Top Book
Chùa Việt
Bài Viết

Sách Đọc (4)


Xem mục lục

TÌM KIẾM HẠNH PHÚC NỘI TÂM

Ý niệm và cảm giác về ‘cái Tôi’ chỉ là một phóng ảnh trên bốn hay năm uẩn tâm lý tạo thành cá nhân. Tuy nhiên cảm giác cái Tôi này mà chúng ta ai cũng có, ngay đến con côn trùng nhỏ nhất, đều bẩm sinh tìm kiếm sự thỏa nguyện và tránh né đau khổ.

Để thiết lập những trạng thái hạnh phúc muốn có và để loại trừ những trạng thái không thỏa mãn và buồn phiền không muốn có, những loài chúng sanh khác nhau đều chuyên tâm vào những hoạt động nhằm thành tựu các mục đích ấy tùy theo khả năng riêng.

Hạnh phúc cần được sanh ra và buồn phiền phải loại trừ thì có nhiều thứ. Ví dụ người ta có được một loại hạnh phúc từ thức ăn, chỗ ở và thành công xã hội, và họ kinh nghiệm nhiều khổ đau khi chúng bị lấy mất.

Tuy nhiên, khi người ta được hỏi liệu những giới hạn của niềm vui và nỗi khổ có chấm dứt được ngay ở đây, thì câu trả lời là phủ định. Bất kể thực phẩm, chỗ ở và thành công xã hội người ta có nhiều bao nhiêu, chỉ những điều kiện bên ngoài này không sanh ra được hạnh phúc lâu dài nếu tâm thức bị quấy nhiễu bởi những ray rứt tinh thần.

Điều này chỉ ra rằng cùng với sự quan tâm đến cuộc sống tốt đẹp về vật chất và môi trường chung quanh, chúng ta phải cố gắng tạo ra một nền tảng bình an và cân bằng tâm linh bên trong.

Hạnh phúc nào là mạnh mẽ hơn, cái khởi từ những nhân duyên bên ngoài hay cái khởi từ mối hòa điệu tâm linh bên trong ?

Khi người ta có được cái sau, thì đau khổ không sanh khởi trong tâm ngay cả khi những điều kiện nhân duyên bên ngoài của hạnh phúc không hội tụ. Và khi người ta không có bình an nội tâm thì hoàn cảnh thích thú nhất bên ngoài cũng không thể đem lại hạnh phúc cho tâm thức.

GIẢI PHÁP TÂM LINH

Theo nghĩa này, trạng thái bên trong của tâm là quan trọng hơn những điều kiện bên ngoài.

Bởi thế điều quan yếu là chúng ta tự biết những phương tiện nhờ đó một trạng thái an bình bên trong được tạo ra và nuôi dưỡng. Nó không những làm lợi lạc cho riêng chúng ta ngay trước mắt, thiết thực và thực tế ; mà còn trong thời đại này khi có quá nhiều căng thẳng xã hội trên hành tinh, khi các quốc gia tự chúng quá chú tâm mãnh liệt đến cạnh tranh và nỗ lực áp đảo kẻ khác – ngay cả có sự đe dọa tàn phá bằng nguyên tử – thật là khẩn cấp cho chúng ta để cố gắng phát triển trí huệ sâu xa.

Hiện giờ thế giới không thiếu sự phát triển kỹ thuật và kỹ nghệ. Chúng ta đang thiếu điều gì ? Một nền tảng cho hòa điệu và niềm vui nội tâm.

Chúng ta nuôi dưỡng niềm vui thích nhẹ nhàng của tâm từ bi được gợi hứng bởi trí huệ, kết quả sẽ là chúng ta liên tục kinh nghiệm an bình và hạnh phúc, ngay cả khi đối diện với những khó khăn bên ngoài, và chúng ta có được một hiệu lực làm an bình trên môi trường hỗn loạn chung quanh hơn là chỉ bị bắt nhốt vào đó và tạo thêm nó.

