của nó. Giống như ký gửi tiền của bạn trong một nhà băng thì kẻ trộm không lấy cắp được – trong trường hợp này kẻ trộm là sự sân hận, tham muốn hay vô minh.
Mặc dù nhờ sự thực hành các đối lực đúng đắn, chúng ta có thể tịnh hóa toàn bộ các tiêu cực và tiêu hủy tiềm lực đem lại những hậu quả không đáng ao ước của chúng, nhưng trước hết, thật đơn giản, tuyệt hảo là đừng nên mắc phạm những hành động tiêu cực này. Vì vậy, ngay từ lúc đầu, tốt hơn là không bao giờ mê đắm trong chúng, không bao giờ làm ô nhiễm tâm bạn với những hành động tiêu cực như thế. Ngài Tsong-kha-pa nói rằng tương tự như người bị gãy một chân; về sau chân được chữa khỏi, nhưng so với một chân chưa bao giờ bị gãy thì rất khác biệt.
Một số người có thể nghĩ rằng vì trong những Kinh điển khác, sự thành công và các lợi lạc của cuộc đời trong sinh tử này được mô tả như những cái phải né tránh và từ bỏ, sẽ không thích hợp với một hành giả khi ước muốn những hình thức hiện hữu thuận lợi, bởi nó cũng là một đời sống trong sinh tử. Đây là một thái độ hết sức sai lầm. Khi chúng ta nói về các mục đích thì có hai loại: các mục đích nhất thời và mục đích tối hậu. Các mục đích nhất thời bao gồm sự có được thân người quý báu ở đời sau. Trên căn bản của một thân người quý báu như thế, bạn có khả năng thực hiện sự thực hành Pháp của bạn để cuối cùng có thể hoàn thành mục đích tối hậu của bạn là thành tựu Giác ngộ. Mặc dù đối với một hành giả Đại thừa, mục đích tối hậu là làm việc để thành tựu sự Toàn Giác vì chúng sinh, nhưng cũng rất cần thiết đối với một hành giả ước muốn có một tái sinh thuận lợi trong tương lai, như đời sống con người, để họ (nam hay nữ) có thể tiếp tục thực hành. Ngài Shantideva nói rằng đời người quý báu nên được xem như một chiếc thuyền nhờ đó người ta có thể vượt qua đại dương sinh tử. Để hoàn thành mục đích tối hậu là thành tựu trạng thái Toàn Giác, bạn phải có được thân người quý báu trong nhiều đời. Nguyên nhân nền tảng của sự thành tựu các hình thức tái sinh quý báu như thế là sự thực hành giới hạnh.
Đối với đa số, khi đã phát triển ước muốn thực hiện sự thực hành Pháp thì thật là khó khăn khi hoàn toàn từ bỏ thế giới. Loại hành giả tốt nhất từ bỏ đời sống thế gian và dành phần đời còn lại của họ trong một thực hành cô tịch, đơn độc. Điều này thực sự đáng tán thán và có lợi lạc to lớn, nhưng đối với đa số chúng ta thì thật là khó khăn khi thực hiện một thực hành như thế. Bạn cũng phải nghĩ về cuộc đời của riêng bạn và cũng làm việc trong cộng đồng và phụng sự mọi người. Bạn không nên hoàn toàn bận tâm với những hoạt động thế gian; bạn cũng phải dùng rất nhiều năng lực và thì giờ cho sự thực hành Pháp nhằm mục đích có đời sau tốt đẹp hơn. Bạn bắt đầu nhận ra rằng so với số phận tương lai của bạn thì các công việc của đời này không quan trọng bằng.
Nhờ sự quy y và sống trong định luật nghiệp báo, nỗ lực từ bỏ các hành động tiêu cực và tích tập các hành động tích cực, bạn có thể được hưởng một tái sinh thuận lợi trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta đừng chỉ bằng lòng với điều đó, vì sự tái sinh thuận lợi ấy là một nơi chốn trong sinh tử, có bản chất là đau khổ. Đúng hơn, chúng ta nên nuôi dưỡng nhận thức rằng mỗi hình thức hiện hữu trong vòng sinh tử này có bản chất là đau khổ. Từ vô thủy, chúng ta có sự bám luyến theo bản năng vào vẻ hào nhoáng phồn vinh của sinh tử, và chúng ta chưa bao giờ có thể nhận thức được những lạc thú của sinh tử thật sự là gì: đó là những đau khổ đích thật. Chừng nào các tù nhân không biết rằng họ đang ở trong nhà tù và không nhận thức được rằng thật khó khăn và đau khổ khi chịu đựng cuộc sống của người tù, thì họ sẽ không phát triển bất kỳ ước muốn chân thực nào để tự giải thoát khỏi tù ngục.
Bạn không nên có quan niệm sai lầm rằng Phật giáo bi quan. Đúng hơn, nó hết sức lạc quan, vì mục đích của mỗi cá nhân là sự Toàn Giác, nó đem lại một hạnh phúc tuyệt đối và bền vững. Phật giáo nhắc nhở chúng ta rằng điều này là có thể đối với hết thảy mọi người. Những lạc thú của sinh tử có vẻ đáng ưa thích nhất thời, nhưng chúng không bao giờ có thể thỏa mãn chúng ta dù chúng ta hưởng thụ chúng bao lâu chăng nữa, và chúng không đáng tin vì là đối tượng của sự biến dịch. Trái nghịch với an lạc và hạnh phúc của Niết Bàn – là cái gì tối hậu, thường hằng, và vĩnh cửu – những lạc thú và hạnh phúc này trong sinh tử trở nên vô nghĩa.