Lần đầu tiên tôi thực sự tiếp xúc với truyền thống tantric Kalachakra là vào mùa đông năm 1973. Đức Dalai Lama sắp ban cho một buổi lễ nhập môn quần chúng, và tôi sắp xếp để tham dự.
Vào thời gian lễ nhập môn được thông báo, tôi đang sống và học tại Dharamsala, Ấn Độ. Làn sóng phấn khởi lan truyền trong cộng đồng Tây Tạng hầu như hữu hình có thể cầm nắm được.
Địa điểm nhập môn là Bodh Gaya, một làng chùa chiền nhỏ cách thành phố Gaya Bihar vài dặm về phía nam. Bodh Gaya là đặc biệt trong các trung tâm tâm linh Phật giáo thế giới, ít ra trong ý nghĩa lịch sử xưa của nó. Chính ở đấy mà vị tu sĩ Gautama ngồi dưới cây bồ đề và đạt đến trạng thái giác ngộ, ở đấy mà ngài thành Phật. Trong tám chỗ hành hương của Phật tử ở Ấn, nó được coi là nơi thiêng liêng nhất. Thật vậy, vài truyền thống Phật giáo nhận định rằng tất cả một ngàn vị Phật của kiếp này thực hiện chức vụ vị thầy vũ trụ đều thể hiện giác ngộ nơi trái đất này ở Bodh Gaya.
Cũng phải thêm rằng Bodh Gaya trong thế kỷ hai mươi này không phải là một trung tâm tâm linh kiểu mẫu. Sự xâm lăng của Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ mười ba và mười bốn đã làm cho vùng đất bị nhiều hư hại. Hồi giáo đặc biệt khắc nghiệt với Phật giáo ở Ấn Độ. Người ta nói rằng tu viện Nalanda gần đó đã bị bao vây và tất cả các vị tăng đều bị chặt đầu tại chỗ. Những tường vách của mỗi phòng đều dính máu. Các ngôi chùa và thư viện bị đốt cháy, và tay và mặt vỡ ra từ các bức tượng đá đã được khám phá.
Nói thẳng ra, Bodh Gaya đã thấy những ngày đẹp hơn, ít ra cũng hình như thế từ năm 1973. Nó không bao giờ bình phục từ cuộc tấn công Hồi giáo. Nó hình như đã trở nên một thứ bèo nhèo của tiệm trà và nhà hàng gây khó chịu. Nhà cửa tạo nên ngôi làng cũng chỉ là các nhà ổ chuột trước ngọn tháp, có thể gọi được là các chỗ ở ốm yếu nhất của con người.
Ngôi tháp chính và những khu vườn thấp chung quanh công trình tuyệt vời này thì thật là kỳ diệu và chứa một hậu duệ của cây bồ đề ngày trước đức Phật đã ngồi để thành tựu giác ngộ. Chúng cũng cất giữ nhiều tượng đá và đồ vật trong chùa còn lại, thoát được sự tàn phá, nhờ được chôn dấu trước cuộc tấn công cuối cùng.
Sau sự tàn phá của người Hồi giáo, Bodh Gaya không còn là một trung tâm hành hương quốc tế nữa. Phật tử khắp thế giới bắt đầu phát triển các danh lam hành hương khác ở những nơi chốn thích ý và dễ đến hơn. Kết quả là Trung Á bắt đầu xem Lhasa như chỗ thay thế ; người Trung Hoa là Ngũ Đài Sơn, người Nhật là Kyoto v.v…
Bodh Gaya chứng kiến một chấn động nhỏ vào năm 1950, khi thủ tướng Nehru mời chánh phủ nhiều nước Phật giáo khắp thế giới mỗi nước xây một ngôi chùa của mình ở đó, ông dâng cúng đất cho dự án đó. Kết quả là, nhiều năm sau, có khoảng một tá ngôi chùa đã xuất hiện.(1)
Năm 1973 làn sóng di dân Tây Tạng qua Ấn Độ trong cuối thập niên năm mươi và đầu thập niên sáu mươi đã làm sống dậy các hoạt động Phật giáo ở Bodh Gaya. Sự hiện diện của các vị đại Lama Tây Tạng ở Bodh Gaya mỗi mùa đông, cũng như những dòng người Tây Tạng hành hương đã làm mạnh mẽ thêm sự quan tâm của dân Phật giáo các vương quốc vùng Himalaya : từ Ladakh, Lahoul, Spiti và Kinnaur về phía tây, đến Sikkim, Bhutan và Arunachal Pradesh về phía đông, tất cả các nước này thực hành Phật giáo Tây Tạng. Trong các tháng đông, khi khí hậu Bihar trở nên chịu được, hàng ngàn người dân đi đến Nơi Chốn Giác Ngộ, tòa Kim Cương.