Mặt khác, khi tâm chúng ta thiếu vắng những phẩm chất tâm linh mà trái lại chúng ta bị các năng lực bên trong như tham, ghen, gây hấn, kiêu ngạo v.v… kiểm soát và dẫn dắt, thì ngay cả những điều kiện tốt đẹp bên ngoài cũng chẳng mang đến tiện nghi thoải mái có ý nghĩa nào cho tâm thức.

Từ đó sự an bình và niềm vui nội tâm này không chỉ làm lợi lạc cho cá nhân nào phát triển nó ; mà nó còn làm lợi lạc cho toàn thể cộng đồng nhân loại, và rộng ra là tất cả thế giới này ta đang sống.

BỐN THÁNH ĐẾ

Đạo Phật làm gì để đóng góp vào sự truy tìm của nhân loại về hiểu biết tâm linh ?

Cội gốc của Phật pháp là lời dạy về bốn sự thật cao cả được các bậc Giác Ngộ nhận ra. Bốn sự thật đó là : bản chất của đau khổ, những nguyên nhân của nó, sự giải thoát khỏi hay sự dừng diệt của khổ, và con đường đi đến giải thoát như vậy.

Sự thật về khổ gợi ra chủ đề các mức độ khác nhau của khó khăn, không ưng ý và đau đớn mà chúng sanh chúng ta kinh nghiệm và chúng ta phải học để nhận ra. Thường thường chúng ta lầm lẫn khổ đau, nhất là trong các hình thức tinh vi, và nhận lầm nó như là thích thú và làm vui lòng. Khi bản chất của khổ đã được thấu hiểu, tâm có một tính cách bình thản với nó.

Bởi thế sau khi nói về khổ, đức Phật dạy về nguồn gốc, nguyên nhân của nó.

Trước hết chúng ta phải tự hỏi những trạng thái khổ không mong có mà chúng ta cảm nghiệm thì khởi sanh từ những nguyên nhân, hay chúng khởi sinh không có nguyên nhân. Thứ hai, nếu chúng có nguyên nhân và các nguyên nhân này có thể nhận diện, thì chúng có thể bị trừ diệt không ? Đây là những câu hỏi quan trọng.

Khi người ta thấy rằng thật sự có nhiều cách khác nhau để trừ diệt mọi nguyên nhân nội tại của khổ, người ta có được một xác tín vững chắc vào tiềm năng tâm linh của mình. Từ đây sinh ra một tâm thức nó sẽ làm việc để giải thoát.

Bởi thế đức Phật dạy sự thật thứ ba về sự dứt diệt, hay là giải thoát khỏi khổ.

Bằng cách hiểu rằng một trạng thái giác ngộ nội tâm hoàn toàn vượt khỏi đau khổ có thể phát sanh, người ta nhận định sự kiện rằng giải thoát là một điều gì được hoàn thành trong chính bản tâm, không nhờ ở vật nào khác. Một khi những nhiễm ô và lầm loạn của tâm mình được tẩy sạch trong tự tánh tối hậu của tâm, giải thoát được hoàn thành.

Như thế, chúng ta phải trau dồi những kỹ thuật giải thoát trong dòng tâm thức của chính mình và nhổ bật mọi yếu tố làm sai lệch và che chướng, như là sự bám níu và các vọng tưởng khác, chúng ảnh hưởng rất mạnh mẽ cách thế đời sống của chúng ta. Chúng ta phải đảo ngược lại các vọng tưởng thói quen sai lầm sanh ra từ sự hiểu sai thực tại, và thực hiện mức độ trong sáng bổn nguyên của tâm.

Ở đây ‘tâm trong sáng bổn nguyên’ ám chỉ tâm thức hoàn toàn nhổ sạch những thói quen của tâm thức hiểu sai lạc mọi đối tượng của hiểu biết.

Chúng ta sử dụng khả năng của mình để phá hủy từ bên trong chúng ta những thói quen vọng tưởng tri giác sự vật một cách sai lầm – thấy chúng khác với chúng thực là – bằng cách phát sanh sự thấu hiểu về thực tướng rốt ráo của thực tại hiện hữu.

