Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (4)


Xem mục lục

Cách nói như trên về ba thừa như là bên ngoài, bên trong và bí mật được tạo lập từ cái nhìn tổng quan thế nào ba phương diện giáo lý được phổ biến ở Ấn Độ, và thế nào cả ba được thể hiện vào sự tu hành cá nhân.

Cũng có những cách cổ điển khác phân chia giáo lý của Phật thành các ‘thừa’.

Chẳng hạn kinh Bát Nhã ba la mật do Nagarjuna tìm ra nói đến hai thừa căn bản, là Tiểu và Đại, trong đó cái trước dẫn đến giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi và cái sau đến giác ngộ viên mãn.

Tiểu thừa lại chia làm hai : Thanh Văn thừa (những người chủ yếu sống thành cộng đồng) và Độc Giác thừa (những người chủ yếu sống một mình). Cả hai con đường này dẫn đến Niết bàn, hay là sự giải thoát toàn triệt khỏi sanh tử. Chúng chỉ khác nhau theo sự nặng nhẹ của công đức.

Theo cách nhìn lịch sử, chắc chắn hai thừa này tiêu biểu cho giáo đoàn cổ thời : bậc Thanh Văn là người sống với Phật và tăng chúng, ghi nhớ những lời dạy, còn bậc Độc Giác là những vị tăng giữ lấy một kỹ thuật thiền định, như quán tưởng, và thực hành một mình.

Các tác giả Phật giáo Ấn Độ về sau (đặc biệt, những người xuất hiện sau sự mở đầu của Tantra Phật giáo trong thế kỷ thứ sáu) và truyền thống được tán thành ở Tây Tạng đều chấp nhận sự xếp loại phân hai ở trên, cũng như sự phân nhỏ Tiểu thừa thành hai cách tu như trên. Thêm nữa, họ phân nhỏ Đại thừa thành hai : Bồ Tát thừa, hay con đường của người cố gắng tu hành theo lý tưởng của bậc Giác Ngộ như được nhấn mạnh trong Bát Nhã ba la mật khám phá bởi Nagarjuna ; và Mật thừa, con đường tantric bí truyền, trong đó lý tưởng là của các đại thành tựu giả Ấn Độ, họ vượt ngoài mọi quy ước. Cả hai thừa này đều thuộc về Đại thừa, vì cả hai đặt căn bản trên nguyện vọng giác ngộ viên mãn của Bồ tát và mục đích của chúng là đạt đến Phật tánh trọn vẹn (và không chỉ là Niết bàn).

Dalai Lama thứ Hai có nhận định như sau trong Một chiếc bè băng qua đại dương của tư tưởng Phật giáo Ấn Độ

Sự trao truyền của đức Phật có hai loại : căn cứ trên kinh điển và thực hiện. Cái trước gồm các bộ kinh điển trên đó các truyền thống Tiểu thừa và Đại thừa được thành lập.

Như đối với hai thừa này, cái trước có thể được chia nhỏ thành Đại thừa công truyền của các Ba la mật Bồ tát, và Kim Cương thừa mật truyền, con đường tantra của các mật chú.

Hai mặt của Đại thừa này, cái trước cũng được gọi là ‘Đại thừa Nhân’ và cái sau là ‘Đại thừa Quả’.

Ở đây chúng ta thấy Bồ Tát thừa công truyền được xem là ‘thừa nhân’ và Mật thừa mật truyền là ‘thừa quả’. Ý nghĩa chỉ giản dị là : trong cách tu hành của cái trước, khi người ta thiền định chẳng hạn về tình thương, thì người ta xem tình thương như một năng lực nó hoạt động như là nhân của giác ngộ ; trong cách thứ hai, người ta thiền định rằng người ta được hướng dẫn, lèo lái bởi năng lực toàn phần của tình thương ngay giây phút ấy, y như lúc đã đạt đến cái quả của Phật tánh viên mãn. Như thế một cách tu hành gắn liền trong bản chất với những nguyên nhân của giác ngộ ; còn cái kia gắn liền trong bản chất với kết quả của chính giác ngộ.(1)

Một cách xếp loại khác là Giáo thừa (Sutrayana) và Mật thừa (Tantrayana). Đôi khi hai cái này còn được gọi là khía cạnh ‘chia xẻ’ và ‘đặc biệt’ của giáo lý. Trong bối cảnh này, Giáo (Sutra) để chỉ kinh điển chứa đựng những giáo lý công truyền của Phật, và Mật (Tantra) để chỉ các kinh điển chứa đựng giáo lý bí truyền của Ngài. Mọi chỉ dạy của đức Phật đều có thể xếp vào hai phạm trù này. Ở đây, Giáo thừa gồm mọi giáo lý của Tiểu thừa cũng như của Đại thừa (nghĩa là tất cả chỉ trừ giáo lý tantric). Mật thừa, nó đồng nghĩa với Kim Cương thừa hay Mật chú thừa (Mantrayana), bao gồm giáo lý Đại thừa liên quan đến con đường tantric dẫn đến giác ngộ. Như thế truyền thống tantric Kalachakra được đặt trong phạm trù giáo lý sau chót này.

Mối tương quan chính yếu giữa Giáo thừa và Mật thừa trong Phật giáo Ấn cũng như Tây Tạng là sự tương quan của cái sơ bộ và sự thực hành thực tế, ở đó các phương pháp của Giáo thừa chuẩn bị các nền tảng cho sự tu hành thực sự, nó là phương pháp luận tantric.