Sự kiện đức Dalai Lama ban cho sự nhập môn Kalachakra ở một chốn thiêng liêng như thế lần đầu tiên làm cho thế giới Phật giáo Hiamlaya rộn rịp.
Hai tháng trước buổi lễ nhiều đám đông người hành hương bắt đầu nhóm tụ. Nhiều người trong số họ muốn trì tụng hàng trăm ngàn biến thần chú chính yếu trong sự thực hành của họ suốt cuộc hành hương, hay có lẽ hàng trăm ngàn các lễ lạy. Những người khác định nhiễu quanh đại tháp vài ngàn lần. Lễ trao truyền của đức Dalai Lama sẽ là đỉnh điểm, sự kết thúc lớn lao cho sự sùng mộ của họ.
Lễ nhập môn Kalachakra đối với người Trung Á giống như một lễ hội Phật giáo. Các làng và các bộ tộc kéo đến, với trẻ em, thiếu niên, trung niên và ông bà lão. Quá bé, già hay yếu đều được mang theo.
Quán xá mọc lên khắp nơi, mua hay bán cho đám đông. Hầu hết các người hành hương mang theo ít đồ đem bán để có tiền trở về nhà, các vật nhỏ, cổ xưa là thông dụng nhất. Các tiệm bên đường nơi nào cũng có. Lễ nhập môn ở Bodh Gaya năm 1985 thậm chí còn có nhà xiếc, với vòng đu quay, vòng xoay ngựa gỗ. Không khí là một cuộc vui chơi và lễ hội. Cái tương đương độc nhất ở Tây phương tôi có thể nghĩ đến là ‘Một đảo của tâm hồn’ của Ferlinghetti.
Có một tính cách du mục mạnh mẽ, người Tây Tạng hình như ít để ý đến các sự thiếu tiện nghi ở Bodh Gaya. Vài người ở trong các phòng chật hẹp trong các chùa địa phương, người khác thuê các nhà lều trong các làng bên cạnh, nhưng đại đa số chỉ dựng lều cạnh bờ sông, bất cứ chỗ nào có thể tìm ra chỗ trống. Lính Ấn Độ thiết kế và dẫn vào một mạng lưới nước dùng, chạy dài trước một thành phố lều hơn trăm ngàn cái. Năm 1985, lễ nhập môn Kalachakra ở Bodh Gaya vào mười hai năm sau, hơn ba trăm ngàn người đến quảng trường.
Cũng nên ghi nhận ở đây rằng rất ít người tham dự một lễ nhập môn loại này trù định đảm trách lâu dài một cách nghiêm ngặt các tu hành yoga trong truyền thống Kalachakra và được bàn luận trong cuốn sách này. Có lẽ một trong một trăm người có một thực hành trì tụng đơn giản hàng ngày, như là bản văn guruyoga trong chương Mười Tám. Có thể một trong một ngàn người mong muốn thực hành thực sự luôn luôn sáu yoga ; và trong số đó, chỉ một nhóm nhỏ tận tụy dành thời gian để thực sự hành thiền định nhập thất, là sự tu hành chính yếu.
Với hầu hết người tham dự, mục đích ngồi suốt buổi lễ nhập môn có lẽ không phải để nhận sự trao quyền như là sự cho phép đi vào nỗ lực thiền định, mà là để có dịp phơi mình tắm trong ánh sáng của sự tiếp thông tâm linh với vị Lama truyền pháp, ở đây là đức Dalai Lama, và hy vọng hút thấm một chút mưa móc của năng lực tâm linh từ dịp này. Thật vậy, hy vọng là phát khởi được các hạt giống nghiệp, chúng thiết lập một mối nối kết với vị Lama và với cả Shambala, quốc độ thanh tịnh huyền thoại của giáo lý Kalachakra.