Đức Phật dạy rằng bằng cách phát sanh sự thấu hiểu, trí huệ và thực tướng, và rồi thiền định về nó một cách nhất tâm, thì mọi hình thức vặn vẹo sai lầm của tâm thức bị hủy diệt.

NHỮNG TIẾP CẬN CHÂN LÝ

Thực tướng tối hậu của sự vật đã được giải thích bằng nhiều phương thức hợp với khả năng cá nhân và nhu cầu của nhiều loại đệ tử.

Lời dạy của Phật gợi ra những chủ đề cho bốn khuynh hướng khác biệt trong tư tưởng triết học. Ở Ấn Độ bốn khuynh hướng này phát triển thành bốn phái chính. Theo cách này đức Phật đã cung cấp một số con đường khác nhau cho tiến bộ tâm linh và giác ngộ. Người tu hành bắt đầu nghề nghiệp tâm linh của mình bằng sự thông thạo đầu tiên đạt được trong các phương pháp giản dị hơn, trước khi tiếp tục cái cao hơn.

Ở Tây Tạng chúng tôi nhìn bốn trường phái này, từ trường phái thấp lên các trường phái cao hơn, như là sự trao cho chúng ta những thể thức tâm linh và triết lý khác biệt mà người tu hành có thể hành trong một chuỗi định hướng liên tục, từ cái thấp đến cái cao.

Khi đặt vào cuộc thử nghiệm của lý trí, thì rõ ràng rằng một vài giáo lý quan trọng được các phái thấp chấp nhận không trụ vững với sự xem xét kỹ lưỡng có tính luận lý của một tra hỏi gắt gao. Một số các khuyết điểm then chốt trở nên rõ ràng.

Chúng ta phải luôn luôn dùng lý trí và tra hỏi như là những dụng cụ của chúng ta. Hãy khảo sát gắt gao mọi giáo huấn mà bạn nghe. Bạn phải phân biệt những cái nào để nhận trực tiếp, và những giáo lý nào thấp hơn do Phật ban cho để phù hợp với một thời gian và nhu cầu đặc biệt, và bởi thế cần sự giải thích.

Những giáo huấn nào khi được kiểm tra phát hiện ra những khuyết điểm về luận lý phải được tiếp cận theo cách cần phải giải thích không theo nghĩa đen.

Trong bốn trường phái của tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, sự diễn tả trực tiếp và bản tánh tối hậu của thực tại được tìm thấy trong Madhyamaka, phái Trung Quán. Cái bản tánh tối hậu này là một hiện tượng mà họ gọi là Tánh Không.

Bởi thế chúng ta sẽ cố gắng thấu hiểu lời dạy của phái này về bản tánh tối hậu của thực tại bằng cách cẩn thận nghiên cứu và thiền định về những truyền thống có thẩm quyền của nó.

NHỮNG PHƯƠNG PHÁP ỨNG DỤNG

Để có thể phát sanh những năng lực tâm linh bên trong đủ mạnh mẽ để hủy diệt các méo mó sai lạc của tâm thức, người ta phải có một phương pháp đầy quyền năng. Phương pháp đầy quyền năng này càng lớn, thì sự ứng dụng vào cái thấy tánh Không càng mạnh. Khi phương pháp của người ta mạnh mẽ, sự thiền định của người ấy trở nên rất nhiều năng lực và khả năng để hủy diệt các méo mó sai lạc về tâm thức và tâm linh được tăng cường thêm nhiều.

Căn cứ trên sự rộng lớn của các phương pháp được dùng, những giáo lý của đức Phật được chia thành hai thừa chính : Bồ Tát thừa và Thanh Văn thừa, thường được biết như là Đại thừa và Tiểu thừa.

Trong phương pháp Bồ Tát thừa, người ta thiền định rằng mọi sự mình làm đều vì lợi lạc cho các chúng sanh. Một khi hiểu được rằng mọi chúng sanh, cũng như chính mình, đều mong muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau, thái độ mang vác trách nhiệm vì an lạc của họ khởi lên. Thái độ này là một năng lực lạ lùng, kỳ diệu và can đảm nhất, quý giá hơn bất cứ điều gì khác trong đời sống.