Vì lý do này mà cái trước đôi khi được gọi là ‘con đường chia xẻ’ và cái sau là ‘con đường đặc biệt’. Cái trước là ‘chia xẻ’ trong ý nghĩa là sự cung cấp những nền tảng cần thiết cho cái sau. Là bản chất hơn hết của Giáo thừa, nó rõ ràng hiện diện trong phạm trù giáo lý này ; và là những nền tảng của Mật thừa, nó cũng hiện diện ở đó. Như thế nó chia xẻ với cả hai : Mật thừa, ít ra trong hầu hết trường hợp, không thể thực hành thành công nếu không có các tu hành sơ bộ trong các phương pháp Giáo thừa.

Dalai Lama thứ Hai bình luận trong Các Yoga Tantric của sư tỷ Niguma :

Trước tiên, người ta phải hoàn thành các sơ bộ tổng quát. Điều này nói đến các phương pháp chung cho cả hai Giáo thừa và Kim Cương thừa.

Trong Những điều tiên quyết để nhận sự nhập môn Mật thừa, chương Mười Lăm của cuốn sách này, Dalai Lama thứ Bảy bình luận :

…Đại thừa gồm có hai thừa phân biệt : Ba la mật đa thừa, hay Thừa (thiền định) về các nguyên nhân (của giác ngộ), cũng gọi là Thừa của các Biểu tượng ; và Guhyamantra thừa, hay Kim Cương thừa, Thừa (thiền định) về các kết quả (của giác ngộ).

Tuy nhiên, thực hành chỉ cái trước thì giác ngộ chỉ đạt được sau ba a tăng kỳ kiếp với các khổ hạnh khó khăn như là hy sinh tay chân của thân thể mình vân vân. Tóm lại, đó là một cuộc hành trình dài lâu và gian khổ.

Nhưng nếu trong tu hành chúng ta kết hợp Kim Cương thừa với Ba la mật đa thừa thì sau một nỗ lực ngắn thích hợp, chúng ta có thể đi đến tận cùng của sự bồi đắp công đức và vượt qua tính tiêu cực phản động và có thể nhanh chóng và dễ dàng đạt được trạng thái Vajradhara toàn khắp trong một đời.

Kim Cương thừa là con đường rất nhanh, nhưng để đi vào nó, chúng ta trước tiên phải huấn luyện dòng tâm thức qua các giới luật của con đường công truyền là ba la mật đa thừa, cho đến khi đạt được một mức độ vững chắc. Chỉ lúc đó, chúng ta mới nên đi vào con đường Mật thừa.

Trích dẫn một đoạn từ Tantra gốc của Chakrasamvara vinh quang, Dalai Lama thứ Bảy chỉ ra(2) :

Khi các tu hành về kinh giáo đã mạnh mẽ, chân trời của các thiền định bí mật mới ở trong tầm mắt.

Điều này nghĩa là, chỉ khi các tu hành Giáo thừa đã được thiết lập vững chắc như là căn bản tâm linh bên trong, thì giáo lý Kim Cương thừa mới được trao cho.(3)

Cái gì tạo nên các thực hành Giáo thừa khiến chúng là các tu hành sơ bộ ?

Trong Các Yoga Tantric của sư tỷ Niguma, Dalai Lama thứ Hai diễn tả bản chất của ‘con đường chia xẻ’ Giáo thừa bằng cách trích một đoạn từ Những bài kệ Kim Cương :

Những người mà tâm thức họ đã chín bởi bốn nhập môn,

Những người có niềm tin và nhiệt thành trong tu hành

Và những người mà tâm thức đã được chuẩn bị bởi các thực hành sơ bộ

Về thiền định trên vô thường và cái chết,

Sự buông bỏ và bất toàn của vòng sanh tử,

Họ sẽ đạt đến Phật tánh trong một thời gian ngắn

Sáu tháng, một năm, hay ít ra trong đời này

Bằng phương tiện của con đường Mật thừa tối thượng.

Rồi ngài tiến hành giải thích bài kệ bằng cách đặt nó vào trong bối cảnh Sự phát triển ba cấp được Atisha trình bày trong Một ngọn đèn cho con đường đến Giác Ngộ đã được phổ biến khắp Tây Tạng và Trung Á trong hình thức truyền thống Lam Rim(4) :

Như trích ra ở trên (Những bài kệ Kim Cương), các tu hành sơ khởi được hoàn tất trước khi đi vào con đường tantric sâu xa này được xếp vào ba phạm trù các phương pháp làm nảy sanh ba phạm vi của động lực tâm linh : 1) Phạm vi tiên khởi gồm các tu hành như thiền định về sự chắc chắn của cái chết và sự không chắc chắn của thời gian chết ; 2) Phạm vi trung gian gồm các tu hành như thiền định về tính không thỏa mãn và khổ đau của vòng sanh tử, các phương pháp làm phát khởi cảm giác xả ly và giải trừ huyễn ảo đối với mối đam mê sanh tử, và làm nảy sanh ý muốn thoát khỏi sanh tử luân hồi ; 3) Phạm vi cao cấp của động lực : đặt nền tảng trên hai cái trước, mong mỏi đạt đến giác ngộ tối thượng như là biện pháp làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh và để làm điều đó, đi vào trong con đường vị tha của Bồ tát, như là sáu ba la mật. Để đi vào Kim Cương thừa, người ta trước tiên phải hoàn thành các tu hành chung này (Tiểu thừa và Đại thừa tổng quát).

Xem mục lục