Hầu hết các buổi lễ nhập môn rộng rãi Kalachakra được đi trước bằng năm hay sáu ngày các giáo lý căn bản Phật giáo. Các buổi thuyết giảng này thường bắt đầu từ trưa và tiếp tục cho đến chiều tối, mỗi người ngồi trùm đầu giữa nắng, các đứa bé chơi ở giữa các khối người lớn. Các bà mẹ cho con bú trong khi các người già chợp ngủ kín đáo trong bóng mát, âm vang giọng nói phong phú của đức Dalai Lama chảy trên họ bằng những đợt sóng từ hệ thống loa. Chủ đề của buổi nói chuyện trong các ngày sơ khởi này thường theo những đường lối tư tưởng được đức Dalai Lama thứ Bảy trình bày trong Những điều tiên quyết để nhận sự nhập môn Tantric, ở đây nằm trong chương Mười Lăm. Sau khi những giáo lý căn bản này được truyền giảng, tiến trình nhập môn thực sự bắt đầu, khởi sự với một ngày vũ điệu của các Lama, chỗ làm lễ nhập môn được cầu nguyện và tôn phong. Rồi tiếp theo là hai hay ba ngày nhập môn, và thường có một ngày hành lễ theo hình thức của một buổi lễ gurupuja, trong đó vị Lama khuyên bảo đám đông. Cuối cùng toàn thể công chúng gồm mấy chục ngàn người thọ pháp sắp hàng đi ngang qua ngôi đền thờ xây tạm trong đó mạn đà la Kalachakra bằng cát đá được thiết lập, và rồi ngang qua trước mặt đức Dalai Lama để nhận sự ban ơn bằng tay của riêng Ngài.(2)
Như thế toàn bộ sự việc theo truyền thống kéo dài khoảng mười hay mười hai ngày, với quần chúng nhóm tụ lại mỗi ngày vào buổi trưa và ngồi đến chiều tối, trước và sau mỗi buổi học vội vã làm cho xong các việc thường ngày, như kiếm thức ăn, tìm các trẻ nhỏ lạc đâu đó, rửa bụi đất bám trên thân, tránh giẵm đạp nhau trong đám đông vội vã… Trong khi ấy các người buôn bán vẫn tiếp tục rao mời, cố gắng lợi dụng nồng độ tâm linh của dịp may ; và cũng có những xung đột, như khi trong một buổi chiều thuyết giảng của đức Dalai Lama, một chủ trại người Bhutan giẵm lên áo choàng của một người du mục Khampa và nhận một vết thương bằng dao cho sự vô ý này.
Đó là sự tiếp xúc đầu tiên của tôi với truyền thống Kalachakra. Nó giống với một buổi tiệc liên hoan kỳ quái, huyền bí, ‘mật tông’ tiếp tục ngày sang đêm trong hai tuần lễ hơn là một biến cố tôn giáo trọng đại. Trẻ em được sanh ra, người già chết đi, các Lama và các thiền giả ngồi thực hành sự khát ngưỡng của họ dưới mỗi gốc cây, trong mọi ngóc ngách, và các cặp tình nhân bên bờ sông chia xẻ những niềm vui của trái tim. Tất cả họ đều bình đẳng trong cái quỹ đạo tạm thời chung quanh mạn đà la Kalachakra bằng cát được dựng lên ở giữa làng và bây giờ được dùng như là trung tâm của vũ trụ chúng ta. Năng lực tâm linh khởi dậy từ đất thành những đợt sóng, như hơi nóng ở chân trời xa. Giấc ngủ tràn ngập các giấc mơ sống động đến nỗi khó phân biệt đâu là thức đâu là các kinh nghiệm trong mơ. Rồi tất cả thình lình chấm dứt, như điểm chót của một cuộc chạy đua marathon, với chỉ còn vài người tụt hậu làm chứng.
Đám đông tan biến dần dần, như miễn cưỡng rời bỏ một tụ hội nó hứa hẹn những phiêu lưu khác. Nhiều người sau đó tiếp tục cuộc hành hương đến những nơi linh thiêng khác trong một hai tháng, trước khi trở về nhà nơi núi non và thung lũng của dãy Himalaya, với nông trại và đàn gia súc, về với tu viện và chỗ ẩn tu, hay đến những chỗ định cư rải rác khắp Ấn Độ, từ Ladakh miền bắc đến Mysore miền nam.
Từ lần đầu tiên đó, đức Dalai Lama đã trao truyền nhập môn Kalachakra trong nhiều dịp khác, một vài lần tôi có may mắn được tham dự. Như tôi đã viết, có tin rằng Ngài sẽ trao truyền ba lần trong năm tới : một ở Mông Cổ, một ở Dharamsala và lần thứ ba ở New York.