Khi người ta dùng nó như là một nền tảng cho thiền định của mình về cách thế tối hậu của sự vật, những năng lực hủy diệt vọng tưởng dễ dàng được trau dồi.

Những phương pháp thiền định về nguyện vọng vị tha và đại bi này hướng đến giác ngộ tối thượng cộng hợp với thiền định về tánh Không như được giải thích trong các đại trước tác của Đại thừa là gì ?

Chúng được xếp hạng theo mức độ tâm thức thô hay tế đang thực hành thiền định. Những yếu tố như tính vi tế, sức mạnh và bản chất của tâm… ảnh hưởng mạnh mẽ vào kinh nghiệm cái thấy tánh Không của một người.

Sao thế ? Những mức độ thô của tâm thức không tạo ra kinh nghiệm về tánh Không nhanh chóng như tâm thức tế ; và tâm thức thô hoặc tế đi vào thiền định trên nền tảng của sự kết hợp giữa phương tiện và trí huệ cũng tác động ảnh hưởng đến hiệu quả của thiền định. Một thiền định trong đó phương tiện và trí huệ không được kết hợp sẽ không sản sanh ra những kết quả to lớn. Khi tâm thức chìm đắm vào phương tiện và trí huệ kết hợp, thiền định về tánh Không sẽ rất hiệu quả.

Theo các phái Phật giáo chấp nhận sáu lãnh vực của tâm thức (năm thức thuộc về giác quan cùng với ý thức thuần túy), có một mức độ thô hoặc bình thường của tâm thức có thể thực hành thiền định về tánh Không trên nền tảng phương tiện và trí huệ kết hợp có thể thực hành thiền định ấy. Một khi người ta đã trau dồi một mức độ vi tế của tâm thức được thúc đẩy bởi nguyện vọng lớn rộng về giác ngộ tối thượng và áp dụng nó vào sự chứng ngộ tánh Không, thiền định trở nên cực kỳ mạnh mẽ và có thể tức thời hủy diệt kẻ thao túng hủy hoại trong tâm thức.

CON ĐƯỜNG MẬT THỪA

Chúng ta có thể tìm thấy ở đâu những thực hành với các mức độ thô và tế của tâm thức để diệt trừ vô minh nhờ tính bất phân chia của phương tiện và trí huệ ? Điều này dẫn đến chủ đề các tantra Phật giáo.

Theo Tantra của hai Hình Thức (của vòng Hevajra) có bốn loại tantra : kriya, charya, yoga và tối thượng yoga. Kalachakra thuộc về loại thứ tư.

Trong ba loại tantra thấp, người ta phát sanh một tâm thức thô hỗn hợp cả phương tiện và trí huệ, và rồi thiền định về tánh Không.

Những kỹ thuật yoga để đem vào những mức độ mạnh mẽ và vi tế của tâm thức tập trung trong thiền định sanh ra từ sự bất khả phân của phương tiện và trí huệ chỉ được tìm thấy trong các bản văn của yoga tantra tối thượng.

Để phát sanh, vận hành mức độ vi tế này của tâm thức, người ta trước tiên phải trục xuất sự dao động của mức độ thô của tư tưởng ý niệm. Nhiều phương pháp để thực hiện mục đích này đã được dạy.

Một phương pháp như thế được tìm thấy trong các yoga tantra tối thượng bao gồm việc làm dừng lại những phóng ảnh lừa dối của tư tưởng ý niệm nhờ vào việc đưa vào kinh mạch những năng lực sinh hoạt của hệ thống thần kinh. Trong một phương pháp thứ hai, người ta cắt đứt những chuyển động của tư tưởng ý niệm và thâm nhập vào thiền định hoàn toàn vô ý niệm để trục xuất các yếu tố làm méo mó hư hỏng tâm thức.

TRUYỀN THỐNG KALACHAKRA

Một số các tiếp cận khác nhau đến con đường yoga này đã được trình bày. Ở đây tôi sẽ nói ngắn gọn về những kỹ thuật thiền định trong truyền thống Kalachakra, nó thuộc về loại yoga tantra tối thượng. Nó là một hệ thống tantra với vài tính cách độc nhất.

Tổng quát, các hệ thống yoga tantra tối thượng có hai loại : các tantra ‘chôn dấu’ như là Guhyasamaja, và các tantra ‘rõ ràng’ như là Kalachakra.(1) Sự khác biệt giữa hai loại nằm trong sự nhập môn thứ tư. Trong các tantra chôn dấu sự nhập môn thứ tư được biểu hiện theo một cách thức rất dấu kín hay che đậy, trong khi các tantra rõ ràng nó được trình bày công khai.

Dầu cho căn bản mọi hệ thống riêng biệt trong những yoga tantra tối thượng đều sâu xa như nhau, chúng đều có riêng sự tiếp cận làm cho chúng hiệu lực hơn như một thực hành phù hợp với tính chất đặc biệt của cá nhân hành giả, với khuynh hướng nghiệp quả của họ vân vân. Nếu một người thực hành hệ thống yoga tantra tối thượng thích hợp nhất với hoàn cảnh cá nhân, hiệu lực sẽ rất mạnh mẽ hơn là thiền định về hệ thống khác của cùng một loại tantra.

Thật quan trọng khi hành giả đi vào một hệ thống phù hợp cho ông ta hoặc bà ta. Hiển minh điều này bằng ví dụ, một người bệnh dùng một phương thuốc thích hợp với bệnh trạng đặc biệt và với điều kiện tổng quát của thân tâm ông ấy và bà ấy. Cũng thế, mọi hệ thống trong các yoga tantra tối thượng đều mạnh mẽ như nhau, nhưng có một sự khác biệt giữa chúng trong cách áp dụng vào hoàn cảnh thân xác, tâm lý và nghiệp quả của cá nhân hành giả.(2)

Điều này rõ ràng theo những cách thức khác nhau mà người ta kinh nghiệm những biểu lộ của tâm thức và những năng lực vi tế, như là các cái thấy khói… vào lúc chết.

Con đường yoga của Kalachakra cung cấp một phương tiện rất đặc biệt cho những ai có thân thể, tâm thức và những bẩm chất nghiệp quả chân chánh. Những phẩm tính đặc biệt này trở nên rõ ràng sau khi một người đã hoàn thành giai đoạn phát sanh quán tưởng và đi vào giai đoạn thành tựu không tạo tác. Lại nữa, ở đây hệ thống Kalachakra phát lộ một trình bày độc nhất về sáu yoga chúng tạo thành giai đoạn thành tựu.

Bàn luận về các yoga của giai đoạn phát sanh của Kalachakra chúng làm cho chín và trưởng thành tâm thức chuẩn bị cho giai đoạn thành tựu, truyền thống đề cập đến chủ đề ba Kalachakra : bên ngoài, bên trong và thay thế.

Kalachakra bên ngoài gồm các nguyên tố của vũ trụ trong đó chúng ta đang sống. Kalachakra bên trong là các uẩn tâm lý, các khả năng giác quan và tâm linh của con người và vân vân. Thứ ba, Kalachakra thay thế là con đường của các yoga giai đoạn phát sanh và giai đoạn thành tựu, các phương pháp yoga có năng lực làm trong sạch, tịnh hóa hai Kalachakra ở trên.

Kalachakra bên ngoài thường được giải thích là vũ trụ này. Và khi người ta thiền định về mạn đà la, Kalachakra bên trong được thấy như thân thể, các mặt, tay, chân… (của Kalachakra và Phối Ngẫu), cũng như các hóa thần bao quanh của mạn đà la, được hình dung như các biểu tượng các sao, hành tinh, chòm sao… Từ đây chúng ta có thể biết rằng Kalachakra có một liên quan đặc biệt với tất cả sinh thể của hệ thống thế giới này.

DÒNG PHÁI KALACHAKRA

Từ quan điểm nhân vật thỉnh cầu để giáo lý Kalachakra được bày tỏ, khác với các tantra khác, Kalachakra được dạy theo lời thỉnh cầu của Suchandra, vị lãnh đạo tâm linh của xứ sở thần thoại Shambala.

Truyền lại rằng để làm lợi lạc cho dân chúng của chín mươi sáu miền đất nước mình, Suchandra đã đến Ấn Độ và thỉnh cầu một giáo lý như thế từ đức Phật. Bởi thế Kalachakra có một liên quan đặc biệt với Shambala.

Từ Suchandra dòng phái được truyền xuống qua một dây bảy vị lãnh đạo tâm linh, bắt đầu bằng chính Suchandra, và hai mươi mốt đạo sư kalkin, bắt đầu bằng Manjushri Yashas. (Chúng ta đang trong thời kỳ của kalkin thứ hai mươi mốt.) Trong thời của vị kalkin thứ hai mươi lăm tới đây, sự liên hệ đặc biệt mà con người trên trái đất này chia xẻ với Kalachakra sẽ biểu lộ mạnh mẽ trong các biến cố thế giới.

Tổng quát, hệ thống Kalachakra cũng giống như các yoga tantra tối thượng khác, dành cho những hành giả có khả năng cao cấp nhất. Tuy nhiên, bởi vì những nhận định trên, ở Tây Tạng có truyền thống ban truyền sự nhập môn một cách công khai cho những nhóm rất đông người.

Dù cho Shambala là một nơi chốn ở đâu đó trên hành tinh này, nó là một nơi chốn chỉ có thể thấy được bởi những ai tâm thức và thiên hướng nghiệp quả trong sạch. Đó là lý do tại sao nó ẩn dấu với thế giới thông tục.

Đức Phật dạy tùy thuận với bẩm chất khuynh hướng tâm thức và các phẩm chất hiện hữu trong hành giả. Thường nói rằng với người tu hành thông thường, Ngài dạy những con đường Thanh Văn và Bích Chi Phật, tức là những con đường của bậc Nghe Hiểu và Độc Giác ; và đối với những hành giả có bẩm chất nghiệp quả lớn mạnh hơn, Ngài dạy Bồ Tát thừa, hay Đại thừa tổng quát. Cuối cùng, đối với số ít có tiềm năng và khả năng cao tột, Ngài dạy Mật thừa, cũng được biết với tên là Kim Cương thừa. Ở đây Ngài biểu lộ trong nhiều hình tướng khác nhau, đôi khi như một vị tăng và đôi khi như một hóa thần Mật thừa, để dạy ba loại thấp của bốn loại tantra. Rồi trong hình tướng của các hóa thần mạn đà la khác nhau của sự kết hợp không thể phân chia của phương tiện và trí huệ, Ngài dạy các yoga tantra tối thượng.

Bởi vì các giáo lý này được ban cho trong các biểu lộ huyền bí của đức Phật cho những người đang ở trong các trạng thái siêu xuất của nghiệp trong sạch và tri giác trong sạch, không có vấn đề một tantra đặc biệt nào có được thuyết giảng trong cuộc đời của đức Phật lịch sử hay không.

Tuy nhiên, thật sự Tantra Kalachakra Gốc đã được chính Phật Thích Ca Mâu Ni đưa ra trong cuộc đời ngài tại thế gian.

Người nhận chính thức sự giảng dạy Kalachakra nguyên thủy của đức Phật là Suchandra của Shambala, đã chép lại (thành Tantra Kalachakra Gốc) và cũng tạo một luận giảng về nó, có tên là Một Giảng Luận về Tantra Gốc. Sau này Manju Yashas, vị đạo sư kalkin thứ nhất, tạo ra một bản rút gọn gọi là Tantra Kalachakra Rút Gọn. Con của Manjushri Yashas và là người truyền thừa, Kalkin Pundarika, tạo ra một minh giảng rộng về Tantra Kalachakra Rút Gọn, có tên là Đại Giảng Luận : Ánh Sáng Không Vết Mờ.

Sau đó kiến thức về hệ thống yoga và triết lý của truyền thống Kalachakra trở nên phổ biến khắp Shambala.

Về sau Chilupa, một đạo sư từ đông Ấn đến Shambala để tìm kiếm các giáo lý Kalachakra. Trên đường đi ngài gặp một hóa thần của Bồ tát Văn Thù, và nhận được từ ngài sự nhập môn, kinh văn, giảng giải và khẩu truyền về hệ thống Kalachakra.

Chilupa truyền dòng cho đạo sư sinh ở Bengal nổi tiếng là Pindo Acharya. Theo cách này Kalachakra được truyền bá ở Ấn Độ do các đạo sư nổi danh như Kalachakrapada Anh ; Kalachakrapada Em ; hiền giả Nalanda là Manjukirti ; vị tăng Tây Tạng Sangyey Yeshey đến từ tỉnh Kham của Tây Tạng, dựng lập hệ thống thứ bậc của tu viện Bodh Gaya,(3) và trở thành trụ trì của tu viện ; và pháp sư Nepal Samanta Shribhadra.

Theo cách đó dòng phái dần dần được lan rộng khắp Ấn Độ và Nepal.

Truyền thống Kalachakra đến Tây Tạng theo nhiều dòng truyền thừa. Một dòng quan trọng nhất là của thiền giả Tây Tạng Rva Chorab, người đã đến Nepal để học giáo lý Kalachakra với Samanta Shribhadra. Sau này ngài mời vị thầy này đến Tây Tạng, ở đó họ dịch nhiều kinh văn chính liên quan đến Kalachakra. Rva Chorab truyền dòng cho đệ tử chính là Rva Yeshey Sangyey, và sau đó truyền đến Buton Rinchen Druppa. Một dòng quan trọng khác là của Dro Lotsawa, nó cũng truyền đến Buton. Buton kết hợp và truyền hai dòng này, cũng như hệ thống hóa và minh giải truyền thống như một tổng thể thống nhất.

Như thế dòng đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cho đến ngày hôm nay.

THAM DỰ MỘT LỄ NHẬP MÔN KALACHAKRA

Những thiền định cao cấp của truyền thống Kalachakra chỉ có thể thực hành bởi một ít tuyển chọn. Nhưng vì các biến cố của quá khứ và tương lai, và để thiết lập một tương quan nghiệp quả vững mạnh với Kalachakra trong tâm của dân chúng, bây giờ có truyền thống ban sự nhập môn cho quần chúng đông đảo.

Sau đây là những phẩm chất của một người muốn nhận sự trao truyền Kalachakra để thực hành cụ thể.

Phẩm chất thứ nhất là Bồ đề tâm, nguyện vọng đạt đến giác ngộ tối thượng vì người khác, nó yêu thương người khác hơn chính mình. Ở đây nói rằng một đệ tử tốt nhất thì an trụ trong một kinh nghiệm chân thật về tâm cao cả này ; đệ tử trung bình có một thoáng thấy ít ỏi về tâm ấy trong những thiền định ; đệ tử thấp thì ít ra cũng có một thích thú và quan tâm phát triển nó.

Phẩm chất thứ hai là sự tu hành về cái thấy thấu suốt đặc biệt, nghĩa là kinh nghiệm của người đó về tánh Không. Ở đây nói rằng đệ tử tốt nhất có một kinh nghiệm không biến dạng về bản tánh của thực tại tối hậu như được giải thích trong phái Trung Quán hay Duy Thức của tư tưởng Đại thừa ; đệ tử trung bình có một hiểu biết đúng đắn căn cứ trên nghiên cứu và lý trí tổng quát ; và đệ tử thấp nhất phải ít ra có một thích thú mạnh mẽ và quan tâm vào sự học hỏi những quan điểm triết học của một trong hai phái đề cập ở trên.

Thêm vào đó, một đệ tử tìm cầu sự nhập môn Kalachakra phải có một thiện cảm và quan tâm vào truyền thống Mật thừa đặc biệt này. Mục đích của nhập môn là gieo trồng những hạt giống nghiệp đặc biệt vào trong tâm của người nhận ; nhưng nếu anh hay chị ấy không có trước một sự khai phóng sanh từ một mức độ căn bản của quan tâm thuộc về tâm linh, sẽ rất khó khăn để cho các hạt giống có một tác động nào.

Với người mong được tham dự một lễ nhập môn chỉ như một sự ban ơn để thiết lập một tương giao với dòng Kalachakra, sự nhập môn có thể được ban cho trên căn bản này cho những ai tán thưởng và quý trọng cơ hội. Người tham dự chỉ trong chiều hướng đó nên tưởng rằng không phải đảm nhiệm những thề ước hoặc các giới luật của hệ thống, như là các điều luật Bồ tát đạo hay Mật thừa. Hơn nữa, họ nên cảm thấy rằng họ chỉ hiện diện vì mục đích hưởng thụ sự hứng khởi tâm linh mà biến cố cung cấp cho.

Ngay nếu một người có nhiều niềm tin hơn trí huệ, và không hiểu những nguyên lý của con đường kết hợp phương tiện và trí huệ như đã giảng ở trên, những hạt giống của sự nhập môn có thể vẫn được gieo trồng chắc chắn trong dòng tâm thức của một người tu hành nếu anh hay chị có một căn bản nhỏ bé của niềm tin tâm linh.

Bởi thế đây là phẩm chất tối thiểu được đòi hỏi để tham dự sự nhập môn Kalachakra. Người ta phải có ít ra một phần nhỏ sự quan tâm, thích thú tâm linh, ngay dù người ta không phải là một hành giả chính thống.

TRAU DỒI MỘT SỰ THỰC HÀNH HÀNG NGÀY

Với người tham dự lễ nhập môn và mong muốn trau dồi một sự tu hành hàng ngày, thông thường là bắt đầu bằng cách thực hành phương pháp guruyoga có sáu thời. Có một số bản văn về loại này. Cách thực hành này trình bày một ôn duyệt lại rõ ràng các điểm quan trọng trong các yoga giai đoạn phát sanh của con đường Kalachakra, trong bối cảnh một sự cầu nguyện và thiền định guruyoga. Các thực hành loại này được gọi là ‘các yoga sáu thời’ vì chúng được đọc tụng và tham thiền ba lần ban ngày và ba lần ban đêm. Nếu điều ấy không thể thực hiện được, người ta phải cố gắng đọc tụng và thiền định về guruyoga ít ra là một lần trong ngày, hòa hợp ý nghĩa của kinh văn với dòng tâm thức của mình.

Đó là cách chúng ta bắt đầu sự tu hành của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không giới hạn sự thực hành của chúng ta ở mức độ cố gắng thuần túy này. Để hoàn thành tốt nhất mục đích của nhập môn, chúng ta sẽ dùng một phương pháp guruyoga sáu thời làm căn bản cho thiền định hàng ngày và rồi tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác, chúng ta sẽ cố gắng mở rộng thường trực tâm thức trong sự hiểu biết do thực hành.

Lúc bắt đầu chúng ta phải nghiên cứu cho sâu bản tánh của con đường Kalachakra, các yoga của giai đoạn phát sanh và giai đoạn thành tựu, chú trọng đặc biệt vào những mặt nào chúng ta thấy khó hiểu nhất. Thế rồi, đã nghe và tư duy về các lời giảng dạy, chúng ta cố gắng làm phát sanh sự chứng ngộ, thấu hiểu vào chúng bên trong dòng hiện sinh mình.

Như giải thích ở trên, hiện giờ tâm thức chúng ta bị trói buộc bởi các cách thế thói quen của tri giác, những cách thế làm biến dạng và nhiễm ô. Chúng ta phải giải tan các mô thức nhiễm ô ấy của tư tưởng và sự kết cấu sai lầm này vào trong thực tại Pháp giới, bản tánh của tánh Không.

Hoàn thành công việc ấy là chúng ta làm tròn một cách tự động những mục đích của Phật pháp, của Đại thừa, của Kim Cương thừa, của yoga tantra tối thượng, của sự đã nhận được nhập môn Kalachakra.

Dù cho con đường đến giác ngộ là một cái gì khó đảm nhận, nó thật là xứng đáng. Bởi thế, người khôn ngoan tự tùy thuận với nó một cách cương quyết, dũng mãnh.

Xem mục lục